Mùa Hè Chuyển Lửa
Submitted by Thu Nga Do on Thu, 04/02/2009 - 22:42.
Printer-friendly version

Tạp ghi
Thu Nga
Hình ảnh đứa cháu nội 8 tuổi mân mê lá cờ vàng trên vai áo, dưới gốc cây cổ thụ, làm tôi cứ bâng khuâng xao xuyến. Ðầu óc non nớt của cháu chắc đang suy nghĩ rất nhiều về lời tâm sự của bà nội ‘’con phải nhớ, đây là lá cờ mà ông nội và ba con, chú con, cô con trân quý và quyết bảo vệ... vì lá cờ này biểu hiệu cho sự tự do...Con hãy nhìn cho kỹ, lá cờ có nền màu vàng, ba sọc đỏ tượng trưng ba miền Trung, Nam, Bắc, nằm ngang...Ðây là lá cờ của người Việt tị nạn Cộng Sản...’’
Gương mặt trong sáng của cháu y hệt gương mặt của đứa con trai cả khi chúng tôi mới đặt chân lên xứ Hoa Kỳ. Một thế hệ tiếp nối. Một thế hệ cần biết rõ về lá cờ của thế hệ trước. 30 năm trôi qua. Tôi bất chợt nhìn lên tàn cây cao, lá sum suê không thấy ánh mặt trời. 30 năm trước cây cổ thụ này chắt mới trổ cành.
Thứ Sáu ngày 10 tháng Sáu, trời chưa sáng rõ là chúng tôi đã ra phi trường làm một chuyến viễn du nhân lễ ra trường của Nhẫn, đứa con đầu lòng tại Sanford CA. 30 năm trước, cháu cũng gần 8 tuổi. Khi bầu trời sáng rỡ là chúng tôi đã được con chim sắt khổng lồ cất cánh rời phi trường Dallas trong một ngày mùa hạ thật đẹp, trời xanh, mây trắng.Vì cách nhau 2 tiếng đồng hồ nên khi tới phi trường San Jose, vẫn còn rất sớm. Gió thổi mát rượi, cây cối xanh rì, không có vẻ gì mùa hè như ở Texas. 3 đứa cháu nội, từ tháng 10 năm ngoái không gặp nay đã cao thấy rõ. Về nhà cất vali xong, Nhẫn đem chúng tôi đi thăm khu trường Stanford. Chu vi của trường đại học rất lớn, được bao bọc bởi những tàn cây cao, xanh và thật to, có cây phải 2 người ôm mới đủ vòng. Có cây chia ra nhiều nhánh, mỗi nhánh cũng to cả một vòng tay ôm. Trong khu gọi là ‘’Quad’’, có đủ hàng quán, tiệm sách, tiệm bán quà lưu niệm, tiệm ăn. Ở giữa là một cái hồ lớn. Mỗi sân cỏ có trồng nhiều loại hoa đủ màu sắc. Chính giữa khu công viên là một bồn hoa màu trắng viền chung quanh hoa màu đỏ được trồng thành hình chữ S (Stanford). Cháu Staphanie, 6 tuổi, con thứ hai của Nhẫn tự nhiên nói là cháu thuộc một bài hát tiếng Việt mà cháu đã trình diễn tại trường vào dịp Tết nguyên đán vừa qua. Hỏi cháu tên bài hát là gì cháu không biết, cháu chỉ hát vài tiếng nên không hiểu cháu hát bài gì. Cháu cố gắng, vừa nói, vừa ra dấu, tôi chợt la lên A! bài ‘’Cái trống cơm’’. Stephanie leo lên ghế và bắt mọi người im lặng, làm khán giả. Cháu vừa hát vừa diễn xuất :’’Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vẽ ới mấy bông mà nên bông...’’, tới đoạn ‘’lội...lội sông...’’ thì cháu xắn quần lên, tới đoạn ‘’...đôi con mắt ôi mới lim dim...’’ thì cháu chơm chớp mắt rất là ngộ nghĩnh và dạn dĩ. Stephanie nói khi về nhà, cháu sẽ cho tôi xem cái trống...Hai đứa kia vỗ tay xong dục mọi người tiếp tục cuộc du ngoạn.
