Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

(Tiếp theo)

Thu Nga

Chương 12
 
Cơn mưa đã ngừng. Những giọt nước trên mái nhà vẫn rớt lách tách ngoài hiên. Trời trở nên trong hơn. Ánh nắng trốn ở đâu sau cả nửa tiếng đồng hồ mưa, đã ló dạng, sửa soạn lại phong độ, tiếp tục thả cơn nóng hừng hực xuống cỏ cây. Trong nhà, máy lạnh chạy rì rầm không ngừng. Tóc bà Hồng được cột lên bằng một cái kẹp màu đen, bà mặc một chiếc áo hở tay màu vàng và quần shorts màu trắng, dài gần tới đầu gối. Bà mới tắm xong, nên có vẻ thoải mái.
Bà Hồng hít hít như cố bắt một mùi thơm đang từ bếp bay lên:
-- Mai à! Cái món chả giò em chiên gần xong chưa?
Tiếng người đàn bà tên Mai vọng lên:
-- Em đang chiên đến cái chảo cuối cùng, chị. Chắc trễ rồi hả chị?
-- Chưa đâu! Chị chỉ hỏi vậy thôi. Em nhớ để cho nó thiệt vàng rồi hãy vớt ra nghe.
-- Em nhớ mà! Em làm sao quên được những ý thích của chị.
Bà Hồng bước xuống bếp nhìn bà Mai đang trở những cái chả giò vàng rực trong chảo ngập dầu:
-- Vậy thì giỏi! Còn em, em còn thích món chả cá mà chị học được của người Bắc không? Nhớ là chị ráng học món đó để nấu cho cô em Bắc Kỳ của chị ăn đó, nhớ không?
Bà Mai cười, phô hàm răng trắng:
-- Em vẫn thích lắm! Em không ngờ ở đây mình cũng có thể đi mua những thứ cá, thịt để nấu những món ăn thuần túy Việt Nam như vầy.
Bà Hồng bước đến bên cạnh bà Mai:
-- Ðúng vậy. Ở đây chỉ cần có tiền là cái gì cũng có hết. Em thèm gì, nhớ nói cho chị biết. Không nấu được thì mình đi ăn tiệm, món gì cũng có.
Bà Mai chợt bâng khuâng. Bà thật sự không thèm một món ăn nào cả, bà chỉ đang thèm một điều... mà điều đó cũng không thể mua được, là nhìn lại đứa con thân yêu mà bà đã chia xa từ lúc nó mới 4 tuổi! Mắt bà như mờ đi. Mới đó mà đã 20 năm! Bà cũng đã bước vào tuổi xế chiều. Thấy lúc nào bà Hồng cũng ân cần hỏi bà thích gì, muốn gì để mua sắm cho, bà Mai nói cho bà Hồng yên lòng:
-- Dạ được chị. Nhưng em nghĩ mua rau trái, thịt cá rồi em nấu thì đỡ tốn kém hơn chị ạ.
Bà Hồng lắc đầu cười:
-- Em thì lúc nào cũng vậy! Ở đây đồ ăn rẻ rề em à! Mình nấu không bằng tiệm lại còn tốn hơn nữa... Còn cái món cá hấp gừng chắc được rồi đó em... Làm món này, chắc em nhớ tới kỷ niệm xưa lắm phải không?
Bà Mai ngừng tay mơ màng:
-- Dạ phải! Ðây là món ăn đầu tiên mà em đã được chị và anh Huân dẫn đi ăn để giới thiệu với anh Tâm. Em làm sao quên được! Em vẫn còn nhớ cái cảm giác ăn trúng một miếng gừng mà tưởng là da cá. Cay quá, em chảy nước mắt. Anh Huân, chị với anh Tâm thì không dám cười!
Bà Hồng nhớ như in cái cảnh ấm cúng, hồn nhiên của 4 người bạn thuở niên thiếu. Lúc đó Bích Mai nói dối mẹ đi đến nhà Thu Hồng để học thêm về môn toán, nhưng Huân và Thu Hồng đã sắp xếp một cuộc gặp gỡ để giới thiệu Bích Mai với Tâm. Bích Mai tưởng Huân và Thu Hồng chỉ muốn đi ăn ở tiệm Lạc Ký, nàng đề nghị để nàng nấu ở nhà đỡ tốn tiền, nhưng Bích Mai và Huân gạt đi. Khi tới nơi thấy có người ngồi đợi sẵn và biết ra được ý định của bạn, Bích Mai mắc cỡ quá, mặt nàng đỏ gay, tay chân luống cuống cả buổi.
Nhớ lại kỷ niệm cũ, bà Hồng cười lớn:
-- Con khỉ! Lúc đó làm gì mắc cỡ dữ vậy?
Bà Mai cũng vẫn nụ cười e thẹn:
-- Trời ơi! Lúc nào chị cũng đẩy em đi gần anh Tâm, sợ muốn chết!
-- Hứ! ở đó mà sợ, sướng gần chết vẫn làm bộ.
-- Chị thiệt!
Chợt bà Mai thở dài ngẫm nghĩ "khi chị xô thì em không chịu nhưng cuối cùng em tự xô đời em vào đời anh ấy!"
Bà Hồng phụ bà Mai, bắt chảo dầu xuống khỏi bếp. Vừa sắp những cọng rau xà lách lên đĩa, bà Hồng hỏi:
-- Sau khi anh Tâm về lại dưới tỉnh, em gặp chị đâu được mấy lần thì bặt tin. Em đã sinh sống ra sao hả Mai?
Bà Mai buồn rầu nhớ lại quãng đời khốn đốn của mình. Lúc đó bà đã mang thai được 2 tháng, bà cố giấu cha mẹ, nhưng rồi cái bụng, càng ngày càng lớn hơn mà tin tức của Tâm thì vẫn biền biệt sau 2 lá thư. Mai bị cái thai hành, ói mửa liên miên, nên không còn giấu mẹ được nữa. Mẹ nàng đuổi bà thẳng tay vì xấu hổ với xóm làng. Mẹ nói bà không bỏ làng đi, mẹ sẽ tự tử; không có cách nào khác hơn, Mai phải bỏ xứ lưu lạc qua tỉnh khác. Ba của Mai quá hiền lành, mặc dù thương con, nhưng không dám cãi lời vợ.
Thỉnh thoảng Mai vẫn lén về thôn xóm cũ, hy vọng Tâm sẽ quay trở lại, nhưng bóng chim, tăm cá! Cho đến một hôm Mai tình cờ gặp được người tài xế cũ của Tâm là chú Sáu Bổn, ông này báo tin cho Mai biết Tâm đã lập gia đình! Nàng tưởng như đất sụp dưới chân. Nàng đã kiếm ăn một cách vất vả chờ ngày sinh nở. Rồi ba Mai mất, nàng lặn lội về xin mẹ tá túc. Những năm tiếp theo trời hạn hán, mất mùa, mẹ con, bà cháu sống lây lất, nghèo khổ, nhiều bữa không đủ cơm ăn. Rồi mẹ Mai chết.
Cho đến khi biết không cách nào có thể đủ khả năng nuôi con, nàng mới cố gắng tìm ra được chỗ ở của người tình cũ đang sống với người vợ được cha mẹ cưới xin, bà đem con giao lại, hầu mong con được nuôi nấng, dạy dỗ nên người.
