Bình Luận: Việt Nam Giữa Ngõ Thoát & Chướng Ngại

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Thưa quý thính giả,
Giữa lúc chính quyền Hà Nội tiếp tục khoa trương các thành quả tốt đẹp trong phát triển kinh tế, hầu hết chuyên gia quốc tế đều lên tiếng báo động về tình hình nghiêm trọng mà Việt Nam khó tránh ngay từ năm 2011 giữa bối cảnh mậu dịch thâm hụt và khủng hoảng tiền tệ nặng nề. Hai nguy cơ lớn được các chuyên gia nhắc nhở là tình trạng lạm phát và phá giá đồng bạc trong khi các chính sách kinh tế vĩ mô không hứa hẹn đem lại hiệu quả cụ thể nào.
Trên thực tế, ngày 12 vừa qua, Việt Nam đã phải chính thức tuyên bố phá giá tiền và là lần phá giá thứ sáu trong vỏn vẹn 3 năm kể từ năm 2008. Tác động thực tế của sự việc này là những khó khăn bắt buộc sẽ tới. Ghi nhận đầu tiên là giá vàng và giá Mỹ kim đều vượt khỏi mức chính thức theo qui định, trong khi các chuyên gia đều nhắc về viễn ảnh lạm phát khó tránh trong tương lai không xa. Mức lạm phát cũng được cảnh báo sẽ không nằm ở chỉ số dự liệu trong cảnh ngộ khoản dự trữ ngoại hối đã giảm xuống chỉ còn 10 tỉ mỹ kim so với 16 tỉ mỹ kim trong năm 2009, tức là đất nước đang bị đặt trong thế mất hẳn khả năng hỗ trợ tài chính cho nhiều chương trình kinh tế tối cần thiết, bao gồm cả hoạt động xuất – nhập khẩu.
Nhưng khó khăn của Việt Nam không chỉ giới hạn trong lãnh vực kinh tế tài chính mà còn hiển hiện trên phương diện ngoại giao quốc tế, đặc biệt là trong mối quan hệ với Bắc Kinh.
Khó ai có thể quên là vào thời điểm này 32 năm trước, Bắc Kinh đã ào ạt tiến quân vào các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam để mở cuộc chiến mà họ gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học.” Cuộc chiến đó không chỉ cướp đi sinh mạng 50 ngàn binh sĩ Việt Nam cùng hàng chục ngàn thường dân vô tội mà còn dẫn đến bản hiệp ước biên giới năm 1999 giúp cho Trung Quốc cướp đoạt một phần lãnh thổ phía Bắc Việt Nam, đồng thời đặt Việt Nam vào thế bị áp chế nặng nề cho tới nay.
Thực tế đã cho thấy ngoài tình trạng gần như phải bỏ rơi quyền kiểm soát các vùng lãnh hải trên Biển Đông, Việt Nam còn bị lệ thuộc ý muốn của Bắc Kinh ngay trong việc hoạch định các đối sách quốc tế. Trong tuần lễ vừa qua, một sự việc khá bình thường đã cho thấy mức độ chi phối gắt gao của Bắc Kinh với chế độ Hà Nội. Đó là sự việc diễn ra quanh cuộc tập trận Hổ Mang Vàng 2011 tại Thái Lan của Hoa Kỳ và các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á.
Kể từ năm 2003, Việt Nam đã thấy sự tham gia hoạt động này là cần thiết nên liên tục cử người quan sát và năm nay đã quyết định cử 3 quân nhân đại diện tham gia cuộc tập trận. Cử 3 người tham gia một cuộc tập trận gồm 11 ngàn quân nhân rõ ràng chỉ để nói lên ý nghĩ tán thành cuộc tập trận đó chứ không thể là một đóng góp đáng kể. Nhưng chỉ một ngày sau khi tin trên được loan báo, thứ trưởng bộ Quốc Phòng Hà Nội Nguyễn Chí Vịnh đã phải lật đật lên tiếng trên báo Quân Đội Nhân Dân, khẳng định Việt Nam không hề tham gia cuộc tập trận “vì cho tới nay, Việt Nam chủ trương không tham gia bất kỳ cuộc diễn tập quân sự nào." 
