Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Thu Nga

 
Chương 4 (tiếp theo)
 
 
Bà Tâm ngừng đạp máy, nguyên cả cái mông ê nhừ. Nhìn đống quần áo đang may lở dở bà hơi lo lắng, không biết có đi giao đồ kịp ngày hẹn không? Lần này vì cần tiền nên bà phải nhận nhiều quá. Tuổi bà đã cao, tay chân cũng chậm chạp, lại thêm sự buồn phiền, nhớ nhung đứa con gái út làm cho sức khỏe bà sa sút hẳn, nhất là vào mùa lạnh, tay chân, mình mẩy của bà bị phong thấp hành hạ, đau nhức không thôi. Ðã vậy, đôi khi tâm trí bà ngổn ngang, suýt tí nữa bà may cả vào tay. Bà không biết bây giờ Thảo đang ở đâu, làm gì? Làm sao nó có thể sống một mình không có mẹ cha bên cạnh. Bà nhớ đến tiếng cười ròn rã của Thảo. Bà cũng nhớ đến những phút giận hờn của nàng. Nó còn trẻ quá, làm sao phấn đấu được với đời, mà đời thì toàn là cạm bẫy, chông gai? Bà đã cố dò hỏi nhiều nơi coi có ai biết Thảo ở đâu không để kêu nó về, nhưng không ai biết gì về Thảo cả.
Bà không biết ông Tâm nghĩ gì? Mới đầu bà trách móc ông đủ điều, nhưng mỗi lần như vậy, ông và bà lại cãi nhau dữ dội, sau mỗi lần to tiếng, bà nhuốm bệnh. Ông Tâm khổ sở không biết làm sao. Ông giận con cái quá sức. Sinh con ra, nuôi lớn, chỉ chuốc lấy muộn phiền. Ông cũng nhớ thương Tình lắm. Trong đầu ông gương mặt hiền hậu, nhu mì của đứa con gái lớn làm tim ông se sắt. Mỗi lần nhớ tới Tình, ông cảm thấy một niềm tội lỗi, ân hận dâng tràn. Ông cũng thương đứa con út, nhưng ông còn giận nó quá, con nhỏ cứng đầu, cứng cổ làm tóc ông càng ngày càng bạc. Ông cũng muốn đi tìm con, đem nó về, nhưng ông lại nghĩ nếu đi tìm nó, đem về, nó lại được nước, làm tới, chi bằng để nó tự tìm về thì tốt hơn, lúc ấy ông sẽ vạch ra những tội lỗi mà nó đã gây ra để nó không tái diễn. Ông làm cha mẹ, không lẽ ông lại chịu thua nó? Cũng vì vậy mà lòng ông lúc nào cũng bị giằng co nửa muốn tìm Thảo về cho bà Tâm hết đau khổ, nửa vì tự ái của một người lớn tuổi. Và cũng vì vậy, hai ông bà thay đổi thái độ đối với nhau. Ông bà ít nói chuyện với nhau hơn xưa. Bà ngồi vào máy may từ sáng sớm, sau khi đã pha cho ông một bình trà. Ông Tâm ngoài những buổi đi làm việc, cũng đi ra ngoài nhiều hơn. Ông tìm vui với bạn bè trong hội đoàn. Ông giữ chức vụ ủy ban xã hội, chuyên lo việc đi thăm, ủy lạo những người mới qua, cần giúp đỡ. Hôm nay ông cũng đi từ hồi sớm. Có một gia đình mới qua, cũng theo chương trình HO, họ cần người chở đi khám bệnh, chích thuốc. Chuyện trong nhà ông chưa giải quyết được, ông lo đi giúp người khác, có lẽ cũng là cách ông giải khuây.
