Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

(Tiếp theo kỳ trước)

 
Ông Tâm ngồi nhìn mông lung ra ngoài trời. Hôm nay ông không đi làm, ở nhà tù túng, khó chịu, đầu óc lại suy nghĩ đủ thứ. Thật ra hôm qua đi làm, đầu ông cũng suy nghĩ lộn xộn lung tung, những giấy tờ cần thiết ông cũng không nhớ đã cất trong hộc nào, cả buổi mới tìm ra. Bầu trời đục ngầu mây. Những cơn gió đông thổi thật mạnh, hất tung những chiếc lá vàng ủng chung quanh gốc cây sồi trơ trụi lá. Những đám mây trên trời cũng theo sức gió cuốn bay vật vờ, vô định. Ông vừa buồn rầu, vừa bực dọc, thỉnh thoảng lại thở dài. Ông tự cảm thấy mình vô phước, cuộc đời của ông chỉ toàn buồn phiền, xui xẻo, con cái thì ngỗ nghịch, mất nết. Chuyện của Thảo đã làm cho tóc ông bạc thêm một mớ. Ông tự hỏi phải chăng ông ăn mặn, nên con ông giờ khát nước? Ông cứ than "thiệt tình! thiệt tình". Không nén nỗi bực dọc, ông thở dài. Trong khi ông cứ băn khoăn với những câu hỏi "tại sao" thì bà Tâm đang lui cui dọn dẹp gần đó, thấy chồng buồn bực, mặc dầu lòng bà còn héo hắt hơn, bà cũng ráng an ủi chồng:
-- Ông à! thôi ông đừng buồn rầu nữa mà sanh bệnh bây giờ. Người ta nói cha mẹ sinh con, trời sanh tánh, mình có 4 đứa con mà mỗi đứa lại một tánh ý khác nhau, mình không muốn mà cớ sự vẫn xảy ra thôi.
Ông Tâm nhìn bà nghiêm khắc:
-- Thì cũng tại bà mà ra hết! Lúc nào bà cũng tìm cách bênh tụi nó chầm chập riết rồi tụi nó leo lên đầu lên cổ mình ngồi.
Bà Tâm lật đật nói:
-- Nữa! ông lại nói vậy nữa! Con mình rứt ruột đẻ ra sao không thương, sao không binh cho được hả ông?
Ông Tâm liếc bà hứ một tiếng:
-- Bà làm như tụi nó là con riêng của bà không bằng! Còn tui không thương tụi nó hay sao chớ? Nhưng thương tùy cái thôi! Bà coi con Thảo, nó mới bây lớn mà trả treo, nói một nó cãi mười. Mình đi ngang, nó đi dọc, mình đi tới nó đi lui...
Ông Tâm càng nói giọng ông càng bực. Ông nhớ tới nét mặt của Thảo, lúc đầu thì Thảo cãi lại nhưng khi nghe ông đuổi ra khỏi nhà, mặt Thảo trở nên lặng tanh, Thảo nói "Ðuổi thì đi! làm gì đuổi hoài vậy!", ông nổi điên tát Thảo một cái vào mặt, ông thấy môi Thảo mím lại, mặt của nó lạnh tái đi. Thảo lặng lẽ đứng lên đi vô phòng. Lúc đó mặc dầu lòng đau như cắt, bà Tâm cũng thấy nét mặt Thảo giống hệt nét mặt của ông Tâm khi tức giận.
Bà Tâm nghe giọng nói đứt quãng vì giận của ông Tâm, bà chỉ biết van nài:
-- Thôi ông à! tại vì nó là con út, lúc nhỏ mình nuông chìu nó nên nó quen. Nhưng ông cũng thấy, bình thường nó cũng dễ thương lắm chớ. Nó hay nhõng nhẽo này nọ, trẻ người non dạ, đâu có thấy xa, hiểu rộng như mình. Bây giờ nó bỏ đi như vầy... không biết ai lo cho nó?
Nói tới đây, bà Tâm mủi lòng khóc rấm rức, bà nghĩ một giây, lấy vạt áo lên lau nước mắt, bà mếu máo tiếp:
-- Tội nghiệp con tôi. Không biết bây giờ nó ở đâu!
Bà kêu nho nhỏ trong tiếng nấc nghẹn ngào:
-- Thảo ơi! con ở đâu về với má đi con. Ba con giận la có một chút, nhưng ba đâu có ghét bỏ con mà con nỡ bỏ ra đi!
