Bình Luận: Âm Hưởng Libya tại Việt Nam
Submitted by quanhung on Thu, 02/24/2011 - 09:29.
Printer-friendly version

Thưa quý thính giả,
Giữa dòng biến động tuần qua, diễn biến tại Libya đã thực sự trở thành trung tâm thu hút dư luận khắp thế giới, đặc biệt sau sự lên tiếng chính thức của thủ lãnh Gadhafi. Gadhafi là đại tá thuộc phong trào Sĩ Quan Tự Do Thống Nhất trong quân lực Libya đã giành được chính quyền từ tháng 9 năm 1969. Chủ trương thuở đó của Phong Trào này là chống lại tinh thần bộ tộc đang phổ biến tại Libya để tiến tới một quốc gia có tinh thần hoà hợp cởi mở hơn.
Nhưng thực tế đã diễn tiến theo hướng ngược lại vì sự khai thác tinh thần bộ tộc để nắm giữ quyền lực, nhất là các cuộc thanh trừng quyết liệt của Gadhafi nhắm vào các đồng chí trong Phong Trào Sĩ Quan Tự Do Thống Nhất. Sau 10 năm đầu cầm quyền của Gadhafi, người ta không còn thấy xuất hiện bất kỳ nhân vật nào thuộc Phong Trào Sĩ Quan Tự Do Thống Nhất cũ trong khi Gadhafi trở thành người khai sáng chủ thuyết “xã hội chủ nghĩa nhân dân” với tên gọi “Quy Luật Tổng Quát Thứ Ba” ghi trong cuốn “Sách Xanh” do Gadhafi là tác giả, được trưng diễn như một loại thánh kinh chính trị bằng các lời trích thuật và đặc biệt được dựng tượng tôn thờ khắp nơi trên đất nước Libya. Chủ thuyết ghi trong Sách Xanh được coi là chân lý duy nhất mà hết thẩy mọi người phải tuân thủ dưới một bộ máy chính quyền do Gadhafi lãnh đạo với sự phân phối quyền lực cho 7 người con trai của chính Gadhafi điều hành mọi ngành từ an ninh, kinh tế, hàng hải đến thể thao. Quân lực dưới chế độ Gadhafi cũng đặc biệt khác thường so với mọi quốc gia là khoảng một phần ba binh lính là lính đánh thuê tức gồm những phần tử côn đồ lang bạt khắp lục địa Phi Châu. Các phần tử này được tiếp nhận và trả lương cao để thi hành mọi mệnh lệnh của người lãnh đạo.
Chính vì thế, trong khi Gadhafi nói chưa hề ra lệnh cho lực lượng an ninh đàn áp người biểu tình mà tin tức ghi nhận từ nhiều nhân chứng cho biết ít nhất đã có khoảng 500 người bị bắn chết và hơn 1000 người bị thương. Thực ra, Gadhafi không thể phủ nhận tính dối trá trong lời tuyên bố của mình qua vụ 2 phi công trong không lực Libya lái máy bay trốn qua Malta, cho biết họ không thể thi hành lệnh dùng phi cơ bắn xuống các đám đông đồng bào biểu tình.
Nếu cứ giả dụ các nguồn tin trên là không chính xác thì sự việc vẫn không thể nhìn khác sau khi nghe lời lẽ của chính Gadhafi trong bài diễn văn chính thức về các vụ biểu tình đòi hỏi cải tổ chính trị của quần chúng Libya. Gadhafi không hề lưu tâm tới bất kỳ yêu sách chính đáng nào do người dân nêu lên mà liên tục mạt sát người biểu tình bằng những từ ngữ như “lũ gián rệp, lũ chuột, lũ hèn hạ và phản bội…” Cùng với các lời rủa xả hằn học đó, Gadhafi gom hết thẩy người biểu tình phản đối chính quyền vào một mưu đồ được ông ta mô tả là “mưu đồ phục vụ quỷ dữ.” Gadhafi còn lớn tiếng kêu gọi "những ai yêu mến Muammar Gaddafi" hãy ra khỏi nhà, toả ra đường phố tấn công đám người biểu tình bằng những lời cuồng loạn như sau “hãy xô chúng xuống địa ngục” và hứa hẹn “sẽ xử dụng vũ lực để quét sạch từng nhà, từng nhà một tại Libya…” Trong cơn cuồng nhiệt phát biểu, Gadhafi còn lôi Hoa Kỳ vào cuộc với lời cảnh báo là “nếu còn tiếp tục có biểu tình thì tại Libya sẽ xảy ra nội chiến hoặc nước này sẽ bị Hoa Kỳ chiếm đóng.” Vì thế, không ai ngạc nhiên khi nghe Gadhafi nhắc tới hình ảnh Thiên An Môn của Trung Quốc năm 1989 như một hình ảnh mà ông ta sẵn sàng dành cho người dân Libya nếu họ không chịu cúi đầu nghe theo mọi mệnh lệnh của ông ta.
