Những Niềm Ước Mơ Trong Góc Cạnh Của Cuộc Đời

tạp ghi
Thu Nga
Tôi làm một chuyến viễn du vào lúc đầu mùa xuân, cây cỏ đang mặc dần áo mới. Trời không lạnh cũng không nóng. Mặt trời tươi rói tỏa ánh nắng rực rỡ lên vạn vật đang vươn mình sau một giấc ngủ dài của thời tiết giá băng.
Chưa đến Tacoma mà tôi đã hình dung ra được tiếng khóc ‘’oa oa’’ rất dễ thương của đứa cháu nội đầu lòng. Tiếng khóc sao mà quen thuộc, tôi tưởng nghe như tiếng khóc của đứa con trai lớn của tôi - mà nay nó đã lên chức ‘’cha’’ rồi - mới xảy ra ngày hôm qua mà thôi. Thời gian trôi mau thật!Thấm thoát cây lá đã đổi màu đi đổi màu lại 22 lần rồi. Và niềm ước mơ một ngày nào thật sự có thanh bình trên đất nước thân yêu cũng chưa có được. ‘’Mơ ước chỉ là ước mơ thôi’’. Một cái mơ ước tuy nhỏ nhoi nhưng cũng rất khó thực hiện ở xứ sở này,là nuôi con cái trưởng thành, cưới vợ, gã chồng có dâu rễ cùng chủng tộc, rồi nào là ‘’tam đại đồng đường’’ sao mà xa vời quá. Con cái ở bên này lớn lên, đi học xa, ít khi về nhà thăm cha mẹ. Một ngày nào đẹp trời ‘’công thành danh tọai’’, bỏ cha mẹ ra đi theo tiếng gọi của con tim. Cha mẹ già thui thủi một mình không ai phụng dưỡng. Niềm ước mơ ‘’trẻ cậy tra, già cậy con’’ như không có chỗ đứng trong cái xã hội văn minh này.
Nghĩ lan man mà đã tới phi trường lúc nào không hay. Thời tiết đang giao mùa, bởi vậy trong phi trường, kẻ thì đã bận áo thun, quần đùi của mùa hè, người lại vẫn thùm thụp quần chùng, áo dài của mùa đông. Ông đi qua, bà đi lại rầm rập. Ai cũng có vẻ hối hả, nôn nóng, tay xách nách mang chờ người xướng ngôn mời lên phi cơ.
Trời tốt, máy bay lại cất cánh đúng giờ nên gần đúng 4 tiếng là đến phi trường Sea/Tac (Seatle and Tacoma). Lúc máy bay hạ cánh lỗ tai tôi hơi lùng bùng một tí, nhớ lại lời mấy người bạn nói muốn lỗ tai không đau thì nhai kẹo cao su hoặc nín thở một vài giây là hết. Tôi thì không thích nhai kẹo cao su, nên không mang theo. Rán nhịn thở như tập Yoga, nhưng không thấy đỡ tí nào. Tôi ngồi ở bên đường đi nên khi muốn nhìn ra coi cảnh vật bên ngoài phải hơi nghiêng người qua bên phải mới thấy, vì dãy ghế tôi ngồi có 3 ghế, ghế giữa không ai ngồi, cái ghế bên cửa sổ là của một anh chàng người Tàu. Anh này khi máy bay vừa cất cánh là bắt đầu ngủ ngay, tới giờ ăn cô chiêu đãi viên phải kêu giậy. Vì vậy, khi tôi hơi nghiêng qua bên phải để nhìn thì cũng không khó chịu gì mấy, chỉ có cái cổ thì hơi mỏi thôi.
Phi cơ càng lúc càng hạ thấp hơn, tới phi trường lúc gần 2 giờ chiều. Trời khá đẹp. May quá. Tôi nghe con tôi nói ở đây mưa hoài, hầu như hàng ngày. Hôm nay trời quang, mây tạnh. Qua khung cửa sổ của phi cơ, những hàng thông xanh dài ngút mắt hiện ra bên dưới. Và rực rỡ giữa những hàng cây xanh là những cây hoa vàng như hoa mai rừng vùng nhiệt đới của chúng ta. Hoa vàng nhiều không thể tả, mấy ngày ở đây, tôi đã thấy rất nhiều không những chỉ hai bên rừng mà hoa vàng còn được trồng đầy trong các vườn nữa. Ðó là cây forsythia.
Bên cạnh những cây thông cao vút tận trời, reo vui trong gió mới, cũng có vô số cây bị ngã nằm ngổn ngang. Thì ra ở đây, ngay cả cây thông (mà chúng ta đã ví như người quân tử ‘’cây tùng, cây bách’’, luôn luôn đứng sừng sững, hiên ngang trước giông bão) cũng không chịu nổi những trận mưa dai dẳng, nhất là khi trời có bão tuyết, tuyết đọng nặng trĩu trên cây, rồi mưa xuống, cây không chịu nổi sức nặng của tuyết đang bị mưa kéo xuống đất nên cành lá gãy lìa, và cả gốc cây cũng đổ nhào xuống đất. Nhân cho tôi biết, sau kỳ bão tuyết tháng 12 vừa rồi, nhiều cây đã bị phá hủy. Khi đi làm về, Nhân phải đợi người ta quét dọn những cây chắn đường đi, vì nơi Nhân ở phải đi qua một rừng thông.
Cái háo hức của tôi là đây: đứa cháu nội tên Patrick. Bé nhỏ xíu như một con búp bê biết cử động, con búp bê biết cười, biết khóc. Tiếng khóc kéo thêm nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ lại căn nhà gạch xinh xắn của ba mạ tôi ở Tuy Hòa, khi tôi về sanh đứa con đầu lòng. Ðứa cháu đầu lòng làm cả nhà không ai chợp mắt khi nó quấy rầy. Ba tôi, mạ tôi, anh tôi và chính tôi thay phiên nhau ẵm bồng ru ngủ. Nhà tôi ở tận Pleiku. Tiếng khóc của Patrick sao mà giống thế. Khuôn mặt của bé cũng giống nữa. Ẳm cháu trên tay tôi ngậm ngùi mơ ước ba mạ tôi còn sống để nhìn thấy chắt của các người. Chú bé Patrick nửa Việt nửa Mỹ này quấy không thua gì ba nó. Chúng tôi thay phiên nhau ẵm nó, rồi vừa ẵm vừa coi TV cả ngày, có lúc cả ban đêm, hoặc lúc gần sáng cũng có. Tôi cười nói với dâu con, mẹ chưa bao giờ coi nhiều ‘’news’’ như vậy cả.
