Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

(Tiếp theo)

Thu Nga

Chương 34
 
3 năm sau
Gia đình của ông Tâm đã trải qua bao nhiêu mưa gió dập vùi, khi mưa tạnh, trời quang, chỉ còn lại một vài người với mảnh đời đơn chiếc quây quần bên nhau mà sống.
Ông Tâm sau trận đau thập tử nhất sinh, nay bình phục trở lại như một phép lạ, nhưng bà Tâm với cơ thể vốn đã yếu đuối sẵn, rồi lại trải qua những năm tháng khổ cực thăm nuôi chồng trong trại tù Cộng Sản, bà đã mắc nhiều chứng bệnh trên cơ thể, qua đây phải đối đầu với những hoàn cảnh éo le, đau khổ dồn dập, nhất là sự đau khổ ngấm ngầm về mối tình của chồng với người yêu xưa cũ, bà đã đầu hàng số mệnh, lặng lẽ về bên kia thế giới. Bà mất vào tuổi 62, chưa được hưởng sự thư nhàn và sự báo đáp của các con. Ông Tâm hối hận vô cùng. Những ngày cuối cùng của vợ, ông đã xông xáo đi chạy thầy chạy thuốc cả tây, cả ta. Bà rất kén ăn, kén uống, khác hẳn lúc trước khi ngã bệnh và nhất là khó khăn hơn so với hồi còn ở Việt Nam. Hồi đó bà đi bán hàng chợ trời, bà phải bươn chải nhiều, vận động nhiều nên bà dễ ăn, dễ uống và dễ ngủ. Còn bây giờ bà rất khó ngủ. Quan sát bà ăn uống, ông Tâm tội nghiệp. Bà nhai trệu trạo, nuốt khó khăn. Bà bị té bể xương chậu, phải điều trị rất lâu. Khi tái khám, kết quả chụp hình xương không thấy khả quan. Thay vì vết nứt liền lại, giờ vết nứt rộng hơn, kéo theo bắp thịt vùng thần kinh tọa bị co rút. Bắp thịt co rút là do các sợi gân bị sơ cứng vì ít vận động.
Ông Tâm có quen với một ông bạn cùng tù "cải tạo", ông này rành về đông y, nhưng không mở tiệm thuốc Bắc. Ai tìm ông thì ông bắt mạch, kê đơn miễn phí. Ông thầy này đuợc mời về bắt mạch cho bà Tâm. Sau khi bắt mạch thật kỹ, quan sát sắc mặt, khám lưỡi, mắt và nghe hơi thở, ông thầy lẳng lặng ra ngồi ngoài phòng khách. Ông Tâm nóng lòng hỏi:
-- Anh thấy thần sắc nhà tôi như thế nào?
Ông bạn tù trầm ngâm giây lát mới trả lời:
-- Chỗ anh em, tôi nói ra anh đừng buồn nghe. Con người ta có số mệnh. Chị không thọ đâu. Anh nên lo chuyện hậu sự đi là vừa. Ðúng như tây y đã nói, cơ thể chị bị suy nhược trầm trọng. Kinh mạch rối loạn, lục phủ ngũ tạng bất an. Tiếng nói, hơi thở không còn sinh khí. Chân tay chị lạnh lắm. Con người ta như thảo mộc. Cái rễ đã hư, thân cây bắt đầu khô héo, có tưới, có bón phân đến mấy, cũng trễ rồi....
Lời tiên đoán của các bác sĩ Tây y và ông thầy Ðông y, bạn tù cải tạo đã xẩy ra. Bà Tâm, một người vợ hiền thục đảm đang, một người mẹ hiền đức, mẫu mực đã thanh thản ra đi. Bà ngủ một giấc ngủ muộn, đâu khoảng 1 giờ khuya và không bao giờ trở dậy nữa.
Buổi tối hôm đó, như có linh tính mình sẽ không còn hiện diện trên cõi đời này, bà thản nhiên nói chuyện như gửi lại những lời trăn trối. Ðột nhiên bà nói nhiều hơn thường lệ. Bà ăn hết một chén súp măng tây do Tình nấu riêng cho bà. Bà khen:
-- Chưa bao giờ má thấy súp ngon như chiều nay. Có lẽ má sẽ không còn dịp nào ăn món ngon từ tay con nấu cho má ăn nữa.
Tình cho là mẹ nói gở, nàng không vui:
-- Má đừng nói vậy chớ. Con dù bận cách mấy vẫn nấu súp ngon để má dùng.
Bà cười buồn rồi gọi ông dặn:
-- Tôi sống với ông ngót 30 năm, ông có điều gì chê trách, xin cũng nói thẳng ra. Chắc tôi cũng chẳng còn cơ hội nào xin lỗi ông đâu.
Ông Tâm nghe lời chẳng lành, vội nói:
-- Bà đừng nói vậy, chính tôi là người đã được bà tha thứ. Thôi bà uống thuốc rồi nằm nghỉ đi.
Bà nói rất tỉnh táo:
-- Từ nay trở đi, tôi không muốn uống thuốc nữa. Hôm nay là ngày chót, tôi sẽ không phải uống thuốc nữa.
Bà quay lại hỏi Tình:
-- Chồng con đâu? Hai vợ chồng phải biết thương yêu, tha thứ cho nhau nghe không?
Bà ôm bé Thủy vào lòng, hôn như mưa bấc lên mặt cháu làm con bé cũng ngơ ngác. Tình đỡ cháu lên, nói mẹ nằm nghỉ. Bỗng nhiên bà hỏi:
-- Thằng Thuần đâu? Con Thảo đâu? Ði làm chưa về à?
