Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

(Tiếp theo)

Chương 14

Thu Nga

Gió xuân và mưa xuân làm cảnh vật chung quanh khu chung cư Blue Jay trở nên xanh mướt, nõn nà. Những cây sồi lá mới xanh um. Tiếng chim hót ríu rít ngoài hiên như chào đón bình minh rực rỡ. Buổi sáng ánh nắng nhảy múa trên những tàn cây liễu ở xóm bên đường, cảnh vật như đang dâng tràn sinh lực.
Dạo này gia đình ông bà Tâm thật bận rộn. Tết cũng đã qua rồi, đám hỏi, đám cưới của Minh Tình cũng gần kề, vì vậy hai ông bà lo bàn bạc đủ thứ để làm sao cho đám cưới tươm tất một tí để khỏi phải thẹn với thiên hạ. Bà Tâm nghĩ, dầu bên đàng trai cũng trong bạn bè thân thuộc, nhưng đã gọi là đám cưới thì cũng phải tổ chức cho đàng hoàng. Ông Tâm cũng đồng ý như vậy. Ông quét dọn rồi sơn lại mấy thành cửa sổ. Ông cũng đi mua mấy chậu hoa cúc màu vàng, màu cam để ngay trước hiên nhà. Bên trong, ông cũng lau chùi sáng loáng mấy lư hương, chân đèn trên bàn thờ. Sẵn có vải dư từ những kiện quần áo, Tình đã may những tấm màn mới thay vào những tấm màn đã cũ. Tới phần sơn lại phòng khách thì hơi khó khăn, vì phải di chuyển đồ đạc, Thuần không cho ông Tâm làm một mình, buổi tối Thuần đi làm về, xăng tay áo phụ với ba. Minh cũng đem lại những bình hoa bằng vải để tăng thêm sự sáng sủa, lịch sự ở phòng khách. Thương tuy còn yếu, nhưng cũng cười luôn miệng và nói những câu làm bà Tâm cười khúc khích. Thấy bà giặt và ủi cái áo dài màu xanh thẳm cổ vịt, bà còn ướm thử vô người coi có vừa không. Bà hơi giật mình vì thấy chiếc áo khá rộng vì bà bị ốm đi nhiều, Thương cười chỉ tay vào má:
-- Con thấy má làm cô dâu lại cũng còn đẹp lắm đó!
Bà hứ một tiếng với thằng con trai, rồi liếc nhìn ông Tâm, nhưng hình như ông đang để tâm trí đâu đâu, không để ý. Bà suy tưởng lại giây phút đầu tiên hai ông bà mới gặp nhau. Bà nhớ như in dáng điệu lúng túng, ngượng ngùng của ông Tâm. Ông tặng bà một bó hoa huệ tây màu đỏ trong ngày đến thăm bà, trước ngày cưới chạy tang. Tuy chưa hề hẹn hò trao đổi lời yêu đương nào với ông, nhưng hình như duyên kiếp hai người đã gắn liền với nhau, nên khi gặp ông, biết là sẽ kết hôn với ông, bà chịu liền. Còn ông đối với bà cũng vậy, ông quý mến bà vì bà hiền hậu, đoan trang, ông không có điều gì chê bai về phía người vợ, mà cha mẹ đã đính ước từ lúc chưa tượng hình, của ông cả. Duy chỉ có một điều, một điều mà ông giấu tận trong tim là hình bóng của cô gái ở thôn xa mà ông đã thề non, hẹn biển.
Ông Tâm cũng có loáng thoáng nghe chuyện, nhưng trong đầu ông, dĩ vãng đang chập chùng ẩn hiện. Ông tưởng nhớ lại thời trai trẻ, tung hoành ngang dọc trên bốn vùng chiến thuật, khi ưng bà Tâm xong, ông đã được thuyên chuyển sang một đơn vị khác và chiến tranh lại đến hồi khốc liệt, ông đi hành quân liên miên, ông lại được thăng cấp đại úy tại mặt trận, cũng vì thế ông không còn cơ hội để gặp lại người xưa. Bây giờ sắp đến ngày vui của đứa con lạc mẹ, ông không khỏi thương cảm. Ông phải làm sao để đền bù lại sự thiếu thốn, thiệt thòi cho Tình mới được, nhất là tính tình của Tình rất giống mẹ nó, cái gì cũng nhường nhịn, chia xẻ. Ông chép miệng, phải chi Thảo cũng được tính dịu dàng như Tình thì ông bà có phước biết bao nhiêu. Một lần ông buột miệng so sánh như vậy, ông thấy bà Tâm có vẻ phật ý. Bà nói nho nhỏ:
-- Ông ơi! Ông làm ơn, làm phước, đừng nhắc đến chuyện của con Thảo nữa được không? Nó nghe, nó lại buồn!
Ðang buồn bực, ông Tâm gắt:
-- Bộ bà cấm tui nói chuyện sao? Cùng là con cả nhưng đứa nào ngoan, nói ngoan, đứa nào hư, nói hư cho nó chừa đi chớ!
Bà Tâm cũng lộ vẻ bực tức bà nói:
-- Tưởng mấy lâu nay, ông bỏ cái tật đó rồi chớ! Thiệt tình!