Bà Tâm sau khi dọn dẹp sơ nhà cửa, tìm vài món để sẵn cho buổi cơm chiều, bà ngồi vào bàn máy. Hôm qua Thuần cũng đã thức rất khuya để phụ giúp mẹ. Nhớ tới đứa con trai, lòng bà bỗng chùng lại. Hình như dạo này Thuần ốm hơn, nét mặt lúc nào cũng bơ phờ. Thuần ít nói hơn, mắt có một vẻ u buồn xa vắng. Bà nghĩ chắc Thuần mệt vì vừa đi học, vừa đi làm, lại giúp mẹ may vá nữa nên bà hay bảo Thuần cứ để bà may một mình cũng được, nhưng Thuần vẫn tiếp tục giúp mẹ, khi Thuần có thì giờ. Bà thở dài, nhớ tới Tình. Tình vẫn liên lạc với gia đình và thỉnh thoảng cũng gởi tiền về cho ba mẹ, nhưng vẫn khất lần, khất hồi nói chưa về được.
Thấy trời cũng đã xế chiều, mà may cũng đã khá lâu, bà sắp lại những phần đã may lại cho gọn gàng. Vừa đứng lên, bà nghe tiếng gõ cửa. Bà Tâm đi lại cánh cửa chính, nhìn qua cái lỗ nhỏ, bà thấy bà Hồng. Bà mừng rỡ, mở cửa:
-- Chị Hồng, chị đến chơi? Lâu quá không gặp chị.
Bà Hồng tươi cười bước vô:
-- Dạ chào chị Tâm. Lâu thiệt. Ði công chuyện, ghé vào thăm anh chị luôn thể. Tại cái tiệm của tôi dạo này lu bu nhiều việc quá! Hơn nữa, chị không nhớ sao? Sau cái vụ thằng Minh với con Thảo, tôi có ghé lại một lần, anh Tâm bữa đó còn giận quá, ảnh làm tôi một mách, tôi phải đợi ảnh nguôi cơn giận mới lại thăm chị. Hôm nay sẵn có việc ngang đây, ghé thăm anh chị. Xin lỗi chị đã không gọi điện thoại cho chị biết trước.
Bà Tâm xua tay:
-- Ôi dào! Hơi đâu mà chị khách sáo! Mình trong nhà, tiện thì gọi điện thoại, không thì thôi, ghé thăm là quý lắm. Hồi ở bên nhà, thăm nhau từ Gò Vấp sang tận Khánh Hội, cũng đâu có điện thoại, điện thiếc gì!
Rồi chợt nhớ lời bà Hồng vừa nói, bà gãi đầu ái ngại:
-- Dạ, chị Hồng, xin chị đừng chấp nhất ông nhà tôi. Tánh ổng nóng nảy vậy chớ tốt lắm, không để bụng ai bao giờ! Chỉ có con cái ổng là ổng mới giận nư mà thôi! Dạ mời chị ngồi đây.
Bà Hồng cởi chiếc áo len màu đen dày, dài tới đầu gối, vắt lên ghế rồi vén áo ngồi xuống, bắt tréo chân nhau lên một cách thoải mái. Nhìn bà Hồng, người ta thấy ngay một sự tự tin hiện rõ trên nét mặt, trên cử chỉ. Bà nhìn bà Tâm nói một cách thông cảm:
-- Dạ, chị đừng lo, tôi không có để ý khi anh Tâm giận đâu, bởi vậy, nên hôm nay tôi mới ghé lại đây nè.
Bà Tâm nghe nói vui ra mặt. Bà vồn vã hỏi:
-- Chị uống nước ngọt, nước lạnh hay nước trà?
-- Chị cho tôi xin một miếng nước trà, nếu có sẵn.
Bà Hồng nhìn vô trong:
-- Ủa! anh Tâm không có nhà sao chị?
Bà Tâm dợm bước đi lấy nước, quay lại nói:
-- Dạ ông nhà tôi đi qua nhà anh chị Nhiên hàng xóm để phụ anh chị làm một cái nhà kiếng trồng ba cái rau trái gì đó mà, chắc cũng gần về rồi đó chị.
