CẢM TƯỞNG VỀ TẬP TRUYỆN “MÂY THEO GIÓ VỀ”

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Tôi được nhà văn Thu Nga trao cho bản thảo tập truyện dài “Mây Theo Gió Về” giữa lúc tôi phải bay từ tiểu bang này sang tiểu bang khác hồi đầu năm 2004 để thuyết trình đề tài “Giải Thể Cộng Sản Việt Nam” do lời mời của các cộng đồng và hội đoàn địa phương. Do đó có lúc tôi đọc quyển sách tại nhà, đôi khi đọc trên máy bay.

Câu chuyện trong quyển sách quay xung quanh cuộc sống tiêu biểu của một gia đình Việt Nam tỵ nạn Cộng sản được định cư tại Hoa Kỳ, đang tập tành hội nhập vào đời sống mới trong một xã hội hoàn toàn xa lạ. Do đó mà từ cha mẹ đến con cái, tùy bản ngã và hoàn cảnh khách quan đã làm cho mỗi người hội nhập một cách khác nhau, mâu thuẫn và đố kỵ nhau, mà ngòi bút của tác giả đã mô tả một cách tài tình.

Cảm tưởng đầu tiên của tôi là nội dung câu chuyện như một chuyện có thật đã xảy ra chứ không phải hư cấu là vì gia đình ông bà Tâm thuộc vào hạng gia đình trung bình của người Việt tỵ nạn Cộng sản, đến định cư ở quê hương thứ hai với hai bàn tay trắng. Cũng như tất cả người đàn bà Việt Nam ở lại trong nước sau cuộc đổi đời năm 1975, bà Tâm vừa tảo tần nuôi con vừa tiện tặn để có phương tiên đi thăm nuôi chồng, nêu gương đức hạnh và lòng hy sinh vô bờ bến đối với gia đình. Qua đến Mỹ, người đàn bà yếu đuối và kiệt sức từ bên quê nhà tiếp tục làm nghề may vá để nuôi sống gia đình và chăm sóc đàn con, nhất là còn phải phục vụ ông chồng mà tánh tình đã thay đổi và khó chịu sau những năm bị đày đọa trong lao tù Cộng sản.

Ông Tâm, một cựu đại úy của Quân lực VNCH, cấp bực không cao và cũng không thấp. Ông đúng là mẫu người chúng ta thường gặp trong cộng đồng hải ngoại, bất luận chúng ta đi đến tỉnh bang hay tiểu bang nào ở Bắc Mỹ cũng như ở các châu khác trên thế giới. Do đó mà khi bước chân ra khỏi từ sân bay này đến sân bay khác, tôi vẫn thấy câu chuyện “Mây Theo Gió Về” như được tiếp tục phô bày nhan nhản trước mắt, từ một cựu sĩ quan được định cư theo diện HO, đến một bà vợ với những đức tính cao quý nhất của người phụ nữ Việt Nam và đám con đang vật lộn giữa hai nền văn hóa Ðông Tây, cả hai đều có cái hay và cái dở cần phải chọn lựa.

Những tình tiết éo le, sống động của cuốn truyện cho ta cảm giác nôn nao, thích thú như khi xem một đoạn phim gay cấn loại trinh thám, làm người đọc nóng lòng muốn xem ngay kết thúc như thế nào. Dù rằng rời khỏi thị xã Toronto tuyết băng giá lạnh để đi đến vùng New Orleans nóng nực và ẩm ướt, tôi thấy mẫu gia đình ông bà Tâm trong câu chuyện “Mây Theo Gió Về” ngoài đời nối tiếp nhau như tôi đọc tiếp quyển sách từ chuyến bay này đến chuyến bay khác.

Những chuyện vui buồn xảy ra cho gia đình ông Tâm cũng đã xảy ra cho khá nhiều gia đình khác trong cộng đồng. Thế hệ thứ nhất như ông Tââm vẫn kiên định với lập trường chống Cộng mà ông đã tranh đấu suốt cuộc đời của ông và sau khi ra khỏi trại học tập đến Hoa Kỳ với diện HO, ông vẫn đòi hỏi ở con cái những đức tính và nếp sống theo truyền thống đạo đức lễ nghĩa của nước nhà. Những đứa trẻ khôn lớn và học hành ở Việt Nam như Tình và Thuần mặc dù đã lìa xa quê hương hàng chục ngàn dặm vẫn tiếp tuc hiếu thảo với cha mẹ và có một đời sống ngăn nắp. Trái lai, những đứa con quá trẻ như Thương và Thảo thì đương nhiên bị ảnh hưởng của giáo dục và văn hóa Âu Mỹ. Sự kiện Thương ngỗ nghịch, theo băng đảng buôn bạch phiến đi đôi với Thảo thích đua đòi, không nghe lời cha mẹ, bỏ nhà ra đi với một bạn trai du đãng, mang thai với hắn để rồi bị hắn ruồng bỏ, là chuyện xảy ra hàng ngày và thường được báo chí Việt ngữ của các cộng đồng Việt Nam đăng tải.

