Mây Theo Gió Về
Submitted by Thu Nga Do on Wed, 05/20/2009 - 21:52.
Printer-friendly version

(Tiếp theo)
Chương 17
Từ ngày Tình đi lấy chồng đến giờ, nhà ông Tâm trở nên vắng lặng hẳn đi. Mặc dù Minh và Tinh thuê nhà chỉ cách nhà ba má khoảng 3 miles thôi, nhưng bà Tâm cảm thấy như cô con gái mình đã đi xa, thật xa. Bà hay than thở là nhớ Tình quá.
Còn Thảo thì từ lúc sinh con đến nay, vẫn ở với cha mẹ. Dạo này Thảo rất bận rộn với nghề nail. Nàng bắt đầu đi làm từ lúc 9 giờ sáng đến 8 giờ tối mới về. Cô ít có thì giờ ở nhà với con. Bé Thủy được sự thương yêu, chăm sóc của bà Tâm, nếu bà Tâm bận, Tình lại đem bé Thủy về nhà nàng.
Bà Tâm thì tuy sức khỏe cũng không lấy gì làm khả quan lắm, nhưng bà vẫn phải vừa may vá để chi tiêu trong gia đình, vừa trông nom cháu ngoại. Bé Thủy là nguồn yêu thương vô bờ bến của bà. Nhiều lúc lòng bà dâng lên một nỗi buồn man mác, nhưng nhìn thấy nụ cười của đứa cháu thơ, lòng bà cũng nhẹ đi theo tiếng thở dài, cố tình giấu kín. Tuy nhiên, nỗi buồn nầy hay trở về xâm chiếm bà, đôi khi đang ngồi may vá, cắt chỉ, mà tâm hồn bà như có một màn sương bao phủ, cái kéo cắt chỉ đâm vào tay bà lúc nào không hay, bà la lên một tiếng nhỏ:
-- Ui cha!
Ông Tâm đang ngồi uống nước trà, đọc mấy tờ báo Việt ngữ tại địa phương, nghe tiếng vợ, ông vội ngẩng đầu lên:
-- Sao vậy bà? Cái gì mà bà la vậy?
Bà Tâm xuýt xoa:
-- Tui vô ý nên kéo đâm vào tay.
Ông Tâm bỏ tờ báo xuống, bước lại gần vợ:
-- Có sao không? Có chảy máu không? Tui đã nói, bà may cả đêm, mệt rồi thì phải nghỉ ngơi một tí chớ bà? Bà mà nằm xuống thì tôi làm sao đây?
Bà Tâm ôm tay, lắc đầu:
-- Không sao đâu ông, chảy máu một chút thôi. Tôi cột vải vô là hết chảy máu liền.
Bà vội quay sang đống áo quần đang may để ông Tâm khỏi bận tâm:
-- Con Tình làm những phần chính rồi mới đem cho tôi may mấy phần phụ thôi mà. Ba cái này đâu có khó khăn gì, chỉ tại cái kéo này, cái mũi nó nhọn nên mới đụng vô ngón tay.
Ông Tâm không tin, ông cầm tay bà lên coi. Tay bà gầy guộc xương, gân xanh nổi lên dưới làn da trắng. Ông cảm thấy lòng dâng lên một nỗi xót xa. Vết thương do mũi kéo đâm vô vẫn còn ri rỉ máu. Ông lầm bầm vài tiếng như trách bà hờ hững với sức khỏe, ông đi vào trong tìm một miếng băng keo, đem ra cột quanh ngón tay bà. Sau đó bà lại lúi cúi cắt chỉ tiếp. Ông Tâm cũng quay lại với tách trà của ông. Ông cầm tờ báo lên, chưa vội đọc tiếp, ông quay nhìn bà:
-- Bà ráng cẩn thận một chút. Thiệt! phải chi nhà mình khá giả hơn một chút thì bà đâu có phải cực như vậy! Phải chi tôi đừng bị thương, còn đi làm full time... Làm part time như vầy, không đủ tới đâu hết!