Bà Hồng nhìn quanh căn phòng khách. Căn phòng cũng khá sáng sủa và sạch sẽ, nhưng đồ đạc hơi nghèo nàn. Chỉ có một bộ xa lông bằng vải rẻ tiền. Trên chiếc bàn nhỏ có chưng một cành hoa vải khá xinh, mà bà nghĩ chắc do cô Tình tự làm lấy. Ở góc nhà là một cái TV 32 inch. Một giàn máy hát nho nhỏ có 2 cái loa cũng tầm thường, đặt hai bên. Không khí trong nhà vắng vẻ. Bà chợt cảm thấy thương hại hai vợ chồng người bạn già. Thật tội nghiệp, con cái làm cha mẹ buồn phiền như vầy, không được một chút nào. Bà ước ao nếu có thể giúp gì cho họ được là bà làm liền.
Bà Hồng nhớ đến Tình, người con gái nhút nhát mà bà đã giới thiệu cho Minh, cháu bà. Cô này hiền quá nên chuyện tình của cô và Minh đáng lẽ tiến triển suông sẻ, nhưng... cô con gái út lại chen vào. Cô bé này lém lỉnh và dễ thương, lại vui tính đã lôi cuốn được Minh. Khi công việc đổ bể lộn xộn, bà cũng có la Minh, nhưng Minh giải thích giữa chàng và Thảo chỉ đơn thuần là tình bạn hoặc chàng chỉ coi Thảo như em, tại Tình hiểu lầm mà thôi. Bà đã gặng hỏi có thật Tình hiểu lầm hay không thì Minh có vẻ ấp úng, rồi bà lại hỏi còn Thảo, Thảo có coi Minh như bạn hoặc như anh hay không thì Minh không trả lời được câu nầy. Thiệt đúng là "tình chị mà duyên em". Ðang suy nghĩ miên man, tiếng chân bà Tâm cắt ngang suy nghĩ của bà Hồng. Bà đứng lên đỡ 2 tách nước trà từ tay bà Tâm:
-- Chị để tôi.
Bà đặt 2 tách nước đang bốc khói xuống bàn và hỏi:
-- Chị Tâm à, mấy lúc nay có nghe tin tức gì của con Thảo không chị?
Bà Tâm thở dài:
-- Không chị. Chúng tôi có nhờ nhiều người lùng kiếm, nhưng chưa có tin tức gì cả. Con nhỏ này cứng đầu, cứng cổ. Tôi biết nó thà chết chớ không bao giờ liên lạc với gia đình đâu. Nó giống tánh ông nhà tôi ghê lắm.
-- Thiệt vậy sao? Tôi thì nghĩ khác, con nít nó cũng hung hăng, tự ái lắm, nhưng khi nó khổ quá, không chịu nổi như người lớn mình đâu, mai mốt nó cần mình, chắc nó cũng sẽ về thôi.
Bà Tâm nhớ con bắt đầu rơi lệ:
-- Lúc đầu tôi cũng nghĩ như chị, nhưng nó đi cũng đã hơn 3 tháng rồi mà không có tin tức gì hết. Chị nghĩ coi, nó là con út, ở nhà ai cũng nhường nhịn, bây giờ ra đường có một thân, một mình tội nghiệp nó quá!
Bà Tâm nói tới đây, mủi lòng khóc hu hu. Bà nhớ con đến đứt ruột, đứt gan. Bà cứ tưởng tượng bây giờ Thảo sống lây lất một nơi nào đó, không ai trông nom săn sóc miếng ăn, giấc ngủ, bà nhớ lại Thảo rất kén ăn, nếu không có món ăn vừa ý, thì Thảo thà nhịn đói. Chắc bây giờ Thảo ốm lắm, không ai có thể chìu chuộng con bằng chính người mẹ. Bà thấy đau nhói trong gan, trong ruột, càng khóc càng thấy đớn đau. Tuần rồi tuyết rơi muộn, dày đặc, bà nghe tin tức nói người ta tìm được một xác chết cóng trong tuyết và mặc dầu TV nói đó là một người trung niên, xe bị hỏng máy giữa đường, không có điện thoại liên lạc, trong xe lại không có mền trùm đỡ lạnh, hư xe trên một quãng đường vắng vẻ nên mới bị chết như vậy, nhưng bà Tâm vẫn tưởng tượng như đó là xác chết của Thảo, bà đã khóc hết nước mắt. Bà thẫn thờ, đau xót. Bà Hồng nhìn bà Tâm một cách thương cảm. Bà Hồng tự nhiên thấy mình có tội làm cho gia đình bạn mình tan nát. Bà buồn rầu nói:
-- Thiệt tui cũng rầu hết sức. Tự nhiên đất bằng nổi sóng. Dầu sao tôi cũng thấy tôi có trách nhiệm trong chuyện này. Nếu tôi không đem thằng Minh lại giới thiệu cho con Tình thì đâu có ra nông nổi!
