Bình Luận: Hồi Kết của Cách Mạnh Libya?
Submitted by quanhung on Thu, 03/17/2011 - 06:55.
Printer-friendly version

Thưa quý thính giả,
Tới hôm nay, cuộc nổi dậy của những người đòi dân chủ tự do tại Libya đã kéo dài hơn một tháng. Trong hai tuần lễ đầu, tình hình diễn biến hoàn toàn thất lợi cho nhà độc tài Gadhafi. Thành phố lớn thứ nhì của Libya là Benghazi đã lập tức trở thành căn cứ địa của người nổi dậy và hàng loạt thành phố khác lần lượt rơi khỏi vòng kiểm soát của nhà độc tài từng được mô tả bằng đủ mọi hình vóc như “kẻ nguy hiểm nhất trên thế giới, kẻ bị quỷ ám, con quái vật khát máu, con chó điên của Trung Đông”... Không dễ kể hết các lời mô tả Gadhafi, nhất là sau khi mật vụ Libya theo lệnh Gadhafi thực hiện vụ khủng bố giết hại 270 hành khách trên một chuyến bay của hãng Pan Am tại Lockerbie vào cuối năm 1988, nhưng ai cũng nghĩ ngày tàn của nhà độc tài đang đến gần.
Báo hiệu về ngày tàn này của Gadhafi càng nhiều hơn qua dư luận quốc tế.
Gần như hết thẩy giới lãnh đạo các quốc gia kể cả tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đều lên tiếng tán trợ đòi hỏi của những người nổi dậy là Gadhafi cần thực hiện ngay việc từ bỏ quyền lực. Cùng với các lời khuyến cáo đó là những phát biểu bày tỏ thái độ tích cực ủng hộ người nổi dậy như hô hào thành lập vùng cấm bay để trói tay Gadhafi trong ý đồ xử dụng quân lực trấn áp người nổi dậy, song song với các biện pháp bao vây kinh tế, phong toả tài chính, thậm chí còn đòi đưa Gadhafi ra xét xử trước toà án quốc tế về tội ác chống nhân loại…Có thể nói chưa từng có nhân vật cầm quyền nào bị công luận quốc tế bày tỏ thẳng thừng mức khinh ghét và thù hận như Gadhafi.
Thế nhưng hai tuần lễ tiếp nối lại cho thấy một thực tế hoàn toàn khác hẳn.
Dù qua mọi dịp lên tiếng, giới lãnh đạo các quốc gia không hề nói ngược lại những lời đã nói, nhưng mọi biện pháp hỗ trợ người nổi dậy tại Libya vẫn chỉ hoàn toàn là lời nói, trong khi Gadhafi thoải mái xử dụng sức mạnh quân sự giành lại quyền kiểm soát từ thành phố này qua thị trấn khác. Cho tới nay, theo các nguồn tin quốc tế, Gadhafi đã đưa lực lượng trung thành gồm chủ yếu là lính đánh thuê đẩy lui phe nổi dậy ở mọi nơi và đang chuẩn bị cho trận đánh giành lại thành phố Benghazi là thành phố cuối cùng còn do người nổi dậy kiểm soát. Qua ghi nhận của giới truyền thông quốc tế, lực lượng của Gadhafi đã mở các đợt pháo kích và oanh tạc dữ dội để chuẩn bị cho cuộc tấn công cuối cùng trong khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc còn đang chờ mở phiên họp để thảo luận về vấn đề có nên thực hiện vùng cấm bay tại Libya hay không.
Vẫn theo giới truyền thông quốc tế thì triển vọng đạt được kết quả mong muốn tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hết sức mong manh vì tình trạng bất đồng giữa các quốc gia chủ chốt đã hiện ra rõ ràng. Trên thực tế, ba quốc gia nêu nghị quyết là Pháp, Anh, Liban đã được Liên Đoàn Các Quốc Gia Ả Rập tán trợ nhưng ít nhất cho tới nay vẫn chưa thuyết phục nổi 4 quốc gia chủ yếu là Hoa Kỳ, Nga, Đức và Trung Quốc. Lý do chủ yếu được nêu ra là các quốc gia này đều hoài nghi về hiệu lực của việc thành lập vùng cấm bay cũng như các biện pháp hỗ trợ khác dành cho phe nổi dậy cần phải đạt được căn bản pháp lý vững vàng. Như vậy, các cuộc bàn cãi chắc chắn không diễn ra mau lẹ và dễ dàng dẫn đến một kết quả đồng thuận.
