Người Lính

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

 

Thu Nga
 
Hình ảnh người lính cầm súng đứng gác bên những lô cốt, chung quanh có giây rào kẽm gai, hay hình ảnh những chiếc trực thăng bay xình xịch đang đáp xuống bãi để tải thương, hay hình ảnh những ổ súng bốc khói trong những trận chiến ác liệt dầu trên báo, trên TV, ngay trên hình bìa của một cuốn CD cũng gây trong lòng chúng ta, những người Việt ly hương, một ấn tượng thân thương, gắn bó. Lòng tôi cũng chợt bồi hồi cảm động nhớ ra rằng chính cuộc đời tôi cũng đã gắn liền với ‘’lính’’ không biết từ thuở nào cho tới bây giờ tôi cũng vẫn là người vợ lính, vì đức lang quân của tôi cũng như các anh, chưa bao giờ giải ngũ, chỉ vì vận nước đen tối, điêu linh nên các anh đã không còn được khoác trên mình bộ quân phục oai hùng thuở nào nữa.
  
 Lính là hình ảnh hiên ngang ‘’...Ðoàn quân thiện chiến lúc tuổi còn xanh, vẫy vùng cho máu đỏ loang thành suối...’’ họ là những người đã hy sinh đã chịu thiệt thòi nhất cho đất nước, cho gia đình, cho chính bản thân của họ và cũng thiệt thòi nhất cho những người mà họ thương quý nhất đời, đó chính là vợ của họ, người vợ lính. Lòng hy sinh của các bậc nữ nhi này cũng vô bờ bến như sự hy sinh của người lính, chịu đựng dai dẳng hết cuộc chiến này, đến cuộc chiến khác.
  
 Chiến tranh đã kéo dài cả phần tư thế kỷ giữa hai chiến tuyến Quốc Cộng. Giặc phương Bắc lúc nào cũng chực chờ xâm lấn miền Nam. Bổn phận của các chiến sĩ trong QLVNCH là giữ gìn bờ cõi, đất nước, ngăn chận bước quân thù để người dân được sống an vui nơi thành thị. Hầu như lúc nào các anh cũng ở trong tình trạng báo động, cắm trại 100%.
 
Chiến tranh có thể cảm nhận được, hoặc thấy được ở trong thành phố:
 
...Giờ này thành phố chợt bùng lên
Ðể rồi tắt nghĩ sớm
Ôi Sài Gòn, Sài Gòn rộng giới nghiêm...’’ (Thơ Tô Thùy Yên)
 
Những đoàn convoi nối đuôi nhau, ngay trong thành phố cũng thấy những bộ quân phục, trên đầu thì đội mũ nâu, mũ đỏ, mũ xanh... lính không quân với bộ áo liền quần, hải quân với bộ quần áo thủy thủ màu trắng, các anh bộ binh với áo bốn túi, các binh chủng khác với áo hoa rừng rằn ri, những hình bóng đó trở nên thân quen, thương mến trong lòng người dân .
 
Chiến tranh thật sôi động trong lứa tuổi học trò của chúng tôi, thời con gái thuở ấy, quen lính, có cảm tình với lính. Các cô học sinh lúc bấy giờ đa số cũng có người yêu là lính chiến, những giây phút tay trong tay bên cạnh người yêu oai hùng, hiên ngang, các cô rất hãnh diện. Có nhiều mối tình đơm bông, kết trái giữa anh tiền tuyến, em hậu phương. Nhưng cũng có nhiều cảnh bi thảm đau lòng, người trai bỏ mình ngoài trận điạ, nên chuyện lứa đôi xin hẹn đến kiếp sau. Những đứa con trai, mới ngày nào còn chải chuốt trong chiếc quần xanh, áo trắng thư sinh, bây giờ đã biến khỏi thành phố, khi gặp lại, tóc đã húi cua, da rạm nắng phong sương, đã biến thành những người lính chiến vì ‘’...đi quân dịch là thương nòi giống...’’ và ‘’thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu’’.
 
