Thời Sự Trong Tuần (Feb 20, 2010)

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

CUỘC GẶP MẶT THÂN ÁI

Tổng thống Barack Obama hôm thứ Năm 18 tháng 2, 2010 trở thành vị tổng thống thứ tư liên tiếp của Hoa Kỳ đã gặp đức Đạt Lai Lạt Ma, một hành động được xem là hình thức ngoại giao cứng rắn hơn đối với Trung Cộng. Thế nhưng, các giới chức Mỹ và các nhà phân tích xem cuộc thăm viếng Tòa Bạch Ốc này, tuy được đón tiếp một cách đơn giản, không kèm không trống, không có mặt phóng viên nhà báo, được xem là một giai đoạn mở đầu cho một mối liên hệ ngoại giao phức tạp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Thư ký Tòa Bạch Ốc ông Robert Gibbs nói rằng trong cuộc họp này, tổng thống đã bày tỏ lòng ủng hộ của ông về bản sắc tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ Tây Tạng, cũng như bảo vệ nhân quyền của người Tây Tạng bên trong nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Cuộc họp của tổng thống Obama với đức Đạt Lai Lạt Ma đánh dấu một hành động thứ nhì trong vòng vài tuần lễ qua, đã gây khó chịu đối với Trung Cộng. Trong tháng Giêng vừa qua, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tuyên bố sẽ bán vũ khí cho Đài Loan trị giá lên tới $6.4 tỉ mỹ kim. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, cuộc gặp gỡ hôm thứ Năm và vụ bán vũ khí không thay đổi nhiều về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Theo bà Elizabeth C. Economy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Hội Đồng Đối Ngoại Hoa Kỳ, cho biết thì những hành động của Hoa Kỳ chẳng có gì lạ. Bà cho rằng đây chỉ là một bằng chứng cụ thể về sự liên hệ thực tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai quốc gia này hầu như không bao giờ tin tưởng lẫn nhau, một nền tảng hợp tác lỏng lẻo và thiếu hẳn những chia sẻ về giá trị và thỏa thuận thực sự. Bà nêu ra một ví dụ cụ thể là trong lúc cả hai quốc gia Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trao đổi mậu dịch mua bán với nhau mỗi năm lên tới bạc tỉ nhưng những cặp mắt của quân đội hai bên vẫn dòn chừng lẫn nhau.

Để mưu tìm một sự hợp tác của Trung Cộng về vấn đề vũ khí nguyên tử, thay đổi môi trường, mậu dịch và khủng hoảng tài chánh thế giới, tổng thống Barack Obama đã cố gắng không chọc tức Bắc Kinh sau khi ông lên nhậm chức, nhưng Trung Quốc đã không đáp ứng đủ. Tổng thống Obama đã hủy bỏ chuyến gặp mặt đức Đạt Lai Lạt Ma và quyết định không bán vũ khí vào năm ngoái trong lúc ông chuẩn bị họp thượng đỉnh với chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Theo chuyên gia phân tích Douglas H. Paal, một cựu viên chức của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia nói rằng, nội các của tổng thống Obama lúc vừa nhậm chức đã gặp nhiều vấn đề khó khăn và cần một sự bảo đảm ngoại giao chặt chẽ với Trung Quốc, thế nhưng, sự trông đợi này đã không xảy ra, buộc Hoa Kỳ phải trở lại những quyền lợi của mình là vấn đề Đài Loan & Tây Tạng.

Những cái mới mà người ta đang chứng kiến, theo các nhà phân tích và các giới chức Hoa Kỳ cho hay, đó là phản ứng của Trung Cộng về vụ bán vũ khí và cuộc gặp đức Đạt Lai Lạt Ma, có vẻ cứng rắn hơn so với quá khứ. Bắc Kinh đe dọa sẽ chế tài các công ty của Hoa Kỳ nào đã cung cấp võ khí cho Đài Loan. Họ cũng cảnh cáo về những hậu quả không rõ ràng về việc gặp gỡ đức Đạt Lai Lạt Ma.

