THỜI SỰ TRONG TUẦN

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
THỜI SỰ TRONG TUẦN - Oct 02
 
TUẦN LỄ ĐẦY THIÊN TAI 
Tuần này là một tuần lễ đầy thiên tai chết chóc. Nỗi sợ hãi từ hai vụ động đất mạnh cách nhau hàng ngàn dặm lan rộng vùng Đông Nam Châu Á và phía Nam Thái Bình Dương trong ngày thứ Tư 30/09, gây thiệt mạng và trọng thương cho nhiều người, cũng như tạo một làn sóng lo sợ từ vùng duyên hải phía tây của Indonesia đến các quần đảo Samoa và Samoa của Hoa Kỳ.
Trên hòn đảo Sumatra của Indonesia, cách thành phố cận biển Padang khoảng 30 dặm, một trận động đất 7.6 độ Richter đã xảy ra vào khuya hôm thứ Tư giết chết ít nhất 200 người và hàng ngàn người khác bị kẹt trong những đống gạch vụn của các tòa nhà. Trên đài truyền hình của Indonesia, người ta thấy cảnh bình địa của các bệnh viện, nhà cửa và khách sạn, những chiếc xe bị cháy và nỗi lo sợ trên các khuôn mặt người dân chạy tứ tán ngay trong thành phố. Điện đóm và mọi phương tiện liên lạc đều bị cắt, những cố gắng cứu trợ thêm phức tạp khi màn đêm buông xuống.
Vào sáng sớm hôm thứ Ba tại Samoas, một trận động đất khác ngầm dưới biển lên tới 8.0 độ Richter tạo ra một trận sóng thần trước khi trời rạng sáng, gây thiệt mạng cho ít nhất 103 người và làm trọng thương 145 người khác. Các ngọn sóng thần đã phá hủy nhiều ngôi làng trên quần đảo này. Hội Hồng Thập Tự của Samoa cho hay họ đã tìm thấy 79 tử thi vào buổi sáng thứ Tư và có 30 ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận sóng thần này.
Trung tâm của hai vụ động đất nằm cách nhau khoảng 6,000 dặm và đã lập tức nhắc nhớ đến vụ sóng thần kinh hoàng đã tàn phá vùng Nam Á và Đông Nam Á cách nay 5 năm, giết chết trên 230,000 người. Ngay sau khi trận động đất xảy ra khoảng 15 phút, 4 đợt sóng thần cao 15 đến 20 feet, tức khoảng từ 5 đến 9 mét, ập sâu vào đất liền trên quần đảo Samoa khoảng cây số rưỡi. Sau trận động đất lớn là 3 cơn hậu chấn đo được lên ít nhất 5.6 độ Richter. Trên các đường phố và các cánh đồng tại thủ phủ Pago Pago của American Samoa bị phủ đầy những rác rưởi của biển, bùn, những chiếc xe bị lật úp và nhiều chiếc tàu nằm chơi vơi trên bãi, trong lúc các nhân viên cứu trợ phải làm việc ngày đêm. Nhiều tòa nhà trong thành phố nằm sát mặt biển đã bị san bằng. Người ta dự trù nhiều nơi sẽ bị mất điện cả một tháng trời. Tại Hoa Thịnh Đốn, tổng thống Obama tuyên bố thiên tai lớn cho vùng đất Samoa của Hoa Kỳ. Thống đốc Togiola Tulafono cho hay số người chết sẽ còn tăng cao nữa. Ông cũng nói thêm là chính một người trong dòng họ đã bị thiệt mạng bởi trận sóng thần này. Ảnh hưởng của sóng thần đã lan rộng gần 5,000 dặm. Trên hòn đảo của Nhật Bản, người dân cũng cảm thấy có sóng lớn, nhưng chưa có báo cáo về thiệt hại nhân mạng. Các giới chức Hoa Kỳ cho hay nhiều lượt sóng mạnh và nguy hiểm được dự đoán sẽ xảy ra tại California và Hoa Thịnh Đốn, nhưng sẽ không có lụt lớn. Samoa trước đây là thuộc địa của Tân Tây Lan cho tới khi họ được độc lập vào năm 1962, dân số khoảng 180,000 người sống rải rác trên nhiều hòn đảo nhỏ. Thành phố lớn thứ nhì là Lalomanu của Samoa đã bị một trận sóng thần cao gần 33 foot ập tới.
Các giới chức thiên tai của chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ cho hay đã có trên hàng chục ngàn người Mỹ Samoa và người Samoa đang cần sự giúp đỡ của chính phủ. Cơ Quan quản trị Khẩn Cấp Liên Bang đã chuyển đồ cứu trợ như thực phẩm, nước uống và dụng cụ sửa chữa từ trưa hôm thứ Tư, nhưng nhiều người dự đoán tình hình sẽ tồi tệ thêm.