Sáng ngày thứ tư 27 tháng 3, tôi từ phòng ngủ đi ra, đã thấy đứa con dâu, Kim, ngồi đó, dĩ nhiên là đang ẳm cháu Patrick, nói:’’má à, con coi news hồi sáng hôm nay thấy có 39 người tà đạo (cult) tự tử để được những người ngoài hành tinh đón họ về một nơi tốt đẹp hơn’’. Từ đó, đài CNN liên tiếp nói về cái tin giật gân này. Mà giật gân thiệt. Tôi thắc mắc không biết những người này đã nghĩ gì, đã thấy gì để họ có thể tin tường một cách mãnh liệt như vậy? Và cũng vì tin tưởng một cách mãnh liệt nên họ đã không ngần ngại sửa soạn một cái chết chu đáo. Ðúng là ‘’coi cái chết nhẹ tựa lông hồng’’. Ðối với họ ‘’sống gởi, thác về’’ nên họ bình thản ra đi không luyến tiếc. Trước khi 39 người vĩnh viễn ra đi, họ cùng với người ‘’leader’’ đã để lại hình ảnh và những lời nhắn nhủ rất nghiêm túc, là họ đi đến một nơi có đời sống cao hơn đời sống hiện tại. TV đã chiếu một cái họa đồ của họ: thấp nhất là cây cỏ, rồi tới súc vật, rồi tới loài người, người thì có hai loại: một bên người thường, một bên là những người theo nhóm phái ‘’Heaven’s Gate’’, rồi ở cao hơn gọi là người ngoài không gian, và đó là nơi mà 39 tín đồ đó nghĩ rằng họ sẽ đến sau cái chết.Bên cạnh những tử thi được săn sóc một cách cẩn thận người ta đã khám phá ra cái công thức thuốc ngủ rất hiệu nghiệm của họ:’’dùng pudding hay là applesauce trộn với phenobarbital, một loại thuốc phiện, chiêu thêm một ngụm volka, nằm xuống nghỉ ngơi rồi đi tàu suốt.15 người đầu tiên đi cùng một ‘’chuyến tàu’’, rồi tới 15 người kế tiếp đi ngày kế, rồi số người còn lại đi ngày kế, nhóm sau hoàn tất cho nhóm trước bằng cách sắp đặt tử thi một cách ngay ngắn, người nào có gương đeo mắt được tháo ra đặt bên cạnh, mặt được phủ bằng một cái khăn chéo màu tím than. 2 người cuối cùng thì trên đầu được phủ bằng bao plastic để chết cho nhanh, theo kịp những người kia. Tất cả 39 người, tuổi từ 26 đến 72 đều mặc một bộ quần áo đen giống nhau, chân mang đôi giày Nike màu đen mới tinh chưa lấm đất. Rất khó nhận diện được ai là đàn ông, ai là đàn bà vì tất cả những người này đều cắt tóc ngắn. Người leader của đạo Heaven’s Gate có tên là ‘’Do’’. (Lúc mới nghe news, chưa thấy mặt ông ‘’Do’’, tôi lo lắng nghĩ thầm :’’mẹ ơi, không biết thằng ‘’Do’’ này có bà con gì với ‘’Ðỗ’’của mình hay không. Té ra ông ‘’Do’’ lấy bà ‘’Ti’’ này không có họ hàng gì với mình cả mà chỉ là ‘’nick name’’của họ mà thôi. Trước đây ông Do và bà Ti này có tên là ‘’Bo’’ và ‘’Peep’’, thỉnh thoảng chàng đổi tên thành Tiddly còn nàng là wink, rồi lại có lúc chàng tên Winnie nàng làm Pooh. Tên thật của ông đạo là Marshall Herff Applewhite và bà vợ là Bonnie Lu Trusdale Nettles. Hai người này tự coi mình là ‘’The Two’’, họ cho mình từ một thế giới khác đến, có nhiệm vụ kêu gọi và hướng dẫn những người tin khác, từ bỏ gia đình vợ con, bỏ cả cái giống đực giống cái của mình đi, để đi đến một thế giới cao hơn mà ‘’space ship’’ của UFO đã được trang bị sẵn sàng và nó đang núp sau cái đuôi của sao chổi Hale-Popp. Từ khi người bạn đưòng ‘’Ti’’ đi về thiên đường trước với cái bệnh ung thư gan, vào năm 1985, ông ‘’Do’’ vẫn tiếp tục đi nốt con đường đã định của 2 người: rao giảng ‘’đường về tiên cảnh’’ để thu nhận tín đồ thêm đông.Tôi cứ không hết thắc mắc, họ đã thấy cái gì, nghe cái gì mà để họ tin tưởng một cách tuyệt đối và đi tìm một cái chết bình thản như vậy. Không bình thản sao được khi mỗi người đều có một cái túi hành trang bên cạnh chân giường, trong túi lại có 5 đồng đô la và một cuộn bạc cắc 25 xu! Rác rưởi trong nhà đã được dọn kỹ ra sau hè. Chắc chắn niềm mơ ước của họ phải vĩ đại và tuyệt đối lắm nên họ, một số lớn đàn ông trong nhóm cùng với ông đạo ‘’Do’’ đã được ‘’thiến’’ (không biết từ lúc nào, nhưng trước khi tự tử), để không còn phân biệt được giống ‘’cái’’, giống ‘’đực’’ nữa. Bây giờ họ đã ở đâu, cái gì sau cái chết của họ? Niềm mơ ước của họ có thành sự thật không? Họ có thật sự được spaceship đón họ về một ngôi sao nào đó, hay họ từ cát bụi lại chỉ trở về cát bụi? Có người gọi họ là đồ điên, có người nhún vai ‘’biết đâu được’’, còn người tài tử trong phim ‘’Star Trek’’, có người em trong nhóm 39 người, thì nói:’’Tôi tôn trọng cái gì mà em tôi đã chọn’’. Dầu sao thì họ cũng đã rất can đảm đi tìm cái niềm mơ ước của họ. Nhưng trong một ngày khác, tin tức cho biết ông đạo ‘’Do’’ đã tiết lộ với các con chiên của ông rằng ông đang mắc bệnh ung thư và sắp ‘’tiêu diêu miền cực lạc’’. Do đó, có người suy luận các tín đồ của ông thấy họ không có thể sống được khi người lãnh tụ của họ chết đi, nên họ mới quyên sinh? Nhưng khi giảo nghiệm tử thi, bác sĩ không thấy ông này mắc căn bệnh hiểm nghèo đó. Rồi một đoạn khác họ chiếu cuộc phỏng vấn một anh bán ống viễn vọng kính, anh cho biết, nhóm người này đã đến tiệm của anh mua một cái viễn vọng kính để nhìn cho rõ cái spaceship nhưng họ không thấy gì cả. Chắc thất vọng nên họ trả ống kính lại cho anh? Phần đông những tín đồ đã nói những lời tin tường mãnh liệt về một đời sống cao hơn sau khi họ chết, nhưng cũng có một người đàn bà tâm sự không được hăng hái lắm là :’’tôi không có cách chọn lựa nào khác hơn cả., đời sống này không cho tôi cái gì cả...’’. Tin cuối cùng khi tôi rời Tacoma là cái tòa biệt đáng giá hơn 1 triệu (tiền thuê nhà hàng tháng mà 39 người cùng đóng góp là 10 ngàn một tháng), đã được 2 người đòi mua. Sau khi mua, họ sẽ san bằng để xây nhà khác. Tôi lại rùng mình nhớ đến chuyện ma. Không biết sau này, ngay sau khi phá nhà xây nhà khác, không biết hồn 39 con ma có hiện ra phá rối chủ mới hay không. Biết đâu chừng 39 người đã lên thiên đàng thật rồi và đang mỉm cười thương hại cho những người trần mắt thịt không tìm ra chân lý và không theo chân lý họ đã tìm. Tôi cứ lải nhải:’’I really wan to know where they are now?’’. Một cô bạn mỹ trong sở nháy mắt:’’Dead. For sure’’.
Ðã nói chưa bao giờ tôi coi nhiều tin tức như vậy trước khi bồng thằng bé Patrick trên tay dỗ nó ngù. Từ tin O. J. Simpson bị thua kiện đến 33 triệu, cái gì cũng bị xiết, cấn nợ, đến tin bà Tổng Thống Clinton cùng con gái viếng thăm Phi Châu, tin lụt lội, bão tuyết ở các tiểu bang Philadelphia, Michigan, New York...tin con trai ông Luther King, sau 29 năm, mặt giáp mặt can phạm giết cha mình để hỏi câu:’’ông đã giết cha tôi phải không’’, người đàn ông nhìn thẳng vào mặt ông King con nói:’’không, tôi không có giết cha ông’’. King con nói:’’tôi tin ông, gia đình tôi tin ông, và tôi cũng tin rằng công lý sẽ thắng’’.
