Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

(Tiếp theo)

Thu Nga

Chương 24
Không biết có phải vì tuổi của Thương kỵ tuổi của ông Tâm và Thuần hay không, mà mỗi lần hai cha con gặp nhau là có la rầy, hai anh em gần nhau là có cãi lộn. Bà Tâm can riết cũng muốn khùng luôn. Khi Thương bị ông Tâm la, bà hay đẩy Thương đi chỗ khác rồi tìm cách nói ngọt với ông để ông nín. Còn gặp lúc hai đứa con cãi nhau bà la không được, phát bịnh đi nằm thì hai anh em mới nhịn nhau, im đi. Rồi khi chỉ còn một đứa ở đó, bà hay khuyên nên nhường nhịn nhau.
Sáng nay thấy hai anh em cứ cãi nhau về những chuyện đâu đâu bà đã bảo Thuần, khi Thương không có ở đó:
-- Con à! Em con còn trẻ người non dạ, con nói với nó từ từ, đừng la rầy quá nó nổi cục, nói hỗn rồi con giận. Con la nó ít thôi. Hơi đâu mà cãi tay đôi với nó!
Thuần nhăn mặt:
-- Má không biết chớ lúc nào mở miệng ra, nó cũng nói sau này nó sẽ giàu to. Bộ nó tính đi ăn cướp ngân hàng hay sao mà giàu chớ?
Thuần biết mẹ thương em, cái gì cũng bênh vực, nhưng Thuần sợ Thương lại chứng nào tật đó, theo bè, bạn hư hỏng rồi lỡ có chuyện gì xảy ra như khi xưa, đã bị bọn du đãng trả thù một trận bán sống bán chết, thì khổ cả nhà. Thuần không muốn cha mẹ biết sẽ buồn, nên chỉ tìm cách cản ngăn Thương bớt lại. Thấy Thương cứ khăng khăng đòi làm những chuyện anh hùng rơm, đánh đứa này, "đục" đứa kia, Thuần chỉ mặt Thương nói:
-- Hồi xưa thì mày theo đám thằng Hoàng, bây giờ mày theo đám con Samatha, cũng quá cha! Mầy biết con nhỏ đó là nữ chúa áo da đó mày.
Thương nhún vai:
-- Thì đã sao?
Rồi Thương trợn mắt, nhìn Thuần, vết thẹo trên mặt rung rung theo những cái nhíu mày:
-- Bộ anh theo dõi tôi hay sao mà anh biết? Anh rình mò tôi phải không? Anh là cái gì mà anh rình mò tôi chớ? Ðiệp viên hả?
Thuần nổi nóng tính đập thằng em ngỗ ngược một bạt tai, nhưng ráng nhịn:
-- Mày đừng nói xóc óc tao nghe mậy? Mỗi lần mày làm cái gì thì cả nguyên thành phố biết, mầy giấu ai được chớ? Ba mà biết mày đi theo con gái Mỹ là ổng sẽ băm mày ra đó!
Thương tức giận, mặt mày đỏ kè, nhảy chồm lên:
-- Cái gì? Con gái Mỹ thì có khác gì con gái Việt Nam chớ? Tôi theo ai thì mặc kệ tôi, tôi thích ai cũng mắc mớ gì đến anh? Ở đó bày đặt kỳ thị! Tôi có theo Việt Nam thì ổng cũng đâu có tha mà nói? Tôi làm cái gì ở nhà này cũng cho là tôi làm sai, vậy thì để tôi làm những gì tôi thích. Phải mà! hồi trước còn chị Tình ở nhà, hễ lúc nào ba la tôi chị còn bênh, cũng đỡ khổ cái lỗ tai. Bây giờ chị Tình đi lấy chồng, ba má la tôi, anh cũng hùa vô. Hứ! Tưởng thằng này dễ, ai cũng chửi được hết sao?
Nghe thằng em xổ một tràng dài, Thuần tức đến độ như nghẹn lời, không biết làm sao cho đỡ tức. Rồi lại nghe Thương nhắc đến Tình, Thuần càng bực hơn. Thuần nói lạc cả giọng:
-- Chị Tình ai mà chị không bênh! Mày với con Thảo chuyên môn ăn hiếp chị ấy, bây giờ chị đi lấy chồng rồi, mày mới thương, mới hối hận phải không?
