Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

(Tiếp theo)

Chương 13
 
Ông Tâm múc những muỗng cháo gà vẫn còn đang bốc khói đưa vô miệng. Miếng cháo nóng hổi, chạm vào môi, làm ông giật mình. Ông đặt chiếc muỗng xuống nhìn qua phía bà Tâm. Tự nãy giờ bà cũng đang quan sát ông Tâm. Bà thấy dạo này cử chỉ ông lạ lắm, ông hay đăm chiêu, thẫn thờ, như thể mất hồn. Có lúc ông như không muốn ai quấy rầy, ông nói ông cần đi ra ngoài và đi rất lâu. Buổi tối, bà nghe tiếng lăn mình, trăn trở của ông. Bà lo ngại cho sức khỏe của chồng, nhưng bà biết tính ông, bịnh cũng không thố lộ. Nghe nói ở chợ trời có bán gà tươi, bà vội vàng bảo Tình chở đi mua để nấu cháo cho ông ăn. Món gỏi gà, bà đã xắt thật nhiều rau răm, mùi vị mà ông thích. Bà ráng nêm nếm tiêu, muối, bột ngọt, một tí đường cho thật vừa miệng. Nhưng cử chỉ vừa rồi của ông, bà thấy rõ ràng ông không chú tâm đến món cháo bà đã bỏ nhiều công chăm chút. Không ngăn được sự bực dọc lẫn đôi chút lo âu, bà hỏi:
-- Ông à! Bộ cháo không vừa miệng ông hay sao?
Ông Tâm giật mình, thiếu điều đánh rớt cái muỗng. Ông vội vàng đưa muỗng lên, húp một cái "chụt":
-- Ðâu có! Vừa ăn lắm mà! Tôi đang chờ nó nguội để ăn đây mà.
-- Vừa ăn? Sao ông ăn uể oải quá vậy? Tôi thấy dạo này hình như ông có vẻ lo lắng lắm. Nếu ông có chuyện gì nên nói cho tôi nghe với để tôi cùng chia sớt với ông, chớ ông cứ giấu những chuyện buồn phiền trong lòng thì không tốt đâu!
Ông Tâm cảm thấy nhột nhạt như có kiến bò trên lưng. Ông không dám nhìn bà, sợ bà đọc rõ tư tưởng thầm kín của ông. Quả thật dạo này ông như người đang đi trên giây, lòng ông rối như tơ vò. Ông muốn cho bà Mai gặp Tình sớm như bà mong ước, nhưng làm thế nào để hai bên gặp nhau mà không xảy ra một sự nghi ngờ nào? Nhất là bà Tâm. Nói cho bà biết sợ bà buồn, mà không nói thì trước sau gì bà cũng biết. Ông nghĩ nát óc mà chưa tìm ra cách nào ổn thỏa. Ðầu ông lúc nào cũng lơ mơ như người sống trong ảo mộng. Hình bóng và những câu chuyện ngày xưa với bà Mai cứ lởn vởn trong óc ông. Ðôi lúc ông quên là mình đang ở đâu, đang làm gì. Như tối hôm qua, đi thăm vài người bạn thân, đang trò chuyện vui vẻ thì tự nhiên ông bị chia trí khi nhớ lại những chuyện thuở thiếu thời, chuyện vợ con... Ông ngồi đó, mà chẳng nghe, chẳng biết gì đến những câu chuyện chung quanh. Cho tới khi mọi người chia tay, lục tục ra về, ông giật mình, nghe ông Nhiên hối ra xe, ông ngượng nghịu sợ người bạn đọc được tư tưởng của mình... Hôm nay, múc một muỗng cháo lên chưa kịp thổi, đưa vô miệng, ông đã hình dung ra nét mặt u buồn, đôi mắt sâu thăm thẳm như trách móc, như van lơn của bà Mai. Ông cảm thấy có gì vương vướng trong cổ họng. Bây giờ nghe vợ cật vấn, ông thấy lòng thật xốn xang nhưng cố lấy giọng bình thản:
-- Ôi! Ðâu có chuyện gì mà bà lo như vậy! Tôi vẫn mạnh cùi cụi chớ có sao!... Ủa! mà bà biểu tui ăn, sao bà không ăn?
-- Có chớ! Tôi cũng đang chờ cháo nguội một chút rồi ăn, nhưng còn ông, tôi biết ông thích ăn thiệt nóng mà?