Bà Tâm nói, nhưng không nhìn lên:
-- Cũng có gì mà cực ông. Bà Khúc già hơn tôi mà còn may mỗi chuyến cả 1000 cái lận. Tôi may đâu có bao nhiêu mà ông lo.
-- Bà thì cứ ỷ y như vậy nhưng tôi thì không yên tâm. Bà làm sao mà phân bì với bà Khúc được. Con của bà ấy, đứa nào cũng phụ bả hết thành ra mới may được cả ngàn cái. Còn bà mà may một ngàn cái thì sức lực nào mà chịu nổi! Hồi đó còn có con Tình ở bên cạnh, nó vừa nấu ăn, vừa đi chợ, vừa may vá phụ bà... giờ thì...
Bà Tâm gạt ngang:
-- Con gái lớn thì phải lấy chồng, mình đâu có thể giữ nó hoài bên mình suốt đời đâu được ông. Hơn nữa, nó đâu có ở xa xôi gì mà ông nói vậy. Nó vẫn chạy tới, chạy lui, vẫn may vá những phần khó cho tôi, như trước. Không có nó tôi đâu có may được đâu, ông đừng lo.
-- Thì bà nói cũng phải. Tuy nhiên bây giờ nó có chồng, nó phải lo cho chồng của nó, làm sao bằng hồi xưa được?!
Ông chợt cau mặt:
-- Phải chi con Thảo được một góc như con Tình thì cũng đỡ.
Bà Tâm ngừng tay cắt chỉ, nhìn ông:
-- Ông đừng có nói như vậy, con nó buồn. Nó chịu ở đây là mình mừng rồi. Bây giờ nó cũng đã có công ăn việc làm để nuôi con thì mình cũng nên mừng với nó ông à.
Ông Tâm hừ một tiếng trong mũi:
-- Mừng! thì tôi cũng mừng cho nó chớ sao! Không mừng rồi nó bỏ đi nữa à! Nhưng bà thấy đó, nó ở đây mà cũng còn không thấy mặt nó thường nữa là! Nó giao con cho bà, còn không thì thảy cho con Tình. Nếu không có bà với con Tình, chắc nó bỏ con vô viện mồ côi quá.
Chợt ông bà cùng quay về phía trong khi có tiếng khóc của bé Thủy. Ông Tâm nói:
-- Ðó! đó! Con nhỏ thức dậy rồi. Thằng Thuần có trong đó không vậy?
Tiếng Thuần từ trong vọng ra, sốt sắng:
-- Dạ! con đây ba. Con ẵm bé Thủy ra liền. Nó thức dậy rồi.
Bà Tâm bỏ cái kéo xuống nhìn vô trong. Thuần bước ra, đầu tóc có vẻ rối rắm, bé Thủy đang úp mặt vô vai Thuần, rồi lại ngẩng đầu lên, nhìn Thuần nhoẻn miệng cười. Thuần hôn vào má cháu:
-- Bé Thủy ngoan thiệt, mới thức dậy là đã cười rồi.
Thuần lấy tay bé Thủy chỉ về phía ông Tâm và bà Tâm:
-- Bé Thủy chào ông ngoại bà ngoại đi. Cười đi!
Thuần cầm tay bé Thủy vẫy vẫy phía trước, bé Thủy cười khanh khách. Ông Tâm đưa tay ra đòi bồng cháu, Thuần trao bé Thủy cho ông Tâm, bé Thủy khóc ré lên đưa tay ôm lấy Thuần. Ông Tâm lắc đầu:
-- Chèn đét ơi! Nó không thèm tôi thấy không? Mẹ cái con nhỏ này! Tao là ông ngoại mày mà mày lạ là sao hả? Nè! Bà ngoại, bà ẵm nó đi.
