Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

(Tiếp theo)

Thu Nga

Chương 30

Ở cuối hành lang bệnh viện đã xuất hiện bóng Tình và Minh. Minh ngoái cổ nhìn lại để tìm cái bóng người hối hả mới mất hút thật nhanh, chàng thắc mắc:
-- Hình như có người mới đi ra từ phòng của ba em ạ!
Tình cũng quay lại:
-- Vậy à? Em cũng thấy. Chắc bác sĩ hay y tá gì chăng? Ði nhanh vào xem ba ra sao rồi?!
Bước chân hai người vội vã hơn. Tình nói:
-- Không biết má, Thuần và Thảo còn trong đó hay không? Hình như má có nói hôm nay má không chờ mình, má về với thằng Thuần.
-- Ðáng lẽ lúc nào cũng phải có một người ở đây, lỡ ba cần gì thì sao?
-- Không sao đâu anh, nhà thương này chăm sóc bệnh nhân cẩn thận và có lương tâm lắm. Bác sĩ và y tá cũng vào rất thường xuyên.
Vừa nói xong, đã thấy một y tá vào coi chừng máy móc, tim mạch cho ông. Tình đưa mắt nhìn Minh như nói "Thấy không?!".
Minh bước theo Tình, lại gần giường ông Tâm:
-- Không biết ngày hôm nay bác sĩ có nói tin gì mới lạ với Thuần không. Thuần nói sẽ gọi điện thoại cho anh, mà không thấy.
Tình đưa tay đặt lên trán ông Tâm:
-- Nhìn ba nằm như vầy em thương quá. Ba đã già còn bệnh hoạn như vầy, làm sao chịu nổi. Má thì cũng không hơn gì. Em sợ má lại qụy nữa.
Minh nhìn vợ thông cảm, chàng an ủi:
-- Anh biết. Anh cũng lo cho ba má lắm.
Chàng cảm thấy ân hận vì đã nhiều lần nói những điều không được tử tế về gia đình của Tình. Nhìn nét buồn dịu dàng của vợ, Minh nói giọng nhỏ nhẹ:
-- Tình! Anh rất ân hận là có nhiều lúc anh đã có những lời không hay làm em buồn lòng. Anh xin lỗi em.
Tình cảm động, rơm rớm nước mắt:
-- Em không dám trách anh. Em biết anh vì lo lắng những việc trong sở, rồi anh lại nghĩ em đã không săn sóc anh, nên anh buồn. Bây giờ anh hiểu như vậy, em vui lắm.
Minh cầm tay Tình bóp nhè nhẹ thay cho lời nói. Tình kéo Minh ra xa xa để lỡ ông Tâm có tỉnh lại, cũng không nghe:
-- Em lo cho ba quá! Em biết những người bị stroke như vầy, dầu thoát chết đi nữa... cũng ít có người nào trở lại bình thường. Ba cũng đâu đã già quá, bây giờ lâm vào tình trạng này, tội ba quá!
Minh vỗ nhẹ vai vợ:
-- Em đừng có xúc động quá như vậy. Bây giờ khác hồi xưa, với sự tiến bộ vượt bực của khoa học hiện nay, ba sẽ được chữa trị đúng mức và sẽ bình phục.
-- Hồi ở Việt Nam mình không nghe về chứng stroke, hay là heart attack, sao ở đây mình nghe nhiều quá vậy anh?
Minh liếc nhìn ông Tâm nói:
-- Ở Việt Nam cũng có nhiều người bị hai chứng này lắm chớ không phải ít, tuy nhiên lúc đó, nước mình chưa có đủ dụng cụ khám nghiệm, không có thuốc men chạy chữa, kỹ thuật giải phẫu còn yếu thành ra người bị chứng chỉ có nước chết mà thôi. Rồi người ta nói là bị tà ma bắt, bị trúng gió, trúng phong.
-- Anh nói làm em nhớ, lúc em còn nhỏ, có bác hàng xóm tên là bác Hường, tự nhiên bác lăn ra bất tỉnh, chở vào nhà thương, sau bác tỉnh lại, nhưng một bên mặt đã bị tê liệt, không cử động được. Vậy rồi hàng xóm nói bác bị trúng gió. Một người khác là bác Tôn đang ngồi nói chuyện với con cái, tự nhiên bác cũng ngã ra bất tỉnh rồi chết liền thì hàng xóm lại nói bác bị ma vật.
