Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

(Tiếp theo)

Thu Nga

Chương 26
 
Buổi chiều sau khi tiệm Nail đóng cửa, Thảo nói chuyện với bà Mai một lát rồi nói phải đi công chuyện nên không thể đi ăn tối với bà Mai và ông Ngô được. Bà Mai đoán Thảo lại muốn mình có thời giờ riêng với ông Ngô nên mới nói thế thôi. Bà mỉm cười tự nhủ, con bé này cũng thiệt thà, lần nào nó cũng lấy cùng lý do thì ai tin được nữa. Nhưng bà thấy dạo này Thảo bận rộn quá. Bà thấy quý cô bạn trẻ tuổi này lắm. Bà làm bộ nói:
-- Con mà không đến, dì giận luôn đó nghe!
Thảo cười:
-- Dì yên tâm, con cố gắng.
Bà Mai lại mỉm cười, bà học được cách từ chối khéo của những người bạn chung quanh, khi nào họ nói họ sẽ cố gắng thì y như họ từ chối. Thảo nói xong là chào và đi ngay, nhưng không quên quay lại bảo bà Mai "Chú Ngô đến đúng giờ lắm, dì đừng để chú đợi tội nghiệp nghe".
Thảo nói đúng, bà vừa mở cửa bước ra là đã thấy ông Ngô. Tay ông ôm một bó hoa hồng màu cam, thật đẹp. Ông cúi đầu chào bà Mai một cách lịch sự:
-- Em Mai, khỏe không?
Bà Mai chợt thấy lòng vui vui. Bà nhìn ông Ngô ăn mặc một cách lịch sự mà mình thì ăn mặc lùi xùi, quần áo đi làm, bà có vẻ e ngại. Ông Ngô đọc được trong mắt bà Mai những nét bối rối thì hiểu ngay. Ông không kịp để cho bà suy nghĩ lôi thôi, ông đưa tặng bà bó hoa. Bà Mai đưa tay đón nhận, lí nhí cảm ơn. Ông đưa tay cho bà nắm, để đưa bà tới xe. Chợt nhớ tới Thảo, ông hỏi. Bà Mai nói Thảo bận việc không thể đi chung được. Ông mỉm cười có vẻ như đã biết được cái tánh lém lỉnh của Thảo.
Xe từ từ lăn bánh, bóng chiều dần dần xuống. Những tia nắng cuối cùng vừa chìm vào cuối chân trời. Ngoài đường, đèn đã lấp lánh. Bỗng phía bên phải, cuối parking lot, có một chiếc xe mà bà Mai nghĩ đã thấy ở đâu rồi, và người trên xe, dầu trời đã tối bà cũng nhận ra có vẻ quen quen, nhưng không thấy rõ là ai. Xe ông Ngô chạy qua, bà thấy người đàn ông trên xe, quay mặt qua hướng khác. Bà ngoái đầu nhìn lại, chiếc xe cũng chưa chạy. Ðang còn thắc mắc, bà nghe ông Ngô hỏi:
-- Dạo này Mai khỏe không? Hình như Mai có ý muốn tránh nói chuyện với tôi phải không?
Bà Mai vội lắc đầu:
-- Dạ không có đâu. Mai bận rộn quá, chớ việc gì lại tránh anh!
-- Tôi sợ lần gặp nhau vừa rồi, tôi có nói hay làm điều gì thất lễ với Mai nên Mai mới không muốn gặp nữa!
Bà Mai vẫn còn bị ám ảnh bởi chiếc xe và hình dáng quen thuộc của người trên xe, bà cảm thấy hơi xốn xang. Nhưng nghe ông Ngô nói vậy bà vội đính chính:
-- Mai đâu có nhớ anh đã nói hay làm gì sai? Không nói chuyện vì không gặp thôi chớ có gì! Còn anh, anh có gì lạ kể cho Mai nghe với?
-- Tôi mới đi Cali về. Lo thanh toán mấy công việc bên đó cho xong để dọn qua bên đây luôn cho rồi.
Bà Mai vẫn nhìn bâng quơ ra ngoài:
-- Anh tính đóng đô ở đây thiệt sao? Mai tưởng ở Cali vui hơn chớ?!
-- Vui hay buồn là do cái tâm của mình. Còn nếu "người buồn thì cảnh có vui đâu bao giờ". Mai nghĩ đúng không?
Bà Mai dè dặt:
-- Anh mà buồn sao? Mai tưởng một người thành công như anh thì làm sao mà buồn cho được? Anh nói thiệt lạ!
Ông Ngô nhếch một nụ cười buồn:
-- Một người mất hết vợ con, sống cô đơn như tôi mà không buồn thì mới là chuyện lạ Mai ạ.