Ông Tâm lo sợ, nghĩ ngay đến câu kết luận của người bạn tù:
-- Chúng nó cũng sắp về rồi. Thôi bà nằm nghỉ đi.
Ðó là mẫu đối thoại cuối cùng của bà Tâm với người thân trong nhà. Ðó cũng là lời nói cuối cùng của bà...
Bà Mai sau khi đã được hội ngộ, trùng phùng với Tình, đứa con lưu lạc 24 năm, thoả điều ước nguyện, đã cùng ông Ngô đi lập lại cuộc đời nơi xa. Bà cố sống thanh thản không còn áy náy, e ngại gì nữa. Ðối với ông Tâm, chuyện tâm tình xưa cũ coi như đã giải quyết sòng phẳng. Tự đáy lòng, vì là mối tình đầu, khó quên được, nhưng thời gian sẽ giúp bà. Tình, con gái yêu quý nhất đời cũng không mặn lời yêu cầu bà cứ ở Dallas vì thông cảm tình trạng của bà.
Ông Ngô đã có sẵn cơ sở làm ăn ở thành phố này, nhưng bà Mai ngỏ ý muốn qua San Jose, tiểu bang California. Bà lấy cớ có nhiều bạn cũ ở đó và thời tiết ấm áp cũng gần giống Dallas. Ông Ngô chìu ý bà, và hai người đã bay sang tiểu bang có đông người Việt sinh sống đó. Ông bà mở một cửa hàng bán dụng cụ nhà bếp, lò nướng, bát đĩa... Hai người ở tạm trong một apartment sang trọng. Mối tình nở muộn, mối tình già giữa cặp Ngô Mai khá đầm ấm.
Chuyện tình của Thuần và Lan không thành vì mẹ Lan đã dùng nhiều mưu mô, thủ đoạn, bắt Lan phải lấy chồng giàu. Thuần đau khổ, âm thầm bỏ đi, không hề nói cho ai biết đã đi đâu.
Minh và Tình cũng tạm yên theo những cơn sóng gió. Nhưng công ty của Minh sau một thời gian lung lay, cuối cùng sụp hẳn. Minh cũng như các bạn đồng nghiệp phải đi xa mới tìm được việc. Chàng đã được một hãng điện tử khác tại Boston nhận. Tình phải theo chồng.
Còn Thảo, vì cuộc đời của cô đã bắt đầu với một sự lỡ lầm, "sai một ly" còn "đi một dặm" hoặc "sẩy con toán" phải "bán con trâu", huống chi đời người, đã lầm lỡ một lần, thì đau thương hầu như đeo đuổi dai dẳng. Thảo bây giờ đã già dặn hơn xưa, làm việc để nuôi bé Thủy, đứa con của Mike, chứng tích sự lầm lỡ của tuổi trẻ nông nổi. Ðã qua 3 năm sóng gió, mà cuộc đời vẫn không chìu đãi nàng hơn một chút nào. Cô lận đận, lao đao với những công việc hàng ngày vì lỡ thầy, lỡ thợ, lại vướng bận con thơ. Khi bà Tâm mất, nàng mới biết thế nào là tột cùng đau khổ. Bây giờ mới thấy mẹ là cái nôi êm ái cho nàng nương tựa. Bên cạnh nàng, chỉ còn lại ông Tâm, nhưng ông đã già, cũng bắt đầu lẩm cẩm. Tuy rằng sau cái chết của bà Tâm, tính tình ông cũng bớt khó khăn hơn xưa, nhưng thỉnh thoảng ông cũng tự nhiên nổi quạu thình lình. Thảo đã hiểu tính cha, nàng cũng cố gắng nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn với cha hơn.
Những người bạn thân quen của Thảo cũng mỗi người một nơi. Thảo nhớ nhất là Yến. Yến cũng đã di chuyển theo công việc làm ở tận Philadelphia. Cuộc đời của nàng đã bước sang ngã rẽ khác.
Thảo đang làm cho một tiệm nail cũng không xa nơi ở lắm để sinh sống, buổi tối cô đi học, mong kiếm một mảnh bằng kế toán để tìm một việc thích hợp hơn. Bé Thủy 5 tuổi, đi học mẫu giáo, sau giờ học, có khi được ông ngoại đón, có khi gởi babysitter. Bé Thủy là nguồn sống của Thảo. Ðôi lúc mệt mỏi, chán chường cùng cực, nhưng nghe con nói, con cười, Thảo thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn. Ðôi lúc nhìn con chơi đùa, Thảo tự hỏi, cha của nó bây giờ ra sao? Có khi nào Mike nhớ là hắn đã có một đứa con với nàng hay không?
Hai cha con Thảo đã dời qua một căn chung cư khác. Nhà chỉ có hai phòng, nhỏ hơn căn cũ như sạch sẽ hơn. Phía trước căn chung cư có nhiều cây sồi, mùa xuân lá xanh tươi tốt, về mùa thu những tàn cây đổi thành màu vàng, đỏ đẹp như một bức tranh. Mùa hạ thì lá reo vui trong nắng, tàn cây to che bớt cái nắng gay gắt của mùa hè. Ông Tâm đã đến xem xét kỹ càng trước khi dọn nhà, ông rất vừa ý. Có vài người Việt đã ở nơi đây, nên ông cũng chạy qua chạy lại chuyện trò đỡ buồn. Căn phòng của ông Tâm và Thảo nằm ở ngoài bìa. Trước cửa ông Tâm cũng có vài chậu hoa nho nhỏ, ngay bên hông, người ta đã trồng sẵn một bụi hoa hồng, tới mùa hoa nở màu đỏ sẫm như nhung.
