Bình Luận: Cảnh Cáo Cho Các Chế Độ Độc Tài

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Thưa quý thính giả,
Cuộc nổi dậy của dân chúng Libya đã bước qua tuần lễ thứ ba và đang là một nan đề làm nhức óc chính giới quốc tế. Theo nhiều chuyên gia, diễn biến tương lai vẫn chứa chấp nhiều yếu tố có thể tạo nên các đột biến khó đoán nên vào lúc này điều được nhìn thấy chỉ đơn giản là mối đe doạ kéo dài thời gian hỗn loạn và thảm cảnh chém giết lan rộng mà người dân vô tội Libya sẽ trở thành nạn nhân.
Ít nhất có 4 lý do chủ yếu đã được nhiều chuyên gia nhắc đến.
Lý do đầu tiên là sự thiếu nhất trí tuyệt đối trong hàng ngũ lực lượng nổi dậy. Libya vốn là một quốc gia lạc hậu bao gồm hàng trăm bộ tộc với tinh thần phân rẽ cố hữu tiếp tục bị khai thác bởi chế độ Gadhafi suốt bốn thập kỷ qua. Do đó, dù hết thẩy đều bất bình với guồng máy đô hộ tàn ác của một chính quyền bạo ngược, nhưng vẫn không dễ tìm ra tiếng nói chung trong hành động. Gần như hết thẩy chuyên gia đều đồng ý rằng hiện không thể có tại Libya một tổ chức quân sự hay chính trị đủ mạnh để lèo lái tình hình ngay cả trong trường hợp chế độ Gadhafi hoàn toàn xụp đổ.
Lý do thứ hai là chế độ Gadhafi đã lưu lại nhiều dấu vết khốc hại nặng nề trong nếp sống và suy nghĩ của người dân còn quá xa lạ với quan niệm về quyền sống chính đáng của con người, đặc biệt là với các bộ tộc từng bị cách ly với đời sống hiện đại. Với các bộ tộc này, sự kích động bằng các lời lẽ dối trá kèm theo một số lợi lộc là đủ để lôi cuốn vào những hành động chống lại các bộ tộc khác không cần phân biệt phải trái. Đây là cách thức mà Gadhafi từng theo đuổi từ thời gian đầu thu đoạt quyền lực và là một nguyên nhân chia xé đất nước này thành nhiều mảnh thù địch suốt mấy chục năm qua.
Lý do thứ ba được các chuyên gia đặc biệt lưu tâm là thái độ của nhiều quốc gia châu Phi, thậm chí cả tổ chức Liên Hiệp Phi Châu đối với chế độ Gadhafi. Qua nhiều con số thống kê thực tế, các chuyên gia cho thấy không ít quốc gia Phi Châu từ Mali, Liberia đến Sudan, Ethiopia, Cộng Hoà Trung Phi… đều nhờ cậy rất nhiều vào các nguồn lợi từ Libya qua mọi hình thức như đầu tư, viện trợ… mà cụ thể là cho tới nay tổ chức Liên Hiệp Phi Châu đặt bản doanh tại thủ đô Ethiopia vẫn do Libya cung cấp 15 phần trăm các phí khoản. Thực tế này khiến các quốc gia trên chưa thể có thái độ rõ rệt đối với phong trào nổi dậy của dân chúng Libya, đồng thời còn có thể trợ giúp Gadhafi theo một cách nào đó như ngấm ngầm đưa người và võ khí tới hỗ trợ. Đó là chưa kể trường hợp một số quốc gia lợi dụng tình thế để mưu lợi chớp nhoáng như nguồn tin của hãng thông tấn   Pháp AFP vừa cho biết. Theo hãng AFP, Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Vì Hòa Bình ở Stockholm, Thụy Điển đã phát hiện nhiều chuyến bay buôn lậu vũ khí từ Belarus cung cấp cho Libya và trong những ngày qua, Belarus đã nhiều lần tiếp nhận các chuyên cơ của Gadhafi.
