Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

(Tiếp theo)

Thu Nga

Chương 29
Sau đám táng của Thương, nhà ông Tâm trở nên u buồn hơn bao giờ hết. Bà Tâm già và yếu hẳn đi. Mái tóc bà trắng hơn. Bà gầy còm một cách thảm hại. Bà hay lại trước bàn thờ của Thương, đứng đó, nhìn lên ảnh của con. Bà nhìn chăm chăm vào đôi mắt của bức ảnh. Bà thấy đôi mắt của Thương nhìn bà một cách buồn bã nhưng trìu mến. Bà khóc lặng lẽ. Bà tự hỏi nhiều lần, tại sao ông trời không bắt bà chết thế cho Thương? Con bà còn trẻ quá mà, tại sao nó chết mà bà lại còn sống để làm gì? Ðời bà dầu sao cũng đã hưởng đầy đủ rồi, còn Thương, nó chưa hưởng gì cả. Ðời nó tại sao lại ngắn ngủi như vậy?
Ông Tâm thì cũng chẳng khá gì hơn. Ông xọp hẳn đi, gương mặt hồng hào thuở trước nay đã thành màu tai tái, xanh xanh.. Ông hay nhìn bà Tâm một cách đau buồn. Trong lòng ông có một sự hối hận, làm ông ray rứt. Bà Tâm, chưa hề một lần nào, từ ngày Thương mất mà phàn nàn hay trách cứ gì ông, nhưng trong thâm tâm ông, ông biết bà buồn và bà đã thầm trách ông là hay la rầy Thương. Hình như lúc trước khi Thương mất, không bao giờ ông gặp mặt Thương mà không có tiếng nặng, tiếng nhẹ. Ông muốn nói với vợ, cái chết của Thương cũng làm cho lòng ông tan nát. Bộ ông không thương con hay sao! Con cái có lỗi thì mình la rầy, nhưng la rầy đâu có nghĩa là không thương. "Cá không ăn muối cá ươn", con thì phải dậy bảo. Thương hay cãi với cha mẹ, nên ông cũng phải dậy dỗ nó; nhưng Thương chết rồi ông mới hiểu ra cách giáo dục xưa cũ của ông là sai lầm. Ông tự trách ông là người cha chưa tròn trách nhiệm. Ông biết ông cổ hủ. Con trai, con gái gì ông cũng la hết. Sau cái chết của Thương, ông tự hứa sẽ thay đổi thái độ. Ông ít ra ngoài hẳn và dịu dàng với mọi người hơn, nhất là với Thảo. Bây giờ, ông nghĩ, nói có trời, giá ông biết nó vắn số như thế này, thì ông đã không la nó. Ông ước ao, thời gian có thể xoay ngược trở lại, để ông gần gũi, chuyện trò với con, thay vì cứ gặp mặt là la, là mắng.
Nhiều khi chờ cho bà không có ở nhà, hay bà đã đi nằm, ông đứng trước bàn thờ Thương, ông cũng nhìn chăm chăm vào đôi mắt đứa con trai vắn số mà lòng đứt đoạn. Ông kêu nho nhỏ: "Thương ơi! ba thương con lắm, ba hay la con là ba muốn con nên người, chớ đâu phải ba ghét bỏ gì con. Con sống khôn, thác thiêng, phù hộ cho má con được khỏe mạnh, má con ốm yếu, mà khóc con hoài, sợ má con chịu không nổi!" Ông hỉ mũi xoành xoạch rồi lại khóc. Nhiều đêm, nhìn ánh đèn điện mờ mờ từ ngọn đèn cầy giả, ông thấy mắt Thương nhìn theo ông chăm chăm.
Hàng xóm, láng giềng cũng kéo đến chia xẻ sự mất mát của gia đình ông Tâm. Cộng đồng người Việt cũng cử người đến chia buồn với hoa và nhang đèn.
Bà Hồng thấy cảnh tình của gia đình ông Tâm đau buồn như vậy, bà cũng chạy qua, chạy lại thăm hỏi, đem thức ăn, thức uống lại. Dì Ba của Tình từ Canada tuy không qua được cũng gọi điện thoại thăm hỏi và gởi qua một ít tiền phúng điếu đứa cháu vắn số. Bà Tâm khóc trên điện thoại với dì, nói không ra lời nào. Tình lại cầm điện thoại, xin lỗi dì rồi dìu mẹ vô phòng. Từ đó bà ít ra phòng ngoài.
Hôm nay, khi bà Hồng tới thăm, khi ông đang ngồi ứa nước mắt. Ông nghe tiếng bấm chuông, chùi nhanh nước mắt vào tay áo. Bà Hồng nhìn ông ái ngại:
-- Thật là tội nghiệp cho anh chị quá. Tôi thật không biết nói sao để anh chị hiểu là tôi thương anh chị quá sức.
Ông Tâm tủi thân:
-- Chị Hồng ơi! Tôi thương thằng con số phần ngắn ngủi, nó mới có 23 tuổi đầu mà đã chết một cách oan uổng!
Bà Hồng lựa lời để an ủi ông, nhưng bà biết sự đau khổ của một người mất con không thể nào vơi được. Khi bà hỏi thăm qua bà Tâm, ông Tâm lại càng đau lòng hơn. Ông mếu máo:
-- Bà nhà tôi như một cái xác không hồn! Bả ốm o, gầy mòn, không cơm, không nước gì hết, cứ ngồi trước bàn thờ thằng Thương mà nói lảm nhảm. Hễ bả chợp mắt là gọi tên nó. Hình như lúc nào bả cũng thấy nó về chị à. Giờ thì bả nằm bẹp, tôi lo quá. Trời ơi! Lỡ bả có mệnh hệ nào!...
Bà Hồng nói giọng lo ngại:
-- Chết! Như vậy làm sao chị chịu nổi. Chị đâu rồi?
-- Tụi nhỏ mới đem bả đi bác sĩ. Bác sĩ cho thuốc an thần, bả mới uống nên thiêm thiếp ở trong phòng... Chị ngồi chơi.
Bà Hồng xua tay, nói ông Tâm đừng khách sáo. Bà tới trước bàn thờ Thương, thắp 3 cây nhang, lâm râm nói:
-- Thương! dì Hồng đến thăm con đây. Con sống khôn thác thiêng nhớ phù hộ cho ba má, anh chị của con. Nhất là má con, bà yếu lắm...
Giọng bà chùng xuống. Nhìn gương mặt non nớt của Thương lòng bùi ngùi. Ðúng là lá xanh rụng trước lá vàng. Bà cảm thấy thương gia đình người bạn vô hạn, bà tự hỏi tại sao người ta hay nói "ở hiền gặp lành", gia đình ông bà Tâm không phải người hung ác, sao lại gặp toàn tai ương? Nước mắt bà từ từ lăn xuống, bà vừa lấy tay lau nước mắt, thì Tình mở cửa bước vô. Thấy bà Hồng đứng trước bàn thờ Thương, Tình chào:
-- Dì Hồng! dì mới qua?
-- Ủa Tình! Thằng Minh có qua không?
-- Dạ anh Minh không có nhà. Con qua coi ba má có cần gì không. Ba má con đâu?
Bà Hồng chỉ vào trong:
-- Nghe nói má con mới uống thuốc an thần, đã ngủ rồi, còn ba con vừa đi xuống bếp chế thêm trà.
Tình bước vô trong:
-- Con vô châm trà để ba con ra nói chuyện với dì.
Nhưng ông Tâm đã bước ra với bình trà trên tay. Ông hỏi:
-- Con đó hả? Thằng Minh đâu?
-- Dạ anh Minh đi vắng. Má có đỡ tí nào không ba?
Ông Tâm chắc lưỡi:
-- Ba cũng không biết nữa. Má con không chịu ăn, không chịu uống làm sao mà đỡ cho được? Dì Hồng lại chơi, nhưng má con đang ngủ... Nếu má thức dậy, chắc phải nhờ dì Hồng khuyên nhủ má con đôi tiếng, không chừng bả nghe... Còn ba nói, bả chỉ khóc thôi.
Ông ngồi xuống trước mặt bà Hồng rót thêm trà vào ly của bà, nói tiếp:
-- Tôi chỉ mong bả trở lại bình thường là tôi mừng rồi. Tôi thật lo lắng chị Hồng à. Chị nhớ khuyên nhủ bả giùm tôi nghe chị.
Bà Hồng thở dài, gật đầu:
-- Anh cứ thủng thẳng để tôi tìm cách. Hiện thời thằng Thương mới mất, cái tang còn nóng hổi, chị đau khổ là chuyện đương nhiên.
Thấy nét mặt Tình cũng đang lo lắng nhìn mình, bà hỏi:
-- Còn con, thấy trong người ra sao? Dì cũng lo cho con nữa. Con ốm và xanh lắm.
