Bình Luận: Lòng Dân & Trở Lực
Submitted by quanhung on Thu, 03/24/2011 - 08:01.
Printer-friendly version

Thưa quý thính giả,
Sau khi Đại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết số 1973 vào giữa tuần qua, tình hình vùng Trung Đông nói chung và Libya nói riêng đã bước vào một thời kỳ mới. Tác động trực tiếp và tức khắc của sự việc này là chắc chắn phe nổi dậy tại Libya sẽ được bảo đảm tồn tại bất kể sức mạnh quân sự và mọi ý đồ tàn bạo của nhà độc tài Gadhafi. Nhưng vấn đề quan trọng là sau đó tình hình sẽ diễn tiến tới đâu?
Đây là câu hỏi đang làm nhức óc những người theo dõi thời sự và đang được trả lời theo nhiều cách dựa trên suy đoán về một số sự kiện thực tế diễn ra vào những ngày nối tiếp sự xuất hiện của không lực Anh-Pháp-Hoa Kỳ trên vùng trời Libya.
Sự kiện đầu tiên được lưu ý là thái độ của Liên Đoàn Ả Rập qua tuyên bố chính thức của tổng thư ký tổ chức này là Moussa. Theo Moussa, các cuộc tấn công bằng không lực của Anh-Pháp-Hoa Kỳ đã vượt khỏi quy định ban hành vùng cấm bay của Liên Hiệp Quốc mà Liên đoàn Ả Rập ủng hộ là “chỉ nhắm bảo vệ thường dân chứ không phải dội bom lên đầu họ.” Trên thực tế, mọi cuộc oanh tạc hoặc không kích chắc chắn đều nhắm các mục tiêu quân sự nên lời tuyên bố nặng tính kích động và cố ý diễn tả sai thực tế của nhân vật cầm đầu Liên Đoàn Ả Rập đã được kể là có một dụng ý nào đó. Điều được giới quan sát nghĩ tới là trong bối cảnh không tốt đẹp do sự bất mãn của người dân, toàn bộ các chính quyền trên vùng đất này có vẻ đang muốn kích động tâm lý thù hận đối với các quốc gia Tây Phương để lái tình thế vào một chiều hướng khác. Nói cụ thể là các chính quyền trong khối Ả Rập đang cảm thấy bấp bênh nên muốn đẩy cuộc nổi dậy của quần chúng thành một phong trảo chống đối các quốc gia Tây Phương.
Đây là điều Gadhafi đang cố làm tại Libya khi mô tả đất nước này đang trở thành mục tiêu xâm lược của Anh-Pháp-Hoa Kỳ và luận điệu của Gadhafi gần như đã được công khai hỗ trợ bởi thủ tướng Nga Putin khi Putin tuyên bố các quốc gia Tây Phương đang “mở một cuộc thập tự chinh mới.” Tuyên bố của Putin đã khiến chính tổng thống Nga Medvedev khó chịu phải lên tiếng bác bỏ vì dụng ý kích động một cuộc chiến giữa khối Hồi Giáo với các quốc gia Tây Phương. Nếu sự việc diễn ra theo chiều hướng kích động này thì thành quả mà những người kích động có thể thu hoạch khá rõ ràng. Với các chính quyền Ả Rập và các thủ lãnh độc tài như Gadhafi thì vai trò lãnh đạo của họ sẽ được củng cố, trong khi Nga không chỉ thu hút cảm tình của khối Hồi Giáo mà có thể mở rộng ảnh hưởng với toàn khối này trong tương lai. Như vậy, việc Liên Đoàn Ả Rập ủng hộ nghị quyết thành lập vùng cấm bay hoặc Nga không bỏ phiếu chống nghị quyết này có thể coi là một thế cờ nhắm đẩy toàn bộ vùng Trung Đông vào cuộc tranh chấp mới giữa tập thể Hồi Giáo và các quốc gia Tây Phương để phục vụ lợi ích của các chính quyền chuyên chế đang ngự trị tại Trung Đông cũng như chính quyền Mạc Tư Khoa.
