Bình Luận: Cùng Một Giấc Mơ

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Động lòng trước tình cảnh ly tán của người dân Syria và nhất là thảm cảnh của trẻ em tị nạn từ quốc gia đau khổ này, đại diện cơ quan UNICEF, ông Philippe Duamelle đã nói rằng:” "Mong muốn của các gia đình người Syria cũng như mọi gia đình khác trên thế giới. Họ muốn sống an toàn, có công việc ổn định để nuôi con, cho chúng đi học, được chăm sóc y tế và có một tương lai tốt đẹp". Ông nói thêm "Nguy cơ hiện nay với cộng đồng quốc tế là phải chứng kiến một thế hệ mất mát của Syria. Điều đó sẽ rất đáng sợ và để lại hậu quả tai hại không chỉ cho chính những đứa trẻ, mà còn với Syria, Trung Đông và xa hơn thế nữa.”

Theo tin của Liên Hiệp Quốc, đã có hơn 1 triệu trẻ em đang lưu lạc ở Thổ Nhĩ Kỳ và các nước lân cận. Nhiều em bị bệnh, nằm lăn lóc mọi chỗ, mọi nơi chờ cấp cứu, cha mẹ, gia đình các em đã bị chết và nhà cửa, làng mạc đã bị bom đạn cầy phá tan hoang ở Syria.

Những trẻ em này không có một tương lai nào trước mặt. Đã không có cơ hội khả năng cắp sách tới trường, mà lại còn phải làm đủ mọi việc cực nhọc để phụ giúp gia đình. Nhiều em lại còn bị chủ quỵt tiền sau những giờ làm việc vất vả. Làn sóng tị nạn ngày càng đông đúc nên người dân ở các nước láng giềng trở nên thờ ơ lãnh đạm với đám con nít tôi nghiệp này. Mặc dù UNICEF dự định xây thêm nhiều trường học cho trẻ em tị nạn cũng như mở rộng các cơ sở giáo dục hiện có, thế nhưng chỉ một số ít được may mắn đó, còn lại các em không có giấy tờ cư trú nên không thể đi học được. Nhiều trẻ em tị nạn khi được hỏi các em có mơ ước gì, phần đông đều trả lời em muốn đi học, thi đậu để nuôi gia đình”

Câu trả lời này cũng là câu trả lời mà các em ở tại Việt Nam hiện thời trong những gia đình “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất” đầy dẫy khắp nơi. Đó là những em cúi mặt suốt ngày trên bãi rác, các em trầm mình dưới nước mò cua, cá, những em phải gánh thóc, lúc, gạch đá oằn vai, các em bán vé số, đánh giầy lê la trên đường phố, các em suốt đời sống trên ghe trên đò theo cha mẹ đánh cá ngoài khơi,  và khổ nhục hơn nữa các em bị kẻ bất lương bẻ tay, bẻ chân trở thành tật nguyền để dễ xin ăn, hoặc những em bé bị những người giữ trẻ hành hạ tàn bạo,  hay tệ hại hơn nữa, các em bị bán vào các động mãi dâm khi tuổi vừa mới lên 8 lên 10!

Giấc mơ của các em khi được có người hỏi cũng trả lời “mơ ước được đi học, rồi đi làm, có công việc tốt để phụ giúp cho ba mẹ”. Thế nhưng muốn đi học thì phải có tiền, mà tiền đâu ra trong khi gia đình thì nghèo khó. Có em bỏ học nửa chừng để quán xuyến việc nhà vì cha mẹ bệnh tật, chăm sóc em út như một người trưởng thành. Thê thảm hơn khi có những đứa trẻ từ khi sinh ra đã mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo hay những căn bệnh mãn tính v…v…mà cha mẹ không có tiền chạy chữa, không được đưa đến bệnh viện và trở nên bị thương tật suốt đời.

Mà có lặn lội được đến bệnh viện thì cũng không có nghĩa các em được cứu cấp liền. Hiện nay theo tin tức và hình ảnh từ trong nước thì hầu như tất cả các bệnh viện nhi đồng đều chật cứng người. Không đủ giường nên 2, 3 em phải nằm 1 giường. Những em không có chỗ phải nằm dưới sàn, còn cha mẹ ngủ dưới gầm giường. Hành lang được tận dụng, không còn một chỗ trống. Nhiều người phải lập lều bằng chăn, chiếu ở hành lang để tránh nắng cho con trẻ.

Câu nói của ông Philippe Duamelle “"Mong muốn của các gia đình người Syria cũng như mọi gia đình khác trên thế giới. Họ muốn sống an toàn, có công việc ổn định để nuôi con, cho chúng đi học, được chăm sóc y tế và có một tương lai tốt đẹp". Đó cũng là niểm mơ ước của người dân nghèo Việt Nam dưới ách cai trị Cộng Sản. Và câu nói:  "Nguy cơ hiện nay với cộng đồng quốc tế là phải chứng kiến một thế hệ mất mát của Syria. Điều đó sẽ rất đáng sợ và để lại hậu quả tai hại không chỉ cho chính những đứa trẻ con…” Cũng giống y câu nói của cố tổng thống Reagan đã nói về tương lai trẻ thơ Việt Nam “Chấm dứt chiến tranh không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ, cái giá phải trả cho loại hòa bình đó là ngàn năm tăm tối cho các thế hệ sinh tại Viêt Nam về sau." Chính Cộng Sản gây ra tai ương tuổi thơ Việt Nam, phải lăn lóc lang thang ngay chính trên quê hương mình cũng thê thảm như trẻ em chiến tranh Syria đang lăn lóc, lang thang nơi quê người và cùng mang một giấc mơ Thiên Đường Lớp Học

Thu Nga