Tình chớp mắt:
-- Dạ thưa dì, con cũng khỏe lắm rồi. Con chỉ lo cho má con thôi. Má con vốn đã ốm yếu, bệnh hoạn mà cứ đau buồn, hết chuyện này, đến chuyện khác, sợ má con kham không nổi.
Như chợt nhớ ra chuyện gì, Tình ngừng một giây rồi nói:
-- Hồi nãy dì Mai cũng gọi hỏi thăm má. Dì nói dì cũng lo cho con lắm.
Ông Tâm giật mình như có ai dậm lên bàn chân:
-- Hả? Ai gọi?
-- Dạ dì Mai. Dì hỏi ba má ra sao, dì gởi lời thăm.
Ông Tâm tằng hắng, lựa lời:
-- Bộ dì Mai hay gọi con lắm sao?
-- Dạ có... Nhưng có điều con thấy hơi kỳ...
Cả ông Tâm lẫn bà Hồng đều hồi hộp. Bà Hồng đưa mắt nhìn ông Tâm, ông hỏi giọng có vẻ lo âu:
-- Kỳ sao hả con?
Tình hơi nhíu mày:
-- Con thấy kỳ ở chỗ là dì Mai có vẻ quý ba má lắm, cứ nhắc tới ba má hoài, vậy sao không bao giờ dì Mai qua đây thăm gia đình mình?
Bà Hồng thở ra, nhẹ nhõm:
-- Vậy mà con làm dì hết hồn. Chuyện đó thì dễ hiểu thôi. Dì Mai tánh hay cả thẹn, dì có tật đó từ lúc còn nhỏ. Tại chưa quen thành ra dì chỉ ngại thôi.
Ông Tâm vội vàng phụ họa:
-- Ai cũng vậy, đôi khi mình quý một người nào đó, nhưng không quen trước, mình cũng đâu dám đường đột tự nhiên đến?
Tình vẫn thắc mắc:
-- Nhưng mình và dì Hồng như bà con trong nhà, dì Mai là em nuôi dì Hồng thì đâu có phải là người xa lạ mà ngại? Hơn nữa dì Hồng qua thăm mình thường xuyên, dì Mai cũng có thể đi chung với dì Hồng đây nè.
Bà Hồng vội vàng lấp liếm:
-- Thôi con. Mỗi người một tánh. Mình nghĩ khác, nhưng dì Mai nghĩ khác.
Ông Tâm hỏi thêm:
-- Rồi... dì Mai có nói gì nữa không con?
Bà Hồng nhìn ông Tâm như có ý nhắc ông đừng nên hỏi nữa, bà cũng e ngại nhìn vào bên trong sợ bà Tâm nghe. Tình vẫn vô tình:
-- Dì dặn con nhớ chăm sóc ba má cho kỹ vì ba má già yếu rồi. Nhất là má, ráng khuyên má, đừng để má khóc nhiều, sinh bệnh.
Mặt ông Tâm chảy xuống. Ông thấy tim như chao đi. Ông nói giọng thật thấp:
-- Vậy sao? Dì Mai không quen với gia đình mình lại lo cho ba má như vậy, thật là quý hóa.
Bà Hồng nói nhanh:
-- Hễ ai có tấm lòng cũng đều đối với nhau như vậy. Anh bận tâm làm chi. Tính của nó lúc nào cũng lo cho người khác.
Trong đầu ông, hình ảnh cô Mai hiền lành, ngây thơ chợt hiện ra. Nàng đẹp như một bà tiên. Ðẹp từ vóc dáng, lẫn tính tình. Nàng dịu dàng, tốt bụng, thương yêu bạn bè, thương cả chim chóc, hoa lá... Vậy mà cuộc đời đã đối xử với nàng quá bất công. Mắt ông cay cay. Tiếng Tình cất lên, làm ông hơi giật mình quay về hiện tại:
-- Dì Mai rất dễ thương, nhưng đôi khi dì có hơi lo lắng thái quá, ví dụ như khi con đau, dì cũng quýnh lên. Tuần vừa rồi, nghe nói ông Ngô đau, dì cũng lo lắng.
Ông Tâm nói không kịp giữ gìn:
-- Sao? Ông nào đau mà dì lo?
Nhìn sắc mặt của ông, bà Hồng lo ngại, liếc nhìn Tình rồi nói:
-- Anh Tâm coi bộ không khỏe. Hay là anh vô trong nghỉ ngơi đi nghe anh.
Tình thấy nét mặt ba hơi tái vội nói::
-- Ba vô phòng nghỉ đi.
Ông Tâm nhíu mày, lắc đầu. Ông cảm thấy mặt mình nóng bừng bừng, khi tưởng tượng ra cảnh bà Mai săn sóc cho người đàn ông khác, mà ông đoán là đang rất thân thiết với bà Mai. Ông nói:
-- Ba không sao cả. Con đang nói chuyện vui, sao ba lại đi nằm làm chi. Con nói tiếp đi. Rồi sao nữa?
Bà Hồng nhíu mày rồi nháy mắt với ông để ông đừng hỏi nữa. Bà lo ngại ông sẽ làm lộ chuyện, câu hỏi và thái độ ghen tương của ông hơi lộ liễu. Tình vẫn vô tình, vì đã quen với tính nết vui buồn bất thường của ba, nên nàng tự nhiên nói:
-- Dì Mai lo cho ông Ngô như người thân. Thật ra, lúc đầu hình như dì không để ý đến ông Ngô, nhưng ông Ngô theo dì hoài và chăm sóc cho dì nên dì cảm động. Bởi vậy, khi ông Ngô đau, thì dì lại săn sóc cho ông.
Sự bực tức dâng cao, ông Tâm cảm thấy khó thở khi ông buông ra một tiếng cười gằn:
-- Coi bộ dì Mai thương người ghê hả? Ðàn bà cũng thương, đàn ông lại càng thương hơn!
Bà Hồng quay hẳn người lại, nhìn thẳng vào mắt ông Tâm:
-- Anh Tâm! Tính của Mai là là như vậy, chỉ hay nghĩ đến người khác nhưng không bao giờ nghĩ tới thân mình... Nhưng thôi... hy vọng là nó đã vạch ra một con đường rồi. Mình nên mừng cho nó. Anh không thấy như vậy sao? Anh không mừng khi thấy một người sắp chết đuối mà được một cái phao trôi trước mặt à?
Ông Tâm quay đi tránh cái nhìn nghiêm nghị, xoi mói của bà Hồng, ông ấp úng:
-- Tôi? Tôi mừng giùm cho người ta lắm chứ. Ðã chết đuối hơn 20 năm rồi còn gì... Nhưng không biết phao lành hay lại gặp phao lủng?
Tình nhăn mặt, ngơ ngác:
-- Ủa! Ba với dì Hồng nói chuyện gì mà con không hiểu vậy? Ðang nói chuyện về dì Mai rồi sao lại nói qua cái phao?
Chợt ba người giật mình vì có tiếng la từ phòng bà Tâm vọng ra, tiếng la có vẻ ú ớ pha lẫn hốt hoảng, Tình chạy đi trước tiên:
-- Chết! má sao kìa!
Ông Tâm và bà Hồng cũng theo Tình bén gót. Ông Tâm nói như mếu:
-- Hễ cứ chợp mắt là bả thấy ác mộng.
Tình ôm mẹ trong tay, bà mở mắt nhìn mọi người, mắt bà ngơ ngác, giọng mệt nhọc. Ông Tâm cầm tay bà hỏi:
-- Bà ơi! Tôi đây nè. Có chị Hồng qua thăm bà đây. Bà mới nằm mơ nữa phải không?
Bà Tâm hình như không thấy ai cả, bà nói như người đang mơ:
-- Con ơi! Thương ơi! Sao mình mẩy con máu me tùm lum như vầy!
Bà đưa hai tay ra trước như cố níu kéo một bóng hình:
-- Ông! ông đừng để nó đi ông. Ðừng để nó đi!
Tình ôm chặt mẹ vào lòng, hai tay vỗ về lưng mẹ như đang dỗ một đứa trẻ thơ. Ông Tâm đau lòng, kêu:
-- Mình ơi! Con ơi!
Trước mắt bà Hồng mọi vật đều mờ qua màn lệ. Bà ước ao bà có thể làm một điều gì để cho gia đình bạn vơi bớt khổ đau. Nhưng bà biết bà không thể nào làm được. Sự mất mát của ông bà Tâm quá to tát. Sự ra đi của đứa con dại khờ đã như rứt đi từ thớ thịt trên thân thể của người mẹ. Tiếng bà Tâm nức nở, kêu tên con từng chặp, làm cho một người có trái tim cứng rắn nhất trên đời cũng phải mủi lòng. Một cơn giông bất ngờ kéo đến, ánh sáng chớp lên một vệt dài ngoài cửa sổ. Lá cây xào xạc ngoài sân như oan hồn của Thương nhớ thương mẹ hiện về.