Nghe câu chuyện thương tâm của bạn, bà Hồng nghẹn ngào cũng rơi lệ. Bà Mai nói tiếp:
-- Em đi làm ăn cực khổ quá, đi làm rẫy, mót lúa, làm công... cực khổ vậy mà vẫn không đủ ăn thì làm sao săn sóc, chăm lo cho bé Tình được! Vì thế, em lại quay trở lại nhà, khóc lóc và năn nỉ mẹ thương xót em cho em ở chung. Mẹ không đành lòng đuổi em đi, nhưng bắt bé Tình gọi em bằng dì để tránh sự dị nghị của làng xóm. Ðã vậy đôi lúc nó còn thỏ thẻ hỏi tại sao nó không có cha mẹ như mấy đứa hàng xóm... Em đứt ruột, đứt gan.
Giọng bà nghẹn ngào:
-- Ba em thì cũng đã qua đời, có lẽ đau buồn và nhớ em. Mẹ em sau đó không lâu, trải qua một trận thương hàn bà cũng bỏ mẹ con em bơ vơ có một mình. Em lại chạy đôn, chạy đáo tìm việc để chạy gạo. Nhưng năm đó, không biết chị có biết không, làng mình mất mùa liên tiếp, em không thể nào lo cho con em được... thành ra em phải cắn răng giao con lại cho người ta...
Bà sụt sùi:
-- Em hy vọng đời con em được sung sướng hơn... Em tìm cách liên lạc với anh Tâm và nói ý định của em. Anh và vợ anh bằng lòng. Thế là em lặn lội lên tỉnh để giao bé Tình lại cho anh chị.
Bà Hồng chậm nước mắt vỗ vai bà Mai:
-- Thôi Mai! Em đừng buồn nữa. Ai cũng có số phần cả. Bé Tình cũng đã được anh chị Tâm dạy dỗ, nuôi nên người như điều em mong ước, phải không em?
Bà Mai gật đầu:
-- Dạ chị nói đúng! Chị Ngọc Trân đã nhận lãnh bé Tình với một tấm lòng vị tha, nhân hậu. Em rất kính phục chị ấy! Thật là một người đàn bà cao thượng! Còn anh Tâm, em không trách hờn anh ấy nhưng đôi lúc, em chỉ tự hỏi tại sao anh Tâm lại phụ lời thề với em? Anh thật sự bị cha mẹ ép buộc để cưới vợ hay sao? Tại sao anh lại không có can đảm nói thẳng với em một lời để em chờ đợi trong vô vọng như vậy?!
Bà Hồng đã sắp xong đĩa xà lách, bà lau tay vô cái khăn vải máng gần đó:
-- Thì lát nữa em gặp anh Tâm, em cứ hỏi cho. Chị biết em khổ sở và đau buồn nhiều rồi; bây giờ em phải quên hết tất cả mọi chuyện để mà sống...
Bà sắp những cọng rau thơm lên trên mặt những cọng xà lách:
-- Như chị đây, nếu không có nghị lực thì chị đã ngã quỵ rồi.
Bà Mai ngừng tay thái dưa leo hỏi:
-- Hồi nãy giờ lo nói chuyện của em, mà em chưa hỏi chuyện của chị, sau đó chị với anh Huân ra sao?
Bà Hồng thở dài, đời bà cũng đâu có khá gì hơn đời Mai? Gia đình bà chê gia đình Huân không môn đăng hộ đối nên bắt bà dứt tình với Huân để ưng một điền chủ trong vùng. Hắn vừa già, vừa xấu, vừa ngu dốt. Ông Huân vì tự ái và đau khổ vì tình yêu, ông xin đổi đi đơn vị khác. Bà khóc lóc năn nỉ cách mấy ba mẹ bà cũng không chịu. Túng thế, bà bỏ trốn lên Sài Gòn ở với bà cô của bà. Sau đó bà cố gắng liên lạc với Huân nhưng ông ngỡ bà đã phụ lời thề, nên cương quyết không gặp và cuối cùng thì nghe ông đã lấy vợ!
Bà Mai chép miệng thương xót bạn:
-- Tội nghiệp chị chưa! Tưởng chỉ có nghèo như em, mới khổ, té ra có tiền, giàu có như chị vẫn phải long đong! Rồi chị và anh từ hồi đó cho đến sau này, có bao giờ gặp lại nhau không?
-- Có! Chị được biết vì một sự tình cờ, anh Huân biết chị vẫn còn chung thủy với anh, nhưng đã trễ rồi.
-- Có duyên mà không nợ hả chị?
-- Ðúng vậy! Rồi không biết duyên hay nợ, chị gặp ba của mấy đứa nhỏ sau này, nhưng nợ hay duyên gì đó cũng ngắn thôi nên...
Bà Mai đoán:
-- Ảnh đi theo người khác hả chị?
Bà Mai gật đầu:
-- ... Bây giờ đường ai nấy đi.
-- Rồi sau đó, anh Huân ra sao?
Tiếng bà Hồng bỗng trầm như một nốt nhạc bị chùng giây:
--Anh Huân mất rồi!
-- Mất rồi? Tại sao vậy chị?
Bà Hồng bùi ngùi:
-- Ảnh bị Cộng sản bắt đi tù và mất trong tù, trước khi chị qua đây.
Ngậm ngùi bà Mai hỏi:
-- Anh Huân có con cái gì không chị?
-- Anh có hai đứa con, một trai và một gái. Ðứa con gái mất lúc còn bé, vợ anh cũng đã mất, khi anh ở trong tù. Ðứa con trai hiện ở đây.
Bà Mai tròn mắt:
-- Vậy sao chị? Chị có gặp nó không?
-- Có chớ! Hôm nào có dịp em sẽ gặp nó.
Bà Mai chợt la lên:
-- Thôi chết! gà quay! Con gà quay chắc thành gà thui rồi!
Bà Hồng cũng vội nói:
--Ðừng lo! Cái lò nướng đó tự động, không cháy đâu. Em lo trong này, chị ra ngoài coi gà cho.
Như nhớ ra điều gì, bà Hồng nhìn bà Mai, giọng trầm xuống lo âu:
-- Em có nghĩ rằng em và anh Tâm sẽ giữ được một khoảng cách an toàn không em?
Bà Mai kêu lên thảng thốt:
-- Chị Hồng! Bộ chị không tin em sao?
-- Chị tin em lắm nên chị mới sắp đặt bữa gặp gỡ này để hai người giải tỏa những điều hiểu lầm trong quá khứ, để em không còn khổ đau vì những nghi vấn chưa được giải đáp. Nhưng chị sợ đôi lúc lí trí không kiểm soát được sự rung động của con tim... Chị sợ...
Bà Mai giọng buồn hiu:
-- Em biết chị sợ "tình cũ không rủ cũng tới" phải không? Nhưng em hứa với chị, em sẽ không làm một chuyện gì để chị hối hận và buồn lòng. Hơn nữa em làm sao có thể làm một chuyện gì để làm buồn lòng chị Ngọc Trân cho được?! Em nghĩ anh Tâm cũng vậy, anh là một người cha tốt. Mục đích của em chỉ là gặp lại đứa con thơ cho thoả lòng mong nhớ mà thôi.
Bà Hồng vừa bước ra cửa sau vừa lẩm bẩm:
-- Chúng ta sẽ bàn với anh Tâm để em có thể gặp con Tình một cách tự nhiên, để không ai nghi ngờ gì hết.
Bà nhìn lên đồng hồ:
-- Thôi chết! Tới giờ rồi! Em làm lẹ lên.
Nghe tiếng xe đậu trước nhà, bà nhìn ra cửa nói:
-- Ảnh đến rồi! Ông này đúng giờ ghê.