Chợt bà chép miệng:
-- Dạo này cái bụng tôi cũng không được khỏe lắm, thành ra phải nấu cháo ăn hoài cho đỡ.
Nghe vợ nói ông cảm thấy hối hận, mấy lúc gần đây, ông đã không nhớ tới sức khỏe vợ mình mà chỉ sống trong những giấc mơ. Ông vội hỏi:
-- Sao vậy bà? Bộ bụng bà nghe không yên hả? Bà cần đi bác sĩ không?
Bà Tâm xua tay:
-- Thôi! thôi! Khỏi! Ði bác sĩ làm chi cho tốn tiền. Vài bữa là nó hết liền hà! Ông à! Ông chưa nói cho tôi biết chuyện gì làm ông lo nghĩ như vậy?
Ông Tâm lật đật nói:
-- Tôi đã nói rồi! Không có chuyện gì hết. Lo là lo cho bà thôi, còn tôi thì không sao hết.
Bà Tâm ngớ ra:
-- Lo cho tôi là lo làm sao? Tôi làm sao mà ông lo?
Ông Tâm gãi đầu. Ông chợt có quyết định, nhưng ông đắn đo:
-- Bà nè! Bà có nhớ mình nuôi con Tình hồi nào không bà?
Bà có vẻ ngạc nhiên nhưng vẫn trả lời:
-- Mình nuôi nó từ lúc nó 4 tuổi. Bây giờ nó đã 25 tuổi rồi, tức là mình nuôi nó đã 21 năm. Ủa! mà sao tự dưng ông lại hỏi chuyện đó vậy ông?
Ông Tâm làm ra vẻ tự nhiên:
-- A! Thì... tôi nhớ ra bây giờ mình già rồi, thời gian đi nhanh quá phải không bà? Mới hồi nào tôi với bà còn trẻ... có lẽ, bằng con Tình bây giờ, mà nay mình đã tới cái tuổi này rồi. Thiệt! Mau quá!
Bà Tâm gật đầu:
-- Phải lắm! Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Vậy là hơn hai mươi mốt năm rồi... Nhưng sao tự nhiên ông lại nhắc đến chuyện con Tình?
Ông Tâm lúng túng:
-- Thì... thì tôi đã nói, tự dưng tôi tự hỏi không biết... không biết nó có nhớ gì đến... đến... má... không ... dì của nó không đó mà.
-- Ý ông muốn nói đến mẹ ruột của nó là cô... cô... à ... cô Mai đó hả?
Ông Tâm cố nói một cách tự nhiên hơn:
-- Thì vậy đó! Tôi chỉ thắc mắc là lúc đó con Tình mới có 4 tuổi, má nó đem gởi cho mình... mà đêm hôm đó, nó khóc quá sá... Không biết nó còn nhớ tí nào không?
Bà Tâm cũng hồi tưởng lại cái đêm trời mưa như thác đổ, một người đàn bà ốm yếu, mảnh mai tay ôm một bọc quần áo, tay kia dắt con đến xin nhờ ông bà nuôi dưỡng. Trước đó bà đã được ông Tâm năn nỉ, van xin bà mở rộng lòng tiếp nhận đứa con thơ mà ông đã tạo ra. Ông thề với bà, ông không hề biết rằng ông đã có con với Mai cho đến thời gian sau này. Ông khẳng định với bà, ông chỉ yêu thương bà, người vợ đầu gối, tay ấp, còn chuyện tình của ông với bà Mai xảy ra trước khi cưới bà, đã thành chuyện dĩ vãng. Ông chỉ xin bà chấp nhận nuôi đứa con thơ vì mẹ nó đã không có đủ điều kiện để nuôi nó nên người. Mới đầu, khi nghe chồng thố lộ, tim bà đau nhói. Bà cảm thấy choáng váng như có ai đánh vô đầu một cú đau điếng. Bà không ngờ, sau bao nhiêu năm chung sống yên ấm và hạnh phúc bên nhau, bây giờ biết ra, ông đã có một mối tình khác. Mặc dù chuyện đã trở thành quá khứ, nhưng chuyện tình yêu làm sao ai biết được điều gì sẽ xẩy ra trong tương lai? Cổ nhân há không có câu "tình cũ không rủ cũng tới" hay sao. Nhưng sau nhiều ngày, thấy chồng buồn phiền và không ngớt năn nỉ, bà xiêu lòng. Hơn nữa bà vốn là một người đàn bà hiền thục, đoan trang và đầy lòng nhân ái. Nghĩ đến đứa con của chồng thơ dại, vô tội, mẹ nó quá nghèo khổ không nuôi được, thì bà không nỡ từ chối.
