Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

(Tiếp theo)

Thu Nga

Chương 30
 
Bác sĩ bảo não của ông Tâm bị chấn động mạnh sau một cơn xúc động quá lớn, may là cơn tai biến mạch máu não này nhẹ, ông không chết, nhưng tâm thần ông bị khủng hoảng trầm trọng. Nếu không chữa trị đúng mức, có thể nguy hiểm tới tính mạng và bộ óc ông cũng có thể bị động trở lại. Bác sĩ giữ ông ở lại bệnh viện để điều trị. Còn bà Tâm, như có một phép lạ, bà bình phục nhanh chóng không ngờ. Bà tỉnh táo ngồi túc trực bên giường của ông Tâm cả ngày, đến đêm các con chở bà về. Tình, Thuần và Thảo sợ bà ngã bệnh, khuyên bà nên tịnh dưỡng, đừng lo lắng quá, đã có các con, nhưng bà lắc đầu từ chối, nói rằng bà muốn phải chính tay săn sóc ông, như ông đã từng săn sóc bà trong lúc bà đau yếu.
Ông Tâm đã thoát khỏi tay của tử thần, nhưng ông vẫn thường xuyên mê man dưới ảnh hưởng của nhiều thứ thuốc. Bà Tâm kiên nhẫn ngồi bên cạnh, kể đủ thứ chuyện như thể ông có thể nghe và hiểu được. Nhìn sắc mặt ông Tâm bây giờ đã có màu sắc tươi tắn, bà cảm ơn Trời Phật còn thương gia đình bà, nên ông đã thoát chết, nếu không chắc bà cũng không sống được. Bà mới mất một đứa con, làm sao bà có thể chịu đựng được nữa nếu ông Tâm cũng bỏ bà mà đi! Mỗi lần nhớ lại cảnh ông nằm sóng soài trên mặt đất, bà vẫn còn run rẩy. Bà nhớ bà đã ôm ông khóc nức nở, trong khi Tình cuống quýt gọi 911. Trong khi chờ xe cứu thương đến, hai mẹ con nhìn nhau đầy lo âu.
Bà Tâm đưa tay vén một vài sợi tóc rơi lòa xòa trên trán ông. Bà nhìn vầng trán cao mênh mông của ông và nhớ lại hình ảnh trai trẻ của người trung úy oai hùng mà bà đã đem lòng thương yêu, ngay từ lúc gặp nhau lần đầu, lòng bà xúc động. Mặc dù trước đó, hai người không quen biết nhau, nhưng khi gặp mặt ông Tâm, bà Trân tưởng như đã gặp ông Tâm tự kiếp nào.
Sau gần 30 năm chung sống, tình yêu của bà đối với ông không hề suy giảm, mà trái lại. Mặc dù sau khi cưới, bà biết ông Tâm đã có một mối tình sâu đậm với một người con gái tên Mai, và sau đó bà đã nhận lời nuôi con của chồng và của người con gái đó, nhưng với tấm lòng trung hậu, bà đã mở rộng tình thương đối với đứa con tội nghiệp đó, mà theo bà, nó không có lỗi gì cả. Và bà cũng nghĩ lần lần với tháng năm, bà đã chiếm trọn tình yêu của chồng. Cho đến khi người con gái kia, nay đã thành một thiếu phụ mặn mà, già dặn, xuất hiện, đi tìm lại đứa con lạc loài và hình như bà ta cũng chực chờ chiếm lại tình yêu của chồng bà! Ðôi khi trong giấc ngủ, bà Tâm thấy bà phải phấn đấu gian nan để giành ông Tâm lại cho riêng bà.
Nay ông Tâm nằm đây, hoàn toàn yếu đuối, bà thấy thương ông nồng nàn, nhưng có một điều làm bà hối hận không thôi, là đã đối xử lạnh nhạt với ông sau khi Thương chết. Trong thâm tâm bà vẫn còn buồn ông vì ông hay la mắng Thương. Cứ chợp mắt là bà nghe tiếng cười, tiếng nói và cả tiếng cãi lại của nó, khi bị ba rầy. Bà cứ ao ước phải chi Thương còn sống, bà sẽ nhỏ nhẹ năn nỉ, khuyên ông không nên khe khắt với con như vậy. Lại có những lúc bà lạnh lùng, châm biếm vì ghen với bà Mai. Bà nhớ có nhiều khi thấy ông ngồi hút thuốc trên chiếc ghế quen thuộc và nhìn ra ngoài như đang để hồn ở đâu đâu. Bà lại cay đắng nghĩ, giá bà có phép thần thông để biết ông đang nghĩ gì, ông đang nhớ đến ai!