Tối thứ sáu, Nhân thấy tôi hơi ‘’bored’’, nó hỏi sao má không nói ba đi tìm điện thoại của mấy bác ở trên đây, con chở má đi thăm, nếu không mấy bác có thể chỉ đường đi đến các phố chợ Việt Nam, con tìm đường đến đó cũng được. Vậy mà có lý. Tôi còn nhớ một cặp vợ chồng bạn rất thân ở sát vách trong trung tâm điện ảnh nhưng tôi mất liên lạc đã lâu. Nhà tôi phải gọi ‘’tứ xứ’’ mới tìm ra được.
Sáng thứ bảy, hôm sau, chúng tôi để bé Patrick vào xe đẩy đi ra công viên gần nhà để lượm trứng Easter. Patrick diện một bộ đồ có những con gà con dễ thương như bé. Giờ này đứa cháu nội dễ thương của tôi đang thức. Nó ngoan ngoãn nằm im trong xe. Công viên đã đầy những bậc cha mẹ đem con cái đến gặp nhau trong ngày lễ lớn. Có hai công viên gần nhau, một bên cho con nít từ mới đẻ cho đến 2 tuổi, bên kia cho các trẻ từ 2 tuổi trở lên. Patrick được một chú bé một tuổi, lượm được cái trứng xanh, đặt vào xe đẩy cho bé. Ðó cái trứng Lễ Phục Sinh đầu đời của Patrick.
Lúc về nhà tôi gọi hẹn gặp ông bà Chuẩn tại khu phố Tàu ở Seattle. Bà Chuẩn nhận ra tôi trước khi tôi nhìn thấy bà. Trời ơi, 22 năm rồi mới gặp. Bạn tôi cũng nét đẹp quý phái đó, tuy có ‘’tra trắng’’ đi một ít. Ông Chuẩn thì mập ra, gương mặt tròn ra, chứ không có góc cạnh như hồi xưa. Tuy vậy 2 nụ cười trên 2 khuôn mặt quen thuộc thì không có gì thay đổi. Ông bà Chuẩn đãi mẹ con tôi một màn bún chả Hà Nội ngon không thể tưởng tại nhà hàng Caravel, cách đó không xa, gần khu phố Phước Lộc Thọ. Nhân thì sau khi ăn bún xong, quất thêm một tô bánh canh và khen ngon rối rít. Bà Chuẩn còn chu đáo gọi thêm một tô bún tôm thịt nướng để Nhân đem về cho vợ. Ăn xong ông bà Chuẩn bảo Nhân cứ đi về một mình để mẹ lại bác ‘’take care’’, ngày may, chủ nhật buổi chiều, con đến ngay tại chỗ cũ đón mẹ.
Trước khi đi về Bellville, nơi ông bà ở, ông Chuẩn đi ngược lại để bà Chuẩn và tôi đi chợ. Chợ khá to, một bên bán thực phẩm, một bên là gian hàng quà tặng. Tôi chọn 4 ông điạ thật đẹp để làm kỷ niệm, hơn nữa tôi ‘’collect’’ ông Ðịa mà, trong khi bà Chuẩn đi mua thức ăn trong tiệm Viêt-Wah (Ở đây có tiệm Viêt-Wah nhỏ và tiệm Viêt-Wah lớn). Bà Chuẩn dẫn qua chợ Chánh Hưng mua thêm những món ăn khác, trong đó có một chục hột vịt lộn, 2 con cua thật to, nem chả...đủ thứ. Bà này lúc nào cũng vậy:’’con mắt to hơn cái miệng’’. Khi đi ngang qua công sở ông bà làm (ông bà này làm cùng một hãng điện tử), chúng tôi ra khỏi xe để chụp hình. Quên nói là trên này hoa ‘’Dogwood’’ đẹp kinh khủng. Cây nào cây nấy đầy đặc những bông, mới nhìn như hoa giả. Hoa trắng hoặc phơn phớt hồng. Phố nào cũng thấy hoa dogwood và hoa vàng forsythia.
Ðêm hội ngộ chúng tôi nói chuyện không dứt. Bao nhiêu kỷ niệm buồn vui tuôn ra mãi cũng không hết. Tôi được biết sau khi chúng tôi đi ngày 29, tất cả đồ gỗ, TV, tủ lạnh được người trong trại cũng như người ngoài trại chiếu cố liền ngay bữa hôm sau, ngày 30. Ngay cả nhà ông bà Chuẩn, không đi ra khỏi nước, chỉ đi đến nhà mẹ bà Chuẩn ở gần chợ Lớn, nhà cửa, đồ đạc cũng được dọn dẹp bởi chòm xóm trong một thời gian phá kỹ lục. Cũng may ông đòi lại được một mớ. Ông cho biết từ cầu Hàn, đến trung tâm điện ảnh (quá kho Năm một chút), gạo được quăng ra khỏi kho, phủ ngập mặt đường. Những phường mặt chuột, lúc cháy nhà mới thò mặt ra. Ở đâu, ở thời nào cũng có những con người phản trắc. Ông bà và tôi nói chuyện rất khuya. Tôi nói:’’sáng ngày mai anh kể cho tôi nghe những chuyện ở trong tù của anh nghe.’’
Buổi sáng, chúng tôi vừa uống cà phê, bà Chuẩn vừa lăng xăng làm đồ ăn sáng, trong khi ông Chuẩn bắt đầu cho tôi nghe cuộc hành trình tù tội gian khổ của ông.
‘’Chúng tôi được kêu gọi trình diện để đi học tập 10 ngày, tại trường nữ trung học Trưng Vương. Bà xã tôi đưa tiền và cơm gạo khá nhiều, tôi trả lại bớt, nói, đi có 10 ngày, đem đi chi nhiều dữ vậy? Cuối cùng tôi chỉ lấy một ít tiền dằn túi, một ít gạo,một chai xì dầu, một cuộn giấy Kissme, 2 bộ quần áo... Không ngờ tụi nó xạo quá, tôi nằm bóc lịch đến 8 năm ! Chỉ ở có 2 đêm, 3 ngày rồi chúng lùa chúng tôi lên xe bịt bùng để đi đến trại tù Long Giao, Long Khánh. Nơi đây rừng núi hoang vu, chúng tôi phải tự đào giếng, sâu đến cả 20 thước mới có nước uống. Ăn uống kham khổ với gạo mốc meo. Một năm sau, chúng đưa chúng tôi ra trại tù Hoàng Liên Sơn, miền Bắc.
‘’Cái ngày bị đưa tôi đi miền Bắc, chúng tôi lại được áp tải trên một cái xe bịt bùng, chỉ chừa những lỗ hở nho nhỏ trên trần để thở mà thôi. Sau đó, chúng tôi được đưa lên tàu thủy, và được cho biết sẽ bị đưa về miền Bắc. Hơn 300 người được ở trong một diện tích rất chật hẹp như chị thấy bằng cái phòng này mà chứa hơn 300 người thì chị thử hiểu nó chật chội đến mức nào. Chỉ có mấy thùng phân để ở đầu góc bên kia. Mỗi lần muốn đi tiêu, phải đi qua hàng bao nhiêu người mới đến được cái thùng đó, cứ mỗi cái nhích chân là mình có thể dẫm lên thân người khác. Muốn nằm cũng không nằm được, chỉ dựa lưng vào nhau mà thôi. Mùi hôi thối từ thùng phân bốc ra nồng nặc, nhưng khi phải đổ thùng đi thì mới đúng là một cảnh địa ngục trần gian. Khi được hỏi ai muốn lên sân để kéo thùng phân lên, ai cũng hăm hở để được hít cái không khí ngoài trời một chút. Thùng phân được móc vào bằng những sợi dây. Người đứng bên sàn cố kéo cái thùng phân lên, cái thùng đong đưa rồi đụng vào thành tầu cả chục bận, mỗi lần như thế là phân người vung vãi, chia đầy đủ cho 300 người khốn khổ dưới hầm. Ðầu tóc, áo quần dính đầy phân hôi thối. Có lúc chúng tôi được thả cho một gói mì khô, bẻ ra nhiều mảnh. Mì rơi xuống sàn dính phân, vẫn lượm lên ăn vì đói quá. Sau một hai ngày, phân ở dưới sàn dầy đến cả 2 lóng tay, rất ghê tởm. Ði khoảng 3 ngày, 3 đêm, không nhớ rõ nửa, tầu cặp bến. Mấy trăm người thoi thóp bò ra khỏi hầm cầu. Thấy bến ở trên, những người tù tội nghiệp hăm hở dẫm chân lên bãi. Nhưng bãi không phải là bãi cát mà là bãi sình, có kẻ phải ngập đến bụng. Kẻ nọ giúp người kia lên đến bến’’.
