Bình luận: Những Trò Đu Dây

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Ở Mỹ có rất nhiều trò chơi tạo cảm giác mạnh, lôi cuốn nhiều người, cả người lớn lẫn con nít. Mức độ thiết kế, kiểm soát cho sự an toàn rất cao,  tuy nhiên thỉnh thoảng cũng xảy ra tai nạn đáng tiếc như trò chơi Texas Giant trong Six Flags  tại Arlington, Texas.  Xe lượn Texas Giant có tới 14 tầng cao , đổ dốc 79 độ và lên dốc 95 độ. Vào mùa hè năm 2013, đã xảy ra tai nạn chết người. Một phụ nữ tên Rosy Esparza, cư dân Dallas, đã bị thiệt mạng khi bị văng ra khỏi chiếc xe lượn cao tốc, trước đôi mắt kinh hoàng của con trai bà. Gia đình bà Esparza hiện đang kiện Six Flags và những công ty lien đới trách nhiệm.

Ngoài các trò chơi mạnh bạo, thì những màn xiệc cũng tạo cho người xem những cảm giác mạnh tương tự.  Có rất nhiều đoàn xiệc nổi tiếng, đi khắp nơi để trình diễn, điển hình là  đoàn xiệc   UniverSoul, đoàn xiệc The Ringling Brothers và Barnum & Bailey. Môn làm xiếc được nhiều người hâm mộ, nhất là trẻ em.

Nhiều màn xiếc thật hồi hộp, như thò đầu vào miệng cọp, đi xe motor hoặc xe đạp  trên sợi giây nhỏ xíu,  màn đu giây nhào lộn, chụp bắt trên không, màn  phóng dao. Hồi hộp hơn hết là được xem một người bị cột tay chân, bỏ vào thùng thả xuống nước, người đó phải tự mình cởi trói thoát ra khỏi thùng trước khi bị chết ngạt  v…v.. người xem luôn miệng  tấm tắc khen không tiếc lời, và dĩ nhiên phải bỏ ra nhiều tiền mới xem được.

Thế nhưng tại Việt Nam người ta chứng kiến những màn xiệc vô tiền khoáng hậu, nghẹt thở được xảy ra hàng ngày mà không phải trả tiền, và diễn viên là những trẻ em, học sinh tiểu học, trung học. Như  màn đu giây cáp  qua song đến trường ở Thôn Ngọc Liễu, Hà Nội, hay vùng Điện Biên, Kon Tum, bên dưới là thác nước và vách đá.

Những kiểu đu dây độc đáo có một không hai như thời tiền sử đã làm cho một người ngoại quốc tên John Smith, ghi lại trên trang Twitter của anh ta. Anh này đã du lịch đến Việt Nam, anh ghi nhận mọi điều hấp dẫn, nhưng hấp dẫn nhất là màn du dây qua song của học sinh tỉnh Kon Tum. Anh viết: “Ngày nào đến trường các em cũng phải đu mình trên “cây cầu bay” độc đáo và đầy sáng tạo này. Nhìn các em “bay” như Tarzan mà tôi thót tim”. Anh Tây này lại còn may mắn xem được một màn rùng rợn khác khi anh qua lại Việt Nam, thăm huyện Nậm Pồ, tình Điện Biên và anh đã chứng kiến cảnh qua sông của cô giáo và học sinh, Người ta cho những người này vào bao ni lông lớn vừa đủ một người, sau đó những thanh niên biết bơi, túm gọn miệng bao lại và phăng phăng kéo chiếc túi ni lông trên giòng nước cuồn cuộn để bơi qua bên kia bờ. Những sinh vật nhỏ bé, tội nghiệp ngồi im thin thít và sợ hãi vì không biết bao ni lông bị rách hay bị nước cuốn khỏi tay người thanh niên lúc nào.

Ở Mỹ trong tất cả mọi trò chơi mang cảm giác mạnh, hay những màn xiệc đều được kiểm tra kỹ lưỡng để ngăn những tai nạn đáng tiếc vì mạng người được coi trọng, nhất là cho trẻ em, trong khi ở Việt Nam nhìn cảnh người ngồi trong bao để được kéo băng qua giòng thác lũ, làm cho người xem bang hoàng không thể tưởng tượng là trong thế giới văn minh tân tiến ngày nay lại còn có một xứ vẫn có đời sống như thời ăn long ở lỗ như tại Việt Nam. Đáng thương và bất hạnh thay cho tuổi thơ Việt Nam, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, Muốn kiếm dăm ba chữ nghĩa, phải trở thành những người diễn xiệc bất đắc dĩ.

Thế nhưng tại Việt Nam ngày nay,   không phải chỉ có  các em học sinh mới phải đánh đu làm xiếc mà cả  nước làm xiếc, những công nhân làm nghề xây dựng, ngồi cheo leo trên các cây thang mỏng manh, không đội mũ, không giây an toàn. Những người đánh đu với số mệnh còn có những nhân công hành nghề kiểu “người nhện”   chênh vênh, lơ lửng trên những tòa nhà cao hàng chục tầng để làm công việc lau chùi cửa kính. Thiết bị đơn sơ gồm dây thừng, ghế đu. Họ phải bám, đu thân mình cả một ngày trên khắp các tòa nhà mong kiếm được đồng lương về lo cuộc sống gia đình.
Không những dân chúng làm xiệc đánh đu mà cả đảng Cộng Sản cũng đang tự đánh đu trên sợi dây độc tài, vô nhân, Chúng không thể nào đến được bến bờ Hạnh Phúc, Tự Do vì sợi dây này đã mục rửa, không còn cách chữa.

Thu Nga