Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

(Tiếp theo)

Thu Nga

Chương 23
Trời bắt đầu ấm áp trở lại. Cây cối chuẩn bị đâm chồi nẩy lộc. Những búp non đã nhu nhú trên cành. Buổi sáng trời mát lạnh. Những cây liễu bên kia đường như tự nhiên có thêm sinh lực, màu xanh của lá của cây thật nõn nà. Những con chim ríu rít, chuyền lượn trên cành kêu những tiếng chíu chít vui tai.
Bà Tâm sau thời gian suy sụp tinh thần, hình như cũng lấy lại đôi chút sinh lực. Bà có vẻ hồng hào hơn, tuy nhiên bệnh ho của bà không hết. Tình đã chở bà đi bác sĩ nhiều lần, nhưng bác sĩ nói bệnh ho thời khí, bà bị dị ứng với cây cỏ mà thôi. Bà cũng nói bà thấy dễ chịu chớ không có gì phải lob>
Cuộc sống gia đình ông bà Tâm vẫn đều đều trôi qua. Bé Thủy đã 21 tháng, bập bẹ nói những câu thật ngộ nghĩnh, ai cũng thương, thay phiên nhau ẵm bồng. Còn Thương đã trở lại bình thường, tuy chân trái vẫn đi cà nhắc. Ông bà Tâm cũng yên tâm thì vào tuần qua, Thương về nhà với một con mắt bầm đen. Ông Tâm gạn hỏi, Thương nói không có gì cả. Ông tỏ vẻ bực bội, bà Tâm thì khóc lóc lo lắng. Thương nói, bị một đứa bạn đá banh trúng mắt. Bà Tâm trong bụng không tin. Ông Tâm lại thêm một câu:
-- Bị đánh một lần, gần bán thân bất toại, cũng không chừa! Thằng này "chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ"! Có phải mày tụm năm, tụm ba với tụi du đãng nữa không?
Thương giận dỗi la to:
-- Phải mà! ba muốn con chết lắm! Ðể con chết đi cho ba vừa lòng, để ba khỏi trù con nữa!
Rồi Thương bật khóc:
-- Con làm gì để ba ghét con như vậy chớ?
Bà Tâm cũng bù lu, bù loa. Ông Tâm nổi giận:
-- Cha! Giỏi cho thằng này! Mày đi đánh lộn rồi về nhà còn trả treo với tao phải không? Tao sẽ đập bể đầu mày ra, coi mày còn trả treo hay không?!
Bà Tâm vẫn sụt sùi, can ông. Thương vùng vằng mở cửa đi ra ngoài. Ông Tâm la với theo:
-- Thằng kia! đứng lại! Mày đi luôn, đừng có vác cái mặt mày về nữa nghe không? Ðứng lại! Trời ơi! Tức chết đi thôi! Tối ngày đi ngoài đường rồi về báo mẹ, báo cha.
Từ bữa đó, tới nay, mỗi khi về tới nhà, nếu có ông Tâm ở nhà, Thương vào phòng, đóng cửa lại, nói bận học bài, còn không thì Thương nói đi chép bài, đi tập thể dục.
Bà Tâm thở dài, tự hỏi không biết chừng nào hai cha con mới hết khắc khẩu. Bà cầm chiếc áo bị rách lỗ chỗ của Thương và nghĩ rằng ông Tâm nói đúng, Thương đánh lộn hoặc bị ai đánh. Lòng bà lo lắng không yên. Còn ông Tâm, sau vụ đó, ông cũng im lặng, không nhắc gì nữa. Chỉ khi nào thấy mặt Thương là ông la, ông gặng hỏi đủ thứ. Nếu không thì ông cũng không có ở nhà. Hiếm khi ông rảnh rang như ngày hôm nay. Nghe bà húng hắng ho, ông nói:
-- Bà thấy trong mình sao rồi? Ho hoài sao không bớt há?
Bà Tâm ngừng tay phủi bụi trên bàn thờ:
-- Tôi không sao đâu, chứng ho thì vẫn còn, nhưng trong mình cũng khỏe lắm. Ông với mấy nhỏ đừng lo cho tôi nhiều quá. Tội nghiệp con Tình, tôi thương nó quá ông à! Nó bỏ ăn, bỏ ngủ, lớp lo bên đó, lớp lo bên này. Thiệt! con mình thì nhờ ít, mà con ...
Bà bỏ lỡ câu nói, nhưng ông hiểu:
-- Bà nè! Bà đừng nói như vậy. Dầu sao bà cũng nuôi nấng, dạy dỗ nó từ lúc nó mới 4 tuổi mà! Bà không là mẹ nó, thì là cái gì?
Bà Tâm im lặng. Ông nói có lý, nhưng lòng bà có những đám mây đen, thỉnh thoảng lại kéo về giăng kín. Bà nghĩ đến bà Mai. Người xưa không từng nói: "nuôi gà cỏ, trở mỏ về rừng" hay sao!. Bà đã thương yêu săn sóc Tình từ tấm bé, không thua gì những con ruột mà bà mang nặng đẻ đau. Tình cũng thương yêu bà hết lòng nhưng biết đâu khi hiểu ra câu chuyện, biết bà không phải là mẹ ruột, thì tình thương của nàng dành cho bà chắc sẽ bớt đi đôi chút? Ngoài ra, cái đám mây kia còn che phủ tình yêu giữa bà và ông Tâm nữa. Làm sao bảo đảm là hai người không lén lút gặp nhau? Chỉ là tình nhân sơ sơ mà những người yêu nhau cũng tìm cách lại gần nhau, huống gì hai người đã có chung một đứa con?
Thấy bà tự nhiên ngồi im lặng, ông Tâm nói:
-- Thôi nghe bà! bà đừng nghĩ, đừng nhắc đến chuyện đó nữa, rồi sinh ra đau ốm, bệnh hoạn. Còn con Tình mấy bữa nay ra sao? Tôi thấy nó cũng không được khỏe.
Bà Tâm cũng chợt thấy lòng dâng lên một tình thương êm đềm với đứa con hiếu thảo. Bao nhiêu công việc nặng nhọc trong nhà, hình như đều đổ trên đôi vai nhỏ bé của nàng. Ngay việc bé Thủy, nàng cũng lo, không khác gì con ruột của mình. Bà chợt lo lắng:
-- Không biết thằng Minh có phiền hà gì gia đình mình không ông?
-- Sao bà nói kỳ cục vậy? Thằng Minh lại phiền hà mình điều gì?
Bà nhìn ông thật nhanh, có vẻ không bằng lòng. Ðúng là đàn ông vô tâm. Nhưng bà cũng nói để ông yên lòng:
-- Thì tôi chỉ thắc mắc vậy thôi. Vợ chồng nó mới cưới nhau, lại không được thong thả, hú hí với nhau. Nó phải lo cho gia đình mình nhiều quá, thằng Minh chỉ là con rể...