Thấy bà giận ông ráng im, nhưng lại bực mình vì dạo này Thảo hay bỏ con để bà Tâm và Tình săn sóc. Bà Tâm nói, Thảo phải đi học nghề. Nghề làm móng tay cũng phải học có bằng mới làm được. Tuy ông Tâm đã hết la mắng Thảo, sau khi Thảo trở về, nhưng ông không muốn con gái học nghề này, nghe tới đó, ông Tâm "hứ" một tiếng to nói:
-- Học gì không học, lại học nghề làm móng tay! Bà biết người ta ăn, vọc đã đời cả chục năm rồi, bây giờ mình mới nhào vô mà ăn thua gì không biết!
Bà Tâm làm ra vẻ thông thạo:
-- Vậy chớ tôi nghe nói, nghề nail cũng vẫn đông khách ông à, kiếm tiền cũng bộn lắm. Mà thôi! kệ nó ông! Nó mắc cỡ không muốn đi học trở lại, mà ngồi không cũng buồn nên nó mới đi tìm công việc để làm cho khuây khỏa, lại có đồng ra đồng vô. Ông đừng nói tới, nói lui, tội nó.
Ông vẫn cằn nhằn:
-- Bà thì lúc nào cũng vậy! Bà nói tôi không thay đổi, chớ còn bà thì sao? Lúc nào bà cũng sợ tụi nó buồn, rồi cái gì bà cũng binh vực, bao che! Bởi vậy!
Ông cố nói thêm:
-- Ðã vậy! Còn đi tối ngày! Nó bỏ con Thủy ở nhà cho bà rồi ở ngoài đường nhiều hơn ở trong nhà.
Câu nói làm bà liên tưởng đến việc ông Tâm dạo này hay đi ra ngoài thường hơn, mặc dù ông có bận rộn việc sửa sang nhà cửa, nhưng vừa xong một chuyện là ông mặc áo, đội mũ đi liền. Bà nhìn theo ông, thấy ông đi có vẻ vội vàng, hấp tấp. Một hôm bà hỏi ông đi đâu đi hoài, ông không chịu nói. Bà nhớ đến câu chuyện trước hỏi ông:
-- Dạo này coi bộ ông bận ở bên ngoài dữ đa!
Ông Tâm nhìn bà e dè:
-- Không lẽ già rồi, bà bắt tôi ngồi chụ ụ trong nhà hoài sao?
-- Tui có nói vậy đâu.... nhưng ...
Bà không biết mở lời ra sao, ông chăm chú nhìn bà chờ đợi. Bà lấy vẻ tự nhiên hỏi:
-- Hôm nọ sao tự nhiên ông nhắc tới má con Tình vậy?
Ông lúng túng:
-- Thì... thì tôi chỉ nhắc chừng vậy thôi... tôi chỉ sợ một ngày nào đó... tự nhiên má nó xuất hiện... thì không biết bà vui hay buồn, chỉ có vậy!
-- Ông này nói lạ thiệt! Má nó xuất hiện thì xuất hiện, chớ tôi làm gì mà buồn! Tôi chỉ thắc mắc là sao hơn hai mươi năm nay, ông không nhắc, mà bây giờ lại nhắc?!
Vì thấy gần tới ngày đám cưới Tình rồi, bà không muốn nói nhiều sợ có ảnh hưởng trong nhà không vui. Dạo này bà cũng thấy Thảo tuy bận rộn, nàng cũng đi sắm cái này cái kia để diện trong ngày đám cưới chị, nhưng nếu nhìn kỹ, trong nét mặt, nụ cười của con, bà thấy có cái gì gượng gạo. Bà nghĩ, chắc Thảo thấy chị mình được làm đám cưới rỡ ràng, còn mình thì lại lỡ làng, nên Thảo tủi thân chăng?
Bà cũng sợ nếu bà chọc ông giận thì ông sẽ la mắng con cái, nhất là Thảo, thành ra đôi lúc bực mình, bà vẫn ráng nhịn không muốn cãi thêm. Bà ngẫm nghĩ và thương cho đứa con gái út. Tội nghiệp! Bà nói vậy chớ bà cũng đâu có muốn Thảo học cái nghề nầy, tuy làm ra tiền, nhưng nghe nói cứ ngửi ba cái mùi hóa chất sẽ bị hư thần kinh, rồi da dẻ cũng bị nhiễm độc. Thảo trấn an mẹ, nói dạo này người ta có chế nhiều máy móc tối tân, có thể hút những khí độc đó ra được, không sao cả, làm bà cũng hơi yên tâm. Hơn nữa, mấy hôm nay bận quá, bà cũng không có thì giờ đâu mà nghĩ tới chuyện đó nữa, đám cưới đã gần kề rồi. Tình và Minh cũng bận rộn không kém, lo đi mua sắm áo quần, dầy dép, nữ trang. Cả nhà rộn ràng, nói cười, xê dịch cái này, chưng dọn cái kia, nhưng thật tình, mỗi người đều mang trong lòng những nỗi ưu tư riêng.