Bà nhớ tới gương mặt tuy xanh xao nhưng đẹp một cách não lòng của người đàn bà tên Mai, bà chợt cảm thấy ái ngại. Bà cũng nhớ như in, đôi mắt buồn sâu thăm thẳm của người thiếu phụ trẻ tuổi, mặc dù đã hơn 20 năm trôi qua. Bà đã nhìn thấy đôi mắt này qua đôi mắt của Tình khi cô buồn bực. Nét mặt cô như chịu đựng, như muốn hứng hết những đau khổ trên trần gian, thật giống hệt gương mặt bà mẹ cô trong đêm mưa bão đó. Bà chắt lưỡi:
-- Tội nghiệp con nhỏ hết sức! Ðêm hôm đó, nó khóc cũng làm tôi xót xa lây. Mà cũng tội nghiệp cho cô Mai. Ủa! tôi quên, cứ quen miệng gọi cô Mai, bây giờ chắc bà Mai cũng già như mình rồi, thiệt tội cho bả. Con mình mà phải gởi cho người khác nuôi có khác nào như rút cái núm ruột của mình, làm sao chịu nổi!
Ông Tâm cảm thấy như có ai vừa cấu mình một cái thấu tim. Ông lặng người một giây rồi nói:
-- Tôi cũng nghĩ như bà vậy. Nay, con Tình cũng đã trưởng thành và tôi luôn luôn cảm phục, biết ơn bà đã rộng lượng nuôi nó lên người.
Bà Tâm ngó ông chằm chằm:
-- Lạ cho ông này thiệt! Sao bữa nay ông lại nói với tôi những lời lạ lùng đó? Chắc ông có nghe tin tức gì của má con Tình không?
Ông Tâm ú ớ:
-- Có! Mà... mà đâu có... có nghe gì đâu? Mà ... mà bà à! Nếu như má con Tình tự nhiên ở đâu đó xuất hiện, đòi gặp mặt con Tình, bà nghĩ sao?
-- Thì mình cũng cho bà ấy gặp chớ sao? Cứ đặt mình vô hoàn cảnh của bà Mai, thì mình phải hiểu rõ nỗi khổ của bà ta. Ai lại nỡ không cho bà gặp con chứ!
Ông Tâm nhìn bà dò xét:
-- Còn... còn con Tình thì sao hả bà? Lỡ nó gặp mẹ nó rồi nó thương mẹ nó... rồi ... sao?
Bà Tâm đi từ ngạc nhiên này, tới ngạc nhiên khác:
-- Sao hôm nay ông nói toàn những chuyện kỳ cục không vậy ông? Nếu con Tình gặp mẹ nó, nhận mẹ nó rồi thương mẹ nó, thì cũng là chuyện tự nhiên thôi! Mình làm sao ngăn cấm tình thương của nó được chớ? Hay ông sợ nó gặp mẹ ruột nó rồi nó thương mẹ nó hơn tôi à? Không sao đâu! Tôi nuôi nó từ nhỏ đến lớn, thương yêu, dạy dỗ nó như con ruột, không lẽ tự nhiên sau khi gặp mẹ ruột nó, rồi nó lại quên tôi được hay sao? Ông khéo lo!
Ông Tâm thở phào như trút được gánh nặng. Ông nhìn vợ vẻ biết ơn. Ông ân cần nói:
-- Ậy! Thì tôi chỉ ví dụ như vậy thôi! Tôi chỉ sợ sau này có một ngày nó gặp mẹ ruột nó, nó quấn quít bên mẹ ruột nó thì làm cho bà buồn lòng..
Bà Tâm nói một cách thông cảm:
-- Ông đừng lo nghĩ vẩn vơ như vậy. Hơn nữa, nếu má con Tình muốn tìm nó, thì bả tìm lâu rồi, đâu có đợi đến bây giờ!... Mà thôi! ông ăn cháo đi, kẻo nguội hết, mất ngon.
Ông Tâm lật đật kéo chén cháo lại gần và vẫn tiếp tục với thắc mắc của mình:
-- Ờ, tôi ăn đây. Nhưng bà à! Nếu má con Tình muốn gặp bà thì sao hè?
