Mây Theo Gió Về
Submitted by Thu Nga Do on Fri, 11/20/2009 - 23:30.
Printer-friendly version

(Tiếp theo)
Thu Nga
Chương 39
Tình về lại Dallas khi trời đã bắt đầu sang xuân. Cây cối đâm chồi, nẩy lộc xanh mơn mởn. Tiếng chim ríu rít đuổi nhau trên tàn cây ngoài ngõ mượt mà lá non. Những nụ hồng màu đỏ thẫm ướt sũng sương mai. Sức sống tràn đầy từ bụi cỏ đến ngọn cây.
Nhìn lại được cảnh vật thân yêu sau những tháng ngày xa cách, lòng Tình chùng xuống. Những hình ảnh thân quen còn đây, mà lòng dạ của người nàng thương đã hoàn toàn đổi khác. Nàng không thể nào còn chịu đựng được tính tình hung dữ của người đàn ông đã cùng nàng chung chăn chung gối, người đàn ông mà nàng không ngớt yêu thương từ khi mới vừa gặp mặt. Minh đã không mang lại cho nàng một hạnh phúc như nàng ước mơ mà lại còn đem đến cho nàng những sự phiền muộn chất chồng theo ngày tháng. Không biết từ bao giờ, Minh lại có tật ghen khủng khiếp. Thấy vợ buồn, Minh bảo tại Tình đang nhớ thương người khác. Minh còn đoán, khi Tình đi qua Canada chắc đã quen người khác nên mới ở lì bên đó, không chịu về liền và cứ mỗi lần gây lộn, Tình lại nghe Minh kể thêm ra một tội khác.
Ông Tâm thấy con gái trở về với một thân xác hao gầy, xơ xác, đôi mắt ngơ ngác làm tim ông se thắt. Tình xin được chân chạy bàn tại một tiệm phở gần nhà, khi nào rảnh, nàng giữ bé Thủy để Thảo được rảnh rang và anh hàng xóm tốt bụng cũng đỡ bận rộn hơn. Ông Tâm thì được một văn phòng bác sĩ người Việt là bác sĩ Cường, nhờ giúp những công việc giấy tờ lặt vặt trong văn phòng phụ người thư ký. Thấy công việc cũng nhàn hạ, lại có dịp gặp nhiều đồng hương, vì bác sĩ này cũng sinh hoạt tích cực cho cộng đồng người Việt ở đây nên ông Tâm thích lắm. Ông cứ khen bác sĩ Cường trẻ tuổi tài cao, có lòng có lý tưởng, ông nói sẽ cổ động bác sĩ Cường làm chủ tịch cộng đồng.
Ông bùi ngùi nhớ Thuần, phải chi con ông còn ở nhà, ông sẽ khuyến khích để Thuần gia nhập cộng đồng, có dịp gặp gỡ, nói chuyện với bác sĩ Cường để cùng làm những công việc có ích chung cho cuộc tranh đấu cho quê nhà. Lòng ông nhói đau mỗi lần nghĩ đến đứa con trai. Không biết nó sống chết ra sao? Nếu nó còn sống, tại sao nó không về nhà. Thỉnh thoảng ông cũng để cho óc tưởng tượng của ông nghĩ rằng, Thuần bị chạm tự ái, nên nhất định ra đi lập nghiệp. Một ngày nào đó, khi công thành danh toại, con trai ông sẽ trở về. Nay có người bạn trẻ ở gần nhà, tánh tình thật thà, chất phát, chàng hay giúp gia đình ông và cũng theo ông giúp chuyện cộng đồng nữa nên ông cũng thấy an ủi trong lòng.
Nghe ba và Thảo kể chuyện nhà, chuyện Tân, Tình thấy biết ơn người hàng xóm này quá. Tình nói "đúng là ăn hiền, gặp lành", nên Thảo mới được một người tốt như vậy ở bên cạnh. Còn Thảo vẫn cho rằng vì Tân rỗi rảnh nên giúp cho nàng mà thôi. Tình la em:
-- Sao em lại nói vậy? Thiếu gì người rỗi rảnh mà họ không muốn giúp người hả em! Em nhớ đừng nói như vậy, anh Tân nghe sẽ buồn lắm đó.
