Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

(Tiếp theo)

Thu Nga

Chương 38

Trong hai người, Xuân và Thảo, không biết ai là chuột, ai là mèo, vì cả hai đều giữ miếng và dò xét lẫn nhau. Thảo dùng sắc đẹp của gái một con, còn Xuân dùng sự giàu sang, cái vỏ bên ngoài làm lợi khí, vì thế cả hai đều không nói thật hết những tâm sự riêng tư của mình.
Thấy Thảo có vẻ bứt rứt, Xuân hỏi:
-- Thảo! Em đang có chuyện gì lo nghĩ phải không?
Thảo cố nở một nụ cười nhưng không nói gì cả để Xuân hỏi đi hỏi lại mới buồn buồn thố lộ đôi chút về gia cảnh đơn chiếc của mình, anh chị em không có ở đây, cha già, con thơ đau bệnh, mọi chuyện đều một tay nàng lo lắng. Xuân đột ngột hỏi có phải nàng kẹt về tài chánh hay không, Thảo lại ngập ngừng một hồi mới gật đầu. Xuân đon đả hỏi cần gì để chàng giúp. Nhưng trước đó, Xuân hỏi thêm về công việc làm của Thảo. Thảo không muốn nói nhiều về công việc ban đêm của nàng nên Thảo chỉ nói công việc chưa nhất định, nàng phải lo học xong để đi kiếm việc khác.
Xuân đã ngồi thật sát vào Thảo thì thầm vào tai nàng bảo đừng tự ái, chàng sẽ tặng nàng một số tiền là 3 ngàn. Thảo làm bộ đẩy đưa không nhận, Xuân cầm tay Thảo nói nhỏ nhẹ:
-- Anh đã nói đừng có khách sáo với anh nữa, em không sợ anh buồn à? Bộ em không coi anh là người thân của em sao?
Thảo cúi đầu ra dáng suy nghĩ, tiếng Xuân lại tiếp:
-- Anh thấy cái xe của em cũng hay hư lắm, hình như máy lạnh bị hư, trời sắp nóng rồi, làm sao chịu nổi! Anh có một cái xe Nissan dư, anh sẽ đưa em lái tạm nhá?
Thảo thảng thốt kêu lên:
-- Không được đâu! Thảo làm sao mà dám nhận nhiều như vậy.
Xuân ôm choàng lấy vai Thảo:
-- Trời ơi! Thảo à! Anh muốn giúp Thảo. Nếu em coi anh như người thân, em không thể từ chối tấm lòng của anh được. Chiếc xe này em cứ coi như là xe của em. Tuy nó không phải là mới toanh, nhưng còn rất tốt, anh không lái tới.
Thảo liếc nhìn Xuân, gương mặt Xuân có vẻ thật tình không giả dối. Thảo tư lự không biết có nên nhận cả tiền lẫn xe không. Thảo thấy nàng cần cả hai thứ. Phải có tiền để trang trải nhiều món nợ đã quá hạn, còn xe của nàng thì đã quá cũ, mỗi lần sửa cả ngàn đồng, nếu có chiếc xe của Xuân thì còn gì bằng. Số tiền một ngàn của Tân đưa không thấm vào đâu, đúng với câu "tiền vào nhà khó, như gió vào nhà trống".
Ðang lưỡng lự chưa biết nói như thế nào để vừa tỏ ý bằng lòng, mà lại vừa giữ đừng để ê mặt quá với Xuân, nhưng Xuân đã tỏ ra rất tự nhiên, coi như Thảo đã nhận lời. Xuân nhìn Thảo một cách thật trìu mến. Mái tóc Thảo cắt rất thích hợp vơi gương mặt thon nhỏ của nàng, khoe cái cổ trắng ngần thật sang. Áo của Thảo cái nào cổ cũng rộng, nửa kín, nửa hở rất khêu gợi. Xuân thấy lòng rạo rực, chàng tính mời Thảo về nhà mình cho biết. Nhưng Xuân suy nghĩ nhanh, sợ Thảo nói rằng chàng đòi trả ơn, vì vậy Xuân mời Thảo đi ăn và đi nghe nhạc. Xuân đứng lên trước, đưa cả hai tay cho Thảo nắm, kéo Thảo lên. Cái kéo của Xuân khá mạnh, có chủ ý, khiến Thảo chúi về phía trước. Xuân thừa cơ hội, ôm chặt Thảo hôn lên môi nàng một cái hôn dài đắm đuối. Thảo nhắm mắt tận hưởng cái hôn dài, lòng cũng cảm thấy lâng lâng. Nàng đi theo Xuân lên xe như người vừa uống một cốc rượu vang.