Bà Tâm tính đưa muỗng cháo lên miệng, ngừng lại hỏi:
-- Ngộ dữ! Hôm nay sao ông toàn ví dụ những chuyện không tưởng vậy? Nếu bà Mai muốn gặp tôi thì tôi gặp chớ sao lại không? Còn ông thì sao? Ông có muốn gặp lại má con Tình hay không?
Ông Tâm sợ bà đọc được tim óc ông, ông xua tay:
-- Không! không! Tôi chỉ ví dụ đủ hết mọi chuyện cho vui vậy mà!
Ông cố gắng ăn hết chén cháo cho bà vui lòng, xong đẩy cái chén ra:
-- Thôi! Bây giờ tôi phải đi lo công chuyện một lát tôi về. Bà ở nhà ăn cháo rồi lo nghỉ ngơi.
Bà Tâm cũng ngừng ăn:
-- Ông đi đâu vậy? Hôm nay ông đâu có đi làm? Không đi làm sao đi đâu hoài vậy?
Ông xô ghế, đứng lên:
-- Hôm nay là ngày nghỉ, nhưng tôi đi thăm mấy anh bạn HO thôi mà, chớ có đi đâu xa. Gặp lại bạn bè trong tù hồi đó, nhắc lại chuyện xưa cũ cho qua ngày mà bà. Tôi rủ họ ngày mai đi biểu tình chống mấy thằng Cộng Sản mon men tới đây làm ăn buôn bán! Phải cho tụi nó một bài học để nó biết tinh thần chống Cộng của dân tị nạn mình... Ðể tôi đi vô lấy cái mũ đã!
Ông bước vô trong vài phút rồi đi ra với cái mũ màu xám trên đầu, cổ ông quấn khăn len màu đen, áo bỏ vô quần tề chỉnh. Ông tránh cái nhìn soi mói của vợ. Bà Tâm nhắc:
-- Nhưng ông nhớ đừng uống rượu nghe ông. Uống rượu nhiều không tốt, nhất là bây giờ lớn tuổi rồi.
Ông Tâm trấn an, trước khi khép cửa lại:
-- Bà đừng lo! Tôi biết mà! Tôi chỉ đi gặp bạn bè nói chuyện cho vui và bàn những kế hoạch làm việc cho cộng đồng chớ đi đâu. Có uống cũng uống chút đỉnh, bà yên tâm đi!
Nhìn ông bước đi, qua màn cửa sổ, bà Tâm lẩm bẩm:
-- Lạ thiệt! không biết ổng đi đâu mà đi hoài? Mỗi lần đi lại có vẻ săm soi, chải chuốt lắm. Không lẽ... không lẽ....
Bà chặc lưỡi:
-- Già hết rồi, chắc không phải vậy đâu.
Bà cũng biết ông hoạt động rất hăng say trong cộng đồng. Mấy người trẻ tuổi nhiều lần gặp bà cứ khen cách làm việc của bác Tâm rất có quy củ và tinh thần của bác đã làm cho mọi người noi theo. Nhưng bà vẫn thấy lòng không an tâm, đi làm việc cộng đồng, gặp bạn bè thôi, việc gì phải chải chuốt quá vậy?
Hôm trước cũng vậy, bà thấy ông đứng săm soi trước gương trước khi đội mũ lên và nói đi ra ngoài. Bà có nói với Thuần về điều thắc mắc của bà, nhưng bà nói trại đi là lo ngại cho sức khỏe của ông, Thuần gạt ngang:
-- Má đừng lo! Con thấy dạo này ba có vẻ mập mạp và khỏe mạnh hơn mà má! Không chừng vì gặp bạn bè mà ba vui hơn, má.
Bà đang băn khoăn thì có tiếng bé Thủy khóc như vừa thức giấc. Bà vội đi vào trong ẵm cháu. Dạo này Thảo phải đi tìm việc làm vì biết nhà đang túng thiếu. Bà ẵm đứa cháu ngoại lên, rung rung nhè nhẹ, mắt nó vẫn còn nửa nhắm, nửa mở, "Ầu ơ... gió đưa bụi chuối sau hè... anh mê vợ bé ờ... anh mê vợ bé bỏ bè con thơ..." Bé Thủy vẫn khóc, bà ru tiếp "Ầu ơ.... gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại ờ.... ầu ơ... rau răm ở lại chịu lời đắng cay". Lòng bà chợt chùng xuống. Bà lẩm bẩm "Tại sao tự nhiên ổng lại nhắc tới má con Tình? Ổng lại còn lo má nó đòi gặp nó! Chưa hết, ổng lại còn hỏi mình có chịu cho cô ta gặp mình hay không?! Chẳng lẽ vô cớ ổng lại nhắc những chuyện đó? Hay là... hay là... Có lý nào! Hừ! mà thằng Thuần nói dạo này ông mập mạp và vui hơn xưa?! Vui vì gặp bạn bè? Bạn mới hay cũ? Bạn đàn ông hay bạn đàn bà?..."