Trong phòng khách là bộ ghế sa lông màu xanh lá cây cũng còn khá tốt. Trên chiếc bàn hình vuông là một bình hoa vải màu cam. Màn cửa được vén lên, và được cột bằng một sợi dây vải màu trắng, bện lại như thắt bím. Chiếc TV 45 inches đặt ở góc nhà, bên cạnh là một kệ băng nhạc, CD, sách báo cả tiếng Việt lẫn tiếng Mỹ và lẫn lộn trong đó là sách truyện cổ tích thiếu nhi.
Những giây phút rỗi rảnh, Thảo chơi đùa với con và đọc truyện cổ tích cho bé Thủy nghe. Bé Thủy khôn và thông minh hơn số tuổi của nó. Thủy theo dõi câu chuyện một cách chăm chú. Nhiều câu chuyện, Thủy bắt mẹ đọc đi, đọc lại không biết bao nhiêu lần, nhất là câu chuyện "Cây đèn thần", Thảo đọc cho con nghe đến độ, không cần nhìn vào sách, Thảo vẫn nhớ từng câu, từng chữ, từng dấu phết. Thấy đã khô cổ, Thảo đặt cuốn sách xuống, hỏi Thủy:
-- Con thích chuyện cây đèn thần có công chúa Jamsin và Aladin không?
Bé Thủy lấy tay nhỏ xíu vuốt mái tóc đang xòa xuống đầy mặt, nhìn mẹ với đôi mắt long lanh:
-- Dạ con thích lắm mẹ. Aladin hồi trước đâu phải là hoàng tử hả mẹ? Nhờ cây đèn thần mới Aladin thành hoàng tử đó!
Thảo kéo con vào lòng, vén tóc trước trán nó, cột lại bằng sợi thun nho nhỏ và nói:
-- Sao con cứ tháo sợi thun ra hoài vậy? Tóc đầy mặt, làm sao thấy đường nữa! Ðúng rồi! cây đèn thần đã giúp cho Aladin nhiều việc lắm.
Bé Thủy chờ cho mẹ cột xong tóc, bé nhìn chăm chú vào trang sách có hình cây đèn thần rồi hỏi mẹ:
-- Phải chi mình có cây đèn thần thì thích quá hả mẹ? Con sẽ ước thành công chúa, mẹ cũng sẽ ước thành hoàng hậu phải không mẹ?
-- Ðúng đó cưng, hai mẹ con mình sẽ ước đủ thứ hết.
Tự nhiên Thảo cũng cảm thấy mình giống như đứa con nít. Phải chi mình có cây đèn mầu nhiệm, mình sẽ ước có nhiều tiền để mua sắm thêm nhiều đồ chơi đắt tiền cho con, ước có thêm tiền mua sắm áo quần cho cả hai mẹ con nàng, ước có nhiều tiền để cả nhà có thể di du lịch như những người giàu có, nhất là có tiền để nàng khỏi phải vất vả vừa đi làm, vừa đi học, vừa chăm sóc con. Cuộc đời nàng nếu có nhiều tiền thì sẽ thay đổi rất nhiều... Ðang suy nghĩ vu vơ, nàng giật mình khi nghe bé Thủy nói:
-- Mẹ ơi! Nếu có cây đèn thần, con ước ông thần mang ba về với con nghe mẹ?
Nàng ôm chặt lấy con:
-- Tại sao vậy? Con thích ba hơn đồ chơi sao?
-- Dạ. Thích ba hơn. Vì tụi bạn của con nói con là...
Thảo cúi xuống hỏi dồn:
-- Bạn con nói sao?
-- Bạn con nói con là đứa con không cha, mẹ ơi!
Lời nói của con làm Thảo thở dài, ngẩn ngơ một giây. Chưa kịp trả lời, bé Thủy đã nói tiếp:
-- Mẹ! Con không có ba phải không? Mẹ nói ba đi làm xa, ba sẽ về mà? Ðúng không mẹ?
Nàng nhìn con xót xa, cố nói giọng thật bình thản:
-- Con có ba chớ sao lại không? Tụi bạn con không biết đó thôi. Ba phải đi làm xa lắm, nhưng ba sẽ về mà. Con nói với bạn con như vậy.
Thủy phụng phịu:
-- Con có nói chớ sao không? Nhưng tụi nó nói con nói láo. Mẹ ơi! khi nào ba về, ba nhớ đến trường đón con nghe mẹ.
-- Chi vậy con?
-- Bạn con, nhiều đứa có ba đi đón. Con không có ba, tụi nó...
Thảo hôn lên má con:
-- Ông ngoại rước con, con không thích sao?
-- Cũng thích nhưng mà ông ngoại đâu phải là ba của con? Con muốn có ba rước kia!
Thảo thở dài. Con nít có những ước mơ cũng như người lớn. Tuy nhiên vì con nít nên chúng không biết rằng, có những ước mơ không thể nào thực hiện được, đã vậy, đầu óc non nớt của con nít chỉ muốn ước mơ của chúng thành sự thật ngay. Tính tình của Thảo dạo này hay nóng giận bất thường, vui đó, buồn đó, ai nói gì một câu không phải là nàng bực dọc ngay. Lời nói ngây thơ nhưng thực tế của Thủy làm Thảo đâm bực ngang, nàng đặt con xuống đất:
-- Con ngoan phải nghe mẹ nói, khi nào ba về, ba sẽ rước con. Bây giờ đi vào trong phòng lấy cặp và cái giỏ đựng quần áo, thức ăn, mẹ để trong closet, mang ra đây, mẹ chở qua nhà dì Vân. Con biết tối nay mẹ đi học, ông ngoại bận công chuyện. Qua dì Vân chơi với bé Quỳnh.