Lý do thứ tư được các chuyên gia coi là có ý nghĩa đặc biệt do liên hệ trực tiếp tới các nguồn lợi kinh tế mà một số siêu cường thế giới đang có tại Libya cùng với mối ưu tư về ảnh hưởng của cơn biến động Libya đối với chính tình tại một số quốc gia này. Ngay sau khi đoạt chính quyền tại Libya, Gadhafi đã tự coi thuộc hàng ngũ các quốc gia theo xã hội chủ nghĩa, kết thân với Nga, Trung Quốc đồng thời tự biến thành thị trường tiêu thụ vũ khí quan trọng của một số quốc gia Tây Âu như Ý, Pháp, Đức, Anh… Vài con số được công bố cho thấy chỉ riêng trong năm 2009, các quốc gia Tây Âu đã bán cho Libya số vũ khí trị giá hơn 500 triệu Euro, và trước đó, Nga đã cung cấp cho Libya 350 máy bay tiêm kích cùng hàng ngàn chiến xa đủ loại. Một giới chức cao cấp Nga còn cho biết tình hình Libya hiện nay khiến Nga sẽ mất hơn 10 tỉ Mỹ kim do các hợp đồng không thực hiện được. Tuy nhiên, vượt khỏi mức thiệt hại về quyền lợi kinh tế và có ý nghĩa lớn lao với Nga và Trung Quốc chính là tác động trực tiếp tới nội tình chính trị của hai quốc gia này. Trong khi không ít người dân Nga vẫn mô tả chính quyền hiện nay tại Mạc Tư Khoa như một tập thể Mafia thì tại Trung Quốc đang vang lên không ít lời kêu gọi dân chúng trỗi dậy giành lại quyền tự do dân chủ. Tình hình Libya rõ ràng trở thành một khích lệ cho tinh thần chống đối mà các chính quyền Mạc Tư Khoa cũng như Bắc Kinh hết sức e ngại. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi kết luận Nga, Trung Quốc không bao giờ muốn phong trào quần chúng nổi dậy tại Libya thành công và do đó, có thể họ đang tìm cách tiếp tay cho chế độ Gadhafi. 
Nhưng dù các lý do trên có thể gây trở ngại hiển nhiên cho người dân Libya hiện nay thì chế độ Gadhafi vẫn mang hình ảnh ngọn đèn tàn trước gió.
Vì trên thực tế, khắp thế giới không còn một mảnh đất nhỏ nào cho Gadhafi có thể dung thân an lành. Tại Libya, hầu hết lãnh thổ đã do lực lượng dân chúng nổi dậy kiểm soát và thủ đô Tripoli mà Gadhafi đang cố thủ đang chờ đợi bị tấn công. Hy vọng cuối cùng mà Gadhafi trông cậy chỉ là kho võ khí còn giữ được trong tay với một lực lượng trung thành quá nhỏ so với hơn sáu triệu dân đang bừng bừng nổi giận. Gadhafi càng trút số võ khí đó xuống đầu dân chúng thì ngọn lửa nổi giận càng bùng lan thêm.
Trong khi đó, dư luận khắp thế giới đã nói lên tiếng nói cuối cùng.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức loại trừ chế độ Gadhafi khỏi Liên Hiệp Quốc vì lý do tàn sát dân lành và chính tổng thống Nga, đồng minh thân cận bấy nay của Gadhafi đã tuyên bố “Kadhafi phải ra đi tức khắc.” Từ trên chính quê hương Libya và khắp thế giới, Gadhafi đã hiện hình là một tội phạm chống lại nhân loại vì không còn cách nào che giấu nổi bộ mặt tàn ác phi nhân của một kẻ độc tài tàn bạo.
Thực tế này cũng chính là lời cảnh báo nghiêm khắc cho tất cả những kẻ đang mưu toan tiếp nối con đường duy trì quyền uy bằng bạo lực, sẵn sàng trà đạp lên nguyện vọng chính đáng của người dân. Đây là số phận cuối cùng mà những kẻ u mê cuồng vọng đó sẽ phải nhận lãnh dù đang thủ đắc trong tay ưu thế nào trên chính trường.
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
*******************
 Uyên Thao