Bình Luận: Viễn Ảnh Chung sau Đại Hội Đảng CSVN
Submitted by quanhung on Thu, 01/20/2011 - 10:09.
Printer-friendly version

Uyên Thao
Thưa quý thính giả,
Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam đã kết thúc tại Hà Nội ngày 19 tháng 1.
Đây cũng là thời điểm chủ đề Biển Đông được đặc biệt quan tâm bởi các giới theo dõi tình hình do cuộc viếng thăm Hoa Kỳ của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và cuộc họp bộ trưởng ngoại giao các quốc gia trong khối ASEAN. Cuộc họp này diễn ra trên đảo Lombok do Indonesia chủ toạ và ngoại trưởng Indonesia đã cho báo chí biết vấn đề Biển Đông “có thể dẫn đến những xung đột bất thường nếu không được kiểm soát chặt chẽ.”
Theo ngoại trưởng Indonesia, vấn đề liên quan trực tiếp tới Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, trong khi quy tắc ứng xử chung trên vùng biển này chưa hề được thực sự tôn trọng. Ngoại trưởng Indonesia nhấn mạnh về điều kiện cần thiết để quy tắc ứng xử chung hình thành trên thực tế là khối ASEAN cần đạt sự thống nhất về quan điểm đồng thời không thể quên sự tiếp tay của các cường quốc liên hệ như Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Về vai trò của Hoa Kỳ, giới quan sát tình hình cho rằng chắc chắn sẽ được chủ tịch Trung Quốc trực tiếp đề cập với tổng thống Obama trong cuộc viếng thăm Hoa Kỳ. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn theo đuổi tham vọng chiếm đoạt toàn bộ chủ quyền trên Biển Đông và tất nhiên không muốn Hoa Kỳ có ảnh hưởng tại vùng biển này. Sự việc hiển nhiên còn phải chờ đợi vì vẫn đang nằm trong tiến trình vận động của các quốc gia liên quan, nhưng đã rõ ràng là một vấn đề sẽ tác động nặng nề tới các quốc gia trong vùng mà Việt Nam phải nhận chịu hậu quả lớn nhất do các vùng biển đảo bị Trung Quốc chiếm đóng từ nhiều năm qua.
Như vậy, sau khi Đại Hội Đảng bế mạc với sự hình thành một tập thể lãnh đạo mới, Việt Nam sẽ đối phó với vấn nạn này như thế nào?
Ghi nhận đầu tiên được đưa ra đã lưu ý tới lập trường của nhân vật lãnh đạo vừa được bầu là Nguyễn Phú Trọng. Từ lâu, Nguyễn Phú Trọng vẫn được coi là nhân vật nặng tinh thần thủ cựu và nghiêng nhiều về phía Trung Quốc. Trước đây, khi vừa trở thành Chủ Tịch Quốc Hội, Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện chuyến xuất ngoại đầu tiên là ghé thăm Bắc Kinh. Những ngày chuẩn bị Đại Hội, nhiều nguồn tin từng tiên đoán Nguyễn Phú Trọng sẽ trở thành Tổng Bí Thư Đảng vì đó là ý muốn của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Cụ thể hơn và không nằm trong dự đoán là ghi nhận dựa trên chính lời phát biểu của Nguyễn Phú Trọng trong cuộc ra mắt báo chí vào dịp bế mạc Đại Hội. Tuyên bố đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng là cam kết “đưa Việt Nam tiếp tục từng bước quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa.”
