Chuyện Buồn Không Tên

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

 

Truyện ngắn
 
Thu Nga
 
 
Cơn ho bất chợt từ đâu kéo đến khi anh chưa thật sự tỉnh giấc. Anh dụi mắt nhìn qua tia sáng ban mai lọt vô ở mái nhà. Anh chắc lưỡi than thầm:"không biết bao giờ mới có tiền sửa căn nhà này đây. Mái thì lủng, vách thì nghiêng, mọt mối ăn tùm lum". Nhưng anh vội thở dài vì nhớ ra, tiền không có dư giả thành ra lo cho bao tử là chuyện chính, có cái nhà che mưa, che nắng là tốt rồi. Biết làm sao hơn, anh không đi làm gì được nhiều từ hồi rời khỏi trại cải tạo. Cũng may là anh bị tật nguyền nên ở tù chỉ có 3 năm. 3 năm cũng đủ cho thân thể một con người lành lặn trở thành tàn phế, huống chi anh đã bị cả trăm thứ bệnh hành hạ. Ngoài cái bệnh sốt rét kinh niên anh còn bịnh bao tử trầm trọng, cái bệnh này đã hành hạ anh từ lúc trước khi đổi đời năm 75, nay cộng thêm tinh thần bạc nhược, mất sức, làm cho người anh lúc nào cũng rủ ra rất yếu đuối, mọi việc trong nhà hầu như chỉ một tay người vợ quán xuyến.
 
Nghĩ tới vợ, anh nhỏm dậy, anh dụi mắt một lần nữa để nhìn cái đồng hồ cũ mèm đặt ở đầu giường, đã 6 giờ sáng rồi sao? Hôm qua anh ho quá không ngủ được trăn trở cả đêm, gần sáng anh mới chợp mắt thành ra anh không nghe tiếng chị lục đục dưới bếp sửa soạn cho gánh chè buổi sáng. Thường thường chị thức giậy từ khoảng 4 giờ sáng, nấu chè, sửa soạn quang gánh. Anh cũng giậy khi nghe tiếng động dưới bếp. Anh phụ chị sắp chén vô cái thúng cho gọn ghẽ cùng với mấy cái muỗng sành. Hoặc coi chừng cái bếp củi để lửa đừng cháy to quá làm chè bị khê. Ðứa con út học bài đến khuya nên vẫn còn ngủ. Thằng anh kế của nó chạy xe đò có nhiều bữa không về nhà vì những chuyến đi xa về miền trung như Huế, Ðà Nẵng có khi chạy tuốt ra bắc. Mỗi lần đi như vậy thì nói ngay nó cũng được ít tiền để phụ chị lo việc ăn uống và chi tiêu trong nhà.
 
Anh mở cái của gỗ để bước ra ngoài. Trời đã sáng rõ, mấy con chim nhốt ở trong lồng thấy bóng anh vội vã kêu chí chít như mừng rỡ. Hơi mát bất ngờ phả vô mặt làm anh bật ho. Anh ôm ngực như cố nén những tiếng ho khàn đặc như từ dưới bụng đưa lên. Chả hiểu sao dạo này anh ho quá. Nếu có tiền anh phải đi lên Sài Gòn khám bác sĩ coi ra sao. Bụng thì hay lình bình thật khó chịu , có lẽ những năm ăn bo bo trộn cơm một thời gian khá lâu, bao tử làm việc nhiều bây giờ không còn đủ sức để làm tiêu thức ăn nữa. Anh múc đò ăn của chim ở một cái chậu sành gần đó, đổ vô chén trong lồng cho mấy con chim. Thấy đồ ăn, chúng rui mừng kêu những tiếng ríu rít. Anh chợt nhớ tới con két hồi còn ở nhà ba má ở ngoài trung, con két thiệt khôn lại được ông già anh giạy nói, khi có khách nó nói:"chào khách, chào khách". Thằng Tèo đi học về nó lại vui mừng như reo lên "Tí học về! Tí học về!". Khi má anh bán nhà để vô Bà Rịa ở với anh, con két chết, có lẽ nó không chấp nhận được sự đổi đời quá lớn lao.
 