Nghe bà Tâm kể lể, lòng ông Tâm lại càng rối bời hơn. Ðôi lúc bà làm ông bực mình hết sức. Bộ bà tưởng ông không thương con cái sao chớ. Có nhiều đêm sau khi Thảo bỏ nhà ra đi, ông thương nhớ con đến quặn thắt ruột gan, nhưng ông cố kềm chế lòng mình để không ai biết là quả tim ông cũng rớm máu. Ông cũng lo lắng không biết đứa con gái dại dột bây giờ sinh sống ra sao. Ông cũng muốn biết tin của nó, nhưng vì tự ái làm cha quá cao, không muốn hạ mình để dò la tin tức con vì chính ông là người đã đuổi con ra khỏi nhà, không lẽ bây giờ lại đi tìm nó. Bây giờ nghe bà Tâm kể lể, ông khổ sở nạt:
-- Nín! nín! bà làm ơn nín giùm coi! Bà đừng có bù lu, bù loa, bà làm cho tôi điên lên đây nè! Bà có biết là con Thảo không muốn ở trong nhà này lâu lắm rồi không? Giờ nó có cớ nên mới bỏ đi như vậy. Bà đừng có tưởng là tui la nó, ức hiếp nó đi!
Bà Tâm nói qua làn nước mắt:
-- Ông coi làm sao tôi không khóc cho được, từ ngày con Tình bỏ đi rồi con Thảo cũng bỏ nhà đi, nhà mình buồn như cái nhà ma. Tôi nhớ con Tình với cái tính hiền lành, nhỏ nhẹ, cái gì nó cũng nhường em nó... Còn con Thảo, ngó vậy mà lanh hết sức, chỉ tại nó con út, mình nuông chìu nó quá!
Ông Tâm nhìn vợ với một nửa con mắt:
-- Bởi vậy! Bởi vậy bà thấy đó, người yêu của chị nó, nó cũng muốn giành luôn! Vậy mà bà còn ngồi đó binh nữa!
Bà Tâm vẫn sụt sùi:
-- Tôi nhớ mấy đứa con đứt từng khúc ruột. Nó cũng là con ông sao ông lại cứ dửng dưng như vậy được hả ông?
Nghe vợ nói như vậy, ông Tâm tan nát cả lòng. Sao bà có thể nói là ông không thương con ông! Trời ơi! Con là núm ruột mà! Mẹ thương con chừng nào thì cha thương con cũng có kém chi đâu! Ông nạt ngang bà để trấn áp nỗi lòng đau khổ của mình:
-- Thôi dẹp bà đi! Thứ con ngỗ nghịch ai mà thương, ai mà nhớ! Tôi chỉ tội là tội con Tình... Cũng vì cái tính nó hay nhường nhịn mà bị thiệt thòi như vậy...
Nói tới đó, ông cảm thấy khổ sở không thể nào tả được, hình như có một vật gì trong cổ họng đang chạy lên, chạy xuống. Bà nghe ông nói, bà cũng thấy đau nhói nơi tim, tại sao ông lại so sánh như vậy được! Bà nhìn ông vẻ uất ức, nhưng cố nhịn để không nói ra ý nghĩ của mình. Ông còn muốn nói thêm nhưng rồi đột ngột chuyển qua chuyện khác:
-- Trong nhà này còn một đứa cũng sẽ bị đời ăn hiếp là cái thằng Thuần nữa, bà biết không?
Bà Tâm hốt hoảng chùi nước mắt:
-- Nó làm sao mà sẽ bị đời ăn hiếp? Tánh nó thật thà, chất phát, lại thương người, tui nghĩ Trời Phật sẽ độ nó đó.
Ông Tâm, thở hắt ra một hơi. Ông không chắc về việc Trời Phật độ trì cho Thuần, ông chỉ thấy trước mắt đứa con trai trưởng của ông quá thiệt thà, quá hiền lành, hiền đến độ lù khù là khác. Ông nhớ lại hồi còn trẻ, ông lanh lẹ, nhanh nhẹn biết chừng nào, sao con ông, Tình và Thuần lại quá thụ động. Chợt ông nhớ ra là những đứa lanh lẹ giống ông quá thì ông lại hay la mắng nhất, đó là Thảo và Thương. Ông gạt phắt bà:
-- Mỗi lần nói chuyện với là tui muốn đứt gân máu chết. Nói thiệt với bà nghe, hiền lành như con Tình và thằng Thuần, ra đường chỉ tổ cho người ta bắt nạt thôi chớ làm được cái gì? Trời Phật nào mà làm giùm tụi nó?
