Bình luận: Chỉ Một Kết Cuộc
Printer-friendly versionSau cái gọi là ngày “Giải Phóng Miền nam” đảng Cộng Sản hô hào chính sách lao động để cả nước tiến mau, tiến mạnh tới thiên đường xã hội chủ nghĩa-thế nhưng càng hô hào bao nhiêu, dân chúng lại ồ ạt tìm đường vượt biên, vượt biển nhiều hơn, chẳng thà bỏ mình trong rừng sâu, núi cả, hay trôi giạt trên biển sóng mênh mông vì dân Việt đã có quá nhiều kinh nghiệm với chế độ tàn ác của đảng Cộng Sản.
Danh từ “Thuyền Nhân” sau ngày 30-4-75 xuất hiện. Nếu may mắn thì được đến bến bờ tự do, nếu không may làm mồi cho hải tặc và cho cá dữ. Lúc bấy giờ có những câu “một là con nuối má, hai là má nuôi con, ba là con nuôi cá”. Hay là “cái cột đèn mà biết đi, nó cũng ra đi”.
Người dân ở lại, hưởng thấm thía mùi lao động khi nhà cầm quyền đã cho dân chúng biết thế nào là “với sức người, sỏi đá cũng thành cơm”. Nấu hoài mà sỏi đá cũng không thành cơm được nên nhà nước có chính sách “Xuất Khẩu Lao Động”. Mặc dù trong văn bản hợp đồng, có ghi rõ các quyền lợi của người lao động, được bảo vệ, trả tiền lương, bảo hiểm y tế, tai nạn, ốm đau, nhưng thực tế thì công ty môi giới “đem con bỏ chợ”! ”. Có nghĩa xuất cảng người dân ra ngoại quốc kiếm tiền nuôi thân, chỉ cần cho đảng hưởng lợi, còn có chết mất xác ở xứ người thì đó không phải là chuyện của đảng!
Dân lao động được mua bán từ những quốc gia gần như Đài Loan, Thái Lan, Nam Hàn, Mã Lai, Trung Cộng cho tới những quốc gia xa xôi ở như Đức, Pháp, Albania, Anh. Những năm gần đây, Việt Nam là nước có số nạn nhân của mua bán nô lê thời thượng cao nhất tại Anh. Số phận của những nạn nhân buôn người này may ít, rủi nhiều. Mới nhất là vụ 39 người, hầu hết là người Việt Nam, đi chui qua tổ chức buôn người, trốn trong container đông lạnh đã bị chết ngạt, là một ví dụ thương tâm điển hình. Họ chỉ muốn có một tương lai tốt đẹp hơn, thoát khỏi cảnh nghèo khó, tù túng tại quê nhà.
Điều khôi hài nhất là ở Việt Nam, nhà cầm quyền nói “không có người nghèo”! muốn được chấp nhận nghèo không phải là chuyện dễ. Nếu nhà nước khẳng định, không phải nghèo, mà chỉ “cận nghèo” thì phải chạy chọt giấy tờ chứng minh gia đình thuộc “nghèo bền vưng”. Oái oăm, là nghèo thì làm sao có tiền chạy chọt để xin cấp chứng chỉ nghèo?!
Tình cảnh tương tự như ở Thuận An, nạn biển nhiễm độc, ngư dân lâm vào tình cảnh khốn đốn mà xin xỏ, chờ chực hoài vẫn không được nhà nước giúp đỡ vì cho rằng họ chỉ là dân bắt cá trên bờ rồi đi bán, không được xếp vào dạng dân chài. Trẻ em không có tiền đóng học phí, phải bỏ học, lưu lạc sang xứ người làm công để giúp đỡ gia đình, thì cán bộ xã tuyên bố “mấy đứa đó nó học không nổi, bỏ học, để học nghề ,chứ có làm thuê gì đâu”! Thật ra, các em biết, có học xong đại học, cũng không kiếm được việc làm, thì cũng đói, chẳng thà đi làm có tiền còn hơn ngồi chết đói.
Với chính sách chơi chữ, gần chết đói, theo định nghĩa của nhà nước, có nghĩa là gần chết chứ chưa chết. Nay trong vụ 39 ngưòi dân từ trong nước, đi chuì, bị chết ngạt trong container đông lạnh, nhà câm quyền chỉ tuyên bố hờ hững “đang nắm bắt thông tin để điểu tra”. Những nạn nhân này, họ dầu là dân nghèo, “cận nghèo”, hay dầu họ là cậu ấm, cô chiêu, thì rõ ràng không chỉ có người nghèo mới tìm cách đi chui, mà kẻ giàu, cũng “đi chui”. Mới đây, là vụ những người gọi là “mất tích”, trong chuyến “đi chui nhờ” cùng phi cơ với bà chủ tịch quốc hội Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Thị Kim Ngân ! Giới nào cũng sợ thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa, phải thoát! “cột đèn mà biết đi, cũng ra đi” cơ mà!”
Một cô trong số người chết đã gởi text cho mẹ “Mẹ ơi con sắp chết vì không thở được”! Cô không thở được trong không gian chật hẹp của container đông lạnh, quả thật thương tâm, nhưng nguyên nhân cũng vì cô cũng đã không thở được trong cái không gian mênh mông độc tài, thối nát dưới chế độ Cộng Sản.
Sau hơn 44 năm, câu nói phải đổi là “một là con nuôi má”, “hai là má chôn con”!
Thu Nga