Năm Mù Sương, Tháng Mù Sương

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

 

 
Phạm Ngũ Yên
 
1.
Lần đầu tiên tôi nhận ra chính mình trong lá thơ của Quỳnh viết. Những ngày đông đầy mưa, chỉ có tôi và nàng trong chiếc quán quen thuộc. Ngụm cà phê nóng làm nàng suýt xoa. Chiếc bàn mica mát lạnh hai chỗ ngồi và khung trời tạnh khô màu tro như được vẽ bằng mực tàu pha loảng.
Những lời trong thư của nàng mang một giá trị của một cời than còn nóng, thắp cháy những đoạn đường xưa, nơi thành phố buồn lạnh như dòng sông chảy qua đời nhau lặng lẽ. Khi tôi nhớ về Quỳnh, là tôi muốn nhớ về một màu son trên môi giống như một màu phượng cháy. Tôi từng có một lần ra đi để không bao giờ trở về Ðà Lạt. Những góc phố ướt mưa vẫn nằm im không trăn trở. Tôi nhớ đến con đường Ðào Duy Từ chạy ngang qua nhà nàng, mùa này sững sốt tiếng chuông. Những tam cấp rỉ rên dưới bước chân người , nhìn xuống một bến xe đò huyên náo và rực rỡ mộng giang hồ. Lúc nào cũng vậy, khi nhìn thấy những cơn mưa vắt ngang qua một bến xe đò là lòng tôi thôi thúc một chuyến đi. Không biết đi đâu. Chỉ biết trèo lên ngồi ở băng ghế, nhìn xuống những vạt cỏ chạy lùi lại phía sau, những cột mốc lầm lũi bên đường, lòng thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi không biết nơi chặng dừng chân phía trước có bao nhiêu niềm vui hay nỗi buồn đón đợi, và trái tim sẽ ủ được bao nhiêu hương sắc của đời?
Những ngày như vậy, tôi nhớ vô cùng tiếng cười trong veo của nàng. Như một giọt mực xanh rụng xuống lòng giấy trắng. Nàng không yêu tôi nhiêu như tôi tưởng. Nhưng tôi vẫn nghe chật trong lòng ngực một bếp lửa mùa đông. Nàng tồn tại trong trái tim non yếu của tôi như một đóa hoa tồn tại bên ngoài cửa sồ. Ðôi khi tôi thấy Quỳnh là một nửa tìm kiếm của tôi, đôi khi nàng không là cái gì hết. Nàng yêu tôi giống như người ta làm văn nghệ và giống như mây trời. Nghỉa là tùy hứng và nếu có thì cũng không dài lâu. Ðâu có ai giữ được mây trời và cũng không ai bắt một trái tim mãi rung lên những nhịp đập sắt son trong lòng ngực.
Ðôi lúc tiếng cười của nàng như một chiếc lá khô rơi xuống mặt đường tỉnh lặng. Và nổi buồn chạy đuổi theo từng tiếng chân mưa vuột ngã ngoài kia.
Có lúc nào đó tôi sẽ xa nàng. Như một điều tự nhiên. Từ khi tôi quen nàng, những mấm mống của tan vở đang thành hình. Tôi không thể hiểu được trong tâm hồn đơn sơ của nàng có bao nhiêu chỗ để dành cho tôi. Có bao nhiêu chỗ để dành cho người khác. Ðã có một thời tôi uống say tiếng cười nàng. Trong khi sự mâu thuẩn về một tình yêu va vào đời nhau tê điếng.
 
2.