-- Bộ ngu hay sao mà nói cho anh ta nghe!
Thảo cũng tâm sự dạo này nàng bị bệnh mất ngủ và hay thấy ác mộng. Thảo thấy Tình ốm và xanh hơn. Tuy Tình không nói nhiều cho Thảo nghe, nhưng Thảo cũng đoán ra được chuyện cơm không lành, canh không ngọt của Tình và Minh. Thảo không khỏi mừng thầm và nuôi một niềm hy vọng trong đầu. Thấy Tình cứ khen Tân, Thảo nảy ra ý định táo bạo, sẽ tạo cơ hội cho Tình và Tân quen nhau sâu đậm hơn để Tình không có cơ hội quay lại với Minh nữa. Thảo bĩu môi trêu chọc Tình:
-- Em biết anh Tân tốt rồi, chị khỏi nhắc. Em không biết làm sao cho anh ấy vui. Chị thấy anh tốt với ba thì chị tìm cách đền ơn đi nghe.
Tình la em:
-- Thảo! Ðừng nói đùa như vậy, người ta nghe, cười cho! Chị chỉ mang ơn anh ấy đã giúp gia đình mình mà thôi. Nghe nói anh Tân còn phải nuôi đứa con còn ở Việt Nam nữa! Vậy mà anh đã giúp cho gia đình mình hết lòng!
Thảo cũng tìm đủ mọi cách để dò hỏi chuyện của Tình và Minh ra sao, có hy vọng gì nối lại hay không. Tình lắc đầu, giọng nàng thật buồn:
-- Chị không ngờ anh Minh thay đổi tính tình mau lẹ đến như thế em ạ. Bây giờ anh rượu chè say sưa, lại thêm thói cờ bạc nữa!
Thảo không thể tin được lời Tình. Trong đầu nàng, Minh lúc nào cũng vui tính, lịch sự pha chút ngang tàng. Làm sao Minh lại có thể thay đổi như thế được. Chắc chị Tình làm điều gì sai quấy mới khiến anh Minh trở nên như vậy thôi. Nhưng chắc chắn đối với mình, anh ấy không bao giờ thay đổi đâu! Thảo nhất định không tin. Tình chép miệng:
-- Còn nhiều chuyện nữa em không biết đâu, chị cũng không muốn nhắc làm chi buồn thêm. Số phần của chị như vậy rồi, chị không có cách gì tránh được.
Thảo cười to, mai mỉa:
-- Trời ơi! Em chán nghe chữ "số phần" quá rồi! Khi má còn sống, tối ngày má cứ đổ thừa cho số phận, tới phiên ba cũng vậy, rồi bây giờ tới phiên chị. Em thấy số phận có ăn nhậu gì tới cuộc đời người ta đâu chớ. Chẳng qua chỉ là sự may rủi mà thôi.
-- Em không tin, cũng phải tin Thảo à! Mỗi người có một số phận mà ông Trời đã dành sẵn cho mình. Em có muốn cãi lại, cũng không được. Khi số phận bắt chị ưng anh Minh, chị phải ưng, và khi số phận bắt chị phải thôi, thì chuyện chia tay xảy ra.
Thảo nghe nói, mở cờ trong bụng "số phận của chị bắt chị xa anh Minh thì chắc tới số phận của em gặp lại ảnh không chừng". Thảo làm ra vẻ thầy đời:
-- Hừ! Em vẫn không tin. Nếu là số phận thì cũng ngồi một chỗ để số phận đẩy đưa hay sao? Ðối với em, mình phải tự tạo lấy cuộc đời của mình. Tính sai một nước cờ thì thua, tính đúng thì ăn trọn. Có vậy thôi!
Tình lắc đầu nhìn em thương hại. Khi Thảo nói chiều nay nàng bận công chuyện, nhờ Tình giữ bé Thủy, Tình vô tình buột miệng nói nàng sẽ làm món gỏi mít vì ông Tâm thích mà Tân cũng thích. Thảo cười cười:
-- Coi bộ chị lo cho người ta ghê! Coi chừng anh Minh nghe được, bay xuống đây thì mệt. Anh ghen lắm phải không?