Nét mặt Thương tự nhiên dịu xuống. Phải, nó nhớ ra người chị yêu thương hay bênh vực nó, mỗi khi ba la mắng. Bây giờ chị cũng vẫn lui tới thường xuyên, nhưng dầu sao chị cũng đã có chồng. Nó có cảm tưởng chị đã thuộc vào một gia đình khác rồi. Nghe anh nói, bao nhiêu bực dọc giận hờn hình như đã tiêu tan một nữa. Thương chợt nhớ ra một chuyện, nó nghe từ lâu nhưng không biết nói với ai. Thương nhìn Thuần như đo lường xem có nên cho Thuần biết không? Thấy mặt Thuần cũng đã dịu lại, Thương nói:
-- Em lúc nào cũng thương chị Tình hết, tại anh không biết đó thôi... Anh Thuần, em nói chuyện này anh nghe, anh đừng cho ba má biết nghe.
Thấy Thương có vẻ quan trọng, Thuần vội hỏi:
-- Cái gì mà mầy bí mật vậy? Ðang nói về chị Tình khi không mày nhớ chuyện gì?
-- Em nghe thằng Phú nói, dạo này nó hay gặp anh Minh la cà uống bia ngoài quán Sương đó.
-- Xì! tưởng chuyện gì! Thì chắc lâu lâu ảnh đi uống nước với bạn bè chớ có gì lạ?
-- Không phải như vậy! Thằng Phú nói nó thấy anh Minh đi uống có một mình, nhưng ngồi ở đó nói chuyện với con nhỏ bán hàng là con Sương hoài à!
Thuần xua tay:
-- Thôi đi nghe mậy. Có đúng thì nói, không thì thôi đó nghe. Chị Tình mà nghe được thì lôi thôi lắm. Có chắc anh Minh không?
-- Ðúng mà anh! Nó còn tả anh Minh ra sao nữa mà! Nó nói, sau giờ làm việc, nó hay thấy ảnh ra đó, ngồi uống cả chục lon bia, nói cười đủ thứ, tối mịt mới về.
Thuần biến sắc, thôi chết rồi, Thương nói giọng quả quyết như vậy, chắc nó không nói sai đâu. Thuần thấy lo lắng cho Tình vô cùng. Tội nghiệp chị Tình, như vậy là anh Minh đã thay đổi rồi. Không biết anh chị có chuyện gì lục đục, xích mích để anh thay đổi như vậy? Không biết chị Tình đã biết chưa? Giờ làm sao?
Tiếng Thương vẫn tiếp tục:
-- Nó còn nói có bữa anh Minh còn đánh bài cào, xì lát với con Sương nữa, mới kỳ!
Thuần la át Thương, để che giấu sự bực bội, lo âu càng lúc càng tăng của mình:
-- Thôi! thôi! nói ít thì tao còn tin, nói nhiều quá, tao không tin nổi nữa. Anh Minh không có như vậy đâu! Ảnh đời nào để chị Tình buồn chớ? Mày toàn chơi vơi mấy đứa bạn không ra gì, bày đặt thêm bớt chi vậy?
Thương nổi cộc:
-- Nè! tôi nghe sao kể vậy cho anh nghe. Sao tự nhiên anh lại mạt sát bạn tôi? Bộ bạn tôi xấu hết, còn bạn anh thì hay lắm hả?
-- Bạn của mày chỉ toàn một thứ chớ mấy! Nè! - Thuần chỉ tay vào mặt Thương - Mày đừng có hở môi nói chuyện này ra với ba má hay chị Tình nghe chưa? Má mà nghe là má bệnh thêm đó. Còn chị Tình nữa, chị không khỏe gì hơn má đâu. Ðể thủng thẳng tao điều tra xem sao.
Thương đi ra cửa:
-- Ðể tôi ra đó coi. Sắp tới giờ anh Minh tan sở rồi. Coi ảnh có ngoài quán đó không nghe.
-- Mày đi tìm coi anh Minh hay mày đi tìm con Samantha? Tao nói trước với mày đó, đụng với con nhỏ đó, không khác gì đụng tới đám thằng Hoàng nghe mầy!
Thương giơ nắm tay lên, tức giận nói:
-- Nói chuyện với anh thật thật bực mình! Anh toàn làm ra vẻ ta đây, không chịu nổi! Anh làm ơn bỏ cái tính trịch thượng của anh được không? Nè, anh có tiền không? Cho mượn 10 đồng coi!