Nhìn ông nằm yên, ngủ như một đứa trẻ thơ, lòng bà đau xót tột độ. Bà cầu nguyện Phật Trời cho ông chóng bình phục, bà hứa với lòng sẽ không lạnh nhạt, không cằn nhằn, không giận hờn... mà chỉ biết thương ông, chăm sóc ông mà thôi. Bà thở dài lo âu vì nghe bác sĩ nói, sau khi bình phục rồi, ông phải trải qua một thời gian dài mới có thể trở lại bình thường được, mặc dù bình thường ở đây không có nghĩa là một trăm phần trăm ông sẽ bình thường như khi xưa.
Bà Tâm cúi xuống nhìn ông Tâm cho rõ hơn. Ðôi môi ông hình như hơi mấp máy hay mắt bà hoa mà nhìn lầm? Bà chớp mắt thì không thấy nữa. Bà nói:
-- Ông à! Có phải ông định nói chuyện với tôi phải không? Ông có khỏe hơn một chút nào không? Mau mau lành bệnh để về nhà với mấy nhỏ nghe ông, tụi nó nhớ ông lắm. Nhất là bé Thủy, nó hỏi ông ngoại hoài! Ông biết sao không? Từ bữa ông đau đến nay, con Thảo gởi bé Thủy cho chị Châu giữ. Ông nhớ chị Châu ở cạnh nhà anh chị Nhiên không? Chị Châu thương con Thủy lắm. Rồi lâu lâu, tới phiên cô Yến lại đem con nhỏ về nhà cổ chơi. Tội nghiệp cháu mình lắm ông ơi! Nó nhớ má, nhớ bà ngoại, bây giờ nhớ ông ngoại. Mỗi lần nó về nhà, nó nói chuyện bi bô dễ thương lắm. Ông ơi! ở nhà vắng ngoe à! Không có ông, tôi và mấy đứa nhỏ buồn hiu!
Bà lấy khăn lau mặt ông nhè nhẹ:
-- Tôi biết ông cũng nhớ bé Thủy lắm. Người ta nói "thương con không bằng thương cháu" là vậy đó. Trời sanh lạ ghê hả ông, cháu mình, có xấu, có hư, cũng thấy đẹp, thấy ngoan hơn cháu của ai hết, ông đồng ý không?! Tôi biết ông ở đây, ông cũng buồn lắm. Thôi ráng đi ông. Ngủ cho khỏe, bác sĩ chích thuốc cho mau lành bệnh rồi tôi đem ông về nhà. Chị Hồng vô thăm ông hoài, chị cũng tới nhà đem hết món này, món nọ cho mẹ con tôi. Hàng xóm, láng giềng, ai cũng mong ông về hết. Thằng Thuần, con Tình, con Thảo sắp đem bé Thủy vô thăm ông. Hôm trước, không dám đem bé Thủy theo, sợ nhà thương không chịu. Nhưng nay tôi bảo mấy nhỏ hỏi rồi, họ nói được, nhưng phải canh chừng em nhỏ, đừng quấy rầy người bệnh. Tôi nói, cháu tôi ngoan lắm...
Bà còn tính nói nữa thì có tiếng mở cửa. Bà Hồng bước vô với một bình hoa tươi trên tay. Bà Tâm tươi ngay nét mặt:
-- Chị Hồng! Chị lại mang hoa tới nữa, chị chu đáo quá!
Bà Hồng đặt bình hoa xuống bàn và nói:
-- Chị đang làm gì đó? Lại kể chuyện nhà, chuyện cửa cho anh Tâm nghe phải không? Ảnh có khá hơn chút nào không chị?