          Một đêm tôi trở về từ căn phòng làm việc trong đơn vị. Những ngày kề cận với cái Tết Việt Nam. Tháng giêng rét mướt những đóa dã quỳ bên vệ đường. Tôi đi qua chiếc quán cà phê của tôi và nàng đã từng có thời ngồi với nhau. Nàng gọi tên đó là “quán tình nhân” và tôi đã từng nghe ở đó tiếng cười trong veo của nàng. Chiếc quán khuya có màu đèn thoi thóp trên những bàn gỗ hai chỗ ngồi. Bó cẫm cúc cắm trong bình sứ màu trắng như bơi trong không khí ướt lạnh. Ðà Lạt đang chìm đằm trong màn đêm và tiếng gió làm rung những tấm bạt làm bằng vải dù che trước quán. Ðường phố mang một hơi thở mùa xuân. Ðường phố đó đang nói với tôi sự cô đơn luôn là một cứu cánh của đời sống. Gió trở về làm thao thức từng chiếc lá rụng xuống gối đầu vào ngạch cửa. Ai đó đã treo bên dưới những giỏ phong lan có màu giống như màu của nàng.
          Làm sao để tôi phơi lòng của tôi trên những cành xanh mà không đụng tới giông bão. Mùa đông đến rồi mùa đông đi. Ðể lại hương hoa sứ nhẹ nhàng ngoài vườn. Và điều thưồc trên tay đang cháy hết đến phần cuối cùng. Con dốc mù mịt tiếp nối nhà thờ Con Gà. Tiếng mưa quen dội về như bài hát cũ...
          Nàng đã có một người con trai khác. Ðêm Ðàlạt ngèn nghẹn tiếng máy xe và những cụm khói đàng sau ống bô. Như tiếng khóc xa rời một tình yêu.
          Tết năm đó tôi không về Vũng Tàu. Mẹ tôi vẫn chờ tôi như đã từng chờ tôi ngày thơ ấu, tôi mê chơi không chịu về. Ðêm giao thừa trống hoác một giấc mơ. Nồi bánh chưng mẹ tôi nấu dưới mái hiên nghe xôn xao một lời chim núi. Lưng bà đã còng nhiều hơn vì gió mùa đông hốc hác thổi qua. Có quan trọng gì đâu, khi biển vẫn còn xanh mà tình yêu giữa tôi và nàng có một thời nông nổi. Trong trái tim nàng không có chỗ cho tôi trú ngụ.
Tôi đi qua một mùa rét tháng giêng. Trái thông khô rớt ngỡ ngàng trên vai. Bâu trời đêm không một vì sao. Hơi thở mùa xuân suồng sã rung lên tuổi thơ tôi, như năm nào tôi vào đời vẫn vậy.
Khi không còn yêu nhau, nàng đòi tôi trả lại cho nàng những lá thư viết từ những ngày xa xưa. Lúc năm tháng đốt mùa xuân cháy bùng trên môi hai người. Nàng có thói quen viết xuống lòng giấy những dòng chữ ham hố, không chừa một chỗ trống. Màu mực tím giống như màu áo len của nàng nhòe nhoẹt đời tôi. Cho đến bây giờ, những lá thư đó đầy chật trong ba lô làm một thứ hành trang thiên lý. Chúng có khả năng đốt lên làm sôi một ấm nước.
Tháng hai rụng quanh đây hoa đào như trái tim rĩ máu. Mưa bay qua vội vàng như muốn chia hai thành phố. Một ướt át bây giờ và một ướt át ngày mai.
3.
Thành phố Florida của bạn tôi vùa đón nhận cơn gió xoáy tệ hại nhất từ mười năm qua. Ước tính sơ khởi khoảng hàng trăm căn nhà bị hư hại và có 14 người chết. Nhiều căn khác bị cào xới đến tận móng, trong khi bàn ghế và vật dụng bay tứ tung. Sức gió mạnh đến nổi nhà thờ Lady Lake Church Of God có từ 31 năm nay, có khả năng chịu đựng những cơn gió mạnh tới 150 dặm một giờ cũng bị thổi sập. Khi giáo dân đến an ủi Linh Mục Larry Lynn, thì ông nói: “Nó chỉ là một tòa nhà. Dân chúng mới thật sự Nhà Thờ. Chúng ta lại sẽ khôi phục mạnh mẽ và lớn lao hơn”.
Có nhiều điều lạ lùng trong đời sống của chúng ta. Là khi tai nạn, đau khổ chúng ta mới nghi đến Thượng Ðế. Rồi sau đó bình an trở lại, ta quên Ngài.