Thuần cười nhạt:
-- Hễ mày bỏ cái tính nói trên trời dưới đất, rồi xin tiền thì tao sẽ bỏ tính trịch thượng liền. Mầy ngon quá, sao xin tiền chi vậy?
-- Tôi nói mượn là mượn! Tôi đâu có xin! Mai mốt tôi làm ra tiền, trả anh cả vốn mười lời. Có mấy đồng bạc lại làm ra vẻ ta đây! Ðưa đây lẹ lên.
Thuần thở dài, thảy vào tay Thương 10 đồng:
-- Tao nghe mày riết tao điên! Tiền đây! Mày làm như tao là ngân hàng không bằng! Ði đâu thì về lẹ lên, đừng để ông già nổi nóng nghe mầy.
Thương chụp lấy tiền, nhún vai không trả lời. Nó đóng cánh cửa một cái rầm lại sau lưng.
***
Ông Tâm nhìn bé Thủy, lòng tự nhiên dâng lên một sự thương yêu dào dạt. Con bé thật xinh xắn và dễ thương. Ðôi mắt to tròn, chiếc mũi hếch lên trên một đôi môi lúc nào cũng cười. Ông hay bồng cháu lên, chọc cho nó cười khanh khách để ông cũng cười theo. Một già, một trẻ coi bộ tâm đầu, ý hợp lắm. Những lúc đó, bao nhiêu muộn phiền, bao nhiêu suy nghĩ của ông đều tiêu tan theo tiếng cười ngây thơ của đứa cháu ngoại. Chỉ khi nào bé Thủy khóc thì ông mới bối rối không biết làm sao. Có lần bà Tâm đau, ông bảo bà đi nằm để ông trông cháu, tới hồi nó khóc, ông Tâm bắt chước bà Tâm, ẵm bé Thủy lên, đưa tay vỗ vỗ vào lưng nó hát. Ông không biết hát ru cháu làm sao, ông cất giọng ồ ồ: "Anh hùng xưa, nhớ hồi là hồi niên thiếu, lấy bông, lấy lau làm cờ, quên mình là mình giúp nước, hết sức giữ gìn đất nước...."
Bé Thủy vẫn khóc, đòi mẹ. Ông loay hoay tính kêu bà Tâm dậy thì Thảo về. Thấy con khóc, Thảo cau mày hỏi tại sao. Ðã mệt vì giữ cháu, bây giờ lại nghe con hoạch họe, ông nhìn Thảo khó chịu. Nhưng khi thấy trên nét mặt con có vẻ mệt nhọc, đầu tóc và áo quần của Thảo lại bốc ra một mùi thuốc khó chịu, ông chợt dịu giọng bảo Thảo đi thay đồ, để ông coi bé Thủy, không sao cả. Thảo đưa tay ẵm con:
-- Không sao đâu, con không mệt đâu ba, đưa bé Thủy đây, con ẵm cho.
Ông tính lắc đầu, nhưng bé Thủy nghe tiếng mẹ, đã đưa tay ra đòi mẹ "Mommy!" Thảo rầy con:
-- Sao con quấy ông ngoại?
Nàng ôm con lại ngồi ở ghế. Ông lại nhắc:
-- Con không chịu đi tắm rửa thay đồ, hôi chịu gì được?
-- Con nói không sao mà. Tiệm lớn lắm nên hệ thống hút mùi hôi cũng tốt lắm mà ba!
Ông Tâm tính cãi lại là đi ngang tiệm nail nào, ông cũng ngửi thấy mùi hóa chất bay ra nồng nặc, bất kể tiệm lớn hay nhỏ, nhưng biết tính Thảo hay giận, nên ông lại thôi. Ông ngẫm nghĩ không biết người nào đầu tiên đã biết nghề này kiếm nhiều tiền để đến bây giờ, nghề này có vẻ phát triển, nhiều người đã giàu sụ vì nó, cũng như khi xưa kia, nghề may tại nhà đã làm cho nhiều người ăn nên làm ra, mặc dù biết cái mùi khó ngửi của nó, có thể sanh ra bệnh tật. Ông đã nói điều này nhiều lần rồi, Thảo nói:
-- Ai cũng nói như ba, thì bao nhiêu tiệm đã dẹp hết rồi chớ còn đâu nữa. Nghề này không chừng nhờ hóa chất mà chế ra tiền đó ba.
