Mùa Thu Trở Lại

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

 Tùy bút

 Thu Nga
 
Không gian tự nhiên yên lặng, mây bỗng dưng như xuống thấp, tia nắng mặt trời không còn gay gắt như mọi khi và tiếng ve sầu trên đầu cây mimosa vàng như tàn cây điệp cũng bặt tiếng … tôi chợt nhớ ra, mùa thu đang về.
 
Thảo nào trên đường phố xe cộ tấp nập trở lại, các ngã  tư gần trường lại có những người làm việc volunteer đứng dắt học sinh băng qua đường, mùa thu về thì mùa tựu trường cũng về theo.
 
Những chiếc quần short, những chiếc váy đầm ngắn, khoe đùi và khoe những ngón chân sơn màu rực rỡ nay nhường chỗ cho những chiếc váy dài hơn, cổ áo cao hơn . Các cô gái xinh đẹp nhí nhảnh đã cất đi đôi dép lẹp xẹp hay đôi giày sandal có nhiều quai nhỏ chằng chịt quanh bàn chân, thay vào đó bằng những đôi guốc cao gót bịt kín cả ngón chân lẫn gót chân. Ở đây dạo sau này cũng có những đôi guốc gần giống guốc Dakao ở Việt Nam thuở “xưa” cũng gót nhọn cao chót vót, màu sắc khá đẹp mắt nhưng không đẹp bằng những cánh hoa vẽ bằng tay lộng lẫy trên những đôi guốc Dakao mà các cô nữ sinh trung học ngày nào yêu thích
 
Nói tới guốc Dakao hồn tôi  bâng khuâng nhớ lại: trong những chiếc cặp da đưng đầy me, cóc ổi của tôi và các bạn còn có cái kềm, cái đinh nhọn nhọn và những đôi đế mới để khi gót giày nhọn bị mòn, trơ miếng sắt ở trong-  gõ những tiếng lóc cóc khó chịu trên đường nhựa,  hay làm cho các cô mắc cỡ khi nghe chính gót giày của mình khua những tiếng chói tai khi lên trả bài-   Nhìn các cô  ngồi phịch xuống vệ cỏ bên đường lôi những thứ lỉnh kỉnh ra thay một bộ gót giày mới vào trông cũng ngộ nghĩnh lắm . Đôi khi gót giày mòn quá nạy ra không được các cô lại còn có diêm quẹt đốt để gót giày bằng nhựa chảy ra cho hết mới có thể thay cái mới được .
 
Học sinh trung học thời đó mỗi đứa trung bình chỉ có hai họăc ba chiếc áo dài trắng, cho con gái, vài chiếc quần dài màu xanh và áo sơ mi trắng cho con trai, đứa nào nghèo chỉ có 2 bộ giặt đi giặt lại, mặc quanh năm, suốt tháng, chẳng bù với tủ áo quần đầy nhóc của học sinh thời nay trên xứ Mỹ .
 
Gương mặt thân thương của những đứa bạn tuy mùa hè cũng gặp nhau thường nhưng sao khi tựu trường vẫn tíu tít như xa nhau cả mấy tháng không bằng . Lại những người bạn mới từ quê lên , hay nhừng người theo cha mẹ từ một phương xa nào tới (…Buổi chiều đầu họ tìm bạn kết duyên, trong sân trường tưởng dạo giữa đào viên, quần áo trắng đẹp như long mới mở ….(Huy Cận) ) Thầy cô hình như cũng diện quần áo mới như lũ học trò, không khí rộn rang nhộn nhịp, tiếng gọi nhau, tiếng nói chuyện ồn ào, cho tới khi tiếng kẽng báo hiệu giờ vào lớp.
 
Năm lên đệ ngũ, xóm tôi cũng có một nam sinh từ vùng quê lên ở trọ học, tên N. Một lần tôi bị giây sên xe đạp cắn mất vạt áo dài khi ngồi sau xe của Th., Năng đã dừng xe giúp Th. sửa lại giây sên và khi thấy tôi lính quýnh với chiếc áo dài bây giờ vạt sa chỉ còn tới ngang lưng quần, N. đã chở tôi về . Từ đó câu chuyên được đồn ra N. cua tôi, mặc dù tôi đã vùng vằng, giận dỗi với đám bạn quỷ quái – tụi nó biết chuyện đó không thật nhưng chỉ muốn chọc cho tôi giận mà thôi . Có đứa đanh đá nói :”Ủa không có thì thôi việc gì phải nhảy loi choi lên như vậy ? bộ “có tật giật mình hả “. Tôi vùng vằng rồi bật khóc, từ đó tụi nó không chọc nữa .
 