Ông Tâm gạt ngang:
-- Bà thiệt! Chỉ ngồi tưởng tượng mấy chuyện đâu đâu. Rể thì có khác gì con? Theo tôi đàn bà con gái thì mới hay thắc mắc, đàn ông không như vậy đâu bà. Tôi thấy, thằng Minh cũng được lắm, không đến đỗi nào đâu, bà đừng lo!
Nghe ông Tâm quả quyết, bà Tâm nói xuôi xị:
-- Nghe ông nói vậy, tôi hơi yên lòng. Hơn nữa, tôi thấy thằng Minh cũng thương bé Thủy lắm.
Bà vừa nói vừa nựng bé Thủy, đang sà tới lòng bà kêu bập bẹ "ngoại! ngoại!":
-- Bé Thủy dễ thương như vầy, làm sao không thương cho được.
Bà quay sang bé Thủy, lấy tờ giấy ra khỏi miệng cháu:
-- Ý... con đừng ngậm giấy trong miệng, không tốt... Ông ngoại! ông đưa cho cháu con búp bê dưới bàn kia... Không phải! con mặc áo đỏ kìa...
Ông Tâm mang con búp bê lại cho bé Thủy. Con bé cười khanh khách chụp lấy con búp bê, rồi ôm chạy. Ông bà nhìn theo cười trìu mến, ông Tâm mắng yêu:
-- Mẹ cha con nhỏ! Sao nó dễ thương vậy không biết!
-- Cái miệng nó cười y chang con Thảo há ông? Còn cái trán với cái mũi, không thấy giống.... Chắc nó giống... thằng cha của nó!
Nghe nhắc tới cha bé Thủy, ông Tâm lặng người đi một giây. Ông cũng chưa biết cha của bé Thủy mặt mũi ra sao. Tuy nhiên có một điều mà ông vẫn thắc mắc bên lòng, mỗi khi thấy Minh âu yếm, nựng nịu bé Thủy. Ông hỏi bà với giọng e dè:
-- Bà nè! Tôi hỏi thiệt bà cái này, bà nghe rồi nói cho tôi biết bà nghĩ sao nghe.
Bà Tâm nhìn ông ngạc nhiên:
-- Ông muốn nói cái gì mà úp úp mở mở vậy?
-- Bà có nghi... con Thủy là con của... của...
Bà Tâm nhìn ông sửng sốt:
-- Ý ông muốn nói con Thủy có phải là con của... Ông không nói thì tôi cũng đoán ra rồi... nhưng tôi nghĩ chắc không phải đâu! Tôi thấy... "nó" coi con Thảo như em gái thôi... Mà sao bữa nay ông có những ý tưởng kỳ cục vậy?
-- Không phải tự nhiên tôi nghĩ như vậy đâu! Mà vì tôi thấy "nó" thương bé Thủy lắm, chớ không phải bình thường, thành ra...
Bà Tâm nhớ lại những cử chỉ thương yêu mà Minh đã dành cho bé Thủy, bà cũng thấy rõ, Minh thương bé Thủy thật tình. Minh bồng bé Thủy như không chán, đã từng thay tã, thay quần áo, cho nó bú sữa, đút thức ăn và hay hôn hít con bé một cách trìu mến. Bà chợt nhìn bé Thủy một cách chăm chú, để coi nó có điểm nào giống Minh không. Con bé vẫn ngây thơ cười cười, nói nói líu lo với ông bà ngoại. Bà ẵm nó lên tay, nhưng bé Thủy đòi đứng xuống đất để tiếp tục trò chơi bé đang theo dõi đó là chiếc xe lửa có còi kêu "tuýt! tuýt". Bé Thủy dễ thương và xinh quá. Bà lắc đầu xua tan ý nghĩ mà ông Tâm vừa gieo vào đầu bà:
--Tôi nghĩ "nó" chỉ là một người tốt và thương con nít mà thôi ông à. Thiếu gì người đàn ông thương con nít như vậy? Hơn nữa, lúc con Thảo đi sanh, nó là người đưa con Thảo vô nhà thương, rồi chờ đợi cho đến lúc con Thảo sanh, thành ra "nó" đối với bé Thủy rất gần gũi đó ông.
Hai ông bà đều cố tránh nhắc đến tên Minh, mà chỉ gọi là "nó" vì sợ lỡ có ai nghe thấy. Ông Tâm gật đầu:
-- Ồ! bà nói cũng có nhiều điểm có lý. Nhưng... nhưng còn một việc nữa làm tôi cũng để ý đó bà.
-- Ðiểm gì vậy ông? Ông còn thấy gì nữa chớ?
-- Tôi nhận thấy mỗi lần "nó" săn sóc hay ẵm bồng bé Thủy, con Tình có vẻ buồn buồn làm sao đó, mặc dù con Tình coi bé Thủy không khác gì con ruột... Còn con Thảo... thì con nhỏ này tôi vẫn thấy nó có cái gì khác khác đó bà. Con Thảo cái tính của nó... chắc nó không bao giờ thay đổi tính tình được đâu ... Con nhỏ này kỳ lắm!....
Bé Thủy bắt đầu chán đồ chơi, sà lại lòng bà Tâm khóc đòi bồng. Bà cúi xuống ẵm cháu lên và nói:
-- Sao vậy cháu cưng của bà? Ðừng khóc! đừng khóc! Bà ngoại thương. Buồn ngủ phải không con?
Bà để đầu bé Thủy tựa lên vai và hát nho nhỏ: "Chiều chiều con quạ lợp nhà, con cu chẻ lạt, con gà đánh tranh..."
Bà quay sang ông:
-- Sao hôm nay ông đa sự quá. Tôi không biết ông với con Thảo tới năm nào, tháng nào mới hết sậm sặc với nhau. Cha con cứ như là mặt trăng, mặt trời vậy đó... Sao cháu bà không ngủ mà cằn nhằn vậy hả? Con muốn uống sữa phải không? Ðể bà đi pha sữa cho con nghe...
Bà bước đi vô trong vẫn nghe ông Tâm lẩm bẩm:
-- Trong nhà này có hai đứa... Bà đừng quay lại nhìn tôi như vậy... thằng Thương với con Thảo! Trước sau gì hai đứa này cũng làm tui bể cái đầu phen nữa cho coi!
***
Tình đã đi về rồi mà bà Tâm vẫn còn thẫn thờ không biết phải làm gì để đầu bà khỏi phải quay cuồng, nhức nhối. Trời ơi! điều bà lo sợ canh cánh bên lòng đã trở thành sự thật. Sự ghen hờn làm bà nghẹn thở. Bà ho từng chập. Mỗi lần ho, bà cảm thấy một bên ngực đau nhói. Ðầu bà cũng đau, tai bà kêu lùng bùng. Ông Tâm có lẽ không bao giờ ngừng yêu thương bà Mai. Bà suy đoán thêm, những khi ông đi ra ngoài, những cú điện thoại vội vàng hấp tấp, những cử chỉ lúng túng của ông khi nói chuyện với bà.