Bà Mai luống cuống:
-- Ðể em ra ngoài lấy con gà quay vào.
Bà Hồng nói:
-- Cứ thủng thẳng, đừng có cuống lên như vậy.
Bà Mai không trả lời, bước mau xuống bếp. Tim bà đập loạn xạ. Tay chân bà run rẩy. Bà đứng lại đột ngột, hít thật sau một luồng không khí vào buồng phổi. Bà sắp đối diện với người xưa. Bà đã hứa sẽ không làm điều gì có thể làm phương hại tới hạnh phúc gia đình của Tâm thì tại sao bà phải bối rối như vầy? Bất giác bà nhìn vào tấm cửa gương ngăn chia căn bếp và cái patio. Bà đã 50 tuổi rồi, tóc đã lốm đốm bạc. Làn da trước kia trắng mịn màng bây giờ đã bắt đầu trổ đồi mồi. Ðôi mắt to, hồi đó lúc nào cũng long lanh như hai vì tinh tú bây giờ đã đọng những nét buồn phiền. Bà chợt tự hỏi, không biết ông Tâm bây giờ có còn cái nét thân thương nào của ngày xưa hay không? Ông có còn mái tóc dày đen mượt và đôi lông mày thật rậm dưới đôi mắt tinh anh quyến rũ? Bà nhìn xuống bộ quần áo màu vàng nhạt mà bà Mai rất thích khi còn là cô gái ngây thơ trong ngôi làng nhỏ, cái quần tây màu rượu chát trang nhã, bà vẫn còn đẹp lắm.
Bà lén nhìn lên nhà trên, qua làn cửa gương. Ở đây bà có thể quan sát ông Tâm, mà ông không thể nhìn thấy bà được. Bà thấy ông Tâm bước vào, ông mặc một bộ đồ vest màu xám xanh. Bà Hồng mời ông ngồi ghế. Hai má bà nóng bừng.
***
Ðầu óc rối bời, chân tay luống cuống bà Mai mở cửa, bước vội ra sân sau, hy vọng không khí bên ngoài sẽ làm cho tâm hồn bà yên ổn trở lại trước khi đối diện với người tình cũ.
Trong kia, bà Hồng mời ông Tâm vô nhà, mời ông ngồi xong bà nói bà đi kêu bà Mai vô. Bà Hồng biết hai người bạn cũ chắc chắn có nhiều việc muốn nói với nhau một cách riêng tư để giải tỏa những tình tiết khúc mắc của câu chuyện 23 năm xưa nên sau khi bà Mai bưng con gà quay bước vô nhà, bà lẳng lặng tránh đi.
Bà Mai đặt con gà quay vàng lườm lên bàn ăn rồi bước chân lên phòng khách, tay chân bà lạnh toát, bà cố giữ cho gương mặt được bình tĩnh. Ông Tâm đang ngồi ở một chiếc ghế bành gần cửa sổ. Hơi thở ông gấp rút. Ông nhỏm dậy khi bà Mai bước ra, ông ấp úng:
-- Mai! Em Mai... Ô... xin lỗi... cho phép tôi không?... Anh gọi là "em" được không?
Bà Mai nhếch một nụ cười và cũng rất lúng túng, bà ước ao phải chi có bà Hồng bên cạnh để giây phút đầu tiên đỡ bỡ ngỡ:
-- Anh! Anh Tâm!... Anh cứ tự nhiên... Tôi... à... em lúc nào cũng là Mai.
Ông Tâm cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Ông nhìn chăm chú gương mặt của bà Mai, gương mặt đã một thời làm tim ông say đắm, và cũng gương mặt này đã làm ông ray rứt, nhớ thương, hối hận suốt mấy chục năm trời. Bây giờ gương mặt không còn tươi trẻ và những nét sầu muộn đã làm nên những nét nhăn trên trán, ở khóe mắt, ở làn môi. Mắt bà cũng như hồi xưa, to và sâu thăm thẳm, bây giờ đôi mắt lại càng sâu hơn. Ông thấy hình như ở khóe mắt bà có một hạt lệ long lanh chực chảy ra. Ông luống cuống:
-- Mai! Em có khỏe không? Em... em ốm quá... nhưng những nét quen thuộc thì không có gì thay đổi cả.
Bà Mai cúi đầu. Bà cũng đã quan sát ông thật nhanh. Tim bà thắt lại. Gương mặt ông Tâm cũng theo với định luật của tạo hóa, không còn nét trẻ trung của thời son trẻ. Mái tóc dày của ông bây giờ đã thưa đi nhiều và cũng bạc đi. Ðôi mắt ông có nét buồn vời vợi. Trán ông hằn những nếp nhăn. Toàn gương mặt chữ điền của ông đã nói lên được những muộn phiền chồng chất. Bất giác bà Mai thấy như có một vật gì dâng lên, nghẹn ngào ở cổ. Bà cố gắng lắm mới nói:
-- Thật vậy sao anh? Ðã hơn hai mươi năm rồi! Làm sao mà không thay đổi được!
Lời bà như một dấu chấm than. Ông Tâm cảm thấy tê tái cả cõi lòng. Ông ước ao, thật nhanh, phải chi mình có thể ôm Mai vào lòng cho vơi niềm thương nhớ. Ông cố trấn tĩnh để nhớ rằng, hai người bây giờ đều đã có những bổn phận riêng, nhất là ông, ông đã có vợ, vợ ông là người đàn bà hiền thục, đầy lòng nhân ái. Với bà Mai, ông là người phụ bạc, nhưng đã bao nhiêu năm trôi qua, bà cũng đã có đời sống riêng. Ông không nên vì một phút xúc động mà tạo nên những điều oan trái khác. Ông cố gắng giữ bình tĩnh. Ông mời bà Mai ngồi xuống. Bà líu ríu làm theo lời ông. Bà nhìn xuống bàn tay một cách chăm chú như thể bà chưa hề thấy bàn tay mình bao giờ. Lòng bà Mai cũng rối loạn lắm. Bà biết nếu bà yếu đuối, bà sẽ làm mất lòng tin của bà Hồng. Bà đã hứa và khẳng định với bà Hồng là bà chỉ muốn gặp lại đứa con thân yêu mà bà đã rứt ruột cho đi và hứa chỉ nói gặp và nói chuyện thẳng thắn với ông Tâm về câu chuyện năm xưa. Bà sẽ không để cho tình cảm yêu thương cũ phá vỡ hạnh phúc gia đình của ông Tâm. Bà Hồng tin bà nên mới có cuộc gặp gỡ hôm nay. Bà ráng dằn sự lúng túng. Bà ngẩng lên nhìn ông Tâm. Mắt bà xa vắng. Ông Tâm cũng đã trấn tĩnh được sự bối rối. Ông nhìn vào mắt bà Mai:
-- Anh biết anh có lỗi với Mai nhiều lắm và anh cũng biết em sẽ không bao giờ tha thứ cho anh. Nhưng có những chuyện đã xảy ra cho anh mà em chưa biết.
Bà Mai nén tiếng thở dài:
-- Em không dám trách anh. Có lẽ phần số em đã an bài như vậy rồi. Em chỉ biết có một điều là em thương nhớ con em.
Ông Tâm thấy cổ mình nghẹn lại:
-- Anh biết! Anh biết em đau khổ lắm. Tội lỗi này, anh xin gánh chịu hết. Lương tâm anh cắn rứt trong mấy chục năm nay, không lúc nào được yên nghỉ hết Mai à.