Một cơn ho dữ dội làm anh ngừng tay cho chim ăn. Anh ngồi xuống cái ghế dài dựng ở ngang cửa. Anh lo sợ lẩm bẩm:
 
--Sao ho dữ vậy cà? chắc phải chạy tiền đi bác sĩ coi sao? nếu lỡ mệnh hệ nào...
 
Anh không dám nghĩ tiếp. "Nếu mệnh hệ nào?!...". Nếu mệnh hệ nào cho anh thì thật tình cũng tốt thôi. Thân tàn ma dại sống chỉ khổ vợ, khổ con. Tội nghiệp cho vợ anh, chị hay nói với anh mỗi khi anh thấy chị cực khổ quá, anh ái ngại ước ao anh có thể làm một việc gì để giúp chị. Nhưng anh cũng như hầu hết những người dân ở đây, không có một công ăn việc làm gì để sinh sống cả. Nhà nào có chiếc xe honda thì dùng làm phương tiện làm ăn, chạy xe honda ôm. Người nào may mắn hay có chút tiền mua nhà mặt tiền , tức là ven bên đường thì coi như có công ăn, việc làm, nấu chè, nấu cháo bán hoặc cho người khác dựng thành cái tiệm sửa xe hoặc buôn bán máy móc, làm tiệm chạp phô gì đó. Còn như anh, sống trong khu xóm lầy lội bùn dơ, sức khỏe đã kiệt quệ thì làm gì bây giờ? Anh chỉ có nước làm việc nhà như nấu cơm, múc nước, trồng trọt hoa quả vớ vẩn chẳng khác gì con "gà què" mà con gà què ở đây cũng không có "cối xay" để "ăn quẩn". Anh nhìn lên những gốc tiêu, năm nay coi bộ cũng èo uột hơn mấy năm trước. Hột có vẻ nhỏ hơn mà cũng thưa hơn. Năm ngoái anh bắt thang lặt tiêu, lặt mới chưa đầy giỏ thì lay hoay với cái tay phải còn bàn tay trái đã cụt mất 4 ngón, không dùng để bám víu được, thành ra khi cái thang mất thăng bằng ngã xuống, anh cũng rơi xuống đất như một trái mít rụng, một bên chân trặt cả mấy tháng mới khỏi. Những ngày tháng đó, bao nhiêu tiền bán chè của chị là vô cái chân anh hết. Thằng Tèo phải chở anh bằng chiếc xe đạp cũ kỹ đạp cả 2 cây số mới tới nhà ông thầy chữa trặc. Ðúng là nghèo thì hay mắc cái eo. Chân anh vừa mới lành lặn đôi chút thì tới phiên chân chị. Vì phải gánh gánh chè đi hết xóm này qua xóm nọ, chân chị sưng phù lên, biến dạng, chị nói đau quá, đi không được. Thằng Tí tính nghĩ học để đi bán chè cho mẹ nó. Anh la mắng nó mà trong lòng thì đau nhói, tội nghiệp thằng bé, nó học lớp 10, còn 2 năm nữa mới xong trung học, không biết anh chị có lo cho nói tới 2 năm nữa hay không. 5 đứa lớn đã không học hành tới nơi tới chốn. Hàm anh bạnh ra khi anh nghĩ tới mấy đứa con. Tội nghiệp con anh, tụi nó là con của "Mỹ Ngụy" làm sao có thể học cho tới nơi tới chốn? mà dầu có học tới nơi chưa chắc đã có chốn để làm. Ðứa nào cũng học tới lớp 4, lớp 5 thấy cha mẹ vất vả khổ cực quá cũng vội ở nhà làm thuê làm mướn để phụ giúp. Con Hương con Hồng có người đi hỏi đi cưới vì thấy 2 đứa ngoan ngoãn hiền lành, anh chị hỏi ý kiến thì 2 đứa cũng bằng lòng vì chúng nghĩ cho anh chị đỡ miệng ăn. Thằng Quyền sau khi đi nghĩa vụ cũng đã tìm được một người vợ ở dưới Bến Lức. Thằng Quân cũng mới quen với con Nhồng và hai đứa cũng xin anh chị làm đám cưới. Vậy mà trời cũng thương, bên sui gia cũng biết hoàn cảnh anh chị khó khăn nên cũng du di nhiều thứ, họ nói miễn 2 đứa thương nhau là được rồi, đâu cần gì hình thức bên ngoài. Chị làm vài món, họ làm vài món, mời một ít bạn bè thân vậy là tụi nó thành chồng thành vợ. Chỉ còn thằng Tèo và thằng Tí là còn ở với cha mẹ. Mấy đứa kia cũng ở loanh quoanh gần đây thôi. Ðứa nào cũng thương ba má, mấy đứa cháu mau lớn như thổi, cũng quấn quýt ông bà nội, ông bà ngoại chỉ có bé Nhàn con của vợ chồng con Hồng, con bé 10 tuổi bị bệnh tim từ lúc mới sinh. Ai cũng tưởng nó chết đem vô nhà thương mấy bận. Tụi nó làm gì có tiền cho đứa con giải phẩu? mỗi lần nhìn nó, anh đứt từng đoạn ruột. Gương mặt nó thông minh lanh lợi như không có bệnh tật gì hết, thế nhưng có khi đang chơi với chúng bạn, nó ngã ra xỉu không biết lúc nào. Tội nghiệp cho con Hồng và thằng chồng, làm bao nhiêu tiền thì đổ vô cho đứa con này bấy nhiêu. Con bé hay cầm bàn tay anh và hỏi:''
 