-- Nghe con nói chế ra tiền dễ như ăn ớt không bằng. Vậy chớ chừng nào con mới chế ra tiền đây?
Thảo nhăn mặt:
-- Ba nói kỳ cục! Con làm một thời gian, quen nghề, quen khách, lúc đó con sẽ mở tiệm. Khi đó là khi con chế ra tiền đó!
Thảo ngừng lại một tí rồi nhìn ông nói:
-- Dì Mai nói khi nào con mở tiệm, cho dì làm ké với!
Tim ông Tâm nhảy mạnh trong lồng ngực. Ông ráng nói giọng bình thản:
-- Dì Mai... ké?
Thảo mở to mắt:
-- Ủa! Ba không biết dì Mai đi làm nghề nail với con sao?
Giọng ông trở nên lắp bắp:
-- Dì Mai?... Em dì Hồng?
-- Chớ còn dì Mai nào nữa! Dì nhờ con đem vô chỗ bà Năm Bủng vừa học, vừa làm. Dì cũng khéo tay lắm. Dì học thiệt mau. Tháng tới là dì đi thi lấy bằng rồi.
Ông Tâm ngồi ngớ ra. Ông nhớ tới đôi tay thon dài của bà Mai. Ðôi tay mà ông từng vuốt ve, âu yếm. Bàn tay bà hình như không còn mềm mại như thời con gái nữa. Một đôi lần, ông đã không tự chủ, nhìn lén. Tay bà ốm, nổi gân và da có xạm đi. Ông thở dài, quay mặt đi hướng khác, để ước muốn cầm tay bà bay khỏi trí óc ông. Nay nghe Thảo nói bà đi học nghề nail, lòng ông chợt thương cảm người tình xưa quay quắt. Bỗng ông có một ước mơ kỳ quái là phải chi ông được cầm bàn tay bà để cắt, để dũa như khi xưa hai người hay đùa nghịch với nhau. Bây giờ bà phải bươn chải học nghề để đi săn sóc bàn tay, bàn chân thiên hạ.
Ông hỏi trong vô thức:
-- Con gặp dì Mai ở đâu?
Thảo kể lại câu chuyện giữa nàng với bà Hồng và bà Mai. Nàng cũng nói cho ông Tâm biết là hồi trước bà Hồng, hoặc nàng chở bà Mai đi làm, nhưng dạo này bà đã tự lái xe được rồi. Nghe con nói, ông Tâm thấy lòng chợt xao xuyến, lo âu. Thì ra bây giờ bà Mai đã tự lo liệu một mình được rồi. Ông cảm thấy bất an. Khi bà còn nhờ vả bà Hồng, bà không đi đâu được một mình thì ông cảm thấy thương bà vì bà cô đơn, nhưng ít ra ông cũng không phải lo ngại vẩn vơ là bà sẽ quen người này, người kia. Nhưng nay bà biết lái xe, tự đi đây đi đó một mình, tuy ông cũng mừng bà đã học thêm những điều mới lạ, cần thiết cho cuộc sống, nhưng ông cũng lo ngại là bây giờ bà đã đủ lông, đủ cánh, không biết bà sẽ bay mất hồi nào. Thấy ông có vẻ thẫn thờ, Thảo nói:
-- Dì Mai biết lái xe, dì Hồng cũng đỡ nhiều đó.
Ông Tâm tằng hắng:
-- Nghe dì Mai tiến bộ như vậy, ba... ba cũng mừng!
Thảo ngạc nhiên:
-- Tại sao ba mừng?
Ông Tâm hoảng hốt nói chữa:
-- Ý ba... ý ba muốn nói bà Hồng mừng đó mà. Dì Mai biết lái xe, có nghề nghiệp thì dì Hồng vui chớ sao nữa.
Thảo gật đầu:
-- Dĩ nhiên rồi ba! Nếu không thì dì Hồng cũng cực lắm. Con thấy dì Hồng lu bu đủ thứ chuyện mà phải chở dì Mai đi tới, đi lui cũng mệt lắm.
Thảo chợt thắc mắc:
-- Sao con không thấy dì Mai tới đây chơi cùng với dì Hồng hả ba?