Bé Thủy dẫy lên khóc to hơn, bà cằn nhằn:
-- Sao chướng vậy?
***
Bà Hồng vừa mở cửa vô nhà vừa kêu to:
-- Mai! Mai ơi! Em đang làm gì đó?
Bà Mai từ trong chạy ra:
-- Chị Hồng! Chị Hồng! Chị mới về hả?
Bà Hồng chợt nhìn bà Mai chăm chú:
-- Mai à! Em lại khóc nữa phải không? Chị đã nói đừng có suy nghĩ nữa, rồi buồn rầu như vậy nó hư người hết em ạ.
Bà Mai cười méo xệch:
-- Em.. em nhớ con Tình quá chị Hồng. Em không biết chừng nào mới gặp nó.
Bà Hồng quăng cái bóp lên chiếc ghế sofa, ôm vai bà Mai:
-- Chị biết! chị biết! Chị hiểu tâm trạng của em lắm. Nhưng em để thủng thỉnh một chút, chị đang nói bàn với anh Tâm tìm cách gì cho ổn thỏa. Chị sợ nếu gấp quá, chị Tâm bị "shock" mà con Tình cũng bị "shock" nữa thì lúc ấy mọi chuyện tùm lum làm sao giải quyết được!
Bà Mai gục đầu trên vai bà Hồng. Lòng bà rối bời, đau đớn. Ðã qua hơn 2 tháng rồi, bà vẫn chưa được gặp đứa con mà bà hằng nhớ thương da diết. Bà cứ tưởng tượng trong đầu, qua tới nơi bà sẽ được gặp đứa con yêu ngay và sẽ được ôm nó vào lòng cho vơi niềm thương nhớ. Nhưng mỗi khi bình tâm, suy nghĩ, bà nhớ ra Tình không phải là đứa bé lên 4 tuổi nữa. Tình bây giờ đã 25 tuổi rồi. Bà không thể nào cư xử một cách hồ đồ được. Nhất là đối với gia đình người yêu cũ là ông Tâm, ông đã có vợ, ông đang sống hạnh phúc với gia đình vợ con ông. Sự xuất hiện đột ngột của bà chắc chắn sẽ làm xáo trộn. Nhưng trí óc bà đôi khi không tuân theo trái tim đang khát khao tìm lại đứa con yêu dấu. Bà nghẹn ngào:
-- Dạ em biết em làm chị khó nghĩ, nhưng khổ quá chị ơi! Hơn 20 năm, kể từ lúc em giao con Tình lại cho ba ruột của nó, em không bao giờ nguôi ý định gặp mặt nó cả. Ngay khi anh chị Tâm còn ở quê nhà, đã nhiều lần, em có ý định đi thăm nó, nhưng hoàn cảnh lúc đó quá khó khăn, em phải nén lòng, gác qua một bên, chờ có dịp. Tới khi anh chị đi ra nước ngoài, em như người điên cuồng, em nghĩ em vĩnh viễn không còn cơ hội nữa! Em thương nhớ nó quá, chị ơi!
Bà Hồng vỗ nhẹ nhẹ lên lưng bà Mai và ôn tồn:
-- Em phải bình tĩnh mới được. Em làm cho chị rối trí làm sao chị tính toán cho được. Còn hạnh phúc của gia đình anh Tâm nữa! Em nghe câu "dục tốc bất đạt" hay không? Mình hấp tấp thì sẽ hỏng, em biết không?
Bà Mai ngẩng đầu lên, mắt bà hoen lệ, bà chậm nước mắt, cố trấn tĩnh cõi lòng:
-- Dạ em hiểu. Em cũng sợ sự có mặt của em nơi đây tạo nhiều phiền phức cho gia đình anh Tâm, gây sự hiểu lầm cho chị Ngọc Trân, người đàn bà hiền thục mà em kính trọng. Em sẽ cố gắng nghe lời chị. Em sẽ đợi tới lúc nào chị và anh Tâm có cơ hội cho em gặp được con Tình. Em xin lỗi chị.