--Ông ngoại, sao tay ông chỉ có một ngón thôi vậy?
 
Thằng bé con thằng Quyền làm tài khôn:
 
--Ông nội đi lính bắn pằng pằng, bị quân địch bắn lại pằng pằng vô bàn tay mất hết bốn ngón chớ sao! Vậy mà cũng hỏi! Ông nội hay lắm. Tao thích có súng bắn như ông nội.
 
Vợ thằng Quyền đập một cái vô vai nó làm nó gần chúi nhũi:
 
--Thôi nghe mầy, không ai mượn mầy làm tài khôn như vậy. Ði chỗ khác chơi, mầy mà nói bậy bạ bị đòn đó. Ông nội bị dập tay rồi bị cưa mấy ngón, chớ bắn ai hồi nào?!
 
Chị liếc nhìn anh thấy mắt anh như sương khói. Anh đang hồi tưởng lại những trận đánh oai hùng mà anh và các bạn đã trãi qua. Mấy ngón tay của anh đã gởi lại ở Trận Núi Sầm. Anh may mắn nên chỉ gởi có mấy ngón tay còn mấy bạn anh đã không may gởi nguyên cả thân thể mình thì sao. Khi thấy anh còn sống sót, mẹ anh đã vội xuống tóc để tạ ơn Trời Phật còn chị thì cũng nguyện ăn chay cả tháng. Anh hay nói "sống chết có số" để an ủi mẹ và vợ. Số anh không chết thiệt mà chỉ cơ cực thôi. Lúc miền nam thất thủ- mà phần đông ai cũng nói là "lúc được giải phóng" anh căm thù chữ "giải phóng" hết sức, anh không hiểu tại sao có một số bạn của anh, đã từng đi lính, đã từng ở trong tù với anh mà bây giờ mở miệng ra là họ dùng chữ "giải phóng"- mặc dù anh bị tật ở bàn tay, cố trốn núp, nhưng cuối cùng cũng có kẻ tố cáo anh là Mỹ Ngụy có nợ máu với nhân dân, chứng tích là 4 ngón tay cụt, anh bị đưa đi học tập cải tạo. Sau 3 năm anh được thả ra, anh sợ tấm lòng tráo trở, gian ác của bọn Việt Cộng, biết đâu chúng lại bắt anh một lần nữa thì sao, anh và vợ vội vàng bồng bế con cái xuôi nam. Một lầ n thằng Quân cũng dùng chữ "giải phóng" để nhắc lại những tháng ngày kinh hoàng, đói khổ anh đã quát lên "mày mà còn dùng cái chữ man rợ đó, thì đừng bước vô nhà này nữa nghe" Từ đó trong nhà anh không còn đứa nào nhắc tới chữ đó nữa. Giải phóng! giải phóng! cái đồ ăn cướp cạn thì có chớ giải phóng ai! Anh có vài người bạn thân, những lúc buồn và rỗi rãnh đôi chút họ và anh cũng hay gặp nhau để cạn dăm ba chén, nho nhỏ nhắc lại cho nhau nghe những chuyện vui buồn của đời lính chiến mà đôi lúc tưởng như là một giấc mơ,một huyền thoại. Anh và họ hay cười một cách khinh bỉ nhắc lại hai chữ "giải phóng" thành "phỏng giái"Anh hay ao ước phải chi anh được đi lính trở lại để có tiền nuôi vợ, nuôi con. Tiền lính tuy tính liền nhưng cũng đủ để sống sung sướng, chị đâu