Ông Tâm lúng túng quay mặt đi:
-- Chắc ... chắc dì ngại mà con.
-- Tại sao lại ngại?
-- Ba cũng đâu có biết! Người ta không đến thì không đến, mình đâu có biết tại sao được.
Rồi ông gạt ngang:
-- Sao con thắc mắc chi vậy không biết!
-- Con cũng đâu có thắc mắc làm gì? Con chỉ thấy dì Mai thương chị Tình lắm, mà đã thương như vậy, sao lại không đến thăm nhà mình? Con biết dì hay tới thăm chị Tình lắm, còn nhà mình dì lại không đến!
Thảo ngừng nói và nhớ đến thái độ hơi khác thường của bà Mai. Nàng đã thấy ánh mắt kỳ lạ của bà Mai khi bà nhìn Tình. Nàng thấy ánh mắt của bà là một sự pha trộn giữa sự thương yêu, âu yếm và có vẻ đau buồn làm sao đó. Nàng nói ý nghĩ này cho ông Tâm nghe:
-- Dì đã làm cho chị Tình cũng khó chịu với cái nhìn kỳ cục của dì.
-- Vậy sao? Chắc dì có tâm sự gì khó nói con à.
-- Hình như vậy. Con nhớ dì nói dì có đứa cháu giống chị Tình lắm, gặp chị Tình, dì lại nhớ thương cháu của dì!
Giọng ông như rên rỉ:
-- Tội nghiệp quá! Tội nghiệp cho dì Mai quá phải không con?
Thảo cũng thấy tội nghiệp cho bà Mai. Nàng nhận thấy tâm sự của bà có một sự gì u uất lắm. Sau này, nàng cũng hơi mừng cho bà Mai khi bà chịu đi chơi với ông Ngô. Nhưng mỗi lần đi chơi chung có ông Ngô, lúc nào bà Mai cũng đòi về sớm. Nàng lại tiết lộ điều này với ông Tâm. Mặt ông tái đi, môi ông run run, ông hỏi:
-- Dì Mai quen với ông... ông nào? Ông nào?
Giọng ông chợt khàn và một cơn ho từ đâu kéo đến, ông ôm ngực ho, nhưng đôi mắt vẫn mở to nhìn Thảo, chờ đợi câu trả lời của con. Thảo nhìn cha lo âu:
-- Ủa! Ba có sao không?
Ông Tâm rót một ly trà, uống một ngụm rồi hỏi tiếp:
-- Không sao con! Lâu lâu bị ho như vậy không có gì. Lâu lâu mới nói chuyện được với con, nhiều chuyện cũng hay hay. Nói tiếp ba nghe coi, dì Mai quen với ai? Chà! Dạo này chắc dì Mai vui lắm hả con?
Bé Thủy đã ngủ say trên tay Thảo, mỏi tay, nàng đặt con nhè nhè xuống cái mền đã lót sẵn dưới đất. Thảo kéo cái mền trên ghế, đắp ngang bụng con. Nàng lại ngồi gần bên cha. Nghe ba nói lâu quá mới được nói chuyện với mình, nàng chợt cảm thấy cảm động. Nàng nói:
-- Thì dì Mai đi chơi với ông Ngô đó. Ông Ngô hay mời dì đi ăn, đi coi nhạc...
-- Ông Ngô? Ông Ngô nào vậy cà?
Tên "Ngô" vang vang trong đầu ông nghe quen quen. Ông lấy tay đập đập lên trán cố nhớ đã nghe tên ông này ở đâu rồi mà cái đầu của ông không chịu làm việc, ông chịu thua. Nhưng vẻ mặt của ông ngơ ngác:
-- ... Tại sao dì Mai quen với ông Ngô?
-- Ông Ngô là bạn của ba má Lan.
Thảo tính kể chuyện của Ông Ngô, Lan và Thuần, nhưng thấy câu chuyện cũng dài dòng, mà không nói hết thì ông Tâm có thể nổi giận, nên Thảo chỉ nói ông Ngô tới đây tính làm ăn buôn bán gì đó, ông độc thân, vui tính mà bà Mai cũng đang độc thân nên đã giới thiệu hai người với nhau. Nghe con nói, sự ghen tương làm hơi thở ông phập phồng, mặt ông hồi đỏ, hồi tái. Thảo vẫn vô tình kể chuyện. Ông hỏi gay gắt:
-- Rồi hai người có thích nhau không?
