Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

(Tiếp theo)

Thu Nga

Chương 22
Gió ngoài trời thổi khá mạnh, nhưng bầu trời không mây, ánh nắng tuyệt diệu như xua đi những u buồn tăm tối của cuối mùa đông. Những rặng liễu chơ vơ cành, bên kia đường đứng im lìm như mơ màng dưới bầu trời trong xanh. Thảo vừa xếp những áo quần mới lấy ra từ máy sấy, vừa hát nho nhỏ trong miệng.
Hôm nay ngày nghĩ của Thảo mà cũng là ngày Thuần được bất ngờ về nhà sớm. Thấy Thuần bước vô, Thảo vui vẻ hỏi anh:
-- Ủa! sao hôm nay anh về sớm vậy?
Thuần gật đầu, nhưng không nói rõ lý do, chàng hỏi ngược lại Thảo:
-- Sao em cũng ở nhà?
-- Ngày nghỉ của em mà!
--Anh quên! Bé Thủy ngủ hả? Má đâu?
-- Nó ngủ say rồi. Má đi với chị Tình.
-- Ba đâu?
-- Hứ! có bao giờ ba ngồi yên một chỗ trong nhà đâu mà anh hỏi!
Thuần cũng thấy đúng như lời Thảo nói. Hình như không bao giờ, có một ngày, ông Tâm ở nhà nguyên vẹn. Chàng cũng chẳng hiểu ba chàng đi đâu mà đi tối ngày. Sau khi văn phòng bán bảo hiểm, nơi ông làm việc một hai ngày một tuần, dẹp tiệm, dọn đi Houston, tới nay ông chưa tìm được việc gì cho khuây khỏa nên ông buồn, càng đi ra ngoài nhiều hơn. Chỉ nghe ông nói, ông đi gặp bạn bè cùng ở tù ngày xưa, nói chuyện cho đỡ buồn. Hoặc ông nói ông đi lo việc cộng đồng, tổ chức lễ này, hội kia. Ông hay than người ta thờ ơ với cộng đồng, điều đó không tốt vì chuyện xây dựng cộng đồng là chuyện chung theo ông ai cũng nên tham gia hoạt động. Ông cũng bảo mấy đứa con nên sinh hoạt với những hội đoàn, đoàn thể trẻ. Tuy bận nhưng Thuần đi cầm cờ trong một hai buổi diễn hành, sau đó, Thuần bận đi làm, không tham gia được nhiều như ý của người cha mong muốn. Thuần hứa với lòng, khi mọi việc ổn định, chàng sẽ cố gắng theo cha, làm việc ích lợi cho cộng đồng. Thuần cũng hiểu nỗi lòng của ông Tâm và những chú, những bác, bạn của ba, hoài bão của họ là giải trừ chế độ CS đang thống trị tại Việt Nam. Khi ông Tâm bị CS giam cầm, bà Tâm đi thăm nuôi ông, mấy chị em Thuần cũng trải qua những ngày khổ cực, nhớ cha, thương mẹ. Chàng biết mỗi lần gặp bạn bè, sinh hoạt với họ, ba rất vui, nói năng hoạt bát, nhưng ngoài những buổi sinh hoạt đó ra, hình như ông còn đi đâu nữa thì phải, vì đâu có phải ngày nào cũng có lễ lạc, hội hè?
Nhưng thôi! Thuần nghĩ ba đã già rồi, ổng có say mê một điều gì đó, cũng tốt thôi để cuộc đời ông đỡ tẻ nhạt. Thuần ngồi xuống chiếc ghế gần Thảo, im lặng nhìn em xếp những chiếc áo nhỏ xíu của bé Thủy.
Thấy anh có vẻ không vui, Thảo hỏi dò:
-- Mấy hôm nay anh có nói chuyện với Lan không?
Thuần giật mình như Thảo đã đọc được tư tưởng của chàng:
-- Có.
-- Sao vậy? Bộ lại có chuyện hả? Bữa trước giận hờn để nó đâm bệnh, hối hận xong bây giờ lại trở chứng nữa phải không? Hay anh muốn nó leo lên xe bông thiệt lẹ cho anh vừa lòng?
Thuần nhíu mày:
-- Anh đang rầu thúi ruột mà em còn nói chuyện lôi thôi!