***
Sức khỏe của bà Tâm coi bộ không khá thêm một tí nào. Ông Tâm và các con lo lắng vô cùng. Ông không dám đi ra ngoài nhiều nữa. Khi nào bà Tâm ngủ, ông ra phòng khách, ngồi trên chiếc ghế bành ở góc nhà, coi báo. Nhưng nhiều khi chữ nghĩa của tờ báo không đi vào trí óc ông. Ðang coi một tin tức gì đó chưa hết thì hình ảnh của thằng con mới mất đã hiện ra ám ảnh ông. Lòng ông bứt rứt, khó chịu. Ông liếc nhìn lên bàn thờ, lòng suy nghĩ mông lung. Ông đau lòng khi thấy bà Tâm ngã quỵ vì nhớ thương con, ông muốn chia xẻ nỗi đau này với bà, nhưng hình như bà chỉ muốn yên tĩnh một mình. Bà không màng đến thế giới bên ngoài, trong tâm tư bà, chỉ có một hình ảnh duy nhất của đứa con mới mất. Ông muốn nói với bà là sự đau đớn của ông cũng không kém và tình thương của ông đối với nó cũng đâu có thua bà, nhưng bà không cho ông có dịp bày tỏ.
Ðang ngồi nghĩ ngợi vẩn vơ trong khi con cháu đã đi khỏi, ông nghe tiếng động trong phòng đưa ra, ông lật đật xỏ đôi dép, đi vào phòng bà. Bà đã tỉnh, mắt bà nhìn lên trần, hai hàng nước mắt chảy xuống ướt gối. Ông lo ngại không biết bà đã thức dậy bao lâu rồi. Ông ngồi xuống bên cạnh, cầm tay vợ:
-- Bà ơi! mình ơi! Mình đừng khóc nữa. Mấy hôm nay bà không ăn, không uống, không ngủ... tôi thật không yên lòng một chút nào... Mình ơi! nói chuyện với tôi đi... mình đừng làm tôi sợ nghe.
Bà Tâm vẫn không trả lời, nước mắt chảy dài. Ông cũng khóc theo:
-- Bà ơi! tôi biết bà thương con đứt ruột, tôi đây cũng thương nó lắm. Bà khổ chừng nào, thì tôi cũng khổ chừng đó mà bà. Bà nghĩ tôi không thương con hay sao chớ? Bà nghĩ tôi khắt khe, không tốt vơi con cái rồi bà giận tôi phải không? Bà đừng nghĩ vậy, oan cho tôi lắm bà à. Làm cha mẹ mà ai lại không thương con hả bà?! Nhưng tôi hiểu là tôi dạy con không đúng cách.
Bà nhìn ông, đôi mắt buồn bã:
-- Tôi đâu có nói ông không thương con, tôi chỉ thương cho đứa con vắn số của mình ông à. Nó mới có 23 tuổi đầu mà đã chết một cách oan uổng như vậy, làm sao tôi không đau lòng cho được hả ông?
Bà chậm nước mắt tiếp:
-- Khi nó còn sống, nó đã bị tàn tật rồi, vậy mà sống cũng không yên, lại còn bị chết oan.
Nói tơi đó, bà mủi lòng lại khóc:
-- Con tôi chết thê thảm quá. Con ơi! Sao con lại bỏ ba má đi cho đành hả con!
Ông Tâm cũng khóc sụt sùi, nhưng ông cố nén xúc động để an ủi vợ:
-- Ðó! đó! Bà lại xúc động quá rồi. Xin bà bớt đau khổ nghe bà! Con nó đã không ở với mình nữa thì âu chắc cũng là số phận của nó bà à. Bà khóc lóc thương nhớ quá, nó bận bịu rồi làm sao mà siêu thoát được hả bà?
Bà Tâm nghe nói con không được siêu thoát, bà ráng nín khóc, ngơ ngác:
-- Vậy sao ông? Mình thương nó quá, thì nó không siêu thoát hả?
-- Ðúng vậy, bà. Tui nghe nói nếu người thân cứ than khóc, linh hồn của người đó cứ lẩn quẩn không chịu rời, có khi bỏ lỡ cơ hội đầu thai kiếp khác tốt hơn, vậy thì tội lắm.
Bà bàn với ông nên rước thầy về để cầu siêu thêm cho con. Ông Tâm gật đầu liền để bà an lòng. Bà lại thở dài than không biết tại sao sự xui xẻo, buồn phiền lại cứ đeo đuổi gia đình ông bà hoài. Bà hỏi ông có phải kiếp trước mình ăn ở thất đức nên kiếp này phải quả báo hay không? Ông Tâm cũng lắc đầu không biết trả lời ra sao với bà. Nhưng ông chợt nghĩ nhanh trong đầu, có phải những điều ông làm không phải với bà Mai, với Tình, với bà Tâm rồi trời lại phạt ông bằng cách bắt con của ông đi? Lòng ông chợt nhói đau. Ông nghĩ nếu cha làm mà con chịu, thì tội nghiệp cho con ông quá. Ông chỉ biết nhìn bà thương xót. Gương mặt bà tiều tụy. Mái tóc của bà xác xơ. Nét mặt khi xưa thật thanh tao, bây giờ chỉ hằn những nét khổ đau. Bà đã thăm nuôi ông gần cả chục năm trong chốn lao tù Cộng Sản với một sự chịu đựng vô bờ, một nách 4 đứa con còn thơ dại. Ông lại nhớ những tháng ngày bà phải nuôi cả đứa con riêng của ông với một tấm lòng độ lượng bao la. Thật ra người ta nói đúng "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", Tình cũng đã nhiễm những đức tính tốt bụng, thương người của bà Tâm. Tính tình của Tình thật nhu mì, hiền hậu. Nhớ tới Tình, ông nói với vợ:
-- Bà nhớ ăn uống một tí. Con Tình cứ nấu hết cháo này, đến cháo kia mà bà không chịu ăn, nó cũng lo lắm đó bà.
Bà nhìn quanh:
-- Con Tình về rồi hả? Mấy đứa kia đâu?
-- Nó về lo cơm nước cho thằng Minh xong sẽ qua liền. Mấy hôm nay nó làm đủ mọi chuyện hết đó bà.
Bà Tâm chép miệng:
-- Thiệt tôi thương con nhỏ hết sức. Nó săn sóc, lo lắng cho tôi còn hơn con... ruột nữa!
Ông Tâm nhìn bà ái ngại:
-- Sao bà lại nói vậy? Nó không là con ruột, thì là con gì đây? Bà nuôi nó, dạy dỗ nó từ nhỏ. Hơn hai mươi năm qua, bà đã coi nó như con ruột, bà thương yêu nó hết lòng, không hề phân biệt mà.
Bà Tâm thở dài:
-- Nếu... nếu mẹ ruột của nó không qua... thì tôi không bao giờ có ý nghĩ đó. Nhưng ông à, dầu sao thì nó cũng còn bà mẹ ruột, tôi không nhớ sao được?
Ông Tâm nói giọng thành khẩn:
-- Rồi! Bà lại nghĩ vơ vẩn nữa rồi. Tôi đã nói với bà nhiều lần, đừng nhớ những chuyện không vui mà sanh bệnh. Con Tình chỉ biết có một mình bà thôi, bà đừng nghi ngờ lòng dạ của nó mà tội cho nó. Nó đâu có biết chuyện nào ... khác đâu. Mà người ta... người ta...
Ông ngập ngừng không muốn nhắc đến tên "Mai", nhưng ông lại sợ bà hiểu lầm là ông giấu diếm điều gì, nên ông phải nói:
-- Ý tôi muốn nói là bà Mai... cũng đâu có tiết lộ điều gì mà bà lại lo?
Bà Tâm cười có vẻ chua chát:
-- Ông không nghe câu người ta nói "tò vò mà nuôi con nhện, nuôi cho nó lớn, nó quện nhau đi" hay sao? Hay là câu "nuôi gà cỏ, trở mỏ về rừng" à? Ở đời làm sao biết trước chuyện gì sẽ xảy ra? Ai biết được tương lai sẽ đi về đâu?
Ông Tâm chột dạ, nghĩ nhanh, hay là bà đã nghe ai nói điều gì rồi? Ông nói giọng khổ sở:
-- Bà ơi! Tôi không hiểu tại sao hôm nay bà lại nói những chuyện kỳ cục như vậy? Con Tình đâu có làm điều gì sai quấy với bà mà lại nghi ngờ lòng dạ nó? Hay là... hay là nó có làm điều gì bà buồn lòng phải không? Bà Tâm lắc đầu, bà ho vài tiếng rồi nói:
-- Không! không! con Tình ngoan lắm, có hiếu lắm. Nó không làm điều gì cho tôi buồn cả.