Nhưng ngay cả trong trường hợp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc kết thúc phiên họp hoàn toàn tốt đẹp như mong đợi của những người chống đối Gadhafi thì còn đủ thời gian để xoay chuyển tình hình thực tế hay trở nên quá trễ rồi? Đây là câu hỏi đã được giới quan sát tình hình nêu ra, đồng thời cũng là lý do được viện dẫn cho một nghi vấn là dường như kẻ từng được gọi là “con quái vật khát máu” dường như vẫn còn cơ may tồn tại. Và động cơ chủ yếu tạo nên cơ may này cho con quái vật là gì?
Trong số các lời giải đáp được nghĩ tới đã hiện hình hai giả thuyết chủ yếu bên cạnh các lý do về quyền lợi kinh tế.
Giả thuyết thứ nhất là mối nghi ngại ảnh hưởng tình hình Libya sẽ tác động nguy hại tới nội tình của riêng mình mà Nga và Trung Quốc bắt buộc phải nghĩ tới. Đây không phải điều dự đoán mà được chứng minh bằng thực tế qua diễn biến tại Hoa lục ngay từ ngày khởi đầu các cuộc nổi dậy của dân chúng Tunisia và Ai Cập. Chính quyền Bắc Kinh đã lâm vào tình trạng căng thẳng, phải điều động các lực lượng công an khổng lồ qua nhiều nơi để đề phòng một cuộc nổi dậy tương tự của người dân. Trong khi đó, chính quyền Mạc Tư Khoa hiểu rõ hơn ai hết về thái độ của người dân Nga vẫn mô tả họ như một tập thể Mafia và trên thực tế trong ngày 13 vừa qua tại Mạc Tư Khoa đã diễn ra một cuộc biểu tình trong đó người biểu tình đã đặt lãnh tụ Putin bên cạnh Gadhafi với mô tả là “hai kẻ ăn thịt người.” Trong bối cảnh đó, một kết cuộc xấu đến với Gadhafi cũng chính là một báo hiệu về số phận tương tự có thể đến với các tập thể đương quyền tại Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa nên hỗ trợ Gadhafi đã trở thành cần thiết.
Giả thuyết thứ hai liên hệ tới thái độ của Hoa Kỳ trong mong mỏi tránh khỏi một cuộc xáo trộn trật tự thế giới ngoài mọi dự đoán, đặc biệt là giữa thời kỳ mà Hoa Kỳ đang mắc kẹt tại Trung Đông với cảnh huống vô cùng tế nhị đối với tập thể Hồi Giáo. Cho tới nay, với đa số quốc gia Trung Đông, Hoa Kỳ luôn hiện hình như một mối đe dọa do chính sách yểm trợ Israel cùng hành vi quân sự tại Irak, Afghanistan trước thái độ thù địch của Iran và các tổ chức Hồi Giáo quá khích. Trong tình huống này, việc nhúng tay vào nội tình Libya chắc chắn phải được cân nhắc kỹ càng, kể cả trường hợp thực tâm muốn loại bỏ chế độ độc tài Gadhafi.
Dù các giả thuyết đúng hay sai thì thực tế đã báo hiệu là cuộc cách mạng hoa lài khó thể thành hình tại Libya. Theo đa số quan sát viên, đất nước này đã bước vào một cuộc nội chiến và thảm cảnh máu xương đã hiện ra trước mặt những người dân tại đây. Các quan sát viên cũng cho rằng dù kết quả cuộc nội chiến ra sao thì số phận Gadhafi đã được an bài. Bởi một kẻ lãnh đạo chính quyền phải dùng lính đánh thuê tàn sát người dân thì dù có mạnh tới đâu cũng không thể kéo dài thời gian tồn tại.
Điều đáng buồn là những người khao khát tìm cuộc sống đúng nghĩa cho mình và đồng bào đã vì đủ mọi thứ lý do để khó tránh khỏi bị đẩy vào giữa vòng xương máu không biết sẽ kéo dài tới thời gian nào.
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
*******************
Uyên Thao
»
- Login to post comments
Printer-friendly version