-- Qua nay coi bộ ổng khá hơn chút chút. Tuy vậy, muốn nói mà chưa nói được rõ ràng, nhưng mình nói, ổng nghe và hiểu hết. Y tá mới chích thuốc, ổng ngủ lại rồi.
Bà chép miệng:
-- Thấy tình trạng của ông nhà tôi, thiệt đứt ruột. Tội nghiệp cho ổng, vì khi tôi bệnh nặng, ổng đã lo lắng nhiều quá nên mới xảy ra cớ sự như vầy... Nếu tôi không bị bệnh rề rề thì ổng đâu đến nỗi nào!
-- Chị lại suy nghĩ viễn vông rồi. Ai mà muốn bệnh hoạn! Chị đừng tự trách mình như vậy. Chị phải mạnh dạn lên. Lo nghĩ nhiều quá lại sanh bệnh, còn khổ hơn.
-- Tôi cũng ráng chị Hồng à! Nhưng tôi cứ tự hỏi, tại sao ông trời lại bất công với gia đình tôi như vậy... Chị nghĩ coi, thằng Thương có hăm mấy tuổi đầu đã chết... Còn ông nhà tôi, khi không lăn đùng ra bệnh...
Giọng bà nghẹn ngào, bà bỏ lỡ câu nói, lấy chiếc khăn trong túi áo ra, lau nước mắt. Bà Hồng nhìn bà Tâm mà xót thương tình cảnh của người bạn hiền hậu. Khuôn mặt nhỏ nhắn của bà như chìm vào một sự chịu đựng bền bỉ. Bà Tâm và bà tuổi tác xuýt xoát bằng nhau mà bà Tâm lại nhìn già hơn bà cả chục tuổi. Một bàn tay của bà Tâm đang cầm tay ông Tâm, ốm yếu, gầy gò, nổi những đường gân xanh. Bà Hồng an ủi:
--Chị Tâm ơi! Ở đời có nhiều việc xảy ra thật kỳ cục mà mình không hiểu nguyên do. Thôi thì mình chỉ biết cầu khẩn Phật Trời, chớ biết làm sao!... Hỗi nãy giờ chưa hỏi chị, bác sĩ có nói gì về tình trạng sức khỏe của anh không? Chừng nào anh mới về nhà được?
Bà Tâm quay sang nhìn ông Tâm. Mắt ông vẫn nhắm nghiền, trên tay ông có nhiều giây nhợ, ống chích, thỉnh thoảng một người y tá lại đến trông chừng. Một lát lại có bác sĩ đến coi lại những chiếc máy đặt bên cạnh giường. Bà hay nhìn những người này một cách lo lắng, họ mỉm cười với bà như có ý bảo hãy yên tâm, mọi việc đều tốt đẹp. Nhớ lại những lời của bác sĩ, được thông dịch từ mấy đứa con, bà Tâm nói:
-- Bác sĩ nói là mạch máu trong đầu ổng chưa đứt, nếu đứt thì coi như ổng đi theo thằng con của ổng rồi. Nhưng tôi vẫn lo lắm... Lỡ... ổng có chuyện gì làm sao tôi sống nổi? Ðã trải qua bao nhiêu gian khổ từ khi Cộng Sản vào, vợ chồng, con cái dắt díu nhau qua mãi bên đây, bây giờ không lẽ ổng bỏ tôi lại một mình?
Sợ bà Tâm lại khóc nữa, bà Hồng vỗ vỗ vào tay bà Tâm:
-- Ðó! chị lại buồn lo nữa rồi. Cứ cầu nguyện, van vái nhiều lên, Phật Trời sẽ phù hộ anh lành bệnh. Chị khóc hoài, ảnh tỉnh dậy, thấy chị khóc, ảnh lại lo...
Bà Hồng đứng lên:
-- Ðể tôi sửa lại bình hoa một chút, ảnh thức dậy thấy hoa cũng vui hơn.
-- Chị chu đáo quá! Cảm ơn chị. Hoa đầy phòng mà... cứ nằm im, không thức dậy ngắm.