Những dãy nhà ngang dọc, đây là khu của Medical, bên kia là khu của Engineer, dãy nọ là của Science. Phía bên ngoài là các chung cư của các sinh viên, nhà của các giáo sư, giảng viên. Những bức tượng của các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Hoa Kỳ, làm toàn bằng đồng đen rất thẩm mỹ, trước mặt các pho tượng là tiểu sử của mỗi tượng.
Sau khi mọi người thưởng thức những ly trái cây gọi là jamba juice, chúng tôi đi vào một cái tháp cao có thể nhìn khắp nơi chung quanh. Sinh viên có card không phải mua vé, nhưng du khách thì phải mua vé mới đi lên tháp được. Gió thổi khá lạnh trên tháp. Nhìn xuống khu vự Stanford đẹp không thể tả. Cây cối xanh um, chen lẫn những mái ngói đỏ, hoa nở đủ màu, nước ở hồ chảy róc rách. Gió thổi lạnh mà chúng tôi không mang theo áo jacket, nên chụp vài tấm hình xong là vội leo xuống khỏi tháp.
Về tới nhà Kim, vợ Nhẫn đã dọn ra gỏi cuốn và phở. Nhẫn nói nhỏ với tôi ‘’Kim nấu phở má ăn, má nhớ khen Kim nấu ngon nghe.’’ Tôi cười nói ‘’đừng lo! má sẽ khen mà’’. Tuy bánh phở không đúng, thịt bò cắt kiểu dài như món thịt nướng cuốn bánh tráng của người Mễ, nhưng nước phở khá ngon, có cả gân và nạm nữa. Nghe tôi khen, Kim rất vui. Một ngày thứ Sáu êm đềm trôi qua trong khu vườn sau hè của Nhẫn và Kim như một công viên nho nhỏ đầy đủ đồ chơi con nít. Ở đây những khu chung cư san sát nhau, tiếng động nhà này, lọt qua nhà kia nghe rõ mồn một.
Sáng thứ Bảy 11 giờ chúng tôi sửa soạn để đi dự lễ ra trường. Tại mỗi khuôn viên có những lễ tốt nghiệp riêng biệt. Trước buổi lễ, là bữa ăn điểm tâm cho mỗi đơn vị. Trên bãi cỏ xanh rì, ghế bàn được phủ khăn trắng thật trang trọng và lịch sự. Các sinh viên đã có những phiếu ăn cho mình và gia đình, được mời ngồi vào vị trí để ăn sáng. Thức ăn thật ngon miệng. Nắng thật tươi, ngồi dưới ánh nắng thì ấm, nhưng ngồi dưới tàn cây là cảm thấy gây gây lạnh. Ðã biết được điều này, nên hôm nay tôi mang theo chiếc áo len.
Ăn xong mọi người được Nhẫn hướng dẫn đi đến địa điểm hành lễ. Nơi đây một căn lều thật to đã được căng trên bãi cỏ. Chung quanh nhiều tàn cây thật mát, che kín, vì vậy nên hơi se lạnh. Các sinh viên đã mặc áo và đội mũ sẵn sàng. Nhạc đã bắt đầu trổi nhè nhẹ. Quan khách và gia đình ngồi chiếm hết cả căn lều khoảng hơn 1,000.00 riêng cho medical section. Trên sân khấu, các sinh viên và các giảng viên đã lần lượt ngồi kín các giãy ghế. Ông Viện trưởng, bác sĩ Philip A. Pizzo đã ca tụng thành quả của các sinh viên, những diễn giả khác, trong đó có phần nói chuyện của sinh viên ưu tú rất xúc tích. Những giáo sư, những nhân viên xuất sắc của đại học được tuyên dươngv...Phần chính của buổi lễ là phần choàng khăn và phát bằng cho các sinh viên tốt nghiệp. Các sinh viên lần lượt bước lên nhận bằng, và choàng ‘’hood’’ từ các giáo sư bác sĩ của trường. Ðặc biệt các sinh viên được quyền cho các con của mình cùng đi lên sân khấu rất cảm động. Cháu Nhẫn một tay bồng đứa con út 4 tuổi, tay kia cầm văn bằng, hai đứa con lớn chạy theo sau lưng. Có nhiều người tốt nghiệp 2 bằng cấp khác nhau.
