Bình luận: Không Thể Nào Tập Sống Chung

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Miền trung, nơi được mệnh danh “đất cày lên sỏi đá”, hay “chó ăn đá, gà ăn muối” để nói lên tình cảnh nghèo khổ lam lũ của người dân và cũng nơi đây, ông bà ta có câu “ông tha mà bà chẳng tha, bà gieo cái lụt hăm ba tháng mười”. Chẳng biết là Ông Trời Bà Đất sao lại nhẫn tâm gieo thiên tai xuống phạt người như vậy, tuy nhiên câu này đã cho thấy bão lụt xảy ra  hầu như hàng năm vào khoảng tháng chin, tháng 10, không sai.

 
Năm nay cũng vậy, sau 12 tiếng đồng hồ mà tưởng như bất tận, cơn bão Nari, còn được gọi bão 11 đã để lại sau lưng một cảnh tượng kinh hoàng cho miền trung. Tất cả vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng đã bị phá tan hoang. Và trước đó không lâu bão Wutip cũng đã đánh vào đây. Bão số 11 gây ra trận lụt kinh hoàng không thua cơn bão lụt  lịch sử năm 2002, nặng hơn cơn bão năm 2006. Tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi hoàn toàn chìm trong bong tối. Những người dân sống ven biển phải hối hả đưa tàu lên bờ và lo công việc phòng chống bão không thể ra khơi đánh cá. Toàn tỉnh Quãng Nam cũng bị mất điện. Hội An đắm chìm trong mực nước. Bão Nari đã làm chết hàng chục người làm cho nhiều người bị thương, trong số những nạn nhân có nhiều trẻ em nhà nghèo không có phương tiện chuẩn bị chống bão. Gia súc mùa màng bị bão lụt cuốn trôi, đường sá, công sở, cầu cống bị hư hại nặng nề.     
Tại Đà Nẵng cảnh tượng hoang tàn của trường học làm cho mọi người nhất là thầy cô phải bàng hoàng rơi lệ. Trường hoàn toàn bị phá sập, mái tôn bay lìa, cây cối đổ ngỗn ngang, bàn ghế các lớp học đều bị sụp đổ. Không biết chừng nào các em mới có nơi chốn học tập.
Người dân miền trung sau cơn bão lụt không có lương thực, áo quần, cứu trợ không kịp, bây giờ phải đối phó với vật giá leo thang từ rau trái, bánh mì, gạo, phải xếp hàng dài chờ mua. Nói làm sao hết sự khổ sở khốn khó của người dân miền Trung.  
Qua 38 năm sau ngày CS cưỡng chiếm miền Nam, dân sống càng ngày càng thê thảm hơn. Lớp thì bị nhà cầm quyền cướp  nhà cửa, ruộng đất. Còn người dân, sống ven biển, chỉ có  nghề đánh cá nuôi thân  thì đảng làm ngơ để  tàu của Trung Cộng bắt, giết cướp đọat tài sản ngay trên vùng biển cha ông để lại. Lớp thì bị bão lụt cuốn trôi nhà cửa, sinh mạng như bọt bèo phải đối phó hàng năm.
Mỗi lần bão lụt xảy ra nhà cầm quyền chỉ cứu trợ cầm chừng bằng mì gói và vài bao gạo, còn tiền của cứu trợ thật do người dân vùng khác đóng góp hay do các nước khác gởi đến thì không bao giờ đến được tay dân chúng mà lại chui vào hầu bao của những cán bộ tham ô . Hàng năm cũng có những hội đoàn của nhà nước làm việc thiện dỏm, họ nói thực tập giúp dân chống bão lụt, nhưng khi có bão lụt thật thì không thấy họ xuất hiện.  Nhà nước vô lương coi mạng sống của người dân như cỏ rác  và cho là dân  phải tập sống chung với bão lụt đã quen rồi. Thật tình thì người dân đã tự biết mình thấp cổ bé miệng nên phải tự phòng chống với thiên tai bằng bao đất, cát thô sơ đặt trên mái nhà để khỏi bị tốc mái, trong nhà dự trữ vỏ xe hơi để làm phao, trẻ em học sinh phải tập sống chung với sông suối hiểm nguy ở những vùng không có được cây cầu bắt ngang,  bằng cách đu dây cáp, tự bơi lội, tìm cách tới trường.  
Đảng Cộng Sản lúc nào cũng hô hào cho dân, vì dân  nhưng có lẽ quá bận rộn trong các công tác quy mô hơn như xây thêm hotel, sân golf, công viên để câu khách ngoại quốc kiếm ngoại tệ, không có thì giờ lo cho dân, dân phải tự lo lấy. Đảng và nhà nước lại còn bận rộn triều cống quan thầy Trung Cộng. Mới đây thì đảng lại bận rộn cung cúc tiếp nghinh đại diện đàn anh thăm viếng. Cả Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng đã tuyên bố với  thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường khi ông này tới Hà Nội là sẽ tăng cường hợp tác mọi mặt, trong đó có khai thác biển và luôn luôn đề cao 16 chữ vàng và 4 tốt.  
Là một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng bất khuất, người dân có thể phải chịu đựng làm quen với bão tố phong ba do Trời Đất mang lại, nhưng chắc chắn không bao giờ ươn hèn để tập sống chung với những bè lũ bán nước cầu vinh dưới lá bùa 16 Chữ Vàng và 4 Tốt của Trung Cộng ban cho.
Thu Nga