Bà Mai vội vã xin lỗi đã khơi lại chuyện buồn của ông Ngô. Ông vội nói là ông đã quen rồi. Bà Mai liếc nhìn qua gương mặt ông Ngô. Ông có vẻ thành thật. Mũi ông cao và thẳng. Môi ông hay nở một nụ cười khinh mạn. Ðầu ông đội mũ kiểu Pháp, hôm nay ông Ngô bận một cái áo dạ đen. Bà ngẫm nghĩ về vợ con của ông. Nếu quả thật họ đã chết trong một chuyến vượt biển thì tội quá. Biết đâu họ còn sống, đang ở một nơi nào đó và chờ đợi ông thì sao? Có những chuyện như thế đã xảy ra trên đời mà. Nhưng đã mấy chục năm qua rồi, chẳng lẽ họ còn sống mà ông lại không được một tin tức gì hết? Một ý nghĩ chợt đến trong đầu bà Mai, thì ra ở trên đời này, ai cũng có nỗi khổ riêng, đâu phải chỉ mình bà thôi. Ai dám bảo rằng một người đẹp trai, giàu có, lịch thiệp như ông Ngô mà lại có tâm sự buồn? Và làm sao ai biết, ngoài cái vẻ bất cần đời, tươi cười kia lại có những giây phút cô đơn ám ảnh?!
Trong buổi đi chơi hôm nay, bà Mai còn được ông tâm sự là do một cơ duyên nào đó, do ông trời sắp đặt sẵn nên ông mới trôi dạt qua Texas này. Bà Mai biết ông Ngô hay nhắc đến duyên số, nợ duyên như bà Hồng. Ðôi khi buồn quá, bà cũng đã nhiều lần trách ông Trời tại sao cho bà khổ hoài? Chừng nào bà mới biết được hai chữ hạnh phúc?
Vừa mới tính gọi thức ăn thì bóng Thảo đã xuất hiện. Ông Ngô và bà Mai đều có vẻ ngạc nhiên:
-- Ủa! Hôm nay Thảo giữ lời hứa hả! Tốt quá!
Thảo cười to:
-- Trời ơi! Bộ Thảo hay thất hứa lắm sao mà chú Ngô với dì Mai nói vậy? Thảo nói cố gắng thu xếp công việc là làm liền để tới với chú và dì nè. Tại kẹt một chút chớ không chạy đi kịp với xe chú Ngô rồi.
Bà Mai ngạc nhiên:
-- Dì tưởng con nói xong đi công chuyện liền mà? Con ngồi xuống đây.
Ông Ngô đã kéo ghế cùng bà Mai mời Thảo ngồi. Ông cười nói:
-- Tôi cũng có y nhẩn nha chạy chậm để chờ Thảo mà không thấy đó thôi. Lúc đó Thảo còn ở trong parking lot hả?
-- Dạ. Thảo cancel cái hẹn, nên tính chạy đi ăn với chú và dì nhưng khi chạy ra thì thấy xe ba. Thảo quành lại tính nói chuyện với ba... vì vậy, kêu chú không kịp.
Bà Mai giật mình nhìn Thảo. Tim bà đập nhanh. Thì ra chiếc xe mà bà thấy quen quen là xe ông Tâm, và người ngồi trên xe là ông Tâm. Bà chăm chăm nhìn Thảo. Ông Ngô vẫn vô tình nói:
-- Ba Thảo tới đón Thảo sao? Thảo có xe mà, phải không?
-- Dạ Thảo có xe. Nhưng khi Thảo quành xe lại thì chiếc xe ba chạy mất.
Tim bà Mai chột dạ. Ông Tâm đến đứng trước tiệm nail làm gì? Không phải ông đón Thảo. Như vậy ông muốn đón bà? Ông canh sai giờ, sai chỗ nên may chút nữa Thảo đã bắt gặp. Nhưng có phải ông muốn đón bà hay không? Bà nhìn ông Ngô, ông đang nhìn bà một cách tinh quái... Nhưng bà thở phào nhẹ nhõm khi nghe ông Ngô nói:
-- Thảo có chắc đó là xe ba hay không?
Thảo nhăn mặt:
-- Chiếc xe giống lắm. Trời lại nhá nhem, Thảo không chắc 100 phần trăm. Chả biết ba tới đó làm gì? Chú với dì không thấy chiếc xe đó sao?
Bà Mai lắc đầu:
-- Dì ... dì không thấy.
Ông Ngô xua tay:
-- Thôi bỏ qua chuyện đó đi. Ðồ ăn đã dọn ra rồi. Mời mọi người không thì đồ ăn nguội mất bây giờ.
Bà Mai cắm cúi giả bộ uống nước rồi lại lau miệng, rồi lại gắp thức ăn như người mất hồn. Lòng bà xao xuyến. Nếu ông Tâm không tính đi đón bà để nói chuyện thì cũng đến đó để rình thử coi bà có hẹn hò với ai chăng? Bà thấy trong lòng chợt dâng lên một nỗi bâng khuâng như cảm giác hẹn hò đầu tiên.