Bà chỉ vào những bình hoa để gần đó:
-- Hôm qua, sở của thằng Thuần cũng gởi hoa tới. Cộng đồng cũng cho người mang lại chậu hoa lan, họ nói ai cũng mong ổng lành bệnh, nhất là mấy cậu trẻ, cứ nhắc bác Tâm hoài, họ quý ông nhà tôi lắm... Con Thảo cũng khệ nệ bưng một bình hoa có cắm bong bóng vô cho ba nó nữa. Chị coi, từ bữa ổng nằm xuống tới nay, con Thảo coi bộ thương ba nó lắm.
Bà Hồng cười:
-- Chắc khi ổng lành bệnh, hai cha con sẽ bớt lục đục với nhau chị há?
-- Hai cha con cứ như chó với mèo! Hễ ở gần nhau là cắn nhau, y như thằng Thương với ổng... Không biết tại sao ổng lại khắc khẩu với mấy đứa con như vậy!
-- Còn thằng Thuần thì sao? Chuyện của thằng Thuần với con bé xinh xinh, dễ thương... à cô Lan, ra sao rồi?
-- Tôi cũng không biết hai đứa nó tính sao nữa. Nghe nói má con Lan bắt nó phải học cho tới nơi, tới chốn, mới cho nó lấy chồng.
Bà Hồng không hỏi tiếp, nhưng hai bà đều cùng ý nghĩ là không biết chừng nào Lan mới học "tới nơi, tới chốn". Hai bà đều biết tính tình của mẹ Lan, nên hiểu đây chỉ là một cái cớ để bà ngăn cản con bà ưng Thuần. Bà Tâm chưa gặp mẹ Lan, nhưng những câu chuyện bà nghe bất chợt từ các con và các bạn tủa tụi nó thì bà thấy việc hôn nhân giữa Thuần và Lan coi bộ hơi khó. Bà cũng chua xót khi thấy gia đình bà chỉ vì nghèo mà các con bị thiệt thòi đủ thứ. Bởi vậy, người ta nói "nghèo là một cái tội" cũng đúng. Mẹ của Lan đã coi trọng chữ kim tiền hơn tình nghĩa. Bà tự an ủi, rồi có một ngày, gia đình bà sẽ thoát khỏi cảnh cơ cực, vì"có ai giàu ba họ, có ai khó ba đời!". Nhưng năm này bước qua năm khác, bà chưa thấy có một sự tiến triển tài chánh nào với gia đình bà cả! Bà nhớ có lúc ông Tâm cằn nhằn "con Thảo hết chuyện làm, lại vô làm nghề nail, áo quần, đầu tóc nồng nặc mùi thuốc, mai mốt đau bệnh nằm xuống thì chết...". Thảo cãi lại nói, nghề này đã giúp cho biết bao nhiêu người làm giàu, mai mốt Thảo để dành đủ tiền sẽ mở tiệm, mướn thợ, lúc đó, tha hồ có tiền! Bà chua xót nhớ ra các con bà vì nghèo nên lúc nào cũng ao ước, hy vọng trong tương lai mình sẽ trở nên giàu có để giúp gia đình thoát khỏi cơn túng quẫn. Bà Hồng thấy bà Tâm trầm ngâm, hỏi:
-- Chị ở đây cả ngày hả? Tụi nhỏ hôm nay có vô không?
-- Ngày nào cũng có đứa vô thăm, miễn là đừng vô quá 3 người, luật của bệnh viện như vậy, họ sợ bệnh nhân mệt. Ban đêm, hết giờ thăm nuôi, mình phải về. Muốn ngủ lại thì ngủ ở phòng khác.
Thấy hồi nãy giờ mình chỉ nói toàn chuyện buồn phiền của gia đình mình, mà chưa hỏi thăm về người bạn tốt bụng, hơn nữa, tự nhiên trong đầu bà, bà muốn hỏi về bà Mai mà chưa biết mở lời như thế nào, bà Tâm hỏi:
-- Dạo này công việc ở tiệm của chị ra sao?