Nhưng cũng từ đó, tôi thấy ánh mắt kỳ kỳ của N. Hình như do câu chuyện nhờ chở về và câu chuyện bạn bè trêu  chọc tôi đã làm cho N. chú y đến tôi hơn . Mỗi lần đi học về, chúng tôi hay đạp xe đi chung với nhau nên mấy anh nam sinh khó có thể đi theo tán tỉnh nếu phải long một cô nào trong nhóm . Mà nhóm tụi tôi thì có cả thảy 4 đứa, không lẽ tán cả 4 ? mà trong 4 đứa, trong thời gian lên đệ ngũ rồi, vẫn chưa đứa nào có người yêu nên phá phách không thể nói, như con trai . Trong đó có con Th. là phá phách hàng đầu . Một lần tôi thấy N. đạp xe phía theo sau, không may cho nó con Th. thấy trước, nó bảo tụi tôi dừng xe lại chờ N., tôi ngóai lại sau thấy N. cuống quit, gương mặt đỏ bừng, con Th. lên tiếng “ anh N. đi hộ tống tụi này hả ?” N. lí nhí tính tìm đường chạy vì “tránh voi chẳng xấu mặt nào “ nhưng 2 đứa kia: B., H. và  Th. đời nào “tha Tào “, chận xe N. chọc ghẹo đủ thứ, nào là hôm nay cắt tóc cao đẹp ghê, đứa thì khen diện đôi giày da coi bọ láng dữ, đứa nói áo sơ mi giặt bằng gì mà trắng xanh đẹp quá ….N. nhìn tôi lúng túng chờ tôi giải cứu dùm. Còn tôi thì bực bội ra mặt tự nhủ “cho đáng kiếp”!
 
Nhưng năm sau nữa, chưa học xong đệ tứ, ba N. bịnh nặng, anh chàng bị mẹ gọi về cưới vợ chạy tang, vậy là cây si của tôi bị bứng trốc gốc, may quá!.
 
4 đứa chúng tôi vô tư đùa giỡn cho tới ngày anh Đ. cua được con B., hàng ngày nó vẫn đi học chung, chơi chung, nhưng cũng có những giờ phút nó hẹn hò riêng và những buổi đó nó đều nói với má của nó là tới nhà tôi  cùng giải tóan đại số . Ngược lại sau này khi tôi và anh hẹn hò nhau thì mạ tôi lại nghe tôi đi đến nhà bạn cùng làm bài chung,  nay đại số, mai hình học mốt viêt văn, không nhà con B. thì nhà con Th.; con H. ở mãi tận quá ngã năm nên tôi không “đi làm chung bài” được . Nếu nói tới nhà con H. mà về tối thì mạ tôi sẽ không tin vì bà biết tôi sợ ma, không dám về môt mình qua mấy dãy nhà thương có đèn điện hiu hắt, có giãy nhà xác và ngang qua khu trường tiểu học Quân Dân Chính, nơi có nhiều cây bàng, cây vông đồng với thân cây to tay người lớn ôm không kín . Nhất là về mùa thu, một làn gió ma quái thổi qua, hang trăm lá rụng như có người bốc lá vãi vào mình . Tôi đã bị một đôi lần, cắm đầu chạy trối chết . Từ đó, cực chẳng đã, tôi mới dám đi ngang đó khi trời đã chạng vạng tối, có đi cũng không dám đi một mình . Mà kỳ lạ! mỗi lần mình sợ, chạy họăc đi nhanh, đều nghe tiếng chân thình thịch chạy theo sau! Trên đường vắng ngoe, nhất là trời lạnh, những xóm quanh đó đèn vàng hiu quạnh càng tăng them vẻ tỉnh mịch ma quái!
 
Khu xóm sau lưng nhà tôi cũng có những câu chuyện ma thật hoang đường nhưng nghe người lớn nhắc hòai thì đâm ra như có thật . Một con bạn nữa, tên L. tuy thân, nhưng nó học khác trường, trương tư thục Bồ Đề; tôi cũng thích chơi với nó, nhưng ngặt một điều, tới nhà nó phải băng qua một cái truông đầy cây sầu đông, ban ngày còn đỡ, chạng vạng tối là tôi khỏi dám đi ngang đây, nhất là sau khi chú T. chết vì ho lao . Nghe nói chú cứ hiện ra trên cây sầu đông trước ngõ . Ngang qua ngõ này ban đêm, trời trở gió, lá vàng lá xanh rụng rơi lào xào, kẻ yếu bong vía như tôi có ngày chết giấc, đôi khi tiếng chó tru từ cuối xóm phụ họa lại càng khủng khiếp hơn .
 
