Bình Luận: Tết Cũng Đói

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Trong khi đất nước dưới sự lèo lái của đảng Cộng Sản càng ngày càng nghèo thì giới trưởng giả, tư bản- mà ngày nay người ta hay dùng chữ Đại Gia- lại bất chấp kinh tế khó khăn, họ vẫn không tiếc tiền mở tiệc xa xỉ một cách khủng khiếp trong dịp xuân về. Có những tay giàu có bỏ ra cả trăm triệu, khoảng $10,000 tới $50,000 dollars, mở tiệc trứng cá tầm chiêu đãi khách, không phải chỉ một lần mà là hầu như hàng tháng. Khách sẽ được chứng kiến màn biểu diễn mổ cá tầm lấy trứng, muối trứng cá tại bàn, phục vụ trứng cá với  rượu quý với tiếp viên người Nga.
Các “đại gia” này làm giàu nhờ thời cơ nên  phải học làm sang kiểu  “phú quý sinh lễ nghĩa”, để chứng tỏ mình có tiền, nên họ đã bỏ công tìm mua những  loại gà độc và đắt là gà Đông Tảo để làm cỗ vui xuân. Mỗi con gà khoảng 35 đến 70 triệu đồng.
Lại có những loại đại gia bất động sản, chọn những dân tộc thiểu số chi tiền đề những dân tộc này tổ chức Tết theo phong tục của họ để đại gia thưởng thức những ngày đầu năm. Lại còn có những người giàu có đến độ bỏ tiền ra để nghĩ ngơi, hưởng thụ Tết trong những khách sạn dát vàng. Ngay tại Hà Nội những dinh thự giát vàng, sân rộng bao la như chốn thiên đàng cũng không thiếu, của các đại gia  
Cũng ngay tại thành phố Hà Nội, bên cạnh thiên đàng hạ giới của người giàu có thì có những kẻ sống trong tận cùng của khổ ải, cơm không đủ  ăn,  áo không đủ mặc. Họ  phải ngủ đầu đường xó chợ, trên những vỉa hè,. Có người không chăn và cũng không chiếu, không có cả một chiếc áo lạnh che thân, run rẩy trong cái rét cuối năm.  Họ nằm co ro dưới mái hiên, dưới tàn cây để tránh sương đêm, khi nhiệt độ ban đêm ngoài trời dưới 10 độ C. Vậy mà có kẻ đã qua được cả mấy mùa đông.  Những kẻ nhanh chân, may mắn hơn tìm được những trạm rút tiền ATM tạm trú qua đêm thì coi như đó là thiên đường. Cũng là thiên đường mà sao thiên đường của người nghèo nhìn, nghe là thấy rớt nước mắt.
Còn ngay tại quận 8, thành phố Sài Gòn nhiều gia đình phải sống chung với mảnh đất của người chết. Do cuộc sống khó khăn, bất hạnh không nhà, không cửa, nhiều người đã tìm vào bải tha ma để sinh sống qua ngày, tạo thành một xóm tên xóm Gò Mả.  Khi mới lưu lạc tới xóm này nhiều người rất sợ hãi, nhất là ban đêm.  Thức ăn hòa trong  mùi tử khí bốc lên chung quanh. Hàng ngày phải đối diện với cuộc sống khổ sở triền mien, không có nước sạch để dùng. Đây là khu ngập nước, thỉnh thoảng nước lại ngập vào ban đêm, họ phải lồm cồm bò dậy, không ngủ được, chờ nước rút.
Trẻ em xóm Gò Mả phần đông không có khai sinh có nhiều em  trong độ tuổi đến trường, nhưng phần lớn đều phải bỏ học để bán vé số, nhặt ve chai, ni lông phụ giúp gia đình. Những đứa trẻ   tội nghiệp hàng ngày vẫn phải lăn lội với cuộc sống một cách hồn nhiên.  Không phải chỉ gánh chịu cái nghèo triền miên mà dân xóm Gò Mả còn phải đối diẹn với bệnh tật nữa. Vậy mà có nhiêu gia đình đã ở trong bãi tha ma cả mấy chục năm.
Người dân sống khốn khó như vậy trong khi những kẻ  lãnh đạo nước chỉ bận rộn củng cố quyền lực, che dấu thành tích tham nhũng. Tham nhũng lạm phát đến nỗi phong bì không đủ lớn chứa tiền hối lộ, nên phải dùng valise hoặc túi xách. Chính Tổng Bí Thư Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng cũng đã xác nhận:” Bây giờ ra khỏi nhà, cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng nhỏ cũng có, như ngứa ghẻ, rất khó chịu” và lại mập mờ  "có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng” chắc ý hẳn muốn nói đồng chí X" Nguyễn Tấn Dũng tên tham nhũng gộc . Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì bảo:"Không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy chức vụ này chức vụ kia" ... "Mặc quần đùi áo trắng, mua vợt mấy chục triệu đánh Tennis, mà lương như thế thì làm sao đủ tiêu?" Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thì nói:  "tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”. Năm ngoái, Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, khi nói về nạn tham nhũng cũng nhận xét "một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là chết cái đất nước này.
Bầy sâu lãnh đạo mang bệnh ghẻ lở ăn của dân không từ một cái gì nên dân mới sống cảnh đầu đường xó chợ trên vỉa hè, lây lất trong những bãi tha ma  cơm không có ăn, nói gì sắm Tết. Ông bà ta có câu “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết” nhưng người dân ở tận cùng chốn địa ngục này ngày giỗ cha cũng đói mà Tết lại còn thê thảm hơn.
Thu Nga