THỜI SỰ TRONG TUẦN – JULY 31, 2010

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

TRANH CÃI LUẬT DI TRÚ & JOHN WAYNE THỜI ĐẠI

Dù được xem là đã bị thua keo đầu trong đạo luật di trú khắc khe nhất từ trước tới nay, các giới thẩm quyền tại địa phương và cấp tiểu bang Arizona từ nhiều năm nay vẫn hằng sử dụng các biện pháp cứng rắn trong một khu vực được coi là cửa ngõ di dân bất hợp pháp bận rộn nhất của Hoa Kỳ.

Không có một nơi nào tại Hoa Kỳ mà các nhân viên công lực được tăng cường nhiều nhất trong các cộng đồng gốc Tây Ban Nha tại vùng quanh thành phố Phoenix nhằm bắt những di dân bất hợp pháp như tại quận Maricopa của ông cò Joe Arpaio.

Đứng trước đám đông biểu tình hôm thứ Sáu 30 tháng 7 vừa qua, cò Joe phát biểu với báo chí rằng, đây là nhiệm vụ của ông và ông đang thi hành chiếu theo hai đạo luật một của liên bang và một của tiểu bang. Ngoài cửa, những người biểu tình đập tay rầm rầm lên những cánh cửa sắt nhà tù vừa hô to các khẩu hiệu như: Ông cò Joe, chúng tôi đang có mặt tại đây và không còn sống trong lo sợ nữa.

Số là vào buổi chiều thứ Tư 28 tháng 7, năm 2010, trước khi đạo luật di trú khắc khe của Arizona chính thức có hiệu lực vào lúc 12:01 rạng sáng thứ Năm 29 tháng 7, một vị thẩm phán liên bang ra phán quyết ngăn chặn một số các điều khoản tranh cãi không cho có hiệu lực. Những điều khoản này bao gồm phần tiếp tục cho phép những người di dân bất hợp pháp được đứng đường xin việc làm mà không sợ cảnh sát đến hốt. Điều thứ Hai là không buộc cảnh sát phải xét giấy tờ bất cứ một ai dù người đó có những hành vi bị xem là có thể đang sống tại Hoa Kỳ bất hợp pháp. Thẩm phán Susan Bolton còn ra lệnh cấm không được truy tố những ai không mang theo giấy tờ chứng minh tình trạng di trú. Ngoài ra, bà cấm không cho cảnh sát được quyền bắt giữ di dân bất hợp pháp mà không có lệnh của tòa án.

Hôm thứ Sáu 30 tháng 7, thống đốc tiểu bang Arizona Jan Brewer bắt đầu vận động các nhà làm luật nên xem xét lại việc thay đổi luật di dân của tiểu bang để đáp ứng những phần bị vị thẩm phán ngăn chận.

Phát ngôn nhân của bà Brewer là ông Paul Senseman xác nhận là bà thống đốc đã liên lạc với các vị lãnh đạo tại quốc hội tiểu bang nhằm soạn thảo những thay đổi trên các điều khoản của luật pháp vào ngày 29/07, một ngày sau khi thẩm phán liên bang Susan Bolton đưa ra phán lệnh hoãn ban hành một số điều khoản trong đạo luật di dân mới.

Ông Senseman cho hay có thể là các nhà lập pháp tiểu bang sẽ nhóm họp trong khóa họp đặc biệt và sẽ xem xét việc thay đổi luật trong tương lai. Hiện bà Brewer vẫn tiếp tục theo đuổi công việc kháng cáo lệnh của bà Bolton.

Chủ tịch Thượng Viện tiểu bang Bob Burns cho hay ông cần phải tìm hiểu thêm trước khi có quyết định ủng hộ việc tổ chức một khóa họp đặc biệt hay không.

Phán quyết của vị thẩm phán liên bang hôm thứ Tư chặn lại các phần trong đạo luật mới, trong đó bao gồm điều khoản buộc các nhân viên cảnh sát phải tham gia tích cực vào công việc chống lại nạn di dân bất hợp pháp. Tiểu bang Arizona cho rằng họ buộc phải hành động vì chính phủ liên bang không mặn mà đến các công việc chống nạn di dân bất hợp pháp cả.

