THỜI SỰ TRONG TUẦN

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
THỜI SỰ TRONG TUẦN
 
Thời sự trong tuần này xoay quanh khoá họp thường niên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chính thức khai mạc vào ngày thứ Tư 23/09. Tổng thống Barack Obama trong lần viếng thăm đầu tiên khai mạc cuộc họp này đã khá thành công trong 2 chủ đề chính. Đó là sự nhượng bộ về phía Nga trong việc ủng hộ một sự cấm vận mới đối với Iran và một sự bảo đảm về phía Mạc Tư Khoa. Việc thứ hai là tìm sự ủng hộ của Bắc Kinh trên một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về vấn đề giới hạn vũ khí nguyên tử. Tổng thống Obama đã họp với tổng thống Nga Dmitri A. Medvedev vào chiều ngày thứ Tư. Trong cuộc họp tay đôi lần đầu tiên này, ông Obama đã quyết định thay đổi chương trình hỏa tiễn phòng không của cựu TT Bush tại Đông Âu với một kế hoạch khác ít đe dọa Nga hơn. Người ta nhận ra những cử chỉ của ông Medvedev cho thấy Nga có thể lần đầu tiên sẽ thay đổi quan điểm đồng thuận với yêu cầu của Hoa Kỳ là sẽ áp đặt cấm vận cứng rắn hơn đối với Iran nếu các cuộc thương lượng nguyên tử vào tháng tới không mang lại kết quả. Phát biểu về vấn đề này, tổng thống Nga Medvedev cho hay cấm vận không đưa đến một kết quả khả quan nào, nhưng trong một vài trường hợp, biện pháp cấm vận không thể không áp dụng. Một số các giới chức trong nội các tổng thống Obama tiết lộ rằng chương trình hỏa tiễn phòng không của Mỹ đã ảnh hưởng trên quyết định hợp tác của Mạc Tư Khoa trên vấn đề vấn vận Iran.
Ngoài Nga Sô, tổng thống Obama trong ngày họp Đại Hội Đồng LHQ cũng được sự ủng hộ của phía Trung Quốc. Quốc gia này đã đồng ý ủng hộ một Hiệp Định Cấm Phát Triển Nguyên Tử trong phiên họp Hội Đồng Bảo An trong ngày thứ Năm 24/09. Ông Obama đã chủ tọa phiên họp này và kêu gọi một cuộc bỏ phiếu trên một nghị quyết. Theo dự trù của các giới chức Tòa Bạch Ốc, nghị quyết này sẽ được thông qua một các dễ dàng.
Trong bài diễn văn trước Đại Hội Đồng LHQ, tổng thống Obama mưu tìm một cái nhìn thiện cảm hơn về người Mỹ đối với thế giới. Ông hứa là Hoa Kỳ sẽ không còn theo đuổi chính sách tự ý hành động mà rất nhiều quốc gia thành viên của LHQ khiếu nạn đã gây chia rẽ giữa chính quyền của tổng thống Bush và tổ chức LHQ. Bài diễn văn của tổng thống Obama đã bị gián đoạn nhiều lần bởi những tiếng vỗ tay và những ánh đèn chớp nháy của các phóng viên nhà báo. Phần nhiều nội dung xoáy quanh 2 vấn đề đã quá cũ, trong đó bao gồm các tham vọng thủ đắc nguyên tử của Iran và tiến trình hòa bình Trung Đông. Đối với Iran và Bắc Hàn, tổng thống Obama nói rằng nếu hai quốc gia này chọn cách loại bỏ những căn bản của quốc tế đưa ra và tiếp tục theo đuổi việc phát triển vũ khí nguyên tử gây bất ổn định trong khu vực, sự an toàn và cơ hội cho chính nhân dân của họ, thì họ phải chịu trách nhiệm. Trong lúc tổng thống Obama phát biểu thì tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngồi ở hàng ghế thứ năm không có phản ứng gì. Khi ông Obama phát biểu xong thì cả hội trường đứng lên vỗ tay, ngoại trừ riêng phát đoàn đại biểu của Iran.
Tổng thống Obama rời khỏi hội trường ngay trước khi tổng thống của Libya là đại tá Muammar Gaddafi lên phát biểu. Trong bài diễn văn đầu tiên trước Đại Hội Đồng LHQ, ông Gaddafi, nói dông nói dài về những chủ đề mà ông cho rằng Liên Hiệp Quốc chỉ là một tổ chức có truyền thống bất công. Trong bộ quần áo vàng truyền thống, có gắn huy hiệu hình Châu Phi trên ngực, ông đả phá vai trò thường trực của Hội Đồng Bảo An và cho rằng họ đã có những quyền lực vượt quá các quốc gia trong Liên Hợp Quốc. Ông cho rằng như thế là độc tài, là không có dân chủ và tự khủng bố chính mình. Ông nói rằng chính phủ nước ông sẽ không tuân phục hoặc thi hành theo các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An trong tư cách của họ hiện nay. Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc là các thành viên thường trực, được quyền phủ quyết trong Hội Đồng Bảo An, một cơ chế quyền lực nhất của Liên Hiệp Quốc. Libya hiện đang là thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An cùng với 15 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, cho tới hết năm 2010. Gaddafi hiện đang là chủ tịch của Liên Hiệp Phi Châu.
Trong lúc phát biểu ông Gaddafi tưởng chừng như muốn xé rách cuốn hiến chương Liên Hiệp Quốc đang cầm trên tay, cho rằng ông chỉ đồng ý về phần giới thiệu của cuốn sách, ngoài ra các phần khác chỉ là tờ giấy nhọ.