Bà chợt chua chát trở lại:
-- Nếu không có người bắt cầu cho nó trở lại với mẹ ruột nó!
Ông Tâm giật mình, ông cảm thấy nhột nhạt, hình như bà đang nghi ngờ một điều gì đó. Ông hỏi một cách hấp tấp:
-- Bà nói cái gì? Bà nói sao? Bộ bà nghi ngờ chị Hồng sẽ nói với con Tình hả?
Bà Tâm cười lạt:
-- Ông nói chuyện mắc cười! Chị Hồng là người đàng hoàng, tôi không bao giờ dám ngờ chị ấy.
-- Vậy... vậy bà nghi cho bà Mai hay sao? Tôi không nghĩ như vậy đâu.
-- Tôi đâu có nói tôi nghi cho bà Mai đâu mà ông đã vội bênh vực?!
Ông Tâm lại càng khổ sở hơn. Không biết bà vợ ông đang nghĩ, đang nghi ngờ điều gì. Từ lúc sức khoẻ bà yếu kém sau cái chết của Thương, ông không còn dám đi ra ngoài thường như trước nữa. Ông năn nỉ:
-- Mình à! Tôi xin bà đừng nghi ngờ này nọ, hay là bà nghi tôi? Tôi làm sao mà lại đi làm chuyện đó cho được?
-- Ông này lạ thiệt! Tôi chỉ nói "hy vọng đừng có ai bắt cầu cho con Tình", vậy rồi ông suy chuyện nọ, tới chuyện kia, ông nói đủ thứ, chớ không phải tôi à!
Ông Tâm nói lẫy:
-- Tôi thiệt không biết phải nói sao cho vừa lòng bà! Nói ngõ nào bà cũng bắt bẻ được.
May cho ông Tâm là lúc đó, Thuần về. Thuần đã học xong và đã tìm được chân kế toán trong department của siêu thị Walmart, công việc cũng dễ chịu. Tính tình của Thuần hòa nhã nên ai cũng thương. Thuần tuy là con trai nhưng thương mẹ lắm, hễ có dịp là ngồi nói chuyện với mẹ, kể đủ thứ chuyện. Bước vô phòng thăm bà Tâm, thấy ba má ngồi nói chuyện với nhau, Thuần hỏi:
-- Hôm nay có đỡ tí nào không má?
Ông Tâm đỡ lời cho vợ nói:
-- Má con cũng hơi khá khá một chút thôi con.
Bà Tâm che miệng ho rồi nói:
-- Má cũng đỡ rồi, con.
Thuần đặt một túi ni lông đầy cam, táo trên chiếc bàn đêm. Mặt chàng hơi đỏ. Trời nóng như cái lò nấu ăn khổng lồ mà xe của Thuần thì máy lạnh đã hư, cũng muốn đem sửa, nhưng thấy gia đình đang cần nhiều chi tiêu hơn, nên khi lái xe, Thuần quay cửa xe xuống, chỉ để lấy không khí mà thở chứ thật ra, mở cửa thì hơi nóng cũng không khác gì đóng cửa. Tóc Thuần bết mồ hôi, chiếc áo cũng lấm tấm ướt sau lưng. Thuần ngồi xuống cạnh mẹ:
-- Con biết má thương nhớ em con lắm, nhưng nếu má cứ buồn rầu, khóc lóc hoài thì bệnh của má sẽ không bớt được. Con mua cam, táo cả nho cho má ăn nữa má nè. Má ăn một trái cam, con cắt cho má nghe?
Bà Tâm lắc đầu:
-- Má không thấy đói, miệng thì lạt, má chưa muốn ăn.
Thuần cằn nhằn nhè nhẹ:
-- Má cứ không ăn, không ngủ thì làm sao mạnh cho được? Ðã vậy trời này hồi nóng, hồi lạnh, ai cũng bị bệnh hết. Trong sở con có 10 người, thì hết 9 người bệnh rồi. Nghe nói dì Hồng đau, dì Mai cũng đau luôn.
Bà Tâm mở to mắt hỏi:
-- Dì Hồng đau? Dì ... dì nào đau nữa?
Ông Tâm vội vã khỏa lấp:
-- Thì thời tiết kỳ cục này ai mà không đau. Thuần xuống bếp coi nấu cho ba một ấm nước nóng, ba pha trà má uống con!
Bà Tâm đưa tay ra cản Thuần, bà tự nhiên ho khan một chặp, Thuần đứng yên chờ bà Tâm nói:
--Khoan! Khoan! Má không khát. Con ... con nói ai đau nữa hả con?
Ông Tâm lại gạt ngang:
-- Bà đau không chịu lo, lại lo chi cho người khác bà?
Bà Tâm quay lại ông:
-- Ông này hay thiệt! Tôi sợ cũng có người lo cho người khác, mà không dám nói ra đó thôi.
Thuần ngạc nhiên nói:
-- Má nói gì vậy? Má hỏi ai bệnh hả? Con nói dì Mai đó mà, thì con nghe chị Tình kể lại.
-- Sao? Con Tình nói cho con nghe à? Sao con Tình nó lại biết mấy chuyện đó?
Ông Tâm biết chuyện không xong, bà Tâm có thể do chuyện này rồi lại gây sự với ông. Ông la Thuần:
-- Ðã biểu con đi xuống bếp nấu cho ba ấm nước, sao cứ đứng đó nói chuyện tào lao của ai ai đâu là sao?
-- Con có nói chuyện gì đâu? Má hỏi về dì Mai, thì con trả lời má thôi mà?! Dạ! vậy để con đi nấu nước sôi pha trà cho má nghe.
Bà Tâm nói với theo:
-- Má đã nói không khát. Ðể má nằm yên một lát.
Ông Tâm nói nho nhỏ:
-- Bà! bà đừng có nghĩ ngợi lôi thôi. Tôi thề với bà tôi mà có ý nghĩ gian dối thì... thì...
Bà Tâm quay mặt vô vách:
-- Thôi! thôi! Ông làm ơn đừng có thề thốt gì hết. Liệu ông có giữ được lời thề hay không?
Ông Tâm nhăn mặt một cách đau khổ:
-- Tôi xin bà. Tôi xin mình. Hãy tin tưởng ở tôi. Mình ăn ở với nhau đã mấy chục năm rồi còn gì! Bà không tin tôi nữa sao bà? Còn con cái nữa chi? Tôi mà làm điều gì xằng bậy, làm sao tôi dám nhìn tụi nó nữa được?
Bà Tâm bật khóc:
-- Con cái tôi, đứa thì bỏ học, đứa thì chết...
Bà ho nho nhỏ một cách chịu đựng, lặng lẽ một lát rồi nói:
-- Còn... còn một đứa thì không biết nó sẽ bỏ tôi lúc nào đây!? Tôi không biết tôi còn sống để làm gì?!
Nói tới đây, mủi lòng bà khóc ngất:
-- Con ơi! Thương ơi! Sao con lại bỏ má mà đi như vậy con ơi! Má làm sao sống được đây!
Ông Tâm nước mắt chảy dài. Lòng ông đau như cắt. Ông rờ vào vai bà:
-- Mình! mình! Ngọc Trân! đừng khóc nữa mình ơi! Tôi... tôi thương mình lắm!
Ông kêu tên của bà, giọng ông khàn đặc. Ông thật sự thấy ông có tội với bà nhiều lắm. Người đàn bà đầu gối tay ấp của ông đang trải qua một cơn đau khổ. Ông phải làm sao cho bà tin tưởng để lấy lại tinh thần giúp cho sức khỏe bình phục. Ông khóc như một đứa con nít. Một hồi, ông lau nước mắt, lay vai bà:
-- Bà! bà! bà đừng nghi ngờ lòng dạ của tôi nữa nghe bà.
Ông cúi xuống ôm lấy vai vợ, kêu nho nhỏ:
-- Ngọc Trân! Anh thương em lắm!
Bà nghe ông kêu tên, thì nguôi ngoai, nhìn ông, mắt mờ lệ. Ông nhoẻn miệng cười khi thấy nét mặt bà đã bình thản.
Thuần vừa vào, trên tay cầm bình trà nóng, cảnh tượng trước mắt, cùng với lời của ba nói với mẹ làm Thuần cảm động, chảy nước mắt. Chàng nhẹ nhàng cầm bình trà lui ra khỏi phòng.