Bé Thủy chu môi, bước chân nặng nề, nó cố vớt vát:
-- Nếu có ba, con không phải đi qua nhà con Quỳnh hả mẹ?
Thảo gắt nhẹ:
-- Sao con nói hoài vậy? Con cãi lời mẹ hả? Ði lấy cặp liền đi.
Nhìn theo cái dáng nhỏ bé của đứa con gái, Thảo lại thở dài, mắt chớp nhẹ. Bé Thủy có biết mẹ nó cũng có những ước muốn không thực hiện được hay không? Nàng đứng lên chuẩn bị chở con đi gởi thì ông Tâm về.
Tóc ông trắng xóa, dáng ốm yếu nhưng khỏe mạnh. Ông bước vô nhà với một tiếng ho khàn đục. Thấy nét mặt không vui của Thảo, ông hỏi:
-- Làm gì đó con? Sao có vẻ nhăn nhó không vui vậy?
Thảo nhìn cha, hơi ngạc nhiên:
-- Ủa! Con tưởng ba đi tới tối mới về? Sao về sớm vậy?
Ông Tâm bỏ cái mũ ra:
-- Ba qua nhà bác Canh để chuẩn bị cho buổi lễ 30 tháng 4, ngày Quốc hận đó con. Rồi ba đã tính đi qua nhà bác Thiện lo việc cờ xí nhưng không biết bác đi đâu, hẹn rồi mà bác chưa về, bác gái nói bác có chuyện gì gấp, đi vội vã lắm và không biết chừng nào về, nên ba không đợi được.
--Ba nói đau mình, đau mẩy mà sao đi hết nhà nọ tới nhà kia chi vậy?
Ông Tâm chưng hửng nhìn con. Thật ra thái độ và lời nói bất thường, đốp chát của đứa con gái không phải là chuyện lạ với ông lắm. Chính ông cũng vậy, mà đôi khi ông cũng biết tánh tình mình thất thường do hoàn cảnh gây nên, thì con gái ông cũng vậy, đời của nó toàn là chuyện bất hạnh thì làm sao nó vui cười hoài được. Tuy nhiên ông cũng nhíu mày:
-- Sao hôm nay con quạu đeo vậy? Bộ con Thủy quấy lắm sao? Ba có công chuyện ba mới đi chớ bộ ba đi lăng nhăng hay sao mà con hạch sách?
-- Con chỉ nhắc chừng để ba nghỉ ngơi ở nhà. Ba đi quá, mệt mỏi thôi.
Ông Tâm rót một ly nước trà, uống một hớp:
-- Con coi dầu có mệt cũng phải lo chớ con, chuyện cộng đồng thì cùng nhau lo, nhất là ngày 30 tháng tư là ngày đau thương chung của toàn dân. Vì Cộng Sản mà mình mới có mặt nơi đây. Hơn nữa ba đã từng chiến đấu trong quân đội, tới ngày 30 tháng 4, ba đâu có thể điềm nhiên ngồi nhà coi TV, làm vườn mà không tiếp tay với các bác, các chú được con!
Thấy Thảo cắm cúi viết viết, ghi ghi gì trong sổ, ông nói to cho con nghe:
-- Mình phải biết mình là ai, tại sao mình lại có mặt ở xứ sở này, nghe con!
Thảo nhìn cha, ráng nói nhỏ nhẹ:
-- Con nghe ba nói nhiều lần rồi. Lúc đó con chưa sanh ra mà ba!
Ông Tâm bực bội nhìn con. Ông thấy con cái của mấy người bạn sao ngoan và giỏi quá, tiếng Việt rành, tiếng Mỹ cũng rành mà nhất là nó biết giúp cộng đồng nhiều công việc, biết tham gia biểu tình, tham gia các tổ chức đấu tranh, sao con ông lại nói chuyện tỉnh queo... Ông nói gay gắt:
-- Con dù sinh sau đẻ muộn, không biết thì nghe ba nói, ba kể. Mình là người Quốc Gia, không chấp nhận chế độ Cộng Sản. Mình đến đây không phải vì miếng cơm, manh áo nhưng vì mình...
Thảo quay sang ba ngắt lờì:
-- Con biết rồi mà ba! Ba sợ con quên nguồn gốc chớ gì. Ba coi con da vàng mũi tẹt như vậy, quên sao được mà ba nhắc!
Biết con không muốn nghe nữa, nhưng ít ra Thảo không cãi lại chon chót như mọi hôm, ông gật gù:
-- Con biết như vậy ba mừng. Có nhiều người đi nhuộm tóc, sửa mũi cho cao, ăn sung mặc sướng rồi họ tưởng họ là Mỹ, quên hết cội nguồn... Mà thôi! nói về việc này, nói cả ngày không hết bực. Con Thủy đâu? Nó làm gì con giận hả? Chắc lại vô phòng khóc rồi?
Ông vui vì đã gặp bạn bè, lo phụ giúp tổ chức ngày lễ 30 tháng 4, ông không hiểu rõ rằng con gái mình đang lo nghĩ. Ông nhìn vô phòng kêu to:
-- Thủy ơi! Bé Thủy! Ông ngoại về nè con! Ra đây với ông ngoại!
