Bình Luận: Libya Tiếp Tục Mù Tịt
Submitted by quanhung on Thu, 03/31/2011 - 07:13.
Printer-friendly version

Thưa quý thính giả,
Nhìn lại tuần qua, vấn đề Libya đã đạt một vài sự việc có vẻ khả quan đối với phe nổi dậy. Trước hết là các quốc gia đã đạt thoả thuận giành quyền chỉ huy chiến dịch thực hiện vùng cấm bay tại đây cho tổ chức NATO, cụ thể là đã giảm nhẹ mức độ phân tán trong hành động. Kế tục là Qatar, một quốc gia Trung Đông chính thức lên tiếng công nhận lực lượng nổi dậy là đại diện chính thức duy nhất của Libya. Như thế, ngoài Pháp đã có thêm một quốc gia trong vùng phủ định tính pháp lý của chính quyển Gadhafi và đặc biệt là tại hội nghị London ngày 29 tháng 3 vừa qua, ngoại trưởng Hoa Kỳ Clinton cùng đại diện các quốc gia tham dự hội nghị đã chính thức hội kiến với nhân vật đại diện phe nổi dậy Libya để bày tỏ thái độ tán trợ yêu cầu thay đổi chính trị cho quốc gia này. Cũng tại hội nghị London, ngoại trưởng của 40 quốc gia tham dự đã hoàn tất việc thành lập một “nhóm công tác” gồm đại diện 20 quốc gia với nhiệm vụ phối hợp tìm một giải pháp chính trị cho Libya.
Trong khi đó tại Libya, tình hình quân sự không còn nghiêng hẳn về phía chính quyền Gadhafi, dù tới nay lực lượng nổi dậy vẫn bị chận đứng tại Syrte là một thị trấn được coi như có tầm ảnh hưởng đáng kể đối với tinh thần của cả lực lượng nổi dậy lẫn lực lượng trung thành với Gadhafi. Syrte là quê hương và căn cứ địa của Gadhafi được bảo vệ bởi một đơn vị tinh nhuệ gồm binh sĩ đều là người thuộc bộ lạc Gueddafa tuyệt đối trung thành với Gadhafi nên được coi như điểm tựa cuối cùng của nhà độc tài này. Nếu Syrte rơi vào tay lực lượng nổi dậy có nghĩa là sức đề kháng của Gadhafi gần như không còn nữa.
Tuy nhiên, những sự việc tương đối khả quan trên không thể giúp giải toả các thắc mắc chủ yếu về viễn ảnh cùng phương cách, và đặc biệt là thời gian kết thúc cuộc khủng hoảng đang khiến cả thế giới ưu tư. Bởi cho tới nay, sự trông đợi để thấy những tia sáng soi rọi mọi tình tiết về hồi kết cho tình hình Libya chưa hề có đáp ứng. Ngược lại, tin tức ghi nhận từ nhiều phía vẫn cho thấy cảnh mịt mù do sự thiếu dứt khoát của nhiều đối tượng đang nắm giữ các vai trò quan trọng.
Trên thực tế, hố phân chia giữa các quốc gia chưa hề được san lấp trong quan điểm về nội dung nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc. Nếu Pháp, Anh thấy nội dung nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cho phép tiến hành mọi biện pháp để thanh toán chế độ Gadhafi khỏi chính trường Libya thì Nga, Trung Quốc, Đức, Ý cùng nhiều quốc gia thuộc khối Ả Rập lại thấy nội dung nghị quyết chỉ nhắm một điều chủ yếu là “bảo vệ sinh mạng của người dân.” Trong khi đó, tổng thống Hoa Kỳ được chờ đợi sẽ nói lên tiếng nói dứt khoát cuối cùng cũng chưa vượt khỏi tình trạng vòng vo về ngôn ngữ. Trong nhiều dịp lên tiếng từ khi Hoa Kỳ nhập cuộc thi hành nghị quyết 1973, tổng thống Obama luôn khẳng định Hoa Kỳ không nhắm vào nhà độc tài Gadhafi và cũng cam kết không đưa bộ binh Hoa Kỳ tới Libya, dù theo ông thì Gadhafi cần từ bỏ quyền hành càng sớm càng tốt. Những diễn giải về phương thức cụ thể để đạt tới mục tiêu bảo vệ sinh mạng người dân Libya gần như không hề được biểu hiện rõ ràng. Nếu các chính quyền Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia Ả Rập chỉ hô hào xuông mấy tiếng “bảo vệ sinh mạng người dân” với dụng ý chống lại hành động quân sự của Anh – Pháp – Hoa Kỳ thì chính người lãnh đạo Nhà Trắng cũng không khẳng định việc bảo vệ sinh mạng người dân được tiến hành như thế nào.