Bà Hồng cho biết cũng kiếm tiền lai rai vì nhiều người cũng mở tiệm giặt ủi, cạnh tranh. Bà Tâm nhân dịp đó nói:
-- Thì ra nghề nào cũng vậy, hễ chỉ có một mình, một chợ thì kiếm tiền dễ, còn có nhiều người muốn nhảy vào cạnh tranh, phá giá, đâm ra kẹt cả đám với nhau... Nghe nói nghề... móng tay là nhiều người cạnh tranh nhất phải không chị? À... bà bạn... bạn chị là bà Mai, làm nghề này khá không?
-- Mai hả? Nó mới học xong, đang làm với người ta. Nó tính phải để dành một số vốn đã, mới tính chuyện khác được... Chuyện đó chắc cũng còn lâu... Nhưng thật ra đi làm cho người khác, tuy ít tiền, nhưng đỡ lo hơn là làm chủ.
Bà Tâm ướm lời:
-- Hình như bà Mai hết ở chung vơi chị rồi hả?
-- Nó dọn ra ở riêng cũng lâu rồi. Nó ngại vì tụi nhỏ của tôi cũng hay về nhà chơi, sợ nhà cửa chật chội. Chỉ có điều là...
Bà Hồng đưa tay sửa lại một cái hoa cắm hơi bị lệch, bỏ lửng câu nói. Bà Tâm hồi hộp hỏi tiếp:
-- Sao chị?
-- Không có gì... à... Hiện giờ Mai đang ở bên Cali để xem xét đường đi, nước bước ra sao...
Bà lại ngập ngừng:
-- Hôm nay nó về... thu xếp vài công việc... rồi mới tính chuyện dọn đi...
Bà Tâm hồi hộp:
-- Ði? Tôi tưởng bả qua đây là muốn ở gần con Tình?
-- Thì vậy! Nhưng... nhưng cũng có việc riêng quan trọng... nên nó quyết định dọn đi...
Bà Tâm cảm thấy những lời nói ngập ngừng của bà Hồng như có vẻ giấu diếm, che đậy một điều gì. Bà liếc nhìn ông Tâm. Giác quan nhạy bén của bà đang làm việc, bà thấy có một sự liên quan giữa việc bà Mai đi xa và ông Tâm bị bệnh. Bà đột ngột hỏi bà Hồng:
-- Có phải vì chuyện này mà... ông nhà tôi ngã bệnh không chị?
Bà Hồng giật mình, vội lắc đầu:
-- Không phải vậy đâu! Chị đừng nghi ngờ tội nghiệp anh Tâm... Mai cũng biết con Tình đâu phải đứa con nít để nhìn, ngắm, hay cần sự săn sóc của nó. Hơn nữa, Mai cũng không thể ở độc thân như vậy đến trọn đời được!
Bà Tâm thở một hơi dài như trút được gánh nặng:
-- Chị muốn nói là bà Mai đã tìm được người vừa ý? Phải rồi! Ở xứ lạ, một mình buồn và tủi thân lắm! Như vậy... cũng mừng cho bà ta.
-- Ðúng vậy. Cuộc đời của nó buồn quá. Bây giờ nó quyết định làm lại từ đầu, tôi cũng vui. Có điều nó quyến luyến con Tình... chắc chị cũng thông cảm?
-- Có chớ. Tôi cũng tội nghiệp cho bà Mai lắm. Xa con đã mấy chục năm, bây giờ lại xa nữa... nhưng việc đó bà Mai tự quyết định chớ đâu phải ai ép?!
-- Dĩ nhiên đâu có ai ép Mai...
Bà Hồng trầm ngâm:
-- Mai nó nhiều tình cảm, nhưng lý trí của nó cũng mạnh lắm. Nó hay nghĩ đến người khác hơn là cho nó, bởi vậy, lúc nào nó cũng bị thiệt thòi. Hy vọng... lần nầy, Mai sẽ tìm ra hạnh phúc thiệt sự.
Bà Hồng nhìn đồng hồ tay. Chết! Ðã đến giờ đi rước bà Mai từ Cali về. Bà đứng lên:
-- Thôi! Ghé thăm anh một tí, tôi phải đi nghe chị Tâm, mai mốt tôi lại nữa.
