Bình luận: Sợ Gì Nhất

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
 
Trong tuần qua, cuộc biểu tình ở Hồng Kông với con số người tham dự lên đến cả triệu người phản đối lại dự luật dẫn độ nghi phạm về xử ở Trung Cộng đã gây chấn động cả thế giới.  
Sự phẫn nộ của dân chúng đã chuyển thành bạo động, họ lo ngại luật mới sẽ nhắm vào những người bất đồng chính kiến với Bắc Kinh, và lo sợ tình trạng lạm dụng nhân quyền trong hệ thống pháp lý Trung Cộng. Dự luật này dự định sẽ được thông qua trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào ngày 20/6. Cảnh sát đã dùng đạn cao su và xịt hơi cay vào người biểu tình.
Cuộc biểu tình vĩ đại này lại rơi đúng vào dịp kỷ niệm cuộc biểu tình lớn nhất của Việt Nam nhằm chống lại cái gọi là “Đặc Khu Kinh Tế 99 năm” của nhà nước Cộng Sản Việt Nam, ngày 10 tháng 6 năm 2018. Đó cuộc biểu tình lớn nhất, kể từ khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền nam 1975.
Sôi nổi nhất là tại Bình Thuận. Và đây cũng không phải lần đầu tiên dân chúng Bình Thuận nổi dậy, mà cách đây 4 năm, liên tục trong hai ngày 14 và 15/4/2015, hàng ngàn người dân Bình Thuận đã tràn xuống quốc lộ 1A, biểu tình phản đối nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 của Trung Cộng đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhà cầm quyền Cộng Sản đã huy động lực lượng cảnh sát, công an, quân đội kéo đến, ném lựu đạn cay để giải tán đám đông dân đang tức giận tột độ
Ngày 10 tháng 6 2018, một lần nữa dân chúng đã kéo đến trụ sở Ủy ban nhân và Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận để phản đối. Những tên lãnh đạo tỉnh lánh mặt, nhưng cho lực lượng công an và cảnh sát cơ động ra dàn trận để chống lại đoàn biểu tình. Chúng thẳng tay đàn áp, đánh đập họ không thương tiếc. Tuy nhiên, với khí thế quyết liệt, đoàn biểu tình đã phá tung được hàng rào cảnh sát và chiếm được trụ sở chính quyền Bình Thuận, và một số người quá phẫn uất, đã đập phá trụ sở, đốt xe công an. Kết quả hết sức hào hứng khi  ‘cảnh sát cơ động tháo chạy như bầy vịt’.
Trước đây chúng cũng tháo chạy như bầy vịt trong vụ dân chúng biểu tình tràn vào công ty Formosa ở Vũng Án vào tháng 10 năm 2016- quy tụ hơn 10 ngàn người được xem là một cuộc cách mạng của người dân Kỳ Anh Hà Tĩnh.  Những viên công an bị mắc kẹt tại hiện trường đã phải vội vàng cởi bỏ mũ áo để không bị dân chúng nhận diện. Những tin như thế, báo chí nhà nước Cộng Sản chỉ tường thuật những gì có lợi cho họ, và lên án tối đa những người biểu tình và cho là do sự xúi dục của thế lực thù địch.
Giới truyền thông Trung Cộng lục địa đưa rất ít tin về các sự việc đang diễn ra ở Hong Kong. Nhà lãnh đạo Hong Kong, bà Carrie Lam, người được bầu bởi một ủy ban 1.200 người hầu hết ủng hộ Bắc Kinh, tuyên bố sẽ thúc đẩy các kế hoạch để thông qua dự luật. Bà ta bất chấp cuộc biểu tình rầm rộ của người dân Hồng Kông”. Bà ta nói “ các nhà làm luật có thể điều chỉnh hoặc thông qua dự luật. Ngày hôm nay, chúng tôi vẫn giữ nguyên lập trường của mình".
Hai cuộc biểu tình một ở Việt Nam rất giống nhau về mức phẫn nộ- Tuy rằng cuộc biểu tình ở Việt Nam ngày 10 tháng 6, tuy không đông hàng triệu người như ở Hồng Kong, nhưng cũng đã gây tiếng vang lớn, làm nhà cầm quyền cũng rúng động- tuy một mặt họ ra tay đàn áp dữ dội để thị uy -một mặt chúng dùng kế hoãn binh, tuyên bố lùi lại một năm mới bỏ phiếu.  Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố “Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả!…” Thực chất của sự đàn áp và những lời tuyên bố của các tên lãnh đạo là để che dấu sự sợ hãi! Sợ hãi sự nổi dậy của toàn dân qua các cuộc biểu tình sẽ có một ngày thành công như ở các quốc gia Cộng Sản, độc tài trên thế giới, như Đông Âu, Bắc Phi v…v…
Những cuộc biểu tình chống Trung Cộng tại Hòng Kong và Việt Nam có thể không thành công liền, nhưng đã gây tiếng vang rất lớn. Người dân Việt Nam và Hồng Kông đã chứng tỏ không khiếp sợ trước bạo lực. Họ tiếp tục làm điều mà đảng Cộng Sản lo sợ nhất! Đó là Biểu Tình!
Thu Nga