-- Anh thì lúc nào cũng rầu và bi quan. Rầu cái gì, nói đại ra đi, biết đâu em sẽ có cách giải quyết cho anh. Anh không nghe câu "chuyện người thì sáng mà chuyện mình thì tối" hay là "cha nó lú, có chú nó khôn" hay sao chớ?
Thuần phì cười:
-- Hôm nay mắc giống gì em lại bày đặt ví von chữ nghĩa nữa há? Dạo này em hay nói chuyện với Lan không?
-- Có chớ! Nó cũng tâm sự với em. Em không hiểu tại sao anh rầu chớ nó nói với em, từ bữa nó bị bệnh đến nay, má nó cũng nới bớt vòng thòng lọng quanh cổ nó đó anh! Nó nói dạo này đôi khi má nó còn hỏi về anh nữa! Hay bả tưởng nó bị bệnh thất tình? Như vậy, anh nên mừng thì hơn.
-- Anh cũng có nghe như vậy, nhưng...
Thuần nhíu mày có vẻ suy nghĩ. Chàng vẫn không biết là có nên mừng vội chưa. Má của Lan là một người đàn bà cứng rắn. Bà không dễ dàng bỏ cuộc như vậy đâu! Chàng không đến độ ngây thơ mà tin vội vào những điều Lan đã nói với Thảo. Thảo nhìn anh dò xét:
-- Ủa! nếu anh cũng có nghe như vậy, thì đó là một điều tốt. Anh không nhân cơ hội này, thừa thắng xông lên, ở đó mà còn buồn với rầu là làm sao?
Thuần bực mình vì Thảo không hiểu mình:
-- Anh biết chuyện đó rồi. Nhưng anh vẫn bực mình vì thái độ của Lan, em biết không? Anh thấy dạo này Lan làm sao ấy!
-- Làm sao là làm sao?
-- Anh thấy hình như Lan thích ông Ngô lắm. Lan cứ cho là ông Ngô đàng hoàng, ông Ngô đứng đắn, ông Ngô tốt, ông Ngô này, ông Ngô nọ...
Nghe Thuần nói một cách bực tức, Thảo nhìn anh không chớp mắt. Trời ơi! ông anh của Thảo yêu quá hóa khùng. Nàng đâm ra phì cười:
-- Thôi đi anh Hai ơi! Thì ra là vậy! Em không nghĩ Lan có ý gì đâu, tánh nó thì lúc nào cũng dễ thương như vậy. Em cũng biết ông Ngô theo đuổi Lan, nhưng không có ăn thua gì đâu!
Thuần nhìn Thảo một cách nghi ngờ. Chàng cố nhớ lại nét mặt của Lan khi nhắc về ông Ngô, nhưng khó mà phân biệt được giọng nói và nét mặt của Lan có phải là chú ý đến ông thật không vì Lan lúc nào cũng nhỏ nhẹ, hiền lành. Nhưng tại sao không bao giờ Lan có ý ghét bỏ ông Ngô? Chàng cảm thấy bực tức một cách không duyên cớ, Thuần hỏi em gái:
-- Em lấy bằng cớ gì mà em lại quả quyết như vậy? Sao em biết? Dĩ nhiên là ông Ngô đang đeo đuổi Lan như đĩa đói, nếu không mắc gì tới nhà Lan hoài? Còn Lan nếu không thích ông ta, sao lại cứ theo nói chuyện với ông ấy? và còn ca tụng ông không hết lời vậy? Những chuyện như vậy làm sao em biết?
-- Sao em lại không biết?! Con Lan cũng tâm sự với em nhiều lắm chứ sao không! Nó nói ông Ngô thật ra cũng tử tế và đàng hoàng lắm, không phải dễ ghét như anh nghĩ đâu. Tại vì anh có thành kiến sẵn với ông ấy thôi.
Thuần xua tay:
-- Thôi! thôi! cho anh xin đi Thảo ơi! Anh thật không hiểu tại sao một người mặt mày khó ưa như vậy mà cả Lan và em đều thích, đều binh vực?