Lòng bà cũng nhói đau khi bà nghĩ đến một ngày nào đó, bà sẽ mất ông và bà cũng sẽ mất luôn cả Tình. Bà nhớ đến nét mặt vô tình khi Tình trả lời câu hỏi của bà là có hay về thăm bà Hồng thường thường hay không, rồi bà dò coi Tình có gặp bà Mai nhiều lần chưa, Tình vô tình nói:
-- Dạ có má.
Mặt bà tái đi, bà run run hỏi:
-- Con có gặp dì ... đó... nhiều lần lắm sao?
-- Dạ có chớ má. Dì Mai và dì Hồng như bóng với hình mà. Con cũng có tới thăm dì Mai, con cũng nói chuyện nhiều với dì Mai nữa.
Trời ơi! Ðầu bà bừng bừng. Không biết bà Mai có tiết lộ với Tình điều gì chưa? Tình có biết một tí xíu bí mật nào về cuộc đời của chính nàng chưa. Bà dọ dẫm:
-- Vậy... vậy... con thấy dì Mai ra sao hả con? Con thấy... thấy dì... dễ thương không?
Tình nhớ lại vẻ mặt lo lắng một cách thái quá của bà Mai đối với nàng. Bà Mai có một vẻ kỳ lạ khi nhìn nàng. Bà nhìn nàng một cách, có thể gọi là quá âu yếm, ánh mắt bà là sự kếp hợp của yêu thương, u buồn, đau khổ, xen lẫn một sự chịu đựng, nhẫn nhục. Tại sao? Tại sao? Ðôi khi rỗi rảnh, Tình đã ráng phân tích mà không được. Tình hơi nhíu mày nói:
-- Dì Mai cũng dễ thương lắm má. Có điều... đôi lúc con thấy dì... có vẻ... làm sao ấy!... Khó tả lắm má à!
Bà Tâm nghe trống ngực đánh mạnh, bà hỏi dồn:
-- Khó tả? Khó tả? Làm sao hả con? Mà tại sao con lại nói khó tả?
-- Con thấy dì hơi kỳ cục một tí. Chẳng hạn dì Mai hay nhìn con đăm đăm, rồi hễ có dịp là dì cầm lấy tay con chặt cứng làm con hơi... khó chịu... nhưng con lại tội nghiệp dì... Má thấy không? Khó tả lắm.
Bà Tâm cố nén một tiếng thở dài:
-- Vậy sao? Chắc bà... à, dì Mai có tâm sự gì đó nên con nói dì có những cử chỉ bất thường phải không con?
-- Dạ chắc vậy đó má. Con cũng không biết nữa. Nhưng... nhưng anh Minh cũng thấy như vậy nữa. Thành ra, có một dạo, con và anh Minh không muốn qua nhà dì Hồng nữa.
Tình thấy bất nhẫn khi nói vậy, nên nàng chữa lại:
-- Không phải là con không thích dì Mai, nhưng cử chỉ của dì làm con bối rối thôi. Nhưng con cũng nhớ, dì nói như vầy nè má...
Bà Tâm nín thở nhìn Tình. Bà mong Tình nói rõ từng chi tiết để ba coi bà Mai có ý định tiết lộ thân thế của bà ta hay không. Nghe Tình nói nàng khó chịu không muốn gặp bà Mai nữa, bà tràn trề hy vọng. Nhưng tiếng Tình vẫn vô tình:
-- Dì Mai có kể một lần, là dì có đứa cháu kêu dì bằng dì, giống con lắm, thành ra dì thấy con, dì nhớ đến cháu dì. Mà chắc đúng vậy đó má. Dì nhìn con như đang nhớ tới ai vậy.
Bà Tâm giật mình. Trời ơi! Còn nhớ ai đây nữa! Bà Mai nhìn Tình và nhớ đến người tình của bà chớ nhớ ai! Mặt bà bừng bừng như lên cơn sốt khi bà nghĩ ra ông Tâm cũng có những giây phút ngồi lặng yên trên ghế, nhìn ra ngoài, mặt ông đăm chiêu, như không nhớ ra ông đang ở đâu, đang làm gì, đang nói chuyện với bà mà tâm trí ông như ở đâu đâu. Bà Tâm không muốn cho Tình nghi ngờ, cố lấy giọng tự nhiên:
-- Vậy dì Mai có nói cho con là cháu của bà ta ở đâu hay không? Tại sao bà ta không đi gặp?
-- Dạ dì Mai không có nói, con cũng không dám hỏi, vì sợ biết đâu cháu dì đã mất rồi hay đã bị một tai nạn nào đó.
Nghe lời nói chân thật, đôn hậu của Tình, bà nói nhỏ:
-- Con nói đúng lắm! Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, tâm sự riêng, tốt hơn mình chỉ nên thông cảm cho người ta là được rồi... không nên... hỏi thêm.... Nếu con hiểu được như vậy thì đáng lẽ con thương dì Mai hơn, chớ sao con lại cố tình tránh bà ấy?
-- Dạ bây giờ thì dì đỡ hơn rồi má. Hơn nữa con cũng đã lần lần quen với thái độ của dì rồi. Nhưng con cũng bận quá nên cũng không thăm dì Hồng và dì Mai thường được.
Bà Tâm cảm thấy hơi yên tâm, như vậy bà Mai cũng chưa nói điều gì quá đáng và Tình cũng hoàn toàn không hề nghi ngờ gì hết. Tình chợt nhớ ra bà Mai đã đến thăm nàng khi nàng bệnh, Tình kể cho bà Tâm nghe. Sự khó chịu lại trở lại cùng bà Tâm, khi nghe câu chuyện. Bà nói như trách móc là Tình đã không kể cho bà nghe chuyện đó. Tình nói nàng quên và kể tiếp, hôm đó, nàng nấu hủ tiếu cho Thảo, bà Hồng và bà Mai ăn, nhưng cuối cùng ai cũng hấp tấp đi vội cả. Bà Tâm ngạc nhiên:
-- Sao vậy?
Tình nhớ lại nét mặt hốt hoảng của Thảo khi nghe tin ông Tâm lại. Nàng khẽ phì cười, chuyện này thì không cần phải nói lại với bà Tâm sợ bà lại khó chịu với ông Tâm. Cũng vì ông khó quá nên con cái đứa nào cũng ngại gần gũi ông. Nhưng thái độ hấp tấp của hai bà dì khi nghe tin ba nàng sẽ đến, thì cũng là sự lạ. Tình nói:
-- Tại vì tự nhiên ba gọi con. Hai dì nghe vậy, đòi đi liền.