Thảo lắc đầu giọng vẫn bực bội:
-- Kệ nó ba! Ba đừng có dỗ rồi nó lờn mặt!
-- Sao vậy?
-- Tự nhiên nó sinh chứng, đòi phải có ba nó đón nó đi học về! Có phải nó kỳ cục không chớ?!
-- Ủa! Sao lạ vậy? Hồi giờ nó đâu có nói như vậy?
-- Nó nói bạn của nó nói nó là... con không cha. Nó muốn chứng minh với tụi bạn là nó có cha!
Mắt ông Tâm chợt như mờ đi, thấy thương đứa cháu ngoại hết sức, ông thở dài:
-- Tội nghiệp chưa, con nít mà! Thấy ai cũng có cha thì nó cũng muốn vậy! Con trả lời sao với nó!... Phải chi ba biết ba nó ở đâu... ba cũng ráng tìm cho!
Thảo quay lại ba, cau mặt:
-- Ba nói cái gì kỳ cục vậy? Nó thương yêu gì tới con Thủy mà ba nhắc rồi đòi đi tìm?!
Ông Tâm chợt chạnh lòng:
-- Biết đâu nó cũng thương con của nó mà mình không biết đó thôi! Ở đời có nhiều chuyện thấy vậy mà không phải vậy!
Thảo biết ba đang nghĩ tới chuyện dĩ vãng của ông, nàng nhếch môi không biết có phải nụ cười hay không:
-- Thôi! Chuyện thằng Mike và chuyện dì Mai khác nhau ba à! Ba đừng có nhắc nữa, coi chừng con Thủy nghe, nó hỏi thì phải trả lời lôi thôi, mệt lắm.
-- Con không muốn thì ba không nhắc nữa... Ðể ba coi con Thủy làm gì trong đó mà lâu vậy? Thủy à! Thủy ơi! ra đây với ngoại!
Thảo và ông Tâm cùng nhìn về hướng cửa phòng. Bóng dáng nhỏ bé của bé Thủy bước ra, trên vai nó là một cái túi vải đựng quần áo, thức ăn và những thứ lặt vặt Thảo đã bỏ vào sẵn, trên tay là một món đồ chơi. Nó vừa đi ra, vừa lấy tay quẹt vô mắt, khóc thút thít. Thảo nạt:
-- Hồi nãy giờ làm gì trong đó? Sửa soạn xong chưa?
Ông Tâm giơ tay ra, bé Thủy chạy xà lại, dụi đầu vào ngực ông ngoại. Ông Tâm dỗ:
-- Sao vậy con? Ðừng khóc mẹ la.
Bé Thủy thấy có ông ngoại bênh, vẫn khóc nho nhỏ và nói lên điều ước muốn của mình, mà trí óc non nớt của nó nghĩ là ông ngoại may ra có thể giúp nó thực hiện được:
-- Ngoại! Con muốn có ba đi rước con ở trường!
Thảo đứng lên kéo bé Thủy ra khỏi lòng ông Tâm:
-- Thủy! Tới đây mẹ biểu!
Bé Thủy líu ríu theo tay Thảo, nó cúi đầu khóc rấm rức. Thảo đưa tay nâng cầm nó lên, bắt nó nhìn vào mắt mình:
-- Nín! Mẹ nói con nín! Sao hôm nay con lạ vậy? Nếu còn đòi hỏi ba rước con, mẹ sẽ đánh đòn con! Nghe chưa! Mẹ nói ba chưa về được! Khi nào ba về, ba sẽ rước con, nhưng bây giờ ba chưa về nhà, đừng có hỏi nữa! Con nghe mẹ nói không?
Ông Tâm nói thật nhỏ nhẹ để cho Thảo khỏi nổi nóng:
-- Thôi được rồi Thảo! Con nít mà! Ðừng la nó nữa.
Bé Thủy nghe ông Tâm nói, được trớn oà lên khóc:
-- Con muốn ba rước con. Tụi nó lêu lêu con!
Thảo bực dọc đập nhẹ vào đít bé Thủy một cái. Bé Thủy khóc to, ông Tâm chạy lại đỡ cháu, nhưng Thảo đã giằng ra, lôi nó đi ra cửa:
-- Ba để con dạy nó chớ! Ði! đi với mẹ liền! Nín ngay! Trễ rồi! Con hư lắm, con biết không?
Từ khi bà Tâm mất đi, bé Thủy thân với ông nhiều hơn. Nó tìm tình thương, tìm sự vuốt ve, dỗ dành của ông vì mẹ nó, ban ngày ít ở nhà với nó. Từ trước nó còn e dè với ông ngoại, nhưng nay nó quấn quít ông nhiều hơn.
Bé Thủy vừa đi vừa khóc, vừa ngoái nhìn ông ngoại. Ông Tâm lắc đầu thương cảm. Trong đầu ông bỗng hiện ra hình ảnh của đứa bé cũng trạc tuổi bé Thủy của đêm mưa gió năm xưa, ông thở dài. Nhưng rồi ông lắc đầu đứng trông ra phía cửa sổ. Ông hé cánh cửa. Không khí mát mẻ trong lành ùa vào phòng, ông làm một động tác hít thở, như muốn xua đuổi những bóng đen dĩ vãng.