-- Em thấy chưa! Thành ra mình nên mừng là ba được tai qua, nạn khỏi.
Tình gật đầu đồng ý, nàng đi vài bước, đến bên ba, tính nói với ông vài lời thương yêu, chợt Tình cúi xuống đất, la lên:
-- Ủa! Cái bóp của ai nè anh?
Minh cúi xuống, cầm cái bóp da màu đen lên:
-- Chắc của má?
Tình lắc đầu, cầm cái bóp mân mê:
-- Má đâu có cái bóp này. Má ghét xách bóp lắm.
-- Hay là bóp của Thảo?
-- Không! Kiểu này không phải của con Thảo!
Minh nhìn quanh:
-- Vậy chắc là của một cô y tá nào? Mình phải mở ra, coi tên tuổi mới biết của ai mà trả lại.
Tình kéo cái khóa ra rồi đưa tay kéo ra một vài món nhìn, chưa thấy gì. Tình mở cái bóp nhỏ trong đó, miệng Tình mở hé ra, tiếng nàng đầy vẻ ngạc nhiên:
-- Dì Mai! Của dì Mai anh ạ! Bóp của dì Mai, tại sao lại ở đây?
Minh nhíu mày:
-- Của dì Mai? Em chắc không? Nhìn thêm vài món nữa xem!
-- Ðúng là của dì Mai mà. Anh coi, đây là bằng lái xe của dì, đây là cuốn điện thoại có viết tên của dì đây nè.
Nét mặt Tình đầy vẻ băn khoăn. Ðôi lông mày của Minh vẫn tiếp tục châu lại với nhau. Cả hai im lặng suy nghĩ. Một vài giây sau, Minh gật gù:
-- Anh cam đoan với em, cái bóng người đàn bà lúc nãy là dì Mai! Dì Mai đã vào đây trước mình!
Minh búng tay cái "chóc!":
-- Nếu mình không kẹt xe thì đã bắt gặp dì Mai rồi!
Tình nghe rõ ràng hai chữ "bắt gặp" của Minh. Tại sao Minh không nói "gặp" mà lại nói "bắt gặp"? Tình nhìn nét mặt Minh để đoán lý do chàng nói như vậy. Tình cố xua đuổi ý tưởng mới thoáng qua óc nàng. Tình nói:
-- Thật là kỳ cục! Tại sao dì Mai lại đi thăm ba có một mình thôi?! Không lẽ...
Tình không dám nói tiếp cho Minh nghe, nhưng trí óc nàng quay cuồng. Nàng nhớ lại nhiều chuyện có liên quan đến việc bà Mai đi thăm ba nàng. Nàng lắc đầu, mặt ngớ ra, nàng lay bàn tay Minh:
-- Anh! Anh nghĩ có chuyện bí mật trong việc này phải không?
Minh biết Tình cũng đang có cùng ý nghĩ với chàng. Nhưng chuyện này không thể để lộ ra ngoài được, sẽ rất tai hại và làm buồn lòng nhiều người. Chàng nghiêm mặt nói với Tình:
-- Ly kỳ thiệt! Nhưng em nhớ, tuyệt đối không để chuyện này đến tai một người nào hết. Ðể anh điều tra xem sao!
Tình mở to mắt nhìn Minh, lo lắng:
-- Anh Minh! Anh nghĩ gì vậy? Bộ anh nghĩ ba và dì Mai có một sự liên hệ mật thiết à? Có phải anh đang nghĩ như vậy không? Nhưng... nhưng dì Mai đã đi Cali rồi mà? Không lẽ dì về lại rồi?
-- Ði Cali thì cũng bay về được vậy!
Minh trầm ngâm, nhìn cái bóp đang bị mở toang như một sự bí mật đang được phơi bày. Chàng nói:
-- Anh chưa biết chắc lắm, nhưng anh đã thấy có một sự gì đó rất bí ẩn, chung quanh việc dì Mai và gia đình em. Nhưng, như anh nói, anh chưa biết rõ, đây chỉ là nghi vấn thôi. Em đừng thắc mắc mà đâm ra rắc rối cả nhà. Không chừng... bóng người đó không phải là dì Mai... Có thể dì đã đến thăm với dì Hồng trong một dịp khác trước đó, rồi bỏ quên cái bóp lại!