‘’Ta bỏ lại đời sinh viên mộng mị
Nhìn đỉnh Lâm Viên nghiêng bóng quân trường
Alpha ơi! Màu đỏ đẹp vô cùng
Chiều doanh trại nhớ về em bất tận’’
 
‘’...Tôi đã thấy một sinh viên tuấn tú
Xếp bút nghiên mong thỏa chí tang bồng (thơ Quốc Nam)
 
Cũng là con người, chắn chắn lòng kẻ ra đi cũng bùi ngùi, không kém người ở lại mang mang tâm sự:
 
‘’Ðưa người ta không đưa sang sông
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thẫm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong’’ (Thâm Tâm)
 
Có khác gì nỗi lòng người lính thú khi xưa
 
‘’Thùng thùng trong đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa’’
 
Ra đi bỏ cha mẹ già, đàn em nhỏ dại, mong đem sức trai trả nợ non song. Sau khi trui luyện, học tập tại các quân trường, đã được đưa đi khắp bốn vùng chiến thuật . Ðôi khi nơi địa đầu giới tuyến, gác tay súng, nhớ người yêu:
 
‘’Chiều trên Phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận...’’ (Tô Thùy Yên)
 
Chiến tranh lan tràn từ miền quê cho đến phố thị. Những người con yêu đất nước không có thời gian cho gia đình, cho vợ, cho con cho người tình nơi chốn hậu phương. Những giây phút về thăm gia đình trong 24 giờ phép thật vội vã chưa nói được lời yêu thương nồng ấm, tiếng súng đã vọng về thôi thúc trở lại chiến trường, ‘’chưa vui sum họp, đã sầu chia phôi’’. Chia tay lần này có thể ‘’một đi không trở lại’’. Có nhiều gia đình có 4 ngườI con trai, thì có 3 người đã đền nợ nước. Có em gái hậu phương vừa bước lên xe bong với anh trai tiền tuyến tháng trước, tháng sau đã trở thành ‘’góa phụ thơ ngây’’
 
Thời gian này nhiều cô cũng vừa từ bỏ áo dài trắng ‘’theo chồng bỏ cuộc chơi’’, bây giờ đã tay bế tay bồng, bỏ mẹ già, cha yếu, theo chồng đến những nơi đèo heo, gió hút. Khi người chồng đang xông pha trong lửa đạn, vợ sống chen chúc với nhau trong những khu gia binh chật chội hay thuê nhà chung với những người trong xóm, buôn gánh, bán bưng, kiếm ít tiền lời để phụ với chồng nuôi con, đêm về nghe tiếng súng đại bác ầm ầm vọng lên hình như từ cuối chân trời, nơi có chồng nàng hiện diện. Lòng người thiếu phụ trẻ bồi hồi, lo âu:
  
 ‘’Ðêm đêm bên ngọn đèn khuya
Ôm con nghe tiếng đạn ‘’mọt chê’’ giật mình’’
   
Hàng ngày nghe tin có đụng độ lớn, biết bao kẻ đã hy sinh nơi chiến địa, người thiếu phụ lâm râm khấn vái, ‘’cho chồng con trở về được bình an, con xin xuống tóc tạ ơn’’. Cũng có khi người lính trở về chỉ còn một chân, hoặc một tay, hoặc với một mãnh đạn trong đầu, trong lưng hoặc ‘’anh về với hòm gỗ cài hoa’’, Hàng hàng lớp lớp ra đi, hàng hàng lớp lớp nhã xuống ‘’một tấc khăn sô, một tấc đường’’
 
Hình ảnh bi thảm của người góa phụ:
 
‘’Em độc thoại với lời kinh ánh xanh
Trăng lu khuya mỏi nén nhang tàn
Chó tru thăm thẳm ngây thiên địa
Mái ngói nghiêng triền trái rụng lăn...
 