Bà Tâm lại biến sắc:
-- Ổng gọi chi vậy?
-- Ba hỏi con hết bệnh chưa?
Bà Tâm cười lạt:
-- Chắc ổng biết bà Hồng với bà Mai ở đó, nên gọi chớ gì?
Tình lắc đầu:
-- Không phải đâu má! Ba làm sao biết được?
-- Ba con không biết cái gì, chớ cái đó thì ba con biết hay lắm.
Tình nhìn bà Tâm, có vẻ không hiểu:
-- Ba không biết đâu. Vì nghe con nói, ba mới biết mà!
-- Rồi sao? Rồi khi nghe nói có hai bà ở đó, thì ba con đòi tới chơi phải không?
Tình mở to mắt:
-- Ủa! Sao má hay vậy? Ðúng vậy đó má. Ba nói để ba tới thăm con.
Bà Tâm ngồi tê tái. Bà đoán không sai. Khi ông Tâm nghe có bà Mai ở đó, ông không thể nào không đến thăm được. Không biết từ hồi bà Mai qua tới giờ, ông đã đi thăm bà ta bao nhiêu lần rồi. Và những lần thăm đó, đâu phải lúc nào cũng có bà Hồng hay một người thứ ba nào khác. Và họ đã nói những gì với nhau, có những cử chỉ hay lời nói âu yếm nào với nhau hay không?
Tình kể cho mẹ nghe sự việc xảy ra hôm đó. Bà Tâm lại nở nụ cười khó hiểu. Bà nghĩ, nếu bà Mai có phương tiện đi một mình, chắc bà không chịu đi liền như vậy đâu. Bà đoán ra vẻ mặt thất vọng của ông Tâm, khi ông qua tới nơi, người yêu cũ không còn ở đó nữa, bà cười gượng:
-- Khi ba qua, không có hai bà ở đó, ba nói gì? Chắc thất vọng và tiếc hùi hụi phải không?
Tình nhìn mẹ ngạc nhiên. Hôm nay hình như bà Tâm không được khỏe. Hình như bà đang nói chuyện với Tình mà trí óc thì ở đâu đâu, rồi lại nói những câu không có đầu, không có đuôi làm nàng khó hiểu quá. Ðã vậy, sau mỗi câu nói, hình như bà đã cố gắng hết sức để đừng ho. Nhưng bây giờ, khi nghe hết câu chuyện, bà lại ho. Lúc đầu ho nhè nhẹ, sau ho dữ dội. Bà lấy tay ôm cổ. Tình vội vàng đi đến gần mẹ, nàng lo lắng:
-- Má có vẻ mệt lắm đó. Má nhớ uống thuốc cho đều nghe. Vài ngày nữa mà má không bớt ho, chắc phải đổi bác sĩ khác.
Tình đứng lên, thu hết mấy xấp đồ may để mỗi nơi một cọc dầy để lại một chỗ:
-- Ðể con mang về hết, may cho má. Má ho lắm, không may được đâu.
Bà đưa tay làm dấu cản. Nhưng tay bà tự nhiên rơi thõng xuống. Bà biết, bà không còn sức lực nào mà may với vá. Câu chuyện của Tình vô tình kể lại, đã mang hết sức lực của bà đi rồi. Sau mấy chục năm ăn ở cùng nhau, ông Tâm vẫn còn háo hức gặp lại người yêu cũ. Lòng bà đau nhói. Bà lờ mờ thấy hạnh phúc của ông và bà đang bị một đám mây đen bao phủ. Bà nhìn Tình, lòng đớn đau. Ðứa con gái nết na thùy mị, hồi giờ vẫn thương yêu, kính trọng bà tuyệt đối như con ruột, chắc rồi một ngày không xa, cũng sẽ rời xa bà, khi nó biết mẹ ruột nó là ai. Trời ơi! Bà không muốn mất chồng! Bà lại càng không muốn mất con. Tình hiếu thảo quá. Ðã nhiều lần bà hỏi Tình, là Minh có tỏ vẻ gì khó chịu khi nàng phải gánh vác mọi chuyện trong nhà cha mẹ không? Tình đã quả quyết trả lời là Minh đã hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình trước khi cưới nàng mà. Lòng nàng ngay thẳng, tốt bụng, nên nghĩ rằng ai cũng tốt bụng như mình, đơn giản như vậy mà thôi.
Tình mang thuốc ra cho mẹ uống xong xin phép về nấu cơm cho Minh. Tình tỏ vẻ lo lắng vì nét thẫn thờ trên mặt mẹ. Cái nhìn u buồn của bà Tâm làm Tình nhớ đến cái nhìn u uất của bà Mai. Nàng có vẻ suy nghĩ khi chất những mớ đồ lên xe. Những sợi giây chỉ lòng thòng vướng qua cánh cửa xe, bay vật vờ trong không khí. Tình chợt nhớ, hôm nay Tình hứa đi xi nê với Minh sau khi chàng tan sở. Tình nhấn ga mạnh hơn.
***
Buổi chiều, sau khi đi làm từ tiệm làm móng tay về, bà Mai và Thảo nhận lời đi ăn tối cùng ông Ngô. Nhưng sau đó, Thảo nhớ ra có một cái hẹn khác, nàng cáo lỗi, nói bà Mai và ông Ngô đi trước, khi xong chuyện, nàng sẽ tới sau. Bà Mai hơi ngại, nhưng sợ ông Ngô buồn vì ông đã tha thiết mời, nên bà Mai dặn Thảo đi nhanh nhanh rồi đến để bà khỏi chờ. Thảo đưa tay vẫy và nói dì yên tâm, "chú Ngô không bắt cóc dì đi luôn đâu". Ông Ngô chỉ nở một nụ cười thật lịch sự trước câu nói đùa của Thảo. Ông đã chiếm được cảm tình của bà Mai sau vài lần gặp gỡ. Ðược ở gần ông, nghe ông nói chuyện, pha trò, bà Mai cũng cảm thấy vui vui. Ðã lâu rồi, bà không tiếp xúc nhiều với người khác phái, nên những giờ phút gần người bạn trai duyên dáng nầy, cũng thú vị. Ông Ngô thì hình như cũng có vẻ quyến luyến bà Mai. Ông đoán Thảo chẳng có việc gì phải đi cả, nàng chỉ muốn tạo cơ hội cho ông và bà Mai gặp nhau thôi. Ông thầm cảm ơn Thảo.