Tình đỏ mặt:
-- Chị có làm gì mà ghen? Anh Tân giúp đỡ gia đình mình nhiều quá, khi nào có dịp thì chị nấu vài món, cả nhà cùng ăn với anh cho vui thôi!
-- Chị thích làm gì cứ làm, em chỉ đùa thôi. Nếu anh Minh khó quá như vậy, ai chịu nổi! Anh Tân thì trái lại, hiền lắm.
Thảo nháy mắt nhìn chị. Nàng vừa đi, vừa gọi điện thoại, dáng vẻ hấp tấp. Từ khi về đến nay, lúc nào Tình cũng thấy Thảo bận rộn, có khi đi cả ngày, có khi đi cả đêm, có khi có mặt ở nhà một lát lại điện thoại, lại đi. Tình quan sát cũng thấy em ăn diện lịch sự, sang trọng hơn xưa. Nữ trang cũng có thêm nhiều. Chiếc xe Nissan Thảo nói của bạn cho. Tình hỏi bạn nào tốt dữ vậy, Thảo nói thiếu gì bạn tốt. Tình hơi lo, nhưng tự nhủ, Thảo bây giờ không phải là con nít nữa để cho nàng phải lo lắng, nhắc chừng, hơn nữa Tình cũng cảm thấy có tội với ba, với em, nàng đã bỏ bê cha, em đi theo chồng, làm sao dám khuyên bảo, dạy dỗ ai được nữa.
Tình chỉ lo là lo cho ba nàng, tai ông cũng bắt đầu hơi lãng, đôi khi phải lập lại hai ba lần ông mới nghe. Ông về nhà không thấy Thảo thì hay hỏi, tuy nhiên ông cũng đâu có ở nhà nhiều để mà la rầy Thảo! Ngoài vài giờ giúp cho văn phòng bác sĩ Cường, ông đi làm việc thiện nguyện tối ngày.
Tình cảm thấy an ủi khi quen với Tân, chàng thật tử tế và thiệt thà. Hình như họ đã cảm thông với nhau mau lẹ vì cả hai đều có tấm lòng thương người và trung hậu. Mỗi lần Tân qua chơi, Tình thấy vui lắm, nàng tìm những món ăn ngon để nấu cho ông Tâm và Tân ăn. Tân khen những món ăn Tình nấu rất vừa miệng. Tân và bé Thủy thì khỏi nói, như một đôi bạn thân thiết, Thủy tíu tít kể đủ thứ chuyện cho ba Tân nghe. Nhìn bé Thủy ngồi bên cạnh Tân không khác gì cha con, bất giác Tình nhớ ra rằng tới bây giờ, mình cũng không có một đứa con để hủ hỉ. Ðôi lúc Tình tiếc là Thảo không có mặt ở nhà để không khí gia đình được trọn vẹn.
***
Tình đang cho bé Thủy ăn thì ông Tâm về. Hôm nay ông đi câu cả ngày, nhưng không được con nào to cả. Bé Thủy thấy ông ngoại về, chạy ra reo lên:
-- Ngoại! Ngoại đi sao không cho con đi theo? Ngoại có câu được cá không ngoại?
Ông Tâm cười hề hề, dựng cần câu ở cửa, cởi giầy và nói:
-- Con bận đi chơi với dì Tình mà! Có nhiều cá lắm, nhưng cá nhỏ quá, ngoại thả lại xuống nước hết con ơi!
Tình ngạc nhiên:
-- Sao ba lại thả đi?
-- Con nhỏ này ở đây lâu rồi mà không biết luật lệ ở Mỹ sao? Cá nào nhỏ chưa đúng lứa không nên câu, bỏ xuống mai mốt nó lớn, câu lại!
Bé Thủy làm tài khôn:
-- Dì Tình không biết hả? Cá còn nhỏ thì phải bú sữa, khi nào lớn, mình mới câu. Ngoại ơi! Cá con cũng bú sữa phải không ngoại? Ðừng bắt nó nữa nghe ngoại, tội nghiệp lắm!
Ông Tâm xoa đầu cháu:
-- Tuy cá không bú sữa, nhưng cá cũng cần thức ăn mới lớn con à. Nó cũng như con vậy, cần ăn cơm mới lớn. Ngoại không bắt cá con đâu... Cháu ngoại của ông đã ăn cơm chưa?