***
Khi còn nhỏ, người ta hay mong thời gian đi thật mau để làm người lớn; khi lớn, lăn lóc với đời thì lúc đó, người ta lại mong thời gian quay ngược lại để sống lại thuở thiếu thời. Nhất là khi tuổi đã xế chiều, người ta lại có bệnh nhớ thương dĩ vãng. Ông Tâm cũng không qua định luật đó, cộng thêm những tháng ngày sóng gió liên miên, cuộc sống xáo trộn, nhưng cũng có nhiều lúc, ông đã để cho mộng mị ước mơ của của thời quá khứ sống lại để nuôi dưỡng tiềm năng, ý chí của ông.
Những lúc ông ngồi nói chuyện với bạn bè cùng lứa tuổi, ông hăng say nói về vận mệnh đất nước, những hoài bão mà ông và những người Việt tị nạn Cộng Sản đang mang canh cánh bên lòng, là sẽ về lại Việt Nam khi đất nước không còn bóng dáng kẻ thù. Ông vẽ trong đầu hình ảnh hiên ngang, oai hùng như thuở còn trai trẻ. Ông thấy bước chân mình hiên ngang bước trên những con đường ngập nắng vàng, có lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trong gió. Ông hăng hái tham gia những sinh hoạt với cộng đồng, các phong trào chống cộng, các cuộc biểu tình tranh đấu, lúc nào cũng có mặt của ông. Những giây phút nhìn lá quốc kỳ thân yêu tung bay khi chào cờ hay những bài hát hùng ca, lúc nào cũng cho ông một cảm giác thiêng liêng, cảm động.
Ông Tâm rất buồn khi thấy sự thờ ơ của những người cùng chung huyết thống, đã lưu lạc qua đây với cùng một trường hợp mà những lễ lạc, nhất là ngày 30 tháng 4, hay 19-6, người ta không chịu đi dự lễ cho đông, mà họ chỉ lo đi shopping, đi đánh bạc, đi nhảy đầm... Ông não lòng khi thấy những phong trào đấu tranh, chống Cộng bị người ta chê bai, chỉ trích. Ông hay nói với nhiều người là những chuyện gì người khác làm được, có lợi cho đất nước, mà mình làm không được, nếu không có khả năng ủng hộ thì hãy im lặng, đừng nên bôi bác, nói ra, nói vào.
Giới trẻ rất thích ông Tâm, họ hay đến để nói chuyện để học hỏi những kinh nghiệm quý báu của ông, đó là những giây phút ông cảm thấy trẻ lại, nguồn sống dâng đầy, mắt ông sáng ngời, lòng yêu nước thiết tha của ông bừng bừng trong khí quản.
Cũng có những khi ông ngồi nói chuyện với những bạn tù cựu tù nhân chính trị. Ông đã chia xẻ những kỷ niệm đau thương, những vụ hành hạ tàn ác của công an, cai tù. Những điều này đã nuôi dưỡng lòng căm thù chế độ độc tài, gian ác. Ông và các bạn cùng chung một ý nguyện là hỗ trợ mọi công việc đấu tranh để một ngày chế độ Cộng Sản sụp đổ thì quê hương mới mong có thanh bình thực sự. Ông cũng không hiểu tại sao cùng tranh đấu chung một mục tiêu, mà người cùng phe Quốc Gia lại cứ chỉ trích nhau, thậm chí còn thù hận nhau, mà đối với Việt Cộng thì có người lại còn đòi hòa giải, hòa hợp?! Bởi vậy, chỗ nào có biểu tình chống Cộng Sản là ông đến, chỉ trừ những lúc ốm đau không đi được mà thôi.
Như buổi biểu tình chống bọn Việt Cộng lăm le muốn qua Dallas làm ăn buôn bán, ông cùng những người bạn tham gia cuộc biểu tình của cộng đồng Người Việt trong một ngày mà nắng thật gay gắt. Nhìn bọn cán bộ rúc sau tấm màn của khách sạn, nơi có một số đông khoảng 100 người biểu tình, ông hả dạ. Ông chửi thầm bọn chuột nhắt, hèn nhát.
Ông về tới nhà, thấy vắng hoe. Ông hơi mệt, cả buổi ngồi ngoài trời nắng làm đầu ông hơi choáng váng, khó chịu. Ông bỏ cái mũ lên bàn, rót một tách trà nguội từ trong chiếc bình cũ kỹ, ngồi xuống ghế. Ngày hôm nay ông đã chứng tỏ cho người ta thấy rằng, già như ông nhưng tinh thần vẫn còn sáng suốt và vững mạnh, không thua gì những người trai trẻ. Tinh thần chống Cộng của một người chiến sĩ vẫn còn cao độ.
Hình như ông đang lên cơn sốt, chắc say nắng. Ðầu ông hâm hấp nóng. Ông thấy trước mắt ông, bọn giặc cộng ào ạt tiến tới, nhưng ông và đồng đội đã đồng loạt nổ súng, mùi thuốc súng bay đầy không gian, thây giặc ngã xuống, ngã xuống, đồng đội ông tiến lên... tiến lên... Người ông dính đầy bùn đất, nhưng môi ông nở một nụ cười rạng rỡ, trung đội của ông đã chiếnt thắng lẫy lừng. Ông được phép về thăm nhà, nghỉ ngơi, dưỡng quân...
Tâm cảm thấy hơi mát của gió nội mây ngàn đang bao bọc thân thể ông. Một bàn tay dịu dàng, một mái tóc dài đang ở đứng trước mặt chàng. Tâm cầm tay Mai chạy tung tăng trên con đường nhỏ, hai bên ruộng lúa rì rào, mùi lúa chín thơm ngát. Chạy đến gốc cây bàng, Tâm dìu Mai ngồi xuống bãi cỏ xanh. Gương mặt Mai buồn hiu...