Còn Thảo thì cũng có vẻ suy nghĩ. Nàng thắc mắc không biết phải xe của ba hay không? Rõ ràng là chiếc xe buick cũ, dài thòng màu huyết dụ. Người ngồi trên xe cũng có vóc dáng y như ông Tâm. Ông tới đó làm gì? Chung quanh tiệm không phải khu chợ búa, chỉ có một tiệm sách, một tiệm bán bông vải, một tiệm giày đàn bà, chung quanh chỉ có tiệm ăn Mỹ... Vô lý, không lẽ Thảo trông nhầm chiếc xe của ba? Nhưng nếu ba tới tìm nàng thì ông phải vô trong tiệm chớ? A... không lẽ ông muốn tìm...? Thảo nhìn bà Mai, nàng thấy bà có vẻ hơi lúng túng trước sự mời mọc lịch thiệp của ông Ngô. Thảo có vẻ tư lự. Nàng ăn ít, chỉ nói chuyện cầm chừng để câu chuyện của bà Mai và ông Ngô khỏi tẻ lạt. Nhìn bà Mai duyên dáng, hiền lành nhưng có vẻ chịu đựng. Thảo tự nhiên linh cảm bà Mai có một sự liên hệ nào đó với gia đình mình. Ông Ngô thấy Thảo có vẻ tư lự, nên hỏi:
-- Thảo nghĩ gì đó?
Thảo lắc đầu, mắt chăm chú nhìn bà Mai:
-- Dạ, Thảo có nghĩ gì đâu.
***
Từ lúc bị té rồi đi nhà thương tới nay, sức khỏe bà Tâm sa sút hẳn. Bà gầy đi nhiều. Bác sĩ bảo bà không được làm việc nhiều nữa, phải tịnh dưỡng. Nhìn bà Tâm người ta có cảm tưởng bà là một vật thể dễ vỡ. Nghe lời bác sĩ bà cũng phải nghỉ ngơi, không dám may vá gì nữa. Nhiều khi biết các con phải vất vả kiếm tiền, nhất là thấy Tình và Thuần bận rộn, bà tính ngồi vào bàn máy may, nhưng Tình và Thuần đã cản bà, nhất định không chịu. Thuần nói hy vọng không bao lâu, Thuần sẽ ra trường và chàng sẽ tìm công việc tốt hơn, Thảo cũng sẽ ổn định đời sống và Thương khi học xong và sức khỏe hoàn toàn bình phục lại, sẽ có công ăn việc làm, lúc đó hoàn cảnh khó khăn sẽ qua đi. Nhưng bà Tâm không ngớt lo lắng vì bà biết với tính tình của Thảo, bà không hy vọng gì Thảo giúp. Còn Thương, bà cảm thấy sự lo lắng về nó chưa bao giờ yên và bây giờ coi bộ càng trầm trọng hơn. Bà thấy Thương hay đi đi về về rất bất thường. Bà bảo Thuần phải để ý canh chừng coi có phải Thương trở lại giao thiệp với tụi bạn xấu hay không. Nhớ lại việc Thương bị bọn chúng đánh khi trước, bà rất lo ngại. Thuần trấn an mẹ nhiều lần, nhưng bà không ngớt lo lắng.
Nhiều khi thức dậy, con cái đi hết, ông Tâm cũng đi gặp bạn bè bàn chuyện thời sự, hay giúp làm những công việc cộng đồng và bé Thủy không quấy, bà lui cui dọn dẹp, thỉnh thoảng lắm bà mới ngồi uống nước trà, húng hắng ho. Từ hôm biết Tình mang thai đến nay, Minh đã không cho Tình may vá nhiều nữa, nên vấn đề tài chánh của cả hai gia đình càng khó khăn hơn. Thuần biết bà Tâm lo lắng, nên khi nào có dịp là Thuần ngồi chuyện trò với mẹ, trấn an mẹ. Bà Tâm cũng cảm thấy an ủi vì biết các con đều rất có hiếu.
Tuy không may vá được và Minh bắt Tình phải tịnh dưỡng, bớt đi lại, nhưng biết sức khỏe của mẹ yếu kém, Tình vẫn hàng ngày chạy qua, chạy lại, nấu cơm, cháo bưng qua cho mẹ. Hôm nay Tình mang cả gà rô ti, xôi qua cho ba má và các em, Thuần nói:
-- Chị có thai, phải giữ gìn, bớt làm việc đi nghe, cũng nên giảm cả nấu ăn. Em với má lo được mà.
Bà Tâm nhìn Tình ái ngại:
-- Em con nói đúng đó. Mới bắt đầu có thai, không nên làm việc quá nghe con.