-- Con cũng không chắc họ đã thích nhau chưa nữa. Ðôi khi ông Ngô mời cả con cùng đi. Nhưng con muốn hai người có thì giờ với nhau hơn, nên con tìm cách từ chối.
Ông Tâm ngã người ra ghế. Ông chợt thầm ước ao, phải chi Thảo đều có mặt trong các buổi hò hẹn đó thì hay biết mấy. Khi chỉ có hai người làm sao biết họ đã nói gì với nhau đây! Ông chợt buột miệng, nói không giữ gìn:
-- Ði chơi với nhau nhiều lần, chắc là phải thích nhau chứ? Mà dì Hồng đã biết chưa?
-- Con cũng không biết! Nhưng thích hay không thích không lẽ lại đi khai vơi người khác? Mà sao ba? Bộ ba có quen người nào, tính giới thiệu cho dì Mai hả? Chắc ba hụt ăn đầu heo rồi! Con thấy dì Mai và ông Ngô cũng xứng đôi lắm.
Ông Tâm thẫn thờ. Thôi vậy là tình cảm của người tình xưa đã thay đổi. Ông thấy buồn thấm thía. Thảo vẫn vô tình tiếp:
-- Ông Ngô rất bặt thiệp và lịch sự, còn dì Mai vừa đẹp, vừa hiền, dì lại cũng đang cần có bạn để tâm sự. Như vậy ba không thấy tốt sao? Ðể hôm nào dì Mai vui vui, con hỏi chuyện đã đi đến đâu rồi nghe.
Ông Tâm nhếch mép cười méo xệch. Thảo đứng lên nói đi thay quần áo, nàng vừa nói vừa bước đi:
-- Nếu hai người chịu nhau thì chắc chắn mình sẽ được đi uống rượu mừng hả ba?
***
Bà Mai dạo này có vẻ như đã quen với nếp sống mới, nên từ nét mặt, tâm tính tới cách phục sức đã thay đổi rất nhiều. Dạo này bà có vẻ tươi mát hơn xưa. Bà có vẻ lên cân một chút, da bà căng hơn. Những nét nhăn hình như cũng mờ đi. Tóc bà cũng óng ả hơn. Bà đã nhuộm tóc nên trông trẻ ra nhiều. Tuy nhiên trong đôi mắt bà lúc nào cũng ẩn hiện những nét buồn man mác. Bà thích nhất là những lúc vừa nấu ăn, vừa nói chuyện với bà Hồng như thuở hai người còn cắp sách đến trường.
Bà Hồng sau một ngày làm việc mệt nhọc, biết bà Mai cũng mệt, các con bà lại không còn ở nhà, vì thế bà hay đòi đi ăn tiệm, nhưng bà Mai lại thích nấu ăn tại nhà. Bà Hồng cười chọc bà Mai vì vậy mà số khổ. Bà Mai cười:
-- Khổ riết đâu còn thấy khổ nữa!
Mỗi lần bà Mai về trước, bà nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Khi thấy bà Hồng về, bà Mai lúc nào cũng rót một ly nước cam, nước chanh hay nước trà cho bạn. Bà Hồng cảm động lắm. Bà hay hỏi han bà Mai về công việc làm nail tại tiệm. Bà Mai cho biết nghề bây giờ đã khá lắm rồi. Hai bà cũng lan man nhắc về Thảo. Bà Mai nói Thảo thông minh, lanh lợi nên chủ cũng mến lắm. Bà Hồng nhớ lại hoàn cảnh đáng thương của Thảo, nên chép miệng:
-- Con nhỏ đó thông minh như vậy mà khổ sớm quá! Tội nghiệp! Bởi vậy, mỗi người đều có một số mạng cả. Thiếu gì đứa, học không ra gì mà lại trở nên giàu sang, có chồng quyền cao, tước trọng, trong khi con nhỏ này xinh đẹp, thông minh... thế mà...
Bà Mai cũng đã được bà Hồng kể những chuyện lộn xộn trong gia đình của Thảo nên hỏi:
-- Khoảng thời gian đó chắc anh chị Tâm buồn lắm phải không chị?
-- Buồn lắm. Chị Tâm chết đi, sống lại không biết bao nhiêu lần vì con Thảo đó em.