Tiệm ăn được xây bên cạnh một bờ hồ. Buổi chiều không khí dịu dàng. Bóng chiều đã chụp xuống không gian. Những bóng đèn lấp lánh dọc hai bên hồ. Trời không một gợn mây. Ông Ngô, như thường lệ, áo quần chải chuốt, đúng mức, quần kaki, áo pull màu xanh xám. Ông ta có vẻ trẻ trung so với cái tuổi 62 của ông. Bà Mai bận một quần tây màu xanh nước biển và một cái áo lụa màu tím hoa cà. Tóc bà được búi cao và có giắt một cây kẹp cũng màu tím hoa cà.
Ông Ngô lịch sự kéo ghế cho bà Mai. Bà nhìn quanh hồ và khen tiệm này còn đẹp hơn cái tiệm cũ mà ông đã mời bà đi ăn lần trước. Bà cũng có ý mong Thảo xong việc để cùng ăn và ngắm cảnh. Nghe nhắc tới Thảo, ông Ngô khen Thảo lanh lợi, khôn ngoan. Ông đưa tay mời bà Mai khi người bồi bàn mang ra một ly nước cam:
-- Mời chị uống nước. Chị quen với gia đình cô Thảo lâu chưa?
Bà Mai có vẻ bối rối. Bà nói bà cũng chỉ mới quen qua bà Hồng. Thấy bà có vẻ ít nói, ông Ngô cười cười:
-- Quen chị cũng đã khá lâu mà lúc nào chị cũng ít nói ghê vậy đó. Hy vọng tôi không làm cho chị ghét.
Bà Mai lại càng bối rối. Bà không muốn ông Ngô nói bà bất lịch sự, bà nói:
-- Anh cứ nói thế! Ai mà dám ghét anh...
Ông Ngô cười, kéo chiếc ghế sát lại bà Mai hơn:
-- Tôi đùa để chị cười thôi. Xin phép cho tôi ngồi gần hơn một tí được không?
Hơi bất ngờ trước cử chỉ thân mật của ông Ngô, bà Mai có vẻ mắc cỡ:
-- Dạ đâu có gì mà anh phải xin phép. Nhưng... nhưng ngồi như vậy anh khó nhìn mặt hồ hơn?!
-- Hồ thì có gì đâu mà phải nhìn chớ? Nhìn chị nói chuyện, nhìn chị cười, thú vị hơn nhiều.
Bà Mai đỏ mặt. Bà thích thú nghĩ thầm "anh chàng này coi bộ lém lỉnh lắm". Bà cũng chọc lại:
-- Ủa! sao hồi nẫy anh nói ra đây để ngắm hồ mà! Anh quên rồi sao?
Ông Ngô cố nở một nụ cười thật duyên dáng:
-- Không nói như vậy, làm sao bắt cóc chị được chứ? Mà chị... chị... à... Mai có thích cảnh vật ở đây không?
Bà Mai mỉm cười và hơi ngượng khi nghe ông Ngô muốn đổi cách xưng hô, bà làm bộ tự nhiên:
-- Dạ thưa, thích lắm. Cô Thảo không tới sẽ tiếc lắm phải không? Anh nghĩ cô Thảo tìm chỗ này được không?
Ông Ngô gật đầu bảo bà Mai yên tâm, Thảo lanh lẹ tìm đường không khó. Tuy nói vậy, nhưng ông nghĩ Thảo sẽ không đến. Ông nhìn quanh theo bàn tay của bà Mai. Khung cảnh đẹp thật. Nước được phản chiếu bởi những ánh đèn màu như tỏa lên từ đáy hồ. Những hàng cây liễu rủ như người thiếu phụ đang xõa tóc bên bờ. Gần đó, một rặng thùy dương đang đu đưa trước làn gió đêm. Tóc bà Mai tuy đã kẹp lên, nhưng những sợi tóc mai, tóc sau gáy, đã theo cơn gíó tung ra, bay vờn trong gió. Bà Mai đẹp quá. Cổ bà cao như cổ một con thiên nga quý phái. Mắt bà to và sâu, cũng lóng lánh theo ánh đèn. Lòng ông Ngô tự nhiên xao xuyến. Ông nói nho nhỏ, chỉ đủ cho bà Mai nghe:
-- Cảnh vật đẹp hay làm say đắm lòng người phải không Mai? Cho phép tôi... gọi là Mai nhé.
Bà Mai cúi đầu, như một lời chấp nhận. Tiếng nói trầm trầm của ông Ngô vẫn như ru bên tai bà:
-- Một cảnh vật, một mùi hương nào cũng làm mình nhớ đến kỷ niệm nào đó... nhất là người có tâm sự như Mai... thì dễ cảm xúc lắm. Tôi mong Mai vui và hưởng một buổi tối trong không khí tuyệt diệu như vầy.
Lời nói của ông làm bà Mai xao xuyến. Có phải bà là người có tâm sự và dễ cảm xúc hay không? Ông Ngô đã biết gì về bà chưa? Bà chợt nhớ đến những chuyện xưa. Một người trung uý trẻ tuổi cũng đã nói những lời tương tự bên tai bà. Sau mấy chục năm trời, tình bà vẫn còn đây mà người tình xưa bây giờ không còn là của bà nữa. Bà chợt thở dài. Mắt bà long lanh ngấn lệ. Bà nhớ tới cái quán ở đầu làng. Cũng có nước, có mây. Hai người trẻ tuổi yêu nhau. Bà nhớ tới quê nhà, nhớ lại những bạn bè thân thuộc. Bà nói giọng thật buồn:
-- Cứ mỗi lần nhìn ngắm một cảnh vật nào, tôi lại hình dung về quê nhà, nơi chôn nhau, cắt rốn.
Thấy bà Mai tự dưng có vẻ buồn buồn, ông bạo dạn nhẹ nhàng cầm tay hỏi:
-- Thế nơi đó, Mai có còn ai là thân thuộc không?
-- Dạ không. Ba má Mai đã mất cả rồi...
Ông Ngô bóp nhẹ bàn tay của bà Mai:
-- Tôi xin lỗi đã khơi lại nỗi buồn của Mai.
-- Dạ không sao. Ba mẹ Mai mất cũng khá lâu, nhưng mỗi lần nghĩ đến, Mai lại cứ ngỡ mới hôm qua... Có những chuyện muốn quên, lại cứ nhớ....
Ông Ngô thấy bà đã nói chuyện lại bình thường, ông nhìn ra mặt hồ loang loáng nước:
-- Bởi vậy mới rắc rối cuộc đời! Có những chuyện muốn quên, lại nhớ, có những chuyện muốn nhớ lại quên!
-- Tôi thì hình như chỉ có những chuyện muốn quên lại nhớ, nhưng hình như chưa có chuyện nào muốn nhớ lại quên cả.
Ông Ngô cười xòa:
-- Như vậy là hay lắm, vì những chuyện cố nhớ mà lại quên coi bộ còn rắc rối hơn những chuyện cố quên mà vẫn nhớ đó Mai.