Từ hôm thứ Bảy 26/09 bão nhiệt đới Ketsana đã đổ bộ vào Phi Luật Tân, gây cảnh lũ lụt và đất chuồi tệ hại nhất cho quốc gia này từ hơn 42 năm qua, đã có ít nhất 240 người chết. Chính phủ Phi Luật Tân ban bố tình trạng khẩn cấp tại ngay thủ đô Manila và 25 tỉnh thành khác. Nhiều nơi trong thủ đô bị nước ngập lên tới 6 thước. Có hơn 450,000 nhà của dân chúng bị ngập lụt và trên 115,000 người buộc phải bỏ nhà cửa để vào các trung tâm cấp cứu hay trường học hoặc nhà thờ. Hoa Kỳ đã trợ cấp $100,000 đô la sau khi chính phủ Phi Luật Tân yêu cầu quốc tế giúp đỡ.
Trận bão Ketsana, hay còn gọi là cơn bão số 9 chưa dừng lại ở đây. Vào hôm thứ Hai đầu tuần thì cơn bão này bắt đầu tiến vào bờ biển miền Trung Việt Nam. Vừa vào tới đất liền, cơn bão đã mang theo những cơn gió giật mạnh và mưa nặng hột. Cho tới nay đã có 41 người bị thiệt mạng và con số người chết sẽ còn tăng cao nữa vì nhiều nơi nước vẫn còn dâng cao. Các mực nước sông tại miền Trung ở mức rất cao và những vùng núi bị đất lỡ rất khó di chuyển. Đây được xem là một trận lụt tệ hại hơn vụ lụt xảy ra trong năm 1964. Sau khi rời khỏi Việt Nam, trận bão đã làm thiệt mạng thêm 11 người tại Campuchia.
Những thiệt hại nặng tại Việt Nam hầu hết xảy ra tại miền Trung, nơi đây nhiều nơi bị ngập nước và đất chuồi gây chết người và đe dọa các vụ cà phê. Nước vẫn còn ứ đọng tại Huế và Hội An. Các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Bốn tỉnh lân cận cũng bị ảnh hưởng, trong đó có tỉnh Kon Tum. Trận bão đã làm thiệt hại gần 170,000 căn nhà, phá hủy mùa màng và hệ thống đê đập, có trên 350,000 người phải di tản qua các vùng cao hơn. Trận lụt gây thiệt hại nhiều nhất trong thời gian gần đây tại miền Trung Việt Nam, đã xảy ra vào cuối năm 1999, lúc đó có khoảng 750 người bị thiệt mạng hoặc bị mất tích.
Khi trận bão Ketsana tiến vào miền Trung Việt Nam, có sức gió giật lên tới 104 dặm một giờ hay 167 cây số một giờ. Tại Huế, một lượng nước mưa kỷ lục 13 inches đã đổ xuống trong một ngày. Các phi trường, trường học và công sở tại Huế và Đà Nẵng buộc phải đóng cửa. Sự thông thương với các tỉnh, từ thành phố đến thôn quê đã hầu như bị đình trệ vì ngập nước. Đà Nẵng được xem là trung tâm điểm của trận bão vừa qua. Tính cho đến nay vẫn còn nhiều người mất tích. Thiệt hại nhân mạng lớn nhất là tại tỉnh Kon Tum với 13 nạn nhân. Tình Quảng Ngãi có 14 người thiệt mạng. Còn Quảng Nam có 5 người bị chết. Bão số 9 kéo theo mưa lớn làm cho mực nước các con sông dâng lên quá nhanh, gây cảnh lụt lội. Cho tới nay nhiều người dân than là chính quyền chưa trợ giúp được điều gì cho dân chúng gặp nạn. Họ cần phải đợi thêm vài ngày nữa may ra mới có được chút thực phẩm là mì gói ăn liền. Tại những nơi bị lụt, người dân tìm mọi cách để có nước sạch.
Tại phố cổ Hội An có chỗ nước ngập lên tới 3.5 mét, cao hơn mức lịch sử của năm 1999.
Theo báo chí trong nước, hàng chục ngàn người dân chạy bão tại tỉnh Quảng Nam bị mất trắng không biết sẽ sinh sống ra sao trong những ngày kế tiếp.
Để gọi là góp một bàn tay yểm trợ các nạn nhân của cơn bão lụt miền Trung, ban tổ chức Đêm tình Ca Diệu Hương tại Dallas đã quyết định đổi chương trình ca nhạc thuần tuý thành Đêm Ca Nhạc Gây Quỹ. Theo thông báo của ban tổ chức, toàn bộ số tiền thu được, sau khi trừ ra các chi phí, sẽ được chuyển đến hòa thượng Thích Quảng Độ và mục sư Nguyễn Xuân Bảo để cứu trợ tận tay các đồng bào xấu số.
Được biết Đêm Ca Nhạc Gây Quỹ giúp nạn nhân bão lụt miền Trung sẽ được tổ chức tại Hý Viện Garland Performing Art Center, thành phố Garland, vào lúc 7:30 tối, ngày thứ Bảy 31 tháng 10, năm 2009. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, trước tình cảnh tang thương chia lìa ruột thịt, chúng ta cùng đóng góp giúp bà con tại quê nhà đang cơn khốn cùng. Mong lắm thay.[] Quan Hưng