Tôi ngắt lời:’’Vậy rồi họ có cho tắm rửa gì không?’’.
Ông Chuẩn lắc đầu:’’làm gì mà được tắm rửa lẹ vậy chị?
Bà Chuẩn từ trong bếp cười:’’Chỉ thấy mấy ông ở dơ quá mà’’.
Dọc trên bến, là những cột làm bằng cây tre, trên cây tre có treo đèn điện. Và dưói một gốc tre là một gã công an có giắt một con chó săn để chúng tôi không tìm đường tẩu thoát.
Ông Chuẩn tiếp:’’Chị nhớ trong mấy cuốn sách của Tự Lực Văn Ðoàn tả những người những cảnh ở nhà quê không? Y chang như vậy, trên các bờ đê, dân chúng đổ xô ra đầy tràn nhìn tụi tôi như thể nhìn những người từ các hành tinh khác đến vậy’’
Tôi lại ngắt lời:’’Lúc này là lúc họ ném đá phải không?’’
‘’Chưa. Họ chỉ nhìn thôi. Chúng tôi đói lã người. Có lẽ tụi công an sợ tụi tôi bị chết vì mệt mỏi quá, nên phát cho mỗi người một trái chuối, một ổ bánh mì, và một ít thịt chà bông. Ăn chưa xong là tụi công an áp tải chúng tôi lên xe lửa. Xe lửa này được chở súc vật và xi măng. Mỗi toa chứa lúc nhúc đến 50 chục người. Trên nóc tàu có những lỗ lưới nhỏ để thở. Di chuyển lúc nào cũng vào lúc ban đêm. Muỗi như vãi trấu. Chân tay mặt mũi chúng tôi dính đầy phân người như chị đã biết, rồi khi lên tàu, muỗi cắn, tay chân lại dính đầy xi măng, cắn đâu gãi đó, thành ra hình thù lúc đó không ai còn nhận ra ai hết. Chỉ nghe tiếng nói đoán tên mà thôi’’
‘’Rồi chừng nào mới được tắm?’’. ‘’Còn lâu’’. ‘’Tội nghiệp chị Thu, chỉ chờ hoài không thấy mục đi tắm’’.
Ði mấy ngày, chúng tôi đi qua rất nhiều ga, phần nhiều ga bắt đầu bằng chữ ‘’Yên’’ như vĩnh Yên, Phúc Yên...Tôi không nhớ hết, nhưng qua rất nhiều địa danh bắt đầu bằng chữ ‘’Yên’’, Yên Bái là trạm chót, một người bạn bạn tù chua chát pha trò:’’tụi mình chỉ chờ có một cái ga ‘’Yên’’ khác mà không bao giờ tới, đó là ga ‘’Yên Nghĩ’’.
Khi xuống ga, mới tận hưởng cả một nỗi nhục nhằn.
Tôi vội vã hỏi:’’Lúc này mới bị ném đá phải không?’’
‘’Ðúng vậy, chúng tôi vừa bước xuống xe lửa là dân chúng ở hai bên nhào ra ném bất cứ vật gì mà họ tìm thấy được, có kẻ sứt tai, có người bể đầu, máu tuôn xối xả. Chúng tôi được áp tải qua phà. Lúc đó giày dép chúng tôi đâu còn nữa, đã để lại trong vũng bùn dưới bến hết trơn rồi. Ngày ở đây, nóng không chịu được, chân chúng tôi chạm vào nền sắt như nướng thịt, đầu thì máu me, chân như phỏng sưng vủ, mặt mày lem luốc, người không ra người, vật không ra vật.
Chúng tôi được đem tới một vùng đất hoang dã, đất cảy lên sỏi đá. Công an nói :’’các anh tới rồi đó. Nhìn chung quanh chỉ thấy đất hoang, chúng tôi tự hỏi ‘’tới’’ là tới đâu? Nhưng bây giờ mệt quá, tụi tôi lăn ra trên đất ngủ một giấc không biết trời trăng mây nước gì hết. Ngày hôm sau, bắt đầu làm việc. Với châm ngôn:’’với sức người, sỏi đá cũng thành cơm’’ của Bác và Ðảng chúng tôi phải làm để mà sinh tồn. Khi Trung quốc đánh qua, vào khoảng 2 năm sau, chúng tôi bị đưa về phía nam, trại tù 3 Sao, hay còn gọi là trại Ðầm Ðùn, Nam Hà.
Ðể kể sơ qua những năm tháng ở trại tù cho chị nghe. Người nào may mắn được làm ‘’Anh Nuôi’’ thì làm bếp. Còn những người khác phải lên rừng đốn nứa, đốn cây. Phải kiếm đủ số cây trong một ngày theo đúng tiêu chuẩn đòi hỏi của họ. Mỗi 20 cây phải cột lại với nhau, một chùm. Ði từ rừng này sang rừng khác mới có đủ số lượng. Ðể cây lại thỉ sợ người khác lấy mất, nên phải tha theo những cây mới chặt được để qua đám rừng khác, mà cây nứa rất bén, chặt một hai cây là tay bắt đầu bị cắt chảy máu. Chúng tôi còn phải dựng nhà để ở. Từ sàn cho đến mái đều làm bằng tre. Không có một cây đinh, chúng tôi phải tước giang làm lạt cột. Những cây tre chẻ hai, cột sát vào nhau làm vách. Khi còn đang tươi, vách khít, khi mưa nắng vài ngày, cây khô lại, hở ra hơi lạnh lùa vào không chịu thấu. Khi làm nhà, leo lên cột được vài mối, lại leo xuống hơ tay vô lửa. Xứ bắc mùa lạnh, lạnh khủng khiếp lắm. Làm hết sức mà ăn thì chẳng có nên đụng gì ăn nấy. Chắc chị cũng đã nghe câu: con gì nhúc nhích là ăn được phải không? Con kỳ nhông, cắc kè bắt được, quăng vô lửa, cầm lên đưa vô miệng nhai cả xương, cái đuôi chưa chín vẫn còn nhúc nhích. Rắn thì ngon khỏi chê. Cóc nhái, ểnh ương, bò cạp, rết, ốc sên... ăn ráo. Thịt con rết ngon hơn thịt tôm. Cào cào, châu chấu con gì cũng được bỏ vô lửa để làm thức ăn cho bao tử...’’. Thỉnh thoảng có dịp lễ lạc như quốc khánh của chúng chẳng hạn, tù được phát cho mỗi người một miếng thịt trâu cỡ bằng 2 ngón tay. Trâu này cũng là trâu chết, chứ không phải trâu sống lành mạnh đâu. Những cái móng trâu cũng được tù chúng tôi lượm, bỏ vô lửa nướng, cũng thơm lắm. Nướng xong chuyền tay nhau mút. Chớ ăn sao được, cứng ngắc hà. Mút hết phần cháy xong, không mút được nữa, lại thảy vô bếp nướng lại. Mút mãi cho đến lúc cái móng còn nhỏ xíu rồi biến mất. Thơm cũng vậy, có những trái đèo đuột, chúng tôi ăn cả vỏ lẫn cùi, không còn sót lại một tí nào hết. Có lần được phát cho một cái bánh bisqui mà chúng gọi là bánh quy bơ. Thấy bánh chúng tôi sáng mắt. Nhưng khi bỏ vào miệng, bánh cứng quá, ráng cậy bánh cho bể trong hai hàm răng, thỉ miệng mình chỉ mở ra to hơn như đòn bẩy, mà cái bánh vẫn không suy suyển. Muối cũng không được xài nguyên chất, họ bỏ trong nước quậy tan rồi phân phát cho tù. Họ sợ để muối nguyên chất, tù có thể mang đi rồi trốn trại. Ngay người dân sống ở đó cũng không có muối đủ xài huống chi tù. Còn đường thì là một thứ xa xí phẩm, năm khi mười họa mới được phát cho một dúm. Anh nào không nhịn thèm được, bỏ vô miệng ăn trong nháy mắt.