Tình không tin ở lời cuối của Minh tí nào. Linh tính cho nàng biết, bóng người đàn bà đi như chạy lúc nãy là bà Mai chớ không ai xa lạ. Tại sao dì Mai lúc nào cũng buồn rầu, đau khổ? Tại sao khi bà nói lời từ giã với nàng, bà lại khóc nức nở? Và nếu bà ta đã đi Cali rồi thì bà Mai nào lại mới đến thăm ba của nàng? Nếu không có một tình cảm thân thiết thì không việc gì từ Cali bà phải về thăm ba? Nếu muốn thăm ba, bà cũng phải đi với bà Hồng chứ? Nhất là ba má nói không quen biết bà thì không có lý do gì để bà đến thăm một mình! Quả thật có chuyện bí ẩn. Bà Mai và gia đình nàng chắc không phải xa lạ với nhau! Nhưng Minh nói đúng, chuyện này không thể để ai biết, nhất là má. Phải hết sức bí mật. Tình nhìn Minh đầy vẻ lo âu:
-- Vậy làm sao mình trả cái bóp lại cho dì? Dì sẽ cần giấy tờ trong đó.
Minh bỏ giấy tờ lại cho ngăn nắp như cũ, đóng cái khóa và nói:
-- Dễ lắm! Anh sẽ tìm cách đưa cho dì Hồng rồi dì Hồng sẽ đưa cho dì Mai.
Chàng gật gù nói như cho chính mình nghe:
-- Hèn gì lúc nào dì cũng có vẻ u sầu, đau khổ.
Tình giật mình, nhìn Minh chăm chăm:
-- Em lo sợ quá anh Minh ạ! Chuyện này chắc không đơn giản đâu. Em cũng thấy như anh vậy! Nhất là cử chỉ của dì đối với em! Bộ dì cũng biết em hay sao? Dì có vẻ thương em một cách quá đáng đó anh.
-- Ý em muốn nói sao là quá đáng?
-- Anh không nhớ là dì đã săn sóc cho em một cách vồn vập như thân thuộc lâu năm...
Minh chau mày suy nghĩ. Chàng phải tìm hiểu sự thật mới được. Nhưng chàng phải điều tra một cách kín đáo để không ai nghi ngờ gì cả. Chàng nhìn Tình, đôi mắt Tình vẫn đen nhánh, lấp lánh dưới ánh đèn, da nàng trắng tươi, đôi lông mày thanh tú. Chàng suy nghĩ đôi mắt đó, làn da đó, mái tóc đó rất giống... Hai nét mặt như ẩn hiện, hòa nhập vào nhau. Chàng nhìn đồng hồ, khi người y tá bước vào ra hiệu giờ thăm viếng đã chấm dứt. Minh và Tình nhìn ông Tâm một lần nữa, trước khi nói vài lời xã giao với người y tá và chào từ giã. Minh cầm cái bóp đen của bà Mai, bỏ vào cái túi áo trong của chiếc áo vest.
Bên ngoài trời đã tối. Không khí đã dịu lại. Những cơn gió bất ngờ thổi lại làm mái tóc của Tình tung qua một bên, vài sợi vướng vào cổ Minh. Minh âu yếm cầm tay Tình, bàn tay gầy guộc thân quen. Chàng bóp tay vợ nhè nhẹ. Tình đi sát hơn vào người Minh. Minh ôm vai Tình, thì thầm:
-- Em nhớ đừng suy nghĩ gì nhiều nghe. Mọi việc để anh lo!
***
Chương 31
Ông Tâm đã được rời bệnh viện, về nhà tịnh dưỡng. Cả nhà săn sóc, chìu chuộng ông đủ mọi cách để ông vui mà chóng bình phục. Những lúc nhìn ông nói năng chậm chạp, ăn uống khó khăn bà Tâm xót xa cả gan ruột. Tóc ông Tâm bây giờ bạc trắng. Hai mắt ông có vẻ ngơ ngác, lúc nào cũng có thoáng bối rối, lạc lõng. Ðôi lúc thương chồng quá, bà Tâm rơm rớm nước mắt. Cứ tưởng tượng ông bỏ bà nửa chừng, bà biết nương tựa vào ai? Con cái có đời sống riêng của tụi nó, chỉ có hai vợ chồng già với nhau! Bà tủi thân khóc. Tình khuyên bà:
-- Má đừng khóc, ba sẽ lo! Mấy hôm nay có lúc ba có hỏi con bác sĩ có nói gì về tình trạng sức khỏe của ba không? Con nói bác sĩ nói ba sẽ khỏi bệnh, nếu ba cố gắng tập.