Bà Hồng vỗ vai bạn:
-- Chị không trách móc gì em cả. Chị hiểu tâm trạng của em. Ở vào địa vị em, ai cũng như vậy cả. Bây giờ để chị đi vào thay quần áo, rồi hai chị em mình lo cơm nước buổi chiều. Chắc em nhớ chiều nay cậu Minh lại dùng cơm phải không?
Bà Mai cũng đứng lên:
-- Dạ nhớ. Lúc nẫy cậu ta gọi chị, em nói lát nữa chị về.
-- Vậy sao? Nó nói tới hay không?
-- Cậu ấy không nói đến chuyện đó. Nếu cậu ta không đến thì chắc đã nói rồi.
Bà Hồng nói "chắc vậy" và đi vào thay đồ. Khi bà xuống bếp thì thấy bà Mai đã soạn rau, trái ra đĩa. Thấy bà Hồng thay một bộ đồ rộng rãi thoải mái ở nhà, nhưng tướng bà vẫn đẹp và sang trọng, bà Mai trầm trồ:
-- Sau mấy chục năm trời không gặp chị, có lẽ cả 30 chục năm, em thấy chị vẫn trẻ đẹp.
Bà Hồng cười, đôi mắt vẫn sáng long lanh:
-- Ðẹp lão em ơi. Em mới đẹp chớ chị mà đẹp nỗi gì!
Bà Mai cúi đầu:
-- Em cảm thấy em già quá.
-- Không có đâu. Em còn đẹp lắm. Chị cũng ngạc nhiên là sau bao nhiêu năm cực khổ ở quê nhà, mà em vẫn còn giữ những nét rất đẹp.
Bà Mai sắp những trái hồng, chuối, táo, lê một cách thật mỹ thuật trên cái đĩa sứ, chợt nhớ ra điều gì bà hỏi:
-- Cậu Minh là cháu gọi bằng dì hả? Vậy nó là con của ai?
Bà Hồng chớp chớp đôi mắt:
-- Em có nhớ hôm nọ chị em mình nói chuyện về anh Huân hay không?
Bà Mai trố mắt ngạc nhiên:
-- Dạ có! Nhưng chuyện anh Huân đâu có liên quan gì đến chuyện cậu Minh?
Bà Hồng cười bí mật:
-- Có liên quan nhiều lắm chớ sao không.
-- Liên quan? liên quan làm sao? Không lẽ...
Bà Hồng cười to:
-- Còn không lẽ với không chẵn gì nữa! Thằng Minh là con ruột anh Huân đó!
Bà Mai mở to đôi mắt nhìn bà Hồng. Trời! không thể ngờ được. Con của chị Hồng và anh Huân. Bà nhớ lại dáng điệu cao ráo, đẹp trai pha lẫn một chút lãng tử của Ðại uý Huân, Thiết Giáp, của thuở xa xưa. Huân có hàng ria mép đen láy. Chàng và Hồng trông thật đẹp đôi, nhưng chuyện tình duyên hai người không thành. Mỗi người đều có hướng đi riêng từ dạo đó. Không ngờ hôm nay lại nghe một chuyện kỳ lạ như vầy. Bà Mai vội vàng hỏi:
-- Thiệt hả chị? Thiệt hả chị? Chị gặp nó ở đâu? Làm sao chị tìm được nó? Anh Huân có biết không?
Trước một lô câu hỏi, bà Hồng thở dài nhè nhẹ, mắt bà mơ màng:
-- Khi anh Huân bị Cộng Sản cầm tù, chị có lên thăm anh ấy mấy lần nên biết anh có 2 đứa con. Ðứa lớn là thằng Minh, còn đứa con gái chết vì tai nạn lúc còn bé, vợ anh đã lấy chồng khác, rồi cũng chết.... chuyện dài lắm... Lúc đó anh nói như trối trăn với chị là nếu anh có mệnh hệ nào thì nhờ chị săn sóc cho con trai của ảnh. Sau nầy khi anh mất đi, chị cũng mất liên lạc vì nghe nói ba má anh ấy đem cháu dọn đi đâu mất. Cho đến khi chị qua đây, tình cờ gặp người bạn thân của anh, cho chị tin tức của thằng Minh, chị vội tìm cách liên lạc với nó. Lúc đó nó đang ở bên Canada.
