Bình Luận: Ước Mong & Trở Ngại
Submitted by quanhung on Thu, 03/10/2011 - 09:31.
Printer-friendly version

Thưa quý thính giả,
Diễn biến tình hình tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi từ ngót hai tháng qua đã được coi như báo hiệu quan trọng về chiều hướng tương lai của chính tình thế giới. Hầu hết chuyên gia đều cho rằng xu thế độc tài áp chế đang hiện hình là một xu thế không còn lý do kéo dài thời gian tồn tại trên mặt địa cầu. Tuy nhiên qua thực tế, hầu như không ít người vẫn phải e dè vì các trở ngại chưa hẳn đã thu hẹp như mong muốn của những người đang trông chờ sự thành công của xu hướng tự do dân chủ.
Kể từ tháng 2 vừa qua, không thể phủ nhận là hàng loạt người dân tại Trung Đông và Bắc Phi đã biểu hiện ý chí quyết liệt chống đối các chế độ độc tài. Nối ngay sau cuộc nổi dậy của dân chúng Tunisia là cuộc nổi dậy của dân chúng Ai Cập đồng thời với cuộc nổi dậy tại nhiều quốc gia như Barhain, Yemen, Syria, Jordan, Algeria, Côte d’Ivoire, Libya … Có thể nói không sợ lầm lẫn rằng nguyện vọng dân chủ tự do đã lan tràn khắp vùng đất rộng lớn này và còn tác động mạnh mẽ tới dân tâm ở nhiều nơi khác, kể cả tại các quốc gia xa xôi nằm mãi phía Đông đại lục Á Châu như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn … Nhưng nếu cuộc nổi dậy của dân chúng Tunisia và Ai Cập mau chóng đem lại kết quả phù hợp với mong mỏi của người dân thì tình hình diễn biến tại các nơi khác tiếp tục bị vây hãm giữa đầy rẫy khó khăn, đặc biệt là tình hình tại Libya.
Ngay khi nổ ra cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài Gadhafi tại Libya, phản ứng của chính giới quốc tế đã hết sức thuận lợi cho lực lượng nổi dậy.
Người ta chưa quên ngay từ khi đoạt chính quyền năm 1969, Gadhafi đã gắn mình vào hàng ngũ các quốc gia xã hội chủ nghĩa, tự chọn thế đứng đồng minh với Liên Xô, Trung Quốc và là quốc gia tích cực hỗ trợ chế độ Cộng Sản Bắc Việt trong cuộc chiến chống lại miền Nam Việt Nam. Libya chính là một trong số quốc gia đặt quan hệ ngoại giao chính thức với Hà Nội từ ngày 15 tháng 3 năm 1975 công khai phủ nhận chế độ Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam đang còn tồn tại trên nửa phần đất nước. Thế nhưng, thái độ của cả Nga, Trung Quốc lẫn Việt Nam vào những ngày vừa qua rõ ràng không đáp ứng chờ đợi của Gadhafi mà ngược lại còn gần như khuyến khích lực lượng chống đối. Vào ngày 27 tháng 2 vừa qua, chính Trung Quốc đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về việc cấm vận vũ khí cho Libya, phong toả tài sản của gia đình Gadhafi và đưa nhân vật này ra xét xứ trước toà án quốc tế về tội ác chống nhân loại. Trong khi đó, tổng thống Nga Mevedev còn lên tiếng thúc giục Gadhafi “mau chóng từ bỏ quyền lực” theo đúng đòi hỏi của dân chúng. Việt Nam tuy không có những phát biểu tương tự Bắc Kinh hay Mạc Tư Khoa nhưng cũng không có phát biểu nào ngược lại, dù không lâu trước đó, đại diện Bộ Ngoại Giao cùng đại diện Ban Ðối Ngoại Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã hết lời ca ngợi chế độ Gadhafi là chế độ cách mạng đem lại “những thành tựu đáng kinh ngạc” cho người dân và đất nước Libya.
