Bình Luận: Tiếng Nói Cuối Cùng Đã Cất Lên
Submitted by quanhung on Thu, 01/13/2011 - 09:35.
Printer-friendly version

Uyên Thao
Thưa quý thính giả,
Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chính thức khai mạc tại Hà Nội ngày thứ Ba 12 tháng 1. Tuy nhiên, mọi chờ đợi về một triển vọng đổi mới chung cho tình hình Việt Nam kể như hoàn toàn chấm dứt ngay trong tuần lễ cuối cùng trước khi đại hội khai mạc.
Trên thực tế, cho tới ngày 11 tháng 1 tức chỉ còn đúng một ngày trước Đại Hội, tổ chức Human Rights Watch vẫn lên tiếng kêu gọi tập thể đương quyền tại Việt Nam xét lại những chủ trương đã gây tai hoạ cho đất nước suốt thời gian qua. Viện dẫn các sự kiện đang xảy ra cùng một chỉ thị mới nhất do Nguyễn Tấn Dũng ký vào cuối tháng 12, tổ chức Human Rights Watch cho rằng tập thể đương quyền tại Việt Nam không chỉ tự tạo khó khăn cho chính mình mà con đẩy toàn thể đất nước vào vòng tù hãm và phân rẽ nguy hiểm. Bởi mọi chủ trương cũng như hành động của tập thể đương quyền Việt Nam chỉ đặt nặng mục tiêu củng cố và gia tăng quyền lực của Đảng Cộng Sản, trong khi thẳng tay bóp nghẹt mọi quyền sống căn bản của người dân bằng cách trấn áp, cầm tù những người bất đồng chính kiến và tước đoạt mọi quyền phát biểu của người dân bằng chủ trương kiểm soát nghiệt ngã lãnh vực truyền thông, tuyệt đối cấm tư nhân tham gia hoạt động báo chí.
Theo tổ chức Human Rights Watch, ít nhất tại Việt Nam đang có hơn 400 người bị giam giữ chỉ vì đã cố gắng thực thi các quyền sống cơ bản của mình, đồng thời chính quyền Hà Nội còn đẩy mạnh chiến dịch trấn áp trong những ngày vừa qua đối với nhiều thành phần dân chúng từ các dân oan đi khiếu kiện tới các tín đồ của nhiều tôn giáo bị ngăn trở trong việc thể hiện quyền tự do tín ngưỡng.
Tình trạng này chắc chắn không đem lại hiệu quả ổn định để xây dựng và phát triển xã hội, bởi không hề nhắm giải quyết những vấn nạn đang đe doạ đời sống của người dân mà chỉ nhắm ngăn cấm người dân nói về các tai hoạ cho nên các vấn nạn vẫn còn nguyên vẹn và có thể tiếp tục gia tăng mức độ trầm trọng.
Vì thế, tổ chức Human Rights Watch kêu gọi tập thể đương quyền Việt Nam nhìn lại các chủ trương, hành động để kịp thời thay đổi hầu đạt tới những kết quả phù hợp với mong đợi của mọi người để đưa đất nước vào chiều hướng thực sự an sinh và phát triển.
Nhiều ngày trước khi Human Rights Watch lên tiếng, không ít chuyên gia quốc tế đã nói về viễn tượng hiểm nghèo của Việt Nam và lối thoát bắt buộc phải chọn lựa. Hầu hết ý kiến phát biểu đều nhấn mạnh tới tác hại của chủ trương chuyên chế độc đoán.
Bởi không còn gì phải ngờ vực khi kết luận bất kỳ tập thể chuyên chế nào cũng đặt nặng quyền lợi và địa vị của mình so với nỗi ưu tư cho cuộc sống chung của xã hội. Tình trạng đó không dễ dẫn đến sự hoà hợp cần thiết để cùng chung sức xây dựng mà ngược lại còn ngày một đào sâu hố chia rẽ giữa kẻ cầm quyền và người bị thống trị. Nói cách khác, mọi tập thể chuyên chế luôn mang tâm trạng coi quần chúng là đối thủ cần kiềm tỏa nên không bao giờ đặt đời sống quần chúng vào hàng mục tiêu phụng sự. Do đó, không bao giờ có điều kiện thuận lợi cho tinh thần kết đoàn hoà hợp, mà ngược lại quần chúng luôn bị canh chừng bằng ánh mắt nhìn như nhìn kẻ thù địch.