-- Ở đời có những cái mình không sao liệu trước được hả chị? Cái gì cũng có duyên nợ với nhau. Rồi bây giờ thằng Minh ra sao? Nó ở gần đây hả? Nó có giống anh Huân không?
Bà Hồng mơ màng như cố hình dung nét mặt của người yêu cũ qua hình bóng của Minh. Minh có vầng trán rộng, cái mũi thật cao, thật thẳng rất giống Huân, nhất là cái miệng cười thì không thể nào lầm lẫn được. Bà gật đầu:
-- Giống như khuôn đúc vậy em! Ðôi lúc nói chuyện với nó mà chị cứ ngỡ như nói chuyện với anh Huân. Nó ở không xa đây lắm đâu. Một lát nó tới, em biết liền.
Bà quay sang bắt nồi canh lên bếp, bật lửa rồi nói:
-- Có một chuyện rất vui, em cũng cần nghe nữa.
Bà Mai vui lây với câu chuyện của Minh, bà hối hả hỏi:
-- Chuyện gì vậy chị? Kể cho em nghe đi.
-- Ừ! vui lắm! Này nghe, thằng Minh là con của anh Huân, con Tình là con của em, mà cũng là con của anh Tâm. Tất cả đều là bạn với nhau... Em biết sao không? Ðoán coi!
Bà Mai cười lắc đầu:
-- Biết sao hả chị? Em không đoán nổi đâu. Chị làm em hồi hộp quá...
Chợt bà Mai hét lên một cách sung sướng:
-- Có phải... có phải chị đã giới thiệu cho hai đứa nó phải không?
-- Cô này thông minh thật! Ðoán như thần! Phải! Chị đã đem giới thiệu thằng Minh với con Tình. Tụi nó hạp nhau lắm.
Nói tới đó, bà chợt im lặng, nhớ ra bao nhiêu giông tố, kể từ ngày đó. Tư tưởng bà bị cắt ngang khi tiếng bà Mai vang lên:
-- Rồi bây giờ tụi nó ra sao rồi chị? Tụi nó có khắng khít với nhau hay không? Thiệt em mừng quá! Em cảm ơn chị đã nghĩ đến con Tình... em thật vui... Một lát nữa, cháu Minh đến hả chị? Phải chi nó đem con Tình lại thăm mình thì hay biết mấy?
Bà Hồng chợt reo lên:
-- Ô! hay quá! Chị tìm ra cách cho em gặp con Tình rồi. Em giúp chị tìm ra cách rồi!
-- Chị nói gì em không hiểu?
-- Thì chị biểu thằng Minh đem con Tình lại chơi như em vừa nói đó.
Nghe bà Hồng nói, bà Mai sung sướng đến lặng người. Trời ơi! dễ dàng như vậy sao? Bà sẽ được gặp Tình một cách tự nhiên như vậy, sẽ không tạo cho ai một nghi ngờ nào hết. Vẹn đủ mọi bề. Chỉ cần bà phải làm ra vẻ tự nhiên như một người khách lạ là xong. Bà hồi hộp nói:
-- Trời ơi! Thật hả chị? Thật hả chị? Chừng nào? Chừng nào thì chị nói với Minh?
Bà Hồng lau tay vào cái khăn vắt ngang cái lò nướng và nói:
-- Ðể chị đi kêu thằng Minh đi chở con Tình, nếu nó chưa đi.
Bà Hồng nói xong đi vào phòng để gọi ngay. Khi bà đi ra, bà thấy bà Mai có vẻ nóng nảy đến tội nghiệp, bà Mai không dám hỏi, chỉ nhìn bà Hồng. Bà Hồng nói rõ từng tiếng, giọng trìu mến:
-- Thằng Minh, dầu chị không bảo, nó cũng chở con Tình lại vì lâu lắm, hai đứa chưa lại thăm chị!
Bà Mai ngồi phịch xuống ghế, hai tay ôm lấy ngực. Vừa lúc đó, tiếng điện thoại reo vang, bà Hồng đi bắt điện thoại. Khi đi ra bà nói giọng buồn hiu:
-- Mai à! xin lỗi em, thằng Minh mới gọi nói, con Tình bận không đến được.
***