Bình Luận: Tuổi Thơ Và Nước Mắt

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Trong không khí vui tươi, rộn rịp đón mùa Giáng Sinh với hàng hoá ngập tràn các cửa tiệm. Mọi người nô nức đi shopping con nít thì nôn nao chờ đợi những món quà được gói ghém đẹp mắt dưới các cây thông Noel. Thức ăn ê hề trên các bàn tiệc, người ta ăn một nửa, bỏ một nửa vì quá nhiều thức ăn. Gia đình quay quần đoàn tụ trong không khí an lành. Đó là hình ảnh của những người  hạnh phúc trong một xã hội tự do dân chủ, phú cường.1
 
Thế nhưng cũng trong cùng một thời gian, trên thế giới có những nơi không những không có Noel mà đời sống không khác gì cảnh địa ngục trần gian. Mới đây hình ảnh những khuôn mặt lem luốc, ánh mắt ngơ ngàng, những giọt nước mắt sợ hãi kinh hoàng của những trẻ em người Kurd trên đường lánh nạn cùng với cha mẹ trốn chạy cuộc tấn công, tàn sát dã man của  ISIS  đã làm cho người ta rơi lệ như lời bài hát của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, khóc cho tuổi thơ Việt Nam trong chiến tranh “Bé thơ ơi ! Bé thơ ơi ! Nín đi đừng khóc. Xót xa nhiều trào thêm nước mắt.Chiến tranh nào mà không tan nát …”  Nhiều em lạc cha mẹ, thân nhân đói khát, bệnh tật. Nhiều em nhỏ xíu, nhưng ngoài việc tay xách, nách mang còn phải cõng, bế các em nhỏ của mình cùng chạy loạn. Những bàn tay đưa ra chờ chực một miếng bánh, một bát cháo cứu trợ thật tội nghiệp. Đã thế, thiếu niên Syria bị các chiến binh Hồi giáo ISIS bắt cóc, đánh đập, nhục mạ và “tẩy não” và   huấn luyện thành những tên giết người. Chiến tranh đẫm máu kéo dài   hơn 3 năm,   cướp đi tuổi thơ hồn nhiên và đẩy những em bé này vào một thế giới đầy u tối, bất hạnh.
 
Trẻ em bất hạnh ở những xứ chiến tranh có quá nhiều không thể nào kể xiết, như ở Việt Nam một nước chiến tranh kéo dài cả gần 1 phần tư thế kỷ trước năm 1975 do Cộng Sản miền bắc mang lại , tuổi thơ kém may mắn cũng đã bị mất cha, mất mẹ với những trận pháo kích bừa bãi vào làng xóm. Tại trường Cai Lậy   Cộng Sản đã pháo kích hỏa tiễn giết hại  32 em học sinh và 55 học sinh khác bị thương, đúng ngay vào lúc các em đang trong giờ ra chơi ngày 9 tháng 3 năm 1974. Nhạc sĩ Anh Bằng đã sáng tác một bài hát để tố cáo tội ác Việt Cộng trong vụ pháo kích dã man này” ...Hỡi bé thơ ơi, sao tội tình gì em lại bỏ đi, em lại bỏ đi. Kìa thầy giảng bài tình thương trong lớp. Bạn bè còn ngồi chăm chỉ lắng nghe. Sao em vội bỏ mái trường ngày xưa thân mến, vội bỏ ra đi..... Sự kiện tại Cai Lậy, Định Tường đã làm cho dân chúng vô cùng phẫn uất nhưng không được báo chí nhắc đến nhiều và trên thế giới hầu như không ai biết  tội ác tày trời của Cộng Sản gây nên. Còn chúng,  một mực cho là chuyện bịa đặt.
 
 
 
Cộng Sản lợi dụng chiến tranh để đỗ lỗi chạy tội. Thế nhưng sau năm 1975, chúng gọi là thống nhất đất nước, dân chúng vẫn lầm than và   thiếu nhi tiếp tục đói khát, cơ cực. Nhiều gia đình nghèo quá, nên con nít mới 4, 5  tuổi đã biết dầm mưa, dãi nắng dưới suối bắt ốc, tôm cá, hay cong mình trên các vũng rác hôi thối nhặt nhạnh thức ăn thừa. Những gia đình bị nhà cầm quyền cướp đất đai, con nít phải theo người lớn  lang thang cùng cha mẹ đi khiếu kiện đất đai từ năm này tới năm khác, ngủ bụi, ngủ vỉa hè, hay sinh sống ở những bãi tha ma.  Những đứa trẻ khác thì lăn lóc trên hè phố suốt đêm, trên tay cầm chiếc rổ đựng vài thẻ kẹo cao su, vài lon đậu phộng, gói bánh phồng tôm với hy vọng bán cho nhanh hết để được về nhà.  
 
Con nít vùng cao nguyên, hay dân tộc thiểu số lại còn thảm thiết hơn.  Nhiều em còn ẵm ngữa trên tay đã theo cha mẹ ra rẫy trồng trọt dưới mưa lạnh hay cái nóng cháy da. Các em lớn khoảng 5, 6  tuổi đã biết đi mót củi, mót lúa,  hay phải làm việc nặng nhọc như người lớn là khuân gạch, vét mương. Mùa nắng, mùa lạnh cũng chỉ phong phanh một bộ đồ mỏng không đủ che thân. Có em phải ở truồng vì nhà quá nghèo . Em nào may mắn được tới trường thì phải đu dây, lội sông, đi bộ hàng mấy cây số. Buổi ăn trưa chỉ là rau chấm muối, sang lắm thì mới có vài con chuột. Các em chưa hề biết  mùi vị của kẹo, bánh, cơm trắng có thịt, thì làm gì dám  mơ ước đồ chơi, cây thông, hay bữa cơm thịnh soạn đêm Noel
 
Và đã có bao nhiêu mùa Noel! Và đến chừg nào các em thiếu nhi trong các nước có chiến tranh và các nước Cộng Sản mới không còn chết gục với giấc mơ chỉ có được một mái ấm gia đình, có đủ mẹ cha, có một bát cơm trắng  không độn ngô khoai     Và chừng nào thế giới loài người mới không còn thổn thức “Bé thơ ơi ! Bé thơ ơi ! Nín đi đừng khóc.Xót xa nhiều trào thêm nước mắt”
 
Thu Nga