Tình cười tươi để mẹ và em yên tâm. Thấy không có bé Thủy, Tình ngạc nhiên hỏi. Bà Tâm cho biết Yến đã lại đem bé Thủy và Thảo đi chơi rồi. Thuần cười:
-- Cái cô Yến này thương bé Thủy một cách kỳ lạ. Thương còn hơn con Thảo nữa.
Tình nói:
-- Bé Thủy dễ thương như vậy, ai mà không thương chớ. Cả thằng Thương mà cũng cưng, cũng ẵm nữa là!
Tình nói xong nhìn quanh hỏi:
-- Nó lại đi nữa rồi hả má?
Bà Tâm chắc lưỡi:
-- Thì má cũng mới nói với thằng Thuần nè. Không biết sao dạo này nó đi ngày, đi đêm.
Bà ngừng để ho, rồi nói tiếp:
-- Má thật là lo. Rồi dạo này ba tụi bây với nó lại khục khặc với nhau hơn trước. Thiệt má rầu hết sức!
Tình cũng lo, nhưng an ủi:
-- Chắc ba với nó chỉ khắc khẩu thôi, không sao đâu. Con nghe nói những người khắc khẩu với nhau thì lại hợp tuổi tác. Còn ba nữa, ba đi đâu rồi?
-- Ba của tụi bây cũng vậy, hôm qua đi đâu tối mịt mới về, mà khi về thì lại có vẻ bực mình, cau có không biết đường đâu mà lần!
Thuần phụ họa:
-- Con cũng thấy vậy. Hỏi cái gì ba cũng quạu, cũng la, ba không ăn cơm, trời thì gió lạnh mà lại ra ở ngoài ngóng gió.
Tình ngạc nhiên:
-- Sao kỳ vậy? Trời lạnh ngắt, hóng gió để bị bệnh sao? Má có hỏi ba tại sao ba quạu không? Hay ba có chuyện buồn phiền mà không nói sợ mình lo?
-- Má có hỏi chớ sao không, nhưng ổng đâu có chịu nói mà lại càng quạu hơn! Thôi mặc kệ ổng con! Già rồi hay sinh tật vậy đó!
Bà lại ho một tràng. Tình lo lắng lấy tay vuốt lên lưng bà. Bà thở dài, tiếp:
-- Nhắc lại chuyện thằng Thương cho mấy đứa con nghe. Má lo lắm. Má biết thằng Thương nó thương con nhất nhà Tình à. Con nhớ khuyên nhủ nó coi sao.
Tình dạ để mẹ yên lòng, nhưng lòng nàng cũng cảm thấy không an tâm. Nàng cũng linh cảm dạo này có chuyện gì riêng tư mà Thương có vẻ bồn chồn, hấp tấp, nói chuyện câu trước câu sau là nó kiếm cớ đòi đi.
Ðã đến giờ ăn, Tình bảo ăn Thuần ăn trước đi. Thuần nói chờ Thảo về ăn luôn, nhưng Tình nói Thảo và Yến đi chơi vui chưa chắc về nhà ăn cơm đâu. Bà Tâm cũng mừng vì lâu lâu Thảo được rảnh rỗi đi chơi với bạn bè, bà chỉ sợ Thảo bận rộn lại thêm mặc cảm cô đơn, không có bạn bè, nhưng Tình nói:
-- Dạo này Thảo vui hơn xưa má à. Dạo này nó lại đi làm chung với dì Mai, thành ra nó lại có thêm một người quen nữa, chuyện trò cũng đỡ buồn.
Bà Tâm tự nhiên ho một tràng dài như bị sặc. Té ra Thảo đi làm chung với bà Mai mà bà đâu có biết?! Bà hồi hộp nhìn Tình hỏi:
-- Con nói sao? Nó đi làm chung với ai?
-- Dạ dì Mai! Má biết dì Mai, em nuôi dì Hồng phải không?
Làm sao bà Tâm lại không biết bà Mai là em nuôi bà Hồng! Bà cảm thấy hơi choáng váng. Thuần cũng có vẻ hơi ngạc nhiên trước chuyện này. Bà Tâm gặng thêm:
-- Ủa! sao dì Mai đi làm chung... chung với con Thảo? Mà đi làm chung bao lâu rồi? Sao không ai nói với má hết vậy cà?!
-- Bộ con Thảo không nói gì với má sao? Chắc nó quên. Mà má đã gặp dì Mai bao giờ chưa?
Bà Tâm lắc đầu:
-- Chưa! chưa! ... Hai dì đó còn ở chung với nhau không?
Tình hỏi:
-- Má không nói chuyện với dì Hồng sao? Hình như dì Mai mới dọn riêng rồi má à. Con đoán dì Mai nay cũng có thể tự lập đôi chút, chắc không muốn phiền dì Hồng nữa.