Theo giới quan sát thì hiện hết thẩy đang đứng trước một ngã ba đường mà báo hiệu cho thấy bước vào hướng nào cũng gặp cảnh mịt mù che phủ những tai hoạ khó lường.
Hướng đầu tiên mà nhiều người nghĩ tới là việc phân chia đất nước rộng lớn này thành 2 quốc gia. Nếu hướng nhắm này có thể may mắn tạm dẹp yên cuộc xung đột hiện nay giữa các phe đang quyết liệt chống đối thì đã cho thấy khó tránh cả một chuỗi dài hoạ hoạn trong tương lai.
Hướng nhắm thứ hai mà các quốc gia Anh – Pháp cho rằng bắt buộc phải tiến tới là thanh toán chế độ Gadhafi thì chính Hoa Kỳ còn do dự bởi chưa nắm vững hậu quả sẽ dẫn tình hình vùng đất này đi tới đâu. Lời thú nhận của đô đốc James Stavridis trước Uỷ Ban Quân Vụ Thượng Viện Hoa Kỳ ngày 29 tháng 3 vừa qua đã hé mở phần nào mối nghi ngại của Nhà Trắng. Theo đô đốc Stavridis dù tin tình báo không hoàn toàn chắc chắn cho thấy vài người cầm đầu phe nổi dậy có liên hệ với Al-Qaida, Hezbollah và những nhóm quá khích, nhưng “cộng đồng quốc tế vẫn chưa biết nhiều về những người Libya đang cầm đầu cuộc nổi dậy."
Hướng nhắm cuối cùng là tìm đạt sự hoà giải giữa những người nổi dậy với chính quyền Gadhafi thì đã hiển hiện là một ngả đường chỉ có trong ảo tưởng. Hơn nữa ngay cả trường hợp hai phía đều nhượng bộ để tạm thời ngưng chém giết thì quá khứ nhuốm máu của Gadhafi có thể hứa hẹn gì cho nguyện vọng an lành của người dân Libya vào những tháng ngày sẽ tới?
Đây là điều mà thượng nghị sĩ McCain đã nhắc qua đài truyền hình CBS khi cho rằng tổng thống Obama sẽ sai lầm khi khẳng định sớm về thái độ của Hoa Kỳ qua các việc làm hiện nay. Theo nghị sĩ McCain, Hoa Kỳ nên “tiếp tục đi hết con đường đến Tripoli” tức là phải bằng mọi cách, ủng hộ phe nổi dậy thanh toán chế độ Gadhafi, nhưng đây là điều vẫn còn phải chờ đợi.
Vào thời điểm hiện nay, sau khi hội nghị London hình thành “Nhóm Công Tác” để chuyển hướng giải quyết qua lãnh vực chính trị, một số quốc gia trong đó tiêu biểu là Ý, Tây Ban Nha đã đặt vấn đề quốc tế bảo đảm cho Gadhafi và gia đình một cuộc sống lưu vong an toàn trong tương lai để đổi lấy sự tự nguyện giã từ chính quyền của nhân vật này. Giả dụ các quốc gia nêu đề nghị trên, bằng cách nào đó, đã nắm chắc sẽ đạt kết quả như ý là Gadhafi chấp nhận ra đi thì uy danh của Liên Hiệp Quốc và tiêu hướng chống mọi loại tội ác để bảo vệ cuộc sống con người sẽ hiện hình ra sao trước cảnh nhởn nhơ thoải mái gần như ngang nhiên lăng mạ công lý của một kẻ đã mang nặng nợ máu đối với đồng bào của chính mình? Bởi chỉ mấy tuần lễ trước đây, chính các nhân vật tại Liên Hiệp Quốc đã nói rõ rằng cần phải đưa Gadhafi ra xét xử về các tội ác chống nhân loại.
Quả là tương lai mù mịt vẫn trùm phủ mảnh đất Libya.
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
Uyên Thao
»
- Login to post comments
Printer-friendly version