Nhưng ghi nhận phản ứng của người dân Libya với bài diễn văn của Gadhafi cho thấy nhiều phần bất lợi cho chính Gadhafi. Ngay khi Gadhafi còn đang nói, trên đường phố Tripoli đã có nhiều tiếng súng nổ và tại thành phố Benghazi có những người dân tháo giầy quăng thẳng vào mặt Gadhafi trên màn hình. Nhiều binh sĩ trong quân lực đã quyết định tham gia hàng ngũ biểu tình, trong khi không ít người biểu tình khẳng định với các phóng viên báo chí quốc tế là họ “không còn sợ hãi nữa.”
Rõ rệt và mang nhiều ý nghĩa hơn là không ít viên chức trong chính quyền Libya gổm từ bộ trưởng Nội Vụ, bộ trưởng Tư Pháp, đại sứ tại Hoa Kỳ, Phó Đại Sứ tại Liên Hiệp Quốc và đặc biệt là nhiều đơn vị quân đội tại các tỉnh miền Đông Nam và miền Tây Bắc đã công khai đứng vào thế chống lại Gadhafi. Phó đại sứ Ibrahim Dabbashi tại Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng “tiếp theo bài diễn văn truyền hình của Gadhafi, quân đội đã bắt đầu tấn công thường dân tại nhiều thành phố ở tây bộ Libya.” Ông Dabbashi nói thêm “Chắc chắn là dân chúng không có vũ khí. Và tôi nghĩ rằng lời phát biểu của Gadhafi là một tín hiệu để các cộng sự viên của ông ta bắt đầu cuộc diệt chủng chống lại nhân dân Libya.”
Dù khó hình dung nổi các diễn biến tiếp nối ra sao, nhưng dư luận đều nghĩ tới một thảm cảnh khó tránh với những người dân Libya đang quyết tâm không lùi bước trước bạo quyền do tham vọng của một cá nhân điên loạn. Chính vì thế, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã chính thức lên án mọi hành vi trấn áp dân chúng, đồng thời Liên Đoàn Các Quốc Gia Ả Rập đã không cho phép Libya tham dự các phiên họp của Liên Đoàn.
Riêng tại Việt Nam, theo ghi nhận của giới truyền thông quốc tế, dù tình hình Libya diễn biến ra sao vẫn tạo một âm hưởng đặc biệt có ý nghĩa tích cực. Bởi ít nhất, những tin tức dù chỉ được tiếp nhận hạn chế vẫn có thể tác động một hướng suy tư cần thiết về vận mạng và đời sống chung của đất nước, theo đó, mọi thể chế độc tài chuyên chế đều không thể tồn tại mãi dù bằng bất kỳ thủ đoạn áp chế nào.
Qua thực tế hiện nay tại Libya thì toàn bộ phần lãnh thổ Đông Nam rộng lớn cùng một số tỉnh thành phía Tây Bắc Libya đều đã do các đám dân chúng nổi dậy làm chủ tình hình. Chính quyền Gadhafi nếu còn được trung thành bởi lực lượng lính đánh thuê và đoàn vệ binh thân tín cũng khó thể phát động thành một cuộc nội chiến. Cho nên, âm hưởng từ Libya còn có thể là một niềm khích lệ không nhỏ đối với những người đang ôm ấp nguyện vọng lật đổ bạo quyền không chỉ tại Việt Nam mà có thể còn ngay tại Trung Quốc để đánh dấu một thời kỳ mới của lịch sử sau sự sụp đổ của khối Cộng Sản Đông Ấu vào cuối thế kỷ qua.
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
Uyên Thao»
- Login to post comments
Printer-friendly version