Bà Tâm đưa bà Hồng ra cửa. Lòng bà vẫn còn ngổn ngang với nhiều câu hỏi liên quan đến việc di chuyển chỗ ở của bà Mai. Không biết ông Tâm đã biết tin này chưa? Có phải vì chuyện này mà ông suy nghĩ, lo lắng, buồn phiền đến độ ngất xỉu hay không? Bà Hồng chắc không bao giờ nói thật cho mình nghe. Còn ông Tâm thì đang ở trong trạng thái mê man, khi tỉnh cũng không nhớ gì nhiều.
Bà Hồng đi thật nhanh vì sợ trễ máy bay. Hơi nóng bên ngoài như hà vào mặt bà rát rạt. Bà cảm thấy trong lòng bứt rứt khi nhớ lại lời bà Tâm. Bà công nhận bà Tâm rất nhạy cảm. Sự nghi ngờ của bà thật có lý. Trước khi lái xe đi, bà Hồng nhìn về cánh cửa bệnh viện, chau mày, thấy lòng buồn bực.
Trong khi đó, bà Tâm tiến đến bên giường, đưa tay rờ nhẹ vào trán chồng. Môi ông Tâm trễ xuống như có điều gì làm ông không vừa ý. Có phải việc bà Mai đi Cali làm ông đau lòng hay không? Tại sao bà Mai đi Cali, hôm nay lại về rồi mới đi tiếp? Có phải bà ta nghe tin ông Tâm đau nặng nên về thăm chăng? Bà ngồi xuống chiếc ghế đặt ở đầu giường của ông Tâm, gương mặt thẫn thờ.
***
Ông Tâm nằm cả tháng trong nhà thương chữa trị, bác sĩ cho biết là vẫn phải theo dõi bệnh tình ông kỹ, nếu không có thể bị biến chứng nguy hiểm. Bà Tâm và các con vẫn hàng ngày lui tới trong bệnh viện. Bà Tâm cầu nguyện ơn trên cho chồng lành bệnh, bà sẽ xuống tóc. Giờ ông đã nói được một đôi câu ngăn ngắn, tuy phát âm còn khó khăn. Ngày đầu tiên khi ông tỉnh lại, ông nhìn bà chăm chú rồi mấp máy môi:
-- Bà!... bà đó hả?
Bà Tâm đã sung sướng cầm tay ông. Thảo cũng mừng quá, đến gần ba, nói:
--Ba! Con nè! Con là Thảo nè ba!
Nét mặt của ông Tâm tươi lên khi thấy vợ con chung quanh. Chợt ông nhíu mày, nhìn bà:
-- Bà! Còn giận... tôi không? Tôi ... không cố... ý!
Thảo lo lắng hỏi:
-- Ủa! Hình như ba đang nằm mơ hả má? Ba nói gì vậy?
Bà Tâm suy nghĩ nhưng cũng không hiểu ông muốn nói gì, bà lắc đầu:
-- Má cũng không rõ nữa! Ðể má coi.
Bà cúi xuống gần ông hơn, để ông có thể nhìn kỹ mặt bà, rồi nói:
-- Ông à! Tôi nè... em nè! Ngọc Trân nè! Ông... anh nhớ không? Ngọc Trân!
-- Bà! Bà đừng khóc nữa nghe...
Có lúc ông nhìn quanh như có ý tìm những đứa con khác. Khi nào thấy đầy đủ con cháu ông có vẻ vui hơn. Rồi ông lại ngủ như mê man.
Hôm nay y tá đem ông đi chụp hình và thử nghiệm nhiều máy khác nhau để xem lại bộ óc của ông. Họ đẩy xe đưa ông đi đã lâu mà chưa về lại phòng. Một lát có người đến kêu Thuần đi theo họ. Bà Tâm lo lắng ngồi chờ cùng Thảo. Tình thì bảo chờ Minh về để cùng đi với chồng vào sau. Bà sốt ruột, cứ chép miệng nói không biết người ta đã làm gì lâu quá. Thuần vắng mặt khá lâu. Khi Thuần trở lại, sắc mặt có vẻ mệt, chàng cho biết, bác sĩ bảo có thể đem ông Tâm về nhà được rồi, chỉ cần cho ông nghỉ ngơi, không được xúc động, và sẽ phải có người tới để tập cho ông đi đứng, nói chuyện. Bà Tâm mừng lắm, vì dầu sao, về nhà ông cũng cảm thấy thoải mái hơn.