Người bồi bàn đã mang ra món cá nướng cuốn bánh tráng. Một dĩa rau sống tươi xanh bày thật đẹp mắt trên một chiếc đĩa to, tròn, ở giữa là những lát dưa leo xắt dài cùng những sợi cà rốt, cải được ngâm chua. Cô bồi bàn đẩy qua, đẩy lại những chén dĩa cho gọn rồi đặt một đĩa bánh tráng đã nhúng xuống bàn. Ông Ngô dùng hai ngón tay gỡ một miếng bánh tráng đặt lên chiếc đĩa nhỏ của bà Mai. Ông săn sóc bà Mai một cách thật tình. Hai người vừa ăn uống vừa chuyện trò đủ thứ chuyện. Khi bữa ăn kết thúc, thì ông Ngô và bà Mai đã có vẻ thân mật hơn. Ông Ngô đã gọi một bình trà nóng sau khi ăn những miếng cam thật nhiều nước, thật ngọt. Rót cho ông một tách trà, bà Mai hỏi:
-- Dạ nếu anh cho phép, Mai xin hỏi anh là chị nhà ra sao?
Ông Ngô có vẻ rất tự nhiên:
-- Nhà tôi mất... lâu rồi chị.
Bà Mai nhắc lại câu của ông Ngô:
-- Xin lỗi đã khơi lại nỗi buồn của anh.
-- Nhà tôi và 2 đứa con, một trai, một gái đã bị mất tích cách đây cả 20 năm rồi, trong một chuyến vượt biên.
-- Tội nghiệp chưa! Lúc đó anh ở đâu?
-- Tôi di du học rồi kẹt ở bên này. Nhà tôi nóng ruột, không chờ tôi bảo lãnh, đã tìm đường đi trước, chẳng may tàu gặp bão bị chìm, mất tích.
-- Như vậy anh nghĩ cả tàu đã chết hết hay sao? Biết đâu có người trôi dạt đến một nơi nào đó?!
Ông Ngô trầm ngâm, sau khi bặt tin vơi vợ một thời gian, ông đã tìm cách liên lạc mọi nơi nhưng không có một hy vọng nào cả. Nhiều năm tháng đã trôi qua, hy vọng của ông cũng đã tiêu tan. Ông nói cho bà Mai biết và kết luận:
-- Chắc chắn nhà tôi và 2 đứa con đã bỏ mình trên biển cả rồi Mai ạ. Tôi đã thăm dò khắp nơi, kể cả hội Hồng Thập Tự Quốc Tế. Nếu sống sót, dù ở đảo hay ở nước thứ ba nào đó, chắc chắn nhà tôi đã tìm mọi cách liên lạc với tôi rồi.
Ông Ngô cũng tâm sự thêm là lúc đầu, ông cũng như điên, như cuồng, ông đã đi hết tiểu bang này, đến tiểu bang kia cho khuây khỏa. Nơi nào ông cũng ở một thời gian ngắn. Trước khi ông tới Texas này, ông đã lưu lại California một thời gian. Ông chép miệng nói không biết đây có phải là nơi dừng chân cuối cùng của ông hay không.
Bà Mai hỏi:
-- Nhưng anh có thích nơi đây không chứ?
Ông Ngô nhìn bà Mai với một cái nhìn đầy ý nghĩa:
-- Thì cũng có cái thích, có cái không. Thật ra không có cái gì có thể ràng buộc mình, trừ tình cảm phải không Mai?!
-- Ý anh ra sao? Mai chưa được hiểu.
-- Này nhé, nếu mình làm thật nhiều tiền nhờ vào một nghề nào đó, dù là làm công hay tư thì cũng có lúc mình sẽ không được vừa ý với công việc, mình sẽ bỏ, nhưng...
Bà Mai cười chọc:
-- Thì tình cảm cũng vậy thôi, trước thì thích sau không thích nữa, bỏ, cũng là chuyện thường thôi.
Nói tới đó, bà thôi cười, một điều gì nao nao làm bà phải nói:
-- Ðâu có tình yêu nào bền vững với thời gian đâu anh!
Bà cố nén tiếng thở dài, rồi tiếp:
-- Chỉ có tình mẫu tử mới có thể tồn tại mà thôi!....
Nói xong bà có vẻ buồn, mắt long lanh. Ông Ngô nhìn mào mắt bà Mai:
-- Hình như Mai đang có một tâm sự gì phải không? Có thể chia sẻ với tôi được không?
Bà Mai gượng cười:
-- Không có gì. Tôi chỉ nói chung chung mà thôi.
Ông Ngô cũng có thể đoán được bà Mai chưa nói ra sự thật. Ông kín đáo nhận xét người đàn bà trước mặt. Bà Mai vẫn còn đẹp lắm, nhưng nét đẹp của bà có một cái gì thật buồn. Mắt bà to và sâu. Da bà trắng và mịn, có những đốm tàn nhang lốm đốm. Lông mày bà cong vòng, dài. Tóc bà còn rất dày, điểm một vài chỗ bạc trên chóp đầu, nhìn kỹ mới thấy. Chợt ông nhíu mày, ông thấy bà giống một người nào đó, mà nhất thời, ông không nhớ ra. Ông cau mày cố nhớ, nhưng chịu, không nhớ được. Ông mời bà một ly nước trà khác và hỏi nếu bà có thể cho ông biết một chút về bà, như chuyện gia đình chẳng hạn. Bà Mai nhìn ra ngoài hồ, những tàn cây đong đưa theo ngọn gió mát lạnh ban đêm, bà nói:
-- Tôi đã làm mẹ một lần rồi anh.
-- Hèn gì! lúc nãy chị có nói về tình mẫu tử! Vậy bây giờ cháu ở đâu?
Bà Mai chợt lúng túng:
-- Dạ... dạ... cháu không ở với tôi nhưng cháu ở... cháu ở với cha mẹ nuôi của cháu.
-- Ủa! Sao không ở với chị mà lại ở với cha mẹ nuôi?
-- Dạ vì lúc sinh cháu, tôi có vài vấn đề với gia đình, cần giải quyết, nên phải gởi cháu... cho anh chị tôi nuôi đó anh... thành ra... thành ra... cháu cũng coi vợ chồng anh tôi như cha mẹ ruột.
Ông Ngô nhìn bà Mai một cách thương cảm:
-- Còn Mai thì sao? Vậy Mai làm sao chịu nổi? Bây giờ cháu ở đâu? Ở đây?
Bà Mai chợt thấy mắt cay cay:
-- Không... Cháu ở xa đây lắm anh.
Ông Ngô cầm tay bà:
-- Xa lắm là xa làm sao? Mai có liên lạc với ông bà đó không?
-- Tôi không muốn làm họ bối rối... Trước khi giao con cho họ... tôi có hứa là không liên lạc...