Sinh viên tốt nghiệp tại căn lều này gồm có:
-‘’Master of Science’’- Cháu Ðỗ Văn Nhẫn đã ra bác sĩ cách đây 11 năm, từ trường đại học George Washington, làm việc cho quân đội Hoa Kỳ với chức vụ Thiếu tá quân y. Cháu muốn trở thành một BS chuyên về nghiên cứu chứ không muốn mở phòng mạch riêng. Quân đội đã cho cháu theo học ở Stanford với chương trình Fellowship. Tháng 11 cháu sẽ về làm tại Ngũ Giác Ðài, cháu đã được đề nghị thăng cấp bậc trung tá, sang năm sẽ gắn lon, cháu nằm trong danh sách này- có 30 người
-Doctor of Philosophy: 78 người
-Doctor of Medicine:72 người
Tất cả các sinh viên tốt nghiệp đều mặc áo thụng và mũ đen, giây tassell vàng, chỉ khác nhau khăn choàng (hood), ví dụ tốt nghiệp bác sĩ là khăn quàng có màu đỏ và xanh lá cây đậm, khăn quàng Master of science mà đỏ và cam, engineer màu đỏ và cam đậm hơn v...v...
Buổi lễ được kết thúc với lời cam kết gọi là ‘’The Stanford Affirmation’’ của các bác sĩ y khoa.
Sau buổi lễ mọi người được mời uống sâm banh, bánh ngọt, trái cây tại một địa điểm khác cũng trong khuôn viên Stanford, cũng riêng từng ngành một.
Về tới nhà nghĩ ngơi buổi trưa xong, chúng tôi đi viến ShorelineLake. Ðây là một cái hồ có khung cảnh thật mát mắt. Chung quanh hồ có những cây liễu thật to, trên bờ hồ có nơi để thuê thuyền buồm, và bán hàng lặt vặt. Những cánh buồm đan bằng một loại ni lông cứng, có nhiều lỗ hổng như cái rỗ. Người bơi thuyền lướt trên hồ trong làn gió thổi khá mạnh như muốn lật tung những cánh buồm trong buổi chiều mùa hạ. Tôi xếp những chiếc thuyền giấy cho 3 đứa cháu nội thả xuống hồ mà nhớ lại những chiếc thuyền của mình hồi thuở ấu thơ. Bây giờ đã qua thế hệ thứ 3 rồi, thảo nào tóc đã ngã màu lúc nào không hay.
Những cánh chim bói cá bay lướt trên mặt nước khi bóng hoàng hôn sắp sửa xuống sau chân đồi. Gió thổi lành lạnh. Bên hông của hồ có công viên cho con nít, xa hơn chút nữa là những con đường cho người đi xe đạp và đi bộ. Nhiều cặp nhân tình cũng đem nhau ra đây hưởng không khí trong lành và ngắm hoàng hôn.
Sáng chủ nhật cả nhà vợ chồng, con cái cháu chắt sửa soạn thật nhanh. Nhẫn nói phải đi sớm, ăn điểm tâm do trường đài thọ và chọn áo mũ cho cả gia đình. Hôm nay tất cả những ai có trang phục mũ mão sẽ được đi vào cổng với sinh viên tốt nghiệp, ngồi trước khán đài. Người nào không có áo mão, cân đai thì tìm chỗ trong stadium ngồi. Thật lâu chúng tôi mới chọn xong mũ mão cho cả nhà vì người Mỹ thì to con, còn mình thì nhỏ xíu, nhất là đám con nít. Một người ra trường có năm bảy người đi kèm cũng xênh xanh áo mão. Chụp hình xong cả gia đình chúng tôi quyết định đi bộ đến stadium vì lái xe tới đó, chắc chắn không còn chỗ đậu. Thế là với áo mũ xúng xính cả nhà đi bộ đến 20 phút mới đến nơi. Xe cộ đầy dẫy, các người đi bộ và xe đi vào được cảnh sát hướng dẫn.