- ‘’Dân ở đây đối xử với tù ra sao?’’
- ‘’Tù cấm không được tiếp xúc với ai hết. Một lần khi chúng tôi mới đến đây, thấy con nít, tưởng chúng còn non dại, ngây thơ, chắc không đến nỗi nào mới kêu một đứa hỏi:cháu ơi, đây thuộc về xứ nào, nói cho mấy chú biết được không? Một đứa hét lên: ai chú cháu với chúng mày? Cái đồ ăn thịt người! Nói xong nó nhổ phẹt một bãi nước.
miếng xuống đất. Chị thấy đó, tụi nó được nhồi sọ từ mới lọt lòng, nhất là trước khi áp tải tù binh chúng tôi đến bắc, bọn chúng đã tập hợp dân chúng để ‘’giáo dục’’ cho họ rồi, nào là lính ngụy giết người, cướp của, ăn cả thịt người...bởi vậy nên khi chúng tôi mới đến nơi mới bị ăn đá.
Ở đây những nhà hơi khá giả một chút, cho con họ đi học bằng ngựa. Ba bốn đứa cỡi trên lưng ngựa, không có yên gì hết, những đứa nghèo không có ngựa thì bám lấy đuôi con ngưạ chạy bộ đến trường.
Lúc đầu thì dân chúng lấy đất đá ném, nhưng sau một thời gian, họ lần lần hiểu ra được những lời tuyên truyền láo khoét của Việt Cộng, họ thay đổi thái độ. Lúc mới ra Bắc, những cái làng gần các trại tù , nhà cửa làm bằng mái tranh, vách đất, sau 5 năm, khi tụi tôi rời ở đó, làng mạc đổi khác, toàn là nhà gạch lợp ngói. Vì sao chị biết không? Vì dân ở đó, nhờ tiền bạc, quà cáp thăm nuôi của gia đình tù nhân, trở nên giàu có.’’
- ‘’Còn vườn tược trồng trọt thì ra sao?’’
- ‘’Khỏi nói, khổ trăm đường. Núi ở đây gọi là núi Tai Mèo, nhọn hoắt. Chỗ nào có thể đào xới được là trồng bắp, trồng su hào, rau muống...Chị biết không ăn trộm được củ su hào nào là phủi sạch cho ngay vào miệng nhai rau ráu như ăn ổi xá lị. Chúng tôi phải gánh phân tưới rau. Mỗi lần đi múc phân là một lần phát bệnh. Ðâu phải mình đứng trên hầm, múc phân bằng gàu hay xách gì đâu. Phải đứng xuống hầm phân, bốc bằng tay thử coi phân tốt hay xấu, đậm hay loảng. Xong rồi ra bãi nước để tắm...
Bà Chuẩn cười:’’Dữ hông. Tới bây giờ mới nghe ổng nói được chữ ‘’tắm.’’
‘’... Tắm hay không gì, cái mùi xú uế của phân vẫn bám vào đầy người, không có cách gì rửa sạch. Vũng nước tắm, sau một thời gian thì cũng thúi như thùng phân mà thôi.’’
‘’Mà tù thì có ăn gì đâu để phân được tốt. Lúc ở Hoàng Liên Sơn, chúng tôi còn ăn được bột xay. Ðến khi đến Nam Hà, thì phần lớn chỉ ăn được bo bo. Bo bo là một thứ thức ăn quái đản. Ðầu bếp nào nhân đạo một tí thì hầm bo bo lâu hơn cho mềm, còn không, bo bo cứng ngắc. Mà mềm hay cứng gì thì nó cũng chỉ như một miếng cao su. Nhai một chặp tưởng nó đã nhỏ ra, nhưng thật tình nó chỉ dẹp xuống mà thôi. Và khi vào bao tử nó không tiêu, chỉ nằm đó chơi. Ăn vào chỉ làm bao tử khó chịu và đau bụng mà thôi. Khi đi tiêu, bo bo ra hết. Cái mùi phân bo bo tanh tưởi không chịu được. Những người tù khốn khổ như tụi tôi, đi tiêu không muốn đi, vì ai cũng nghĩ: phải giữ một cái gì để nuôi cơ thể chớ. Nhưng với bo bo muốn giữ cũng không giữ được. Tù đói quá, đụng gì ăn nấy, đôi khi nhai cả giè rách. Một lần chúng tôi được ăn rau muống. Không phải ra muống non đâu nghe. Phần non dành cho cán bộ ăn, chỉ còn lại mấy cọng dây già, dai nhằn như dây nhợ chấm với nước muối. Một anh bỏ vài cọng rau vô miệng nhai hoài không ra. Anh nhả ra coi thử tại sao, mới biết anh nhai một miếng dẻ. Miếng dẻ này là của một anh tù nào đó đói quá, ăn vào bụng, không tiêu trong bao tử được, miếng dẻ đã đi ra theo phân. Phân này bón vào rau muống cũng không tiêu...’’
- ‘’Anh ở Bắc được bao lâu?’’
- ‘’5 năm. Khi mới nghe được chuyển trại vào Nam, tụi tôi nửa mừng, nửa lo. Mừng vì được di chuyển gần người thân, nhưng lo là cái chữ ‘’Nam’’ không hẳn vô nam mà chỉ đi ngược một tí vô nam là chết. Vì ở Thanh Hóa, phía nam, là trại tù Lý Bá Sơ, được coi là trại tù dữ dằn nhất, vô ‘’nam’’ kiểu này là chết. Ở trại tù Nam Hà này dầu sao cũng đở hơn. Nhưng bán tín bán nghi rồi cũng phải lên xe lửa di chuyển. Như đã nói với chị, sau 5 năm, người dân ở đây đã có thái độ khác với ‘’tù cải tạo’’ chúng tôi. Khi mới đi đến thì họ quăng đá, nhưng khi ra đi nhiều người đã ngậm ngùi nói:’’các anh cho chúng tôi gởi lời thăm cách chị và các cháu nhá.’’.
Cái cảm giác qua khỏi cầu Bến Hải nó sung sướng làm sao! Tưởng như mình đi xa về đến được quê nhà mặc dù cùng trong một nước Việt Nam! Có nhiều anh mệt quá nhưng nhắn với bạn, khi nào đến cầu Bến Hải nhớ đánh thức giậy để nhìn. Ði qua khỏi Gio Linh vào đến Quảng Trị, xe lửa dừng lại, các người bán hàng ăn thức uống ào ra, khi bìết chúng tôi là tù cải tạo họ quăng lên cho, không lấy tiền thật là cảm động. Tới đâu chúng tôi cũng được đón tiếp như vậy. Tới ga Ðà Nẵng, có một đứa bé cầm một ấm nước và một cái chén cho chúng tôi uống, một thằng công an, giựt cái ấm bỏ xuống chân dậm nát bấy, thằng bé khóc quá chừng vì gia tài của nó chắc chỉ bấy nhiêu thôi. Một anh bạn tù của chúng tôi đang ở trên toa nhưng gần tên cán bộ, anh lấy chân đạp thằng cán bộ một cái té nhủi, dân chúng 2 bên vỗ tay rầm rầm, hắn mắc cỡ, lủi mất. Chúng tôi thương thằng bé tốt bụng, nên hùn tiền cho nó để nó mua ấm nước khác. Một chuyện cảm động khác, là khi xe lửa dừng lại, có một người trong đám dân chúng, nhận diện được một anh tù cải tạo (đại úy Võ Quang Hưng) :’’ông thầy đó phải không?’’. Anh tù mới về gật đầu, người kia tiếp:’’em về nhà chở cô tới gặp ông thầy liền’’. Nhà chắc gần đó thôi, nên anh ta chở vợ của anh Hưng đến đó chỉ sau vài phút. Bà vợ và ông chồng nhìn nhau chỉ biết khóc mà thôi, cho đến khi tàu chuyển bánh.