-- Dạ, dì Tình cho con ăn rồi.
Ông nhìn quanh:
-- Lúc nào cũng người khác cho con nhỏ ăn, còn con mẹ nó lại đi nữa rồi chắc?
Tình đỡ lời:
-- Thảo có chuyện gấp, nó hấp tấp đi, không chịu ăn ba à.
Ông Tâm liếc nhìn bé Thủy, nó đang vừa ăn bún, vừa xem phim hoạt họa, ông yên tâm nói nhỏ với Tình:
-- Con à! Ba lo cho con Thảo lắm. Không biết công ăn việc làm nó ra sao mà toàn là đi đứng bất thường. Hễ nó ở nhà là ôm điện thoại liên tu, bất tận. Có nhiều bữa ba nghe điện thoại reo, nhưng hễ bốc lên là không có tiếng trả lời. Trong khi nó ở nhà thì đâu có chuyện đó?!
-- Vậy sao ba? Chắc bạn nó không muốn nói chuyện với người lớn chớ gì?!
Ông Tâm lắc đầu ý không tin chuyện đó. Trong đầu ông tự nhiên hiện ra hình ảnh của Thương. Những ngày tháng trước khi Thương bị đánh, là nó điện thoại liên miên, lớp nó gọi đi, lớp người ta gọi tới. Ông cũng nhớ trước khi Thảo bỏ nhà ra đi cũng vậy, Thảo cũng nói điện thoại không ngừng. Vì vậy hễ thấy đứa nào nói điện thoại nhiều là y như có chuyện không hay sẽ xảy ra. Thấy ông Tâm lo lắng, Tình an ủi:
-- Không sao đâu ba! Con Thảo lanh lắm, không có chuyện gì đâu.
-- Bộ con quên chuyện gì xảy ra cho thằng Thương rồi hả? Còn con Thảo lanh gì? Lanh chanh thì có! Con biết nó còn háo thắng lắm. Ba lo cho nó, giờ nó còn có con Thủy nữa... lỡ có chuyện gì thì có nước chết!
Chợt bé Thủy quay lại hỏi:
-- Chết? Ông ngoại nói ai chết vậy ngoại?
Ông Tâm giật mình:
-- Ngoại nói sợ đem mấy con cá nhỏ về nó buồn, nó chết. Thôi! đi rửa mặt đi. Một lát có ba Tân qua chơi, thấy mặt con lem luốc, ba cười đó!
Nghe nói có ba Tân qua chơi, bé Thủy vội chạy đi rửa mặt. Dạo này Thảo cũng không la Thủy đã kêu Tân bằng ba, có lẽ nàng cũng muốn lấy lòng Tân vì Tân đã giúp nàng hết lòng mà cũng không muốn làm bé Thủy khóc, vì vậy bé Thủy không còn lo ngại kêu ba Tân trước mặt mẹ nữa. Khi Tình mới nghe, nàng đã ngạc nhiên hỏi, bé Thủy nhanh nhẩu nói:
-- Tại ba của con đi làm xa chưa về, con hỏi bác Tân làm ba cho tới khi nào ba thiệt về thì thôi. Dì ơi! không biết chừng nào ba thiệt mới về hả dì!?
Bé Thủy còn ao ước ba Tân dọn qua luôn ở chung với mẹ, với ngoại, với dì. Tình đỏ mặt lắc đầu nói không được, ba Tân ở riêng, lâu lâu gặp vui hơn. Ông Tâm lại chép miệng thương cho đứa cháu ngoại thiếu tình cha. Trong đầu của Tình cũng nổi lên những ý nghĩ vu vơ. Một đôi lần ông Tâm chia xẻ ý nghĩ của ông về Tân, ông ước ao phải chi Thảo đằm tính một tí và Thảo đừng mơ mộng với cao thì Tân có thể là người chồng tốt của nàng. Tình không đồng ý nói:
-- Anh Tân thương bé Thủy thôi, đâu chắc anh ấy thương Thảo, ba?!