Buổi tối Thảo có vẻ không vui, nàng ngồi lầm lì một chỗ bên cạnh bé Thủy đang ngủ say. Minh mới chở Tình đi thử áo. Bà Tâm vừa sửa soạn xong bữa cơm, sắp sẵn mọi thứ chờ mọi người về đông đủ, mới dọn, thấy Thảo đăm chiêu, hỏi:
-- Sao con có vẻ không vui vậy?
Thảo giật mình nhìn lên:
-- Dạ, có gì mà không vui má!
Bà nhìn Thảo chăm chăm:
-- Sao con không đi chơi với anh Minh và chị Tình?
Thảo nhăn mặt:
-- Sao má nói y chang ba vậy?
Bà Tâm chưng hửng:
-- Y chang là sao? Ba con nói sao?
-- Ba cũng hỏi sao con không đi với anh Minh chị Tình để giúp thêm ý kiến, này nọ, má cũng hỏi con như vậy. Bộ ba má tưởng người ta cần tới con lắm sao vậy?
Bà Tâm dịu giọng:
-- Thì ba má chỉ muốn còn cùng đi với anh chị cho vui. Nếu con không rãnh thì thôi!
-- Vui là vui với người gần làm đám cưới. Con có gì vui đâu. Có con người ta mất vui thì có!
Thấy Thảo tự dưng nổi quạu, bà Tâm lắc đầu, thở dài, bước vô trong. Là phụ nữ, là mẹ, bà hiểu tâm lý con gái, Thảo ghen ngầm với hạnh phúc của chị, nhưng bà nghĩ phản ứng tự nhiên của Thảo có chừng mực và có thể chấp nhận được. Ðó cũng là điều may mắn cho cả gia đình.
Thảo vẫn ngồi một chỗ, nước mắt quanh tròng. Nàng tưởng tượng Minh và Tình đang tíu tít hạnh phúc bên nhau. Lúc nãy thấy Minh bước vào, mặt mày hớn hở, Thảo đâm ra ghét Minh. Minh cười cười chào Thảo, Thảo chỉ lơ đãng trả lời. Khi Tình sửa soạn xong, bước ra, nét mặt Tình rạng rỡ. Tình đẹp hơn xưa nhiều lắm, mặc dù nàng cũng vẫn hơi ốm, nhưng có lẽ tình yêu khiến nàng tươi tỉnh và trẻ trung ra. Thảo thấy ghét luôn cả Tình. Tình rủ Thảo đi chơi, Thảo lạnh nhạt trả lời bận việc. Khi hai người bước lên xe, Thảo nhìn ra thấy Minh mở cửa cho Tình vào, đóng cửa xe xong, mới đi qua bên kia, mở cửa leo lên, sau tay lái. Thảo thấy tim mình bóp lại một nỗi hờn ghen xâm chiếm, làm nàng hoa mắt.
Vừa lúc đó ông Tâm mới đi đâu về, hỏi Thảo sao không đi chơi với Tình, Thảo cũng đã lạnh nhạt trả lời như nàng đã nói với bà Tâm, ông Tâm ráng ôn tồn với con:
-- Chị em gái thường thường gần gũi với nhau. Chị Tình con lúc nào cũng săn sóc cho tụi bây, thì nay nó sắp lấy chồng, nó có cần gì thì con phụ giúp cho nó chứ...
Thảo cười lạt:
-- Dạ ngày vui của chị Tình, con vui lắm chớ sao không vui ba! Con chỉ sợ rằng đi mua sắm quần áo cho chỉ, lỡ cái nào không vừa ý, thì ai cũng đổ thừa tại con không biết chọn hàng, chọn màu, mất công!
Một giòng nước mắt lăn xuống má, bỗng dưng Thảo cảm thấy thật lạnh. Cái lạnh như từ trong ruột lạnh ra. Không biết có phải mình đã bệnh rồi hay không? Thảo hay nghe mẹ nói sinh con so phải kiêng cử nhiều lắm, nếu không sẽ bị bệnh. Tự nhiên Thảo muốn mình đau nằm một chỗ. Biết đâu khi mình bệnh, sẽ có người thương mình hơn. Biết đâu! biết đâu! Thảo để óc tưởng tượng, Thảo đang nằm trên giường bệnh, thiêm thiếp ngủ, Minh đang ngồi bên cạnh, cầm tay Thảo đưa lên môi, nói lời âu yếm. Thảo sẽ giả vờ nói yếu ớt để Minh không nghe rõ, Minh sẽ ghé sát mặt vào miệng Thảo, Thảo sẽ thì thào bên tai Minh những lời âu yếm. Minh sẽ sung sướng bỏ tất cả để yêu Thảo... Thảo thiếp đi với giấc mộng yêu đương... cho đến khi nàng nghe tiếng ông Tâm nói:
-- Thì già rồi mà bà! Ngồi ở nhà hoài tù túng lắm! Tôi ra ngoài cho giãn gân cốt, gặp bạn bè nói chuyện cho vui.
Thảo nhắm mắt lại giả vờ vẫn còn đang ngủ. Nàng nghe bà Tâm lẩm bẩm:
-- Không biết sao dạo này lại giở chứng đi hoài.
***