Ngọn đèn hư ảo chong linh vị
Thắp trắng thời gian mái tóc em...(Tô Thùy Yên)
 
   
Bên cạnh những người vợ sống lủi thủi hết năm này, tháng khác ở nhà chờ chồng hành quân về, thì cũng có những bà vợ, anh ở đâu, thì em ở đó, như những người vợ của địa phương quân, nghĩa quân, đã hiện diện bên các anh trong những giờ phút mà sự sống và sự chết không còn phân biệt, các bà cũng đã tải thương, cũng cầm súng chiến đấu hào hùng bên cạnh chồng trong khi thuốc súng bay mờ mịt không gian.
   
Chưa có một quân đội nào mà người lính phải chịu gian nan, lao khổ trong một tình trạng thiếu thốn như quân đội VNCH. Nhưng trên môi các anh lúc nào cũng nở một nụ cười rộng lượng. Các anh đến đâu cũng chiếm được những sự tiếp đón nồng hậu, thân mến của người dân. Một tháng 30 ngày, anh không thấy mặt vợ con, ngay cả những lúc vợ anh cần anh nhất:
   
‘’Vợ sanh đứa con đầu lòng
 anh cũng không về được
vì mãi mê đánh giặc
Ðể giữ vững non sông.’’
 
Dãi dầu mưa nắng, ai biết được những gian truân của người lính chiến:
 
‘’Ðò nghẹn đoàn quân xa tiếp vận
Mưa lâu trời mốc buồn hôi xưa
...
Quán chật xanh lên rừng lính ướt
Mặt bơ phờ dinh gió bao la
...
Tiếp tế khó đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày chưa lấy xác
Thây sình mặt nát lạch mương tanh...’’
(Tô Thùy Yên)
 
Chiến cuộc leo thang cho đến ngày sảy đàn, tan nghé. Ván bài chính trị do ngoại bang làm cái đã đến hồi kết thúc. Người lính phải nuốt hờn buông súng. Thân phận của họ theo vận nước tối đen, kéo lê cuộc đời tù tội, nhẹ thì đôi năm, nặng thì cả đến trên dưới 20 năm!
 
‘’...
Nhục đau này để lại cho con
Giòng máu đỏ muôn đời bất khuất
Trên bản đồ không còn đất nước
Nhưng trong lòng tổ quốc muôn năm
 
Tôi vào tù trả nợ tiền khiên
Miền đất khổ, em làm cô phụ
Biết bao năm trả hoài mới đủ
Cho nên em muă nắng đợi chờ...(Quan Dương)
 
     
 Những chuyện não lòng của người vợ khi băng rừng lội suối, có bà phải đi bộ cả 30 cây số, gian lao như thế, mà có khi còn không được công an cho phép thăm chồng, có cảnh nào đau đớn bằng. Người chồng thấy dung nhan vợ đã tiều tụy, đôi bàn tay khô héo vì lam lũ đã thốt lên rằng:
 
‘’...Anh cầm tay em, bàn tay khô héo,
Anh nhìn mắt em, gió lùa lạnh lẽo...’’ (Hà Thượng Nhân),
 
Nhìn nhau một vài giây phút rồi người vợ lại lủi thủi trở về, đêm đêm nhìn ánh trăng, khóc cho chồng, khóc cho con, khóc cho chính thân phận của mình :
  
 ‘’Trăng khuya mờ tỏ
Xanh xao ngọn gió qua nhà
Ðàn trẻ nhỏ trông cha
Ðã thành ma trên đất Bắc
Lòng góa phụ năm canh dài quặn thắt
Vách khuê phòng lạnh ngắt lưới buồng giăng’’ (thơ Trần Văn Lương)
 
Người chiến sĩ sa cơ:
 
‘’...Củ khoai mì lót dạ thay cơm
Trên rừng cải tạo
Quần quật mồ hôi không khô chiếc áo
Ăn đám rau dại bên đường không kịp trổ lá non...’’(Quan Dương)
 