Bà Mai chợt cay đắng:
-- Thiệt vậy sao anh? Vậy mà em tưởng mấy chục năm qua, anh an hưởng hạnh phúc bên vợ đẹp, con khôn mà không mảy may nhớ gì đến chuyện xưa chứ! Em cũng được biết anh lên lon đại úy nữa mà!
-- Mai! Anh xin em đừng nói những lời cay đắng đó với anh. Nhìn anh như vầy mà em nói anh vui vẻ hạnh phúc sao em?
-- Bên cạnh có chị Trân dịu dàng, khả ái và một bầy con kháu khỉnh, tại sao anh nói không hạnh phúc?
-- Phải! Anh không phủ nhận Ngọc Trân là một người vợ tốt, Trân đã lo cho chồng con một cách vẹn toàn... Nhưng anh làm sao quên được câu chuyện đau lòng anh đã tạo cho em hả Mai?! Anh làm sao quên được tội lỗi anh đã gây ra cho một người con gái ngây thơ trong trắng như em! Nếu không có anh, đời của em đâu có ra nông nỗi này?!
Bà Mai chợt nấc lên một tiếng nghẹn ngào, không kềm chế nổi, hai hàng lệ bà từ từ tuôn chảy. Bà nhớ đến cái đêm oan nghiệt, mưa gió gào thét ầm ầm như cố át đi tiếng lòng bà cũng đang ầm ầm vang vọng. Bà nhớ rõ bà chạy bay ra khỏi nhà trong khi cơn mưa đang đổ xuống tầm tã mặc cho tiếng gọi của ông Tâm, tiếng của bà Trân bảo bà hãy quay lại chờ mưa tạnh. Và trời ơi! tiếng gọi như xé ruột của đứa con thơ khi nó biết từ nay sẽ vĩnh viễn xa người "dì", là người thân độc nhất trong đời nó. Ông Tâm thấy bà Mai khóc, lòng ông bỗng dấy lên những tình cảm xa xưa. Ông cảm thấy hối hận vô tả. Ðời của bà Mai vì ông mà tan nát. Nếu không có ông, bà Mai đã sống những ngày tháng yên vui, hạnh phúc bên cha mẹ. Bà sẽ lập gia đình với một người trai trong làng, sinh con, đẻ cái. Bà sẽ đã có một cuộc sống ổn định chớ đâu có xảy ra cảnh chia lìa đau đớn như vầy. Ông muốn đến gần, nắm lấy bàn tay của bà để nói vài lời an ủi. Nhưng ông biết, với hoàn cảnh hiện tại, ông không nên làm như vậy. Ông nhìn bà Mai khóc, lòng rối bời.
Bà Mai cũng lau vội làn nước mắt. Trước khi gặp ông Tâm, bà đã nhủ vơi lòng, bà sẽ cứng rắn, không trách móc và nhất là không yếu đuối. Bà tằng hắng giọng:
-- Không sao đâu anh! Phần số em đã định như vậy rồi, làm sao cưỡng lại được. Em chỉ ân hận là hai mươi năm trời, em không chứng kiến được sự trưởng thành của con em ... Còn đời em từ khi mất anh... có còn ý nghĩa gì đâu!
Những lời nói sau cùng, sau khi nói ra, bà cảm thấy lỡ lời, nên im bặt. Tim ông Tâm nhói đau.
-- Mai! Xin em bớt xúc động! Xin em tha tội cho anh. Anh vì hoàn cảnh gia đình mà phải phụ em.
Giọng ông khàn đặc:
-- Khi hay tin em bị mẹ xua đuổi ra khỏi nhà, anh đã có ý định rời bỏ tất cả để đi tìm em nhưng...
Ông bỏ lửng câu nói. Bà Mai nhìn ông chờ đợi. Nhưng sao hả anh? Nhưng sao? Cha mẹ bà đã xua đuổi bà đi. Bà nhớ lời đay nghiến của mẹ khi hay tin bà mang thai. Lời mẹ nói rít qua hai kẽ răng, bà không muốn hàng xóm láng giềng xấu miệng chê bai gia đình bà. Nhìn đứa con gái đang tiều tụy vì ốm nghén, lòng bà mẹ chùng xuống nhưng những tiếng dị nghị, dư luận hàng xóm khắt khe, mà bà đã nghe từ những câu chuyện tương tự đã không cho bà làm khác hơn.
Nàng nhớ trước khi đi, nàng đã quỳ xuống, lết từng bước nhỏ đến bên gối mẹ, nàng năn nỉ mẹ đừng đuổi nàng, nhưng bà mẹ quay mặt đi, tay mẹ chỉ ra đường ra dấu cho nàng biết, nàng không có sự chọn lựa nào khác. Ba của Mai thì tuy thương con, nhưng vì sợ lệ làng cổ hủ, đành phải cắn răng nhìn đứa con lặng lẽ rời quê. Mai đã gom góp vài bộ quần áo, một ít tiền bạc mẹ nàng vứt ra, thất thểu ra khỏi làng. Những ngày tháng lang thang nơi làng khác, nàng đã từng hy vọng Tâm sẽ tìm ra nàng và đem nàng về chung sống. Nhưng bóng chim, tăm cá, Tâm vẫn biền biệt. Nhiều đêm, sau khi làm việc mệt nhọc vơi cái bụng nặng nề, Mai khóc hết nước mắt. Nàng không hiểu tại sao Tâm có thể quên những lời thề say đắm khi xưa. Ðôi lúc nàng căm hận Tân đã phụ bạc nàng. Té ra đàn ông là thế, mới ngày nào thề non, hiện biển mà bây giờ... Nàng tưởng tượng ra chàng đang tràn trề hạnh phúc bên người con gái giàu sang, xinh đẹp mà cha mẹ hai bên đã hứa hôn cho hai trẻ.
Sự giận hờn năm xưa bừng bừng sống lại. Nàng chua chát:
-- Nhưng sao hả anh? Như vậy anh có nghe tin em bỏ làng nước ra đi, nhưng rồi sao anh không tìm em? Anh không nỡ bỏ lại vợ vừa giàu vừa đẹp phải không?
Ông Tâm lúng túng:
-- Anh biết bây giờ anh có nói bao nhiêu lời, bao nhiêu lý do, em cũng không tha thứ cho anh nhưng anh xin em, để anh giải thích... anh...
Bà Mai không thể chờ ông hết câu, nói:
-- Lý do gì mà anh không thể liên lạc với em để em mỏi mòn trông ngóng? Nếu em biết anh sẽ không trở lại ngay từ phút đầu thì câu chuyện có thể đã thay đổi khác! Em chờ anh cho đến khi không giấu được mẹ về cái bào thai thì mọi chuyện đã vỡ lỡ!
-- Hãy nghe anh giải thích. Khi anh về nhà thì mẹ anh bệnh đã nặng lắm, bà hối anh phải cưới vợ để chạy tang. Mẹ anh cực khổ nhiều rồi, bây giờ thấy mẹ hấp hối trên giường bệnh, anh không nỡ trái ý mẹ được... Em hiểu cho anh...
Bà Mai cười buồn:
-- Phải! Anh đành vì chữ hiếu mà quên mất lời thề!
-- Anh có lỗi với em nhiều lắm. Nhưng ở hoàn cảnh của anh, lúc bấy giờ... anh thương mẹ anh đã trải qua thời kỳ đau khổ... vì gia đình anh... nên anh không đành lòng để mẹ phải đau buồn trước khi nhắm mắt...