có phải lặn lội hết làng này, đến xóm khác với đôi chân sưng vù bán cho hết gánh chè lấy được một vài xấp giấy bạc để đổi gạo, đổi mắm qua ngày? Nếu còn đi lính con anh đâu phải học hành dở dang để bây giờ "một đàn rách rưới con như bố"? Nếu còn đi lính đời anh đâu phải trôi nổi từ miền trung lên đến vùng kinh tế mới rồi lại lếch thếch một đoàn thê tử vô đến Bà Rịa lập nghiệp với một cái rựa, một cái cuốc trên tay? Nếu còn đi lính ba mẹ anh đâu phải bương chải bán nhà ở ngoài trung cùng dắt díu vào đây để ngày ngày đói khổ cùng với đàn con của anh rồi ông bà với tuổi già sức yếu, cộng thêm nỗi buồn phiền ray rứt thấy đàn cháu khổ sở mà không có cách gì giúp được nên đã lần lượt qua đời. Nhớ tới cha mẹ, lòng anh đau nhói, một giọt nước mắt lăn trên đôi má khô gầy của anh. Lòng anh chợt dâng lên một niềm uất hận và phải chi anh còn đi lính, có cây súng trong tay anh sẽ lia hết những thằng công an áo vàng đi nghinh ngang, hách dịch ngoài đường phố. Chúng làm sống lại trong anh những hình ảnh chết chóc bi thảm mà bọn CS đã mang lại cho quê hương anh, cho gia đình anh. Anh chỉ mới 57 tuổi mà nhìn như đã hơn 60. Mái tóc anh bạc trắng, đôi mắt hũng sâu.
 
Anh giơ bàn tay còn lành lặn lên để bắt một con sâu đang bò trên cây ngọc lan mà anh trân quý mới trồng được trong chậu kiểng. Chưa kịp quăng con sâu thì anh nghe có tiếng xôn xao ở đầu ngõ. Anh vội chạy ra đó, tim anh như nhảy ra khỏi lồng ngực. Hai người đàn bà đang dìu chị đi vô, một cô bé thì đang gánh gánh chè của chị. Anh nhận ra một người đang dìu chị là thím Bảy. Anh chạy vội lại hỏi:
 
--Thím Bảy? sao vậy?vợ con sao vậy thím? em? em sao vậy?
 
Thím Bảy chắc lưỡi:
 
--Vợ con bị té, chắc trặc chưn nũa rồi, mà chắc đau lắm nên nó gần xỉu ở ngoài chợ đó.
 
Tiếng người đàn bà bên phía kia:
 
--Chân của thím sưng to lắm, không phải chơi đâu nghen. Chú nên đưa thím lên Sài Gòn mà coi bác sĩ đi.
 
Cô bé đặt gánh chè vừa gánh dùm về cho chị cũng nói:
 
--Bác gái bị té đau lắm đó. Bác không đi bộ được nữa đâu.
 
Anh lăng xăng cảm ơn mọi người rồi dìu chị vô nhà. Ai cũng ái ngại và thương cho hoàn cảnh của anh chị. Chờ mọi người ra về hết, anh ngồi xuống đất bên cạnh chiếc giường chị đang nằm. Anh cầm bàn chân chị lên ngắm nghía:
 
--Em à, đau lắm phải không?
 
Chị nhăn mặt cố ngăn một tiếng rên:
 
--Dạ đau lắm. Nhưng...nhưng chắc không sao đâu anh, vài bữa chắc sẽ lành mà.
 