 Ðó là thân phận của người lính miền Nam, những người con yêu của đất nước, những kẻ đã ra đi, những người còn sống sót lê cuộc đời thảm thương với một thân thể không lành lặn, gia đình ly tan. Và rồi ‘’chí thì còn mong tiến bước, nhưng sức không kham nổI đoạn đường’’, nhiều người đã gục ngã, không mộ bia, không nhang khói, oan hồn của họ bay vất vưởng cùng với anh linh của chiến sĩ tại nghĩa trang quân đội trên đầu cây ngọn cỏ, nhìn xuống chính quê hương mình đã trải máu xương gìn giữ, tâm cang uất nghẹn:
 
‘’Ta như người lính vừa thua trận
Nằm giữa sa trường nát gió mưa
Nhắm mắt cố quên đời chiến sĩ
Làm thân cây cỏ gục ven bờ
Bỗng nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa’’ (Thanh Nam)
 
 Những người may mắn, còn sống sót đã đến được bến bờ tự do, vẫn bền tâm kiên chí tiếp tục đấu tranh. Dõi mắt nhìn về quê hương, lòng canh cánh:
 
‘’...Cơn mộng đến
Môi rung lời trăn trối
Ðường lưu vong, không có nghĩa quên về..’’ (Lan Cao)
 
Vì:
 
‘’...Ai không có mẹ trên đời
Ai xa tổ quốc mà vơi nỗi sầu...’’ (Lan Cao)
 
Hình ảnh những chiếc GMC chạy rầm rầm trong đường phố, có lúc ngay trong đêm Giao Thừa, những tiếng khóc than bên ánh nến chập chùng tại Tiểu Khu Tuy Hòa, cùng những tiếng nhạc quân hành rồn rập, tiếng kèn truy điệu trong những ngày đầu năm vẫn còn văng vẳng đâu đây trong tiềm thức... và những bộ quân phục của thủy thủ, không quân, bộ binh, thiết giáp v...v...mãi mãi vẫn là những hình ảnh thân yêu nhất trong lòng mọi người, trong lòng tôi, trong lòng những người vợ lính- cùng với chồng một lòng son sắt yêu quê hương tổ quốc, cùng chung một ước mơ:
‘’...
 Ôi ta mơ ngày được lau khô giòng lệ
Trong buổi đoàn viên dậy tiếng quân reo
Ta ngẩng mặt nhìn lên tổ Quốc thân yêu
Bóng cờ vàng đang tung bay ngạo nghễ
Mẹ nở nụ cười rạng rỡ
Cha quẹt mồ hôi ánh mắt rực vui
Anh, chị, em, lòng sung sướng bồi hồi
Chúng con về đây ngày hội lớn
Nghe đâu đây vang dậy tiếng quân reo
Việt Nam ơi!
Việt Nam ơi!
Ta mỏi mắt mỗi chiều!’’ (TN)
 
 Bên cạnh người chồng dầu tóc không còn xanh, mắt không còn sáng như thuở xa xưa, thì người vợ nay cũng theo thời gian, má nhạt môi phai nhưng bên cạnh người chiến sĩ già, xa quê hương, các bà vợ vẫn là hậu thuẫn kiên cố nhất, trung kiên nhất để người chồng lại tiếp tục nhiệm vụ của người chiến sĩ đã bị gián đoạn vào ngày 30-4-75. Tổ Quốc đang réo gọi, danh dự một tập thể cần được phục hồi với trách nhiệm của toàn thể các anh lính chiến và chúng tôi,những bà vợ luôn luôn ở bên cạnh các anh.:
   
Bên anh, lính, em, một người vợ lính
Tự thuở nào đã thề nguyện sắt son
Thù nhà chưa yên, hận nước vẫn còn
Anh người lính, em vẫn là vợ lính (TN)
 
 
Thu Nga