Bà Tâm cũng không vừa:
-- Hễ hiền lành thì ông nói người ta bắt nạt, còn lanh như con Thảo với thằng Thương thì ông lại rầy la ngỗ nghịch, vậy thì sống làm sao để ông nói là sống đúng nghĩa hả ông?
Ông Tâm la lên giận dữ, lẫn ngạc nhiên:
-- Trời đất quỷ thần ơi! Bây giờ bà cãi tay đôi với tôi nữa hả? Bà tính nói móc, nói bí gì tôi phải không?
Bà Tâm cũng bực dọc nói:
-- Ông nói được, sao không cho tui nói? Vậy tui hỏi ông làm sao cho ông vui lòng? Mà như vậy, theo ý ông, trong những người thân quen của mình, ông thấy con cái nhà ai mà ông thấy khôn ngoan, lanh lẹ?
Ông Tâm đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ông không ngờ bà Tâm hôm nay lại dám lý sự và còn bắt ông phải chứng minh này nọ. Ông không biết chẳng qua bà Tâm thương nhớ con quá nên không còn sợ ông nữa. Ông gật gù, nhíu mày nhìn bà:
-- Cha! Bà muốn tui chứng minh thì bà mới tin phải không? Ðược, không cần chỉ ai xa lạ, bà coi con nhà chị Hồng đó, thằng Khương với con Uyên có phải ngoan ngoãn, khôn lanh, chăm chỉ hay không? Rồi con Hương con bà Tám mới qua năm rồi, con nhỏ vừa dễ thương, vừa khôn khéo vừa chăm chỉ học hành... Chưa hết! bà thấy con Lan, bạn của con Thảo không? Con nhỏ nết na, giỏi giang nhứt trong đám bạn con Thảo, bà không nhớ sao?
Bà Thảo nói lẫy:
-- Thành ra con ai cũng hay, cũng tốt hết, chỉ có con nhà này là vừa ngu, vừa hư thôi chớ gì? Bởi vậy ông nói cho đã cái miệng, thành ra tụi con nó đi hết, có đứa nào chịu nổi đâu!
Bà nói xong, bỏ đi vô nhà trong, vừa đi, vừa lấy tay chậm nước mắt. Ông Tâm ngó theo vợ trân trân không trả lời. Nhắc tới Lan, ông lại nhớ đến nét mặt ngoan ngoãn của cô ta. Nhìn Lan nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép ai cũng mến. Ông rất mừng khi thấy Thuần và Lan đã rất thân thiết với nhau. Cách đây mấy ngày, Thuần có dẫn Lan lại thăm ông bà. Thấy ông bà buồn Lan đã nhỏ nhẹ nói:
-- Dạ thưa hai bác, cháu biết hai bác buồn lắm, nhưng cháu xin hai bác cứ yên tâm, Thảo đi đâu đó vài ngày rồi cũng về thôi. Hai bác buồn quá, sanh bệnh thì khổ.
Ông thầm ao ước, phải chi con Thảo nhà ông biết nói những lời như thế với ông thì chắc ông sẽ sung sướng lắm. Còn bà Tâm khi thấy Lan, chạnh nhớ đến Thảo, bà ngồi khóc ròng. Lan cầm tay bà vỗ về an ủi. Bà Tâm hỏi Lan có biết Thảo ở đâu không, nói cho bà biết. Ông Tâm nhớ lại nét mặt hiền hậu của Lan chợt u buồn, nàng cúi đầu trả lời không biết. Thuần cũng buồn rầu và ít nói hẳn đi khi thấy cha mẹ nhớ thương đứa em. Thuần cũng hy vọng Thảo chỉ bỏ đi vài ngày rồi về. Nhưng Thảo đi đã cả tháng rồi, chẳng thấy tăm hơi. Thuần cũng cố nói ra, nói vào với ba những lời nhỏ nhẹ, để trong trường hợp Thảo có trở về thì ông Tâm không la nữa, nhưng ông Tâm gạt đi:
-- Thôi! Dẹp chuyện cái con nhỏ bất hiếu đó lại! Nghe đến tên nó là ba không đau tim cũng đứt giây thần kinh mà thôi!