Thảo chán nản nhìn anh. Ðúng là ông anh của nàng hết thuốc chữa. Sự ghen tương làm Thuần không còn muốn suy xét điều để xem điều nào đúng, điều nào sai cả. Nhưng nếu không cố gắng làm cho sự bực dọc của Thuần giảm bớt đi, thì chỉ tội nghiệp cho Lan mà thôi, Thảo ôn tồn nói:
-- Em chưa quen với ông Ngô nhiều lắm, nhưng em và con Yến cũng có đi ăn với ông ta một lần. Con Yến thật ra lúc đầu cũng ghét cay, ghét đắng ổng, nhưng sau khi nói chuyện với ổng rồi, thì nó cũng thấy ông ta không đến nỗi nào.
-- Thì em nói, anh cũng ráng tin chớ làm sao bây giờ! Có điều... có điều...
Thảo sừng sộ:
-- Còn điều gì nữa?! Sao anh rắc rối quá vậy? Nếu anh không bỏ cái tính kỳ cục này đi, không ai chịu nổi anh đâu! Lần này có chuyện gì nữa, em không bênh anh đâu!
Thuần xuống giọng:
-- Không phải là anh không tin lời em, nhưng dạo này anh thấy Lan cũng thay đổi nhiều lắm. Hồi xưa Lan đâu có như vậy! Anh nghĩ Lan bị ông già này đầu độc rồi, nếu không cũng bị ảnh hưởng của ổng rất nặng nề... Lan khác xưa lắm!
-- Anh Thuần à! em thấy anh nghĩ không đúng đâu! Anh biết con Lan mới học xong năm đầu, bao nhiêu bài vở đã rối óc, rối trí rồi lớp thì anh nghi ngờ, hành hạ nó thì làm sao mà nó thoải mái, bình thường cho được?! Mà không chừng vì anh không hiểu nó, nên nó mới tìm một người để nói chuyện cho vơi tâm sự đó.
Thảo ngừng lại để cho câu nói cuối thấm vào đầu Thuần. Thảo mỉm cười đắc thắng khi thấy Thuần có vẻ giật mình. Thảo chậm rãi nói tiếp:
-- Em cảnh cáo anh rồi đó nghen, nếu anh cứ tiếp tục nghi ngờ, ghen tương rồi làm khổ nó, nó sẽ không chịu đựng nổi đâu! Còn nữa! Anh nên biết rằng, con gái thích đàn ông độ lượng, phóng khoáng, anh mà làm riết, nó nghĩ anh hẹp hòi thì coi bộ... không ổn đó!
Thuần ngồi yên lặng. Một sự buồn bã xâm chiếm tâm hồn. Thuần nói:
-- Nếu Lan muốn bỏ anh, thì anh cũng chịu thôi!
Thảo hừ một tiếng:
-- Thôi đi anh ơi! Làm tàng hoài! Ðến lúc đó thì mếu máo đi tìm mà cứ nói dóc. Em đi guốc trong bụng anh. Anh đừng làm bộ. Cứ như vậy, hèn gì cứ lộn xộn hoài!
Thảo nói vừa dứt lời, chuông điện thoại reo vang. Thuần đưa mắt nhìn Thảo như có ý nói, bắt điện thoại đi. Thuần đứng lên đi vào trong, nhưng khựng lại khi nghe Thảo nói:
-- Sao mầy? Có chuyện gì lạ không? Thôi hai người đừng làm bộ nữa! "Tình trong như đã, mặt ngoài còn e", làm như mới quen không bằng!
Tim Thuần đập mạnh, chàng biết Thảo đang nói chuyện với Lan. Muốn đứng lại để nghe tiếp, nhưng mắc cỡ với em, Thuần chưa biết tính sao, thì nghe tiếng Thảo kêu:
-- Anh Thuần ơi! Có điện thoại nè!... Hả? em đếm 3 tiếng, nếu anh không ra cho kịp, em cúp điện thoại vì em phải đi gấp nè!
Thuần bẽn lẽn chạy lại, cầm điện thoại. Thảo thấy bộ điệu của anh, cười ngất.
***
Từ hôm tình cờ gặp mấy cô gái, bạn của Lan, đi chơi với nhau, ông Ngô cũng bị cái tính lí lắc, dễ thương của mấy cô gái lôi cuốn. Ông thấy vui khi được nói chuyện với họ, vì vậy thỉnh thoảng ông cũng muốn mời mấy cô đi uống nước, chuyện trò cho vui. Biết ngày thứ Năm trong tuần, các cô hay rãnh rỗi, ông mời Thảo và Yến, Lan đi ăn cơm nhưng ông hơi thất vọng vì Lan với Yến nói không đi được, Thảo cũng thoái thác nói mắc chở bà Mai về nhà, vì bà Hồng bận công việc không đi đón bà Mai được. Ông Ngô mời luôn bà Mai. Bà Mai đã từ chối, nhưng thấy ông Ngô mời một cách thành khẩn và có sự nói vô của Thảo nữa nên bà bằng lòng. Trong thâm tâm Thảo, nàng muốn hai người làm quen với nhau. Nếu mọi sự tốt đẹp bà Mai có thêm bạn, ông Ngô cũng sẽ bớt tới nhà Lan và như vậy, chuyện của Lan và Thuần không bị rắc rối nữa!