Trong gần một tiếng đồng hồ phát biểu, ông Gaddafi kêu gọi mở các cuộc điều tra về những cuộc chiến lớn kể từ khi tổ chức LHQ được thành lập. Ông cho hay kể từ khi LHQ thành lập hơn 60 năm nay đã có ít nhất 65 cuộc chiến xảy ra, trong đó ông nhắc đến chiến tranh Triều Tiên, vụ kênh đào Suez, chiến tranh Việt Nam và cuộc chiến 1990-91 tại Iraq mà ông cho rằng cuộc chiến này là  “mẹ của tất cả tội ác”. Đối với tổng thống Obama, ông Gaddafi lại có những lời nồng ấm hơn, gọi tổng thống là “đứa con của chúng ta” và cho rằng rất vui mừng nếu ông Obama có thể giữ chức tổng thống của Hoa Kỳ muôn năm. Ông lo ngại Hoa Kỳ sẽ trở lại chính sách cũ sau nhiệm kỳ của tổng thống Obama. Tổng thống Iran Ahmadinejad từng ngồi nghe hết bài diễn văn của tổng thống Obama, nhưng đã đứng lên ra khỏi hội trường khoảng 10 phút sau khi đại tá Gaddafi ra khán đài phát biểu.
Trong 35 phút phát biểu trước 192 quốc gia tại Đại Hội Đồng LHQ hôm thứ Tư của tổng thống Iran, ông Mahmoud Ahmadinejad đã không chỉ trích trực tiếp bất cứ quốc gia nào mà ông đã từng làm trong những lần được xuất hiện trước các thành viên của LHQ. Ông nhẹ giọng hơn và chỉ kêu gọi loại bỏ mọi vũ khí nguyên tử, hoá học và sinh học để dọn đường cho tất cả các quốc gia tiếp cận những kỹ thuật tân tiến cho hòa bình. Phiên phát biểu của tổng thống Iran sau ông Obama vài giờ đồng hồ và cũng có những ngôn từ cứng rắn đối với Hoa Kỳ và Do Thái trên vấn đề xâm chiếm Afghanistan. Iran cho rằng nạn khủng bố và nạn buôn lậu ma túy vẫn còn. Ông gọi Hoa Kỳ và Do Thái là những quốc gia kỳ thị. Ahmadinejad còn tố cáo Mỹ đã thất bại trong việc đóng cửa nhà tù vịnh GuantanamoCuba và những nhà tù bí mật vẫn còn đang hoạt động tại Âu Châu. Về Trung Đông, ông Ahmadinejad lên án hành động tấn công Gaza của Do Thái, nhưng lần này nhẹ giọng không kêu gọi phá hủy quốc gia này như ông đã từng làm trong các lần trước. Ông yêu cầu nên có một cuộc bầu cử tự do tại Palestine để chuẩn bị cho một sự chung sống hòa bình cho tất cả những người Palestine không phân biệt Hồi Giáo, Thiên Chúa giáo hay Do Thái Giáo.
Trở lại với bài diễn văn của tổng thống Barack Obama, ông đã nhắc đến các vấn đề quan trọng như: phát triển nguyên tử, thay đổi môi trường, nạn nghèo đói của thế giới và hòa bình Trung Đông. Nhưng ông lại không đả động gì đến cuộc chiến tại Afghanistan mà một tháng trước đây ông còn cho rằng “đây là một cuộc chiến tranh cần thiết”, một nền tảng an ninh của người Mỹ và chống lại bọn khủng bố. Nhiều nhà phân tích cho rằng, tổng thống Obama ý thức được rằng, cuộc họp của Đại Hội Đồng LHQ không phải là nơi lý tưởng để nhắc đến một cuộc chiến mà chính  người Mỹ không dám tự tin sẽ thắng.
Theo báo chí ở trong nước và những tin đồn, ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước Cộng Sản Việt Nam, trong chuyến sang Mỹ tham dự khóa họp của Đại Hội  Đồng LHQ sẽ có cuộc gặp tay đôi với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Nhưng cho tới nay báo chí ngoại quốc vẫn chưa xác nhận là cuộc họp này có được thực hiện hay không. Theo đại sứ CSVN tại Hoa Kỳ là ông Lê Công Phụng, đây là chuyến đi quan trọng cho quan hệ song phương Việt Mỹ. Ông Triết từng đến Hoa Kỳ 1 lần vào tháng 6 năm 2007. Ông đã chui cửa hậu để hội kiến với cựu tổng thống George Bush tại tòa Bạch Ốc. Tại một số các nơi mà ông Triết đi qua như California và Hoa Thịnh Đốn đều gặp sự biểu tình phản đối của người Việt. Hiện chưa rõ lịch trình của ông Nguyễn Minh Triết trong chuyến đi Mỹ lần này. Nhiều người đoán rằng, ông Triết chắc chắn sẽ có mặt tại Houston vào cuối tháng 9 trong dịp khai trương Tổng Lãnh Sự mới tại Texas.
Sau khóa họp thường niên của Đại Hội Đồng LHQ, Hoa Kỳ sẽ là quốc gia chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh của khối G20, khai mạc vào ngày thứ Năm 24/09 tại Pittsburgh, thành phố mệnh danh là ‘City of Briges”, một nơi chuyên sản xuất thép và kim loại. Tổng thống Barack Obama sẽ chủ tọa hội nghị tay ba với chủ tịch Palestine và thủ tướng Do Thái. Ông cũng sẽ hội đàm với chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, tổng thống Nga Dmitri Medvedev và tân thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama.[] Quan Hưng