Giọng ông Tâm ngập ngừng, đứt quãng. Ông nhớ lại giây phút hấp hối của mẹ. Mẹ ông gầy xọp như que cũi. Nhìn thân thể tiều tuỵ của người mẹ thân yêu, Tâm không nỡ làm mẹ buồn. Ðời của mẹ Tâm đã trải qua nhiều phen sóng gió, khi ưng ba của Tâm. Gia đình chồng thì khắc nghiệt, nhưng mẹ Tâm đã chịu đựng mọi sự cho đến khi nhắm mắt. Gia đình Tâm thương con trai nhưng lại ghét bỏ nàng dâu. Tâm nhớ khi còn nhỏ, chàng đã chứng kiến cảnh mẹ chàng phải ăn cơm sau như một người ở. Có nhiều đêm, buổi tối gia đình ngồi nói chuyện với nhau vui vẻ trong phòng khách thì mẹ chàng phải giặt giũ, lau chùi, dọn dẹp từ trong ra ngoài. Khi có khách đến chơi, mẹ chàng mới được cha mẹ chồng làm bộ thương yêu, săn sóc. Có lúc Tâm thấy mẹ ngồi khóc ở chái hè, Tâm mon men lại gần, mẹ ôm chàng giả vờ dụi mắt nói có hạt bụi vướng vào mắt. Ðang nói chuyện thì có tiếng bà nội kêu, mẹ chàng vội vã thả Tâm ra, đứng lên quẹt tay vào quần, đẩy Tâm đi chỗ khác để bà nội đừng thấy. Sau khi bà nội mất đi, mẹ chàng vẫn phải khổ sở vì những người em chồng giả dối, ganh ghét. Cho đến khi ông bà nội mất, mẹ chàng mới đỡ khổ. Mẹ chàng chỉ có một người bạn thân là mẹ của Ngọc Trân mà thôi. Cha mẹ Ngọc Trân là người những bạn duy nhất đã an ủi, chia xẻ những đau khổ, dằn vặt của mẹ chàng trong lúc làm dâu. Hai gia đình vì thế mà hứa với nhau là nếu sau này hai bên có con trai và con gái, sẽ làm suôi gia. Rồi ba chàng mất, hai mẹ con sống hủ hỉ với nhau. Sau khi đậu tú tài II, chàng nhập ngũ vào trường Thủ Ðức, ra trường khi chiến sự sôi động, chàng được bổ sung vào một đơn vị Bộ Binh, đi hành quân liên miên, bỏ mẹ ở nhà, thui thủi một mình.
Tâm rất thương mẹ, nên khi thấy bà bệnh nặng, bà nói, bà muốn giữ lời hứa với người bạn tâm giao là hai gia đình sẽ kết làm thông gia với nhau, chàng phải cưới Ngọc Trân, thì bà mới yên lòng nhắm mắt. Bà đã đăm đăm nhìn Tâm chờ đợi câu trả lời của chàng. Chàng đành phải vì chữ hiếu mà phụ chữ tình. Cũng có nhiều lúc, Tâm đã muốn bỏ tất cả để đi tìm Mai, nhưng bây giờ Tâm đã có bổn phận làm chồng, chiến tranh vẫn khốc liệt. Những trận hành quân hình như không bao giờ ngưng nghỉ, ông hăng say chiến đấu cùng đồng đội để ngăn bước chân giặc xâm lấn miền Nam. Sau vài chiến công, Tâm lại được lên lon đại úy và thuyên chuyển đi nơi khác, mặc dù trong thâm tâm Tâm vẫn ray rứt nhớ thương Mai, nhưng theo giòng đời, Tâm cứ để thời gian trôi... cho đến khi quá muộn.
Nhớ lại, ông nghẹn lời vì hối hận lẫn ngượng ngùng. Tiếng bà Mai thở dài, kéo ông Tâm về thực tại:
-- Thôi! Anh khỏi phải kể nữa, em hiểu rồi. Nhưng sao anh không tìm cách liên lạc với em để em phải ngày đêm trông ngóng? Không lẽ anh không có một giây phút riêng tư nào để nhớ tới em?
Ông Tâm cúi đầu:
-- Sau khi làm đám cưới xong thì chiến cuộc bùng nổ lớn, anh lớp thì lo cho mẹ, lớp thì làm bổn phận của một quân nhân nên anh như cái chong chóng trước cơn gió chướng... Cho đến khi anh nhờ người đưa tin tức cho em thì mới biết em bỏ làng ra đi...
Bà Mai không kềm được hỏi:
-- Lúc đó anh nghĩ gì? Anh lại tiếp tục cuộc đời bình lặng phải không?
-- Khi biết em bị mẹ hất hủi, đuổi đi, anh đau khổ lắm, anh muốn đi tìm em... thì mẹ mất! Bà kéo dài cuộc đời bệnh hoạn từ lúc anh sắp cưới vợ cho đến khi được tin em.
Bà Mai lại thở dài. Có lẽ định mệnh oan nghiệt đã định sẵn như vậy rồi. Giả thử, mẹ ông không mất, ông tìm được bà, thì chuyện tình duyên của hai người cũng không thể nào thành tựu được vì lúc đó, ông Tâm đã cưới vợ rồi. Ông Tâm hình như cũng đoán được ý nghĩ cùa bà Mai nên nói:
-- Mai! Anh biết anh không thể tìm ra được lý do nào để có thể biện hộ tội lỗi của anh cả. Anh chỉ xin em một điều là tha thứ cho anh. Anh đã sống trong sự dằn vặt như vậy hơn hai mươi lăm năm rồi. Lương tâm anh không bao giờ được yên ổn cả.
Bà Mai u buồn nhìn ông:
-- Em đã tha thứ cho anh lâu rồi. Em chỉ muốn biết sự thật cho khỏi còn thắc mắc thôi.
Bà vươn vai, ánh mắt nhìn ra bên ngoài cửa kính. Nắng tràn ngập, nắng chói chang như đổ lửa. Những hạt nước mới vài phút còn lấp lánh, bây giờ đã bốc hơi. Bà cố lấy lại sự bình tĩnh:
-- Bây giờ em chỉ còn một ước ao là được gặp mặt con Tình. Em đã xa nó đã gần 21 năm rồi... Có nhiều lúc em nhớ nó đến phát điên lên được!
Giọng ông Tâm hấp tấp:
-- Anh sẽ cố gắng thu xếp để em gặp con Tình trong một ngày rất gần.
Bà Mai nôn nóng:
-- Nó giống ai? Tính tình nó ra sao?
-- Nó giống em lắm, từ nét mặt, tiếng cười... Tính tình nó cũng giống em nữa. Lúc nào nó cũng nhường nhịn người khác để chịu thiệt thòi về mình. Còn một tính giống em nữa...
Ông Tâm ngừng nói, bà Mai không nhịn được hỏi:
-- Tính gì?
Ông Tâm tự nhiên bật cười:
-- Tính nhút nhát của em. Nó nhát gan lắm. Cái gì cũng ngại, cũng sợ. Bởi vậy...
Ông ngừng một giây rồi trầm ngâm:
-- Bởi vậy, nhìn nó làm sao anh không nhớ em được!
Bà Mai lại thấy lòng xao xuyến, vội nói sang chuyện khác:
-- Anh Tâm! Anh làm ơn xếp đặt cho em gặp con Tình sớm nghe anh. Em nhớ nó quá.
-- Anh biết! Anh đang lo... không biết nên nói với... chị... Trân... hay giấu chị?