Ông Ngô à lên một tiếng như nói rằng, ông đã hiểu tại sao bà Mai nhớ con, thương con mà không liên lạc. Ông ái ngại nhìn bà Mai. Tự nhiên bà Mai bối rối, nhìn ra cửa:
-- Cô Thảo coi bộ không tới được rồi hả anh?
-- Chắc vậy. Cô này ranh mãnh lắm. Chắc có hẹn hò với ai nên mới đặt chuyện đó thôi.
Chợt bà Mai nhớ thái độ có vẻ bồn chồn của Thảo ngày hôm nay, bà nói:
-- Có thể là Thảo nói thật, vì ngày nay, tôi thấy cô ấy có vẻ bức rứt, khó chịu. Không biết Thảo có chuyện gì khó giải quyết hay không? Nếu Thảo không đến được thì chắc phải nhờ đến anh rồi.
-- Ðược quen với Mai là một điều may mắn cho tôi sao Mai lại bảo là phiền chớ? Không biết chừng nào tôi mới có dịp nói chuyện với chị Hồng của chị đây? Nghe chị tả, tôi đã đoán chị Hồng là một người bạn rất tốt.
-- Nếu không có chị Hồng, thì không biết thân phận tôi ra sao nữa?
-- Vậy sao? Còn chị Hồng với gia đình Thảo thì quen nhau ra sao?
-- Họ đã quen và biết nhau từ khi còn ở Việt Nam. Họ coi chị Hồng như người trong gia đình. Mấy đứa con của họ cũng quý chị lắm.
Ông Ngô nhớ ra một điều, liền hỏi bà Mai:
-- Con của ông bà Tâm có một người con gái tên Tình, người mà chị nói giống... giống ... cháu chị phải không? Có phải cô Tình giống... giống đứa cháu... con thất lạc của chị không?
Sắc mặt bà Mai chợt biến đổi, bà cười gượng:
-- Không ... không phải giống ... con đâu, chỉ giống đứa cháu ruột, kêu dì mà thôi.
Trí nhớ của ông Ngô cố làm việc. Ông nhớ ra bà Mai giống ai trong trí của ông rồi. Ông cảm thấy có một màn bí mật đang còn phủ lên cuộc đời bà Mai. Chuyện gì ông chưa rõ lắm, nhưng phải có. Thấy bà có vẻ bối rối, ông giả bộ thản nhiên nói:
-- Vậy sao? Bộ giống lắm hả Mai?
Bà Mai cảm thấy toàn thân trở nên lạnh mặc dù khí hậu thật lý tưởng. Bà lấy tay kéo cái cổ áo lên. Tay bà cũng đang run. Bà cảm thấy ông Ngô hình như đang nhìn bà một cách nghi ngờ, soi mói. Bà run run cầm tách trà lên, nhưng tách trà đã theo bàn tay run rẩy của bà rơi xuống. Ông Ngô vói cầm tay bà, tay bà lạnh ngắt:
-- Mai! Mai có sao không?
Bà nói nhỏ:
-- Không biết tại sao tôi cảm thấy chóng mặt. Chắc trúng gió. Nhờ anh đưa tôi về.
Ông Ngô bảo bà đợi ông vài phút để ông tính tiền xong trở lại chở bà về ngay. Bà Mai ngồi chờ ông mà như ngồi trên đống lửa. Không xong rồi, chắc mình đã tự tiết lộ những điều không nên tiết lộ. Bà nhớ lại vẻ mặt của ông Ngô mà lòng thật sự thật bất an. Bà ráng nhớ lại những điều bà đã nói và tự trách mình đã nói nhiều quá.
***
Minh lạnh lùng nhìn Tình khóc. Khi nào cũng vậy, hễ nói động đến gia đình Tình là nàng dỗi hờn. Ðôi lúc Minh thấy thật bực dọc. Mang tiếng là vợ của chàng, nhưng Tình lúc nào cũng ở bên gia đình của nàng. Tình chỉ canh khi nào Minh sắp về, thì mới về nhà, lo cho xong bữa cơm rồi ngồi vào bàn may, có khi ăn xong, nàng lại tìm đủ lý do để về bên nhà. Như chiều nay cũng vậy, sau khi ăn cơm xong, Minh ngồi coi đá banh trên TV, nói chuyện được dăm ba câu chuyện về football thì Tình đã tìm cách đòi về nhà. Minh cố nói đủ chuyện để xem Tình có đổi ý hay không, nhất là chàng đã bảo nàng đã làm việc nhiều quá, không tốt cho sức khỏe, nhưng Tình nói:
-- Má không khỏe, em muốn qua thăm má một tí cho má vui. Hơn nữa, không biết chừng nào con Thảo mới về, bé Thủy quấy, má đâu có chịu nổi.
Minh bực mình gằn giọng:
-- Nếu em cứ ngồi đó mà lo đủ thứ, thì không biết làm sao em lo cho xuể! Anh tưởng bữa nay, em dành thì giờ cho anh một chút...
Tình đã rơm rớm nước mắt, nói Minh khó khăn, không thông cảm. Nàng nhắc lại lời hứa của Minh trước khi hai người lấy nhau. Minh ráng nhịn, nhưng giọng cũng rất gay gắt:
-- Em còn muốn anh làm sao nữa thì em mới cho là anh thông cảm đúng mức? Cả ngày, khi anh đi làm, em đã phụ gia đình em may vá, nấu ăn hay là giữ bé Thủy. Anh thiết nghĩ em lo chu toàn bổn phận cho gia đình em rồi... Vậy mà tới khi anh về tới nhà, em cũng không có một thời giờ nào rảnh rỗi cho anh cả. Như vậy em coi, em có làm tròn bổn phận của một người vợ chưa?
Tình bật khóc. Minh nhìn Tình một cách khó chịu. Hễ động tới là khóc! khóc! Ai mà chịu nổi! Tình còn nói là Minh thay đổi tính tình, không giống lúc xưa. Minh cũng bực mình nói khi xưa Tình cũng đã không dành cho chàng bao nhiêu thì giờ, đến hôm nay lại còn tệ hơn nữa. Nghe Minh nhắc lại chuyện nàng không dành cho chàng nhiều thì giờ lúc mới quen nhau, Tình bỗng nói trong nghẹn ngào:
-- Anh đã biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình em từ hồi nào tới giờ, chớ phải mới biết đâu mà anh còn dám nhắc đến chuyện xưa hả? Muốn nhắc thì em nhắc cho! Bộ chuyện đó đẹp đẽ lắm sao mà nhắc? Lúc đó cũng vì em không có nhiều thì giờ nên anh... nên anh...