Tôi đã từng ghé thăm Orlando, thành phố có nhiều tai ương từ vài năm trở lại đây. Người bạn thân từ thời đi học tại Vũng Tàu là Võ Như Lăng đang định cư tại Florida. Năm 1993 anh rời VN theo chương trình HO.
Anh là đứa con trai Huế lưu lạc vào trong Nam. Học hành tại một thành phố biển miền Nam và khi đi lính về trú đóng tại một thành phố biển khác của miền Trung, là Ðà Nẳng. Chưa một lần anh trở về VN để nghe trong lòng cái rét cuối năm như bây giờ. Nhưng biển vẫn còn những vạt nắng long lanh như ngày tháng Vũng Tàu.
Những đứa con trai của thành phố thơ mộng ngày nào, vừa tan vỡ trong lòng những mùa xuân chín. Nhưng vẫn không lụi tắt một bếp lửa giao thừa.
Ðêm rét mướt những vòng bánh xe, khi anh đưa tôi trở về nhà của anh. Chúng tôi vừa tham dự một đêm thơ nhạc được tổ chức tại nhà của Bùi Trần Tuấn, (có vợ chống nhạc sĩ Châu Ðình An- của Ðêm Chôn Dầu Vượt Biển- có vợ chồng nhà văn Ðào Quang Vinh. Anh Ðào Quang Vinh hiện đang là Chủ Tịch Văn Bút Trung Tâm Florida)
Tôi ngở tôi bay trong giấc mơ vườn nhà anh. Những trái dâu chín đỏ màu môi con gái. Ngày xưa... ngày xưa...
Ngày đó tôi và Lăng đi về chung đường với nhau một đôi lần. Cả hai chúng tôi cùng yêu say đắm hai người con gái học chung lớp mà không dám bày tỏ. Thời gian trôi theo những tà áo quấn quít như tơ trời. Theo chiếc nón lá che nghiêng những buổi trưa về học. Ðường phồ lặng yên khi hàng cây không biết nói, giống như chúng tôi. Những tờ lịch rụng xuống cho một tình yêu quyết liệt. Và sau cùng hai chúng tôi nhận chân ra một bài học gai góc chép giữa trang giấy đời.
Những bài học cay đáng không phải là bài thơ mà tôi đã làm. Nghỉa là mộng mơ và sương khói. Cho nên một lúc nào đó các người con gái bỏ trường bỏ lớp đi lấy chồng. Ðể lại tôi và Lăng ngẩn ngơ theo tiếng cười ngày ấy...
“vui thì rộng, buồn thì sâu
bàn chân đặt lại nhịp cầu đong đưa
nối ngày nay với ngày xưa
biết rồi, lại nối với chưa biết gì”
(đỗ huy chi)
Tất cả đều vắng xa. Tôi không biết Lăng đang nghĩ gì, nhưng trong lòng tôi vẫn rực rỡ một màu hoa rụng xuống. Một lớp học bâng khuâng rã rời những cánh phượng.
Những mối tình học trò không kịp lớn khôn. Những người con gái mang tấm lòng đơn sơ như tờ giấy chưa kịp chia ô, chưa kịp kẻ dòng, chưa có bụi bậm làm hoen ố. Chúng tôi vào đời không còn cơ hội đi học. Cổng trường khép lại từ một mùa xuân. Bàn ghế, chỗ ngồi quen không níu được chân giang hồ. Tiếng mưa buồn như ai khóc.
4.
          Những ngày rụng xuống như mưa tháng hai. Những con chim sẽ sáng nay vừa cùng nàng bay mất. Tôi vừa nhận được một điện thư báo tin một người bạn- một người thầy của trường Trung Học Vũng Tàu vừa qua đời.
Cách đây 3 năm, tôi về Cali, nhân dịp dự Ðai Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Thời kỳ này tôi đang thất nghiệp và đã ăn đến đồng bạc cuối cùng của Sở Thất Nghiệp dành cho tôi. Tôi thu xếp 4 ngày để đi Westminster và sau đó sẽ về lại Austin.