Thằng Tí đã thức giậy, nó đến ngồi bên cạnh chị, tay nắn nắn chân mẹ, mắt rưng rưng:
 
--Má à! má đau lắm phải không? má đừng ráng nữa để con ở nhà phụ má nghe.
 
Chị giả bộ nạt nó:
 
--Ðừng nói xàm nghe con. Con mà nghĩ học là má bệnh thiệt đó. Chân má bị trặt chút chút, mai là lành liền hà...cha con đừng có lo lắng quá như vậy.
 
Thằng Tí rớt nước mắt:
 
--Chân má sưng như vầy, má ráng đâu có được ba?
 
Anh lắc đầu:
 
--Em đừng có ráng, cũng đừng làm bộ để dấu anh. Chân em đã biến dạng rồi, mà nay lại bị như vầy nữa chắc phải lên Sài Gòn chữa chạy thôi.
 
Chị tính ngồi dậy, nhưng chị chợt nhăn mặt khi một cơn đau làm thốn đến đỉnh đầu:
 
--Tốn tiền lắm. Em không sao mà, mai chắc là hết đau liền chớ gì? Anh mới là người cần đi bác sĩ hơn em.
 
Anh chặn lời, sau khi cất một hơi ho khan thật lâu:
 
--Anh có bị gì đâu mà đi bác sĩ chớ?
 
--Anh ho hoài không hết, em sợ lắm...
 
--Không sao đâu, anh chỉ ho gió thôi mà. Ðâu phải bệnh gì quan trọng.
 
Nước mắt chị rưng rưng:
 
--Anh đừng dáu em, em biết anh đau đã lâu lắm rồi mà anh cứ lần lữa không chịu đi khám. Anh không thấy ông Cộ mới chết vì bệnh phổi đó sao? mà đâu phải mình ông Cộ, còn chú Nhị, bác Tham cũng đi hết vì ho rồi đó. Anh, anh nghe lời em. Ðừng có chần chờ nữa, qua chú Thiết mượn đỡ tí tiền đi khám bác sĩ đi anh. Mai mốt thằng Tèo mang tiền về, rồi em đi bán trở lạ,i trả nợ cho chú.
 
Thằng Tí cũng ngước đôi mắt buồn bã lên nhìn anh:
 
--Má nói đúng đó ba, ba cần đi chữa bệnh. Con nghe ba ho nhiều lắm, để lâu không tốt đâu. Anh Tèo chuyến này đi lâu chắc sẽ có tiền nhiều hơn...mà má cũng cần phải đi nữa. Ðể con nghĩ vài ngày phụ má.
 
Anh ôn tồn vuốt tóc con:
 
--Ba má không muốn cho con nghĩ học như vậy, để ba tính.
 
Anh cúi đầu như suy nghĩ. Chú Thiết là ông chú bà con của anh. Ông có tiệm bán đồ mộc ở ngoài phố, ông lại có người em gái đang ở bên Mỹ, bà này cũng hay gởi tiền về cho ông. Ông cũng tử tế, thỉnh thoảng cũng giúp cho anh chị đôi chút nhưng thời buổi khó khăn, họ giúp mình được cái gì thì mang ơn cái đó, còn mượn tiền đi chữa bệnh thì sao coi bộ khó khăn cho anh mở lời quá. Tuy vậy chú Thiết một làn cũng có nói với anh là nếu anh cần gì cứ nói với chú, chú sẽ làm hết sức mình để giúp anh. Anh lại nhìn bàn chân chị mà lòng đứt đoạn:"phải chi mình còn ở trong lính thì vợ mình đâu phải vất vả như vầy?". Như quyết định một điều gì, anh đứng lên.
 
Cầm số tiền lớn trong tay, anh hình dung ra được bàn chân chị trở nên lành lặn như cũ. Anh nhất định đem chị lên Sài Gòn để chạy chữa. Anh đã đến chú Thiết nói rõ sự tình trạng bàn chân biến dạng của chị. Chú Thiết đã dấm dúi cho anh mượn 2 triệu đồng. Chú nói nhỏ, khi thím Thiết không có mặt ở đó:
 
--Cháu cứ cầm lấy lo chạy chữa cho vợ cháu. Hôm nọ nó tới đây, chú thấy chân nó có vấn đề đó. Nhưng nè, đừng nói cho thím biết, đàn bà không giống đàn ông, tuy thím rất tốt, nhưng thím không biết thì hay hơn.
 