Bên trong football stadium người tham dự hằng hà sa số, dày đặc như đàn kiến, đủ màu, đủ sắc. Trên nóc của khán đài, khá cao là một màn hình để mọi người ngồi xa có thể thấy được các diễn giả trên khán đài.
Trời hôm nay ấm hơn hôm qua, người nào cũng muốn dành chỗ mát dưới những bóng cây vĩ đại, nhưng rồi lần lần, nắng cũng lên chiếu rực rỡ tất cả mọi ngõ ngách.. Nhẫn nói nếu ngồi trước khán đài thì không có bóng cây nóng lắm, nhất là Stephanie và Andrew sẽ không chịu ngồi lâu, hơn nữa Staphanie và Andrew không có áo và mũ, không vào được. Vì vậy chỉ có Nhẫn và Patrick đi vào chỗ khán đài cùng với cả ngàn sinh viên tốt nghiệp khác. Trên các hàng ghế quan khách bây giờ toàn người là người. Khoảng gần 40 ngàn người đã đến tham dự. Bên dưới khán đài, các sinh viên nhảy múa, hát, trải khăn picnic, có người thảy banh, người rượt đuổi nhau, có những người hóa trang thành những con cờ domino, bong bóng thả đầy trời. Ðến giờ khai mạc, 9:30 sáng, có một toán thu dọn rác rưới, thùng, bong bóng, dây nơ v...v...Các toán sinh viên xếp hàng theo từng ngành của mình, nối đuôi nhau đến ngồi trước khán đài. Trên khán đài danh dự, các giáo sư giảng viên cũng đã tề tựu. Bài hát American Beutiful được cất lên mở đầu.
Hôm nay làm lễ ra trường cho toàn đại học Stanford vì vậy số sinh viên tốt nghiệp đông gấp mấy lần, gồm có:Business, Arts, Science, Education,Engineering,Law, v...v....Viện trưởng đại học Stanford nói chuyện với bài diễn văn ngắn. Bài diễn văn của một cựu học sinh Stanford rất hay. Anh nói về những giai đoạn khó khăn mà anh vượt qua trước khi thành tài, được quan khách chú ý và vỗ tay từng chặp. Lịch sử của ngôi trường đại học Stanford cũng đã được đề cập đến rất đầy đủ.
Chương trình dài vừa đủ, khi mặt trời lên đứng bóng là buổi lễ cũng vừa tàn. Một điều đáng chú ý là với một số lượng người khổng lồ hơn 40,000 nhưng mọi người im phăng phắc vì vậy khi cháu út Andrew Nhẫn cằn nhằn khóc là Kim phải bồng nó đi ra ngoài ngay. Mỗi tiếng động đều nghe rõ mồn một. Cũng như ngày hôm qua, quan khách cả ngàn người, nhưng mọi người đềm lắng nghe từng chữ, từng câu một.
Nhớ tới đoạn đường dài thăm thẳm tới chỗ đậu xe tôi hơi ớn và hỏi Nhẫn:’’bộ không có xe bus chở mình đi như ngày đầu mình đi thăm trường sao?’’. Dĩ nhiên là không rồi. Hôm nay nếu có xe bus cũng chịu, không thể nào chở nổi số lượng quan khách nhiều như vậy. Tính toán một hồi chúng tôi quyết định đi bộ về nhà vì con đường này coi bộ gần hơn đến chỗ lấy xe. Ði băng qua những giãy nhà, những khu công viên, khu hồ tắm quãng thời gian cũng vào khoảng 20 phút như khi đến. Ði ngang qua căn vườn mà ngày đầu mấy đứa cháu nội dẫn tôi ra xem, cách nhà khoảng nửa mile. Khu vườn rất ngăn nắp, được chia thành từng ô vuông vắn cho mỗi gia đình. 3 đứa cháu dành nhau chỉ cho bà nội coi cây bí, cây cà, có cả hoa trong vườn nữa. Tự nhiên trong đầu tôi hiện ra hình ảnh của chính mình và các bạn thuở tiểu học tập trồng cây. Tiếng cười đùa ròn rã trong quá khứ hiện về. Những con sâu từ các cây cà chua cũng bỗng hiện ra làm tôi giật mình đứng bật giậy...Các cháu đứng lại tưới cây và săm soi những bông hoa vừa hé nhụy.