Nhà văn Thu Nga hẳn đã hòa mình lăn lộn với đồng bào trong cuộc sống tạm tại quê người, nên cái nhìn của nhà văn rất hiện thực, sâu sắc. Từ tâm tánh đổi thay của từng nhân vật trong gia đình ông Tâm đến những tình cảm éo le của những nhân vật phụ, quen biết với gia đình này, từ việc gia đình Lan chê bai gia đình ông Tâm nghèo không môn đăng hộ đối nên không thuận gả Lan cho Thuần, khiến cho Thuần phải bỏ nhà ra đi biệt tích, cho đến tánh tình trắc nết của Thảo hết lợi dụng Tân và Xuân thì bị người tình cũ là Mike hiện đến và gây khổ. Câu chuyện phản ảnh đời sống một gia đình vì mất nước mà phải chịu cảnh nhà tan, nghèo khó, lận đận, lao đao trong mọi sinh hoạt bon chen để sống cũng như đời sống tình cảm bị ảnh hưởng nặng nề, như đã vượt khỏi tầm tay của mọi người.

Tác giả cũng nhận định rất sâu sắc về nền văn minh của Hoa Kỳ, cũng như về môi trường sinh sống mới của gia đình ông Tâm. Cũng như hàng vạn gia đình Việt Nam khác, gia đình ông Tâm tạm sống tại một đất nước giàu có, được hưởng khá đầy đủ những tiện nghi vật chất nhưng cùng lúc cũng phải đối phó với rất nhiều cạm bẫy và hứng chịu những rủi ro trong cuộc sống hằng ngày. Cạm bẫy như hành động buôn bán bạch phiến của Thảo và rủi ro, bất trắc như tai nạn lưu thông đã gây cái chết cho Thương. Riêng tại Hoa Kỳ là một vùng đất đầy cơ hội cho những ai có nhiều ý chí và giàu nghị lực nên Thuần đã tự lập cánh sinh, vượt lên mọi khó khăn vật chất và đau khổ tinh thần để lập nghiệp và tạo cho mình một thế đứng vững vàng trong cuộc sống mới.

Ðoạn cuối của câu chuyện làm cho người đọc có một cảm giác êm dịu vì nó kết thúc “có hậu”. Hình ảnh một gia đình trước kia sứt mẻ tan tác nay được đoàn tụ ấm cúng cho ta thấy người Việt tỵ nạn ở hải ngoại phải trải qua vô số gian nan thử thách nơi đất khách nhưng không ngừng phấn đấu để tồn tại và bảo tồn nguồn gốc, lý tưởng tự do dân chủ của mình.

Tôi đọc trang cuối và gấp sách lại trong ngày cuối cùng (9/5/2004) của chuyến đi thăm viếng đồng bào tại Atlanta, quê hương của nhà văn Hoa Kỳ nổi tiếng Margaret Mitchell, tác giả của tác phẩm bất hủ ‘’Gone With The Wind’’ (“Cuốn Theo Chiều Gió”) của thế kỷ 20. Hai quyển sách của Margaret Mitchell và Thu Nga đều mô tả rất trung thực và sống động hai cuộc “đổi đời”, hậu quả của hai cuộc chiến xảy ra cách nhau hai thế kỷ về thời gian và mấy chục ngàn cây số về không gian. Nhưng khi so sánh nội dung câu chuyện trong hai tác phẩm thì nhận thấy nếu câu chuyện “đổi đời” của xã hội Hoa Kỳ bị cuốn theo cơn gió lốc thì xã hội hậu chiến của người Việt tỵ nạn Cộng sản được tác giả mô tả như một cuộn mây được gió thoảng đưa về một nơi an toàn và êm đẹp.

“Mây Theo Gió Về ” là một quyển tiểu thuyết cần có trong mỗi tủ sách gia đình Việt Nam ở hải ngoại để các thế hệ trẻ biết được công lao gian khổ của cha mẹ đã trải qua để cho con cái được sống một nếp sống tự do đáng sống. Quyển sách cũng giúp cho thế hệ trẻ ở hải ngoại rút tỉa kinh nghiệm về dung hòa hai nền văn hóa Ðông Tây để thành công trong cuộc sống mới mà vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp của giống nòi.

Nguyễn Bá Cẩn
Cựu Chủ Tịch Hạ Nghị Viện và
Cựu Thủ Tướng Chính Phủ VNCH
Tác giả hồi ký chính trị “Ðất Nước Tôi”