Buổi chiều Lan ở lại nấu cơm, dọn dẹp xong rồi mời cả nhà ăn cơm. Ông chép miệng, con cái nhà người ta sao mà dễ thương như vậy không biết! Còn con cái của mình thì thôi, chán quá!
Ông đang ngồi bực mình thì có tiếng mở cửa. Ông giật mình hồi hộp nhìn ra, thấy Thương bước vào. Nhìn mặt Thương, cơn giận từ đâu còn sót lại, bừng bừng nổi dậy:
-- Mầy đi đâu từ tối hôm qua tới giờ hả thằng kia?
Thương nhìn ba e dè, nhưng vẫn nói cứng:
-- Con đi học bài rồi làm project bên thằng Phú đó, không tin ba gọi hỏi nó!
Nói xong Thương vẫn tiếp tục bước vào trong, ông Tâm kêu giật lại:
-- Thằng kia! đứng lại tao biểu! Không được vừa trả lời vừa đi như vậy!
Thương quay lại:
-- Con trả lời cái gì ba cũng không chịu hết thì con trả lời làm chi?
Bóng bà Tâm vội vã bước ra. Mắt bà vẫn còn đỏ hoe. Bà hỏi:
-- Chuyện gì vậy? Thương, con mới về hả? Con đi đâu về vậy? Ba la gì đó thì con xin lỗi ba rồi vào rửa mặt đi con. Sao trong nhà này không bao giờ yên hết!
Ông Tâm bực dọc:
-- Muốn yên thì có nước là tui bước ra khỏi nhà này mới yên mà thôi, chớ mấy cái đứa nhỏ này nó làm cho ông Phật trên bàn cũng phải leo xuống nữa đừng nói chi là tui!
Bà Tâm lôi tuột cánh tay Thương đi vào nhà trong. Thương dùng dằng, bà Tâm hoảng hồn kéo tay Thương mạnh hơn. Còn lại ông Tâm đứng một mình nơi phòng khách. Ông cảm thấy trơ trụi, mở cửa đi ra ngoài. Một cơn gió lạnh buốt thổi qua làm lòng ông dịu bớt lại. Ông đi chầm chậm trên con đường ngập đầy lá khô. Mỗi lần gió thổi, những chiếc lá lại bị hất tung lên. Ông ho khúng khắng. Vì giận dữ, ông ra ngoài mà không mặc thêm áo lạnh dầy, nhưng ông không muốn quay lại lấy.
Ông kéo cao cổ áo, lầm lũi bước. Trong đầu ông những câu chuyện xa xưa bỗng hiện ra từng giai đoạn một. Ông vào lính, lúc tóc còn xanh, lúc mắt còn trong với hoài bão của người trai trong thời loạn, giữ nhà, giữ nước. Những năm tháng nằm gai, nếm mật, nhưng oai hùng xứng đáng là con yêu tổ quốc. Nhưng tai ương ập đến cho toàn cõi Việt Nam trong tháng 4 oan nghiệt. Từ lúc 75 đến giờ, sau những tháng ngày bị đầy ải trong lao tù cộng sản, ông đã bị Cộng Sản chuyển hết trại tù này, qua trại tù khác, bị đói khát, ngược đãi trả thù cho tới khi được qua đây, tưởng đã ổn định để làm lại cuộc đời, nhưng những buồn phiền, oan trái cứ đeo đuổi ông không ngừng. Ông nghĩ chắc ông vô phúc, vì trừ những người may mắn qua trước không nói gì, cũng có thiếu gì người qua một lượt với ông, hoặc qua sau mà con cái người ta đã ăn học thành tài, đỗ đạt và giàu có, họ sống một cuộc đời thoải mái, trong khi gia đình ông... Ði một lát, mỏi chân, ông ngồi xuống một phiến xi măng dưới một gốc cây, mắt ông mơ màng nhìn về phía dãy nhà cũ, nơi có những cây liễu đang rủ xuống u buồn như đang khóc. Mùa đông nên tóc của các cây liễu cũng rụng và xơ xác. Trên đầu ông, những tảng mây xám bay lửng lơ về phương trời vô định. Ông bâng khuâng nghĩ không biết có bao giờ mây bay ngược lại từ miền nó xuất phát hay không? Ông như thấy đâu đây những giọt nước mắt của dĩ vãng xa xưa. Lòng ông đau nhói. Mắt ông cay cay.
***