Trong bữa ăn, Thảo phải nói nhiều hơn thường lệ để hai người lớn tuổi không e ngại và nói chuyện với nhau một cách thoải mái hơn. Tuy nhiên ông Ngô cũng tỏ ra là một người rất lịch sự. Ông ăn bận chải chuốt như thường lệ với chiếc áo jacket màu nâu, giày bóng láng. Còn bà Mai, mặc dầu sau một ngày làm việc, nhưng nét đẹp của bà vẫn còn lộ lộ qua nụ cười, ánh mắt. Thảo ngắm hai người và thấy họ rất xứng đôi. Ông Ngô nhìn chung quanh rồi nói:
-- Sao? chị Mai và Thảo thấy tiệm ăn này như thế nào? Tôi đã đi ăn vài nơi trong vùng này, nhưng tôi chỉ chấm được một tiệm này thôi.
Bà Mai cũng liếc nhìn chung quanh rồi nói:
-- Dạ ở đây coi bộ lịch sự và đẹp ghê. Anh chọn thật đúng chỗ.
Thảo cũng phụ họa:
-- Chắc chú Ngô đi ăn ngoài thường lắm nên chỗ nào cũng biết phải không?
Ông Ngô nở một nụ cười thật tươi:
-- Thì cũng lai rai thôi. Mình một thân, một mình nên hay "cơm hàng cháo chợ" mà. Tôi cũng tới đây vài lần rồi. Ðồ ăn cũng khá lắm nên mới dám mời chị và cô đó chứ.
Thảo cười, nói Yến với Lan không có số ăn nên hôm nay không được hưởng những món ăn ngon. Bà Mai cũng vui vẻ nói bà có lộc ăn nên tự nhiên được mời. Ông Ngô vội vàng bào chữa nói, nhờ ông may mắn nên mới được bà nhận lời. Hai người đưa qua, đưa lại vài câu khách sáo. Ông Ngô lại đon đả:
-- Vậy bây giờ hai người đẹp muốn thưởng thức món gì để tôi gọi.
Thảo liếc sang bà Mai, cười mắt long lanh:
-- Thôi! Thảo không dám nhận mình là người đẹp đâu. Dì Mai mới là người đẹp hôm nay. Chú Ngô cứ tự nhiên phục vụ người đẹp dì Mai. Còn Thảo, chú đừng lo làm chi.
Ông Ngô nói giọng cải lương:
-- Người ta nói "mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười" mà. Một đóa hoa mới nở và một nụ hoa đương nở rộ nhất, đều đẹp cả. Thảo có nét đẹp khác, chị Mai đây có nét đẹp khác, tỉ như những đóa hoa đang ở hai giai đoạn khác nhau vậy đó.
Thảo chọc:
-- Chú Ngô nói hay như đang làm thơ vậy đó, chú có biết làm thơ không? Chờ gì mà chú chưa làm một bài thơ để tặng cho dì Mai và cháu một bài chớ?
-- Tôi cũng có làm thơ lai rai, nhưng không hay lắm. Tôi ao ước phải chi tôi là thi sĩ thật, tôi sẽ ứng khẩu một bài liền tức thì để ca tụng hai đóa hoa tuyệt sắc. Thôi, tôi xin khất lại hôm khác nhé.
Bà Mai có vẻ ngượng vì ông Ngô có vẻ nịnh đầm quá, nên bà giả bộ cúi xuống đọc những món ăn trên thực đơn. Thảo tủm tỉm cười. Ông Ngô lại hỏi hai người thích ăn gì, bà Mai và Thảo đều nói không rành các món ăn ở tiệm này, nên ông Ngô tự chọn những món ăn, mà ông cho là đặc biệt của tiệm. Ba người vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ. Ông Ngô hỏi:
-- Ở Việt Nam chị Mai ở đâu?