Anh cảm ơn rối rít và nhét vội số tiền quý báu đó vô trong túi quần và cẩn thận lấy tay nắn nắn cho chắc là số tiền vẫn còn ở trong đó.
 
Trước khi về nhà, anh ghé ngang qua chợ để mua một ít trái cây cúng trên bàn thờ của ba mẹ anh. Thấy các tiệm, các gian hàng bày hoa quả bánh trái lòng anh chợt chùng xuống. Những thứ này bây giờ là xa xí phẩm đối với gia đình anh. Cùng lắm là anh chỉ mua được chuối để trên bàn thờ cúng ba má anh thôi. Bây giờ thì gia đình lại gặp cơn hoạn nạn như vầy. Anh chắc lưỡi như cố xua đuổi những hình ảnh đen tối đi ra khỏi đầu óc. Vô tới chợ, anh thấy một đám đông đang bu quanh một người đàn ông. Anh tiến tới xem thì thấy Tường, một người bị mù cả hai mắt đang nằm co quắp dưới đất. Tường là người anh của Trí, một người bạn đồng đội với anh trong binh chủng nhảy dù. Khi Trí bị thương nặng ở ngực, trước khi từ trần Trí đã nhờ anh đem thơ và hình ảnh về cho người anh của mình. Cha mẹ của Tường và Trí đã mất trong một vụ pháo kích của Cộng Sản. Tường là đại úy thiết giáp, anh bị thương nặng trong một trận đánh ở Pleiku vào dịp Tết Mậu Thân làm mù cả 2 mắt. Sau đó Tường được giải ngũ. Anh cũng hay gặp Tường khi có dịp. Ðôi lúc có rủng rỉnh chút ít , anh đãi Tường một ly cà phê hay một tô cháo lòng hay ngồi uống nước trà để ôn lại chuyện vui buồn quá khứ. Hai người có chung một điều ước muốn rất đơn sơ: "phải chi mình còn là lính..."
 
Anh cố lách đám đông, có người chợt chạy xô vô người anh làm anh muốn té xuống đất, anh ráng gượng lại nhìn theo, đó là một thanh niên ăn mặt mũi coi bộ láu cá vặt, hắn cúi đầu đi thật nhanh, anh cau mày tính lên lớp hắn về một bài học lịch sự, nhưng thấy Tường đang cần sự giúp đỡ cấp bách nên anh bước nhanh hơn đến gần người đàn ông, anhvừa tính hỏi chuyện gì đã xảy ra thì những người đang đứng quanh đó nhanh nhẩu cho anh biết là có đứa bé đã ăn cắp cây đàn của anh ta, không giật lại được nên anh đã uất ức khóc và xỉu trước tiệm ăn của một tiệm bán cháo lòng. Ông chủ tiệm thấy người đàn ông mù khóc lóc trước cửa sợ xui nên cho đuổi anh đi. Anh ta chưa kịp đi thì tên chủ quán đã cho người ra xua đuổi một cách tàn nhẫn. Anh đang run lẩy bẩy đứng lên thì hắn xô anh một cái té xuống đất, mặt mũi, áo quần dính đầy bùn và còn dọa kêu công an đến bắt, vài người thương tình đã cùng nhau dìu anh ta tới ngồi ở đây. Anh vẹt đám đông để đến bên cạnh người đàn ông tội nghiệp đang ngồi rủ đầu nhìn xuống đất. Anh ngồi xuống ân cần hỏi:
 
--Anh Tường! anh Tường! anh có sao không? đứa nào lấy cây đờn của anh vậy?
 
Người đàn ông ngước lên với hai hố mắt sâu thẳm nhìn vào thấy lạnh người:
 
--Ai đó? ai vậy?
 
--Em đây. Quang đây anh Tường.
 
