Bình luận: Tạ Ơn Ngược
Submitted by SaiGon1600AM on Thu, 11/17/2016 - 15:13.
Printer-friendly version
Cách đây không lâu có một bài báo nói về một con chim cánh cụt tên Dindim trở về làng Proveta trên đảo Grande, Brazil, trong 5 năm liên tiếp, nó phải vượt khoảng 8,000 cây số để thăm một ngư dân tên Joao Pereira de Souza, 71 tuổi.
Câu chuyện bắt đầu khi ông Souza tìm thấy chú chim đang nằm hấp hối trên những mỏm đá năm 2011, dầu đen bao phủ toàn thân. Ông Souza đưa nó về nhà, cho nó ăn cá và chăm sóc tận tình. Khi nó bình phục hẳn ông Souza thả nó về biển. Thế nhưng bất ngờ thay, sau vài tháng, con chim quay lại hòn đảo và về ở cùng nhà với ông. Và từ đó mỗi năm, chim cánh cụt Dindim lại bay hang ngàn dặm về ở với vài tháng rồi nó quay trở về vùng biển Argentina và Chile vào mùa sinh sản.
Đầu năm nay một câu chuyện khác về lòng biết ơn của một con sư tử cũng rất cảm động. Con sư tử này đã bị thương rất nặng trong rừng. Một người phụ nữ đã thương tình đem nó về nhà chăm sóc cho tới khi nó bình phục. Sau đó bà đem giao nó cho một sở thú gần nhà. Vì bận rộn, mãi tới 8 năm sau bà nhớ và quay lại thăm nó, không ngờ con sư tử vẫn nhớ người ân nhân đã cứu mình. Nó đã mừng rỡ thò 2 chân trước ra khỏi song sắt để ôm bà thật sát và hôn thắm thiết không rời.
Nói về sự biết ơn thì ở Mỹ đang chuẩn bị đón chào lễ tạ ơn. Ngày lễ tạ ơn có ý nghĩa “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”. Để ăn mừng Lễ Tạ Ơn, mọi người thường dùng thịt gà tây nướng và bí rợ vì các món này chính là những thức ăn mà người da đỏ đã mang tới cho những người di dân ăn trong cơn đói lạnh- để tưởng nhớ và biết ơn những ân nhân đã cứu sống họ.
Lòng biết ơn tổ tiên vốn sẵn ở trong máu của mỗi sắc dân trên trái đất. Người ta bày tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân bằng những ngày lễ, bằng cách giữ gìn những truyền thống tốt đẹp, và một điều chắc chắn phải có bổn phận yêu nước và bảo vệ giang sơn mà tổ tiên đã dày công dựng nước, mở mang bờ cõi và giữ vững đất nước. Người Việt Nam qua bao nhiêu triều đại, thời đại đã làm đúng như vậy.
Thế nhưng sau ngày 30 tháng 4 1975, nước Việt Nam dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản thì non sông gấm vóc của cha ông để lại đã bị dâng hiến cho Tàu- kẻ thù truyền kiếp. Và rồi những phong tục tập quán, những truyền thống, văn hóa đầy nhân bản đạo đức đã bị những tên thái thú Tàu vất vào sọt rác, thay vào đó là một chính sách ngoại lai, vong bản, vô nhân cách, vô đạo đức.
Và thay vì nhớ ơn tiền nhân, họ nhớ ơn và ghi công những tên xâm lăng nước Việt và hạ nhục tiền nhân như vụ cho đoàn văn công sang Tàu đóng tuồng Hai Bà Trung tế lễ tạ lỗi tại đền thờ Mã Viện để tỏ lòng trung thành với Trung Cộng! Và khi Tàu mang quân tràn sang biên giới dạy cho Việt Nam một bài học chỉ, giết dân quân Việt Nam một cách dã man tàn bạo thì Việt Cộng lại cho dựng những tấm bia “đời đời nhớ ơn Trung Quốc” dọc theo biên giới.
Do đó, mỗi khi có khách Tàu sang thăm, từ cấp lãnh đạo cho tới cấp bậc thấp hơn, Việt Cộng đều tổ chức linh đình đón tiếp. Như trong tháng 11 này, đảng và nhà nước trải thảm đỏ để đón tiếp 1,000 thanh niên Tàu sang Việt Nam dự liên hoan. Buổi đón tiếp trọng thể được tổ chức tại ba cửa khẩu Hữu Nghị, Lào Cai và Móng Cái gọi là để giữ vững cái gọi là tình hữu nghị Việt - Trung vun đắp qua nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước là "tài sản quý báu chung của hai đất nước".
Trên đời này chỉ có đảng Cộng Sản Việt Nam mới mở cửa nhà đón kẻ cướp vào để cùng hưởng chung tài sản của cha ông để lại. Và dĩ nhiên Trung Cộng rất hân hoan, thích thú vì đã được của mà khỏi cần phải tạ ơn mà lại còn được tạ ơn ngược nữa.
Một sự tạ ơn ngược ngạo, ngu xuẩn khác là việc cựu chủ tịch Trương Tấn Sang khi sang thăm Hoa Kỳ, ông ta đã lên tiếng ngỏ lời cảm tạ chính phủ Hoa Kỳ về ‘sự chăm sóc hết sức chu đáo’ đối với người Mỹ gốc Việt hàng chục năm qua. Ông ta giả vờ quên nguyên nhân mà người Việt có mặt tại đây chỉ vì không chịu sống chung với cái đảng tàn ác của ông.
Quả đúng những tên Cộng Sản đã đán mất danh dự liêm sĩ. Chỉ có chúng mới có cách thức tạ biết ơn và tạ ơn ngược như thế mà thôi! Liêm sỉ và nhân cách của họ thua một con chim cánh cụt và của một con sư tử!
Thu Nga
»
- Login to post comments
- Printer-friendly version