Bà Mai e ngại:
-- Giấu chị Trân? Anh chưa có cách gì cho em gặp con Tình mà chị Tâm không biết phải không anh?
Ông Tâm xoắn hai tay vào nhau:
-- Anh đang bị rối trí quá! Chị Hồng nói chị sẽ tìm cách. Ủa!... - Ông Tâm nhìn quanh - Chị Hồng đâu rồi Mai?
Bà Mai cũng nhìn quanh:
-- Chị Hồng nói đi ra ngoài một lát về liền.
Như nhớ ra điều gì, ông Tâm nói:
-- Tội nghiệp chị Hồng! Cũng vì chuyện của mình mà chị lo lắng đủ thứ. Nhớ lại... tội nghiệp anh Huân. Chuyện của anh chị cũng đâu có khác gì chuyện của mình phải không Mai?
Bà Mai gật đầu:
-- Ðúng vậy. Chị Hồng đã vì anh Huân mà cũng lận đận thật... Anh Huân thì sau khi lập gia đình, anh cũng đã chết trong tù Cộng Sản rồi. Chị Hồng lấy người khác, tình duyên cũng không suông sẻ... Ðàn bà khổ thật!
Bà Mai tự nhiên thương cảm cho người bạn thân vô kể. Ðời của bà Hồng quả là "hồng nhan đa truân". Bà ngậm ngùi nhớ lại chính cuộc đời của mình; sau khi bà gởi bé Tình lại cho vợ chồng Tâm nuôi dưỡng, bà phải cực nhọc tìm kế sinh nhai, đầu tắt, mặt tối cho tới khi Cộng Sản chiếm vào miền nam, Mai gặp một người miền Bắc vào, hắn ta tuy nhà quê, nhưng thiệt thà, lại có lòng tốt. Hắn đã giúp đỡ Mai đủ thứ trong cơn khốn khó. Mai cảm kích lòng tốt của hắn nên khi hắn ngỏ ý sống chung, Mai nhận lời. Nhưng rồi, tính tình, hai mức sống Nam Bắc, sau một thời gian thì sự khác biệt lần lần lớn dần với thời gian, Mai và hắn chia tay. Nhưng từ lúc xa Tâm, tới lúc sống chung với người chồng từ miền Bắc vào và sau khi đường ai nấy đi, hình bóng Tâm không một phút nào phai nhạt trong trí óc Mai.
Ông Tâm chợt nhìn đồng hồ tay:
-- Chắc anh phải về Mai à.
Bà Mai vội vàng:
-- Chết! Sao được! Anh phải ăn uống một tí gì đã chứ! Chị Hồng và em đã nấu đủ thứ cho anh!
Ông Tâm có vẻ bối rối:
-- Anh đi lâu quá rồi... chắc không ăn được đâu, và anh cũng không đói Mai à.
Bà Mai lắc đầu:
-- Anh không ăn, chị Hồng buồn chết. Chị đã nấu nướng từ sáng sớm đến giờ.
Ông Tâm đứng lên:
-- Nói với chị Hồng bữa khác đi nghe Mai. Anh phải về có nhiều công việc lắm.
Bà Mai có vẻ không vui, nhưng bà phải đứng lên:
-- Em hiểu. Anh về vậy. Anh ráng thu xếp cho em gặp con. Bà nói chữ "con" thật nhẹ. Ông bối rối không dám nhìn bà. Ông Tâm tiến về cánh cửa:
-- Anh nhớ. Em đừng lo, nhất là... em đừng buồn anh nghe Mai.
Bà Mai nhếch mép cố nở một nụ cười để ông yên tâm, nhưng sự cố gắng của bà không được trí óc tuân theo, nụ cười chỉ là nụ cười gượng. Nước mắt bà long lanh. Bà nhìn ông đi hối hả, ngang qua cửa. Vai ông hình như xệ xuống dưới một áp lực vô hình. Bước ra khỏi nhà, ông đội cái mũ xám lên đầu. Mái tóc bạc được che gần khuất, ông mở cửa xe. Một làn gió tự nhiên thổi tốc tới, ông lấy tay chận cái mũ, một tay mở khóa xe.
***
Thương vẫn còn nằm trong bệnh viện. Dạo này sức khỏe của Thương cũng khá lắm rồi. Nước da đã bớt xanh xao. Tuy rằng vết thương gần lành nhưng vết thẹo thì không thể xóa được, trừ khi gia đình ông Tâm có tiền đưa Thương đi chỉnh hình thẩm mỹ. Một bên đầu của Thương bị cạo trọc, nay tóc bắt đầu nhú ra li ti. Chân trái của nó may mắn không bị cưa, nhưng cậu ta phải chịu tàn tật suốt đời.
Hàng ngày Thương được y tá đẩy đi khám đầu và chân. Cả nhà cứ thay phiên nhau vào thăm Thương. Thấy con có thể cười nói đôi chút, bà Tâm mừng vô hạn. Thuần thấy vậy, rất mừng vì từ khi Thương bị đánh trọng thương, bà Tâm cứ khóc lóc không nguôi, ai dỗ dành gì cũng không được. Nay thấy mẹ vui, Thuần cũng nói vô:
-- Con cũng mừng lắm má. Hôm trước thấy nó nằm xuội lơ, con cũng lo hết sức. Mấy hôm nay, coi bộ cu cậu đỡ lắm rồi. Chiều qua, nó còn giỡn với con: "Bộ anh tưởng em chết hả? số em sống thọ lắm mà! Ba cái lẻ tẻ này nhằm nhò gì!"
Bà Tâm vui, ứa nước mắt. Bà thương con lắm, bà biết Thương và Thảo có tánh lí lắc, thích cười đùa, chỉ khi nào gần ông Tâm tụi nó mới trở thành lầm lì vì sợ ba la mắng. Bà ước ao, phải chi tánh ông dễ dãi hơn một tí thì trong gia đình chắc vui vẻ hơn. Nhìn Thương lần lần bình phục, lòng bà rưng rưng, sung sướng. Bà cảm tạ trời Phật đã nghe lời cầu xin của bà. Tuy nhiên khi thấy vết sẹo chạy ngang qua khuôn mặt con, bà không khỏi đau lòng. Chân trái của Thương vẫn còn quấn băng. Cô y tá cho biết ngày rời bệnh viện của Thương không còn xa, nhưng hàng ngày Thương phải tập dợt một thời gian chắc cũng lâu để đi đứng trở lại bình thường. Cô y tá cũng nhắc đi, nhắc lại là theo lời bác sĩ, Thương không được chạy nhảy, không được làm việc nặng, không được xúc động. Thương nghe nói sắp được về nhà thì vui lắm. Thương nói với mẹ:
-- Má! Khi nào con về má nấu canh ổ qua, dồn thịt cho con ăn nghe má!
Bà Tâm vuốt trán con, âu yếm:
-- Không những má nấu một món đó, mà má còn nấu cả chục món con thích nữa, chịu không?
Thương nở một nụ cười thật tươi, vết sẹo còn đỏ hỏn trên gương mặt Thương chợt méo đi:
-- Con muốn cá kho tộ nữa má.
Thuần phì cười:
-- Cái thằng này, khỏi lo! Má nấu cả ngày cho mày ăn. Bây giờ có chị Tình về nữa, chị học mấy món bên Canada của dì Ba đó, tha hồ cho mày ăn. Chỉ cần mày mau lành bệnh thì muốn ăn gì cũng có hết, nghe chưa.
Thương tươi ngay nét mặt:
-- Chị Tình không đi xa nữa phải không?