Buổi chiều sau khi đi bộ, ai cũng mỏi mệt, tính đi ra biển nhưng đi không nỗi. Tôi gọi nhạc sĩ Phạm Mạnh Ðạt hỏi xem tiệm ăn nào ngon để đến ăn. Anh chỉ cho nhà hàng 19 Market tại San Jose. Chúng tôi vào tiệm, nhìn chung quanh sao có vẻ Mỹ quá, nên lại gọi anh, anh bảo muốn ăn tiệm hoàn toàn Việt Nam thì đi ăn tiệm Vũng Tàu. Chúng tôi xin lỗi người bồi bàn tính đem nước ra là chúng tôi đi lộn tiệm. Người thanh niên lịch sự nói không sao, và cũng chỉ đường cho tụi tôi đến tiệm Vũng Tàu.
Tiệm ăn rất ngon, người ngồi chờ đông nghẹt. Anh Phạm Mạnh Ðạt đến gặp tôi và tặng cho tôi những cuốn CD nhạc hoà tấu và cuốn DVD. Anh nói buổi tối Quốc Nam sẽ lại nhà anh ngủ lại, có thể tôi sẽ gặp Quốc Nam tại nhà anh. Tôi bật cười và nói không ngờ tự nhiên tôi và Quốc Nam không hẹn mà gặp tại San Jose. Quốc Nam cũng về CA dự lễ ra trường của đứa con út.
Sáng thứ Hai tôi theo Kim đưa Andrew, đứa cháu út 4 tuổi đi tập gymnastic. Nơi đây các người dạy con nít đủ thứ trò chơi rất vui nhộn, đánh đu, lộn nhào, nhảy dây, tập chạy v...v...Tuổi thơ bên này có đời sống thật đầy đủ, chẳng bù với VN, con nít không có được một món đồ chơi. Thấy cháu vui chạy nhảy cùng chúng bạn, lòng cũng thấy vui lây.
Buổi trưa thứ Hai, chúng tôi lại rời nhà đi Santa Cruz. Bãi biển cách nhà Nhẫn khoảng 45’. Tại đây, nắng lên đầy bãi cát. Cát thật nóng dưới mỗi bước chân. Mỗi bước đi, cát lọt qua khe chân nóng sát sạt phải xuýt xoa. Thiên hạ bắt đầu kéo đến, giăng dù, trãi khăn dọc theo bờ biển. Nắng rất đẹp và biển khá trong. Chúng tôi cũng sửa soạn bữa ăn trưa, có sandwich đã làm sẵn. Tụi nhỏ bắt đầu chạy xuống nước, tôi cũng xắn quần lội để tìm những viên đá đủ màu và những vỏ ốc lóng lánh xà cừ. Nước mát rượi. Có nhiều người lội ra khá xa. Khu vực bãi biển này gọi là Boardwalk. Có những trò chơi gần giống như six flags. Có chiếc thuyền đu qua đu lại trên không, có trò chơi được rơi thẳng đứng từ trên không xuống, rồi lại kéo lên, thấy bắt chóng mặt, tiếng reo cười la ó vang khắp nơi. Sóng biển đập từng đợt trắng xóa vào bờ mang theo những vỏ ốc, những viên sỏi. Những con cua biển lặn thật nhanh trên bãi cát, tôi ráng bắt được một con đưa cho lũ cháu nội xem. Con nít người lớn vui đùa thỏa thích. Nhìn ra xa chỉ thấy một màu xanh đen của biển. Biển có lúc trầm lặng, có lúc gầm gừ đầy bí mật. Tôi chạnh nhớ đến những người bị chết trong những chuyến vượt biển tìm hai chữ tự do sau năm 1975. Biển đã giết bao nhiêu người? bao nhiêu người đã làm mồi cho cá? bao nhiêu người đã chìm xuống lòng đại dương thăm thẳm?