Tim bà Tâm nhói đau. Thì ra có nhiều chuyện bí mật bà không hề hay biết. Bà chua chát nghĩ chắc chắn điều này ông Tâm biết rõ hơn ai hết và dĩ nhiên là ông không bao giờ hé môi. Bà bật ra câu nói bất ngờ:
-- Hừ! như vậy làm sao biết gặp nhau lúc nào!
Thuần ngạc nhiên hỏi:
-- Má nói gì vậy? Má nói ai gặp ai?
Bà Tâm ôm ngực ho khan, giọng bà có vẻ chán nản:
-- Má đang nhớ ba cái chuyện đâu đâu, không ăn nhậu gì tới việc này hết. Mà Tình à!... Ba con ... có biết dì Mai với con Thảo đi làm chung không?
-- Con cũng không rõ là Thảo có nói với ba không nữa! Mà chi vậy má?
-- Thì má chỉ hỏi vậy thôi mà! Không có gì cả! Không biết ổng có biết bà này ở riêng không cà?
Bà lại lẩm bẩm nói một cách đột ngột, bất ngờ. Thuần nhìn má, lắc đầu:
-- Má hơi đâu lo chuyện bao đồng cho mệt. Nhưng ba biết chuyện này để làm chi?!
Bà Tâm chợt giật mình:
-- Con nói phải! Bà Mai ở đâu thì ở chớ ai mà cản được, cũng không mắc mới gì đến mình, tuy nhiên má nghe nói thì cũng hỏi cho biết vậy thôi, vì không nghe dì Hồng nói gì hết.
Tình làm ra vẻ hiểu biết:
-- Con nghĩ dì Mai cũng cần có sự tự do nên mới ở riêng, dì Hồng phải tôn trọng ý kiến của dì Mai.
Bà Tâm nghe đến hai chữ tự do lại càng chua xót hơn. Phải! bây giờ nếu hai người tình cũ muốn gặp nhau thì họ đang được tự do hò hẹn đây. Ai biết họ gặp nhau lúc nào mà rình, mà cản. Bà đâm ra bực mình bà Hồng và cho là bà Hồng đã nối giáo cho giặc. Bà lại buồn bực vì nghĩ đã ăn ở với ông Tâm đến cuối đời mà đời vẫn chưa yên. Như có một cái gì chận nghẹn cổ, rồi cái cổ bỗng dưng ngứa ngáy một cách khó chịu, bà ho không cách gì ngừng được. Nước mắt, nước mũi bà chảy ràn rụa. Tình lo sợ vội chạy đến vuốt lưng bà, Thuần cũng lo lắng không kém đi lấy một ly nước lạnh bưng lại. Bà mệt nhọc xua tay:
-- Má không sao đâu! Chắc tại nói chuyện nhiều nên cái cổ bị ngứa, để má đi vô trong nghỉ một lát nghe.
Tình dìu bà đi vào phòng. Thuần đi dẹp nước và mấy tờ giấy lau mũi vào thùng rác. Có điều gì có kỳ lạ trong thái độ của bà Tâm làm Thuần suy nghĩ. Thuần biết tính mẹ hiền lành, ít để ý đến chuyện gì lắm, ngoài chuyện các con. Nhưng tại sao khi nghe chuyện bà Mai dọn ở riêng, mẹ lại có vẻ chú ý như vậy? Hay má mình sợ Thảo làm bạn với bà Mai không tốt? Thuần nghĩ chắc má hiểu lầm dì Mai chớ dì Mai hiền lành và dễ thương lắm. Thuần nghe tiếng bà Tâm vẫn ho từng chặp thì lòng lại càng không yên. Thuần tính đi vô coi mẹ ra sao, thì Tình đã đi ra và ra dấu là để cho mẹ nằm yên. Hai chị em trao nhau ánh mắt lo ngại.
***
Minh một tay lái xe mà lòng tràn đầy lo lắng. Mấy hôm nay trong sở cứ họp liên miên. Theo kinh nghiệm của Minh thì hãng nào mà cứ nay họp, mai họp là có nhiều chuyện cần giải quyết, trước sau gì cũng cắt bớt nhân viên rồi tiếp theo là đóng cửa thôi. Hôm trước thì còn hy vọng, nhưng bây giờ tin tức truyền miệng nhau, coi bộ không khá. Trong giờ nghỉ giải lao, kẻ tụm năm, người tụm ba, lo lắng không biết tương lai sẽ ra sao. Có người lại bảo "trời sinh voi, sinh cỏ", một người bạn trong sở cười nửa miệng:
-- Voi có thể ăn cỏ được, còn người làm sao ăn cỏ mà sống?