Tôi quen anh tình cờ tại nhà một người bạn của mạ. Mạ tôi là chủ hụi, tới tháng mạ tôi bảo đi thu hụi chết tại nhà những người quen thân, đàng hòang . Những người khó chịu không muốn đóng tiền hụu đúng hạn kỳ, sau vài lần ăn hiếp con nít, tôi về mét lại phụng phịu không muốn đi nữa, mạ phải tự mình đi thu . Chị L. là chị ruột của anh, nói năng nhỏ nhẹ , tôi không sợ chị, chỉ sợ con chó của chị thôi, nhưng không bị ăn hiếp bởi người, thì lại bị ăn hiếp bởi chó . Con chó tinh khôn “coi mặt bắt hình dong”, thấy tôi ốm nhom nó hay gầm gừ đe dọa, hay nó biết tôi đi thu hụi chết của chủ nên không ưa ? một lần nó chồm lên mình tôi, không cắn, hay chưa cắn kịp, làm tôi sợ điếng hồn, miệng la bải hải, chị L. từ trong nhà chạy ra, kêu tên con chó “Lu Lu! Im!” con cho tinh khôn bỏ tôi đứng chết trân, đi một nước ra sau vườn . Mặt tôi lúc đó chắc xanh như tàu lá, tay chân còn run . Chị hỏi “em có sao không ?” tôi chưa kịp trả lời, thấy sau lưng chị hiện ra gương mặt lạ . Có tiếng nói thật trầm, thật êm tai “Sợ lắm phải không “ tôi bỗng thấy ngượng ngập ấp úng “dạ sợ”. Từ đó tôi quen anh . Anh học hơn tôi hai lớp ở trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa Ng. tên của anh từ đó đi vào trong từng giấc ngủ mộng mị của tuổi mới lớn .. Tôi cũng như B. ngòai những lúc vui đùa chân sáo tôi cùng anh đã có những giờ phút riêng tư lúc thì bên gốc thong già, nơi tôi say sưa nghe anh ngâm Bên gốc thong già ta đã ghi, tình ta âu yếm lúc xuân thì …Tôi nghĩ bụng “ sẽ không bao giờ xa anh”, khi anh đọc câuEm đừng quay lại nhìn anh nữa, anh biết em đi chẳng trở về …. (Thái Can)) hoặc nơi khu vườn có bóng trăng thần thọai để tôi yêu những vần thơ của Xuân Diệu “… Sao vàng lẻ một trăng riêng chiếc, đêm ngọc tê ngời men với tơ…” hoặc nơi góc phô thân thương ít có mắt dòm ngó bạn bè
 
Những buổi đạp xe từng đòan xuống biển, những buổi cắm trại Rừng Dương, dầu trong những phút ồn ào náo nhiệt nhất tim tôi vẫn rộn ràng khi nghĩ tới anh . Anh được nhiều sự chú ý của bạn bè trai cũng như gái vì nhờ làn hơi trầm ấm của những buổi văn nghệ tất niên và vì những bài viết đặc sắc trong bích báo nhà trường .
 
Lúc này chiến cuộc sôi động, có nhiều anh học lớp lớn hơn đã “đi lính”, có anh làm thong ngôn cho  Mỹ. Anh cũng như bao nhiêu chàng tuổi trẻ khác giã từ bút nghiên và thay vào bằng tay súng . Mùa thu năm 67, trong một phi vụ anh bay thẳng vào long đất Mẹ, yên giấc ngàn thu . Tôi và chị L. đã ôm nhau khóc mùi mẫn . Chị như già đi cả chục tuổi sau cái chết của đứa em trai . Ba mạ tôi cũng đến thăm ba má của anh, ở gần Núi Nhạn . Hai bác già hốc hác . Anh còn đứa em trai bằng tuổi tôi đang được bác gái cầm chặt cánh tay như sợ đứa con thứ cũng sẽ lên đường theo tiếng gọi non sông như anh .
 
