Những Nghề Nghiệp Đặc Biệt Sau 30-4-75

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

 

Tạp ghi
 
Từ Việt Nam tới Mỹ
 
 
Thu Nga
 
 
Sau cuộc đổi đời đau thương từ thuở ‘’Tháng Tư Ðen’’, tất cả mọi sinh họat, trật tự, nề nếp cũng như địa vị, hoàn cảnh của người dân Việt Nam từ trong nước cũng như ở hải ngoại, đã bị đảo lộn, đổi thay tư gốc rễ. Biến chuyển của đất nước đã ảnh hưởng đến đời sống của từng đứa bé sơ sinh đến cụ già tóc bạc, ảnh hưởng cả đến bụi cỏ ngọn cây và của cả đến các giống sinh vật khác.
 
Người Việt Nam ở tại xứ đang sống một cuộc đời đau thương, thê thảm, chịu đựng để hợp với hoàn cảnh mới như:
 
‘’Ðầu đường Thiếu tá bơm xe
Giữa đường Trung tá bán chè đậu đen
Cuối đường Ðại tá bán kem
Con đường binh nghiệp hỏi còn gì đâu?’’
 
Và những nghề lạ lùng tương tự đã mọc lên ào ào ở quê hương vốn dĩ đã khốn khổ lại còn khốn khổ hơn, từ đó đã nảy sinh ra những nghề mới như:
 
Lượm bao ni lông cũ: Thiên hạ đã đua nhau đi tìm kiếm trong những đống rác dơ bẩn các túi ni lông cũ. Hồi thời Ðệ Nhị Cộng Hòa, nước ta được tiếp viện đầy đủ, bao ni lông chỉ xài một lần rồi vất. Sau ngày 30 tháng 4, nguyên liệu không được tiếp tế nữa, các hãng sản xuất bị đình trệ. Vì vậy các hãng mới mua các bao cũ để tái chế lại. Giá cả cũng khá cao.
 
Mới đầu các em nhỏ làm nghề này, sau người lớn thấy có ăn nên cũng nhào vô để kiếm tiền sống đỡ. Các bao ni lông này tuy màu sắc không được trắng như bao nguyên thủy nhưng có còn hơn không. Người dân có tiền xài và kinh tế nhà nước cũng được nhờ lây.
 
Nghề đào mã: Những ngôi mã của thân nhân ở những địa điểm nào làm cản trỏ công việc của bọn Cộng Sản vô thần, nếu không dời đi kịp, chúng sẽ san thành mặt đất. Vì thế, dân chúng phải thuê những người bốc mộ dời mộ người thân đi nơi khác. Ngoài ra, sự đói kém bần hàn đã tạo ra những người đào mã lậu để kiếm của. Ðã có một thời các ngôi mộ nhà giàu đã bị những bàn tay túng quẩn đào xới, bới móc coi có kiếm chác gì được từ những nấm xương khô không, răng vàng, răng bạc cũng không được tha!
 
Nghề bơm mực: Bút nguyên tử sau khi xài hết mực, người tiêu thụ không nở quăng đi, để dành đó, đi ra phố,để các người hành nghề bơm mực,bơm mực mới vào để xài tiếp. Những cây bút cũ, mực mới này thường thường đóng cục chứ không chảy ra thông suốt nhưng như thế cũng rẻ hơn là mua một cây bút mới.
 
Nghề bơm ga: Các bật lửa cũ cũng được bơm ga lại như nghề bơm mực nguyên tử.
 
Ði lượm giấy cũ: Nghề này thịnh hành không khác gì nghề tìm túi ni lông. Những người đi lượm giấy, lượm tất cả các giấy, không phân biệt một thứ giấy gì, có khi lượm cả các giấy được thải từ phòng vệ sinh rất dơ bẩn. Lượm giấy xong, họ rửa sạch, đem phơi khô và bán lại cho các nhà sản xuất giấy. Thành ra giấy ở Việt Nam càng ngày càng vàng.
 
Nghề xếp hàng: Một nghề khác có tên khá khôi hài là ‘’nghề xếp hàng’’, nhưng đúng như tên của nó, xếp hàng là một việc rất quen thuộc với người dân trong nước. Làm gì cũng phải xếp hàng từ chuyện mua gạo mốc đến việc mua miếng thịt bầy nhầy cũng phải xếp hàng. Ngoài việc xếp hàng để lãnh đồ ăn cho gia đình mình, người ta còn phải xếp hàng để mua đi bán lại. Mua đi bán lại từ miếng xà bông, từ viên đường thẻ. Xếp hàng chờ người có thân nhân ở ngoại quốc gở về rồi bán lại cho các con buôn. Những con buôn này lại xếp hàng để mua và bán lại cho người tiêu thụ... Người nào không chịu nổi chờ chực vì xếp hàng (phải cơm ăn cơm giở để xếp hàng lãnh quà, mua thực phẩm) thì có thể đưa tiền cho người làm nghề xếp hàng, xếp hàng tiếp cho minh. Ðúng là ‘’xếp hàng mệt nghĩ’’.
 