Cả bọn ráng nở một nụ cười gượng gạo. Minh là một trong những người lo lắng nhất. Công việc thì đang bấp bênh, có thể nghỉ bất cứ lúc nào mà Tình lại bụng mang dạ chửa. Hoàn cảnh gia đình vợ vẫn không có thì thay đổi, vẫn tối om om. Thuần chưa học xong, mà học xong chắc gì sẽ tìm ra việc làm? Thảo thì với bản tính cố chấp, ích kỷ, chắc chắn không hy sinh nhiều để mà lo cho gia đình. Thương thì ham chơi hơn ham học, lại đua đòi, la cà với đám bạn xấu xa. Những người bạn trong sở đã tính là nếu bị layoff ở đây, họ sẽ đi nơi khác kiếm việc làm, và họ cũng ngỏ ý rủ Minh đi theo. Minh đang suy nghĩ ghê gớm, nếu đi một mình, bỏ Tình lại thì cũng tội, nhất là Tình đang có thai. Nhưng nếu đi theo lại càng bất lợi hơn, thứ nhất là phải thuê nhà mà việc làm chưa chắc bảo đảm. Thứ hai, đây là vấn đề làm cho đôi vợ chồng trẻ này cắn đắng rất nhiều lần là nếu Tình đi, ai là người sẽ săn sóc cho gia đình nàng? Ba má Tình đã già yếu, chỉ trông cậy vào một mình Tình, khi nàng lấy chồng là coi như đã mất nhờ một nửa, nay nàng đi xa thì ba má nàng làm sao chịu được. Minh cảm thấy bất nhẫn nếu để Tình đi theo. Cũng chưa chắc Tình muốn đi theo chàng. Minh thấy mình vô lý nhưng không biết cư xử ra sao. Nếu Tình không muốn đi thì Minh giận vì nghĩ Tình không lo cho chàng, nhưng nếu Tình muốn đi theo, thì Minh lại cũng ái ngại giùm cho hoàn cảnh ông bà Tâm, vì thế lòng chàng cứ bứt rứt, khó chịu.
Bỗng một chiếc xe từ sau lưng Minh phóng thật nhanh sát đít xe của Minh, rồi hắn lạng qua, cúp ngang đầu Minh để dằn mặt vì Minh vừa lái vừa lo nghĩ nên chạy hơi chậm. Minh giật mình thấy mình đã đi quá exit vô nhà của dì Hồng, Minh đổi lane rồi quành trở lại.
Bà Hồng đón Minh trong căn phòng khách sang trọng như thường lệ, chỉ có bình bông tươi trên chiếc bàn pha lê là được thay đổi hoa thường xuyên, khi thì hoa hồng, khi thì hoa huệ, trời nóng, trời lạnh gì cũng có hoa tươi. Bà Hồng rót cho Minh một ly nước cam, bà quan sát nét mặt Minh rồi nói:
-- Con uống hết, dì rót thêm. Sao dạo này dì thấy con có vẻ xanh và ốm lắm đó. Con phải giữ gìn sức khỏe mới được.
Minh không nói gì, chỉ ráng cười tươi để trấn an bà dì. Nhưng nụ cười chưa nở thì một tiếng nhảy mũi thật to đã phát ra, ly nước cam bị sóng ra ngoài, Minh vội cúi xuống lấy giấy lau. Chàng nói như phân trần:
-- Dạ con bị allergy đó dì. Nhảy mũi hoài.
-- Con có uống thuốc gì chưa? Nhảy mũi hoài cũng mệt lắm chớ sao không? Ði bác sĩ đi con à.
-- Con cũng đi bác sĩ nhiều rồi. Bác sĩ cũng chỉ cho thuốc uống thôi. Hễ uống thì đỡ lúc đó, hết thuốc lại tiếp tục nhảy mũi nữa. Mà dì biết sao không, phần nhiều thuốc uống trị allergy cũng làm cho mình buồn ngủ, khó chịu lắm.
-- Thì đúng vậy đó con, thứ này uống vào mà lái xe thì lại càng nguy hiểm hơn. Nhưng dì nghe nói, khi bị allergy thì nên đi bác sĩ thử nghiệm coi mình bị dị ứng thứ gì để trị về thứ đó, còn hơn cứ uống thuốc rồi chích thuốc không tốt.
Minh gật đầu đồng ý với dì, rồi lại nhảy mũi thêm vài cái nữa. Bà Hồng đi lấy hộp giấy lau mũi cho Minh, nhìn Minh hỉ mũi với ánh mắt lo ngại. Coi bộ Minh bị bệnh thật rồi. Minh với tay lấy tờ giấy khác rồi pha trò cho bà Hồng an tâm:
-- Dì biết không? Ở trong sở mà nhảy mũi hoài phiền lắm dì ơi! Mình nhảy mũi đã mệt rồi mà mấy người ngồi chung quanh lại cứ "bless you", con phải nói "thank you" rồi họ lại nói "you're welcome"... Mà dì coi, một ngày mình nhảy mũi cả trăm cái thì chịu trời gì thấu!