Bà Mai cũng cảm thấy thương bà Tâm. Bà vẫn mang ơn người đàn bà rộng lượng này. Không có bà, không biết lúc đó đời của Tình sẽ ra sao. Không ngờ đời bà Tâm cũng trải qua bao nhiêu sóng gió. Con cái làm khổ tâm trí như vậy. Bà thầm cầu khẩn các đấng thiêng liêng phù hộ cho gia đình bà Tâm thoát qua mọi sự gian khổ, tai ương. Nhiều lần lòng bà cũng ray rứt nhớ thương mối tình cũ, nhưng cái ơn nghĩa năm xưa của bà Tâm đã ban cho, giúp bà có nghị lực để xua đi mối tình cũ thường xuyên lan man trong tâm tưởng.
Tiếng bà Hồng cắt ngang tư tưởng của bà Mai:
-- Dạo này em thấy con Thảo ra sao? Nó đã vui chưa?
-- Em thấy có lúc nó vui thiệt vui, có lúc lại buồn hiu. Khi nào thấy nó buồn và quạu thì em để nó yên, hôm sau, nó vui trở lại mà... Hình như nó đang quen với ai đó chị.
-- Thật sao? Vậy thì tốt! Nhưng người này ra sao, em biết không?
Bà Mai lắc đầu:
-- Dạ em không biết rõ đâu. Thỉnh thoảng em thấy Thảo và người đó đi chơi, nhưng tính tình thì em không biết được.
Cứ như vậy, hai người bạn thân nói đủ thứ chuyện, nào chuyện xưa, chuyện nay. Bà Mai chợt vô tình nhắc đến tên ông Ngô mà bà nói Thảo đã giới thiệu trong một bữa Thảo rất vui. Nghe nói, bà Hồng vội vàng hỏi tới tấp:
-- Ông Ngô? Ông Ngô người ngợm ra sao? Sao em không nói cho chị biết?
Bà Mai cười:
-- Chị làm gì như phỏng nước sôi vậy? Em chưa có dịp nói vì chị cũng lu bu mà!
-- Phải rồi, dạo này chị bận mà em cũng bận, không nói được chuyện với nhau lâu há. Té ra hôm nay biết được tin vui hén. Có gì khai ra mau đi cô em!
Bà Mai đỏ mặt:
-- Có gì đâu mà khai! Thảo giới thiệu, ông Ngô mời em đi ăn vài lần, nói chuyện mưa gió vậy thôi!
-- Hơn hai lần là nhiều rồi, là phải "có chuyện" rồi. Mà em thấy ông ta có hợp với em không? Còn Thảo quen làm sao với ông Ngô đó?
Bà Mai kể chuyện ông Ngô là bạn của Lan, rồi quen Thảo, rồi Thảo giới thiệu với mình. Bà Hồng thích thú với câu chuyện này. Bà Hồng thương bà Mai như em ruột. Thấy bà Mai cô đơn, hay tủi thân, buồn bã với hoàn cảnh trớ trêu nên khi nghe tin bà Mai có bạn, bà vui lắm. Nhưng bà cần phải tìm hiểu xem người đàn ông đó như thế nào, có thể mang lại hạnh phúc cho bạn bà hay không, bà hỏi:
-- Ông ta có vợ con gì chưa? Gia đình của ông ta ra sao?
-- Em nghe ông Ngô kể là ông qua đây du học trước khi mất nước, 20 năm sau đó, vợ con ông tìm cách qua theo nhưng bị mất tích, ông không biết được tin tức gì hết.
Bà Hồng chợt lo ngại:
-- Như vậy vợ con ông ta có thể vẫn còn sống phải không?
-- Ổng nói lâu quá không có tin tức gì hết, chắc đã chết hết rồi. Nếu còn sống thì họ phải liên lạc với ông ấy chứ?!
Hai người chợt im lặng, đồng ý nghĩ chẳng thà biết người thân của mình đã mất, tuy khổ nhưng còn hơn là sự chờ đợi, dằn vặt một điều không chắc chắn. Một lát bà Hồng hỏi:
-- Có khi nào ông Ngô ngỏ ý với em chưa?
Bà Mai đỏ mặt:
-- Chị Hồng ơi! Em chỉ mới quen với ông Ngô sơ sơ thôi mà. Em đâu có biết lòng dạ ông ta ra sao? Hơn nữa... hơn nữa...