Chợt một gương mặt khác dịu dàng, nhẫn nhục hiện ra rõ ràng hơn trong trí Tâm. Ðôi mắt người đàn bà trẻ nhìn Tâm buồn vời vợi ngoài vòng kẽm gai, nàng đang đưa về phía Tâm một cách tuyệt vọng! Một Tên quản giáo đội nón cối, có hàm răng hô, đang giơ tay xua đuổi nàng... Những gói quà vương vãi dưới đất... Ngọc Trân vừa đi vừa quay lại, ông tính chạy lại ôm người vợ hiền vào lòng cho thỏa niềm thương nhớ, nhưng chân ông đã bị xiềng, ông không thoát ra được, ông kêu to "Ngọc Trân! Mình!". Thì ra ông thức giấc mơ và chân ông vướng vào chân ghế.
***
Hôm nay giỗ bà Tâm. Chờ cho Thảo cúng lạy mẹ xong và dẫn con đi học, ông Tâm đứng trước bàn thờ của bà rất lâu. Ông nhìn bức hình của vợ trên bàn thờ. Gương mặt trái soan, làn da trắng nõn. Hình này ông đã mang theo được lúc đi qua đây. Bức hình chụp khi bà vào khoảng 27, 28 gì đó, ông không nhớ rõ. Trên gương mặt dịu hiền, hình như ẩn hiện một sự chịu đựng dẻo dai đặc biệt mà một người từng sống trên nhung lụa như bà, hiếm thấy.
Ông nhớ lại gương mặt vợ trong đêm Mai đem con giao lại cho ông. Nét mặt bà nghiêm nghị nhưng không khe khắt, cương quyết nhưng vẫn dịu dàng, không biết bà có ghen tương đau khổ hay không, nhưng vẫn lịch sự, biết điều và rộng lượng. Chính nhờ sự rộng lượng biết điều này đã ngăn ông không làm điều tội lỗi xằng bậy khi gặp lại người yêu cũ. Tuy nhiên ông biết ông có tội với vợ vì lòng ông đã không ngớt giao động bởi hình bóng xưa.
Bà Tâm vẫn nhẫn nại đi bên cạnh cuộc đời ông. Bà đã thương Tình như con ruột. Tình thương của bà đối với Tình không thua gì với tình thương của bà cho Thuần, Thương, Thảo. Ông nhận ra rằng, mấy chục năm trường, ông có can đảm để sống, nhất là trong lúc ông ở trong lao tù Cộng Sản bà đã phấn đấu nuôi con, nuôi chồng suốt 9 năm. Hình ảnh bà đúng là hình ảnh con cò trong ca dao "con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non". Lần đầu tiên đi thăm ông, bà phải đi xe lửa rồi đi bộ khổ cực không sao kể xiết, nhưng ngày được vào thăm ông, thì ông lại phạm luật trong tù làm bà phải trở về mà không được thăm chồng, dù chỉ là thấy mặt vài phút. Tim ông se thắt nghĩ đến cảnh bà lầm lũi, khóc thầm trên con đường thăm thẳm, cực khổ về nhà tiếp tục phấn đấu nuôi con. Nhiều lần ông đã nói bóng, nói gió, khuyên bà tìm cách trốn đi, nhưng bà cương quyết nói, bà chờ ông, sống chết có nhau. Tới khi cả nhà được đi theo chương trình HO.
Tay ông run run, ông thắp thêm một nén nhang, lẩm bẩm như đang nói chuyện với người sống:
-- Mình ơi! Mình có tha thứ cho anh không? Anh vẫn còn ân hận, đã làm khổ mình suốt mấy chục năm trường. Mình là người đàn bà hiền thục, đã vì anh mà cực khổ cả đời... Anh biết, anh biết em đã trải qua những ngày buồn tủi. Làm sao không buồn tủi được khi em phải nuôi đứa con của chồng, phải chứng kiến tình yêu của chồng đã san sẻ sâu đậm với người khác, cho dù mối tình đó đã xảy ra trước, nhưng em biết rõ nó là mối tình đầu. Chắc chắn em cũng đã đoán biết mối tình đó không bao giờ tắt trong tim anh, nên nhiều lúc anh đã bắt gặp em khóc thầm buồn tủi. Có nhiều khi em đi chợ về, em mua bánh cho bé Tình ăn, anh thấy em ngồi nhìn bé Tình chăm chăm. Anh biết trong đầu em, tình cảm giằng co. Mình ơi! tha thứ cho anh. Anh lúc nào cũng yêu quý mình. Em biết không, anh nghĩ ông trời bắt mình đi trước để anh thương nhớ, để anh bị dày vò, hối hận, để bắt tội anh mà thôi.
Vợ chồng Minh đã điện thoại nói chuyện cả giờ với ông. Nhắc đến ngày giỗ đầu của mẹ, cô lại khóc qua điện thoại. Tình giàu tình cảm, khác với Thảo. Một tuần trước đó, Tình đã gởi về biếu ông chi phí 500 đô la, kèm theo thư và một tấm ảnh màu. Một năm đã trôi qua, ông sung sướng thấy Tình và Minh hòa thuận êm ấm. Nhìn nét mặt của con gái và rể, ông mỉm cười. Ngắm kỹ ảnh Tình, ông rùng mình, sao khuôn mặt và cặp mắt Tình giống Mai quá đỗi. Ðiểm giống nhau này ông đã thấy, nhưng giờ đây, Tình đi xa, ông mới thấy hiển hiện hơn.