--Chú Quang hả chú Quang? Thằng mất giạy nào tôi đâu biết, tôi mới hát xong, bỏ cây đờn bên cạnh để uống miéng nước lấy giọng hát tiếp, thì nó ở đâu đàng sau nhào tới giựt cả cái mũ và cây đờn rồi chạy mất biến...
 
Anh hỏi giọng ái ngại:
 
--Bộ không ai giúp anh rượt theo nó sao?
 
Người đàn ông nhếch mép:
 
--Ai mà làm dùm mình việc ấy? ...Còn tôi thì làm sao rượt theo nó kịp?
 
Có tiếng xì xào trong đám đông:
 
--Làm sao bắt mấy thằng ranh đó cho kịp? Cái đồ ranh mương mà.
 
Có tiếng phụ họa:
 
--Thấy người ta đui mù vậy mà cũng không tha. Gia tài ảnh chỉ có cây đờn mà cũng ăn cướp. Ðồ trời đánh!
 
Người khác chép miệng:
 
--Thì bần cùng sanh đạo tặc vậy mà.
 
Có người thì thào:
 
--Ðã bị ăn cướp lại còn bị xô một cái như trời giáng thật là tội nghiệp...thứ đồ ăn ở bất nhân chắc không giàu lâu đâu.
 
--Chị nói vậy chớ hàng quán của người ta mà ngồi khóc như trù như ẻo, họ sợ xui mà chị.
 
Ðám đông ồn ào mỗi người mỗi câu rồi họ cũng lần lần bỏ đi chỉ còn anh và người đàn ông khốn khổ đang ngồi dưới đất. Anh hỏi:
 
--Giờ anh tính làm sao?
 
Người đàn ông thở dài:
 
--Chắc tôi phải đi về dưới miền Tây...tìm cách sống chớ biết làm sao...tới chừng mua được cái đờn rồi tính sau... đồ khốn nạn, phải chi tôi còn sáng mắt thì nó chạy đằng trời tôi cũng lên theo...
 
Nói chưa dứt lời, người đàn ông ngưng bặt theo tiếng tằng hắng báo động của anh. Anh vừa mới thấy một tên công an áo vàng mới xuất hiện từ bên trong chợ tiến ra chỗ anh và Tường đang ngồi. Hắn đến gần hai người, hất cằm hỏi giọng hách dịch:
 
--Ở đây cấm ăn mày, hai anh có biết không?
 
Anh chợt thấy nóng ở mũì:
 
--Tụi tôi không phải ăn mày...
 
Tên công an chồm tới:
 
--Anh có thể không phải ăn mày, nhưng anh này...
 
Hắn lấy tay chỉ người đàn ông tàn tật:
 
--Anh này không ăn mày là gì?
 
Người đàn ông nhỏ nhẹ:
 
--Tôi không có đi ăn xin, tôi hát để kiếm tiền...
 
--Hừ! hát để xin tiền không phải ăn xin là cái gì chứ? anh còn chối cãi nữa hả? Nhìn anh như thé mà bảo không phải ăn mày hả? Thế anh làm cái ông tướng gì ở đây anh nói tôi nghe coi?
 
Người đàn ông tên Tường rán nhẫn nhục, anh cố giương đôi mắt như muốn chọc thủng bức màn tăm tối trước mặt, nhưng anh thở dài, đầu cúi thấp xuống. Anh thấy máu nóng dâng lên hai bên màng tang, anh nuốt nước miếng thật khó khăn:
 
--Dạ thưa công an, anh này đánh đàn để kiếm sống cũng làm việc như những nghề khác, ai thích thì cho tiền, ai không thích thì không cho, chớ ảnh không phải ngửa tay ra để đi ăn xin ...
 
Tên công an vênh mặt, cau đôi mày như cặp chổi xuể trên gương mặt lạnh lùng, ác độc:
 
--Hai anh muốn cãi lý với tôi hả, tôi mời hai anh về trụ sở lúc đó hai anh hãy cãi lý.
 
Người đàn ông xuống giọng thật nhỏ:
 
--Quả thật hai chúng tôi không phải ăn mày. Nếu công an không thích tôi đi hát ở đây, tôi sẽ không hát nữa...Còn anh này thì vô can. Ảnh chỉ tới nói chuyện với tôi thôi.
 