Bà Tâm nghe bà Hồng nói vậy, vội lau nước mắt, hỉ mũi xong nói:
-- Tôi nghĩ chắc mọi chuyện đều là phần số cả chị ạ. Chị cũng đừng nên tự trách mình như vậy. Ðâu có ai muốn câu chuyện kết thúc như vậy đâu nà. Ở đời có nhiều lúc "cái sẩy, nẩy cái ung" là vậy.
Bà Hồng gật đầu:
-- Thì vậy! Lúc đó thấy thằng Minh với con Tình cũng khắng khít quá chớ! Tui cũng mừng... đâu dè!
Bà Tâm tư lự:
-- Tại ông nhà tôi quá nóng nảy, không cho con Thảo giải thích coi bữa đó tụi nó tính gì và đi đâu, chưa chắc nó chở nhau đi là bồ bịch hay hẹn hò.
-- Ðúng vậy. Tại sau đó tôi có hỏi thằng Minh, nó nói nó chỉ coi con Thảo như em gái nó vậy thôi, tính con Thảo thì hay nhỏng nhẻo nên nó chìu vậy thôi. Khổ một cái là con Tình thì lại đa sầu, đa cảm, nóng nảy bỏ ra đi nên câu chuyện mới bé xé ra to là vậy.
-- Chị nói đúng đa chị Hồng. Ông nhà tôi càng ngày càng khó, chuyện gì cũng không chịu tìm hiểu đã, cứ la um sùm... Trời ơi! tôi sợ có ngày mấy đứa kia cũng không chịu nổi đâu.
Bà Hồng thấy bà Tâm lại mếu máo sắp khóc nữa, bà xê lại gần bà Tâm, vỗ lên vai bà bạn:
-- Thôi, chị bớt buồn phiền đi, buồn rồi khóc riết, sanh bệnh. Tôi có biểu thằng Minh phải đi dò la để tìm kiếm nơi ăn, chốn ở của con Thảo, thế nào nó cũng tìm ra. Còn bên này, thằng Thuần với thằng Thương dọ hỏi trong đám bạn bè của con Thảo coi có đứa nào biết nó ở đâu không?
-- Có chớ. Khi nào rảnh là tụi nó chạy đi đầu nọ, đầu kia hỏi đó chớ. Sao không thấy đứa nào biết hết chị ơi.
-- Con Thảo chưa đến 18 tuổi, còn vị thành niên... Khổ thiệt!
Nghe nói vậy, bà Tâm lại chảy nước mắt. Bà tội nghiệp đứa con út còn quá dại khờ. Ra đời sớm làm sao chống đỡ nổi phong ba của cuộc đời. Bà thường hay ngồi lâm râm khấn trời khấn đất, khấn ông Ðịa cho con bà nóng ruột trở về. Nhưng có lẽ Phật Trời đi vắng rồi hay sao mà bóng con bà vẫn biệt vô âm tín. Bà sụt sùi:
-- Bởi vậy ngày đêm tôi cầu khẩn Phật Trời cho nó bình an, tai qua nạn khỏi để về lại nhà. Một điều tôi không hiểu tại sao mấy đứa bạn thân của nó như con Lan, con Yến lại cũng không biết con Thảo đi đâu?
Bà Hồng nhìn bà Tâm thắc mắc:
-- Phải đa! Cái cô bé gì coi bộ thiệt hiền lành dễ thương, bạn của thằng Thuần... À, nhớ rồi, con Lan! Biểu thằng Thuần hỏi coi, con Lan có biết con Thảo ở đâu không?