Từ xưa tới nay, làn sóng di dân bất hợp pháp vẫn chọn tiểu bang Arizona là cửa ngõ nhập vào Hoa Kỳ trong vài thập niên qua, mang theo những tệ nạn buôn lậu và chuyển tiền bất hợp pháp về Mễ Tây Cơ.

Nói về cò Joe Arpaio thì được mô tả như là một ông vua trong giới thi hành luật di trú tại địa phương. Cò Joe năm nay đã 78 tuổi, từng là nhân viên điều tra ma túy liên bang, được xem là một cảnh sát quyền uy như nhân vật huyền thoại xi nê thời cao bồi viễn tây John Wayne. Ngay vào chiều hôm 29 tháng 7, ông đã gửi khoảng 200 cảnh sát và nhân viên thiện nguyện đã được huấn luyện ra các đường phố Phoenix để lùng bắt những di dân bất hợp pháp khi họ vi phạm luật giao thông. Theo thống kê năm 2008, đã có 60% trong số 1,000 người bị bắt là di dân bất hợp pháp.  Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã cho mở một cuộc điều tra vào văn phòng của cò Joe gần 17 tháng qua về những cáo buộc kỳ thị và tội vi phạm hiến pháp khi khám xét và tịch thu tài sản của công chúng. Mặc dầu chính phủ không công bố chi tiết về cuộc điều tra này, cò Joe tin rằng những hành động càn quét của ông là điểm trung tâm của vụ điều tra.

Thống đốc Jan Brewer gọi quyết định của thẩm phán Susan Bolton chỉ là một vật cản trên đường đi và bà thề sẽ kháng cáo tới cùng. Tiểu bang Arizona đã chính thức nộp đơn kháng lên tòa Kháng Án số 9 Liên Bang tại thành phố San Francisco hôm thứ Năm 29 tháng 7 nhằm lật đổ phán lệnh của bà Susan và yêu cầu toà trên cần hành động nhanh chóng. Thẩm phán Susan cho rằng luật di trú liên bang là tối thượng trên luật tiểu bang. Nhưng nhà bảo trợ chủ chốt của luật Arizona là dân biểu Cộng Hoà Russell Pearce thì cho rằng bà chánh án đã không hành động đúng và tiên đoán tiểu bang cuối cùng sẽ toàn thắng trong vụ kháng cáo này.

Cho dù có hay không đạo luật di trú mới, chỉ riêng quận Maricopa của tiểu bang Arizona trong năm ngoái đã trục xuất trên 26,000 di dân ra khỏi Hoa Kỳ qua các chương trình hợp tác giữa chính phủ liên bang và địa phương, được biết qua cái tên Chương Trình 287. Văn phòng quận Los Angeles cho biết sở cảnh sát tại đây đã trục xuất 13,784 di dân bất hợp pháp, đứng hàng thứ nhì sau quận của ông cò Joe. Thế nhưng, chính phủ liên bang từ xưa tới nay vẫn bị chỉ trích là đã không theo dõi kỹ những nhân viên cảnh sát thi hành luật di trú của từng địa phương. Chương Trình 287 cho phép các nhân viên công lực được quyền chặn bất cứ một ai trên đường phố, trong xe hoặc đi bộ để xét giấy tờ di trú. Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan điều tra nội vụ trong tháng 3, chương trình 287 đã không được kiểm soát chặt chẽ, các nhân viên không được huấn luyện đầy đủ và không thông hiểu các đạo luật về quyền công dân.

Theo dữ liệu của chính phủ, chi phí liên bang từ tiền đóng thuế của người dân dành cho các chương trình ngăn chặn di dân bất hợp pháp đã tăng từ $5 triệu trong năm 2006 lên tới $68 triệu trong năm 2010. Hiện nay người ta phỏng định có khoảng 10.8 triệu người di dân bất hợp pháp, chiếm khoảng 26% dân số tiểu bang đang sống tại California, so với 460,000 người, tức khoảng 12% đang sống bất hợp pháp tại Arizona.

Theo nhận định của các chuyên gia, tranh cãi về luật di dân sẽ còn kéo dài, có thể sẽ phải chờ tới phán lệnh chung cuộc của Tối Cao Pháp Viện.[] (Quan Hưng)