Hầu hết giới chuyên gia trong và ngoài nước từng cho rằng yêu cầu cấp thiết của công cuộc xây dựng và phát triển tại Việt Nam chính là sự thay đổi toàn diện về chủ trương kinh tế và chính trị. Nhiều ý kiến phát biểu bởi một số đảng viên Cộng Sản Việt Nam đã cho rằng không thể tiếp tục các chính sách hiện nay, vì thực tế đã cho thấy rõ không đem lại kết quả tốt đẹp mong muốn. Bằng chứng cụ thể được viện dẫn là hàng loạt công ty quốc doanh đã thất bại dẫn đến những khoản nợ chồng chất hàng trăm ngàn tỉ đồng và đang đặt đất nước trước viễn ảnh suy sụp nặng nề về kinh tế trong tương lai trước mắt mà hiện nay tình trạng lạm phát và phá giá tiền tệ đã hiện hình rõ rệt. Một chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Phát triển Kinh Tế và Xã Hội tại Hà Nội còn nêu rõ rằng quan điểm của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về phát triển và tái cấu trúc kinh tế cần được xét lại do quá chú trọng tới vai trò chủ đạo của Nhà Nước. Vẫn theo chuyên gia này, việc ổn định và phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam đang đòi hỏi sự hội nhập không chỉ riêng thị trường quốc tế mà còn cần hội nhập cả với chính trường quốc tế.
Các ghi nhận không ngưng lại tại đây mà mở rộng hơn qua sự xuất hiện một số nhân vật mới trong Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam.
Trước hết, thành phần uỷ viên ban chấp hành trung ương vừa được bầu chọn khiến người ta không thể không nghĩ tới cảnh cha truyền con nối đang diễn ra tại Bắc Hàn. Bởi trong số uỷ viên mới này đã có mặt con trai của Nông Đức Mạnh và con trai của Nguyễn Tấn Dũng. Dù sự việc được tiến hành kín đáo và êm ả vẫn cho thấy mối ưu tư lớn thực sự của tập thể đương quyền tại Việt Nam hiện nay chính là gom giữ quyền hành cho con cháu và bè phái của riêng mình thay vì quan tâm đến quyền lợi và vận mạng của dân tộc.
Cũng trong thành phần nhân sự lãnh đạo mới do Đại Hội Đảng 11 bầu chọn đã có những nhân vật đang được đặc biệt chú ý là Tô Huy Rứa, Nguyễn Chí Vịnh và Đinh Thế Huynh. Tô Huy Rứa và Nguyễn Chí Vịnh vẫn được coi là những đảng viên tận tụy trung thành với Bắc Kinh, trong khi Đinh Thế Huynh đã tự diễn tả như là kẻ đại thù của chủ trương dân chủ. Trong cuộc họp báo trước ngày khai mạc Đại Hội Đảng, Đinh Thế Huynh đã khẳng định là Việt Nam “dứt khoát không chấp nhận đường lối đa nguyên đa đảng theo chủ trương tôn trọng dân chủ tự do.”
Như vậy, trông chờ một chuyển hoá chính trị tại Việt Nam sau Đại Hội Đảng 11 kể như đã được trả lời là một trông chờ vô vọng. Thêm nữa, trông chờ về một thái độ tích cực trước chủ trương lấn áp của Trung Quốc cũng không còn lý do tồn tại. Trong tình thế này, kêu gọi do ngoại trưởng Indonesia vừa đưa ra là khối các quốc gia ASEAN cần thể hiện một lập trường chung để buộc Trung Quốc phải tôn trọng quy tắc ứng xử thích hợp tại Biển Đông cũng đứng trước các trở ngại khó vượt qua. Bởi theo thực tế hiện nay, Trung Quốc kể như đã đặt được hai quốc gia Campuchia và Lào vào trong vòng chi phối trong khi Việt Nam dù là quốc gia bị lấn áp nặng nề nhất lại do một tập thể trung thành với chế độ Bắc Kinh cầm nắm vận mạng đất nước.
Do đó, sau Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam, viễn ảnh chung của đất nước Việt Nam đã hiện rõ là chỉ có thể sáng sủa khi sức mạnh của nguyện vọng dân chủ tự do trong mọi thành phần quần chúng phát triển đủ để gạt đảng Cộng Sản khỏi vị thế nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
*******************
n/a»
- Login to post comments
Printer-friendly version