Từ đó nhiều mùa thu trôi qua trên mái tóc . Tụi bạn tôi cũng tay bế tay bồng . Con B. đã tọai lời thề thủy chung với anh Đ. (nhưng mới đây tôi nghe B. đã qua đời vì bệnh tiểu đường tại VN). Con Th. lên xe hoa với anh H., cùng lớp với anh, nhưng tin buồn tôi nhận được buồn tê tái, Th. đã bỏ mình cùng hai con trên đường vượt biển tìm tự do; con H. lại được về nâng khăn sửa túi với một thầy dạy Sử Địa .  Tháng rồi đi dự một đại hội của 2 trường trung học tại Qui Nhơn (tôi có chung một thầy hiệu trưởng với họ là thầy N Đ G trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa, thầy cho biết gia đình của H. và thầy N. rất hạnh phúc sau khi vượt qua mọi thử thách của 2 gia đình . Thầy cũng nhắc đến những đứa học trò nghịch ngợm nhưng dễ thương tôi lại được biết them một số tin tức của những bạn bè trong thời niên thiếu . Thầy G. kể thầy Q. trước đây là thầy cố vấn lớp đệ tam ban C của tôi, tuy được kết hôn với đứa học trò xinh đẹp của trường nhưng sau đó thầy lại đi tu . Tôi thắc mắc hỏi thầy G. tại sao thầy Q. đi tu, thầy Giang cười bảo “thầy chỉ biêt thầy Q. đi tu, còn lý do gì thầy đi tu, mần răng thầy biết”! và thầy còn nhắc đến nhiều thầy, nhiều học sinh của 2 ngôi trường cũ và mới tại Tuy Hòa năm xưa . Tôi bùi ngùi nhớ đến một lần về lại chốn cũ, cũng vào mùa thu, trời mùa thu vẫn còn nóng, tôi không thấy lá vàng , nhưng bầu trời thì vô cùng ảm đạm, tôi bàng hòang khi thấy những cảnh xưa trong trí nhớ không giống một chút nào với những cảnh vật hiện tại sau hơn 25 năm ! Nước nhà đổi chủ, bao cảnh tang thương! Bạn bè ai còn ai mất, họ đã trôi giạt về đâu ?!
 
Cũng theo thời gian, cuộc đời vẫn lặng lẽ trôi như con nước trên một gìong sông . Chiến tranh khốc liệt vẫn tiếp diễn trên quê hương nghèo . Tôi theo chồng nhà binh nay đây mai đó, Qui Nhơn, Pleiku rồi đến Sài Gòn . Mạ tôi lặn lội theo con từ chốn đồng bằng tới miền đất đỏ rồi chốn thị thành . Mùa thu cao nguyên với những cơn mưa bụi . Mưa làm cho miền đất đỏ đóng thành bùn bám vào guốc nhọn . Tôi không còn mang guốc Đakao nữa, thế vào bằng những lọai giầy bit gót, bít cả ngón chân nhưng tận cùng trong trí óc vẫn thương làm sao những gót giầy Đakao, từng dẫm nát bao trái tim non dại si tinh của các nam sinh của thuở học trò trung học . Mưa cao nguyên cũng làm tâm hồn chùng xuống nhớ những cơn mưa bất chợt của tuổi mông mơ . Áo dài trắng quấn quit bên chân ai trong những bước chân vội vã tìm chỗ trú mưa . Những ngày mây mù, sương tỏa dầy đặc, ôm con thơ nhìn ra cửa sổ cư xá, nhớ mạ, nhớ ba, nhớ anh, nhớ mái trường mình giã từ quá sớm, nhớ quay quắt trong tiếng gió thu thổi qua những ngọn thong cao chót vót . Ôi! nhớ làm sao những cây thong ở Rừng Dương, bạn bè chạy nhảy ca hát bên lửa trại bập bùng .
 
Mùa thu tại cư xá trung tâm điện ảnh với lá vàng từ cây trứng cá nhà ông bà Ch., hay những hàng câu sầu đông và những cây dại bao quanh sân của trung tâm tạm trú Hải Quân, mỗi ngọn gió lạnh thổi qua, lá vàng như được người vô hình cầm cái chổi tung vào không khí . Ở đây nghe đồn có ma, nên ban đêm, tôi cũng như mấy bà trong cư xá, rút êm vào nhà cửa đóng then cài nhất là khi mấy ông bị cấm trại . Ban ngày đôi khi có những đám gió lốc xóay nho nhỏ, quay tròn cuốn những đám lá vàng nhỏ li ti, tung lên trời rồi nhả ra, có người xầm xì “ma trốt đó”.
 