-- Tôi ở Quy Nhơn.
-- Ủa! chị người Bắc mà?
-- Má tôi người Bắc, nhưng ba tôi người Quy Nhơn.
Ông Ngô gắp một miếng tôm bỏ vô đĩa bà Mai, gắp một miếng khác bỏ vô đĩa của Thảo, và nói:
-- Tôi chưa bao giờ đến Qui Nhơn, nhưng nghe nói ở đó đẹp lắm. Rồi chị qua đây bằng cách gì?
Bà Mai cho biết bà vượt biên rồi bị kẹt ở Thái Lan khá lâu, tưởng bị đưa về Việt Nam, nhưng sau may mắn bà liên lạc được với bà Hồng. Ông Ngô có vẻ ngạc nhiên khi biết bà Hồng chỉ là bạn mà lại bảo lãnh bà qua và lo lắng chăm sóc bà không khác gì ruột thịt. Ông hỏi:
-- Vậy ngoài chị Hồng ra, chị có bà con thân thích gì ở đây không?
Bà Mai buồn bã lắc đầu. Thảo thấy thái độ của bà vội rót thêm nước cho bà. Bà Mai không muốn hai người thương hại mình nên nói:
-- Thật ra... thật ra... tôi cũng có một người thân, nhưng... nhưng chưa biết họ ở đâu.
Ông Ngô vồn vã:
-- Nếu chị biết tên tuổi, cứ nói với tôi, tôi sẽ tìm cách tìm cho chị. Mà chị có biết người đó ở tiểu bang nào không?
Bà Mai cúi đầu nói nhỏ "không". Thảo buột miệng:
-- Có phải người thân của dì mà dì nói giống chị Tình không vậy?
Ông Ngô chen vô:
-- Tình? Chị của cô Thảo phải không?
Bà Mai nói thật nhỏ:
-- Ðúng vậy, cháu tôi giống cháu Tình lắm.
-- Hèn gì dì thương chị Tình!
Thảo buột miệng. Bà Mai có vẻ bối rối. Ông Ngô lại tưởng bà Mai đang mong gặp lại người cháu, nên ông lại nhắc, nếu bà có thêm chi tiết, ông sẽ sẵn sàng đi tìm giùm cho bà. Thảo cũng thấy tội nghiệp thân thế đơn chiếc của bà Mai. Nàng đã trải qua thời kỳ đen tối và rất cô đơn, nàng hiểu nỗi đơn độc của bà Mai. Thảo cầm tay bà nói:
-- Dì hiền lành và dễ thương rất giống má con, chắc hai người làm bạn với nhau hợp lắm. Ðể con về nói với má con, rồi dì nhớ hôm nào dì đến nhà con chơi nghe.
Bà Mai gạt đi:
-- Ðừng! đừng! con đừng nói với má con!
Thảo ngạc nhiên:
-- Sao vậy dì? Bộ dì không muốn quen với má con sao?
Bà Mai nói một cách khó khăn, trong khi ông Ngô và Thảo đều chăm chú nhìn bà:
-- Không phải... không phải là dì không muốn quen với má cháu... dì sợ... dì không xứng đáng làm bạn với má con... nhưng dì... dì lu bu quá, khi nào... khi nào dì sẵn sàng rồi hãy nói với má con....
Từ lúc đó, bà Mai có vẻ trầm lặng và có vẻ bồn chồn. Nửa chừng bà nói đã trễ, cần về. Ông Ngô cũng thấy thái độ thay đổi một cách kỳ quặc của bà Mai nên sau vài lần khẩn khoản mời bà ngồi lại không được cũng lo kêu bồi tính tiền, chuẩn bị về. Thảo đùa cho không khí đỡ khó chịu:
-- Dì sợ dì Hồng đợi sao? Dì nói đi với con, dì Hồng không nghĩ ai bắt cóc dì đâu.
Ông Ngô cũng pha trò:
-- Tôi bắt cóc thì cũng trả về nguyên vẹn không sao cả mà!
Bà Mai cười gượng gạo. Ông Ngô còn nới theo khi hai người đàn bà đã lên xe:
-- Khi nào chị có tin thêm về người cháu, và chị muốn liên lạc, nhớ cho tôi biết, tôi sẽ sẵn sàng giúp chị.
***