Khi ga tới Ðà Nẵng, chúng tôi viết những cái thư ngắn và gọn, đề địa chỉ vô, rồi quăng xuống đất. Cứ đi đến mỗi ga chúng tôi làm như vậy. Khi đi đến Phan Thiết, tôi vò mảnh giấy quăng xuống một cái ao, có người đàn bà đang ngồi giặt đồ, tôi ngoái cổ lại, thấy bà dùng cây, khều mảnh giấy’’
Tiếng bà Chuẩn từ trong bếp:’’Vậy mà thư tới đó bà’’.
-’’ Tới hả? Rồi bà đi thăm liền phải không.’’
- ‘’Thì vậy. Mừng quá, tui với gia đình lật đật đi mua thiệt nhiều đồ ăn để đi thăm ổng. Nhưng khi tới nơi, có một ông già hỏi: cô đi thăm nuôi hả, người mới đến, hay người ở lâu, tui nói mới đến. Ông già thì thầm: trời ơi, cô đi về liền đi, cô và gia đình đây, cùng lắm thì bị cảnh cáo mà thôi, còn ảnh thế nào cũng bị phạt mút chỉ. Gia đình chỉ được thăm nuôi khi nào thật sự có lịnh của họ. Tôi mới thấy một anh tù bị phạt đó. Vậy là hết hồn, hết vía tụi tôi phải đi về. Ra khỏi nơi đó, mới bày đồ ăn ra ăn cho hết. Thiệt hết sức nói.’’
Tôi hỏi bà làm gì khi ông đi học tập, bà Chuẩn cho biết bà vẫn tiếp tục làm nhà băng như cũ, 1 năm, nhà băng nay được gọi là ‘’bàn thu đổi’’. Sau đó, bà đi bán vải vóc ở chợ kiếm sống qua ngày, nhưng dù sao bà cũng còn cha mẹ che chở, và đây cũng là một điều may mắn đối với ông Chuẩn vì bà nói có nhiều bà sống một mình, không làm sao xoay sở nổi cho qua ngày nên có nhiều trường hợp, các bà phải phản bội người chồng tù tội, đi lấy chồng khác. Ông Chuẩn cho biết tin vợ lấy chồng là một cái tin đau lòng nhất cho những người tù khốn khổ, có ông khóc ròng.
Như vậy những người tù đã từ Nam Hà chuyển vào Gia Rai, trại tù Z30A Xuân Lộc, Long Khánh. Ở đây còn có tên là Ngã Ba Ông Ðồn, hay là đồi Phượng Vĩ. Hồi trước, ông Ôn Văn Chen, ở chiến tranh chính trị đã gom dân lại làm thành một cái làng như vùng kinh tế mới bây giờ. Trại tù Xuân Lộc này đã được những người tù cải tạo ở đây xây dựng nên cả 5 năm nay, nên coi rất khá. Trại tù kiên cố, đẹp, hoa lá đầy đủ. Thỉnh thoảng có những đoàn hát về đây hát cho cán bộ coi, hát xong dẹp sân khấu, tặng cho đoàn hát sân khấu lưu động.
Ông Chuẩn là một người khéo tay, nên khi ở tù cũng nhờ cái khéo tay này mà ông được nhiều bạn tù thương mến. Ông nói cái gì cũng có thể biến chế ra làm đồ dùng hữu dụng cả, nhất là lon sửa Guigoz. Lon này dùng nấu đủ tất cả mọi thứ. Ông Chuẩn dùng cây căm xe đạp ( được gọi là cái ‘’nan hoa’’, theo công an bộ đội miền bắc) làm cái quai cho cái nồi lon này. Dùng những cái móc nắp lon côca côla làm quai cho tách uống trà v...v...Tôi còn nhớ như in căn nhà ông bà ở gần chúng tôi trong cư xá, được bàn tay khéo léo của ông làm đẹp hết xẩy. Một lần ông Chuẩn ra tiệm bán bàn ghế, ông thấy một bộ bàn làm bằng sắt uốn cong có nệm đỏ, ông ngắm nghía một hồi, về nhà mua dụng cụ làm giống y như bộ ở tiệm, có phần đẹp và chắc hơn nữa kia. Trong căn nhà ở Seattle này, ông bà chưng bày kiểu cọ hoàn toàn Việt Nam. Tranh sơn mài rất trang nhã cũng như những tượng Phật, voi, đồng hồ (do chính ông chế biến) rất mỹ thuật. Bà Chuẩn tặng tôi một bức tranh sơn mài có hình những con ngựa (‘’Mã Ðáo Thành Công’’) và một bộ tách trà chạm trỗ bằng cây rất mỹ thuật làm kỷ niệm. Nghe tôi kể, nấu ăn cho dâu con tìm đũa không ra, nên buổi chiều chủ nhật khi Nhân đến đón tôi tại nhà bà, bà tặng cho nó một lô đủa muỗng, tô ăn phở, chén ăn cơm...Tôi ra dấu với nó nhận đi để bác vui.
Buổi sáng chủ nhật, trời lại trở lạnh, gió thổi mạnh. Ông bà Chuẩn đưa tôi đi ra thăm hồ ở Kirkland, Bellville. Nhà tỉ phú Bill Gate, giám đốc của Microsoft ở đây. Nhưng rất tiếc, trời lạnh mà gió thổi không bước nổi nên chúng tôi chỉ vội vã chụp vài ‘’pô’’ hình rồi lên xe chạy vòng quanh ngắm cảnh mà thôi. Cảnh vật, nhà cửa ở đây đẹp quá, và hơi giống cảnh hồ ở San Francisco. Biệt thự cũng ở trên đồi cao. Hoa dogwood nở khắp hai bên bờ. Chung quanh trên bãi có những bức tượng rất mỹ thuật. Phố xá tấp nập người du lịch, nhưng ai cũng bước vội vã và co ro trong gió lạnh. Chúng tôi đi lại khu phố Tàu mua thêm thức ăn rồi đi về vì trời bắt đầu mưa.
Sáng nay Nhân tính đưa tôi đi thăm núi lửa St. Helen nhưng thời tiết coi bộ không khá. Hèn gì ở đây nhiều người mắc phải bệnh buồn phiền, thất vọng vì mưa hoài. Buổi sáng đôi lúc thấy mặt trời lên, nhưng một lát sau thôi, biến mất, rồi mưa rỉ rả. Mưa đến thối đất, mục cây, cỏ không mọc được. Lúc đầu tôi nghe con nói về cái sân của nó, moss mọc đầy, nó phải mua thuốc giết moss, rồi rải cỏ, tôi nói, má thấy có cỏ mà, Nhân nói:ở đàng xa thì mà thấy như vậy, nhưng lại gần chỉ có moss thôi. Ðúng vậy, moss che kín mặt đất. Nó như một loại rong rêu. Trên mái cũng có moss, trên cây cũng có moss vì khí hậu quá ẩm thấp. Sau một cơn mưa to, cây cối rụng đầy. Con đường đi vào cư xá con tôi ở, nhánh thông rớt đầy đường, phải có lính ra hốt dọn. Ngày hôm qua, trên đường từ nhà ông bà Chuẩn về, đi ngang qua cái cầu treo 90, gió thổi cầu lắt lư thấy lạnh mỉnh. Gió tung nước sông tung tóe lên các xe chạy ngang. Tôi nhớ đến người bạn thân ở Houston, ở cùng cư xá với chúng tôi và ông bà Chuẩn ở Trung Tâm Ðiện Ảnh, ông bà Lân, ông bà và gia đình cùng qua một lượt trên một chuyến tàu, có đứa con trai lớn, tên Long, học gần ra bác sĩ thì bị mắc bệnh tâm thần, nó phải bỏ dở sự nghiệp mà ba má nó mơ ước. Một ngày gió thổi nặng nề ở Houston, xe Long hư, phải dừng lại trên cầu, vừa bước xuống xe, gặp lúc một xe hàng chạy qua, tạo thêm sức mạnh cho một luồng gió, nó rớt xuống cầu gãy xương chết, đem theo bao ước mơ của cha mẹ xuống tuyền đài.