***
Khu chợ Kim Phụng thật khang trang, thật lớn như một siêu thị của Mỹ. Hàng hóa không thiếu một thứ gì, từ rau cá, thịt tôm, rau trái, bánh kẹo nhìn thiệt mát mắt, máy lạnh chạy mát rượi, như thách thức với cái nóng kinh hồn bên ngoài, cuối mùa hạ mà sức nóng không hề thuyên giảm. Ông Tâm nghĩ bụng, chủ nhân coi bộ giàu có lắm, nên mới có ngôi chợ to như vậy, nội có trả tiền máy lạnh cho cái tiệm đồ sộ này, cũng tốn bộn tiền, huống chi phải mua rau trái tươi, thịt cá đầy quầy thiệt mát mắt.
Ông đi rảo một vòng, trước khi đứng lại trước quầy trái cây. Ông nhìn một lượt để nhắm coi nên lựa thứ trái cây nào cho bà Tâm. Ðã lâu, ít khi ông vào tiệm thực phẩm một mình. Thỉnh thoảng ông mới đi với bà Tâm, hoặc Tình, cũng một đôi khi ông đi theo Thuần mua vài món lặt vặt. Hôm nay ông muốn tự tay ông mua một vài trái cây tươi cho vợ.
Ông cầm lên một chùm nho xanh thật tốt lên ngắm, rồi bỏ xuống, nói một mình:
-- Bả hay nói nho xanh thì to, nhiều nước, nhưng chua thua nho đỏ, hoặc nho đen.
Ông thò tay qua bên cái thùng nho đỏ, cầm lên một chùm rồi trầm trồ như có ý nói cho một người đứng ở sau lưng ông nghe luôn:
-- Thứ nho này coi bộ ngon hơn thiệt.
Thường thường trong các chợ, các tiệm, khách hàng cũng hay nói chuyện vài câu vu vơ như vậy. Không nghe thấy tiếng trả lời, hưởng ứng, ông quay lại tính nói thêm thì thật bất ngờ, tim ông đập loạn xạ. Người đang đứng sau lưng ông là bà Mai. Bà Mai cũng giật mình, sắc mặt đỏ lên. Bà và ông đều ấp úng không nói ra lời. Cuối cùng ông Tâm kêu nho nhỏ:
-- Mai!
Bà Mai cố nói giọng bình thường:
-- Anh Tâm! Anh đi chợ hả?
-- Anh...
Ông nhìn quanh như sợ có ai nghe cách xưng hô của ông, thấy có vài người, tuy không phải người quen, ông vẫn đề phòng:
-- Tôi đi mua ít đồ dùng.
Bà Mai nhìn chùm nho trong tay ông Tâm hỏi:
-- Mua cho chị Tâm phải không? Nghe nói chị đau nặng lắm phải không anh?
-- Phải! bả đau lâu lắm rồi, từ bữa... Nay đỡ đỡ thôi, chớ chưa khỏe lắm.
Ông nhìn vào giỏ đồ ăn của bà Mai:
-- Mai đi chợ này à?
-- Thật ra... Mai ít khi đi chợ này lắm, hôm nay tiện đường ghé vô đây thôi.
-- Bởi vậy, thấy Mai tôi ... ngạc nhiên quá. Vậy, đã mua xong chưa?
Ông không dám xưng anh em, cũng không muốn xưng tôi vì nghe xa lạ quá, ông đã nói trống không. Bà Mai không để ý, nói tiếp:
-- Dạ chưa. Nghe nói chị đau mà Mai không đi thăm được. Mai tính mua một ít trái cây, gởi chị Hồng đem qua cho chị. Anh mua xong rồi hả?
Ông Tâm lại nhìn quanh để xem có ai đến gần không, ông nói nhanh:
-- Mai có rảnh, đi uống nước với... anh một chút không?
Bà Mai lắc đầu không chần chờ:
-- Không được đâu anh. Mình đứng nói vài câu ở đây là đủ rồi, mà thật sự cũng thấy đã bất tiện.
Ông Tâm nói có vẻ trách móc, sau khi nhìn quanh thấy không có ai đứng gần đó:
-- Sao Mai cứ tìm cách tránh né anh hoài vậy? Mình đã không có duyên, nợ với nhau thì coi như bạn, không được sao?
Bà Mai cũng cười buồn:
-- Dạ, xưa nay, ít có tình bạn giữa đàn ông và đàn bà lắm anh. Em nghĩ cách tốt nhất là đừng gặp, đừng liên lạc với nhau.
-- Sao Mai lại có thể lạnh lùng như vậy được? Anh nhớ khi xưa em có nhiều tình cảm lắm mà?! Không lẽ bây giờ em thay đổi lẹ như vậy?
Ông hơi nghẹn lời khi nhớ đến chuyện bà Mai đang quen với ông Ngô, ông đoán bà thay đổi vì người khác. Ông thấy ghen tức:
-- Không lẽ trong lòng Mai không còn sót lại một tí tình cảm nào dành cho anh hết sao? Em thay đổi mau quá!
Bà Mai cũng kín đáo nhìn quanh, thở dài nói thật nhỏ:
-- Anh Tâm à! cũng vì tình cảm vẫn còn nhiều quá, nên Mai nghĩ rằng, mình không nên gặp nhau, nói chuyện với nhau nữa. Tình cảm đó chỉ mang lại cho mình những phiền não mà thôi! Không gặp nhau thì họa may tình cảm xưa mới còn giữ trọn vẹn.
Ông Tâm chua chát:
-- Nói tới nói lui gì thì Mai cũng nhất quyết không muốn gặp anh, không muốn cả nói chuyện với anh. Hay là Mai sợ người khác buồn?
Bà Mai cố nói giọng cả quyết:
-- Chuyện anh vừa hỏi, không cần thiết lắm vì mình đã nói chuyện này một lần rồi mà. Mai thiết nghĩ chắc anh chưa quên. Anh và Mai mỗi người đều đã có một cuộc sống riêng từ lâu rồi, Mai mong anh đừng quên điều đó.
Và bà nói chậm rãi từng tiếng:
-- Và điều này là do anh chọn lựa, không phải Mai!
Ông Tâm ấp úng:
-- Sao Mai cứ tàn nhẫn với anh như vậy? Anh biết anh có lỗi với Mai lắm. Anh chỉ muốn gặp Mai để giải bày tâm sự để em hiểu cho anh, chớ không phải anh muốn làm điều sai trái, tội lỗi mà em phải tránh né?! Anh rất áy náy khi thấy em sống cô đơn...
Bà Mai xua tay:
-- Anh yên tâm đi. Em cô đơn đã mấy chục năm, quen rồi.
Bà đã dợm bước đi. Ánh mắt bà lướt qua mái tóc bạc của ông, lòng bà cũng chùng xuống. Tay ông vẫn cầm chùm nho màu đỏ, run run. Một trái nho bị bàn tay ông cầm chặt, rụng xuống đất. Bà Mai giật mình. Trái nho nhắc nhở bà biết, ông Tâm đang đi mua nho cho vợ. Vợ ông bệnh nặng đang ở nhà chờ ông về. Bà bặm môi, rồi cương quyết nói:
-- Sẵn đây Mai báo anh biết là Mai sẽ đi xa!
Trời ơi! Ði xa! Hai tiếng đi xa như một cái búa đập vào đầu ông Tâm. Ông nhìn bà hoảng hốt, ánh mắt ông lạc thần. Bà Mai lùi lại một bước, lo sợ ông sẽ ôm chầm lấy bà. Ông nói giọng thảng thốt hỏi:
-- Ði xa! Mai! Em sẽ đi đâu? Em đành bỏ...
Ông tính nói "bỏ anh", nhưng rồi vội vàng đổi đi:
-- Bỏ... con sao! Mai! em nỡ lòng nào?
Bà Mai quay lưng như muốn tránh ông nhìn vào đôi mắt đã đẫm lệ của bà. Bà vội vàng bỏ lại cái xe đẩy có vài món hàng trên đó, đi nhanh ra cửa như chạy. Ông Tâm cũng bỏ lại chùm nho đang cầm trên tay, ông nhìn quanh, hình như chẳng ai để ý đến hai người. May mà hôm nay chợ vắng người. Ông đi nhanh theo bà, bà đã leo lên xe. Ông đi đến cạnh cửa, ra dấu cho ông lên, bà lắc đầu. Ông kín đáo ra dấu nói chỉ cho ông thêm vài phút nữa thôi. Bà Mai thở dài, bấm cái nút tự động để mở chốt khóa, ông Tâm vội vàng ngồi vào ghế, ra dấu bà chạy. Bà Mai nhìn chung quanh trước khi cho xe lăn bánh. Bà nói, trong khi vẫn nhìn ra phía trước:
-- Mai phải lái xe ra xa một chút, lỡ có ai đi chợ thấy thì phiền lắm.