Bà Tâm đưa tay ra bồng cháu, bé Thủy nín khóc liền, bà nựng cháu:
-- Bé Thủy giỏi lắm chớ bộ! Tại tôi ẵm nó tối ngày nên nó quen hơn, còn ông ít ẵm nên nó mới lạ thôi, nhưng một lát thì ai nó cũng chịu hết, tại nó mới ngủ dậy mà.
Thuần đưa tay vuốt tóc:
-- Con nhỏ này cũng dễ lắm. Nhưng má có bận để con giữ nó cho, má làm tiếp đi, con đang rãnh. Bé Thủy chắc đói bụng.
Bà Tâm đứng lên đưa bé Thủy lại cho Thuần:
-- Ðói chớ! mới ngủ dậy mà. Ðể má cắt cho xong phần này, chỉ còn ít thôi, rồi má đi pha cho nó bình sữa. Con giữ nó một lát cho má.
Thuần đưa tay ẵm bé Thủy, đong đưa trên vai, nó cười có vẻ thích thú. Bà Tâm lại cúi xuống, lượm một cái áo khác, tay kia cầm cái kéo, cắt lia lịa. Ông Tâm dợm đứng lên:
-- Thôi, hai mẹ con ở nhà lo cho cháu nghe. Tôi ra ngoài một chút.
Bà Tâm ngạc nhiên:
-- Ủa! Gần tới giờ cơm rồi mà ông còn tính đi đâu?
Ông Tâm nói nhưng không nhìn bà:
-- Thì tôi cũng chỉ đi loanh quanh... nhà anh Nhiên với anh Thiện, coi mấy anh có cần gì tôi cho buổi lễ 30 tháng 4 không? Coi vậy mà mau thật, gần tới rồi. Một lát tôi về liền.
Bà Tâm chợt thấy lòng chùng xuống. Chữ "về liền" của ông có nghĩa là cả buổi mới về. Nếu ông đi lo việc cộng đồng, gặp bạn bè thì nói làm chi, bà biết đàn ông cần bạn bè hơn đàn bà, nhất là những người lớn tuổi. Bà biết tánh ông Tâm tốt với bạn bè và sốt sắng những công việc từ thiện, giúp đỡ người khác, nhưng dạo này có thật sự ông đi gặp bạn bè thật không? Nếu không có hình ảnh bà Mai ám ảnh thì ông đi bao nhiêu bà cũng không lo nghĩ vẩn vơ. Ðàng này... Bà nhếch mép:
-- Mỗi lần ông nói về liền thì cả ngày mới thấy ông...
Ông Tâm nghe bà nói, chưa dám đứng lên. Ông nhìn Thuần, thấy Thuần đang đùa với bé Thủy trên ghế xa lông có vẻ không chú ý tới câu chuyện của ông bà, ông hỏi thẳng:
-- Sao dạo này bà hay nói mắc mỏ quá! Bà nghĩ... bà nghĩ tôi ... tôi đi thăm ai mà giấu bà sao?
-- Tôi chỉ hỏi cho biết thôi. Có điều hồi xưa, đi đâu ông cũng nói... còn bây giờ chỉ nghe ông nói "đi ra ngoài" thôi, nhất là từ hồi... từ hồi...
Nói tới đó, bà im bặt. Ông Tâm gặng hỏi:
-- Từ hồi? từ hồi nào?
Bà Tâm đâm bực ngang:
-- Từ hồi nào thì ông đã biết, cần gì phải hỏi nữa!
Ông Tâm thở dài:
-- Tôi biết bà muốn nói cái gì rồi. Nhưng bà à! Không lẽ bà nghi tôi qua "bển" sao chớ?
Thuần đang đùa với bé Thủy, vô tình hỏi:
-- Ba nói qua bên nào đó ba? Ba tính đi thăm ai vậy?
Ông Tâm lúng túng:
-- Ba đâu có tính đi thăm ai... à... không, ba tính vòng vòng một lát rồi qua bác Nhiên với bác Thiện. Hôm trước ba biểu con đi tìm mấy cái giá dựng cờ, con thấy giá cờ chưa?