Buổi chiều, tạnh mưa Nhân chở tôi đi thăm hải cảng Tacoma, cách nhà không bao xa. Hải cảng đẹp quá. phía ngoài là nước, bên này là núi non dựng đứng hùng vĩ hiên ngang. Ngoài xa có một con tàu đang chạy. Trên trời những cánh chim trắng lượn cánh bay lướt qua. Dưới nước có mấy con vịt nhỏ xíu đang ríu rít bơi lội. Một con cò đang đứng rỉa lông trên bờ đá. Có mấy người, giống như người Lào đang thả cần câu bắt cua. Mỗi lần nhìn thấy sông biển, tâm hồn người ta tự nhiên thấy bình thản và yên tỉnh trở lại. Những muộn phiền lo lắng như theo hơi nước tiêu tan. Sát bờ có một nhà hàng. Bên cạnh một chiếc tàu đang cặp bến.
Nhân cũng chở tôi đi xem phố Tàu ở Tacoma. Phố Tàu ở đây nhỏ hơn phố Tàu ở Seattle, tuy nhiên nó cũng có đủ hết các hàng quán, thức ăn, tiệm vàng, tiệm hớt tóc, tiệm bán quần áo, tiệm bán đồ chơi...Trời lại bắt đầu chuyển mưa, lo về để khỏi bị kẹt.
Ngày thứ ba, buổi sáng hơi âm u, nhưng đài khí tượng cho biết hôm nay trời nắng đẹp nhất là buổi chiều. Nhân và tôi sửa soạn đi xem núi lửa. Thằng bé Patrick và mẹ nó muốn đi, nhưng sau thấy đường khá xa, đã vậy tối hôm qua thằng bé này khóc quá chừng, phải thay phiên nhau ẳm. Nhân có cái bí quyết dỗ con là mỗi lần cháu Patrick khóc, Nhân mở máy hút bụi lên là cu cậu im khe. Nhân giải thích, khi máy mở lên, nó không nghe được tiếng khóc của nó, nên nó im. Nhưng cũng chỉ một vài lần thôi, sau này máy mở thì cứ mở, nó khóc còn to hơn máy, vì vậy mẹ con nó ở nhà.
Từ Tacoma đi Mount St. Helen đến 2 tiếng đồng hồ. Cây cỏ đầu mùa xuân đang đâm chồi nẩy lộc. Hoa nở đầy hai ven đường. Ở đây có rất nhiều hồ. Hồ trong, cây xanh, hoa tươi thắm trong nắng mới.
Chúng tôi ghé thủ phủ của Washington State, Olymbia chụp vài cái hình. Dogwood nở rộ trong khu công viên đầy du khách. Một thầy cảnh sát sờ tới, khi tôi bước ra khỏi xe để chụp hình. Tôi vội vã đi vào xe, cười cầu tài với thầy phú lít, ‘’tôi chỉ chụp vài cái hình rồi đi thôi mà, tôi từ Texas lên’’. Thầy cảnh sát tử tế nói ‘’không sao, nhưng không thể đậu lâu ở đây được, cản trở lưu thông’’. Chúng tôi cảm ơn rồi theo hướng chỉ dẫn đi thăm núi lửa.
Bắt đầu lên đèo rồi đó, đồi dốc thoai thoải lên cao. Rừng thông hai bên ngút mắt. Ðộ cao cứ lên dần từ 1000, rồi 2000, rồi 3000 feet. Có chỗ thông cao thẳng đứng, có chỗ cây tỏa ra như hình cái tháp, có chỗ cây non mới mọc, nhưng cảnh vật đẹp không thể tưởng. Chúng tôi dừng lại dọc đường rừng, ghé vào nhà visitor center, mua vé để xem xi nê cũng như những bức hình slide về diễn tiến của ngọn núi lửa St. Helen. Bước vào khung cửa kính, là tiếng ì ầm như tiếng gầm gừ của núi lửa từ cái máy computer đặt gần đó. Chung quanh treo những hình ảnh cũng như triển lãm những phún xuất thạch, những cây cối, đồ vật bị phá hủy vì núi lửa, cũng như sự chuyển mình của St. Helen từ tháng 3 cho đến 18 tháng 5 năm 1980, khi núi lửa thật sự giận dữ ra tay. Xi nê cũng như phim slide chiếu những diễn biến từng ngày một. Ngọn núi Helen đã từ độ cao 9,677 feet, sau khi phun lửa khói, cái chóp bị cắt đi thành lỗ hổng, xuống thấp chỉ còn 8,363 feet! Sau biến cố khủng khiếp đó, có 2 cái hồ cũng như nhiều thác nước đẹp tuyệt vời đã hiện ra, đồng thời cây cỏ cũng bắt đầu mọc nhiều hơn. Vụ nổ này đã giết hại nhiều người và thiêu hủy bao nhiêu cây cối nhà cửa chung quanh. Có nhiều người không muốn ‘’di tản chiến thuật’’, như ông Harry Truman, lúc đó đã khá già hơn 70, ông nói ông lớn lên cạnh núi Helen, nhất định ông ở lại để chết với núi Helen mà thôi. Ông đã trở thành người hùng của núi lửa.
Càng lên cao cảnh trí càng đẹp hơn, một con người tiền sử khổng lồ làm bằng chất tro của núi lửa được đặt trước một tiệm bán quà tặng. Phần đông những quà tặng ở đây làm bằng chất tro nguyên chất đó. Có nhiều nơi, nai vàng ngơ ngác chạy ra tới 2, 3 con. Máy ảnh phải sẵn sàng ở tay để bấm cho kịp, trước khi nai hoảng hốt khuất vào bụi rậm.