Nắng bây giờ gay gắt trên bãi cát nóng. Phải xuống gần nước, cát mới mát. Chơi đùa xong, chúng tôi lên bờ ăn những cây kem ngọt lịm. Không khí ở trong các tiệm mát lạnh, khác hẳn không khí dưới nước. Những cô gái mặc áo tắm hở ngực, hở mông thật hấp dẫn. Người Mỹ thật tự nhiên, có người tuổi đã khá lớn cũng mặc áo tắm 2 mảnh, da nhăn nhúm như quả bóng. Tôi chợt nhớ tới những thân hình nhão nhẹt, những thân thể trần trụi trong phòng tập thể dục YMC. Mình thì mắc cỡ, che khăn để thay quần áo, còn người Mỹ thì cứ tồng ngồng, nhẩn nha thay quần áo. Có người cúi xuống dơ cả cái mông xăm đầy hình ma quái ngay trước mắt mình, chẳng chút e ngại dùm cho đôi mắt của kẻ đối diện không biết nên nhắm hay mở.
Thấy đã gần tới giờ phải lên máy bay trở lại Texas, Kim Nhẫn cho các cháu tắm vội nước ngọt rồi quay lại Stanford. Nước từ các vòi sen chắc lạnh lắm, nên khi được dội nước xong, Andrew lại lăn ra bãi cát nóng cho đỡ lạnh.
Con chim sắt lại mang chúng tôi trả lại Dallas vào lúc 1 giờ khuya, lấy hành lý xong về nhà đã 2 giờ sáng. Hình ảnh của buổi ra trường vẫn còn lảng vảng trong đầu. Hình ảnh đứa con trai lúc qua đây mới gần 8 tuổi bây giờ đã có 3 con! thời gian trôi quá nhanh. Quay đi quẩn lại đời mình thấy quá ngắn mà chưa làm được việc gì. Tôi nhớ đến những câu hỏi của Patrick về VN vì cháu đang nghiên cứu về đất nước mà ông nội cháu và ba cháu đã bỏ ra đi 30 năm trước. Tôi cắt nghĩa cho nó nghe vì sao chúng tôi có mặt ở đây. Tôi cũng nói cho cháu nghe về công cuộc đấu tranh của những người Việt tị nạn CS. Cháu tuy còn nhỏ, nhưng rất thông minh khi nghe tôi giảng về lá cờ vàng ba sọc đỏ. Tôi cho cháu một cái áo có logo của đài phát thanh VRN và một bên tay có lá cờ vàng ba sọc đỏ. Tôi kể cho cháu nghe những việc tranh đấu của người Việt để lá cờ vàng được treo khắp nơi. Tôi bảo cháu, nếu thấy lá cờ máu của CS ở trường, hay bất cứ ở đâu, cháu hãy lên tiếng để người ta biết lá cờ đó không phải lá cờ của chúng tôi. Lá cờ đó đã làm cho ông nội tôi, ba tôi phải bỏ nước ra đi và đưa cho họ xem lá cờ Việt Nam và nói, đây là lá cờ mà ông nội tôi, các bậc tiền nhân tôi đã tôn thờ và bảo vệ. Tôi thấy nét mặt cháu sáng lên có vẻ hiểu biết, tay cháu mân mê vuốt ve lên mặt lá cờ vàng. Tôi thấy mắt mình tự dưng cay cay. Tự nhiên tôi thấy rõ bổn phận của thế hệ thứ nhất là chuyền lá cờ vàng xuống không những cho thế hệ thứ hai mà còn tiếp nối đến thứ hệ thứ ba, thứ tư....Tôi lại nghe tiếng hát líu lo của Stephanie ‘’Tình bằng có cái trống cơm...đôi con mắt ô mới lim dim....đôi con mắt ô mới lim dim’’. Ðôi mắt lim dim tôi thấy hình ảnh Patrick cầm cờ vàng phất phơ, thấy hình ảnh Stephanie bận áo dài khăn đóng cùng màu xanh tay vỗ trên mặt trống nhịp nhàng trong một ngày hội lớn.
Thu Nga
»
- Login to post comments
Printer-friendly version