-- Dạ con đưa cho ba rồi mà, ba không nhớ sao? Hình như ba đưa cho bác Nhiên thì phải.
Ông Tâm liếc mắt nhìn bà Tâm:
-- Ðúng rồi! Nhiều việc quá ba quên. Mấy bác cần nhiều cái nữa cho đủ bộ...
Bà Tâm nói kháy:
-- Ba con dạo này bận rộn lắm, nhiều việc quá, làm sao nhớ nổi con... Chỉ có một việc để ba nhớ thôi...
Thuần có vẻ ngạc nhiên trước cách nói chuyện có vẻ lạ lùng của mẹ. Ðây không phải lần đầu tiên, Thuần nghe mẹ nói những lời nầy. Thuần cũng thắc mắc không biết tại sao dạo này mẹ có vẻ bực bội, và nói những câu mà trước kia chàng chưa hề nghe mẹ nói như vậy. Chàng cũng thấy rõ, ông Tâm có vẻ nhỏ nhẹ hơn với mẹ chớ không gắt gỏng, độc quyền như xưa. Thuần vẫn thắc mắc:
-- Chắc việc thăm mấy bác bị bệnh phải không? Ba cần con đi theo không?...
Ông Tâm xua tay:
-- Không! ba đi một mình được rồi, khi nào cần đi thăm ai, ba nói.
Tự nhiên như nhớ ra điều gì, Thuần đột ngột hỏi:
-- Dạo này ba có đi thăm dì Hồng không?
Ông Tâm thấy nhột nhạt sau lưng. Ông làm tỉnh:
-- Sao? Dì Hồng làm sao mà đi thăm? -- Dạ lâu quá con không gặp dì Hồng nên hỏi vậy thôi. Ba má có gặp dì không?
Bà Tâm cười khó hiểu:
-- Má thì không gặp, nhưng ba con thì chắc cũng gặp thường.
Ông Tâm khó chịu:
-- Bà không gặp chị thì tôi cũng có gặp đâu!
Thuần vẫn vô tình:
-- Con nghe nói dì Hồng có người bà con hay người chị em gì đó đang ở chung. Má có nghe dì nói chuyện này không?
Ông Tâm nghe ruột gan xốn xang, ông muốn cho Thuần đừng hỏi tiếp nữa, ông cảm thấy như đang ngồi trên gai nhọn. Ông nói một cách khó khăn:
-- Bà con gì của dì Hồng má mày làm sao biết! Kìa! Con Thủy chắc đói bụng đó, nó mút tay thấy không? Con đi pha sữa cho nó, má con đang bận.
Bà Tâm cười một cách lạnh lẽo, nhất là giọng nói của bà có vẻ run run:
-- Sao con? Con biết dì Hồng có bà con hả? Con có biết ai đó không?
-- Dạ thì con nghe chị Tình, anh Minh nói hôm nọ đó mà.
Ông Tâm giục Thuần:
-- Ba thấy con Thủy có vẻ đói bụng, con đi lấy sữa cho nó cho rồi.
Thuần dạ và ẵm bé Thủy đi xuống bếp. Chờ cho đứa con trai ẵm cháu đi khuất, ông Tâm nhìn bà Tâm một cách e ngại:
-- Bà à! Bà đừng có nghĩ ngợi đến những chuyện đó nữa nghe bà. Tôi nói tôi không "có gì hết" là không có gì hết. Người ta chỉ muốn gặp lại con của người ta cho đỡ nhớ thôi, chớ người ta không có ý gì khác.
Bà Tâm có vẻ mắc cỡ vì đã nói những lời có vẻ cay đắng với chồng, trước mặt con, một điều mà xưa kia bà không bao giờ nghĩ bà có thể làm như vậy. Bà nói nhỏ:
-- Tôi cũng đâu có buồn. Con người ta mà mình còn thương, huống hồ con ruột của họ. Nhưng đôi lúc tôi cũng... tôi cũng...
Ông Tâm hỏi dồn:
-- Không lẽ bà không tin tôi?