Nhìn chung, phản ứng quốc tế đó cho thấy ngày tàn của chế độ Gadhafi là không thể tránh và sẽ đến rất nhanh. Tuy nhiên thực tế diễn ra nối tiếp lại chứa đựng những nét gần như ngược lại. Gadhafi không những tỏ ra bất chấp mọi lời khuyến cáo, ngang nhiên dùng hoả lực quân sự trút bom đạn xuống đầu dân chúng Libya mà còn ngạo nghễ thách thức mọi thế lực quốc tế, coi chính tổ chức Liên Hiệp Quốc như một tổ chức thù địch. Điều gây kinh ngạc cho mọi người là trong hoàn cảnh đó, các thế lực quốc tế bao gồm từ Liên Hiệp Quốc tới các cường quốc Tây Phương đều lúng túng trong việc tìm ra một biện pháp đối phó. Từ biện pháp thiết lập vùng cấm bay tới khả năng tiếp trợ vũ khí cho phe nổi dậy đều được nhắc tới nhưng tất cả chưa vượt khỏi giới hạn những lời phát biểu.
Tại sao? Câu hỏi hết sức đơn giản này không dễ tìm ra lời đáp thoả đáng, ít nhất là trong thời điểm hiện nay.
Qua phát biểu của các nhân vật trong chính giới Hoa Kỳ, đã hiển hiện mối lo về nguy cơ bùng nổ tình trạng đối đầu ý thức hệ giữa khối Hồi Giáo với các quốc gia Tây Phương mà các đối thủ của Hoa Kỳ đang mong sẽ xảy ra. Trên thực tế, có thể chỉ đích danh các đối thủ này là Nga, Trung Quốc, Iran cùng một số tiểu quốc đang bị các quốc gia này chi phối như Miến Điện, Bắc Hàn, Việt Nam, Cuba … Vì thế Hoa Kỳ bắt buộc phải đặt mình vào thế cân nhắc và đã đẩy toàn khối Tây Phương vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Đây là một giải đáp đã được nhiều chuyên gia nghĩ tới.
Cùng với giải đáp đó là giải đáp khởi từ thắc mắc về những người đang nổi dậy.
Trong nhận định chung, động cơ thúc đẩy các đám đông dân chúng xuống đường tại Trung Đông và Bắc Phi rõ ràng do tình thế bị kìm kẹp áp chế bởi các chế độ bạo quyền tham nhũng, nhưng phía sau những người dân này đang có bàn tay nào thúc đẩy?
Theo một số chuyên gia, thái độ do dự hiện nay của nhiều cường quốc chính là do tình trạng chưa thể biết chắc bàn tay nào ở phía sau những người dân nổi dậy. Bởi bành trướng ảnh hưởng tinh thần dân chủ tự do luôn là điều các quốc gia Tây Phương mong ước, nhưng cũng chính các quốc gia Tây Phương lại ưu tư nhiều hơn hết về hậu quả xụp đổ hệ thống chính quyền chuyên chế tại Trung Đông và Bắc Phi hiện nay. Lý do dễ hiểu là toàn bộ hệ thống chính quyền này đều đóng vai đồng minh của khối Tây Phương trong chiến lược an ninh toàn cầu đang được theo đuổi. Sự sụp đổ của một hệ thống đồng minh như thế dù không trái với tinh thần truyền thống nhưng lại đặt toàn khối Tây Phương trước các hiểm nguy khó thể lường đoán. Libya dù không nằm trong hệ thống chính quyền này nhưng sự sụp đổ của chế độ Gadhafi chắc chắn sẽ là một khích lệ tuyệt vời cho phong trào đỏi hỏi dân chủ toàn vùng. Vì thế, những người dân trông đợi dân chủ tự do ở Libya chưa dễ dàng nhận được tiếp trợ đúng mức, đồng thời một chế độ đã được chỉ đích danh là tội phạm chống nhân loại như chế độ Gadhafi vẫn có thể lợi dụng tình thế để kéo dài thời gian tồn tại.
Với những người đang mong cuộc cách mạng Hoa Lài sớm tác động đến vùng đất phía Đông đại lục Á Châu thì đây là điều cần nghĩ tới để chuẩn bị đủ cho mình khả năng tự quyết định như người dân Tunisia và Ai Cập, thay vì chờ đợi sự tiếp trợ như người dân Libya hiện nay.
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
Uyên Thao
»
- Login to post comments
Printer-friendly version