Nghề coi bói: Ai ở trong tình trạng bi đát đều mong muốn có một tương lai sáng lạn hơn. Nhưng tương lai bao giờ mới ‘’sáng lạn’’? Và ai có thể nói một cách chắc chắn rằng chưng nào cuộc đời mình mới khá hơn? Chỉ có cách hy vọng!Và người ta nhờ vào những ông thầy ‘’lốc cốc tử’’ cho họ hy vọng. Cũng có nhiều ông đoán rất hay nhưng cũng có vô số những ông thầy gỉa mạo nói láo ăn tiền. Mấy ông mấy bà bói toán này hiểu rành tâm lý người đời: ai có chuyện buồn phiền, rắc rối mới tìm đến họ. Mà những người đi xem bói, hay có tật tiết lộ, kể lể những điều mong muốn của mình. Ta có câu ‘’thầy bói nói dựa’’. Vì thế ông thầy bói chỉ đoán và nói đại những điều hay, tràn đầy hy vọng cho thân chủ, lâu lâu chêm vào vài câu xấu, nhưng lại vuốt đuôi :’’ có quý nhơn phù hộ, mọi việc sẽ trôi chảy tốt đẹp hết’’. Sau khi miền nam đổi chủ, không biết mấy ông bà thầy này học ở núi nào về mà người làm về nghề này đông lắm và coi bộ kiếm bạc khá đắt.
 
Nghề sửa xe đạp: Muốn làm chủ một ‘’tiệm sửa xe đạp’’ chắc chắn không tốn tiền vốn bao nhiêu. Phần đông người dân phải cuốc bộ, có xe đạp là sang lắm rồi. Chỉ có cán bộ mới có xe hơi mà thôi. Xe đạp hay xì bánh vì tị tận dụng tối đa. Lủng bánh, xì bánh thì mang vào tiệm bơm, sửa, thay bánh. Nhiều sĩ quan cấp tá, cấp úp cũng sinh sống bằng nghề vá, sửa xe đạp kiếm sống.
 
Ngoài ra vì hoàn cảnh bi đát của xã hội đã tạo ra những ‘’nghề’’ khác như: các quán ‘’bia ôm’’ mọc lên như nấm. Người dân đói khổ quá mà không biết làm gì để sinh nhai nên nhiều người phải nhắm mắt đưa chân để làm những nghề ‘’bán thân nuôi miệng. ‘’Nghề hành khất’. Một nghề khác khá thịnh hành là nghề đạp xích lô, nghề trồng ra trồng rau, sắn lên những mảnh vườn chỉ có sỏi và đá vì Ðảng đã bảo ‘’với sức người sỏi đá cũng thành cơm....
 
Ðó là những nghề lạ đời ở trong nước. Còn những người may mắn được đến bến bờ tự do, tuy sung sướng hơn là có làm, có hưởng chứ không phải có làm mà không hưởng như ở Việt Nam, nhưng nghề nghiệp cũng bị đảo lộn tùm lum. Thầy làm thợ, thợ làm thầy và thay đổi từ nghề nọ qua nghề kia thật lẹ.
 
Khi làn sóng tị nạn mới bắt đầu tràn vào xứ Mỹ. Người dân bản xứ đã kháo nhau: dân Việt làm biếng chỉ muốn ăn ‘’oeo phe’’, không muốn đi làm. Thật ra, chúng ta đã làm tất cả với khả năng của mình. Nào luật sư, bác sĩ, kỹ sư, quan to, cấp lớn đã một thời ‘’hét ra lửa, mửa ra khói’’ phải nhẫn nhục làm tất cả các nghề oái oăm: đổ rác, lau nhà, thông ống cống, cắt cỏ, làm vườn, vú em v...v....và v...v...Hãy nói sơ qua vài nghề điển hình như:
 
Nghề thợ tiện, thợ hàn: Những năm đầu khi mới đến Mỹ, nghề thợ tiện thợ hàn đã được nhiều đấng mày râu nộp đơn xin việc. Khi được phỏng vấn: ‘’ông đã làm nghề này chưa’’, các bậc di tản sa cơ, gật đầu như máy:’’ yes, sir! yes sir!’’. Rồi khi được nhận vào làm, trước khó sau quen, lại thêm cái tính cần cù nhẫn nại của dân ta: đâu cũng vào đó, tiện tiện, hàn hàn nhanh như chớp.
 