-- Ba có tin không con?
-- Dạ tin. Nhưng ba nói tụi bây có gì giấu ba phải không? Con hỏi tại sao ba nói vậy, ba nói má tụi bây cứ nhìn tao chăm chăm, rồi bả còn khóc nữa.
Bà Tâm nghe nói, vội chặm nước mắt. Nghe con nói, bà cũng mừng và lòng lại tràn đầy hy vọng. Như vậy ông Tâm đã biết nhận xét những việc chung quanh bén nhậy hơn lúc mới về nhà nhiều. Các con của ông cũng khuyên ông phải ráng luyện những động tác mà người huấn luyện thể dục y học tập cho ông như tập nói, tập đọc, tập đi... Ông gật đầu có vẻ mau mắn lắm. Ðôi khi bà Tâm thấy ông cũng nhìn bà một cách thương mến. Bà và các con đã làm mọi thứ để ông hài lòng, từ cách nói chuyện, đến thức ăn, nước uống, bất cứ ông muốn gì là cả nhà đều làm ông vừa lòng. Khi mặt trời xuống, không khí mát mẻ, bà đẩy xe cho ông ngồi ở hàng hiên một lát cho thoải mái với không khí thiên nhiên. Bà thấy mắt ông mơ màng nhìn về hướng bên dãy nhà cũ xa xa, có những hàng cây dương liễu đứng xõa tóc. Không biết trong đầu ông đang nghĩ gì? Ông có nhớ lúc đầu ông chê những cây liễu như người rủ tóc khóc, sợ xui không? Ngồi một lát thấy ông có vẻ mệt, bà lại đẩy vô nhà.
Hôm nay, bà nấu cho ông những nồi canh ổ qua dồn thịt thật ngon. Bà làm việc này một cách tỉ mỉ. Bà cắt hai đầu trái ổ qua, rồi dồn vào ruột thịt, hành, nấm, bà hầm lên với xương heo cho ngọt. Miệng bà dạo này hay bị đắng, bà nhờ Tình nêm nếm giùm:
-- Ba con kén ăn lắm, nhưng ổng ăn chưa ngon miệng, nên chưa khen chê. Hôm nào ổng chê mới là lúc ổng trở nên bình thường.
Bà nói xong, lòng cảm thấy thương chồng, chép miệng:
-- Ba con cứng đầu, cứng cổ lắm. Một đời ngang dọc, vì vận nước phải sa cơ theo... Bây giờ lại đau bệnh... Thiệt ông trời bất công quá. Thôi... để má vô coi ba con với thằng Thuần làm gì trong đó. Con coi giùm má nồi canh.
Nhớ ra Minh đã đi đón Thảo rồi ghé lại đón bé Thủy từ nhà người giữ trẻ, bà Tâm nhìn ra ngoài đường, sốt ruột:
-- Ủa! Thằng Minh đi đón con Thảo sao lâu về vậy?
-- Không chừng Thảo có nhiều khách, nên chưa về được.
Bà chưa kịp đi vô phòng, thì Thuần đã đẩy xe ông Tâm đi ra. Thấy nét mặt ông Tâm tươi tỉnh, Tình hỏi:
-- Ba dậy rồi à? Ba thấy trong mình ra sao?
Ông Tâm chớp chớp mắt, nhìn Tình một lúc, tiếng nói mới phát ra:
-- Con... đang... nấu gì đó?
-- Má với con đang nấu canh ổ qua để ba ăn cho mát.
Bà Tâm cũng tiến lại bên ông. Hôm nay thấy ông có vẻ vui hơn mọi ngày. Bà lấy tay phủi những bụi nhỏ li ti trên cổ áo ông rồi hỏi:
-- Ông có thấy đói bụng chưa? Hồi nãy giờ hai cha con lục đục gì trong phòng lâu vậy?
Thuần xê dịch cái xe để bánh xe đứng vững vàng. Chàng lại bên Tình nhìn vào nồi canh, hít hà khen thơm. Cánh mũi của ông Tâm cũng hít hít vì mùi thơm thức ăn. Tình dọn ra bàn nào là cá thu chiên, dầm nước mắm tỏi, ớt, rau muống xào. Thuần cũng hỏi sao Minh và Thảo chưa về, cả nhà đói bụng hết rồi. Tình nói cứ ăn đi, Tình đã để cơm, thức ăn lại cho Thảo và Minh, nàng đợi hai người, ăn sau. Thuần đẩy xe của ông Tâm lại gần ghế của bà Tâm.