Xuân mở cửa cho Thảo leo lên thì có tiếng điện thoại cầm tay trong túi quần reo, Xuân nhìn vào số điện thoại, xin lỗi Thảo, bảo Thảo ngồi chờ một chút, chàng phải trả lời cú điện thoại quan trọng. Thảo ngoan ngoãn "dạ" và ngồi yên, nhìn giòng xe cộ chạy qua chạy lại và cảm thấy vui vui trong lòng. Nàng kéo cái gương trước mặt xuống soi vào. Nàng thấy nàng đẹp, điều đó không sai, vì đẹp nên nàng mới làm cho cả Tân và Xuân si mê. Thảo nở một nụ cười đắc ý, khoe hàm răng đều như hạt bắp với chính bóng mình trong gương. Nàng chợt nhớ tới Tân, tới vẻ mặt thiệt thà của chàng và cảm thấy hơi áy náy, định bụng khi có dư giả một chút, sẽ trả lại số tiền đã mượn của Tân. Nàng cảm thấy với Xuân nàng sẽ được sung sướng, hạnh phúc hơn.
Thảo không biết cách đó khoảng 2 thước, tiếng Xuân có vẻ dấm dẳng, khác hẳn tiếng nói dịu dàng, lịch sự mà Xuân đã nói với nàng: "Ðã bảo tôi sẽ đến! Sao gọi hoài vậy? Phải biết điều một tí nhá!... Tôi lặp lại, cần gì gọi điện thoại ở nhà là được rồi! Tôi đã nói tôi sẽ tới! Ðừng chọc tôi giận thì một xu cũng không! Nghe rõ chưa!"
***
Tình vén màn nhìn ra ngoài trời. Tuyết đã bớt rơi. Những bông tuyết mỏng bay nhẹ nhàng đập vào cửa kính tại thành những vệt trắng kéo dài rồi rớt xuống đọng trên thành cửa sổ đã phủ một lớp đá thật dầy. Nàng nhìn chăm chú một bông tuyết vừa mới đậu lại trong tầm mắt, những hột tuyết nhỏ li ti có nhiều góc cạnh lạ mắt. Nàng nhớ có ai đó nói rằng không bao giờ có hai bông tuyết giống nhau. Mỗi bông tuyết có một sự kết hợp tuyệt diệu của tạo hóa. Tự nhiên Tình muốn mở cửa vốc một nắm tuyết để nhìn cho thỏa thích, nhưng sợ cái lạnh kinh hồn bên ngoài nên nàng vẫn đứng im.
Nét mặt Tình buồn buồn, da cô càng trắng hơn từ khi theo chồng đi về miền đất giá băng. Trong khi ông Tâm sống một cách chật vật với đứa con gái và đứa cháu tại Dallas, thì nếp sống của Tình và Minh cũng chẳng khá gì hơn tại thành phố Boston này và cũng từ đó, Tình không mấy khi được vui. Gia đình ở xa, bạn bè thân thuộc không có, khí hậu lại lạnh lẽo, nhất là mùa lạnh, tuyết đóng một lớp dày cả nửa thước, khiến Tình chẳng dám đi đâu cả.
Hai vợ chồng Minh thuê một căn nhà gỗ nhỏ nhưng so với giá nhà ở Dallas thì đắt hơn gấp đôi. Minh đi làm lái xe khoảng 45 phút, bữa nào mưa gió, nhất là khi có tuyết, phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Lúc đầu Tình đi làm trong một hãng điện tử, nhưng sau một thời gian, ngành này đi xuống một cách thảm bại, nàng bị mất việc cả 2 năm nay, không tìm được việc khác, chỉ ở nhà thui thủi một mình.