Theo giới quan sát, đây có thể là lý do chính khiến cho tới nay vẫn chưa thể đạt được sự nhất trí giữa các quốc gia thuộc khối NATO và Hoa Kỳ về vai trò chỉ huy chiến dịch quân sự quốc tế tại Libya. Việc tổng thống Obama khẳng định nhiều lần về sự tôn trọng quyền chỉ huy của khối NATO trong khi tổng thống Sarkozy không tán trợ việc giao quyền chỉ huy cho khối này gần như một chứng cớ về thái độ dè dặt trước báo hiệu một tình trạng không tốt đẹp trong tương lai với khối Hồi Giáo. Hậu quả hiển nhiên là cho tới giờ này, chiến dịch quân sự quốc tế tại Libya vẫn do mỗi quốc gia tự tiến hành theo ý riêng và rất có thể sẽ ngưng lại theo ý riêng. Đây là điều đã xảy ra qua quyết định mới nhất của chính quyền Na Uy về việc đình chỉ gửi máy bay tham chiến như đã công bố. Có thể nói chưa bao giờ diễn ra một tình trạng phân rẽ tới mức rối loạn như vậy trong một sự việc đã được cam kết cùng thực hiện bởi các thành viên Liên Hiệp Quốc. Đó là chưa kể những tiếng nói chống đối đã xuất phát từ các chính quyền Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Braxin…
Trước thực tế này, lời giải đáp về diễn biến tương lai của tình hình Libya quả là không dễ hiện ra. Nếu thực tế cho thấy phe nổi dậy tại đây ít nhất đã có sự hỗ trợ quốc tế để không bị đè bẹp bởi sức mạnh quân sự của Gadhafi thì cũng chưa có dấu hiệu cho thấy ngày tàn của Gadhafi đã thực sự đến gần. Vì vậy đã có dự đoán là Libya có thể khó tránh tình trạng chia đôi thành 2 quốc gia Đông – Tây và thảm kịch xương máu sẽ kéo dài.
Từ đây, tác động của cuộc nổi dậy tại Bắc Phi và Trung Đông đối với các vùng đất khác như Iran, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam … vẫn được coi là một điều bí ẩn, nhất là các trước guồng máy bạo lực trấn áp tại các quốc gia trên.
Tuy nhiên, báo hiệu tốt lành cũng không hẳn chấm dứt qua tình hình đang diễn ra trên vùng đất này. Bất kể cục diện tại Libya diễn biến ra sao, các cuộc nổi dậy vẫn đang bừng bừng lan rộng tại nhiều quốc gia như Yemen, Syria, Barhain, Morroco… Theo giới quan sát, chính giới quốc tế có vẻ đang muốn dìm sâu mọi tin tức về những diễn biến này nhưng thực tế cho thấy đây là việc không dễ đạt được. Bởi cuộc đấu tranh của các đám đông quần chúng tại Yemen, Syria và Barhain đang diễn ra với nhiều hứa hẹn phần thắng có thể nghiêng về phía người dân, bất kể các tập thể cầm quyền tại đây chưa hề có dấu hiệu nhượng bộ.
Điều không khó nhận ra là chỉ cần thêm một thắng lợi của người dân tại các quốc gia trên vào những ngày đang tới thì ý chí đòi quyền sống của người dân ở các nơi khác chắc chắn được củng cố và từ đó các chính quyền chuyên chế vẫn phải tiếp tục đối diện với viễn ảnh bị loại trừ. Người ta chưa quên rằng cuộc nổi dậy tại Tunisia chỉ khởi đầu bằng hành động quyết liệt của một sinh viên và phong trảo chống Gadhafi bùng nổ tại Libya cũng bắt đầu bằng ý chí kiên trì của một luật sư bất chấp mọi hiểm nguy trong việc đòi trả lại quyền sống cho người dân bị bạo quyền trà đạp, ngược đãi. Những cá nhân đơn độc ấy đã trở thành những người gây nổi bão táp chỉ do sự tán trợ nhất loạt của người dân. Nói khác đi thì dù mọi tập thể đương quyền mưu tính ra sao nhưng lòng dân không thuận thì mọi mưu toan cuối cùng cũng sẽ thành tro bụi. Cho nên có thể bảo trở lực lớn nhất cho việc đòi lại quyền sống con người ở những vùng đất như Trung Hoa, Việt Nam … không hẳn do tình thế ở Trung Đông, Bắc Phi mà do chính lòng người còn do dự hoặc chưa tìm được cơ hội bày tỏ.
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
Uyên Thao
*******************
n/a»
- Login to post comments
Printer-friendly version