Bà Tâm âu yếm:
-- Chị Tình ở nhà luôn, không đi đâu hết, cho tới hồi lấy chồng con à.
Thương nghe nói sung sướng nhắm mắt. Nó thương chị Tình quá. Khi chuyện mới xảy ra, nó giận Minh, có lúc nó muốn "đục" Minh một trận cho hả giận. Nhưng sau đó, thấy Minh vẫn tử tế và lịch sự, nó nghĩ là không phải lỗi của Minh, mà cũng không phải lỗi của Thảo, Thương rất thương em gái vì trong nhà nó và Thảo bị rầy la nhiều nhất, nhưng nó không giận lâu. Nó lại thương mẹ, nên chi khi cha mẹ bị bọn cướp đánh, Thương cảm thấy gia đình bị sỉ nhục và khi biết được đích xác tên bọn cướp, nó nhất quyết đi báo thù. Không ngờ chuyện báo thù của nó lại kết thúc thảm hại như vậy. Trong những tháng ngày nhìn gia đình túng thiếu, Thương chỉ có một ước muốn là làm có nhiều tiền để giúp đỡ cha mẹ, cho Thảo tiền để mua những thứ mà Thảo ao ước. Nhớ tới em, Thương nhoẻn miệng cười. Nó cũng đã được báo tin Thảo đã có một đứa con gái rất dễ thương. Khi mới được báo tin, Thương chưng hửng. Nghe Tình nói bé Thủy giống Thương, Thương cười hể hả.
Yến cũng lại thăm Thương rất thường. Bà Tâm không ngớt cảm ơn lòng tốt của Yến và Lan đã giúp đỡ cho Thảo. Yến hay chọc Thương để Thương cười. Yến hỏi chừng nào chân Thương lành để thi chạy với Yến. Chỉ có Lan là dạo này không thấy đâu cả. Hình như mẹ của Lan canh chừng và cấm Lan kỹ lắm. Nhưng Yến mới tiết lộ với Thuần là thấy Lan đi chơi với cả gia đình. Thuần hỏi dồn:
-- Thiệt hả? Yến thấy ở đâu?
-- Em thấy nó ở trong quán Thiên Thai. Yến không chào nó vì thấy có má nó bên cạnh, lại có thêm một người đàn ông nữa...
Yến ngập ngừng:
-- Không biết người đàn ông đó là ai, vì Yến biết không phải ba nó.
Thuần thấy tim đập thình thịch:
-- Không phải ba Lan à? Trẻ hay già?
Yến nheo mắt, cố nhớ lại gương mặt người đàn ông:
-- Không già lắm, nhưng cũng có tuổi rồi.
Thấy nét mặt tái xanh của Thuần, Yến nói:
-- Thôi! Hôm nào anh gặp Lan, hỏi thì biết liền chớ gì!
Yến chấm dứt câu chuyện bằng cách ẳm bé Thủy trên tay, nựng nịu cho con bé cười sằng sặc. Thuần vẫn đăm chiêu, đầu óc chàng hiện ra thật nhiều câu hỏi. Người đàn ông đó là ai? Bạn của mẹ Lan hay bạn của Lan? Thuần ráng hỏi:
-- Yến! Lan có thấy Yến không?
Yến ngừng tay chọc lét bé Thủy:
-- Có thể! Nhưng thấy má nó bên cạnh nên hai đứa đều giả bộ không thấy nhau. Hôm nào gặp hỏi nó thử coi.
Không biết làm sao hơn, Thuần gật đầu xuôi xị. Chàng lấy cớ phải về nhà coi ông Tâm ra sao. Dạo này Thuần thấy ông Tâm có vẻ lo lắng, đứng ngồi không yên, ban đêm Thuần còn nghe ông nằm mê ú ớ hoài. Tình nói nàng cũng thấy như vậy và nói sẽ đi ra tiệm mua vài thứ sâm tốt cho ông Tâm uống, may ra ông sẽ khỏe và ngủ ngon giấc hơn.
Thuần đi dọc theo những hàng cây sồi cao, to. Những tàng cây được nhuộm bằng một màu vàng thẫm, có chỗ đã trở nên màu đỏ, vài chỗ còn tiếc nuối màu xanh tạo thành một tàn cây đủ màu sắc, đẹp như một bức tranh. Vài chiếc lá xoắn tít bay khi có gió thổi qua. Thuần bỏ tay vào túi quần, đụng ngay một tờ giấy cồm cộm. Thuần lôi ra, thơ của Lan, lá thơ này Thuần nhận đã lâu lắm rồi, và đọc thì không biết bao nhiêu lần. Lá thư đã sờn và quăn góc, vỏn vẹn chỉ vài chữ, nhắn Thuần đừng lo, Lan sẽ tìm cách liên lạc khi có thể. Lá thư chỉ có thế, nhưng Thuần đã đọc đi, đọc lại không biết bao nhiêu lần. Chàng để óc tưởng tượng mấy ngón tay thon trắng nuốt của Lan khi viết vội những giòng chữ này. Chàng đã để lá thơ trong túi quần, để khi bỏ tay vào túi, chạm lá thư Lan như chạm một nguồn an ủi, vỗ về khi chàng cô đơn. Thuần bóp nhẹ cái thư và thấy tim mình thắt lại trong một mối nghi ngờ vu vơ.
***
Thảo mở cửa đón Minh:
-- Anh Minh! vào đây! vào đây!
Minh bước vô, nhìn quanh:
-- Cả nhà đi đâu hết rồi?
Thảo chùi tay vào cái khăn vắt trên vai:
-- Má với chị Tình đi giao đồ may rồi. Chị Tình có dặn anh tới, xin lỗi giùm vì đồ may cần giao gấp, chị nói giao xong, về liền. Anh ngồi đợi nghe. Còn anh Thuần chở anh Thương đi tái khám rồi.
Minh cảm thấy hơi khó chịu vì đây không biết lần thứ mấy Tình sai hẹn không ở nhà khi Minh đến. Chàng đưa món đồ chơi của con nít đang cầm ở tay cho Thảo. Thảo cầm lấy đem lại nôi cho con và nói:
-- Trời ơi! Sao anh cho quà hoài vậy?
Minh đến gần cạnh nôi đưa tay cho bé Thủy cầm:
-- Ðâu có gì! Sao lúc nào cũng nghe giao đồ gấp vậy Thảo?
-- Em không biết! Chỉ nghe nói là hối quá trời, hôm qua má với chị Tình phải may cả đêm mới xong đó. Chị đi một lát về liền mà.
Minh ngồi xuống ghế, lòng không an. Một cái gì mơ hồ bất ổn ẩn hiện trong đầu chàng. Chàng thật tình không muốn lại đây khi chỉ có một mình Thảo ở nhà như vầy. Tiếng bé Thủy cười với món đồ chơi trên tay nghe thật dễ thương. Minh cúi nhìn:
-- Bé Thủy không ngủ hả? Chà! Mới không gặp có mấy bữa đã thấy lớn bộn rồi.
Thảo cười, đi lại gần Minh:
-- Ðúng vậy anh, con nít mau lớn thiệt há?!
-- Lúc anh mới thấy bé Thủy lần đầu tiên, nó như con búp bế biết khóc.