Ông Tâm gật đầu, không trả lời. Câu nói của bà Mai vẫn còn làm ông choáng váng. Bà Mai sẽ bỏ nơi nầy đi xa. Chắc chắn bà đi với ông Ngô chớ không ai xa lạ. Bà nhất quyết cắt đứt sự liên lạc giữa hai người. Có lẽ bà sợ ông làm bà yếu lòng rồi sa ngã vào tội lỗi chăng. Ông tự trách mình quá mềm yếu. Phải chi ông đừng để lộ tình cảm của ông ra, thì bà Mai vẫn còn ở đây. Mặc dù bà không ở cạnh ông, nhưng ông vẫn cảm thấy được sự hiện diện của bà trong thành phố, ông cũng cảm thấy có được một sự an ủi khi biết bà sống bình yên. Ông không hề có ý muốn phản bội vợ. Nhưng trí óc ông lúc nào cũng bị dằn vặt bởi chuyện quá khứ, ông muốn đền bù lại sự thiệt thòi của bà Mai, nhưng ông không biết phải đối xử làm sao cho trọn đạo. Bây giờ bà đi xa, coi như ông mất bà vĩnh viễn. Sau hơn 20 năm trời, từ cái đêm cuối cùng bà giao con trong mưa bão, vừa gặp được bà, thì bà lại xa bay. Lòng ông tái tê. Ông như người mất hồn. Khi tiếng xe được thắng lại, ông giật mình khi nghe bà Mai nói:
-- Em phải đi. Em sợ cho anh, em sợ cho gia đình anh, em sợ cho con và em sợ cho chính em nữa!
Ông Tâm thở dài, ông nghĩ đúng! Bà Mai sợ sự yếu đuối của hai người sẽ gây ra những sự đau lòng cho những người khác. Ông nhìn bà thẫn thờ:
-- Mình có làm gì tội lỗi đâu em?!
Bà Mai cười chua chát:
-- Anh Tâm! Lòng người khó đoán lắm. Làm sao anh dám cam đoan sẽ không bao giờ có điều gì xảy ra nếu chúng ta cứ gặp nhau rồi dùng dằng như vầy mãi! Anh có một người vợ hiền lành, cao quý, rộng lượng, anh còn một đàn con cần sự dìu dắt của anh. Anh chị đã mất một đứa, anh cần phải để ý và chăm sóc cho những đứa còn cận kề bên anh. Anh không nên, chỉ vì một lỗi lầm trong quá khứ mà ân hận rồi muốn vá víu để níu kéo những gì không còn thuộc về anh nữa!
Bà Mai vừa nói, vừa khóc. Ông Tâm nhìn bà đau đớn. Bà nói đúng. Trong quá khứ ông đã gây ra nhiều tội lỗi, bây giờ nếu không khéo, ông sẽ gây thêm nhiều oan trái do sự yếu đuối của tình cảm gây nên. Nhưng trời ơi! Ông than nho nhỏ, làm sao ông có thể chịu được khi biết rằng, bà đi xa với một người đàn ông khác! Lòng ích kỷ của ông khiến ông quên rằng, ông đã có vợ con bên cạnh mà ông lại muốn bà Mai cứ độc thân như vậy mà thờ hình bóng ông. Ông ráng vớt vát:
-- Mai! Em nghĩ lầm cho anh. Anh không hề có ý phản bội lại vợ anh, anh cũng không có ý muốn quyến rũ em trở lại với anh. Anh chỉ mong em coi anh như một người bạn cũ, một người bạn để em tâm sự mà thôi. Hãy nghe anh đi Mai. Anh hứa anh không làm điều gì để em mang tiếng hay khó xử! Mai! em không thể nào coi anh như một người bạn được sao?!
Nụ cười của bà Mai thật thê lương:
-- Anh đừng nên tự dối lòng! Em đã nói, không có một tình bạn chân chính giữa một người đàn ông và một người đàn bà, huống hồ hai người đã có một kỷ niệm yêu đương... và nhất là hai người đã có... - Bà Mai nuốt nước miếng khó khăn - một đứa con với nhau.
Giọng ông thật buồn:
-- Nhưng em nỡ nào rời xa con mình một lần nữa! Ðã hai mươi mấy năm qua, em đau đớn nhớ thương con Tình, nay mới gặp nó không bao lâu, em đã vội lìa xa được sao?
-- Em biết. Em biết em xa con em buồn lắm, nhưng em không có sự lựa chọn nào khác.
Bà nhìn ông với một ánh mắt van xin:
-- Anh Tâm! Anh phải giúp em có đủ nghị lực. Anh phải hiểu hoàn cảnh của anh, của em. Anh hãy tiếp tục thay thế em mà chăm sóc cho con.
Ông Tâm cầm tay bà. Bà không rụt lại. Ông nói giọng thành khẩn:
-- Nếu lòng em đã quyết, anh không có cách nào hơn. Mai! Hãy nói cho anh biết một điều, em đi đâu? Ði với ai được không?
Bà Mai rút bàn tay lại, nhìn ra bên ngoài cửa xe:
-- Thật tình em cũng chưa biết em sẽ đi đâu! Nhưng... anh không nên biết điều đó làm chi.
-- Nếu em không muốn cho anh biết thì thôi, anh không dám hỏi thêm. Nhưng...
Ông thấy tim mình nhói đau:
-- Có phải em đi với người đàn ông đó hay không?
Bà Mai mở máy xe:
-- Phải! Em đi với anh Ngô!
Ông Tâm lặng người đi. Mặc dầu ông đã đoán bà Mai sẽ đi với ai rồi, nhưng khi nghe chính miệng bà thú nhận, ông vẫn cảm thấy choáng váng. Ông im lặng khi bà từ từ quay lại siêu thị Kim Phụng để thả ông xuống. Ông lảo đảo bước xuống xe. Một hơi nóng từ mặt đất, thổi hắt lên làm ông nhăn mặt. Trước khi đóng cửa lại, ông thò đầu vào nhìn bà Mai một lần cuối, trong khi bà Mai ráng ra vẻ thản nhiên, nhìn thẳng phía trước. Ông nghe tiếng mình đứt quãng:
-- Em có về lại không?
Bà Mai cố gắng không để phát ra tiếng nấc:
-- Em chưa biết! Anh về đi để em đi!
Ông Tâm đóng cửa lại. Cánh tay ông thõng xuống như không còn sức lực. Ông thoáng thấy búi tóc dầy có cái nơ màu đen của bà trước khi chiếc xe chạy vụt đi. Tiếng bánh xe nghiến trên mặt đường đá tráng sỏi nhỏ kêu răng rắc. Trời đứng gió. Cơn nóng ngầy ngật trên da thịt. Cổ ông khô khốc, ông nuốt nước miếng một cách khó khăn. Tay ông rin rít như có đường. Ông nhớ ra mình đang cần mua nho cho vợ. Ông thẫn thờ quay vào trong siêu thị. Ông chọn một chùm nho to, mọng nước. Ông nhìn sững vào trái nho. Ông nghe giọng bà Mai văng vẳng: "Em phải đi! Em sợ cho anh! Em sợ cho gia đình anh, em sợ cho con! Và em sợ cho chính em nữa!"
***
Ông Tâm cầm tách nước trà nguội ngắt lên uống một hơi cạn. Ông không buồn đi pha bình mới. Tay ông cầm tờ báo tiếng Việt, mắt mở trừng trừng nhưng không thấy, không đọc được một chữ nào cả. Mắt ông cay xè. Ðã mấy đêm rồi ông không ngủ. Ðầu óc ông lơ mơ, nghe tiếng bé Thủy cười đùa vơi Thảo, Thảo nói "Con vô hôn ông ngoại một cái rồi đi theo mẹ", ông giả bộ đang ngủ say, khi bé Thủy hôn chụt lên má ông. Ông nghe Tình nói với Thuần "Chắc ba bị cảm rồi, mắt ba coi bộ đỏ không chừng bị dị ứng". Ông cũng nghe bà Tâm ho suốt đêm.
Chờ cho vợ uống thuốc rồi ngủ say, ông lần mò ra chiếc ghế ở góc nhà. Ông ngồi dựa người ra sau. Lưng ông đau buốt. Ông già rồi còn gì! Ông đã già, ông đã già thật sao? Nếu ông đã già, tại sao trái tim ông vẫn còn thảng thốt với cái tin bà Mai đi xa, y như sự thảng thốt khi hai người xa nhau của cái thuở thương yêu hò hẹn? Ông đã thấy lại được bà sau mấy chục năm trời cách biệt rồi cuối cùng bà lại đành đoạn xa ông một lần nữa! Nghĩ tới cảnh bà Mai sẽ âu yếm một người đàn ông khác ở một chân trời xa lạ, tim ông nhói đau. Ông ôm tay lên ngực, chắc ông đau tim mất thôi. Nếu ông chết đi, không biết bà Mai nghe tin có về chịu tang không? Mặc dù là một cái tang trong lặng lẽ? Hay nếu mình không chết, nhưng đau nặng, liệu nàng có về thăm mình không? Nước mắt ông lại rơi, ông thấy đầu óc mình như say, hình như ông đang bị sốt nhẹ thì phải. Ông thiếp đi cho tới khi ông nghe tiếng Mai nũng nịu bên tai:
-- Anh đi đâu vậy? Bắt em chờ lâu quá! Em về trễ thế nào mẹ cũng la cho mà coi!