Những trái trứng cá màu cam hay màu mọng đỏ làm kỷ niệm lại tràn ngập quay quắt hiện về . Cây trứng cá nhà con Ng. làm tụi học sinh con gái chúng tôi mê mẩn, mặc dầu có nghe “ăn trứng cá nhiều sẽ mọc mụn trứng cá” . Không biết ai đã đặt tên trái trứng cá vì trái này có những hột nhỏ li ti như trứng, khi còn xanh ruột của nó nhơn nhớt, khi chin hườm hườm nó trở thành màu cam, và khi chin muồi trở thành màu đỏ, ăn ngọt, có mùi thơm ngát . Mùa thu về bà Ch. Quét lá trứng cá hang ngày lại them mấy đứa trẻ hàng xóm cứ leo trèo bà bực mình đem chặt mất . Tự nhiên tôi đâm buồn khi không còn thấy những trái trứng cá nhỏ li ti ở đầu ngõ đã mang về cho tôi bao nồi vấn vương nữa …
 
Mùa thu qua, đông cũng lùi bước nhường cho mùa xuân không bao lâu, thì đất nước lâm vào cảnh “xẩy đàn tan nghé” . Gia đình tôi cũng đã làm một chuyến di tản dài cả nửa quả địa cầu …Xa cư xá Trung tâm điện ảnh Khánh Hội, nơi đứa con út chào đời, xa những người bạn hang xóm thân thương đã từng chia xẻ vui buồn, san sẻ nhau những chén đường, đĩa muối . Trước khi chạy theo đòan người chạy lọan, xuống chiếc tàu tại bến Bạch Đằng, tôi đưa tay khóa chiếc cửa, đâu biết rằng cánh cửa đã vĩnh viễn đóng lại trang sử cũ
 
 
Mùa thu đầu tiên trên xứ lạ trong trại tạm tú Fort Chaffee buồn hiu hắt . Trời bắt đầu se lạnh . Dân tị nạn cắt những tấm mền thành những chiếc áo măng tô vì áo quần từ các xe “Con Voi” rộng quá, có mang về cũng hì hục cắt sửa lại . Những chiếc lá sớm lìa cành, bị gió cuốn tơi bời trên cỏ rối . Nhặt một chiếc lên mân mê .. Nhớ làm sao những chiếc lá vàng được ngâm vào nước vôi cho thịt lá tan đi, chỉ còn lại những lằn gân thật đẹp , ép vào trong sách của tuổi thiếu thời nơi trường xưa lớp cũ
 
Rồi mùa thu định cư tại Texas, tôi hỏang sợ nhìn lom lom những con sâu róm rụng đầy sân nhà người bảo trợ . Và khi bắt đầu chớm thu, những đứa con của chúng tôi cũng nôn nao chờ ngày khai trường . Thằng Út thật nhút nhát, lúc nào cũng núp sau lưng ba nó khi được đem tới trường ngày đầu lớp mẫu giáo .
 
Ở đây cũng có những cây thông cao chót vót, mặc dù tôi không nghe được tiếng reo vui khi những cơn gió thổi qua như tiếng thong reo trên con đường dẫn đến ngôi trường cũ Nguyễn Huệ năm nào, và mặc dù nó cũng không có vẻ hùng vĩ , huyền bí như những cây thông tại Rừng Dương trong những trại hè nhưng nó cũng làm tôi xao xuyến và nhớ lại câu thơ mà tôi đã thay đổi cho thích hợp :”…Em biết anh đi chẳng trở về, dặm nghìn liễu khuất với sương che, anh đừng quay lại nhìn em nữa, em biết anh đi chẳng trở về ...”
 
Những chiếc xe chạy từ từ qua trường học . Tôi cũng đạp thắng cho xe đứng hẳn lại chờ cho đòan học sinh được một người đàn bà mặc áo mưa dẫn các em băng qua đường . Tôi nhớ đến thằng Út mới đó mà chúng tôi đã có mặt ở xứ này hơn 33 năm . Thằng Út mới ngày nào còn nấp sau lưng bố, nay đã có lập gia đình . Những đứa lớn cũng như mình ngày xưa, đã tay bồng tay bế .
 
Mãi ngồi suy tư sau tay lái, nhìn những giọt mưa thu lấm tấm trên kính mà thả hồn vào những tháng năm xưa…Chợt tiếng còi của người đàn bà ra dấu cho xe chạy, tôi mới giật mình nhấn ga . Mưa vẫn lất phất bay …hình như có một giọt rơi xuống, hắt vào cánh cửa đóng không kín, đậu nhẹ trên mi tôi. Một chiếc lá lìa cành hơi sớm vì trời chưa đổ sương muối -  mùa thu thật sự đã trở lại..
 
Thu Nga