Lời nói đều đem hai người về những kỷ niệm cũ. Thảo chợt nhớ lại những chuyện Minh đã giúp khi nàng mang thai cho đến khi nàng đau bụng sanh bé Thủy. Lòng nàng chợt dâng lên một sự xao xuyến vô bờ. Ðời nàng hình như có một sự ràng buộc huyền bí với người đàn ông này. Nhưng cũng hình như do một sự huyền bí nào đó, người đàn ông mà nàng yêu quý này sẽ không bao giờ thuộc về nàng cả. Nàng nhìn Minh chăm chú, đầu nàng lan man nhiều thứ, nàng ao ước phải chi bé Thủy không phải là con của Mike mà là con của Minh.
Minh cảm thấy nhột nhột ở gáy, chàng nhìn lên, thấy Thảo đang đăm đăm nhìn chàng, mắt Thảo mơ màng. Minh cảm thấy lòng bất an, chàng đứng lên:
-- Thôi, chắc anh phải đi, khi khác anh lại.
Thảo giật mình:
-- Sao vậy? Em có làm gì anh đâu mà anh sợ dữ vậy? Anh ngồi một tí đi. Anh không ở lại, chị Tình về la em đó.
Chợt bé Thủy khóc ọ ẹ, Thảo lấy cớ nói:
-- Em đang bận dưới bếp, anh bồng bé Thủy giùm em một lát được không?
Không biết làm sao hơn Minh bồng bé Thủy lên. Ðứa bé nhoẻn một nụ cười thật dễ thương.
Thấy Minh ở lại Thảo cười sung sướng, nàng vội chạy vào trong như thể đang thật sự bận rộn, trong khi Minh để bé Thủy ngồi trên gối. Mắt bé Thủy to đen lay láy, rất giống Thảo. Con bé luôn miệng cười khi được bồng. Một lát, Thảo đi ra, thấy cảnh Minh đang đùa giỡn với bé Thủy, lòng Thảo lại xốn xang, mơ màng. Nàng đến bên cạnh Minh:
-- Anh thấy nó có giống em không?
Minh chăm chú nhìn bé Thủy rồi nhìn Thảo:
-- Giống lắm chứ, nhất là đôi mắt. Không biết nó có sẽ cứng đầu, cứng cổ như má nó không đây?!.
Thảo đập tay vào vai Minh:
-- Hứ! Lại chọc em rồi! Em hy vọng nó lớn lên sẽ chăm chỉ học hành và ngoan ngoãn chớ không làm những điều lầm lỡ như má nó.
Minh vội quay lại:
-- Anh chỉ đùa thôi mà. Thảo dễ thương lắm. Mỗi người, ai cũng có lối suy nghĩ và cách hành động riêng.
Thảo chợt buồn hiu. Phải! mỗi người đều có lối suy nghĩ và hành động khác nhau, chỉ có cái là suy nghĩ có chín chắn hay không và hành động có đúng hay không mà thôi. Thảo thở dài, quay lưng đi. Minh hỏi:
-- Thảo! Sao tự dưng em buồn vậy?
Thảo chối:
-- Dạ đâu có! Thảo vui lắm chớ. Em bây giờ có bé Thủy, nó là nguồn an ủi của em, có nó, em vui hơn mà anh.
Minh lại cảm thấy áy náy, chàng muốn rời đây, nhưng lại không nỡ, chàng vuốt tóc bé Thủy:
-- Em đừng có suy nghĩ lôi thôi. Em còn ba má, anh chị, ai cũng thương em hết, em hãy nhớ như vậy, đừng có buồn nghe. Hôm nào em có tính đi học lại không?
-- Hiện giờ em cũng chưa biết nữa. Ðời học sinh của em lở dở rồi còn đâu!
Minh an ủi:
-- Thảo à! Ở đây sự học hành không giống ở Việt Nam. Có người thật lớn tuổi rồi mà vẫn tiếp tục học, có sao đâu!? Miễn mình có chí là được, huống gì em còn nhỏ, Thảo!
Thảo lắc đầu:
-- Có thể sau này em sẽ tính đến chuyện đó, nhưng bây giờ, việc trước mắt là em phải kiếm ra tiền, nhà em không dư giả. Ba má lại già yếu, chị Tình và anh Thuần lo không xuể. Anh Thương thì không biết bao giờ mới trở lại bình thường...
-- Anh rất hiểu Thảo. Nếu Thảo cần sự giúp đỡ của anh, anh sẽ sẵn sàng.
Thảo cười buồn:
-- Cảm ơn anh. Anh giúp đỡ em nhiều rồi. Anh nên lo cho chị Tình... Em ... em không muốn chị Tình lại hiểu lầm nữa.
-- Chị Tình rất thương em. Ai cũng thương em hết Thảo à. Ai cũng muốn giúp em, muốn em vui hết.
Thảo cười to, tiếng cười như chế nhạo, như đau đớn:
-- Chắc mọi người sợ Thảo lại bỏ nhà đi hoang nữa chớ gì? Anh cũng vậy phải không?
Minh lắc đầu không nói gì. Ðã nhiều lần khi nói đến chuyện này, lúc nào Thảo cũng nhắc là Minh "chỉ thương hại" nàng mà thôi. Khi Minh nói thương Thảo như em gái, Thảo chua chát nói, nàng đã có tới hai người anh trai, không cần phải có thêm một anh trai nữa. Chợt nhớ tới Thuần, Minh hỏi:
-- Lan với Thuần ra sao rồi hả Thảo?
Thảo thở dài:
-- Hình như dạo này anh Thuần giận con Lan, nó có gọi hỏi thăm anh Thuần mấy lần rồi mà anh ấy không chịu gọi lại.
-- Sao lạ vậy? Sao Thuần giận Lan?
Thảo nói không biết, thật ra Thảo cũng đoán là Thuần nghe phong phanh là Lan đi chơi với một người đàn ông nào đó nên Thuần giận. Thảo thương anh hết sức. Dạo này mặt Thuần buồn héo hắt, ốm hẳn đi. Thuần ít nói hơn xưa. Nàng cũng hay cầu xin Trời Phật cho má Lan chấp thuận Thuần để hai người đỡ khổ đau, nhưng rồi tin Yến đưa lại, Thảo thấy chuyện hai người thật sự bế tắc. Thuần đã buồn lại càng buồn hơn. Hôm qua Lan lại gọi điện thoại nữa, nàng nói Thuần hiểu lầm nàng chớ lòng nàng không bao giờ thay đổi, nàng nói không chừng ngày mai, tức là hôm nay sẽ tìm cách gặp Thuần, nếu Thuần không còn giận nàng nữa. Thảo tính nói chuyện đó với Thuần, nhưng mới nói với Thuần, Lan gọi, Thuần đã lạnh nhạt hỏi:
-- Gọi chi vậy?
Thảo cụt hứng không thèm nói nữa, nhưng ban nãy, khi thấy Thuần đẩy xe lăn cho Thương đi khám bệnh, thấy đầu của anh cúi xuống, nét mặt buồn rầu, Thảo thấy thương anh quá. Nàng định bụng khi Thuần về, dầu Thuần khó chịu cách mấy, Thảo cũng sẽ nói những lời Lan đã nói để coi Thuần có bớt giận không.
Vừa lúc đó, Thuần và Thương về. Thuần chào Minh và nói Thương đang buồn ngủ vì thuốc, phải đẩy Thương vô phòng. Thảo nhân tiện, nhờ Minh tiếp tục coi hộ bé Thủy, chạy theo Thuần. Một lát, hai anh em đi ra. Nét mặt Thuần có vẻ tươi tỉnh đôi chút còn Thảo thì trên môi cũng nở nụ cười bí mật rạng rỡ. Minh ngơ ngác nhìn và trao bé Thủy lại cho Thảo, từ giã ra về.