Nghe bà Hồng nhắc đến Lan, bà Tâm lại càng buồn hơn. Một lần bà hỏi Thuần về Lan, Thuần đã buồn rầu nói bóng, nói gió là nó và Lan ít gặp nhau lắm. Khi nói tới đó, mắt Thuần buồn xo. Là mẹ, ai mà chẳng thương con. Bà nhìn Thuần xanh xao mà lòng héo hắt. Con trai bà đang bị tình yêu hành hạ. Con gái người ta chắc chê con trai bà nghèo, không bằng cấp. Bà đoán như vậy khi nhìn cách ăn bận lịch sự của Lan, có thể biết được gia đình nàng khá giả ra sao. Bà có mắt tinh đời lắm. Bà lại nghe phong phanh má Lan rất khinh người, nên khi thấy Thuần không gặp Lan mà lại hốc hác hẳn đi, bà hầu như đã hiểu được nguyên do. Ðã vậy, Thuần đang đi học năm thứ hai đại học, thấy gia đình đang cơn túng quẫn nên đã xin bà nghỉ học để đi làm. Bà đã khóc lóc không cho, nói Thuần là con trai, con trai mà không có học vấn nghề nghiệp vững chắc thì làm sao mà có thể lo cho gia đình vợ con trong tương lai được. Thuần không nghe và nhất quyết nói, chàng phải đi làm bây giờ, khi có chút tiền, đi học cũng không muộn. Thuần chứng minh cho ba má biết bên này học rất dễ, nếu có điều kiện, có nhiều người thật già rồi vẫn đi học được như thường. Bà đau xót cho con và không biết tính sao.
Bà nhìn bà Hồng lắc đầu buồn bã:
-- Tui bảo nó hỏi hoài mà con Lan nói không biết.
Bà Hồng thở dài:
-- Tụi nhỏ bên này kỳ khôi lắm chị ơi, nó hay bảo vệ cho nhau lắm, biết nó cũng không nói.
Hai bà đang thủ thỉ tâm sự với nhau thì có tiếng mở cửa, hai bà cùng nhìn cánh cửa, ông Tâm mở cửa bước vô. Thấy bà Hồng, ông chào và nói to:
-- Thấy cái xe láng o là biết xe của người giàu có rồi! Chào chị Hồng.
Bà Hồng đon đả:
-- Chào anh Tâm, thấy mặt tôi là anh đá giò lái rồi. Giàu gì mà giàu không biết. Anh vẫn mạnh chớ hả?
Ông Tâm giở cái mũ trên đầu, rút đôi bao tay bằng da cũ, đặt xuống chiếc bàn:
-- Dạ nhờ trời nên tôi cũng không đến nỗi nào, chỉ có lũ con của tôi là nó làm tôi xiểng liểng mà thôi.
Bà Tâm vội vàng nói:
-- Thôi mà ông! Chị Hồng lâu lâu lại chơi....
Bà Hồng cũng vội nói qua chuyện khác:
-- Anh Tâm đi trồng cây làm nhà gì giùm người ta vậy anh?
Ông Tâm ngồi xuống ghế, bà Tâm vội đứng lên đi rót cho ông một ly nước trà. Ông uống một ngụm rồi nói:
-- Ồ, anh Nhiên mới mua được một cây hồng dòn, mùa này cây cối ế, còn lạnh quá mà, họ bán rẻ, ảnh không biết trồng cách nào cho ra trái, tôi thì khi xưa ở Việt Nam cũng biết sơ sơ qua loại cây này. Tôi cũng giúp ảnh dựng một cái nhà kiếng lưu động để anh cho mấy thứ cây kiểng vô. Mùa này cây phải để trong nhà, mà để hết trong nhà thì chật, nên ảnh với tui hì hục làm mãi mới xong.