Mắt bà Tâm mờ đi. Bà nhớ những giây phút thấy ông ngồi thờ thẫn nhìn ra đường, thấy ông bồn chồn lo lắng, thấy ông hấp tấp trả lời điện thoại và thấy ông vội vã rời nhà, lúc đó bà không biết tại sao và ông đã giấu bà trong một thời gian khá dài. Không biết ông còn giấu bà điều gì nữa. Còn bây giờ? bây giờ chắc gì ông đã thực tâm nói thật hết mọi sự? Sự nghi ngờ làm tim bà co thắt, nhưng bà cũng ráng làm ra vẻ thản nhiên:
-- Không tin ông sao được! Ông nói thì tôi phải tin chớ!
Ông nhìn bà van lơn:
-- Tôi van bà! Bà đừng có nghi ngờ tôi nữa. Bà buồn thì tôi cũng áy náy lắm. Không lẽ già đầu như vầy mà tôi còn làm chuyện không phải để con cháu cười sao bà. Còn người ta, họ cũng đâu có nhỏ nhít mà bồng bột làm chuyện gì sai trái đâu bà. Tôi xin bà hãy yên tâm, đừng nghĩ ngợi vẩn vơ nữa.
Nét mặt bà Tâm hằn lên một sự ghen tương, đau khổ. Ông Tâm xót xa muốn lại ngồi cạnh bà để an ủi, nhưng sợ Thuần nghi ngờ. Ông quay nhìn vô trong, bồn chồn. Thấy cử chỉ của chồng, bà Tâm vội vàng quẹt nước mắt, cố trấn tĩnh. Bà thấy tình cảm của bà và chồng đã có không ít thì nhiều, đã bị bóng hình của bà Mai lửng lơ chen vào giữa. Không những hình bóng của bà Mai muốn che lấp hạnh phúc của vợ chồng bà mà nó còn đe dọa đến tình thương mẹ con giữa bà và Tình nữa. Bà mủi lòng nghĩ tới lúc bà Mai nói thật bà là ai cho Tình biết. Bà buột miệng:
-- Còn con Tình...
Ông Tâm nói giọng lo ngại:
-- Bà cứ nghĩ những điều không có để tự làm khổ mình. Tôi biết tâm trạng của bà... bà lại nghĩ con Tình ... Nhưng con Tình lúc nào cũng thương yêu bà hết, "người ta" đâu có nói chuyện đó với con Tình mà bà lo!
-- Bây giờ thì bà ấy không nói... nhưng làm sao biết được... một ngày nào đó...
Ông Tâm nói giọng quả quyết:
-- Tôi không nghĩ như vậy. Người ta nhớ công lao dạy dỗ của mình cho con họ nên người... người ta không làm như vậy đâu.
Thấy ông Tâm không dám nói tên bà Mai mà toàn dùng chữ "người ta", bà Tâm lại chua chát:
-- Sao ông có thể quả quyết như vậy được? Bộ ông hay nói chuyện với "người ta" lắm sao?
Ông Tâm lắc đầu lia lịa:
-- Ðâu có! đâu có! Bà đừng nghĩ bậy. Tôi chỉ suy đoán mà thôi. Hơn nữa, bên cạnh... bên cạnh... Mai... bà Mai là chị Hồng, đời nào chị Hồng lại để cho bà Mai làm chuyện đó được... Mà thôi, bà đừng buồn và nghĩ ngợi, suy đoán lung tung nữa.
Ông đứng lên:
-- Ðể tôi đi... tắm một cái đã!
Bà Tâm nói giọng hờn mát:
-- Ông thì cứ giỏi đánh trống lảng!
Ông quay lại, tay gãi cầm:
-- Thiệt bà này! Già rồi mà... mà không lẽ bà ... ghen... ghen hay sao? Kìa bé Thủy bú sữa xong rồi kìa. Bé Thủy hôn bà ngoại một cái coi!
**
(Còn tiếp)
Thu Nga
»
- Login to post comments
Printer-friendly version