Cũng may trước khi qua Mỹ, Tình đã có học một khóa may áo dài, nên bây giờ ai muốn may áo dài, Tình lãnh để may. Cộng đồng người Việt ở đây không nhiều lắm, nhưng nhờ người nọ giới thiệu người kia, cũng có đủ khách hàng, do đó Tình cũng có chút ít tiêu vặt. Năm đầu khi mới tới đây, Tình cũng ráng dành dụm, dè xẻn để thỉnh thoảng gởi về cho ba, nhưng từ khi mất việc, những đồng tiền kiếm được từ việc may vá không có bao nhiêu nên thỉnh thoảng lắm, nàng mới gởi về một hai trăm giúp cho cha. Hôm giỗ bà Tâm, điện thoại với ông Tâm, Tình đã phải nói dối cho ba vui lòng. Năm trăm đô la gửi về ông Tâm thì 300 là của Tình để dành, còn 200 kia là của Minh góp vào. Nàng lại phải giấu Minh nữa. Từ khi dọn lên đây, tính tình của Minh hoàn toàn thay đổi. Thật ra tính nết bất thường của Minh, Tình đã biết hồi còn ở Texas, nhưng không đến độ tệ như bây giờ, có lẽ lúc đó Minh còn nể gia đình Tình. Bây giờ, Minh không cần giấu diếm những cử chỉ, lời nói của mình đối với vợ khi giận dữ nữa. Giờ giấc đi làm của Minh không nhất định, có khi chàng về rất trễ, Tình có hỏi, chàng chỉ làm lơ không trả lời. Minh lại hay nhậu nhẹt say sưa, mỗi lần nhậu say, chàng về lè nhè gây chuyện với Tình. Ðó cũng là lý do Tình không dám thường xuyên liên lạc với gia đình.
Bà Mai cùng ông Ngô có lên thăm Tình vài lần, nàng sợ mẹ buồn nên không hề hở môi than thở, vì vậy bà Mai cũng không biết hoàn cảnh khó khăn của nàng. Bà yên lòng khi thấy đứa con gái duy nhất có gia đình đàng hoàng ấm êm. Bà cũng không muốn khơi lại đống tro tàn dĩ vãng nên bà cùng ông Ngô thường xuyên đi du lịch các nước bên Âu Châu cho tâm trí thảnh thơi.
Hàng ngày Tình lủi thủi một mình, khi có hàng may còn đỡ, nếu không nàng loay hoay dọn dẹp, rồi hay nhìn ra ngoài trời suy nghĩ vẩn vơ. Nàng nhớ gia đình có người cha già và đứa em gái tội nghiệp đang vất vả nuôi con khi tuổi còn son trẻ. Nàng nhớ người mẹ đã nuôi dưỡng nàng khôn lớn trong một tình thương thật đại lượng. Bà đã yêu thương nàng không khác gì những đứa con ruột của bà. Mới mười mấy tuổi đầu, nàng đã được ảnh hưởng tánh đảm đang của mẹ. Những buổi tối, khi hàng bán ế ẩm, nhìn mẹ trở về trong dáng vẻ chịu đựng, nàng đã lăng xăng giúp mẹ thổi cơm, đút cơm cho em để mẹ có thể nghỉ ngơi sau một ngày cực nhọc ngoài chợ trời.
Những khi bà phải đi thăm nuôi chồng ở chốn rừng núi xa xôi, bà đã xót xa căn dặn nàng đủ thứ để chăm lo cho các em nhỏ dại. Có lúc mẹ gởi các em cho hàng xóm trông coi, dẫn nàng cùng đi thăm ba. Mẹ đã khóc khi nhìn dáng ba tiều tụy, gầy gò. Nhìn mẹ khóc, Tình cũng khóc. Ba người gặp nhau trong giây lát, nói không ra lời. Ba lau vội nước mắt vì sợ công an thấy sẽ quở phạt lần sau không được thăm nuôi nữa. Vì phải đi bộ nhiều, nên chân của hai mẹ con đều trầy sát, chảy máu. Bà cầm chân con lên, gương mặt xót xa. Một giọt lệ nóng hổi lăn trên gò má Tình. Nàng nhớ mẹ da diết. Bà là bóng mát của đời nàng, đã che chở, thương yêu, săn sóc đàn con như gà mẹ chăm chút cho đàn gà con. Bây giờ không còn bà, mấy cha con như con rùa bị lật ngược.