Nói tới đó, người đàn ông bấm nhẹ vô chân anh như nhắc nhở đến thân phận của 2 người:
 
--Chú Quang, nếu công an không thích mình ngồi đây, thôi mình xin phép kiếu từ rồi về đi thôi.
 
Anh nuốt nước miếng nói một cách khó khăn:
 
--Dạ phải rồi, tụi tôi xin cáo lỗi, nếu công an không muốn thấy anh bạn tôi hát ở đây, mà ảnh cũng không hát được nữa tại cây đờn bị người ta ăn cắp rồi, thì để tui đem anh bạn về vậy.
 
Tên công an cười gằn:
 
--Ủa! không đến cơ quan để cãi lý nữa sao? lần này tôi tha cho hai anh đó. Nhưng nếu hai anh để tôi thấy mặt một lần nữa thì đừng có trách nhá.
 
Hắn quay đi lẩm bẩm:
 
--Ăn mày thì nhận ăn mày còn cãi chầy, cãi cối...hừ! cái thứ này không phải là tàn dư của bọn phản động, Mỹ Ngụy thì tao cứ đi đầu xuống đất...
 
Ðám đông ở đàng xa đứng chỉ chỏ, xì xào nhưng không dám lại gần.
 
Mắt anh và người đàn ông hằn lên những nét rợn người nhưng họ ráng dằn lại. Anh dìu người đàn ông đứng lên. Anh phủi cặp nạng rồi cẩn thận đưa cho đưa cho bạn. Anh nói nhỏ:
 
--Thôi lỡ rồi anh Tường, anh đi về với em rồi em biểu thằng Tí chở anh về nhà với chị. Sau đó, nếu anh chị cần điều kiện về dưới tỉnh em sẽ giúp anh.
 
Người đàn ông nói giọng u buồn:
 
--Tôi đâu dám phiền chú như vậy...tôi biết chú cũng không có dư giả ... nhưng...nhưng bây giờ tôi thật không biết tính làm sao để có thể đi xe đò về dưới nữa đây?
 
Một giọt nước mắt rớt ra từ hố mắt sâu thẳm của người đàn ông mù:
 
--Vợ tôi đau nặng đang nằm nhà chờ tiền hốt thuốc....Không biết bả có đi về dưới quê với tôi nổi hay không?....
 
Anh chợt nhớ tới chị cũng đang bị đau chân ở nhà, anh hối:
 
--Anh đừng lo, em sẽ giúp anh chị về dưới, bây giờ cứ đi theo em về nhà hẳn hay.
 
Trong đầu anh chợt nhớ tới món tiền to tát đang nằm trong túi quần. Anh sẽ chia bớt cho người đàn ông chút đỉnh để họ dắt díu nhau về quê, còn dư anh đem chị lên Sài Gòn khám bác sĩ. Còn bệnh anh thì có lúc mệt, lúc khỏe chắc không sao. Anh có thể lướt được. Anh đưa tay rờ vô túi quần để chắc chắn món tiền còn ở đó.
 
Chợt anh kêu trời một tiếng. Người anh mềm nhũn ra, một cơn ho dữ dội bật đến thình lình làm anh muốn nghẹt thở. Người đàn ông giật mình giương đôi mắt mờ đuc như cố tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra, anh ta thảng thốt hỏi:
 
--Chuyện gì vậy? chuyện gì vậy chú Quang? chú bị bệnh hả? hay công an tới? chú mày chạy đi! chạy đi! đừng lo cho tôi...
 
Anh cố ngăn một tiếng nấc đang dâng lên từ cổ họng. Số tiền 2 triệu của ông chú cho mượn đã bị bọn bất lương nhân lúc lộn xộn đã móc sạch. Anh chợt nhớ tên thanh niên có gương mặt láu cá đã giả bộ ngã vào người anh lúc nãy. Ðầu gối anh chợt khuỵu xuống tay anh đang nắm chặt tay người đàn ông mù làm ông ta cũng ngã xuống theo. Người đàn ông càng sợ hãi hơn giọng anh ta khào khào:
 
--Trời ơi! trời ơi! chuyện gì vậy? chuyện gì vậy?
 
Thu Nga