Ông lau nước mắt vô tay áo. Ông lại bước qua bên bàn thờ của Thương bên cạnh, chăm chú nhìn vào bức hình của đứa con trai vắn số. Hai mắt của Thương nhìn ông một cách nồng nàn mà lúc sống, có thể vì ông và nó khắc khẩu hoài, nên ông không nhận ra chăng? Ông thì thầm:
-- Thương! Con đừng nhìn ba như vậy. Con đừng trách móc ba nữa! Ba thương con lắm. Ba thương các con hơn chính bản thân của ba, nhưng ba đã quá cứng rắn nên các con không lại gần ba. Nhất là con, thầy bói đã nói ba và con không hạp tuổi, khắc khẩu. Hai cha con mình đã không gần gũi nhau nhiều, nhưng đâu phải vì vậy mà ba không thương con...
Ông sụt sùi:
-- Má con thương nhớ con đến sinh bệnh con biết không. Mẹ con hy sinh, tảo tần rồi sức cạn, lực tàn, bà cũng bỏ ba mà đi. Con! Thương! Con sống khôn, thác thiêng phù hộ cho gia đình của chị Tình về đây sống gần ba má.
Nghĩ tới Tình, ông Tâm nhớ quay quắt. Tình phải theo chồng, bỏ ông lại một mình với Thảo. Ngày Tình đi theo chồng, nàng đã khóc nức nở với ông. Nàng hứa sẽ nhắc chừng Minh tiếp tục lùng kiếm công việc gần nhà, nếu có thì nàng và chồng sẽ về trở lại ngay. Ðến nay, qua điện thoại Tình cho ông biết là Minh đang làm việc tại một hãng lớn. Năm trăm đô la không lớn lắm đối với ông, nhưng Tình viết thư nói rằng: "gọi là tấm lòng thành dâng chút lễ mọn trên bàn thờ má". Ông xúc động vì chữ hiếu của con, và xúc động thương nhớ vợ.
Còn Thuần! Ðứa con trai trưởng của ông bây giờ ra sao? Còn trên đời hay đã chết? Không thể ngờ một đứa con hiếu thảo như Thuần mà chỉ vì chữ tình đã từ bỏ tất cả ra đi?! Ðôi khi ông không tin là chuyện đó lại có thể xảy ra cho chính gia đình, bản thân ông! Có phải kiếp trước ông tạo nhiều oan trái nên cái nghiệp đã đeo đuổi ông ở kiếp này?! Tuy vậy, trong tận cùng tâm khảm, ông nghĩ Thuần vẫn sống ở đâu đó, nó không về chắc vì một lý do mà ông chưa hiểu thôi. Ông vẫn lâm râm khấn vái cho có ngày ông biết tin chính xác của con.
Ông Tâm đi chầm chậm đến bên cửa sổ. Ông nhìn ra ngoài, bầu trời vẫn xanh lơ, trong vắt, thỉnh thoảng mới có vài cụm mây mỏng như miếng bông gòn, bay lơ lửng nhàn nhã như đang rong chơi theo sự đưa đẩy của làn gió trên không. Vài ngọn lá xanh, sớm vội lìa cành. Ông tự hỏi chiếc lá đó chắc cũng có số phần, tới ngày rụng, nó phải rụng mà thôi. Cuộc đời là một sự nhiệm mầu, một sự sắp đặt của thượng đế. Có người đang yêu đời tha thiết, lại lăn đùng ra chết. Có kẻ sống lây lất, đau khổ, muốn chết để dứt nợ đời thỉ lại sống dai, sống đau khổ trong bệnh tật, nhớ thương mỏi mòn. Ông nhớ vợ, nhớ con, nhớ tất cả những người đã chia xẻ với ông những giây phút sung sướng hay đau khổ. Vợ ông đã mất, bà ra đi một cách nhẹ nhàng, êm thắm. Có lẽ bà là người hiền lành, nhân đức nên sự ra đi của bà rất thanh thoát. Còn ông? Có lẽ ông tạo nhiều nghiệp chướng, nên ông phải trả bằng những giây phút khổ đau nhung nhớ này chăng?
Nhiều lúc, nhìn ra cửa sổ, ông mường tượng hình ảnh bà Tâm vừa mới đi chợ về, dáng bà nhỏ nhắn, thon thả, xách trên tay những túi đồ ăn nặng trĩu, bà đi có vẻ hối hả vì sợ trễ bữa cơm chiều. Có nhiều khi Thảo đi làm về, mở cửa bước vô nhà, ông Tâm cũng không biết. Nàng nhìn ba có vẻ không hiểu. Ông Tâm ngồi đó, nhưng hồn ông lại ở một nơi nào xa lắm. Hình như tuổi ông và Thảo còn khắc hơn là ông và Thương nữa, tuy nhiên Thảo đã cố gắng nhiều để đừng nặng nhẹ với ba. Nàng cũng thương ba vì biết ông cô đơn. Nàng nghĩ giá có chị Tình bên cạnh chắc đỡ buồn hơn. Cũng do đó, nàng cố dành thì giờ chăm chút miếng ăn, miếng uống cho ông.
Ông chợt quay lại nhìn bức ảnh Thảo treo trên tường. Giờ đây chỉ còn ông, Thảo và bé Thủy. Trong nhà gọn gàng tươm tất hơn một năm trước đây, nhưng sao vẫn thấy lạnh và vắng vẻ quá. Ông thương con gái, thương cháu ngoại. Ông hiểu Thảo cũng thương ông lắm.
***