Tâm cầm tay Mai:
-- Anh xin lỗi cưng nghe. Anh bị kẹt với bạn bè, tụi nó không cho anh đi. Thôi mà, cho anh xin lỗi nghe.
-- Em không chịu đâu! Bắt đền anh đó!
Tâm cười hì hì:
-- Bắt đền gì nè? Em muốn đền gì, anh sẽ đền cho.
-- Hổng nói đâu! Anh tự nghĩ ra đi! Ai mà thèm nói cho anh biết chớ!
-- Anh biết rồi! Anh biết rồi.
Tâm thì thào vào tai Mai. Mai đỏ mặt:
-- Anh khôn thấy mồ! Em hổng chịu đâu! Ðền gì là lại đòi hôn người ta! Xấu quá hà! Ðã bắt người ta đợi rồi còn ăn gian nữa! Em khóc cho coi!
Tâm sợ Mai khóc, ôm vai nàng. Mai chợt buồn:
-- Anh nhớ về thăm nhà xong là lên với em liền nghe anh!
-- Dĩ nhiên rồi cưng. Em khỏi dặn anh cũng nhớ là thăm mẹ xong, anh sẽ ba chân, bốn cẳng về bên em liền. Bộ nhớ người ta hay sao mà dặn vậy cà?
-- Anh cứ chọc em hoài! Em hổng chịu đâu! Ai thèm nhớ anh! Nghèo mà ham!
Ðôi môi mọng đỏ của Mai chu ra, ánh mắt nàng sáng long lanh. Tâm cầm lòng không đậu, tính hôn lên má nàng một cái, nhưng Mai đã né ra, Tâm hứ:
-- Nói sao như thầy bói! Nghèo mới ham, chớ giàu thì ai còn ham làm gì không biết!
Mai chẫu môi phụng phịu:
-- Không đùa với anh nữa đâu! Anh mà không về nhanh nhanh với em, em sẽ nhớ anh mà chết lần, chết mòn cho anh coi.
Tâm ôm vội Mai vào lòng, một nỗi thương yêu rạt rào dâng lên. Tâm bịt miệng Mai:
-- Miệng ăn mắm, ăn muối đừng có nói bậy như vậy nghe cưng. Anh thề sẽ về với em liền mà! Anh sẽ về với em. Anh thề... anh thề... anh thề...
Ðến lượt Mai bịt miệng Tâm lại:
-- Thôi! thôi! Anh đừng thề mà! Biết có giữ được lời thề hay không mà thề!
...
Ông nghe tiếng mình vỡ vụn trong cơn mê sảng:
-- Em phải tin anh nghe Mai! Anh xin thề... anh thề nếu anh không trở lại với em... thì anh... thì anh...
Lời thề của ông chưa trọn thì tiếng ho của bà Tâm vọng ra. Ông giật mình, nhưng lập tức ông rơi ngay vào trạng thái lơ mơ. Ông nghe tiếng sấm sét ngoài trời. Ông trời cứ dọa mưa mà không chịu nhỏ giọt nào. Ðầu ông hâm hấp nóng, ông nói ông khát nước. Người đứng trước mặt ông nhìn ông với một cái nhìn đau đớn, ông đưa tay ra phía trước. Người đàn bà bước tới gần ông hơn, ông nhận ra là bà Mai. Bà nhìn ông, nở một nụ cười mỉa mai:
-- Anh Tâm! Anh đừng tự dối lòng. Không bao giờ có tình bạn chân chính giữa người đàn ông và người đàn bà. Huống hồ giữa hai người đã có một kỷ niệm yêu đương. Nhất là hai người đã có với nhau một đứa con.
Rồi bà nghiêm nghị nhìn ông:
-- Ðáng lẽ anh phải giúp em có đủ nghị lực! Sao anh lại ủy mị như vậy! Anh còn vợ con. Vợ anh là một người đàn bà hiền thục. Anh phải đối xử tốt với chị.
Ông ú ớ tính trả lời bà Mai... Chợt bất ngờ, ông bị ai đá một cú thí mạng vào bụng. Ông ôm bụng cúi gập người xuống, khi ngẩng lên, ông thấy tên quản giáo đang nhìn ông, mắt tóe lửa. Hắn quát "Các anh chỉ là một lũ ăn hại. Lao động không đúng tiêu chuẩn, lại còn khai bệnh hả? Làm biếng thì đừng hòng được thăm nuôi". Ông nghe tiếng khóc nho nhỏ của vợ ông. Bà lặn suối, trèo non thăm ông. Lần nào ông cũng bị bọn quản giáo kết đủ thứ tội để ông không được gặp vợ. Chỉ một đôi lần ông mới được ân huệ chúng ban cho. Nhưng thời gian thật ngắn ngủi. Nhìn vẻ hốc hác, ốm yếu của bà, lòng ông đau đớn, chua xót. Bà xuất thân từ một gia đình khá giả, nhà có người ăn, kẻ làm, nay phải buôn gánh, bán bưng, hàng ngày lê la với quang gánh, hai bàn tay trước kia mượt mà, nay trở thành chai cứng. Ông bậm môi. Ông cảm thấy có tội với vợ. Ðầu óc ông lơ mơ chập chờn với hình bóng giữa hai người đàn bà - giữa con tim và lý trí. Ông cảm thấy khó thở. Trong khi đó thì lưng ông cũng đau như bị gãy đôi. Chứng bệnh này đã khiến ông nhiều đêm không yên giấc. Ông nhớ lại những viên thuốc đau nhức vợ ông đã chắt chiu, mang vào cho ông trong lần thăm viếng. Ông hỏi bà về chuyện nhà, bà lúc nào cũng nói với ông bà và các con khỏe mạnh, đầy đủ lắm, ông đừng lo lắng gì cả. Nhưng nhìn gương mặt rám đen, đôi mắt trũng sâu của vợ ông đoán biết bà đã nói những điều không thật. Ông nhìn vào lon thịt kho mắm ruốc, mảng đường thẻ và những viên thuốc trăng trắng mầu nhiệm, lòng thương vợ dạt dào. Ông đưa tay ra tính nắm tay bà, nhưng khi liếc thấy đôi mắt đầy nghi kỵ độc ác của tên Cộng Sản ông đành bỏ ý muốn, chỉ nhìn vợ qua đôi mắt mờ lệ.
Cơn nhức nhối như loan cả toàn thân. Ðầu ông bừng bừng như muốn vỡ. Ông muốn kêu vợ lấy cho viên thuốc asprin, nhưng miệng ông không mở ra được. Tiếng kêu mắc ở cổ.... Chợt toàn thân ông mát rượi. Ông cảm thấy một bàn tay nhỏ thó cầm lấy tay ông. Ông nắm lấy. Trời ơi! Nỗi khao khát của ông đã được đáp ứng. Ngọc Trân đã lén cầm tay ông khi tên Cộng Sản không để ý. Ông mân mê bàn tay vợ. Ông ve vuốt một cách thương yêu trìu mến. Lòng ông dào dạt biết ơn bà....
Trong cơn mê chập chờn, ông cảm thấy ông có lỗi với vợ. Ông còn sống sót đến ngày hôm nay là nhờ lòng tình yêu của người vợ hiền thục. Bà là vị thần hộ mạng của ông. Ông chợt thấy lóe lên một tia sáng. Phải! ông già rồi, ông nhận ra rằng ông đã làm nhiều điều lỗi lầm, ông không sửa đổi lại còn cố tạo thêm những lỗi lầm khác. Ông ích kỷ, ông chỉ nghĩ đến ông. Mùi nhang trên bàn thờ Thương khiến ông càng thêm hối hận. Ông muốn kêu tên vợ, tên con, nhưng một tên Công An đã bịt chặt lấy miệng ông, ông ú ớ....
Tiếng động của cái cửa rỉ sét khá to, làm ông Tâm choàng tỉnh dậy. Nước mắt ông ướt cả hai má. Ông đưa tay lên rờ lên mặt. Mặt ông nóng bừng bừng. Môi ông khô, nứt nẻ. Mắt ông sưng húp, đầu tóc rối bù. Trông ông già đi cả chục năm. Tình hốt hoảng:
-- Ba! Ba đau phải không? Mắt ba đỏ quá! Hay là ba bị đau mắt? Ðưa con coi! Ủa! sao ba khóc? Má đâu? Má có sao không ba?