Nàng cũng ray rứt xót thương cho người mẹ ruột đã trải qua thời gian dài đau khổ và cô đơn. Nàng hồi tưởng lại đôi mắt sâu thẳm thẳm u buồn của bà Mai khi nàng chợt tự nhìn thấy bóng mình trong gương. Khuôn mặt của nàng chính là bức hình họa lại từ gương mặt của người mẹ ruột. Thảo nào khi mới gặp nàng, bà đã nhìn nàng như ngây, như dại. Lòng nàng lại dâng lên nỗi ân hận vì lúc đó, nàng đã khó chịu với cử chỉ săn sóc, vồn vã của bà. Có con mà không được nhận, cũng không dám lại gần một cách đường đường chính chính. Bà đã câm lặng suốt hơn hai mươi mấy năm trường. Có trường hợp nào đau đớn hơn!
Khi lên thăm Tình, bà Mai hỏi nàng có hạnh phúc không, Tình không dám nhìn vào mắt mẹ. Nàng sợ thấy giếng mắt sâu của bà sẽ đọc được hết mọi điều trong mắt nàng. Nàng làm bộ hỏi những chuyến du lịch của mẹ có thú vị không. Nàng thấy hình như mẹ cố giấu một điều gì trong lời nói ngập ngừng không suông sẻ, cũng như cái nhìn vội vàng về phía ông Ngô.
Ở đây Tình chỉ có một người bạn hàng xóm là Nhung để tâm sự, nói chuyện. Bà Nhung ở cách đó khoảng vài căn. Khi nàng mới đến, bà đã đến thăm hỏi và giúp đỡ lặt vặt cho nàng khỏi bỡ ngỡ. Bà Nhung hình như đoán được hoàn cảnh đơn chiếc của Tình nên hay gọi điện thoại hỏi thăm, cũng như giới thiệu những bạn hàng may áo dài cho nàng.
Chiều nay, nhìn trời tuyết đã đổ đầy sân, đầy lối đi, Tình lo cho Minh lắm. Tình biết trời xấu như vầy rất nguy hiểm khi lái xe, xe cộ lại bị kẹt, chạy rất chậm. Tình chặc lưỡi, mỗi lần trời mưa hay tuyết là có nhiều tai nạn, giống như ở Dallas. Có một lần, chiếc xe của nàng đã nhào đầu xuống hố, may mà không việc gì cả, nhưng đã để lại trong đầu nàng một ấn tượng sợ hãi, từ đó, khi trời tuyết, Tình không dám lái xe đi đâu hết.
Ðiện thoại lại reo, Tình nghĩ chắc điện thoại của Minh, nàng chạy tới bắt nhưng không phải. Ðó là bà Nhung, bà hỏi Minh đã về tới chưa, Tình vừa nói "chưa" thì có tiếng chuông cửa reo. Tình chưa kịp nói gì thêm với bà Nhung, thì một hồi chuông cửa khác lại reo, rồi tiếng reo khác tiếp theo, Tình vội vàng chào bà Nhung và đi ra mở cửa. Mắt của Minh long lên sòng sọc, mùi rượu toả ra:
-- Làm gì mà cu rú trong nhà không chịu mở cửa vậy? Lại già mồm trên điện thoại chứ gì?
Tình im lặng không nói gì vì nàng biết khi Minh giở giọng gây sự, nàng nói điều gì cũng chỉ chọc cho Minh giận thêm mà thôi. Minh nhìn Tình chăm chăm:
-- Bộ bữa nay bị á khẩu hay sao vậy? Tôi nói đúng tim đen rồi phải không?