Tình nghĩ vẩn vơ, người có con không muốn nhận, lại còn ghét bỏ, trong khi người thì không phải con mình, lại muốn nhận làm con và thương yêu trìu mến. Còn nàng, tưởng đâu tình đẹp duyên bền, không ngờ tình duyên lận đận. Nghĩ đến Minh đơn chiếc, Tình cũng chạnh lòng, nhưng khi nhớ tới những lời nói phũ phàng không tình nghĩa của Minh, Tình lại lắc đầu cương quyết không nhớ tới Minh nữa.
Thấy Tình tự nhiên tư lự, ông Tâm nghĩ nàng đang nhớ Minh, ông hỏi:
-- Chuyện của con với thằng Minh ra sao?
-- Ba cũng hỏi như Thảo đã hỏi con... Con và anh Minh cần xa nhau một thời gian để coi ra sao. Hiện giờ con chưa có quyết định ba ạ!
-- Thấy tình cảnh của hai đứa như vậy, ba cũng buồn hết sức. Nhưng đây là chuyện riêng tư của con, ba không dám xía vô. Ba chỉ hỏi vì lo cho con mà thôi. Ba cầu mong hai đứa con sớm giải quyết được mọi việc một cách êm thắm. Nếu con ở gần ba cũng tốt, mà con phải đi theo nó, cũng là bổn phận người vợ.
Tự nhiên Tình muốn khóc. Ba nàng nhắc tới Minh làm nàng tủi thân. Không muốn ba thấy mình buồn, Tình nói lảng cần phải coi lại con gà nướng vì Tân chắc cũng sắp qua rồi.
Ông Tâm cũng bần thần thầm thương tình cảnh của đứa con gái lớn. Ông kéo tấm mành ni lông, nhìn ra ngoài, mặt trời đã lặn từ lâu. Mùa xuân ở đây, gió thổi mạnh, kéo theo cả mưa đá và bão. Có khi trời đang nắng trong xanh, chợt gió thổi ào ào, mây đen kéo đen nghịt bầu trời, rồi những cơn giông lóe lên cuối chân trời mang theo những cơn mưa tầm tã. Ông nhìn theo một trong những chiếc lá xanh nhỏ li ti của cây sồi, theo ngọn gió phũ phàng bay trong không khí. Tự nhiên ông nghĩ, đời người cũng mong manh và ngắn ngủi như chiếc lá. Chiếc lá chao mình rồi rơi ngay xuống gốc cây. Dưới gốc ngập đầy xác lá, những lớp lá cũ từ mùa thu, sang mùa đông, những chiếc lá rời khỏi thân cây, nhưng khi rửa mục ra, bón lại thân cây cho xanh tốt. Cuộc đời cũng như chiếc lá, theo cái vòng tròn lẩn quẩn quen thuộc, nếu chấp nhận thì thấy cuộc đời tuy gian truân và ngắn ngủi, nhưng không thấy buồn phiền, đau khổ nữa.
Ông chạnh nhớ vợ, nhớ 2 đứa con trai và những người thân không còn ở gần bên cạnh. Cuộc đời hợp hợp, tan tan, có đó, mất đó. Bây giờ ông chỉ còn lại hai đứa con gái. Tình duyên hai đứa đều lận đận. Một đứa cháu ngoại ngây thơ thiếu tình thương của một người cha. Còn ông? Ðời ông thăng trầm không kém. Ông hay ngồi nhìn lên bàn thờ bà Tâm với một niềm thương nhớ mênh mang. Bà chính là niềm an ủi vô biên của đời ông. Lúc còn sống, tuy bà ốm yếu, mong manh nhưng bà có một sự chịu đựng dẻo dai, một tinh thần sáng suốt. Chính bà đã giúp ông đứng vững trước phong ba bão tố, và bây giờ khi bà đã mất đi, mỗi lần nhớ tới bà, ông cảm thấy trong lòng nao nao một niềm thương yêu, hạnh phúc và ông thầm cảm ơn trời đã ban cho ông một người vợ hiền, gương mẫu. Nếu không có bà lặn lội khổ sở thăm nuôi, tiếp tế thuốc men, chắc chắn ông đã rục xương trong tù Cộng Sản với những cơn bệnh ngặt nghèo.
***
»
- Login to post comments
Printer-friendly version