Bà Hồng nghe Minh nói cười ngất. Minh cũng cười theo. Nhưng cơn cười chưa dứt, bà cảm thấy như Minh đang có một tâm sự gì đó mà không tiện nói với bà. Những lúc sau này, bà biết Minh và Tình đang có những vấn đề gì khó giải quyết, mà Minh lại tìm cách tránh né không gặp bà. Nhưng hôm nay, Minh ghé qua, chắc có điều gì muốn nói với bà chăng? Bà dịu dàng hỏi Minh một giọng rất tự nhiên:
-- Minh à! Lâu rồi con và dì không có thì giờ nói chuyện nhiều với nhau. Con đến chơi hôm nay dì vui ghê.
Minh cảm động nói:
-- Dạ con xin lỗi dì, lúc này tại con cũng bận mà Tình lại có thai, nên không thăm dì thường xuyên được, nhưng tụi con lúc nào cũng nhớ dì hết.
-- Con nói vậy, dì cũng mừng, nhưng con phải nói cho dì biết là con có gặp điều gì làm cho con bận tâm. Con đừng tìm cách giấu dì. Vì như vậy, dì sẽ buồn lắm.
-- Dạ không có đâu dì. Con không giấu dì điều gì cả, chỉ tại con bận thôi.
Bà Hồng mỉm cười như nói cho Minh biết, bà không dễ gì tin lời của Minh, rồi bà nói thẳng vô vấn đề:
-- Minh à, dì là dì của con. Dì không phải là dì ruột, nhưng dì đã coi con như cháu ruột của dì. Hôm nọ con say mèm, không biết trời trăng gì hết. Sau đó, con cũng không hề nói gì hết, nên dì cũng không hỏi. Nhưng hôm đó, không phải là lần cuối cùng con ra ngoài rồi say. Dì chắc chắn con có điều gì buồn phiền. Nhưng nếu con cứ để trong lòng hoài, không tốt. Con có chuyện buồn ở nhà hay ở trong sở?
-- Dạ con cũng có vài khó khăn trong sở...
-- Bộ con bị mất việc hay bị layoff phải không?
-- Có lẽ vậy dì ạ, nhưng chưa biết lúc nào thôi... thành ra con cũng không biết phải tính làm sao đây?
Bà Hồng an ủi:
-- Trời sinh voi, sinh cỏ con à...
Minh bỗng phì cười. Bà Hồng còn đang ngơ ngác, thì Minh kể lại câu nói của người bạn trong sở: "voi ăn cỏ được, còn người đâu có ăn cỏ được". Bà Hồng cũng bật cười rồi nói tiếp:
-- Nghỉ sở này, kiếm sở khác, con còn trẻ, không có gì phải lo cả.
-- Thì con cũng biết chuyện layoff của các hãng là chuyện thường thôi, nhưng chuyện con bị... kẹt là gia đình của Tình.
Bà Hồng chồm lại gần Minh:
-- Sao lạ vậy? Con bị layoff, thì đi tìm hãng xưởng khác...
Minh gãi đầu:
-- Dì không thấy sao? Tình phải chạy qua, chạy lại trông coi gia đình và phụ giúp ba má con, nếu con đi tìm việc ở xa thì Tình đâu có chịu và bên vợ con cũng đâu có bằng lòng?
Bà Hồng chợt nhớ ra hoàn cảnh khó khăn của ông bà Tâm. Bà nhớ tới hình dáng gầy gò, yếu ớt của bà Tâm và cũng chợt ái ngại. Bà nhìn Minh và thấy rõ ràng Minh khổ tâm là điều đúng. Bà chặc lưỡi:
-- Kẹt thiệt há? Anh chị Tâm mà không có vợ của con giúp đỡ thì làm sao đây? Hèn gì con lo lắng cũng phải!
Bà cố hy vọng:
-- Nhưng chuyện layoff là đã chắc chắn chưa?
-- Dạ coi như chắc 80% rồi dì.
-- Còn 20% kia thì sao? Biết đâu 20% đó có con?!
-- Con cũng hy vọng như vậy thôi. Nếu không bị kẹt gia đình Tình thì con có thể đi theo mấy đứa bạn tìm việc ở xa, không khó lắm.
Bà Hồng chợt thương hại Tình:
-- Không được đâu con. Con làm vậy, con Tình sẽ buồn lắm. Khi chưa lấy nó, con đã biết hoàn cảnh của con Tình như vậy rồi mà!