Nghề may tại gia: Các bậc nội trợ thì cũng có thua gì. Có phần trục trặc hơn là khác. Vì dầu sao cũng liễu yếu đào thơ. Nhìn chung quanh chỉ thấy mũi lỏ mắt xanh, một tiếng Tây, tiếng U không không biết, lái xe không được. Thì may quá, đã có một nghề kiếm cơm tại gia: nghề may đường thẳng. Nghề này đã giúp cho nhiều người trắng tay làm nên sự nghiệp rỡ ràng. Vừa may vừa trông con, vừa nấu ăn, khỏi tốn tiền xăng, không tốn tiền son phấn, khỏi phải tiếp xúc với dân bản xứ. Cả nhà con cái, vợ chồng thi nhau may ngày, may đêm. Không bao lâu lại trở thành các chủ may, nhận đồ từ hãng, đem về giao cho bà con may, kiếm lời. Những gia đình nào đông, lợi tức may vá càng lên cao. Có nhiều người hồi xưa không biết may một cái quai nón, sau một thời gian ‘’trăm hay không bằng tay quen’’, ngồi vào bàn máy đạp ra tiền dài dài.
 
Làm chủ hay làm manager cho các convenient stores: Khoàng 20 năm về trước, những tiệm có tên ‘’U-Tot-Tem’’ được dân di tản gọi là ‘’U Tối Tăm’’ đã được các người Việt tị nạn xin làm manager, hốt bạc cắc khá thịnh hành. Nghề này cũng đã tạo nên nhà nên cửa cho một số gia đình. Tuy nhiên bán hàng cho những tiệm này cũng có nhiều nguy hiểm vì bị cướp bóc, đôi khi bị giết chết.Ngoài ra, người Việt rất quen thuộc với tiệm ‘’Seven Eleven’’ (7-11)
 
Sau này những tiệm ‘’U-Tot-Tem’’ không còn nữa. Nhưng có rất nhiều người đã mua hẳn những tiệm ‘’convenient store’’, có tiệm bao gồm cả cây xăng, làm ăn rất khá giả.
 
Nghề giặt ủi: Kể cả giặt sấy bằng máy, và giặt khô (dry clean) cũng khá thịnh hành. nhiều tiệm bao gồm cả phần sửa chửa quần áo cho khách hàng nữa. Có người làm ăn khấm khá đã có đến 2, 3 cửa tiệm.
 
Body shop: Sơn, sửa xe hơi, đồ cũ chế thành đồ mới đã làm nhiều người trở nên giàu có. Những dịch vụ bán xe cũ cũng được đi đôi với những tiệm ‘’body shop’’.
 
Nghề làm vườn ‘’landscaping’’: Phải công nhận dân tộc ta có những người rất khéo tay, và học hỏi rất nhanh chóng. Khi mới chân ướt chân ráo, đến ăn nhờ ở đậu ở xứ người, chưa biết cầm máy cắt cỏ ra sao mà sau một thời gian học hỏi từ người bản xứ, đã có nhiều người làm chủ hẳn một công ti, tỉa, cắt, trồng cây cỏ, vườn tược.
 
Ngoài ra còn có một số nghề khác mà dân tị nạn khi ở Việt Nam đã không bao giờ nghĩ là qua đây mình phải làm như nghề :phát báo, nghề làm móng tay móng chân (giả và thiệt), nghề uốn tóc, nghề xăm mắt...
 
Ðể kết thúc bài ‘’nghề nghiệp’’ này chúng tôi xin kể quý vị một chuyện vui. Chuyện rằng:
 
Có một anh chàng Mít làm nghề gì, ‘’ba bảy hăm mốt ngày’’ cũng bị sa thải. Buồn quá, một ngày nọ, anh mua một tờ báo đọc thấy có cái quảng cáo từ sở thú, muốn mướn nhân viên, trả 50 đồng một giờ, nghề rất dễ, ai muốn làm cũng được. Anh chàng Mít vội vã đưa đơn nạp, được gọi liền. Trong buổi phỏng vấn. Anh rất ngạc nhiên khi chủ hỏi:
 
-’’Trong trường hợp con thú không chịu hả miệng thì anh làm gì?’’.
 
Anh thắc mắc hỏi:
 
-’’Tôi không hiểu, tại sao phải bắt nó phải hả miệng’’.
 
Anh được ông chủ trố mắt nhìn và nói:
 
-’’Bộ ông chưa hiểu nhiệm vụ giản dị của ông là: xỉa răng cọp hay sao?’’.
 
Thu Nga