Bà Hồng cau mày nhìn bà Mai:
-- Có phải em lại tính nói lòng em đã nguội lạnh rồi phải không? Bộ em tính ở vậy tới già, tới chết hay sao? Hay em tính tôn thờ một hình ảnh cho tới chết?
Bà Mai cúi đầu lặng yên không nói. Ðã nhiều lần bà tự hỏi, tim bà còn có bao giờ rung động nữa hay không? Ðời bà đã trải qua biết bao nhiêu khổ đau, tủi hận. Chồng không, con không, gia đình không còn ai. Bà bước thêm một bước nữa thì hạnh phúc có đến với bà không? Sợ bạn hiểu lầm, bà Mai nói:
-- Em không có quyền nghĩ tới ai hết. Mỗi người đều có đời sống riêng tư. Nhưng tim em đã nguội lạnh. Em chỉ coi ông ta như bạn thôi chị ạ.
Bà chợt nói với giọng u uất:
-- Trong tim em bây giờ chỉ còn một hình ảnh duy nhất là hình bóng ... bé Tình.
Bà Hồng thương bạn đến xót xa. Ðó là điều đã làm cho nụ cười bà Mai thường thường tắt lịm trên môi. Nhưng cũng vì điều này mà bà muốn bà Mai có bạn mới. Chỉ có bạn thì bà Mai mới thoát được bức tường dĩ vãng để tiến ra ngoài khung trời mới. Nhiều lần bà đã nói:
-- Mai! Em hãy nhớ lại đi, em thương mẹ em biết chừng nào nhưng khi em có người yêu, em lấy chồng, em cũng phải theo chồng mà lo cho cuộc đời em. Thì con Tình cũng vậy, nó đã có gia đình riêng, em không thể nào có nó cho riêng em được! Nó không còn là đứa bé thơ để em ôm ấp trong vòng tay mình nữa. Mai! hãy nhìn vào thực tế!
Bà phải tìm cách giúp bà Mai thức tỉnh, chấp nhận cuộc đời. Mặc dù vóc dáng, nét mặt bà có thay đổi vui hơn xưa, nhưng đám mây mù trong tâm hồn bà thì vẫn còn. Bà cũng nói cho bà Mai biết, tuổi già cần có bạn. Nhiều người già sắp xuống lỗ vẫn còn làm đám cưới. Họ lấy nhau để nương tựa, tìm một tình bạn lúc tuổi già mà sống. Hình như điều bà nói chưa thấm vào đầu óc bà Mai. Bà chưa kịp nói gì thêm thì điện thoai reo vang. Bà ra dấu bà Mai bà sẽ nói chuyện tiếp sau khi nghe điện thoại. Một lát bà ra, có vẻ hối hả. Bà Mai hỏi chuyện gì. Bà lắc đầu chép miệng:
-- Không biết thằng Minh bị chứng gì mà uống say mèm. Thằng Thương mới chở nó về nhà. Con Tình gọi cho biết, nó có vẻ lo lắm.
Bà Mai lo lắng:
-- Thằng Thương là con thứ ba của anh chị Tâm phải không?
-- Ðúng rồi. Không biết nó gặp thằng Minh uống rượu ở đâu mà chở về. Thằng này thiệt! Chị phải qua đó.
Bà Mai nhìn bà Hồng lấy bóp, mang giày, nói:
-- Chị cho em đi theo được không?
Bà Hồng lắc đầu:
-- Chắc để chị đi một mình tiện hơn. Em ở nhà, chị về liền.
Bà Mai dạ một tiếng nhỏ, buồn hiu. Bà Hồng thấy vẻ mặt của bà Mai, tính nói gì, nhưng đổi ý, mở cửa bước ra garage. Bà Hồng suy nghĩ lung lắm. Ðây không phải lần đầu tiên bà nghe Minh say đến độ không về nhà được. Cách đây không lâu, Tình cũng đã gọi khóc nói Minh say lái xe thật nguy hiểm. Bà đã hỏi Minh điều đó, Minh chối nói không có. Cho tới bây giờ lại say nữa. Bà lo ngại và cảm thấy hạnh phúc gia đình của Minh và Tình đang đến một khúc quanh không được sáng sủa lắm. Lòng bà ngổn ngang trăm mối.
***