Có Đêm Thao Thức

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Tùy bút

Phạm Văn Hòa

Ngày 7 tháng 5, 2009

. . .
Ba dấu chấm trên đây là những ngày tháng mà anh cố quên đi vì có quá nhiều biến cố dồn dập, toàn là chuyện đau buồn. Thử coi từ Tết đến nay không một ngày vui! Nhưng dù muốn dù không mình cũng không thể trốn chạy, và cưỡng được số mạng. Âu mỗi người sanh ra là một vì sao, hàng hà sa số lấp lánh trên bầu trời vào những đêm không trăng. Có những vì sao đổi ngôi, rồi biến mất khỏi vũ trụ, cũng như con người, thấy đó rồi vụt mất và sẽ đi vào hư không. 
 
Em nằm đó mấy ngày rồi, khi mê khi tỉnh. Em có biết bao đêm rồi, trong đêm khuya anh cầu Trời khẩn Phật cho em được trở lại bình thường. Em đang nghĩ gì, làm sao ai biết được, nhưng nhìn em héo hắt, mới thấy lòng mình se thắt. Nếu chúng ta là đôi dép như một nhà thơ đã ví tình nghĩa vợ chồng, thì nếu chiếc dép kia có mệnh hệ nào thì chiếc còn lại cũng khập khiểng đi thôi! Mà cho dù anh hay em là chiếc dép còn lại thì cuộc sống từ nay sẽ bất bình thường, không còn gì thú vị. Tình yêu và nét đẹp mà thuở nhỏ mình mơ mộng thì nay đã biến thể lần theo tuổi đời chồng chất. Dù nay không được khoác bằng lớp sơn hào nhoáng ở lớp vỏ bên ngoài, nhưng sẽ ăn vào nội tâm được gói bằng bao nhiêu lớp giấy kỹ niệm. 
 
Nhìn em mê man trên giường của bệnh viện đóng khung vào bốn bức tường, vây quanh bởi tiếng máy lạnh lè xè, tiếng tíc tắc của chiếc đồng hồ, ánh sáng nhấp nhánh của máy đếm tường giọt thuốc truyền cho em . . . khác hẳn với khung cảnh ngày nào xa lắm khi hai đứa ngồi trong ruộng dưa hấu, vây quanh bởi hương đồng gió nội, trên trời là ánh trăng thượng tuần tháng chạp, không gian im lặng như lắng nghe tiếng lòng chúng mình. Anh còn nhớ hôm đó là đêm cuối cùng mình chia tay nhau để ngày mai anh bắt đầu cuộc hành trình mới với cả khung trời bao la để mơ một ngày nào cho đôi chim thỏa tình bay nhảy!!   Ôi! Sao đời thơ mộng quá đi thôi! Thuở đó, mình đâu có ngờ, cuộc đời còn biết bao rình rập bất trắc và có một ngày ta phải trực diện.
 
Em lờ quờ, ngọ ngoạy mấy ngón tay vô thức. Cánh tay xương xẩu em gát lên trán, không chắc là em biết mình đang nghĩ gì! Cũng những ngón tay này, cánh tay kia đã cùng anh chia xẻ bao nhiêu ngọt bùi. Dù khổ cực nơi quê người nhưng nghị lực thoát ra từ từng đầu ngón tay đã xây đắp gia đình mình sau hơn ba mươi năm ở xứ người để được có ngày hôm may. Tiếng ho húng hắng, giọng nói ngọng nghiệu nửa mê nửa tỉnh hôm nay, thay cho tiếng ru con của em khi xưa nhờ đó chúng nên người khôn lớn. Cũng chính vòng tay xương xẩu gầy gò kia đã chứa đầy nghị lực, thuở nào đã ôm ấp truyền hơi ấm cho các con trong những ngày đông tháng giá. Bao nhiêu đổi thay rồi em có biết không? Bao nhiêu tế bào trong ta đã chết đi để các tế bào khác được nẩy mầm tươi tốt theo đúng chu kỳ tái tạo của tạo hóa, cho đến một ngày quy luật kia gặp trắc trở là lúc mình phải đương đầu với những bất trắc mà chúng ta phải dồn tất cả nghị lực chống trả để sinh tồn.
 
Em đã từng dạy từng đứa con, đứa cháu những bước đầu chập chửng thì nay em lại phải tập lại từng bước từ đầu. Em tỏ ra chán nản, anh an ủi vì anh là nguồn nghị lực dự trử để bước chân em được nhẹ nhàng, để những giờ khắc tập tành qua đi chóng vánh, vì em biết là lúc nào anh cũng sẳn sàng để mình cùng nhau nương tựa, để dìu nhau từng bước, sống qua từng ngày bên nhau.   Đừng nghĩ mình bất hạnh. Còn biết bao người khổ hơn ta, không phải vì họ nghèo tiền, nghèo bạc mà vì họ không được là "đôi dép nhiệm mầu" như anh và em. Chúng ta không cần đôi hia bảy dặm mới được thành công trên đường đời. Bởi vì cả cuộc đời chúng ta được tạo dựng bằng sức cần cù lam lũ. Bởi anh tin mình có thừa nghị lực để khắc phục trở ngại để trường tồn. Bởi anh chỉ cần mình là đôi dép đơn thuần có nhau thì mọi chông gai đều vượt khỏi. 
 
Em không phải chiến đấu đơn độc, bởi lúc nào cũng có anh bên em . . .
 
Houston, những đêm thao thức
Thường Vụ Phạm Văn Hòa