Ngẫm nghĩ lại, dù có những lời lẽ cứng rắn của Bắc Kinh, có nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ và Trung Quốc đang muốn hàn gắn các sự liên hệ ngoại giao. Trung Quốc đã đáp ứng lời kêu gọi của Mỹ trở lại đàm phán với các đại diện của các vị lãnh đạo Tây Tạng, tổ chức 5 ngày họp trong tháng qua. Kết quả của các cuộc đàm phán này, theo các giới chức Tây Tạng, là rất khiêm nhường. Chính quyền Bắc Kinh cũng tuyên bố là họ sẽ cung cấp $60 tỉ để phát triển Tây Tạng.

Tháng trước, khi công ty điện toán Google đe dọa sẽ rút ra khỏi thị trường Trung Quốc thì nội các tổng thống Obama tuyên bố sẽ chính thức lên tiếng phản đối về nạn chặn thông tin trên Internet.

Cuối cùng, vào đầu tuần này, các giới chức người Trung Hoa cho phép chiến hạm USS Nimitz của Hoa Kỳ cập bến Hong Kong đúng thời khóa biểu. Tờ Trung Hoa Nhật Báo trích dẫn lời phát biểu của một viên chức Quốc Phòng Trung Quốc nói rằng đây là một dấu hiệu rõ ràng là Bắc Kinh muốn củng cố liên hệ ngoại giao chặt chẽ với Hoa Thịnh Đốn. Trung Cộng trong quá khứ đã từng ngăn chặn không cho các chiếm hạm của Mỹ cập bến Hong Kông trong thời gian căng thẳng.

Cuộc gặp mặt giữa tổng thống Obama và ngài Tenzin Gyatso, tức đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, tại phòng Bản Đồ của Tòa Bạch Ốc, thay vì phòng Bầu Dục là nhằm giảm nhẹ sự căm tức của Trung Quốc. Đức Đạt Lai Lạt Ma sau đó cũng đã gặp bà ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton tại bộ Ngoại Giao cùng ngày.

Đức Đạt Lai Lạt Ma, nguyên khôi giải Nobel Hòa Bình, nói với một đám đông phóng viên báo chí rằng, ngài đã thảo luận hơn một tiếng đồng hồ với tổng thống Barack Obama. Ngài nói rằng rất ngưỡng mộ Hoa Kỳ như là một nhà đấu tranh cho dân chủ, tự do và giá trị con người. Ông vui đùa và có lúc thẩy những nắm tuyết vào các phóng viên.

Trong quá khứ, để không muốn mất lòng Trung Cộng, các vị tổng thống của Hoa Kỳ thông thường không gặp mặt công khai đức Đạt Lai Lạt Ma. Chỉ có cựu tổng thống George W. Bush (con) đã phá vỡ truyền thống này trong năm 2007 khi ông đến tham dự buổi trao tặng Huân Chương Vàng Quốc Hội của Quốc Hội Hoa Kỳ vinh danh ngài là một Công Dân cao quý.

Đức Đạt Lai Lạt Ma phải sống lưu vong tại Ấn Độ kể từ khi quân đội Trung Quốc Cộng Sản tấn chiếm quê hương của ngài vào năm 1959. Kể từ đó ngài luôn kêu gọi một Tây Tạng tự trị mà không đòi độc lập.

Trong một thông cáo gửi cho Hoa Kỳ, Trung Cộng cho rằng tổng thống Obama đã tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma với mục đích làm quên đi những khó khăn của bản thân nước Mỹ, vào thời điểm mà Hoa Kỳ chuẩn bị bầu cử giữa nhiệm kỳ được dự trù vào tháng 11 sắp tới. Vì vậy, trước mắt, Bắc Kinh không đưa ra những biện pháp trừng phạt cụ thể nào.

Theo suy đoán của các báo chí tại Âu Châu, qua việc đón tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma, tổng thống Barack Obama đã giành lại được cảm tình của công luận Mỹ.[] Quan Hưng