Khi người ta đẩy giường ông về lại phòng, ông đang ngủ mê man. Bà Tâm âu yếm nói nho nhỏ:
-- Ông à! Ông sắp về nhà với mẹ con tôi rồi. Ông ráng nghe. Cả nhà ai mong ông về. Tôi sẽ không bao giờ cằn nhằn ông nữa. Các con sẽ hết sức ngoan ngoãn với ông. Ông chịu vậy không?
Thảo và Thuần cũng thì thầm những lời hiếu thảo thương yêu bên tai ông Tâm. Bà Tâm hỏi Thuần, bác sĩ có nói khoảng bao lâu thì ông lành bệnh hay không. Thuần nói bác sĩ bảo, cái đó còn tùy theo cách sống của ông và những người chung quanh. Phải làm sao đừng để cho ông buồn phiền, xúc động. Bà Tâm chớp mắt nhìn ông, thì thầm nói ngay ý nghĩ trong đầu, bà sợ bà sẽ không có can đảm để nói nếu ông tỉnh dậy, và hy vọng trong giấc ngủ, trí óc của ông vẫn làm việc để nghe lời của bà:
-- Tôi sẽ không hạch hỏi, lôi thôi với ông nữa... Ông muốn đi đâu thì đi... muốn gặp ... gặp ai, tôi cũng để ông... gặp. Tôi sẽ chìu ông mọi chuyện.
Thảo nhíu mày, có vẻ thắc mắc về câu nói của mẹ. Bà đang ám chỉ việc gì? Ba sẽ gặp ai? Tại sao mẹ hứa sẽ không hạch hỏi lôi thôi và cho ba đi gặp ai cũng được! Nhiều hình ảnh, nhiều câu chuyện ẩn hiện trong đầu óc đang rối bời của Thảo, nhưng nghe bác sĩ bảo cho ba về, Thảo cũng mừng, như vầy mẹ của nàng đỡ vất vả đi đi, lại lại nhiều quá không nghỉ ngơi gì được.
Thuần thấy dáng điệu của bà Tâm rất mệt mỏi, chàng giục mọi người ra về sớm. Bà Tâm đồng ý và nói đi về sửa soạn chăn giường cho ông Tâm và dọn dẹp nhà cửa cho gọn để ông nghỉ ngơi cho khỏe, hơn nữa, Thuần nhắc để mẹ an tâm, là Tình và Minh một lát sẽ vào thăm ba.
Ba mẹ con vừa đi ra khỏi cửa, thì bóng một người đàn bà hình như đã đứng tự đàng xa, cuối hành lang, đi vội lại, lách vào phòng, đưa tay đóng cửa thật nhanh.
***
Chiếc bóng đó là bà Mai. Bà chờ đợi mẹ con bà Tâm khá lâu. Bà nghe tin ông Tâm đau nặng, vội vã mua vé từ Cali bay về. Khi biết ý định bà Mai, bà Hồng rất lo ngại, nhưng không biết phải khuyên bà Mai như thế nào để bà không đến thăm ông Tâm. Bà Hồng bảo, gia đình vợ con ông Tâm hầu như lúc nào cũng có mặt bên cạnh ông, bà Mai không nên xuất hiện. Nhưng bà Mai nói, bà sẽ có cách. Cách đó là bà đã đến bệnh viện này chờ cả 3 ngày rồi, và ngày nào cũng vậy, gần hết giờ thăm bịnh, vợ con của ông Tâm mới ra về. Bà vẫn kiên nhẫn ngồi đợi. Ðến ngày hôm nay, họ đã về sớm hơn những ngày khác một chút.
Bà Mai chạy vội đến bên ông Tâm. Mắt ông vẫn nhắm nghiền. Bà cầm tay ông Tâm, mắt bà mờ lệ. Bà mân mê tay ông. Tay ông gầy guộc. Ôi! những ngón tay thân yêu, quen thuộc khi xưa, nay héo hắt như hình hài của ông. Ðôi cánh mũi ông phập phồng trong giấc ngủ. Bà xúc động bóp tay ông nhè nhẹ:
-- Anh Tâm! Em đến thăm anh nè! Anh đừng bỏ cuộc nghe anh. Anh ráng sống cho vợ, cho con và cho... em nghe anh. Nghe tin anh bệnh, em vội vã quay trở lại đây, anh biết không? Anh Tâm, ráng lành bệnh nghe anh!