Tình hỏi một dây. Ông Tâm mệt nhọc, lắc đầu:
-- Ba không sao đâu con! Ba nhảy mũi mấy cái nên nước mắt, nước mũi chảy thôi. Con qua thăm má đó à?
Trên tay Tình là một xách đồ ăn. Tình nói:
-- Con đem mì hoành thánh qua cho má. Hồi hôm má ngủ được không ba?
Tình nhìn cha chăm chú, ông Tâm tránh cái nhìn của con. Tình thấy ông Tâm tiều tụy thấy rõ, lòng nàng đau xót, mẹ thì nằm một chỗ, ba thì sức lực hao mòn. Nàng nhỏ nhẹ:
-- Ba đừng lo quá sanh bệnh. Cứ để mọi chuyện cho con.
Ông Tâm cố gắng nói giọng rõ ràng hơn để con gái yên lòng:
--Ba biết! Con đừng lo! Lo là lo cho má con thôi. Hồi hôm thấy cũng đỡ nhiều. Sáng nay má con cũng ngủ được một giấc. Ba có theo lời con dặn, ép má uống thuốc bổ, ăn trái cây. Còn ba thì không có gì phải lo lắm. Ðầu ba hơi nhức một tí nhưng không sao đâu.
-- Ba đau đầu tức là bệnh rồi! Ba cần đi bác sĩ không, để con đem ba đi khám?
Ông Tâm xua tay:
-- Ba đã nói không sao! Ðâu cần đi bác sĩ làm gì?! Con vào trong coi má dậy chưa. Lo cho má đi.
Tình đặt đồ ăn lên bàn. Ông Tâm nhìn Tình tỉ mỉ đem từng món ra, rồi nào là chén muỗng, cái gì nàng cũng chuẩn bị đầy đủ. Tình có vẻ gầy ốm nhiều. Tóc Tình cột bằng một sợi dây thun. Hai mắt to đen nhánh, vì nàng ốm nên mắt nhìn có vẻ sâu hơn. Nhìn cánh tay gầy của Tình đang sắp đặt thức ăn, nước uống cho bà Tâm trong một dáng điệu quen thuộc, lòng ông bỗng nghẹn ngào. Ðời của Tình cũng vất vả không thua gì người mẹ ruột của nàng. Khi nàng chăm chú làm một việc gì, đôi lông mày của nàng hơi chếch vào nhau y như đôi lông mày của Mai. Ông Tâm thở dài. Ông trời bất công đã không cho hai mẹ con được ở gần nhau, được yêu thương chăm sóc nhau. Ông nhìn Tình và tự hỏi, sẽ có bao giờ Tình biết được mình còn một người mẹ lúc nào cũng yêu thương nàng tha thiết đến điên cuồng hay không? Nếu ngày đó xảy ra, ông sẽ làm sao? Ông thương bà Tâm, người vợ hiền nhân hậu đã nuôi nấng con ông nên người, nhưng ông cũng chưa quên được người tình đầu đời vì ông mà cuộc đời nàng đau thương, tan nát? Người đó có con mà không dám nhận, chỉ dám đứng ở xa để nhìn, để ao ước được một lần gọi hai tiếng "con ơi!" Rồi bây giờ cũng vì ông mà người ta lại phải cam tâm, cắn răng xa con lần nữa! Nhưng tự trong thâm tâm, ông cảm bà Mai xử sự đúng. Ðến bây giờ ông mới nhận ra bà Mai rất thông minh. Bà đã tự sợ cho chính mình. Bà mới ngoài 50, nhan sắc vẫn còn mặn mà, bà cô đơn và có mối tình trớ trêu với ông, nếu bà yêu ông quá, đến mức quyến rũ ông, bỏ phế gia đình, bà sẽ mắc tội. Bà sợ cho ông, bởi nếu ông không dằn được "tình xưa, nghĩa cũ", cả ông lẫn bà đều có lỗi. Bà sợ cho Tình, bởi bà biết trước sau gì vẫn rất mực thương yêu đứa con gái. Nhưng nếu cả hai ba má "thiệt" đi quá trớn, Tình sẽ là người khó xử nhất. Tuy trí óc biết như vậy, nhưng con tim ông vẫn còn ngoan cố do lòng ích kỷ mà ra. Ông không muốn bà Mai ra đi. Sự giằng co giữa con tim và lý trí làm ông khó chịu. Ông thấy một cơn đau nhói lên từ bên ngực trái, nhưng biến mất ngay nhưng cũng đã làm cho hai hàng lông mày ông nhíu lại.
Thấy ba nhìn mình chăm chăm, Tình nhoẻn miệng cười:
-- Ba đã đói chưa? Nếu má chưa dậy, con múc hoành thánh ba ăn trước nghe?
-- Khoan! ba chưa đói. Con ăn chưa? Còn thằng Minh, công ăn, việc làm của nó tới đâu rồi con?
-- Theo con biết, sở của anh Minh, mọi chuyện hình như êm êm rồi ba à. Ảnh nói không thấy họ rục rịch gì nữa. Cũng may ghê! Nếu không con cũng không biết phải tính sao!
Ông Tâm cũng thở dài nhẹ nhõm! Quả thật trời còn thương! Nếu Tình đi theo Minh thì chắc vợ chồng ông xoay sở khó khăn lắm. Thuần với Thảo làm sao chu toàn mọi chuyện như Tình được!
-- Tốt quá! Như vậy con đỡ lo phải không? Mỗi lần thay đổi chỗ ăn, chỗ ở khổ lắm!
Ông nói xong chợt nhớ đến bà Mai. Bà đi xa là đi tới đâu? Bà sẽ phải thay đổi tất cả nếp sống hàng ngày để thích hợp với hoàn cảnh mới.
Tình chợt nói:
-- Ba nói làm con nhớ tới dì Mai!
Ông Tâm giật mình, tưởng như Tình đã đọc được ý nghĩ của mình:
-- Dì Mai! Dì Mai sao con? ... Con có gặp dì Mai không?
-- Dạ có! Dì mới tới thăm con. Dì nói dì sắp đi xa. Con hỏi dì đi đâu? Tại sao dì lại đi xa dì Hồng?
Ông Tâm làm ra vẻ tự nhiên:
-- Con nói vậy hả? Ðúng rồi! Sao dì không ở chung với dì Hồng cho vui
Tay Tình nàng vẫn xắt mấy cọng hành, ngò, mắt không nhìn lên:
-- Dì nói vì công việc quan trọng lắm, dì không đi, không được! Dì nói xa dì Hồng, dì cũng buồn lắm, nhưng nếu dì ở đây thì... để con nhớ coi dì nói cái gì....
Tình ngừng tay xắt hành, cố nhớ lại lời bà Mai:
-- Dì nói, nếu dì ở lại có nhiều chuyện rắc rối lắm, giải quyết không được...
Ông Tâm buột miệng:
-- Sao con không cản dì?
-- Làm sao con cản được?
-- Rồi dì có nói với con dì đi đâu không?
-- Dì có nói dì đi Cali, nhưng hiện giờ dì chưa có địa chỉ.
Rồi Tình chép miệng:
-- Tội nghiệp dì Mai ghê! Không biết có chuyện gì mà dì phải bắt buộc phải đi xa như vậy?! Dì khóc quá chừng! Con nghĩ dì có một tâm sự gì bí mật lắm. Dì khóc làm con cũng hết hồn muốn khóc theo. Con hỏi dì cho con địa chỉ để liên lạc, dì nói khi nào biết chắc, dì sẽ cho con!... Lạ thiệt! Tại sao chính dì quyết định đi rồi dì lại khóc?
Ông Tâm thấy bên ngực trái lại nhói lên một cái nữa, lần này cơn đau dừng lại lâu hơn. Ông đưa tay lên như muốn chặn cơn đau, mặt ông nhăn lại, ông lập lại câu nói như cho chính mình nghe:
-- Ðã quyết định rồi còn khóc làm gì?
Ông đứng lên. Cơn sốt lại kéo đến, ông vẫn để tay trên ngực. Giọng ông trở nên thều thào:
-- Dì còn nói gì nữa không?
-- Dì khóc nhiều quá, con nghe tiếng được, tiếng mất. Ðể coi... hình như dì nói dì lại mất "con" một lần nữa!
Trong cổ ông Tâm phát ra một tiếng kêu như con vật bị thương. Tình nghe một tiếng "rầm", nàng ngẩng lên thì ông Tâm đã nằm dài dưới đất. Tình quăng cả cái thớt, hành ngò văng tứ tung trên bàn. Tình la to:
-- Ba! ba! Trời ơi! Ba sao vậy?
***