Minh lắc đầu chán nản:
-- Chuyện đó cũ mèm! Muốn nhắc thì cứ nhắc! Anh chả có việc gì phải khó chịu cả! Lúc đó, cũng vậy, em bận hết chuyện nọ, lại bận chuyện kia! Không có em, thì nói chuyện với người khác, cho vui, thế thôi! Anh chả có làm điều gì xằng bậy cả!
Tình cười nhạt:
-- Anh có làm điều gì xằng bậy thì lương tâm anh biết, em làm sao biết được?
Minh gằn giọng:
-- Em muốn nói gì cứ nói huỵch toẹt ra! Em nghi ngờ điều gì? Em nói ra đi!
-- Em đã nói rồi! Anh có làm điều gì trái với lương tâm, thì tự biết!
Nói xong Tình ngồi khóc sụt sùi. Vết thương năm cũ, giờ tự nhiên mưng mủ trở lại. Lòng nàng đau nhói. Nàng nhớ những ngày giờ nàng đau khổ vì hờn ghen. Nàng đã phải rời bỏ cha mẹ và các em, đi xa, trốn chạy một mối tình tuyệt vọng. Nàng không dám trách em, cũng không dám trách Minh, chỉ trách là mình vô duyên nên không được lòng yêu của Minh trọn vẹn. Nàng đã trải qua những ngày buồn hiu, cô độc với người dì ở Canada, cho tới khi nghe tin mẹ bị đau nặng. Nước mắt của nàng vẫn buồn tủi lăn xuống má. Minh lạnh lùng:
-- Ai đã làm cho em khổ? Em cứ ngồi suy nghĩ đi! Ai làm em khổ? Em tự làm em khổ, gia đình em làm em khổ! Sự lo lắng bao đồng của em, làm em khổ! Không việc gì tới anh cả! Lúc nào em cũng tìm món này, món nọ nấu nướng cho gia đình em. Em ôm cả đống quần áo của má nhận lãnh, đem về hùng hục may cả ngày, cả đêm để má em giao cho đúng ngày. Chưa hết! Còn thì giờ thì em giữ con cho con Thảo. Hừ! Em làm như bé Thủy là con của em không bằng!
Tình mím môi, nhìn Minh:
-- Thì ra anh giữ con bé thì được! Còn em giữ thì không được à?
Minh giật mình trước cái nhìn nóng nẩy của Tình, nàng muốn nói gì vậy? Mặt Minh đỏ, rồi tái đi:
-- Em nói như vậy có nghĩa gì? Anh giữ con cho con Thảo hồi nào?! Tại sao em lại gây sự vô lý như vậy?
-- Bây giờ anh đỗ lỗi lại cho em vì em nói trúng tim đen của anh đúng không? Anh nhớ coi ai là người gây sự? Anh nói anh không giữ bé Thủy hả? Anh nói mà không mắc cỡ! Ai chở con Thảo vào nhà thương sanh? Ai ngồi chờ nó sanh? Ai ký giấy cho nó mổ? Ai đi qua đó để ẵm bồng, thay tã, cho nó bú sữa?
Minh đá vào cái ghế, to tiếng:
-- Thì ra đầu óc em hẹp hòi, em bày đặt cả những chuyện tưởng tượng này để em đay nghiến anh phải không? Gia đình em đã vì một chuyện bé, xé ra cho to để con Thảo phải lang thang ở ngoài đường, anh vì tội nghiệp nên mới bị vạ lây. Bây giờ em còn nói anh thế này, thế nọ! Em nói ngược như vậy mà nói được hả?!
Tình khóc to, bù lu, bù loa:
-- Phải! gia đình em xấu xa lắm! Tại sao anh còn ưng em? Bây giờ anh hối hận phải không? Anh muốn bỏ em thì anh cứ bỏ, anh đừng hối tiếc! Hay anh muốn em rời nơi đây để anh vừa lòng?
Tình nói xong, vùng vằng đi vô phòng. Tiếng khóc và tiếng la to của Tình làm Minh giật mình. Chàng chợt hối hận đã la Tình, to tiếng vơi Tình. Tựu trung, nàng vẫn là một người tốt. Chàng chạy theo ôm vợ vô lòng dỗ dành:
-- Em Tình! Em! Anh xin lỗi! Cho anh xin lỗi. Em đừng khóc nữa. Tại anh nóng tính, anh đã nói những điều không phải, làm em buồn. Anh không có ý đó đâu. Anh chỉ nói vì tức giận mà thôi. Em nín đi. Nín đi nghe em.
Lúc đầu Tình muốn vùng ra khỏi tay Minh, nhưng Minh đã ôm nàng thật chặt và tiếp tục xin lỗi nên Tình mới chịu đứng im. Nàng chua chát nghĩ thầm, chính những lời nói trong lúc nóng giận mới làm nàng thấu hiểu được tấm lòng của Minh. Chàng đã chê bai gia đình nàng và nói nàng không làm đầy đủ bổn phận của một người vợ. Lòng nàng đớn đau. Hạnh phúc của nàng đang lung lay. Tình vẫn nức nở:
-- Nếu anh không thương em nữa, em sẽ về lại với ba má em. Em trả tự do lại cho anh.
Minh ôm chặt lấy Tình, đưa tay nâng cằm nàng lên, dỗ dành:
-- Em! Em đừng nói như vậy, anh buồn lắm. Anh rất hối hận về những gì anh đã nói với em. Anh xin lỗi em. Nhưng hãy hiểu cho anh, tại em nói những điều oan ức cho anh.
Nhớ lại những lời mình nghi ngờ Minh, Tình cũng hơi hối hận. Nàng thấy mắc cỡ với Thảo, với Minh và nghĩ tới bé Thủy, nàng hối hận. Tội nghiệp bé Thủy. Nàng lau nước mắt:
-- Em cũng xin lỗi anh. Em nói trong lúc bực tức mà thôi.
Nàng đẩy vòng tay của Minh, đi ra ngoài. Minh đi theo nghe Tình nhắc đến cảnh cha già mẹ yếu, em dại, cháu nhỏ, cần sự săn sóc của nàng. Minh cố nén tiếng thở dài:
-- Anh biết em còn nhiều vấn đề để lo nghĩ lắm. Anh xin lỗi, em cứ tiếp tục lo cho gia đình đi, không sao đâu. Bây giờ em đi rửa mặt, sửa soạn qua bên nhà đi, anh ra ngoài một lát.
Tình đã đi rồi mà Minh vẫn còn ngồi thừ người trên ghế. Chàng cảm thấy chán nản. Minh nhớ đến mấy người bạn hay rủ nhau đi uống rượu mỗi chiều thứ sáu gọi là "happy hour", Minh nghĩ chắc mình cũng nên đi chơi thường cho khuây khỏa, về nhà có vợ cũng như không. Mà có nói động đến thì lại khóc lóc cãi vã chẳng ích gì. Chàng lấy tay đánh mạnh vào góc bàn, chặc lưỡi đứng lên.
***