-- Trời, anh chịu khó và quý bạn ghê há! Tôi biết anh rành về cây, nhưng ở hơi xa, nếu không chắc cũng nhờ anh chỉ giúp giùm vài thứ cây cảnh. Tôi không có tay, trồng đâu héo đó.
Ông Tâm cười cười:
-- Chị nói như thiệt, chị mà trồng! Có người trồng cho chị, chớ chị mà trồng cái gì?
Bà Hồng cười giả lả:
-- Thì có thợ làm vườn, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng trồng bậy vài cây chơi đó mà.
Vừa nói, bà vừa dợm đứng lên:
-- Chắc tôi phải về đây.
Ông Tâm ngạc nhiên:
-- Ủa! sao tới hồi nào mà chị đã về gấp vậy?
-- Tôi tới cũng lâu rồi đó chớ. Tính gặp anh với mấy nhỏ mà không có ai ở nhà hết.
Nghe tới đó, ông Tâm hỏi bà Tâm:
-- Thằng Thuần đâu? Nó tính sao rồi?
Bà Tâm vội nói:
-- Nó mới đi ra ngoài. Về chuyện nó muốn nghỉ học, thì nó đã nói với tôi rồi.
Bà Hồng ngạc nhiên xen vô:
-- Sao? sao nó tính nghỉ học chớ?
Bà Tâm lại thấy nhói đau trong bụng:
-- Nó nói chị nó không có ở nhà, con Thảo... thì vậy nên nó nghỉ một thời gian để làm việc, khi nào gia đình ổn định, nó đi học lại.
Ông Tâm la:
-- Cái thằng! Ðã bảo nhà tuy không giàu có hơn ai, nhưng cũng đủ sức để nó đi học. Nghỉ rồi chán nản làm sao học lại được!
Bà Tâm buồn bực:
-- Cứ để thủng thẳng rồi tôi nói với nó.
Bà Hồng không dám xen vô chuyện của gia đình ông bà Tâm nữa, đứng lên:
-- Thôi tôi về để anh chị nghỉ.
Bà Tâm không giữ lại, ông Tâm đứng lên đưa bà Hồng:
-- Cảm ơn chị tới chơi.
Bà Tâm đứng lên đưa bà Hồng về. Bà Hồng nói giọng chân thành:
-- Chị Tâm, chị ráng giữ gìn sức khỏe. Thế nào rồi cũng có tin của con Thảo. Chị khóc lóc, buồn rầu hoài, sinh bệnh thì khổ lắm.
Bà Tâm lại rơm rớm nước mắt, bà đưa một tay chậm nước mắt. Bà Hồng cầm tay bà Tâm bóp chặt rồi thả ra, bà với tay, cầm chiếc áo lạnh lên, mặc vào. Bà Tâm mở cửa nhìn bà Hồng đi tới chiếc xe Lexus mở cửa leo lên. Trước khi rồ máy xe, bà Hồng đưa tay lên chào bà Tâm. Bà Tâm ráng mỉm một nụ cười cho bà Hồng yên lòng. Nhìn chiếc xe sang trọng lăn bánh, lòng bà Tâm ngổn ngang trăm mối. Bà lưỡng lự trước khi mở cửa bước vô. Bà sợ phải đối diện với ông chồng đang ngồi nơi phòng khách. Ông Tâm hồi này thường đi ra ngoài. Ông gặp gỡ các ông bạn cùng lứa tuổi, chuyện trò cho đỡ buồn bực chuyện nhà. Ông cũng góp phần tổ chức lễ lạc, hội họp, nên tính nết ông cũng đỡ nóng nảy. Còn bà dạo này như chiếc bong bóng đang căng đầy hơi, hễ ai đụng đến là nó sẽ xì hơi. Bà mở cửa nhè nhẹ, bà thấy ông Tâm đang ngồi dựa ngửa trên ghế, hai mắt nhắm nghiền. Bà đi rón rén sợ đánh thức ông dậy. Bà vừa tính bước xuống bếp thì nghe ông rên một tiếng nhỏ. Bà sợ hãi quay lại nhìn, ông vẫn nhắm mắt. Bà vội vã đi nhanh.
***