Buổi sáng trước khi ra phi trường John Wayne, tôi được Thầy Nguyễn Mão chở đi loanh quanh một vòng Bolsa và mua một vài món đồ kỹ niệm. Chúng tôi ngồi uống cà phê ở Starbuck’s, nhìn sang công viên “Người Việt Tị Nạn”. Tôi hỏi Thầy Mão tại sao công viên lại có tên như vậy, Thầy trả lời: “Vì người VN ở quanh đây khá đông và thường ra đây đi bộ mỗi ngày”.
Buổi sáng đầu tuần vắng vẻ người qua lại trên công viên. Ly cà phê mau nguội vì gió lạnh. Rét mướt làm run rẩy môi miệng. Bên kia đường những luống hoa vừa được vun xới và tiếng chim kêu buồn bã dưới cây đỗ tùng. Có những ngăn đời chật hẹp để đủ chỗ chứa đựng một hòn sõi nhưng sao nghe lòng nặng một trí nhớ. Khi người ta không biết suồng sã với tình yêu, thì tình yêu tự nó sẽ bay mất. Ai đó đã nói như vậy? Những vòng bánh xe mỗi thời có làm hao mòn sên xích, trong khi mái tóc bớt màu xanh không che hết trán ưu phiền.
Mùa này đang có gió xuân mơn man trên nhửng cành sứ đường lên Dinh Ông Thượng. Những trái bàng già rụng vội từ một mùa thi. Chúng tôi rời quán đứng lên. Thầy không để tôi tính tiền và nói “Ðể dịp khác”. Trên đường ra phi trường sáng hôm đó những cây cọ lùi lại sau lưng. Những cây cọ trẻ trung mang nét đặc thù Cali, nhưng lòng tôi già nua quá đổi.
Tôi không nghĩ tôi sẽ không còn dịp để chia xẻ với Thầy Mão một ly cà phê Starbuck’s. Tôi cũng không nghĩ cuộc đời ngắn hạn và vô thường đến nổi tôi và Thầy chia tay nhau thực sự.
Thỉnh thoảng mọi người vượt qua biển dâu. Nhưng cũng có lúc chúng ta không thể đi trọn con đường dương gian và lặng lẽ dừng lại. Giống như một tình yêu ngậm ngùi, sự nằm xuống sẽ để lại trong lòng những bè bạn và học trò cũ một dấu ấn. Vì ngày còn sống Thầy Mão đại diện cho sự yêu đời, sự mạnh mẽ. Thầy luôn vui và đòi hỏi những bạn hữu của Thầy sự dấn thân kỳ diệu. Quyển Kỷ Yếu Trung Học Vũng Tàu được Thầy thực hiện và hoàn thành cách đây hai năm là một bằng chứng. Dù có nhiều bàn tay góp lại để làm ra một kết quả lộng lẫy, nhưng không một ai phủ nhận công của Thầy Mão bỏ ra nhiều vô cùng. Từ chuyện vận động quyên góp tài chánh để in ấn, đến việc thu thập tài liệu, bài vở và sau cùng layout. Khi đón nhận quyển Kỹ Yếu trong tay, người ta sẽ thấy rõ ràng có tâm hồn Thầy trong đó.
“ Không còn kịp nửa đâu”. Tôi nghĩ như vậy. Và úp mặt vào đôi bàn tay lạnh giá. Sẽ không còn lần nào khác để trả lại cho Thầy một ly cà phê, khi tôi về Cali. Những cây đổ tùng bên công viên hôm nào lá sẽ xô nhau ngã. Nếu nỗi buồn luôn trở mình như ngọn nến để thắp cho đời một tia lửa ấm, thì sự nằm xuống của Thầy Mão, trong một nghĩa nào đó đã thắp lại trong lòng những người thân, những bạn bè một hơi ấm đôn hậu.
Những năm mù sương, những tháng mù sương trên bóng của thầy đã nằm lại bên đường. Thành phốCali mùa này vừa để rơi một người con củabiển.
PNY