Tình ráng nhịn nhục:
-- Em bận rộn suốt ngày, mới vừa nấu cơm xong, đang chờ anh về thì chị Nhung gọi hỏi thăm, chớ đâu phải em nhiều chuyện gì?!
Minh quăng mình xuống ghế, sau khi cởi chiếc áo măng tô quăng xuống sàn. Tình bước đến, cúi xuống cầm cái áo treo vào trong closet. Tiếng Minh vẫn chì chiết:
-- Chị Nhung! Chị Nhung! Tối ngày chị Nhung!...
Minh ợ lên một tiếng, rồi tiếp:
-- Bộ chị Nhung là má cô hay sao mà cái gì cũng chị Nhung hết?! Cái bà Nhung là người nhiều chuyện, thích xía vào chuyện người khác. Chắc lại đem chuyện tôi ra mà kể lể với bà ấy chớ gì?!
Tình nhăn mặt, cố nén bực tức:
-- Sao anh lại nói những lời khó nghe như vậy với chị Nhung? Khi mình mới dọn tới đây, chính chị Nhung là người đã giúp đỡ mình mà! Rồi từ hồi nào đó tới giờ, chị vẫn tử tế với mình.
Minh quắc mắt, nhìn vào mặt Tình:
-- Tôi đã nói với cô bao nhiêu bận rồi, hễ tôi nói là cô phải im mà nghe, không được cãi! Vợ mà cứ tay đôi! Bà Nhung tốt thì cứ qua đó mà ở!
Minh chợt ho một tràng dài, giọng chàng khàn hẳn đi:
-- Nói cho tôi biết, cô nói chuyện gì mà say sưa vậy? Cô nói chuyện với bà Nhung hay nói chuyện với thằng nào? Cô chờ tôi đi làm là nhỏ to trò chuyện, làm sao tôi biết cô nói chuyện với ai? Nếu nói chuyện với đàn bà, thì đâu có quên hết mọi việc chung quanh như thế? Cô không biết cả tôi bấm chuông nữa!
Tình bật khóc, không cầm giữ nổi:
-- Anh Minh! Anh lại uống say rồi! Anh không nhớ anh cũng có chìa khóa trong túi à? Anh có biết anh say như vậy, lái xe nguy hiểm lắm không?
-- Phải rồi! Cô muốn trù tôi chết chớ gì? Tôi chết để cô lấy chồng khác phải không? Hừ! tôi có chìa khóa chớ sao không! Nhưng tôi bấm chuông thử coi cô có chịu mở cửa không mà thôi! Nếu cô không nói chuyện với thằng nào, thì cũng lải nhải nói xấu tôi với hàng xóm, không chịu mở cửa! Tôi bắt cô tại trận mà! Vậy mà cô còn chối bai bải!
Tình nghẹn ngào. Tình chăm chăm nhìn Minh để xem có đúng là Minh của nàng hay không? Tại sao Minh lại thay đổi một cách tệ hại như vậy được? Da mặt Minh không còn đỏ nữa mà tai tái, đôi mắt đỏ ngầu. Mái tóc bù xù, lòa xòa trước trán, trông Minh rất dữ tợn. Tình nói qua màn lệ:
-- Anh Minh! Em không ngờ anh thay đổi một cách kỳ lạ như vậy! Em khổ quá! Cái gì anh cũng la em được! Anh uống nhiều rượu không tốt cho sức khỏe của anh, bác sĩ đã nói như vậy nhiều lần, anh không nhớ sao? Anh...
Minh cướp lời:
-- Thôi! thôi! Cô đừng lên giọng thầy đời! Cô chỉ lo cái thân cô chớ lo gì cho tôi. Cô không đi làm, thì lo việc trông coi nhà cửa, cơm nước... Còn tôi đi làm, tôi phải enjoy chớ cô! Tới khi nào tôi bị layoff như ... bây giờ! Ơ... ơ...!