Nguyễn Chí Vịnh còn biện bạch thêm là từ năm 2003 tới nay có năm Việt Nam cử quan sát viên tới tham gia có năm không chỉ với mục đích “xem các nước thực hiện tập trận như thế nào.” Lời khẳng định của Nguyễn Chí Vịnh được coi là bằng chứng không thể chối cãi về tình trạng lệ thuộc Bắc Kinh của chế độ Hà Nội. Vì không phải hiện nay mà ngay từ khi khởi sự cuộc chiến năm 1979, Bắc Kinh đã cho biết không cho phép Hà Nội vượt khỏi vòng chi phối để tự tìm kiếm đồng minh, bất kể vào thời điểm đó, đồng minh của Hà Nội chỉ là Liên Xô.
Điểm quan trọng trong tình cảnh này là việc kìm bó của Bắc Kinh ảnh hưởng trực tiếp tới mọi lãnh vực ổn định và phát triển đời sống xã hội Việt Nam.
Bởi khi ép mình dưới vòng tay Trung Quốc, Việt Nam chắc chắn sẽ gặp trở ngại lớn trong việc tiếp nhận hỗ trợ quốc tế từ mọi quốc gia, đồng thời còn bị lợi dụng khai thác bởi chính chế độ Bắc Kinh.
Trước khi Hoa Kỳ chính thức công bố sách lược quân sự mới, theo đó sẽ giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á gồm cả Việt Nam, các phương tiện cần thiết để phát triển về mọi lãnh vực, đại diện Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã nhắc đến mối bang giao song phương trong tinh thần hợp tác chiến lược giữa Hoa Kỳ cùng các quốc gia như Nhật Bản, Nam Hàn, Australia, Thái Lan với thành quả cụ thể là “bảo vệ hòa bình và an ninh khu vực trong hơn nửa thế kỷ qua cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế ấn tượng.”
Lời tuyên bố trên không hề mang tính tuyên truyền vì có thể kiểm tra bằng thực tế. Vì thế, vào giờ này không ai còn ngờ vực về ngõ thoát cho Việt Nam vượt khỏi mọi khó khăn chính là tiến tới mở rộng quan hệ song phương với Hoa Kỳ trong tinh thần hợp tác chiến lược về mọi lãnh vực.
Nhưng điều kiện để bước vào ngõ thoát này là phải vượt qua hai chướng ngại.
Chướng ngại dễ nhìn thấy là ý đồ ngăn cản của Bắc Kinh, bởi nếu Việt Nam kết hợp với Hoa Kỳ đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ bị chặn đứng giấc mơ bành trướng bá quyền trên toàn vùng Đông Nam Á để vươn lên địa vị siêu cường. 
Chướng ngại thứ hai là chủ trương độc đảng độc quyền mà tập thể lãnh đạo Hà Nội đang theo đuổi. Bởi viễn ảnh phát triển theo mô thức Tây Phương như Nhật Bản, Nam Hàn, Australia… đã vẽ ra hình ảnh sinh hoạt chính trị dân chủ tự do chấp nhận đa nguyên, đa đảng là điều mà tập thể đương quyền Hà Nội khẳng định là không chấp nhận. Trong thời điểm hiện nay, viễn ảnh trên càng có vẻ hiển hiện qua các diễn biến từ Bắc Phi tới Ai Cập và nhiều quốc gia Trung Đông khác nên chắc chắn càng cản trở mạnh mẽ hơn bất kỳ ý đồ nào muốn mở rộng vòng tay hợp tác song phương với Hoa Kỳ. 
Như vậy, ngõ thoát dù đã thấy, nhưng chắc chắn chưa dễ bước vào.
Trước thực tế đó, khó khăn đang vây hãm mọi ngành sinh hoạt để kìm đất nước trong vòng nghèo đói, lạc hậu, nhất là bị ngoại bang áp chế chắc chắn sẽ kéo dài.
Cũng vì thế, không ít người đang mong đợi luồng gió vừa nổi lên từ Bắc Phi – Trung Đông sẽ mau chóng lan tới Việt Nam.
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
UYÊN THAO