Càng lên cao khí hậu càng lạnh hơn và hai lỗ tai của tôi cũng bắt đầu giao động. Chạy hoài thật lâu vẫn chưa thấy núi Helen. Mặc dù núi non nhiều lắm. Lên đến gần 3000 feet, thì trên các đỉnh núi tuyết vẫn còn phủ trắng xóa. Chạy một quảng xa nữa, cuối cùng rồi cũng thấy ngọn núi St. Helen trên cao độ gần 4000 feet, với mây che kín đỉnh. Chung quanh có núi to, núi nhỏ bao bọc. Dưới thung lũng là một cái hồ uốn khúc, cảnh trí hùng vĩ như một bức tranh vĩ đại. Nắng vẫn rực rỡ nhưng gió thổi rất lạnh. May quá Nhân có mặc áo ấm và nó cũng đem theo cho tôi một cái. Chúng tôi chụp khá nhiều hình với đỉnh núi phủ mây, nhưng một hồi sau, mây bị gió thổi gần hết, cái hõm sâu của chóp núi đã hiện ra dần dần rõ hơn. Chúng tôi lại lên xe tiếp tục chạy xa hơn. Tới một visitor center khác, chúng tôi dừng lại, vì nơi đây, cảnh núi có vẻ gần hơn. Ở sau căn nhà này, ta có thể nhìn thấy rõ mồn một từng góc núi. Ðâu ai có thể nghĩ rằng trước đây mười mấy năm, ngọn núi đã rùng mình, giận dữ muốn tàn sát cả những sinh vật, những ngọn đồi chung quanh, bây giờ thì nó thản nhiên nằm ngủ. Nhưng ai cũng biết, do sự tiết lộ của các khoa học gia, 2 ngọn núi ở đây: Helen và Rainier, chỉ nằm nghĩ mệt mà thôi. Cả hai đều còn sống, không biết nó sẽ vươn vai thịnh nộ lúc nào. Bên cạnh căn nhà nghĩ mát của du khách, là khu rừng cây, chỉ còn một khúc gần dưới đất mà thôi, núi lửa thui rụi đi những cái gì ở gần đó. Có những nơi, cây vẫn còn ngã hàng hàng lớp lớp, người ta vẫn giữ y nguyên như vậy cho du khách thưởng lãm, và để trí tưởng tượng làm việc. Giờ này đã chiều mà lại có nhiều người đến ngắm cảnh hơn. Chúng tôi đi đến cái hồ sát bên, gọi là Cold Water. Cái hồ còn nổi lềnh bềnh những cây bị phá hủy. Nhưng hoa màu sau bao năm trời đã bắt đầu ăn sâu vào cây cỏ, nhiều cây đơm bông kết trái rất lạ mắt. Trước đó tôi có lượm một hòn đá trên đồi cao làm kỷ niệm. Tôi định cúi xuống lượm một khúc cây mục trong giòng nước nhưng Nhân nói không được đâu, họ thấy là phạt đó.
Mặt trời đã ngã về tây, nhưng ánh nắng vẫn còn gay gắt xuyên qua trong gió lạnh. Nhân quành xe đi về. Qua bao nhiêu đồi, qua bao nhiêu thác, qua bao nhiêu rừng thông ngút mắt, xe chạy lần lần xuống dốc ra khỏi núi đồi hùng vĩ. Tôi vẫn nhớ như in trong đầu với cuốn phim diễn tiến của núi lửa. Ngọn lửa lên cao đến 15 miles. Khủng khiếp thật, trong phim cho thấy những khu vực đường cái quanh đây, đã bị tro phủ dầy đặc. Buổi chiều về ăn một bữa cơm thật ngon, rồi bế bé Patrick coi ‘’news’’ tiếp. Miệng bé thơm tho mùi sửa. Tôi hay cúi xuống hôn bé để nó khó chịu rùn vai, nhăn mặt ‘’oe oe’’. Kim và tôi cùng ngắm nhìn bé, thấy bé cười khi đang ngủ, Kim nói Patrick đang mơ. Tôi nói với Kim, bà mụ (tôi phải dịch là ‘’Guardian angel’’) đang dạy nó khóc cười và những cử chỉ khác, và đến lúc em bé được 1 tháng, ta ăn mừng và đồng thời tạ ơn bà tiên che chở, dạy dỗ. Kim nói câu chuyện thật đẹp và dễ thương.
Sáng sớm tôi ẳm bé Patrick trên tay ru nó ngủ, đêm qua nó không cho ba má nó ngủ. Máy hút bụi cũng được bật lên vài lần, mà không ăn thua gì. Tôi nghe Kim ru bài ‘’Twinkie, twinkie, little star’’. Nhân đi làm một tí rồi về chở tôi ra phi trường. Tối hôm qua, hành lý tôi đã sửa soạn xong.
Gần 1 giờ tôi rời Sea/Tac. Giã từ xứ mưa dầm để về miền sa mạc. Cái bức tranh của ông bà Chuẩn tặng, chỉ được gói sơ sài vì tôi tưởng họ cho tôi cầm tay, nhưng họ nói nó to quá không vừa cho cái hộc trong phi cơ nên họ cất dùm ờ đuôi máy bay, khi đến nơi, tôi phải đứng ở cửa máy bay để chờ. May quá, nó không bị hư hại gì cả.
Máy bay cất cánh đúng giờ ấn định. Con tàu lùi dần rồi trở đầu chạy từ từ trên phi đạo. Rồi nó ngừng lại khoảng hơn 5 phút. Tiếng quạt và tiếng động cơ nổ to hơn, máy bay lấy trớn chạy càng lúc càng nhanh hơn, và cuối cùng cất cánh, bay lên không. Lần về tôi có kinh nghiệm hơn, muốn nhìn rõ cảnh vật bên ngoài thì phải đòi ngồi gần cửa sổ (nhưng nếu ông bà nào hay đi rest room thì nên chọn ngồi ngoài bìa, vì mỗi lần bước qua người khác thấy phiền phức quá).
Hôm nay trời đẹp quá. Nhà cửa chi chít như những cái nhà đồ chơi ở dưới kia, đường xá chạy ngang, chạy dọc, có cái thẳng tắp, có cái ngoằn ngoèo như những sợi chỉ. Sông hồ bao la, núi non trùng điệp. Trên sông một con tày đang chạy, kéo sau đuôi làn nước rẻ trắng xóa. Những ngọn núi phủ tuyết trắng xóa đến lóa mắt. Nhiều núi quá nên tôi chả biết cái nào là Helen, cái nào là Rainier nữa. Máy bay lên cao dần, nhìn lui thấy cánh phi cơ, như đang ngừng một chỗ, thật ra phi cơ đang bay trong tốc độ nhanh nhất. Bây giờ máy bay đã quá xa mặt đất, chỉ còn thấy mây như sương khói, có lúc mây đậm đặc như những ngọn đồi mây. Tôi tự nhiên liên tưởng đến những chuyện cổ tích, và những bức tranh tiên nữ thần thoại, tiên ông, tiên cô cỡi mây chu du nhìn nhân thế. Tôi cũng nhớ lại chị Tình cùng xóm, lúc bé, chị nói tiên cỡi mây đem chị lên trời chữa cho chân chị không còn què. Nghe chị nói, tôi đã mơ ước mình cũng được tiên mời đi chơi bằng mây. Giấc mơ tuổi dại sao mà đẹp quá. Mây ngoài kia vẫn cuộn bay, tôi không tìm thấy bóng dáng một nàng tiên nào cả. Có lúc mây dày tưởng như mình có thể dẫm chân lên được. Một lúc sau núi đá lại hiện ra bên dưới, có những chỗ tuyết phủ, nhưng cũng có nhiều nơi, những dãy núi in một màu xam xám. Vẫn rán dán mắt trên cửa kính, tôi cố nhìn cho rõ một giòng sông đang chạy quanh co giữa hai lằn núi. Ðường bay từ Tacoma đến Dallas phần đông chỉ thấy núi là núi. Quên mất, không biết núi chiếm bao nhiêu diện tích của mặt đất mà nhiều lắm thế. Hễ không thấy mây, là thấy núi. Ăn ‘’snack’’ xong tôi lại lom lom dòm ra cửa sổ để nhìn mây, ngó núi.
Nhìn mãi mệt mắt, tôi lan man nhớ đến 39 người đã đi tìm những mơ ước của đời mình bằng cách quyên sinh tập thể trong một niềm tin thật mãnh liệt. Họ có thật sự tìm thấy thiên đường của họ hay không? Tôi lại nhớ đến niềm mơ ước được ăn một miếng cơm tươi của những người tù khốn khổ bởi chế độ bạo tàn, ác độc của Cộng Sản. Tôi ngậm ngùi thương đứa con vắn số, một mơ ước bị cắt đứt nủa chừng của ngưởi bạn ở Houston. Tôi cũng nhớ đứa cháu nội bé tí ti, đó là niềm mơ ước ngọt ngào của con, dâu tôi. Ðời sống cứ tiếp nối bằng những mơ ước này đến mơ ước khác. Và mơ ước đã tạo thêm sức mạnh cho cuộc đời.
Thu Nga
- Login to post comments
Printer-friendly version