Minh ngồi cúi đầu lặng thinh suy nghĩ. Hồi đó, tuy biết hoàn cảnh khó khăn của Tình như vậy, nhưng Minh đâu có biết sẽ có một ngày công việc của chàng bị gián đoạn? Nhưng nếu chỉ lo cho hoàn cảnh gia đình Tình thì tương lai của chàng ra sao? Không lẽ tương lai của một người tuổi trẻ như chàng phải chôn vùi vì một trách nhiệm không phải của chàng? Nhìn vẻ mặt suy tư của Minh, bà Hồng cảm thấy thông cảm hoàn cảnh khó khăn của cháu. Bà cũng không muốn cho Minh đi xa, nên bà cố nói:
-- Con à! Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời cả. Gia đình anh chị Tâm có khó khăn thật, nhưng thằng Thuần gần học xong rồi, mà dì nghe nói, dạo này nó cũng có việc làm khá hơn, người ta mướn nó làm "co-op" để khi ra trường là coi như nó đã có việc rồi, con Thảo thì cũng đã có nghề, chỉ còn thằng Thương thôi, con ráng đi con!
Minh nói khổ sở:
-- Dì ơi! con ráng chớ sao không ráng. Nhưng dì coi, tương lai của con không lẽ phải đặt vào hoàn cảnh của gia đình Tình? Con mệt mỏi quá! Có vợ mà... coi như không!
Bà Hồng giật mình nhìn Minh chăm chú, bà không dám nói tiếng nào xen vào vì biết hôm nay Minh rõ ràng muốn thố lộ tâm sự của chàng. Nếu bà nói nhiều, lỡ có điều gì không đúng, Minh sẽ không nói nữa. Bà bưng ly nước lạnh lên uống một ngụm, chờ Minh nói tiếp. Minh có vẻ buồn bực lắm:
-- Tuy Thuần và Thảo cùng đi làm, nhưng coi bộ không thấm vào đâu cả, dì biết tính Thảo mà! Còn thằng Thương thì còn yếu, nay học, mai không, thì biết đến chừng nào gia đình Tình mới yên ổn được!? Không lẽ Tình cứ phải mang gánh nặng trên vai hoài?
Bà Hồng thở dài. Bà biết Minh nói cũng có lý lắm. Nhưng không lẽ lại đồng ý với Minh thì làm sao an tâm với gia đình của ông bà Tâm được, bà cảm thấy rất bất nhẫn mà không biết phải giải quyết ra sao. Minh đem Tình đi cũng kẹt, mà để Tình lại với ba má rồi Minh đi một mình cũng không ổn. Bà ôn tồn nói:
-- Dì hiểu tâm trạng của con lắm Minh à. Nhưng như dì đã nói, chuyện khó khăn bên gia đình vợ con chỉ là giai đoạn mà thôi. Mình ăn ở thảo ngay có trời giúp con à. Con cũng biết con Tình có hiếu lắm, mà mấy đứa có hiếu thì cũng là người vợ ngoan nữa.
-- Con biết Tình có hiếu... nhưng đôi lúc, dì biết sao không? Con cũng muốn có những giây phút riêng tư với Tình mà cũng không có nữa! Hễ con nói đến chuyện đó, thì Tình khóc lóc nói con ích kỷ, hẹp hòi!
-- Dì hiểu! dì hiểu! Nhưng dạo này nghe nói chị Tâm yếu lắm, nên con Tình mới qua đó thường xuyên như vậy phải không? Dì chỉ biết cầu trời, khẩn Phật cho chị khoẻ mạnh lại thì họa may mọi chuyện mới đỡ hơn được. Mà Minh à!...
Bà Hồng cố lựa những chữ nhẹ nhàng:
-- Có phải vì buồn bực rồi con uống rượu phải không? Phải giữ gìn sức khỏe nghe con?!
Minh chống chế:
-- Thì lâu lâu, con buồn đi ra ngoài uống vài lon với bạn bè thôi chớ đâu có nghiện ngập dì!
Bà Hồng tính nói thêm, nhưng điện thoại chợt reo vang. Bà nói với Minh chờ bà để bà đi trả lời điện thoại. Minh dạ nhưng rồi bà Hồng lại bảo "điện thoại của con Minh à". Bà đi ra đưa điện thoại cho Minh. Giọng Minh có vẻ lo âu:
-- Ai vậy dì?
-- Thảo. Nói tìm con!
Minh cầm điện thoại đi lại gần cửa sổ nói chuyện. Chỉ vài câu, Minh cúp điện thoại, quay lại chỗ bà Hồng nói:
-- Tình bị động thai dì ạ. con phải về gấp. Nếu bác sĩ đóng cửa, con phải đem Tình đi emergency. Thiệt! đang mang thai, bảo đừng đi tới, đi lui nhiều quá, cũng không nghe!
Bà Hồng nói giọng lo lắng:
-- Khổ chưa! không biết có sao không?
Minh vừa đi ra cửa, vừa nói:
-- Thảo nói, Tình bị chảy máu. Thảo đã bắt Tình nằm, không được cử động, chờ con về, nhưng con nói nếu thấy không ổn thì gọi xe cứu thương, đừng đợi con. Thôi con đi đây.
Bà Hồng nói với theo:
-- Dì sẽ qua liền. Nhớ đừng có trách móc gì nó hết nghe chưa!?
***