Bà Tâm múc cơm, gắp đồ ăn cho ông một cách cẩn thận. Ông nhìn bà nói:
-- Sao bà... không ăn? Bà... cứ ... lo cho tôi hoài vậy?
Lòng bà Tâm chợt chùng xuống. Bà muốn nói "Tôi lo cho ông suốt đời" nhưng cổ bà tự nhiên nghẹn lại. Thuần biết mẹ đang nghẹn ngào thương ba nên chàng nói đỡ:
-- Ba cứ để cho má lo. Không để má lo, má lại giận đó! Khi nào ba mạnh, ba lo lại cho má!
Ông Tâm gật đầu. Trong đầu ông nhiều hình ảnh vẫn còn lộn xộn, nhưng ông hiểu lời Thuần. Ông sung sướng nhìn vợ một cách trìu mến. Bà gắp cho ông một miếng rau thật mềm:
-- Ông ăn miếng này nè, rau muống non, ngon lắm, mua ở chợ Kim Phụng đó. Mùa này rau còn tốt lắm.
Ðôi lông mày ông chợt hơi cau lại, cái cau chỉ thoáng chợt đến rồi hết liền, bà Tâm tinh ý nên thấy liền bà hỏi ông giọng săn sóc:
-- Ông à! Ông còn đau đầu không?
Ông Tâm nhíu mày, như cố nhớ một điều gì:
-- Hình như... hôm qua tôi có đau đầu... như có con kiến bò...
Tình và Thuần lo lắng nhìn ông Tâm, Thuần nói:
-- Vậy sao ba? Ba có hay đau như vậy không? Sao ba không nói liền? Hôm qua khi đưa thuốc cho ba uống, con tưởng ba ngủ êm chớ?
Bà Tâm ngừng đũa nói:
-- Sao ông không kêu tôi? Bộ ông sợ tôi mất ngủ hay sao? Tôi mạnh khỏe như vầy, trong khi ông bị bệnh lại không kêu? Bác sĩ dặn hễ có cái gì khác lạ, thì phải nói cho họ biết.
Ông Tâm lọng cọng bỏ đôi đũa xuống bàn:
-- Một lát nó hết... chắc không sao đâu! Bác sĩ... nói sao?
Thuần vội nói:
-- Bác sĩ nói ba cố gắng sẽ mau bình phục hơn. Ba phải tập đi, tập đứng cho giỏi. Nhất là không được nghĩ ngợi gì cả. Ba nhớ nghe, hễ nghe trong mình có gì khác, là nói cho má hay tụi con biết liền.
Bà Tâm gắp thêm cho ông một miếng ổ qua, bà tính đút cho ông ăn, nhưng bà nhớ ông đã nói ông muốn tự ăn một mình nên bà cầm đôi đũa lên cho ông. Ông ráng đưa thức ăn lên miệng, nhưng miếng ổ qua vừa chạm vào môi ông, một nửa đã rơi ra ngoài. Ông Tâm nhíu đôi lông mày rậm, có nhiều sợi bạc, ông cố gắng làm lại động tác đó, lần nầy đã khá hơn. Thương chồng quá, bà Tâm ngồi sát lại gần ông, nhỏ nhẹ:
-- Ông đưa tôi gắp cho ông ăn nghe.
Ông Tâm cau mặt nói có vẻ gắt gỏng:
-- Tôi ăn một mình... được mà!
Ông Tâm nhìn lên, thấy vợ con nhìn mình chăm chăm, ông bực dọc, hất đôi đũa xuống bàn. Ông ra dấu, muốn trở vô phòng. Tình đưa mắt nhìn Thuần như ra hiệu cho Thuần làm theo lời ông. Bà Tâm nhìn Thuần biểu đồng tình, chàng lau miệng, đứng lên cầm hai càng chiếc xe đẩy ông vào trong. Ðầu ông hơi cúi xuống đất. Mái tóc bạc của ông lòa xòa trước trán. Bà Tâm chợt nấc lên một tiếng trong cổ họng. Tình cũng cúi mặt. Bà Tâm nhìn theo bóng Thuần, đầu óc bà cũng chao đi theo bóng Thuần đang nghiêng hẳn xuống theo sức đẩy chiếc xe.