Minh chợt giật mình, chàng chưa muốn nói ra chuyện này, nhưng đã lỡ rồi. Tình biến sắc:
-- Hả? Anh bị... layoff rồi?
Minh cười lớn:
-- Thấy chưa? Cô chỉ lo tôi mất việc không có tiền cho cô tiêu xài, chớ cô lo gì cho tôi?!
Tình uất ức không chịu được:
-- Anh Minh! Anh đừng nói oan ức cho em như vậy! Em làm gì mà tiêu xài? Em cũng làm việc từ lúc lên đây, sau đó em mới bị layoff và em cũng đã may vá kiếm tiền phụ với anh. Bây giờ anh lại mất việc thì cả hai chúng ta đều lo, sao anh lại nói với em những lời chướng tai như vậy được?
-- Ha! Hãy nhớ lại cho rõ nghe! Cô có đi làm hay không, tôi cũng cóc cần! Cô đi làm chỉ để gởi tiền cho gia đình cô mà thôi, chớ cô phụ tôi cái gì? Lúc nào cô cũng bòn, cũng rút tiền của tôi để cung phụng cho gia đình cô!
Tình bật khóc nức nở. Trời ơi! Minh quá tệ. Lời nói của chàng như kim châm, muối xát vào lòng Tình. Cả mấy năm nay, Tình đã bỏ bê cha già, em dại để đi theo chàng, nàng làm việc và dành dụm gởi về giúp ba mình và không bao giờ xao lãng bổn phận làm vợ, vậy mà chàng nỡ nào mạt sát nàng. Lời nói phũ phàng của Minh cứ văng vẳng nhức nhối trong đầu Tình. Nàng thấy nàng có tội bất hiếu với mẹ, với cha. Tình nói giọng uất ức:
-- Em không thể chịu đựng nữa! Em không ngờ anh hồ đồ như vậy! Em đồng ý, lúc đầu, sau khi lấy anh, em có giúp đỡ gia đình em đôi chút, nhưng từ khi theo anh đến đây, công việc làm ăn của anh của em không vững, thỉnh thoảng, năm khi mười họa em mới gởi tặng ba chút đỉnh, và cũng đã lâu rồi, em đâu có gởi đồng nào... Ba già, chỉ trông cậy vào con Thảo mà thôi...
-- Ở đó mà trông cậy vào con Thảo! Nó ỷ lại ba, vào cô mà sống thì có, ở đó mà trông cậy vào nó! Còn khuya! Còn tôi, tôi đâu phải con gà mái tơ mà tính hốt trứng vàng! Hừ! Lúc đầu tôi không nhìn ra! Nhưng nói cho cô biết, muốn hốt trứng vàng thì phải có nhà vàng để con gà này ở chớ!
Tình bặm môi, sự lăng nhục của Minh làm nàng tức giận cực điểm:
-- Anh đừng vu khống gia đình tôi! Anh mắng chửi tôi, tôi ráng chịu, vì tôi ngu nên mới ưng anh, nhưng anh không được nói động đến gia đình tôi! Tôi không nhịn anh đâu!
Minh đứng bật dậy, tới trước mặt Tình, Tình lùi lại hai bước. Minh chỉ mặt Tình:
-- Ngon hả! Không nhịn thì cô làm gì tôi nào?! Nói trúng tim đen của gia đình cô, của cô em gái yêu quý của cô thì cô nhảy dựng lên phải không?
Sự uất ức làm giọng Tình lạc đi:
-- Anh là thứ đốn mạt! Tôi đi đây! Tôi đi để anh sống một mình!
Minh quắc mắt nhìn Tình, tia nhìn tóe lửa, khiến Tình thụt lùi lại. Minh vươn tay ra chụp lấy tay vợ. Tình giằng tay Minh, chạy vào phòng. Minh chạy theo, khi đi ngang bàn ăn, Minh đưa tay gạt tất cả đồ ăn rớt xuống bàn. Tiếng chén đĩa bể kêu loảng xoảng, trong khi tiếng Tình nghẹn ngào đến mức không khóc được nữa:
-- Tôi nhất định phải đi! Tôi không thể nào chịu nổi nữa!
***