Trong tình cảnh này, dù muốn dù không, quần chúng cũng không thể coi kẻ cầm quyền là người đồng thanh tương ứng nên xã hội đương nhiên bị phân liệt và mất hẳn nền tảng tối cần thiết để ổn định là sự đồng tâm nhất chí giữa mọi thành phần. Từ đây nhiều khả năng về tài lực trí lực của đất nước sẽ bị gạt bỏ uổng phí bởi không được tin cậy, trong khi tập thể cầm quyền vì thu gọn vào một đám nhỏ thuộc bè phái chắc chắn không tránh khỏi những thiếu xót trầm trọng về nhiều mặt trong yêu cầu hoàn thành trách vụ. Ngoài ra, do tinh thần bè phái nên tệ nạn bao che thủ lợi cá nhân sẽ dễ dàng lan rộng mà thực tế Việt Nam đã xác nhận bằng sự kéo dài nhiều năm qua, điều được gọi là quốc nạn tham nhũng. Cũng từ đây sẽ không hề khó hiểu khi nghe các chuyên gia nhận định là nền kinh tế vĩ mô Việt Nam đang ở thế bị đe doạ sụp đổ do thiếu các biện pháp hữu hiệu và tình trạng nghèo đói, bất công dẫn đến hiểm họa băng hoại về tinh thần sẽ là hiểm hoạ khó tránh.
Cho nên, hẩu hết chuyên gia đều cho rằng lối thoát bắt buộc cho xã hội Việt Nam hiện nay là cần đổi thay về sinh hoạt chính trị, cụ thể là phải cấp tốc hình thành chế độ dân chủ tự do.
Vì thế, khi Đảng Cộng Sản khai diễn đại hội để tuyển chọn nhân sự lãnh đạo và hoạch định đường hướng hoạt động cho tương lai, nhiều hy vọng đã được nhen nhúm, chờ đợi. Nhưng vào ngày cuối cùng trước khi khai diễn đại hội, hy vọng này đã bị dập tắt hẳn. Trong buổi họp báo tại Hà Nội ngày 11 tháng 1, đại diện Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản đã nói rõ Đảng Cộng Sản Việt Nam “không bao giờ từ bỏ thể chế độc đảng” và cũng “dứt khoát không bao giờ chấp nhận chế độ đa nguyên đa đảng.” Tuyên bố này được đưa ra để trả lời câu hỏi của phóng viên Pháp Tấn Xã AFP. Mấy ngày trước đó, nhiều giới chức lãnh đạo tối cao của Đảng cũng nối tiếp nhau khẳng định “con đường tương lai của Việt Nam là trung thành với chủ thuyết Mác – Lê Nin” và “kiên định chủ trương kinh tế quốc doanh để xây dựng xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa.”
Như vậy dù kết quả Đại Hội ra sao cũng không còn là điều đáng quan tâm nữa.
Bởi những lời lẽ khẳng định được đưa ra đã cho thấy không có một hy vọng đổi thay nào được đáp ứng dù nhân sự lãnh đạo được bầu bán ra sao. Tiếng nói cuối cùng mà Đảng Cộng Sản gửi tới mọi người đã cất lên và có thể coi là tiếng nói thách đố gửi tới toàn thể con dân Việt Nam. Tập thể đương quyền tại Hà Nội đã công khai cho biết vận mạng đất nước và nguyện vọng toàn dân không hề là ưu tư của họ.
Mọi con dân Việt Nam cần trả lời ra sao trước thách đố ngạo mạn đó?
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
*******************
»
- Login to post comments
Printer-friendly version