Bà Mai nhìn chăm chú vào gương mặt xương xương của ông Tâm, chua xót tiếp:
-- Em biết anh đau buồn và hối hận vì đã bỏ em và bé Tình, nhưng em không trách anh đâu. Anh vì chuyện đó mà sanh bệnh, em biết... Phải chi em cứ ở bên đó, không qua đây quấy rầy anh, thì anh đâu có ra nông nỗi này... Anh tha lỗi cho em. Ðáng lẽ em không nên thăm viếng con để đời sống của anh được yên ổn. Em không dám xen vào hạnh phúc của anh và chị Trân, nhưng vì em lo lắng bệnh tình của anh. Anh có mệnh hệ nào em làm sao yên lòng được... Lần gặp sau cùng chắc anh oán hận em đã lạnh nhạt và quá tàn nhẫn với anh... nhưng em phải cắn răng làm như vậy. Nếu không, cả em và anh đều sa ngã vào tội lỗi, em làm sao còn dám nhìn mặt ai!
Bà Mai gục đầu xuống tay ông Tâm, nước mắt lã chã. Tay ông vẫn không nhúc nhích. Lòng bà thổn thức: "Anh Tâm! anh Tâm! Sao anh không nói với em tiếng nào cả? Anh có biết lòng em đau đớn lắm không?". Bà lại nhìn ông, lòng bà bỗng nhiên yếu đuối. Bà ước ao ông mở mắt ra nhìn bà, kêu tên bà, bà sẽ không ngần ngại ngả đầu vào ngực ông để hai người cùng sống với nhau giây phút êm đềm của một thuở xa xưa rồi có phải chết cũng cam! Bà có thể hình dung ra được nhịp tim của ông đập nhanh trong lồng ngực, như khi xưa hai người ngồi bên nhau, dưới gốc cây bàng ở đầu làng. Thỉnh thoảng một cơn gió thổi qua, làm một chiếc lá bàng rơi mạnh. Bà đã xô ông qua một bên ngồi dậy, khi thấy trời đã chiều, "Mai phải về kẻo mẹ la".
Bây giờ không có tiếng lá bàng rơi, nhưng một tiếng động của phòng bên cạnh, làm bà giật mình ngồi dậy. Bà ngơ ngác nhìn vào cánh cửa đã được bà khép lại cẩn thận. Lòng bà lo ngại. Lúc nãy bà lén nhìn, chỉ thấy bà Tâm, Thuần và Thảo mà thôi, không thấy Tình và Minh. Từ hôm thăm Tình lần cuối, bà đã khóc nức nở khi báo tin với nàng bà sẽ đi xa. Bà thấy mắt Tình chớp chớp như cũng sắp khóc theo bà. Bà đã nén lòng để không ôm Tình vào lòng. Bà rời nhà nàng như chạy trốn. Không biết Tình đã nghĩ gì về bà. Nhớ tới Tình bà đâm ra e ngại, có thể Tình sẽ đến với Minh trong chốc lát. Bà nhìn cánh cửa vẫn khép. Tim bà chợt đập mạnh. Không biết hồi nãy giờ có ai vào đây để thấy cảnh bà ôm ông Tâm khóc hay không. Lòng lo sợ của bà chợt dâng cao. Bà thấy bà không nên liều lĩnh như vầy. Bà sẽ gây ra nhiều rắc rối, phiền phức nếu ai trông thấy bà ở đây. Bà đứng bật dậy, lau vội nước mắt, cúi xuống hôn lên trán ông Tâm một cái thật nhanh và nói: "Em phải đi, em sẽ tìm cách đến nữa". Bà trùm cái khăn lên đầu, kéo lên che bớt khuôn mặt rồi cắm cúi đi nhanh ra cửa, không dám ngước lên.